nhân lực thường xuyên và nguồn nhân lực không thường xuyên như: nhân viên quản lý nhà nước về du lịch, quản lý trong các doanh nghiệp du lịch, hướng dẫn viên du lịch, nhân viên y tế, nhân viên ngân hàng, nhân viên hàng không… và tất cả những người lao động khác có liên quan đến hoạt động du lịch. Nhìn theo hướng chuyên biệt thì nhân lực du lịch chính là đội ngũ nhân viên làm việc tại các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các doanh nghiệp du lịch, các khu/điểm du lịch… Do vậy, nguồn nhân lực trong du lịch văn hóa là toàn bộ những người lao động trực tiếp và gián tiếp làm việc có liên quan đến hoạt động du lịch văn hóa, bao gồm đội ngũ quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp và kinh doanh du lịch văn hóa. Lực lượng này quyết định hiệu quả kinh doanh và sự tồn tại của du lịch văn hóa. Như vậy, muốn phát triển du lịch văn hóa bền vững cần phải có đội ngũ nhân lực giỏi chuyên môn nghiệp vụ, am tường văn hóa, đủ khả năng đảm nhiệm vai trò truyền tải hình ảnh về đất nước, con người và văn hóa Việt Nam cho du khách.
1.2.6. Thị trường du lịch văn hóa
Thành phần du khách của du lịch văn hóa chủ yếu là những người sống ở thành thị, ở những vùng phát triển, người nước ngoài, họ muốn tìm về nguồn cội, về các di tích lịch sử, lễ hội… của dân tộc nào đó và đặc biệt là những làng bản ở vùng quê xa xôi, tìm sự yên tĩnh và thư thái sau chuỗi ngày bận rộn. Những người đi du lịch văn hóa thường là những người có trình độ học vấn, những người thích phiêu lưu khám phá họ muốn tìm hiểu kiến thức mới lạ. Khách du lịch không ngoại trừ trường hợp là những nhà nghiên cứu, đối tượng này họ có thu nhập ổn định, có khả năng thanh toán, quyết định tiêu dùng nhanh và có nhu cầu dịch vụ tốt. Du lịch văn hóa thường nhằm vào đối tượng khách là trung niên trở lên. Họ là những người có tầm hiểu biết khá rộng, có nhu cầu khám phá, nghiên cứu, mở rộng sự hiểu biết. Một đối tượng du khách nữa đó là độ tuổi thanh niên và thanh thiếu niên đây là độ tuổi học sinh sinh viên với mong muốn nghiên cứu học tập, chỉ riêng với lễ hội đối tượng khách được mở rộng hơn rất nhiều. Như vậy, thị trường du lịch văn hóa được hiểu là một kiểu thị trường du lịch đáp ứng và thỏa mãn yếu tố văn hóa của du khách. Đây chính là nơi diễn ra sự trao đổi, mua bán giữa người mua là khách du lịch có nhu cầu thỏa mãn về sản phẩm văn hóa và người bán là những nhà cung cấp dịch vụ có liên quan đến du lịch văn hóa trong một thời gian và không gian xác định. Thị trường du lịch văn hóa chịu sự tác động chung của thị trường du lịch về
yếu tố địa lý, yếu tố cung cầu; về tính chất hoạt động và thành phần sản phẩm. Đồng thời, thị trường du lịch văn hóa đảm nhiệm các chức năng như: chức năng thực hiện, chức năng thừa nhận, chức năng thông tin và chức năng điều tiết.
1.2.7. Tổ chức, quản lý du lịch văn hóa
Đó là trình độ phối hợp các dịch vụ riêng lẻ thành các sản phẩm du lịch văn hóa hoàn chỉnh và tạo điều kiện dễ dàng trong việc mua sản phẩm của khách hàng. Hay nói một cách khác, đó chính là sự tổ chức, điều hành của từng đơn vị kinh doanh lữ hành, đồng thời cũng là mối quan hệ giữa các đơn vị kinh doanh lữ hành với nhau và giữa các đơn vị kinh doanh lữ hành với các đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch văn hóa. Ngoài ra, trình độ tổ chức quản lý Nhà nước về du lịch văn hóa còn thể hiện ở việc xây dựng và kiểm tra việc thực hiện quy hoạch, tổ chức tuyên truyền quảng cáo, thanh tra các hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp có kinh doanh du lịch văn hóa… Đó cũng là sự hình thành và tổ chức hoạt động du lịch văn hóa giữa các điểm du lịch và các mạng lưới tổ chức du lịch được thể hiện trong quy hoạch. Công tác tổ chức, quản lý du lịch văn hóa cũng đồng nghĩa với công tác tổ chức quản lý, phát huy và bảo tồn các di sản văn hóa. Đây là điều kiện quan trọng để đảm bảo tính hiệu quả và bền vững để phát triển du lịch văn hóa. Tổ chức quản lý Nhà nước về du lịch văn hóa hiện nay đang là vấn đề được lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo ngành và các doanh nghiệp quan tâm. Việc quản lý phải được cụ thể hóa trong công tác quy hoạch, ban hành các quy chế, các chính sách phát triển du lịch văn hóa phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa phương.
1.2.8. Xúc tiến, tuyên truyền, quảng bá
Trong ngành du lịch, xúc tiến là hoạt động tuyên truyền, quảng bá, vận động nhằm tìm kiếm, thúc đẩy cơ hội phát triển du lịch. Như vậy, công tác xúc tiến trong du lịch góp phần quan trọng trong việc giới thiệu hình ảnh sản phẩm du lịch đến với du khách trong và ngoài nước, đồng thời nó cũng mang lại hiệu quả thiết thực cho ngành du lịch. Trên cơ sở đó, có thể hiểu xúc tiến, tuyên truyền, quảng bá trong du lịch văn hóa là tranh thủ mọi cơ hội để có thể quảng bá hình ảnh du lịch văn hóa đến với thị trường du lịch trong và ngoài nước. Việc giới thiệu các hoạt động và sản phẩm du lịch văn hóa này nhằm mục đích để du khách có thể chiêm ngưỡng, đánh giá, nghiên cứu, đồng thời tạo điều kiện thúc đẩy du lịch văn hóa phát triển và mang lại hiệu quả kinh doanh cao nhất cho ngành du lịch nói chung.
Có thể bạn quan tâm!
- Nghiên cứu phát triển du lịch văn hóa tại huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên - 1
- Nghiên cứu phát triển du lịch văn hóa tại huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên - 2
- Văn Hóa Là Cơ Sở, Là Nguồn Lực Để Phát Triển Du Lịch
- Lịch Sử Hình Thành Và Phát Triển Huyện Định Hóa
- Các Loại Hình Dân Ca Dân Vũ Tiêu Biểu Của Định Hóa
- Nhu Cầu Lưu Trú Của Khách Du Lịch Văn Hóa Đến Định Hóa
Xem toàn bộ 133 trang tài liệu này.
1.2.9. Bảo tồn di sản văn hóa trong du lịch
Văn hóa là tài nguyên cốt lõi để cấu thành sản phẩm du lịch văn hóa. Nếu nhìn về góc độ tổng thể, nơi nào có yếu tố du lịch nói chung và du lịch văn hóa nói riêng thì nơi có chắc chắn tồn tại yếu tố văn hóa, thậm chí là những nét văn hóa đặc sắc. Do mối quan hệ không thể tách rời nên sản phẩm du lịch văn hóa bao giờ cũng mang hình ảnh của văn hóa. Vì thế, bảo vệ các giá trị văn hóa cũng chính là bảo vệ tài nguyên du lịch văn hóa nói riêng và tài nguyên du lịch nói chung, đồng thời đây cũng là nghĩa vụ và quyền lợi thiết thực của mỗi con người trong xã hội. Luật Di sản văn hóa Việt Nam đã khẳng định “Di sản văn hóa Việt Nam là tàn sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là một bộ phận của di sản văn hóa nhân loại, có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta” [19, tr.2]. Như vậy, việc bảo tồn di sản văn hóa và các giá trị văn hóa trong du lịch bao giờ cũng là cần thiết và cấp bách..
Việc tìm hiểu hệ thống lý luận về du lịch văn hóa như trên là cơ sở để nghiên cứu phát triển loại hình du lịch này ở một địa bàn cụ thể, mà trong phạm vi luận văn này là nghiên cứu phát triển du lịch văn hóa ở huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên – một địa danh gắn liền với lịch sử vệ quốc vĩ đại của dân tộc.
1.3. Bài học kinh nghiệm trong phát triển du lịch văn hóa
Việt Nam có đủ các yếu tố để phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, với tiềm năng du lịch đa dạng và phong phú. Trong những năm gần đây du lịch Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ cả về chất và lượng. Đặc biệt là phát triển du lịch văn hóa là hướng đi là xu thế của các nước đang phát triển loại hình du lịch này rất phù hợp với bối cảnh của Việt Nam, rất tốt cho hoạt động xóa đói giảm nghèo quốc gia, vì vậy phải được xem là hướng phát triển của ngành du lịch. Ở Việt Nam, nhiều hoạt động du lịch văn hóa được tổ chức dựa trên những đặc điểm của vùng miền. Năm Du lịch quốc gia được tổ chức luôn phiên hàng năm ở các tỉnh/thành trên cả nước, Hội nghị quốc tế “Du lịch tâm linh vì sự phát triển bền vững”, chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” từ lần thứ I (2009) đến lần lần thứ VI (2014) được tổ chức lần lượt ở 6 tỉnh Việt Bắc, Con đường Di sản miền Trung (Lễ hội dân gian kết hợp tham quan những di sản văn hóa được UNESCO công nhận), Chương trình Du lịch về nguồn kết hợp giữa 3 tỉnh Yên Bái, Lào Cai và Phú Thọ... đây là những hoạt động của du lịch văn hóa, thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước.
Việt Nam với 54 dân tộc anh em, mỗi dân tộc lại mang một nét văn hóa độc đáo, nên văn hóa Việt Nam đa sắc màu đó cũng chính là một tài nguyên du lịch văn hóa hết sức độc đáo. Đánh giá được đây là tiềm năng những năm gần đây các công ty du lịch, chính quyền địa phương, ngành du lịch Việt Nam đã có các chương trình du lịch, hướng phát triển du lịch hết sức tạo bạo cho mình, bằng chứng đó là đã xây dựng được rất các bản du lịch cộng đồng đậm đà bản sắc dân tộc như bản Lác, bản Văn (Mai Châu – Hòa Bình), Tả Phìn (Lào Cai)…, xây dựng các tour du lịch thu hút khách đến với các di tích lịch sử như Điện Biên Phủ, khu di tích ATK Định Hóa,… khôi phục được các lễ hội truyền thống, các làng nghề đã bị mai một…
Tuy nhiên, từ hơn 20 năm phát triển du lịch, Việt Nam chỉ chú trọng khai thác thiên nhiên và thiếu định hướng chiến lược phát triển, đầu tư một cách bài bản cho du lịch, và kém xa các nước khác trong khu vực và vẫn chưa có được một sân khấu, nhà hát biểu diễn nghệ thuật dân tộc nào độc đáo để giới thiệu đến du khách quốc tế, để đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Đồng thời hoạt động du lịch văn hóa của nước ta từ nhiều năm nay, cũng đang bị báo động về nạn "chặt chém", các chương trình bị “loãng”, bắt nạt du khách, cơ sở hạ tầng, chất lượng dịch vụ, quản lý kém, ô nhiễm môi trường tại các điểm du lịch, nhiều di tích không được bảo quản đúng mức, gây hư hỏng nghiêm trọng hay bị sửa lại khác so với lúc ban đầu… tạo ấn tượng xấu với du khách. Vì những yếu kém như vậy nên ngành du lịch Việt Nam nói chung và du lịch văn hóa nói riêng thường chỉ chú trọng khai thác quá mức các tài nguyên du lịch nhân văn như một điểm mạnh, nhưng việc "xã hội hóa" các di tích (cho phép các công ty đầu tư khai thác và bán vé vào cửa) và các công ty này lại không quan tâm bảo trì đúng mức, do đó cảnh quan đang bị xuống cấp hay phá hủy nhanh chóng.
1.3.1. Kinh nghiệm của huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị
Trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc vĩ đại, Quảng Trị là tiền đồ của miền Bắc Xã hội chủ nghĩa và là điểm đầu của chiến trường miền Nam – Thần đồng Tổ quốc. Trong hệ thống dày đặc các di tích lịch sử tại vùng đất lửa, có thể nói đến huyện Gio Linh – nơi có Thành cổ Quảng Trị. Đây là một điểm đến tiêu biểu, có vai trò quan trọng trong hành trình du lịch xứ Quảng nói riêng và du lịch miền Trung nói chung. Bởi nơi đây đã ghi lại dấu ấn ác liệt của mùa hè đỏ lửa năm 1972, với sự chiến đấu anh dũng trong suốt 81 ngày đêm của các chiến sĩ cách mạng. Những hồi ức ấy mãi sống trong lòng người dân cả nước, đặc biệt là quân và dân Quảng Trị. Sau ngày giải phóng đất
nước, với những giá trị lịch sử cách mạng của mình, Thành cổ Quảng Trị được Nhà nước quan tâm, trở thành di tích cấp Quốc gia cùng với tour DMZ và các nét văn hóa độc đáo khác của Quảng Trị đã trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc của tỉnh.
Như vậy, có thể thấy Quảng Trị nói chung và huyện Gio Linh nói riêng có tiềm năng rất lớn về di tích lịch sử, văn hóa, biểu hiện bằng sự phong phú về chủng loại, đa dạng về loại hình, giàu có về nội dung và tiềm ẩn diễn trình văn hóa – lịch sử của một vùng đất đã trải qua nhiều biến động. Dù không có lợi thế về khí hậu như các địa phương khác nhưng bằng những tiềm năng của mình, du lịch Gio Linh đang ngày càng phát triển, tạo ra được những sản phẩm độc đáo, hấp dẫn. Một trong những sản phẩm đó là chương trình du lịch hoài niệm – một sản phẩm mang thương hiệu không chỉ của huyện Gio Linh mà còn là trên phạm vi toàn tỉnh Quảng Trị, thu hút đông đảo đối tượng khách tham quan. Cùng với sự phát triển của chương trình du lịch hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội, Thành cổ Quảng Trị đang là điểm đến được nhiều người quan tâm, là một điểm nhấn trong Tour DZM, mang những giá trị lịch sử vô cùng lớn lao. Thành cổ Quảng Trị là khu di tích lịch sử cách mạng tiêu biểu nhất trong hàng trăm di tích về chiến tranh cách mạng ở tỉnh Quảng Trị.
Trong mỗi con người, tìm hiểu về quá khứ, nhận thức lịch sử là một nhu cầu tất yếu bởi “nhận thức đúng bài học lịch sử sẽ giúp hiểu biết sâu sắc và nhận thức thực tại tốt hơn. Điều nay giúp ta ứng phó tốt với mọi thay đổi trong tương lai” (trích lời Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu). Thế nên, việc phát huy giá trị các di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn huyện Gio Linh là yếu tố để thu hút khách tham quan du lịch và cũng là phát huy tính độc đáo của du lịch Quảng Trị - du lịch thăm lại chiến trường xưa, tham quan di tích chiến tranh có một đặc điểm không một địa phương nào trên hành lang kinh tế Đông Tây có được. Việc khai thác, phát triển du lịch hoài niệm tại Thành cổ Quảng Trị là một yêu cầu tất yếu, khai thác giá trị di tích lịch sử cách mạng đóng góp cho sự phát triển chung của toàn tỉnh. Để đạt được hiệu quả du lịch cao, huyện Gio Linh đã có sự phối hợp linh hoạt giữa các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền như UBND huyện với Phòng Văn hóa – Thông tin huyện, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Quảng Trị, Ban quản lý Khu di tích và các công ty du lịch trên địa bàn.
Như vậy, có thể thấy ngoài những điểm khác biệt mang tính đặc trưng thì Di tích Thành cổ Quảng Trị có những nét tương đồng với hệ thống di tích lịch sử của huyện Định Hóa. Dựa vào bài học phát triển du lịch ở Thành cổ Quảng Trị, Định Hóa có thể học hỏi kinh nghiệm về việc xác định sản phẩm du lịch đặc thù (du lịch hoài niệm) và kinh nghiệm về sự
liên kết giữa các cơ quan chịu trách nhiệm quản lý với công ty du lịch nhằm khai thác có hiệu quả di tích lịch sử trong phát triển du lịch tại địa phương.
1.3.2. Kinh nghiệm của thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên
Trong lịch sử hiện đại, Điện Biên được nhắc đến như một chiến thắng vĩ đại của một đất nước thuộc địa nhỏ bé ở Đông Nam Á chống lại đội quân hùng mạnh của cường quốc phương Tây. Thành phố Điện Biên được biết đến với trận Điện Biên Phủ năm 1954, giữa quân đội Việt Minh (do tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy) và quân đội Pháp (do tướng Christian de Castries chỉ huy). Cuộc chiến mang ý nghĩa rất lớn trong việc kết thúc vai trò của người Pháp ở bán đảo Đông Dương, và đưa tới việc kí kết hiệp định chia Việt Nam ra thành 2 miền: Bắc và Nam. Trận Điện Biên Phủ được nhắc đến như một chiến thắng vĩ đại nhất của các nước Đông Nam Á chống lại một cường quốc phương Tây. Bằng cách huy động sức người một cách tối đa và với lực lượng hậu cần đông đảo của mình, Việt Minh đã làm nên một trong những chiến thắng quan trọng nhất trong lịch sử chiến tranh của Việt Nam.
Quần thể di tích lịch sử Điện Biên Phủ được chính thức xếp hạng di tích lịch sử quốc gia ngày 28 tháng 4 năm 1962. Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ được xây dựng nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (2004). Hiện nay chạy dọc thung lũng Mường Thanh, nơi diễn ra cuộc đọ sức lịch sử năm xưa là đại lộ 279, con phố chính và lớn nhất thành phố Điện Biên Phủ. Mảnh đất này đã trở thành biểu tượng cho hòa bình, độc lập dân tộc và dân chủ, là thiên anh hùng ca về tinh thần quyết chiến, quyết thắng, là niềm tin của các dân tộc thuộc địa trên toàn thế giới, làm nức lòng bạn bè khắp năm châu. Với vai trò là một “chiến thắng lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu” của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp vĩ đại, Điện Biên Phủ đã tạo ra một ấn tượng sâu đậm, đặc trưng đối với du khách.
Ngoài các di tích lịch sử nói trên, thành phố Điện Biên Phủ còn là địa bàn cư trú của nhiều dân tộc thiểu số. Mỗi dân tộc ở đây có những luật tục quy định riêng về đồ dùng trong gia đình, vị trí ăn/nghỉ trong nhà, kiêng kị của gia đình/bản làng… Đây chính là những “quy ước chung” để răn dạy con cái, gắn kết các thành viên trong gia đình nhưng đồng thời cũng phản ánh tính cộng đồng cao. Những chuẩn mực nghi lễ, ứng xử đẹp của dân tộc được người Điện Biên gìn giữ từ đời này sang đời khác. Có thể coi đây như nguồn tài nguyên quý giá để phát triển du lịch phong tục nói riêng và du lịch văn hóa nói chung.
Để khai thác những giá trị đặc sắc của các di tích lịch sử và các giá trị văn hóa tộc người nói trên, từ nhiều năm nay các phương tiện và cơ sở dịch vụ du lịch đã và đang được chú trọng đầu tư xây dựng. Cùng với đó, thành phố Điện Biên Phủ cũng phát huy tiềm năng du lịch văn hóa cộng đồng, xây dựng các bản văn hóa du lịch nhằm hấp dẫn, thu hút khách du lịch đến với thành phố Điện Biên Phủ nói riêng và tỉnh Điện Biên nói chung. Đến đây, du khách sẽ được tham quan tìm hiểu các giá trị văn hóa dân tộc; giao lưu văn hóa văn nghệ với cộng đồng địa phương; tìm hiểu phong tục tập quán của đồng bào dân tộc, thưởng thức các món ẩm thực đặc sản như: thịt hun khói, cá nướng, gà nướng, thịt băm gói lá dong nướng, cơm lam, xôi ngũ sắc… Đồng thời, khách du lịch cũng có thể lưu trú ngay tại bản văn hóa và được đồng bào phục vụ tận tình, chu đáo.
Một trong những kinh nghiệm của thành phố Điện Biên Phủ để phát triển du lịch văn hóa nói riêng và phát triển du lịch nói chung là thường xuyên có sự tương tác đối với các phương tiện truyền thông đại chúng (báo, tạp chí, truyền hình, sách, phim) cả trong và ngoài nước. Có thể kể đến hàng chục bộ phim (cả điện ảnh và tư liệu) đã khai thác và quay phim về điểm đến này. Trong đó có một số bộ phim do các nhà sản xuất nước ngoài thực hiện như “Điện Biên Phủ - Cuộc chiến giữa hổ và voi” (2004) của đạo diễn Daniel Roussel, hay “Việt Nam trên đường thắng lợi” của đạo diễn Nga Roman Carmen, “Ngày D ở Điện Biên Phủ” của đạo diễn Georges Guillot. Ngoài ra, còn có các bộ phim Việt Nam như “Hoa ban đỏ”, “Ký ức Điện Biên”, “Đường lên Điện Biên”… Những bộ phim này đã được công chiếu rộng rãi, góp phần giúp cho hình ảnh của Điện Biên ngày càng trở nên phổ biến với đại chúng nói chung và với khách du lịch nói riêng.
Một kinh nghiệm phát triển du lịch văn hóa thành công khác của thành phố Điện Biên Phủ chính là việc đầu tư xây dựng điểm nhấn thu hút du khách. Với tính chất định hướng cho du khách về một sự hiểu biết chung cho toàn bộ điểm đến, điểm nhấn thu hút đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc quản lý thương hiệu, đặc biệt trong lĩnh vực nhận diện thương hiệu điểm đến. Nhận thức được điều này, ngành du lịch Điện Biên đã xây dựng quần thể di tích Điện Biên Phủ trở thành điểm nhấn thu hút cho thương hiệu du lịch của tỉnh. Với những ảnh hưởng tích cực mà một điểm nhấn thu hút có thể mang lại trong việc xây dựng hình ảnh điểm đến,
việc xây dựng và đầu tư cho quần thể di tích Điện Biên Phủ chính là cách hữu hiệu để để quảng bá, giới thiệu và thu hút khách du lịch đến với tỉnh Điện Biên.
Như vậy, mặc dù quy mô phát triển du lịch văn hóa của thành phố Điện Biên Phủ và của huyện Định Hóa (Thái Nguyên) là khác nhau nhưng dựa trên đặc điểm tài nguyên du lịch giữa 2 địa phương này, chúng ta thấy hoạt động du lịch văn hóa của Định Hóa có thể học tập những bài học kinh nghiệm sau của thành phố Điện Biên Phủ: xây dựng điểm nhấn thu hút, đầu tư cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, phát triển hình thức du lịch bản làng dân tộc, bảo tồn và phát huy giá trị di tích/di sản, xúc tiến du lịch văn hóa.
1.3.3. Kinh nghiệm của huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang
Huyện Sơn Dương là một huyện miền núi của tỉnh Tuyên Quang. Đây là địa bàn sinh sống của 10 dân tộc gồm: Kinh, Tày, Nùng, Cao Lan, Dao, Hoa, H’ Mông, Sán Dìu, Mường, Ngán. Sơn Dương có nhiều khu di tích lịch sử nổi tiếng như: khu di tích lịch sử Tân Trào – ATK; cụm di tích Bác Tôn; Ban thường trực Quốc Hội; mặt trận liên Việt ở xã Trung Yên; đình Hồng Thái; lán Nà Lừa; làng Sảo; cụm 43 điểm di tích tại xã Tân Trào; cụm di tích phủ Chủ tịch, Thủ tướng Chính phủ tại thôn Lập Binh, xã Bình Yên; cụm di tích Nha Công an và các bộ ngành ở xã Minh Thanh. Ngoài các di tích lịch sử, Sơn Dương còn là mảnh đất giàu tiềm năng văn hoá, du lịch sinh thái: làng văn hoá dân tộc Tày(Tân Lập – xã Tân Trào), chợ văn hoá Nà Ho – xã Trung Sơn, khu sinh thái Lũng Tẩu – xã Tân Trào, hang đá Yên Thượng – xã Trung Yên, Thác Rẫng - Lập Binh – Xã Bình Yên…. Hiện tại, Sơn Dương đang xây dựng làng văn hoá du lịch của người Sán Dìu kết hợp với du lịch sinh thái mạo hiểm của vùng đệm Vườn Quốc gia Tam Đảo.
Trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Tuyên Quang đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 có hướng phát triển khu du lịch lịch sử - văn hoá ở Sơn Dương gồm toàn bộ các di tích lịch sử cách mạng, văn hoá ở khu Tân Trào- ATK tại các xã Tân Trào, Trung Yên, Minh Thanh, Bình Yên, Hợp Thành, Tú Thịnh. Trong đó, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào có giá trị lịch sử vô cùng quan trọng. Trong thời gian qua, các di tích trong khu di tích đã được tỉnh quan tâm đầu tư tôn tạo, bảo tồn; thu hút khách trong tỉnh, trong nước và nước ngoài đến tham quan, du lịch... Tuy nhiên, để khai thác tốt nhất giá trị lịch sử của khu di tích,