Nghiên cứu văn bản Quốc sử di biên - 13


Rõ ràng qua những ví dụ trên ta thấy được ngôn ngữ trong QSDB sống động linh hoạt hơn rất nhiều so với ĐNTL, tác phẩm không gò bó vào một khuôn mẫu nhất định, tác giả đã chép sử bằng cả tài năng và cảm xúc của mình. Lẽ đương nhiên, do tính chất "di biên" nên tác phẩm đã đưa vào những chi tiết mang tính văn học cao mà ĐNTL đã không thể làm được. Điều này càng làm rõ hơn những giá trị văn học và ngôn ngữ mà QSDB đem lại.

Mảng thơ trong QSDB không chỉ có giá trị văn học mà còn có giá trị cho những ai muốn tìm hiểu thơ và ngôn ngữ thơ trong các bộ sử - Một vấn đề rất ít được các sử gia đưa vào. Nhờ có thơ mà sự khô cứng trong việc mô tả các nhân vật và sự kiện trong tác phẩm trở lên lôi cuốn và hấp dẫn hơn. Ví dụ, khi kể lại việc Nguyễn Đăng Sở khi sang Trung Quốc cầu viện nhà Thanh mà không được, trên đường về đã buồn tủi và ngâm thơ rằng:

萍 梗 此 身 曾 履 歷,桑 愴 底 局 幾 推 栘.

( Bình ngạnh thử thân tằng lý lịch, Tang thương để cục kỷ thôi di).

Nghĩa là :

Thân này bèo bọt từng trôi nổi, Thế cuộc tang thương lắm đổi dời.

Hay khi kể về việc viên tri huyện ở Nghi Dương vì thiếu tô mà bị bắt giam, bị lính ở bộ lại thắt chân, có làm mấy câu thơ sau:

昔 日 坐 試 場,今 日 坐 糧 場,試 場 嫌 日 短,


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 294 trang tài liệu này.

糧 場 恨 日長.


Nghiên cứu văn bản Quốc sử di biên - 13

(Tích nhật tọa thí trường, Kim nhật tọa lương trường, Thí trường hiềm nhật đoản,

Lương trường hận nhật trường). Nghĩa là :

Xưa ngồi tại trường thi, Nay ngồi nơi trường thuế, Trường thi lo ngày ngắn, Trường thuế hận ngày dài.

Hay sự kiện vua phái Hoa đình hầu Nguyễn Cát phụng mệnh đi sứ nhà Thanh, báo việc thắng trận và xin sắc phong. Khi đến đường Đà Miên ( âm

đà , âm miên 綿), gặp Ngụy sứ Tây Sơn là Nguyễn Đăng Sở được tha trở về từ Giang Tây [Trung Quốc]. Hai bên cùng nhau trò chuyện, ngâm thơ. Thơ của Nguyễn Cát họa đáp lại. Có câu rằng:

Tha hương mi mấn hồn như mộng, Cố quốc phong quang bất cải tiền.

Nghĩa là:

Kẻ mày râu tha hương nơi đất khách, hồn như mộng, Nước cũ cảnh xưa chẳng đổi thay.

Dịch thơ :

Xa quê du khách hồn như mộng Nước cũ cảnh xưa vẫn thủa nào


QSDB do không chịu áp lực của một quan viết sử làm việc dưới sự kiểm soát của triều đình nên lối viết có phần nào phóng khoáng hơn so với ĐNTL, Các câu thơ, câu đối được đưa vào khi mô tả các sự kiện, càng làm tăng tính hấp dẫn của câu chuyện. Ví dụ như: Doãn Trắc đi đến đất Trác Châu vừa lúc gặp cha là Doãn Hựu ra đón chờ đoàn sứ bộ. Cha con được gặp nhau, mừng vui khôn xiết. Có câu rằng:

Tài văn mỗi vị nhân khi ngã, Cập kiến kinh hô nhữ vị thùy ?

Nghĩa là:

Mới nghe tin cứ bảo người ta dối mình,

Đến khi gặp lại kinh ngạc hỏi rằng, ngươi là ai ?

Hay như những câu thơ mà chỉ có sưu tầm trong quần chúng nhân dân mới có thể biết được như: Các Khóa sinh có câu rằng:

Nhất quan hành trình tam quán lộ, Thập niên đăng hỏa, bán niên trừ.

Nghĩa là:

Một quan tiền đường, ba quan hối lộ, Mười năm đèn sách, nửa năm trừ sưu.

Viết về Phạm Qúy Thích, Phan Thúc Trực đã chép vào bộ sử những vần thơ mà Phạm Qúy Thích dùng để bày tỏ nỗi lòng của mình như : Thời gian làm việc ở Quốc tử giám, ông chỉ nghĩ đến việc xin về nhà. Ông có câu thơ rằng:

Thử thân dĩ bị văn chương ngộ, Cánh bả văn chương dục ngộ thùy.

Nghĩa là:


Thân này đã bị văn chương làm cho lầm lỗi,

Còn muốn lấy văn chương để làm lỗi lầm ai nữa.

Lại có hai câu thơ sau:

Công môn hữu hành kiên đào lý, Thánh đại vô cùng sỉ mễ tiền.

Nghĩa là:

Cửa công may mắn được gánh đào với mận, Đời thánh bao la hoang phí gạo với tiền.

Lại có hai câu thơ như sau:

Thành Bắc lệ chi kim chính thục Thành Nam dạ dạ bá lao đề. (Nguyễn Quốc Bảo)

Nghĩa là:

Trái vải ở thành Bắc nay đương vụ chín, Đêm vắng ở thành Nam, chim Bá lao kêu.

Hay như hàng loạt các bài thơ của Doãn Hựu tự thuật về bản thân mình, bài tế của Doãn Hựu tế vua Lê, bài thơ khóc Lê Hậu …tất cả được Phan Thúc Trực ghi chép lại đầy đủ, tuy rằng điều này làm cho người đọc có thể đứt mạch khi theo dõi các sự kiện lịch sử nhưng nó khiến cho người đọc có những trải nghiệm khá bất ngờ, thú vị mà hiếm có bộ sử nào có cách ghi như vậy.

4. Một số hạn chế

Phan Thúc Trực mất ở tuổi tráng niên khi tiền đồ và sự nghiệp của ông đang ở giai đoạn rực rỡ nhất. Sự ra đi đột ngột của ông đã khiến công việc mà ông đang theo đuổi, muốn tự mình biên soạn một bộ sử để bổ sung cho


Quốc sử đã không thể trọn vẹn như ông mong muốn. Cuốn QSDB, như đánh giá của học giả Trần Kinh Hòa "chiếm một vị trí trọng yếu nhất trong các quyển sử ký dưới triều đình nhà Nguyễn", song nó vẫn là bộ sử còn đang dang dở, cho dù đã được con cháu họ Phan sau này biên tập và chỉnh lý lại

Theo dõi cách biên chép của QSDB có thể thấy được đôi chỗ các sự kiện bị đảo lộn, tháng sau chép lên tháng trước và ngược lại, ví dụ như trang 24b trong tập hạ, tháng 4 và tháng 5 đã bị đảo ngược cho nhau, hay như trang 26a chép các tháng theo thứ tự như tháng 7, tháng nhuận, tháng 9, tháng 6, tháng 10. Đôi lúc còn xuất hiện lời bình hoặc phụ chú của tác giả hoặc bình luận của chính tác giả thể hiện gián tiếp thông qua những lời chú thích, ngoài ra bộ sử còn có khá nhiều sai lầm về sử liệu gây sự nghi ngờ khi sử dụng.

Ví dụ sự kiện ngày Canh Thìn, 12 tháng 10, mùa đông [1807], mở sáu trường thi Hương, đó là các trường Thừa Thiên, Nghệ An, Sơn Nam, Hoài Đức, Kinh Bắc (QSDB, T.Thượng, tờ 56a). Song đối chiếu với ĐNTL, thì thấy ghi : "Định phép thi Hương: Nghệ An, Thanh Hoa, Kinh Bắc, Sơn Tây, Sơn Nam thượng, Hải Dương, cả thảy sáu trường". Như vậy, nếu theo ghi chép ở ĐNTL, thì ngay trong quy định đặt trường thi đã không có trường Thừa Thiên. Có thể khi mở trường thi thì có trường Thừa Thiên, nhưng khi quyết định chính thức nơi nào thi thì Thừa Thiên không có; hoặc có thể Thừa Thiên gộp thi cùng Nghệ An, giống như trường hợp ở QSDB ghi trường thi Hoài Đức, nhưng sách ĐNTL thì ghi trường Sơn Tây và ghi rõ trường Sơn Tây bao gồm cả Sơn Tây, Hoài Đức, Tuyên Quang và Hưng Hóa thi chung (ĐNTL, T.I, tr.702).

Việc có hay không trường thi Thừa Thiên rất quan trọng bởi nó liên quan đến thời điểm nào kỳ thi Hương được thống nhất trong toàn quốc (tức có cả thí sinh người từ Nghệ An trở vào Nam dự thi). Sau khi xem lại số


người thi đỗ ở khoa thi Hương lần đó (ghi chép ngay ở QSDB), quả thật đã không có trường Thừa Thiên. Đây là sai sót của tác giả, và cũng có thể là sai sót của người sao chép. Dù sao nó cũng khiến chúng ta phải thận trọng, kiểm tra đối chiếu thật kỹ với các sử liệu khác khi muốn sử dụng những thông tin mà QSDB cung cấp.

Hoặc cũng còn một số trường hợp (không biết do sao chép hay bản gốc vốn thế) đang dòng chữ to tiếp đến chữ nhỏ, gây hiểu lầm là nguyên chú. Ví dụ ở tờ 35 a, T. Hạ, sau dòng chữ "Giai tấu ngũ tỉnh", là đoạn chữ nhỏ "lăng Thiên Đức giang lệnh khúc xứ bối trực chi. Ngụy Tuần gián viết: "Thiên Đức giang trình bất tri kỷ thiên trượng, kim lệnh trực kì khúc, hại dân vô cùng. Sự nãi chỉ". Theo mạch văn, chúng tôi cho rằng đoạn chữ nhỏ là đoạn tiếp của phần chính văn nói về nội dung tấu trình của Nguyễn Đăng Giai, không phải là chú thích. Nguyên văn cả đoạn là "Giai tâu xin vua cho năm tỉnh khơi sông Thiên Đức, nắn thẳng các đoạn sông gấp khúc. Ngụy Tuần can rằng: "Sông Thiên Đức dài không biết bao nhiêu nghìn trượng, nay yêu cầu nắn thẳng các đoạn sông quanh co, sẽ tổn hại tới dân. Việc vì thế phải dừng lại".

Một hạn chế nữa của QSDB đó là việc phân bố các sự kiện không đồng đều, những năm đầu tác giả chép rất kĩ càng, nhưng càng về sau thì các sự kiện ngày một giảm đi, và sự kiện được ghi lại ở các tháng cuối sơ sài ví dụ như sự kiện chép trong tháng 9 năm 1836 trang 145a “ngày mồng 9 tháng 9 (giờ Mão) có 3 dải khí vàng ùi lên bắt đầu từ phía đông nam, qua một giờ thì biến thành mây đen rồi mưa xuống”, hay như tháng 4 năm 1837, trang 160b có chép “tháng 4, mùa hạ, cấm thợ đúc, thợ thêu không được làm thuê cho bọn thổ phỉ”, thậm chí ở một số năm tác giả đã bỏ qua không ghi chép các tháng liên tục, chủ yếu là các tháng nhuận. Điều này làm cho người đọc không nắm bắt được quá trình diễn tiến của các sự việc qua các tháng.

5. Tiểu kết:


Bên cạnh những hạn chế không thể tránh khỏi của một bộ sử tư nhân, được viết trong một thời gian ngắn, chúng ta phải thừa nhận QSDB là một bộ sử đặc biệt, trước hết nó là bộ sử duy nhất dưới triều Nguyễn ghi chép lại những sự kiện mà bộ Quốc sử vì một lý do chủ quan hoặc khách quan nào đó không đưa vào, giúp làm sáng tỏ thêm tình hình về kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước những năm đầu đời Nguyễn. Và điều đặc biệt nữa là bộ sử đã ghi lại các nhân vật, các sự kiện dưới thể Ký (là thể văn ghi lại chân thực chân tướng của sự việc, không dùng các điển tích, điển cố, các thủ thuật văn học như ẩn dụ, so sánh…) làm cho người đọc phần nào cảm nhận được quá khứ hiện lên chân thực và sống động. Đi sâu tìm hiểu về giá trị của QSDB ta càng thấy trân trọng tài năng và nhân cách của Phan Thúc Trực.


KẾT LUẬN

Trong khuôn khổ cho phép của luận văn, chúng tôi đã nêu ra và giải quyết các vấn đề liên quan tới văn bảnQSDB, trước hết là về thân thế sự nghiệp sáng tác của Phan Thúc Trực, qua đó chúng ta hiểu được tư tưởng, nhân cách con người ông, đó là con người cương trực, luôn gắn bó và cảm thông sâu sắc tới quần chúng nhân dân lao động. Tiếp đó, các vấn đề liên quan đến truyền bản của tác phẩm cũng được làm sáng tỏ. Qua so sánh đối chiếu, luận văn đã cho thấy bản QSDB in tại Hồng Kông còn mắc khá nhiều lỗi trong việc chế bản bản chữ Hán từ bản gốc QSDB, A.1045/1-2 (VHN). Vấn đề về thời điểm ra đời của bộ sử cũng được xem xét kỹ và chứng minh nhận định về thời điểm bộ sử hoàn thành vào khoảng năm niên hiệu Tự Đức từ 1851-1852 của các tác giả đi trước là đúng đắn. Việc đi sâu phân tích nội dung của các mục Tham bổ, Phụ chú, Ngoại truyện ... với phần Chính văn của bộ sử và nội dung của Trần Lê ngoại truyện, tác giả luận văn đã làm sáng tỏ một cách thuyết phục nhận định của một nhà nghiên cứu gần đây cho rằng QSDB không liên quan đến Trần Lê ngoại truyện . Luận văn cũng làm rõ ý đồ và quan điểm biên soạn QSDB của tác giả Phan Thúc Trực. Đúng như nhận định của các nhà nghiên cứu đi trước, QSDB thực sự là một bộ "tín sử" đáng trân trọng. Những giá trị cơ bản của QSDB trên phương diện lịch sử và văn học cũng được tác giả Luận văn làm sáng tỏ. Về giá trị sử học, đây là một bộ sử được biên soạn trên tinh thần khách quan, coi trọng sự thực, vì thế những sự kiện mà nó đăng tải có giá trị cao, đồng thời nó còn giúp bổ sung cho Quốc sử những sự kiện vì một lý do nào không được đăng tải. Về giá trị văn học, trên cơ sở phân tích được bút pháp điêu luyện của Phan Thúc Trực trong việc sử dụng thể loại Ký trong văn học để xây dựng nhân vật và ghi chép sự việc, điều này giúp chúng ta hiểu được rằng Phan Thúc Trực không chỉ là một nhà sử học chân chính mà còn là một cây bút tài ba trong việc sử dụng ngôn ngữ

Xem tất cả 294 trang.

Ngày đăng: 04/09/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí