giá cổ phần vào ngày mua nếu không có sự công bố sai thông tin. Theo đó nguyên đơn chỉ được bồi thường 1,2 triệu bảng, nguyên đơn không đồng ý và đã kháng cáo với phán quyết trên.
Hội đồng thẩm phán đã lật lại vụ kiện và ra phán quyết rằng quy định thông thường không áp dụng cho hành vi công bố thông tin sai tiếp tục sau khi giao dịch mua cổ phần làm cho nguyên đơn tiếp tục duy trì cổ phần, do đó bởi hành vì lừa đảo nguyên đơn đã bị “khoá lại” với tài sản. Bởi công ty đã giữ lại số cổ phần đó với mục đích đầu tư dài hạn nên mức độ ảnh hưởng do hành vi lừa đảo mang tính lâu dài hơn. Vì vậy nguyên đơn có quyền được bồi thường khoản chênh lệch giữa giá mua và giá bán lại thực tế, đây được gọi là thiệt hại ròng từ giao dịch do công bố thông tin sai.
Nếu người mua cổ phần bị thiệt hại do việc công bố sai do bất cẩn, nghĩa là người đó mua cổ phần do những báo cáo sai nhưng những người phát hành các báo cáo đó chứng minh được là không có hành vi lừa đảo, người đó vẫn được bồi thường thiệt hại.[7]
Tuy nhiên Luật về Công bố thông tin sai năm 1948 giới hạn người có thể bị kiện phải là một bên của hợp đồng mua cổ phần, là công ty cổ phần, và như vậy sáng lập viên có thể được loại trừ trách nhiệm với các thiệt hại phát sinh trong trường hợp. Trong xét xử, có quan điểm khác về vấn đề này từ phía các thẩm phán, thẩm phán Lightman J trong vụ kiện Possfund Custodian Trustee Ltd v Diamond (1996) đã trích một án lệ tương tự trước đó là vụ kiện Peek v Gurney năm 1873 cho rằng cần có một nghĩa vụ cẩn trọng đối với một bên tin tưởng vào bản cáo bạch và dự định làm như vậy.[10]
Cơ sở để chứng minh một người mua cổ phần bị thiệt hại do có hành vi vi phạm hợp đồng dựa trên việc trong bản cáo bạch của công ty trước khi bán cổ phần đã hứa hẹn về các tiềm năng và viễn cảnh của công ty nhưng trên thực tế những điều này đều không đạt được, người mua cổ phần có thể kiện
đòi bồi thường thiệt hại cho những lợi ích mà đáng lẽ ra họ được hưởng theo những sự hứa hẹn này.
3.2.2. Trách nhiệm hình sự
Vào giai đoạn phát triển ban đầu, sáng lập viên công ty có thể bị buộc tội hình sự nếu bị chứng minh là có hành vi lừa đảo trong thành lập công ty. Các thẩm phán có thể xem xét những hành vi sau đây của sáng lập viên là hành vi lừa đảo:
Sáng lập viên có thể bị buộc tội âm mưu lừa đảo nếu anh ta tham gia vào một thỏa thuận với những người bán tài sản cho công ty và những người đó sẽ trả một khoản hoa hồng cho sáng lập viên từ tiền bán tài sản cho công ty.
Có thể bạn quan tâm!
- Nghĩa Vụ Đối Với Các Hợp Đồng Tiền Công Ty
- Những vấn đề pháp lý về sáng lập viên công ty cổ phần - 8
- Trách Nhiệm Pháp Lý Do Vi Phạm Nghĩa Vụ Của Sáng Lập Viên Công Ty Cổ Phần
- Những vấn đề pháp lý về sáng lập viên công ty cổ phần - 11
Xem toàn bộ 95 trang tài liệu này.
Sáng lập viên lập ra những kế hoạch giả mạo về việc sẽ thành lập công ty để lừa những người khác góp vốn, tài sản. Đây là hành vi lừa đảo điển hình thường được gọi là các công ty bong bóng, khi mà một số người đóng vai trò sáng lập viên của một công ty, không bao giờ hoặc không có khả năng được hình thành, kêu gọi các nhà đầu tư góp vốn vào công ty và mang tiền bỏ trốn hoặc tuyên bố công ty không thể thành lập bởi những lý do khách quan mà đáng lẽ những người góp vốn phải được biết trước đó.
Sáng lập viên tham gia vào việc cung cấp những bản cáo bạch sai nhằm lừa dối công chúng và lừa họ mua cổ phần trong công ty cũng có thể bị buộc tội lừa đảo. Tính chất lừa đảo không cần phải có một sự thừa nhận trực tiếp về hành vi phạm tội. Việc buộc tội có thể được đưa ra dựa trên bất kỳ hành vi nào tạo ra suy nghĩ sai lầm cho người mua cổ phần của người đó. Tương tự, hành vi lừa đảo có thể được kết luận khi có một tuyên bố về sự phân chia cổ
tức không có thật, hoặc theo một thỏa thuận về việc tạo ra một việc mua bán thực tế bằng việc yêu cầu mua cổ phần với giá cao, hoặc dựa trên quá trình niêm yết cổ phần bằng các báo cáo sai nhằm mục đích lôi kéo công chúng mua cổ phần, làm họ tưởng lầm rằng việc niêm yết đã tuân thủ các quy định của Sở giao dịch chứng khoán.
Về sau, một số hành vi vi phạm nghĩa vụ của sáng lập viên đã được đưa vào luật hình sự của các quốc gia Anh Mỹ. Luật Hình sự New York năm 1913 quy định rằng bất kỳ người nào làm ra, phát hành hoặc công bố, hoặc góp phần làm ra, phát hành hoặc công bố, bất kỳ bản báo cáo hoặc quảng cáo nào liên quan đến giá, hoặc làm tác động tới giá của cổ phiếu, trái phiếu hoặc các công cụ ghi nợ khác của công ty cổ phần, hoặc liên quan đến điều kiện tài chính làm ảnh hưởng đến tình hình tài chính của công ty đã, đang và sắp phát hành cổ phiếu, trái phiếu và các công cụ ghi nợ khác nhằm mục đích lừa đảo, và người nào biết, hoặc có hoàn cảnh hợp lý để tin rằng bất kỳ sự giới thiệu, dự đoán hoặc hứa hẹn nào từ các báo cáo đó là sai, sẽ bị buộc tội lừa đảo. Một điều khoản khác của Đạo luật này quy định một người báo cáo hoặc công bố, hoặc góp phần báo cáo hoặc công bố, việc mua cổ phần, trái phiếu hoặc các công cụ ghi nợ khác của công ty cổ phần nhằm mục đích lừa đảo, bất kỳ giao dịch nào trong đó không có sự thay đổi thực tế quyền sở hữu hoặc không có lợi ích có hiệu lực thực tế thì có thể được coi là hành vi lừa đảo. Theo Luật Công ty Anh năm 1908, bất kỳ người nào tạo ra một sự giới thiệu sai trong bản báo cáo cung cấp thay cho một bản cáo bạch (trong các trường hợp không cần công bố bản cáo bạch theo luật đinh) bị buộc tội lừa dối và sẽ bị phạt tiền và ngồi tù, nhưng những báo cáo sai trong bản cáo bạch lại không bị quy định trách nhiệm hình sự trong luật.[7]
Theo thời gian, cùng với sự phát triển của pháp luật về công ty và pháp luật về thị trường chứng khoán ở các quốc gia Common Law, ngày càng nhiều hành vi vi phạm nghĩa vụ của sáng lập viên bị xếp vào các hành vi bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Luật pháp đã can thiệp nhiều hơn để điều chỉnh hành vi của các sáng lập viên công ty cổ phần nhằm giảm thiểu các hành vi vi phạm của chủ thể này bởi hành vi của họ có thể xâm hại đến quyền lợi của nhiều người, các cổ đông của công ty, các nhà đầu tư, và nhằm lành mạnh hoá quá trình hình thành các công ty cổ phần tại các quốc gia này.
Đạo luật chuyên ngành đầu tiên quy định cụ thể và chi tiết một số hành vi của sáng lập viên là có thể bị truy tố hình sự là Luật chống lừa đảo (trong đầu tư) của Anh năm 1939 (Prevention of Fraud (Investments) Act 1939). Sau đó là các luật như Luật Các dịch vụ Tài chính năm 1986 của Anh quy định tại Điều 14 về hậu quả hình sự cho bất kỳ cá nhân nào làm một bản báo cáo, hứa hẹn hay dự báo mà anh ta biết là gây nhầm lẫn, sai sự thật hoặc lừa dối; hoặc làm báo cáo, hứa hẹn hay dự báo một cách thiếu cẩn trọng, hoặc đóng dấu bất kỳ tài liệu nào một cách không trung thực nhằm giới thiệu hoặc, vô tình giới thiệu, người khác tham gia vào một hợp đồng để mua hay bán cổ phần tại Anh. Thêm vào đó hành vi tạo sự hiểu lầm hoặc hiểu sai về thị trường hoặc giá bán hoặc giá trị của cổ phần của công ty nhằm mục đích giới thiệu cho một người để người đó mua, quyết định mua hoặc đăng ký cổ phần cũng là hành vi vi phạm hình sự.[10]
Luật về Ăn cắp năm 1968 của Anh còn quy định một giám đốc hoặc thành viên quản lý công ty khác sẽ phạm tội hình sự nếu phát hành hoặc đồng ý phát hành một báo cáo hoặc sổ sách kế toán sai, dối trá hoặc gây hiểu nhầm để lừa dối các thành viên hoặc chủ nợ của công ty (bao gồm cả những người giữ các khoản nợ của công ty) về công việc của công ty, nếu anh ta biết về
điều đó. Quy định này cũng được áp dụng cho các sáng lập viên khi họ giữ vai trò quản lý công ty mới thành lập và vi phạm vào quy định trên.[10]
Do những quy định chặt chẽ hơn về hoạt động của các sáng lập viên công ty cổ phần mà các quan hệ của sáng lập viên với công ty đã mang nhiều tính hạn chế hơn, từ đó thì các tranh chấp phát sinh giữa sáng lập viên và công ty cổ phần và các cổ đông cũng giảm bớt hơn so với thời kỳ trước. Hoạt động thành lập công ty đã được kiểm soát chặt chẽ và các sáng lập viên cũng phải cân nhắc kỹ khi quyết định thực hiện các công việc có thể bị pháp luật coi là gây hại cho công ty và các chủ thể liên quan khác của công ty.
3.3. Liên hệ với pháp luật Việt Nam
Như đã phân tích ở các chương trước, pháp luật về công ty của Việt Nam đã quy định đồng nhất sáng lập viên công ty cổ phần với cổ đông sáng lập một cách máy móc chứ không hẳn do xuất phát từ bản chất của vấn đề. Các nghĩa vụ của sáng lập viên công ty cổ phần theo pháp luật Việt Nam được hiểu là nghĩa vụ của cổ đông sáng lập. Bởi vậy trách nhiệm pháp lý do vi phạm nghĩa vụ của sáng lập viên cũng là trách nhiệm pháp lý do vi phạm nghĩa vụ của cổ đông sáng lập. Những nghĩa vụ của cổ đông sáng lập theo Luật Doanh nghiệp Việt Nam năm 2005 bao gồm:
Các cổ đông sáng lập phải mua tối thiểu 20% tổng số cổ phần phổ thông được quyền chào bán và phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn chín mươi ngày, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Các cổ đông sáng lập không được quyền tự do chuyển nhượng cổ phần phổ thông thuộc quyền sở hữu cho người không phải là cổ đông sáng lập trong vòng 3 năm kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Trong thực tế, việc vi phạm nghĩa vụ trong trường hợp thứ hai của các cổ đông sáng lập khá phổ biến với các công ty cổ phần được thành lập do chuyển đổi từ công ty khác hoặc do cổ phần hóa. Các cổ đông sáng lập của các công ty này thường là các cán bộ nhân viên được quyền mua cổ phần của công ty chuyển đổi. Những cổ đông này thường không giữ được cổ phần lâu mà nhanh chóng mua bán trao tay cho người khác và không công khai trên sổ cổ đông của công ty. Tuy vậy hành vi vi phạm nghĩa vụ duy trì cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập cũng chưa được quy định cách thức xử lý và chế tài xử phạt nên tình trạng này vẫn diễn ra phổ biến.
Nếu cổ đông sáng lập không thực hiện nghĩa vụ thanh toán cho số cổ phần đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày thì theo quy định của Nghị định 102/2010/NĐ-CP ngày 01/10/2010 thì những hệ quả pháp lý phát sinh đối với cổ đông sáng lập như sau:
Nếu chưa thanh toán số cổ phần đã đăng ký mua thì người đó sẽ đương nhiên không còn là cổ đông của công ty và không được chuyển nhượng quyền mua cổ phần đó cho người khác.
Nếu cổ đông mới chỉ thanh toán một phần số cổ phần đã mua thì cổ đông đó chỉ có quyền biểu quyết, nhận lợi tức và các quyền khác tương ứng với số cổ phần đã thanh toán, không được quyền chuyển nhượng quyền mua số cổ phần chưa thanh toán cho người khác.
Số lượng cổ phần chưa được thanh toán sẽ do các cổ đông khác góp mua hoặc huy động từ nhà đầu tư và công ty sẽ phải làm thủ tục thay đổi cổ đông sáng lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
Ngoài những quy định nêu trên, Luật Doanh nghiệp cũng đã quy định về trường hợp “lifting the veil” (ngoại lệ của tính trách nhiệm hữu hạn) đối với cổ đông sáng lập. Đó là trong thời gian các cổ đông đang thực hiện việc góp đủ số vốn tương ứng số cổ phần chưa được thanh toán thì các cổ đông sáng
lập sẽ phải chịu trách nhiệm liên đới vô hạn với các nghĩa vụ tài sản và các khoản nợ phát sinh trong phạm vi giá trị số cổ phần chưa được góp đủ đó (Khoản 3, Điều 84, Luật Doanh nghiệp Việt Nam 2005). Và nếu cổ đông sáng lập trở thành thành viên quản lý của công ty cổ phần mới thì người này cũng sẽ phải chịu trách nhiệm liên đới vô hạn khi vi phạm vào các nghĩa vụ cơ bản của người quản lý công ty (nghĩa vụ cẩn trọng, trung thực) . Đó là các trường hợp thực hiện các giao dịch nội gián thu lợi cá nhân mà không được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông hoặc gây thiệt hại cho công ty trong khi thực hiện vai trò quản lý của mình.
Hiện tại, Luật Hình sự Việt Nam sửa đổi có hiệu lực ngày 1/1/2010 đã quy định các tội hình sự trong lĩnh vực chứng khoán: cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán; sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán; và thao túng giá chứng khoán. Các quy định này có phạm vi áp dụng bao gồm hành vi của cả các cổ đông sáng lập của công ty cổ phần, tuy nhiên những quy định này vẫn mang tính định lượng và chưa mang nhiều tính thực tiễn.
Có thể thấy, cổ đông sáng lập là dạng tồn tại rò ràng nhất và phổ biến nhất của sáng lập viên công ty cổ phần trong thời đại hiện nay nên việc quy định của Luật Doanh nghiệp như vậy là đúng theo xu thế chung của các quốc gia có Luật Công ty và thuận tiện cho việc quản lý của các cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, vì bỏ qua việc nghiên cứu và quy định về các quan hệ pháp luật trong giai đoạn trước khi công ty được hình thành nên những trách nhiệm pháp lý của sáng lập viên công ty cổ phần theo luật Việt Nam chưa phản ánh được đầy đủ bản chất pháp lý của vấn đề trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ của chủ thể này.
KẾT LUẬN VÀ ĐỀ XUẤT
Sáng lập viên công ty cổ phần không phải là một khái niệm mới trong pháp luật Common Law, nhưng tại Việt Nam đây vẫn là một vấn đề không mấy được đề cập có lẽ vì pháp luật về công ty của Việt Nam ra đời rất muộn so với thời đại phát triển rộng rãi của các sáng lập viên công ty. Như đã nêu ở các phần trước, thuật ngữ sáng lập viên - promoter không chỉ là một tên gọi mà bao hàm trong nó những mối quan hệ phát sinh trong quá trình thành lập công ty cổ phần, trong đó có quan hệ hợp đồng tiền công ty, một chế định quan trọng của luật công ty nói riêng và luật hợp đồng nói chung. Bởi vậy, đây là một vấn đề pháp lý có tính thực tiễn nên được nghiên cứu để phục vụ cho việc phát triển các nguyên tắc pháp lý và quy định thành văn điều chỉnh các quan hệ tiền công ty.
Thực tiễn đã cho thấy, pháp luật về công ty nói chung và thành lập công ty nói riêng vẫn còn nhiều hạn chế, chế định hợp đồng tiền công ty vẫn còn bị bỏ ngỏ với việc chỉ có vài điều luật quy định nhưng không phản ánh hết được tính chất phong phú và đa dạng của loại hợp đồng này. Theo cách quy định của Luật Doanh nghiệp hiện nay, các nhà lập pháp Việt Nam đang không thừa nhận một số lượng lớn các hợp đồng tiền công ty không phải do cổ đông sáng lập ký kết do chưa nghiên cứu một cách sâu sắc về các nguyên tắc pháp lý áp dụng cho các quan hệ tiền công ty, mà các học thuyết về sáng lập viên công ty cổ phần và quan hệ của chủ thể này với công ty có thể giúp giải quyết được vấn đề này.
Việc nghiên cứu về vai trò các sáng lập viên công ty cổ phần trong giai đoạn hiện nay trên thế giới và tại Việt Nam, đem lại một số những đóng góp thực tiễn cho việc xây dựng và hoàn thiện các chế định của luật công ty, nhất