Vào đầu thế kỷ XX, nhà kinh tế học người Áo, Jozep định nghĩa: Khách du lịch là hành khách xa hoa, ở lại theo ý thích ngoài nơi cư trú thường xuyên để thoả mãn nhu cầu cao cấp mà không theo đuổi mục đích kinh tế.
Odgilvi - Nhà kinh tế học người Anh cho rằng: Để trở thành khách du lịch phải có 2 điều kiện: (1) Đi xa nhà trong thời gian dưới 1 năm; (2) Phải chi tiêu tại nơi nghỉ lại bằng tiền kiếm được ở nơi khác.
Hội nghị của Tổ chức du lịch quốc tế họp tại Roma (1968) đã xác định: “Bất cứ ai ngủ một đêm tại nơi không phải nhà của mình và mục đích chính của cuộc hành trình không nhằm kiếm tiền đều được coi là khách du lịch”.
Nhìn chung, có nhiều quan niệm về khách du lịch. Song, về cơ bản chúng còn phiến diện và chưa phản ánh đầy đủ nội hàm của khái niệm. Một số mói chỉ dừng lại ở việc phân tích động cơ du lịch hoặc tách du lịch khỏi chức năng kinh tế xã hội.
Hội nghị quốc tế về du lịch tại Hà Lan (năm 1989) đã đưa ra quan niệm: “Khách du lịch quốc tế là những người trên đường đi thăm một hoặc một số nước khác với nước mà họ cư trú thường xuyên với mục đích của chuyến đi là tham quan, thăm viếng, nghỉ ngơi với thời gian 3 tháng, nếu trên 3 tháng phải được phép gia hạn. Khách du lịch không được làm bất cứ việc gì để được trả thù lao tại nước đến do ý muốn khách quan hay do yêu cầu của nước sở tại, sau khi kết thúc đợt tham quan hay lưu trú, phải dời khỏi nước đến tham quan để về nước thường trú của mình hoặc đi đến một nước khác”
Năm 1993, theo đề nghị của Tổ chức Du lịch Thế giới, Hội đồng Thống kê Liên hợp quốc (UNSC) đã công nhận những thuật ngữ sau để thống nhất việc soạn thảo thống kê du lịch.
Khách du lịch quốc tế ( International tourist) bao gồm:
- Khách du lịch quốc tế đến (Inbound tourist) là những người nước ngoài đến du lịch một quốc gia
- Khách du lịch quốc tế ra nước ngoài (Outbound tourist) là những người đang sống trong một quốc gia đi du lịch nước ngoài
Khách du lịch trong nước (Internal tourist): gồm những người là công dân của một quốc gia và những người nước ngoài đang sinh sống trên lãnh thổ của quốc gia đó đi du lịch trong nước
Có thể bạn quan tâm!
- Nghiên giá trị văn hóa dân tộc Khmer tỉnh Sóc Trăng phục vụ cho phát triển du lịch - 1
- Nghiên giá trị văn hóa dân tộc Khmer tỉnh Sóc Trăng phục vụ cho phát triển du lịch - 2
- Nghiên giá trị văn hóa dân tộc Khmer tỉnh Sóc Trăng phục vụ cho phát triển du lịch - 3
- Đặc Điểm Cư Trú, Sản Xuất Và Hình Thái Xã Hội
- Điều Kiện Tự Nhiên Và Tài Nguyên Thiên Nhiên
- Giá Trị Văn Hóa Của Người Khmer Tỉnh Sóc Trăng Trong Phát Triển Du Lịch
Xem toàn bộ 129 trang tài liệu này.
- Khách du lịch nội địa (Domestic tourist): bao gồm khách du lịch trong nước và khách du lịch quốc tế đến.
- Khách du lịch quốc gia (National tourist): bao gồm khách du lịch trong nước và khách du lịch quốc tế ra nước ngoài
Khách du lịch quốc tế được hiểu là những người đi ra khỏi môi trường sống thường xuyên của một nước đang thường trú đến một nước khác trong thời gian ít hơn 12 tháng với mục đích của chuyến đi không phải để tiến hành các hoạt động nhằm thu được thù lao ở nơi đến.
Cụ thể hơn, khách du lịch quốc tế bao gồm:
+ Những người đi vì lý do giải trí, sức khoẻ, gia đình hoặc các lý do tương tự.
+ Những người đi họp với tư cách đại biểu các hội nghị khoa học, chính trị, ngoại giao, kinh tế, tôn giáo…
+ Những người đi vì mục đích kinh doanh, công vụ (tìm hiểu thị trường, ký kết hợp đồng…).
+ Những người tham gia các chuyến đi du lịch trên biển (Sea Cruise) kể cả khi họ có thời gian thăm viếng dưới 24 giờ.
Những người không được coi là khách du lịch quốc tế:
+ Những người đi sang nước khác hành nghề (dù có hay không có hợp đồng) hoặc tham gia các hoạt động kinh doanh ở nước đến (những người hưởng lương hoặc có thu nhập ở nước đến).
+ Những người nhập cư vào nước đến.
+ Những học sinh, sinh viên đi học ở nước đến.
+ Những dân cư vùng biên giới, những người cư trú tại một quốc gia và đi làm ở quốc gia láng giềng.
+ Những hành khách đi xuyên qua một quốc gia và không nghỉ lại cho dù cuộc hành trình kéo dài trên 24 giờ.
Khách du lịch trong nước (khách du lịch nội địa) là những người đi ra khỏi môi trường sống thường xuyên của mình ở trong nước với thời gian liên tục trên 12 tháng cùng các mục đích của chuyến đi không phải để tiến hành công việc nhằm được trả thù lao ở nơi đến. Nói cách khác khách du lịch trong nước tức là những người đi du lịch trong phạm vi quốc gia của họ.
Tóm lại, quan niệm về khách du lịch ít nhiều có những điểm khác nhau, song nhìn chung chúng đều đề cập đến :
- Động cơ khởi hành (tham quan, nghỉ dưỡng, thăm người thân,…trừ động cơ kiếm tiền.
- Yếu tố thời gian (đặc biệt chú ý đến sự phân biệt giữa khách tham quan trong ngày và khách du lịch là những người nghỉ qua đêm)
- Những đối tượng được liệt kê là khách du lịch và những đối tượng không được liệt kê là khách du lịch
Ở nước ta, theo Luật du lịch Việt Nam, năm 2005, tại điều 4, chương 1 thì: “Khách du lịch là người đi du lịch hoặc kết hợp đi du lịch, trừ trường hợp đi học, làm việc hoặc hành nghề để nhận thu nhập ở nơi đến”
Tại điều 34, chương V qui định: “Khách du lịch gồm khách du lịch nội địa và khách du lịch quốc tế. Khách du lịch nội địa là công dân Việt Nam, người nước ngoài thường trú tại Việt Nam đi du lịch trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam. Khách du lịch quốc tế là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài vào Việt Nam du lịch; công dân Việt Nam, người nước ngoài thường trú tại Việt Nam ra nước ngoài du lịch”.
1.2. MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ VĂN HÓA VÀ DU LỊCH VĂN HÓA
1.2.1. Khái niệm văn hóa
Văn hóa là khái niệm mang nội hàm rộng với rất nhiều cách hiểu khác nhau, ien quan đến mọi mặt đời sống vật chất và tinh thần của con người. Văn hóa biểu hiện trong lí tưởng sống, trong các quan niệm về thế giới và nhân sinh, tín ngưỡng, trong lao động và đấu tranh, trong tổ chức đời sống, tạo dựng xã hội, thể hiện lí tưởng thẩm mĩ. Có thể tìm thấy những biểu hiện của văn hóa trong các phương thức và công cụ sản xuất, phương thức sở hữu, các thể chế xã hội, phong tục tập quán, giao tiếp giữa người và người, trong trình độ học vấn và khoa học kĩ thuật, trong trình độ sáng tạo và thưởng thức văn học, nghệ thuật.
Cho đến nay, khái niệm về văn hóa đã được nhiều nhà lý luận văn hóa trên thế giới diễn đạt bằng nhiều cách khác nhau. Định nghĩa khoa học về văn hóa ra đời sớm nhất ở Châu Âu của nhà nhân học văn hóa người Anh E. B. Tylor trong công trình nghiên cứu “văn hóa nguyên thủy” năm 1871, Ông cho răng: “Văn hóa hoặc văn minh hiểu theo nghĩa rộng nhất của dân tộc học, có nghĩa là một tổng thể phức hợp bao gồm các kiến thức, tín ngưỡng, nghệ thuật, đạo đức, luật lệ, phong tục và tất cả những khả năng và thói quen mà con người đạt tới với tư cách là một thành viên trong xã hội”.
Nguyên tổng giám đốc UNESCO, ông Mayo (F. Mayor), đưa ra một khái niệm về văn hóa vừa mang tính khái quát vừa có tính đặc thù: “Văn hoá bao gồm tất cả những gì làm
cho dân tộc này khác với dân tộc khác, từ những sản phẩm tinh vi hiện đại nhất cho đến tín ngưỡng, phong tục tập quán, lối sống và lao động”.
Ở Việt Nam, nhà dân tộc học Nguyễn Từ Chi khi nghiên cứu về văn hóa đã cho rằng: “Văn hóa không tự hạn chế vào một số biểu hiện của cuộc sống tinh thần. Nó là toàn bộ cuộc sống cả vật chất, xã hội, tinh thần của từng cộng đồng”. Giáo sư, tiến sĩ khoa học Trần Ngọc Thêm trong tác phẩm “Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam” đã định nghĩa: “Văn hóa là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội của mình”.
Tóm lại, Văn hóa là sản phẩm của loài người, văn hóa được tạo ra và phát triển trong quan hệ qua lại giữa con người và xã hội. Song, chính văn hóa lại tham gia vào việc tạo nên con người, và duy trì sự bền vững và trật tự xã hội. Văn hóa được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác thông qua quá trình xã hội hóa. Văn hóa được tái tạo và phát triển trong quá trình hành động và tương tác xã hội của con người. Văn hóa là trình độ phát triển của con người và của xã hội được biểu hiện trong các kiểu và hình thức tổ chức đời sống và hành động của con người cũng như trong giá trị vật chất và tinh thần mà do con người tạo ra.
1.2.2. Văn hoá tộc người
Văn hoá tộc người là một trong những khái niệm cơ bản của khoa dân tộc học, nó là tổng thể các yếu tố về tiếng nói, chữ viết, sinh hoạt văn hoá vật chất và văn hoá tinh thần, các sắc thái tâm lý và tình cảm, phong tục và lễ nghi... khiến người ta phân biệt tộc người này với các tộc khác, văn hoá tộc người là nền tảng nảy sinh và phát triển của ý thức tộc người. Một dân tộc bị đồng hoá, tức bị mất văn hoá riêng thì ý thức tộc người trước sau cùng bị mai một.
Có sự phân biệt nào đó giữa văn hoá tộc người và văn hoá của tộc người. Văn hoá của tộc người là tổng thể những hiện tượng văn hoá trong diện mạo hiện tại của tộc người đó, không kể các yếu tố văn hoá đó có sắc thái tộc người hay trung tính về tộc thuộc. Thí dụ, các hình thức trang phục kiểu châu Âu, các món ăn kiểu châu Âu hay kiểu Trung Hoa, các kiểu xây cất nhà cửa của người Việt đang được các dân tộc miền núi tiếp thu, các hình thức tôn giáo đạo Phật, Thiên chúa giáo, Tin lành... ở các dân tộc ... đều là các hiện tượng văn hoá của dân tộc, nhưng lại không mang sắc thái đặc trưng tộc người còn văn hoá tộc người là tổng thể các yếu tó văn hoá mang tính đặc trưng và đặc thù tộc người nó thực hiện chức năng cố kết tộc người và phân biệt tộc người này với tộc người khác. Các yếu tố văn hoá tộc
người như vậy, phải kể đầu tiên là ngôn ngữ mẹ đẻ, trang phục, nhất là trang phục phụ nữ, các tín ngưỡng và nghi lễ, là vốn văn hoá dân gian truyền miệng, tri thức dân gian về tự nhiên, xã hội về bản thân con người và tri thức sản xuất, khẩu vị ăn uống, tâm lý dân tộc...
Thực ra, không phải lúc nào văn hoá tộc người và văn hoá của tộc người cũng có ranh giới rõ rệt và bất biến. Trong quá trình phát triển, không ít hiện tượng văn hoá lúc đầu chỉ là yếu tố vay mượn, nhưng dần dần được "dân tộc hoá" "bản địa hoá", trở thành văn hoá tộc người, ít nhiều mang bản sắc dân tộc. Hơn thế nữa, bất cứ một yếu tố văn hoá ngoại lai nào được vay mượn thì ít nhiều cũng được sử dụng và tái tạo theo cách riêng của người vay mượn ấy1.
1.2.3. Văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể
Văn hoá vật thể là một bộ phận của văn hoá nhân loại, thể hiện đời sống của con người dưới hình thức vật chất; là kết quả của hoạt động sáng tạo, biến những vật và chất liệu trong thiên nhiên thành những đồ vật có giá trị sử dụng và thẩm mĩ nhằm phục vụ cuộc sống con người. Văn hóa vật thể quan tâm nhiều đến chất lượng và đặc điểm của đối tượng thiên nhiên, đến hình dáng vật chất, khiến những vật thể và chất liệu tự nhiên thông qua sáng tạo của con người biến thành những sản phẩm vật chất giúp cho cuộc sống của con người.
Văn hóa phi vật thể là toàn bộ những hoạt động tinh thần của con người và xã hội bao gồm kiến thức, các phong tục, tập quán, thói quen, cách ứng xử, ngôn ngữ (bao gồm cả ngôn ngữ có lời và ngôn ngữ không lời), các giá trị và thái độ, các hoạt động văn hóa nghệ thuật, tôn giáo, giáo dục, các phương thức giao tiếp và cách thức tổ chức xã hội. Kiến thức là nhân tố hàng đầu của văn hóa,thường được đo một cách hình thức bằng trình độ học vấn, trình độ tiếp thu và vận dụng kiến thức khoa học, hệ thống kiến thức được con nguời phát minh, nhận thức và được tích lũy lại, bổ sung nâng cao và không ngừng đổi mới qua các thế hệ.
Trong thực tế, văn hóa vật thể và phi vật thể luôn gắn bó mật thiết với nhau và có thể chuyển hóa cho nhau: không phải ngẫu nhiên mà K.Marx nói rằng “Tư tưởng sẽ trở thành những lực lượng vật chất khi nó được quần chúng hiểu rõ”. Bởi vậy mà tuỳ theo những mục đích khác nhau, việc phân biệt văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể sẽ phải dựa vào những tiêu chí khác nhau.
1 GS-PS Ngô Đức Thịnh “Các sắc thái văn hóa tộc người”
1.2.4. Mối quan hệ giữa văn hóa và du lịch
Từ những khái niệm và định nghĩa về văn hóa, du lịch như đã nêu trên, có thể thấy mối quan hệ giữa du lịch và văn hóa là mối quan hệ biện chứng. Hoạt động du lịch góp phần tăng trưởng kinh tế xã hội, tạo điều kiện nâng cao mức sống vật chất và tinh thần cho cộng đồng, thúc đẩy phát triển văn hóa. Ngược lại, văn hóa phát triển, bản sắc văn hóa được giữ gìn, công trình văn hóa được tôn tạo, vốn văn hóa truyền thống được khôi phục, đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân được hoàn thiện sẽ tạo điều kiện thu hút du khách, tăng trưởng kinh tế du lịch.
- Văn hóa là tài nguyên của du lịch
Các đối tượng văn hóa được coi là tài nguyên du lịch đặc biệt hấp dẫn. Tài nguyên thiên nhiên hấp dẫn du khách bởi sự hoang sơ, độc đáo, hiếm hôi; tài nguyên nhân văn thu hút du khách do tính phong phú, đa dạng, đặc sắc bởi tính truyền thống, tính địa phương của nó. Tài nguyên nhân văn là cơ sở chủ yếu tạo nên các loại hình du lịch văn hóa phong phú. Mặc khác, nhận thức văn hóa còn nhiều yếu tố thúc đẩy động cơ du lịch của du khách.
Mỗi dân tộc dù nhỏ bé, lạc hậu về kinh tế đến đâu vẫn có khả năng đóng góp những giá trị văn hóa xứng đáng vào di sản văn hóa chung của nhân loại. Những di sản văn hóa ấy có thể trở thành tài nguyên du lịch của quốc gia. Việt Nam có những điều kiện thuận lợi rất lớn về tài nguyên du lịch. Bên cạnh thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên, Việt Nam còn có cả một kho tài nguyên văn hóa phong phú: bề dày lịch sử và văn hóa, hàng ngàn di tích được xếp hạng thế giới và quốc gia, hàng vạn thiết chế tôn giáo, tín ngưỡng làm cho nơi nào cũng phản phất khí thiêng sông núi, lung linh những giá trị lịch sử, giá trị nhân văn đặc thù. Hàng trăm lễ hội dân gian trong cả nước tạo nên sức sống cho các di tích, các địa danh với nhiều màu sắc khác nhau về văn hóa lịch sử và văn hóa tâm linh. Việt Nam mang trong mình một vốn nghệ thuật dân tộc với nhiều loại hình phong phú về dân ca, dân vũ, sân khấu truyền thống, mỹ thuật, kiến trúc, điêu khắc… mà mỗi loại hình đều thể hiện màu sắc đặc trưng theo từng tộc người, từng vùng, từng miền trong đó đặc biệt là nghề thủ công truyền thống rất đa dạng, phong phú và tinh xảo… Việt Nam có 54 dân tộc anh em thuộc nhiều nhóm ngôn ngữ khác nhau, đại diện cho các ngữ hệ, các sắc tộc của vùng Đông Nam Á. Nét đặc sắc của các tộc người như một vườn hoa đa sắc màu về văn hóa tộc người phân bố rải rác khắp mọi miền đất nước và vẫn còn giữ được đầy đủ nét hoang sơ trong phong tục tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng,nếp sống vật chất, tinh thần… Ở Việt Nam đâu đâu người ta cũng tìm thấy một nền văn hóa ẩm thực phong phú, độc đáo, hấp dẫn theo từng vùng, miền.
Trải qua nhiều thử thách của việc giao lưu và tiếp biến văn hóa, Việt Nam vẫn khẳng định được bản sắc văn hóa của mình. Qua lịch sử và thực tế giao tiếp, không ai phủ nhận được dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam nói chung có truyền thống hiếu khách, biết thương yêu và quý trọng con người, chuộng hòa bình, coi trọng đạo lý, nặng nghĩa tình…
Tóm lại, Việt Nam có rất nhiều cơ sở và điều kiện để phấn đấu xây dựng một ngành du lịch vững chắc trên nền tảng các giá trị văn hóa đúng nghĩa và chân chính nhất. Nói khác đi văn hóa là điểm tựa vững chắc nhất của du lịch Việt Nam trên bước đường hội nhập với du lịch khu vực và du lịch thế giới.
- Sản phẩm du lịch mang nội dung văn hóa
Sản phẩm du lịch là lọai sản phẩm có tính tổng hợp, ngoài sản phẩm vật chất hữu hình (văn hóa vật thể), tuyệt đại bộ phận là sản phẩm vô hình (văn hóa phi vật thể) thỏa mãn nhu cầu tinh thần của du khách. Do đó giá trị sử dụng và giá trị của sản phẩm du lịch có một số đặc điểm riêng.
Giá trị sử dụng của sản phẩm du lịch là ở chỗ nó có thể thõa mãn nhu cầu có tính tổng hợp của du khách trong quá trình du lịch, một mặt vừa bao gồm các nhu cầu cơ bản như ăn, ở, đi lại của du khách, mặt khác còn bao gồm các nhu cầu tinh thần như tham quan, du ngoạn, làm phong phú kiến thức, tăng cường giao lưu… Do đó giá trị sử dụng của nó có tính đa chức năng. Mặc khác, sản phẩm du lịch là sự kết hợp của sản phẩm vật chất, sản phẩm tinh thần và dịch vụ. Tính vô hình của sản phẩm du lịch khiến giá trị sử dụng của sản phẩm du lịch ngày càng phong phú, chỉ có thể thông qua sự đánh giá của du khách, đo lường của du khách.
Sản phẩm du lịch kết tinh lao động phổ biến của con người, là kết quả tiêu hao sức lực, trí lực của con người, có giá trị như hàng hóa vật chất nói chung, nhưng sản phẩm du lịch có nhu cầu phức tạp, nội dung phong phú. Giá trị của sản phẩm du lịch có thể chia ra làm ba nội dung là giá trị sản phẩm vật chất, giá trị dịch vụ du lịch và sức thu hút của du khách. Trong đó, giá trị sản phẩm vật chất và giá trị dịch vụ du lịch có thể xác định được, trong khi tố chất văn hóa, kỹ năng chuyên môn, trình độ đạo đức nghề nghiệp của cán bộ du lịch… là khó xây dựng cho nên sức thu hút du khách là nội dung quan trọng tạo thành sản phẩm du lịch. Nó vừa là sự thu hút thuần túy tự nhiên lại vừa bao gồm sự thu hút từ cảnh quan, hiện tượng xã hội, nhân văn…
Du lịch là một lĩnh vực hoạt động đặc biệt của con người, được phát triển phù hợp với quy luật của nền văn minh nhân loại trên những thang bậc mới. Hoạt động du lịch hoàn
thành chức năng tái sản xuất sức lao động xã hội bằng phương thức tăng nhịp độ hoạt động của đời sống tinh thần của con người.
Trên cơ sở đó, chúng ta có thể phân tích rõ đặc thù của sản phẩm du lịch là: giá trị sử dụng của sản phẩm du lịch không phải là ở cái tồn tại vật chất, hiện hữu. Đối tượng “mua và bán” không phải là tài nguyên du lịch mà là cái chứa đựng trong tài nguyên du lịch những khả năng thỏa mãn nhu cầu của du khách. Do vậy, giá trị sử dụng của những sản phẩm du lịch không mất đi sau mỗi lần “bán” mà ngược lại, càng qua bán nhiều lần giá tri sử dụng này càng tăng. Giá trị sử dụng của sản phẩm du lịch không phải là cái ổn định ngang bằng với mọi đối tượng mua. Cấu tạo giá trị của sản phẩm du lịch là lợi nhuận của ngành du lịch phản ánh đặc thù sự hình thành sản phẩm của ngành. Du khách mua giá trị sử dụng của sản phẩm du lịch tức là mua cái khả năng thỏa mãn nhu cầu đặc trưng của họ. Cấu trúc nhu cầu đặc trưng rất phong phú, đa dạng, bao gồm những mặt chủ yếu như sau: nhu cầu cảm thụ cảnh quan; cảm thụ giá trị văn hóa lịch sử và truyền thống; nhu cầu nghỉ ngơi,tìm kiếm, khám phá những tri thức, cảm xúc mới. Những nhu cầu này thể hiện tính văn hóa của hoạt động du lịch, nói cách khác sản phẩm du lịch mang nội dung văn hóa vì sản phẩm của du lịch chính là sự kết tinh của ba yếu tố: cảnh quan thiên nhiên, bản sắc dân tộc và những thành tựu của nền văn minh vật chất. Như vậy, văn hóa chính là nền tảng tạo ra chất lượng và hiệu quả cho các sản phẩm của du lịch. Các giá trị văn hóa quyết định nét đặc sắc, độc đáo của các sản phẩm du lịch.
- Du lịch là một phương tiện quảng bá văn hóa
Văn hóa gắn với các hoạt động của con người nên có tính giao lưu, nhờ giao lưu mà các hoạt đọng văn hóa được lan truyền giữa các vùng, miền và các quốc gia với nhau. Du lịch ngày nay là con đường để nhận biết tính đa dạng và đặc sắc của các nền văn hóa. Du lịch là cầu nối hòa bình, thông qua du lịch du khách thấu hiểu hơn về nền văn hóa của vùng đất họ đến tạo điều kiện cho các dân tộc gần nhau hơn.
Trong thời gian đi du lịch du khách sẽ tiếp xúc trực tiếp với các sản phẩm du lịch, các loại hình văn hóa đa dạng, phong phú là những yếu tố quyết định chất lượng của chuyến đi, cái tạo nên sự thích thú đặc biệt của du khách.
- Ảnh hưởng tích cực của du lịch đối với văn hóa, kinh tế, xã hội
Du lịch vừa là đòn bẫy kinh tế vừa là hiện tượng văn hóa xã hội. Sự phát triển nhanh chống của du lịch có ảnh hưởng rất rõ rệt đối với kinh tế thế giới và văn hóa của nhân loại.