nhiều giá trị văn hóa bản địa như văn hóa nhà sàn; các điệu hát Ví, Then, Lượn, Sli, Páo dung; nghề thủ công truyền thống; lễ hội Lồng Tồng, lễ hội chùa Hang; nghệ thuật múa rối cạn của đồng bào Tày… Trong 24/24 đơn vị hành chính của huyện đều có di tích lịch sử văn hóa, xã nhiều nhất có 25 di tích, xã ít nhất là 1 di tích (xem Phụ lục 1). Chính vì có tiềm năng và lợi thế đó mà loại hình Du lịch văn hóa trở thành một thế mạnh của huyện Định Hóa nói riêng và tỉnh Thái Nguyên nói chung. Bản sắc văn hóa đặc sắc của cộng đồng dân cư nơi đây luôn là những bí ẩn mà khách du lịch muốn tìm hiểu như phong tục tập quán, lễ hội, làng nghề... Tất cả những điều đó là cơ sở tạo nên nhiều sản phẩm du lịch độc đáo hấp dẫn du khách. Chính vì vậy trong Chiến lược phát triển du lịch của vùng trung du miền núi phía Bắc giai đoạn 2010 – 2020 tầm nhìn 2030 đã xác định du lịch văn hóa là sản phẩm đặc thù của vùng. Cùng với đó, mục tiêu tổng quát trong Đề án phát triển du lịch Thái Nguyên giai đoạn 2009 – 2015, tầm nhìn đến 2020 đã chỉ rõ: “Khai thác có hiệu quả các tiềm năng du lịch sinh thái, du lịch văn hóa – lịch sử, phấn đấu đến 2015 đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh và tỉnh Thái Nguyên trở thành trung tâm du lịch vùng Việt Bắc” [40, tr.2].
So với thế mạnh trên thì việc phát triển du lịch văn hóa hiện hay là chưa tương xứng, còn nhiều vấn đề làm cho du lịch văn hóa của huyện Định Hóa nói riêng và của tỉnh Thái Nguyên nói chung chưa “cất cánh”. Sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, đơn điệu, chưa mang tính đặc trưng của địa phương, chưa tạo được tính cạnh tranh trên thị trường, vì vậy chưa thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu của du khách, nhiều vấn đề còn bỏ ngỏ, chưa được nghiên cứu thấu đáo, chưa được đầu tư phát triển nên chưa thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
Căn cứ vào thực trạng và tính cấp bách của vấn đề, tôi đã lựa chọn đề tài “Nghiên cứu phát triển du lịch văn hóa tại huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên” làm đề tài luận văn thạc sỹ của mình.
2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
- Mục đích:
+ Nhằm tìm hiểu tiềm năng và thực trạng phát triển du lịch văn hóa của huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên.
+ Đề xuất một số giải pháp khả thi nhằm phát triển du lịch văn hóa ở Định Hóa một cách hiệu quả và bền vững.
- Nhiệm vụ:
Có thể bạn quan tâm!
- Nghiên cứu phát triển du lịch văn hóa tại huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên - 1
- Văn Hóa Là Cơ Sở, Là Nguồn Lực Để Phát Triển Du Lịch
- Bài Học Kinh Nghiệm Trong Phát Triển Du Lịch Văn Hóa
- Lịch Sử Hình Thành Và Phát Triển Huyện Định Hóa
Xem toàn bộ 133 trang tài liệu này.
+ Phân tích và đánh giá các điều kiện phát triển du lịch văn hóa của huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên.
+ Tìm hiểu, đánh giá thực trạng phát triển du lịch văn hóa của Định Hóa.
+ Đề xuất được một số giải pháp nhằm phát triển du lịch văn hóa ở Định Hóa theo hướng bền vững.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
- Tiềm năng và thực trạng phát triển du lịch văn hóa của huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên
- Phạm vi nghiên cứu trên toàn bộ địa bàn huyện Định Hóa gồm 1 thị trấn (thị trấn Chợ Chu) và 23 xã (Bình Yên, Trung Hội, Bình Thành, Điềm Mặc, Phú Đình, Bảo Linh, Định Biên, Trung Lương, Thanh Định, Sơn Phú, Kim Sơn, Tân Dương, Phú Tiến, Tân Thịnh, Phượng Tiến, Lam Vỹ, Quy Kỳ, Đồng Thịnh, Linh Thông, Phúc Chu, Bảo Cường, Lộc Nhiêu). Tuy nhiên, dựa đặc điểm phân bố các nguồn lực phát triển du lịch văn hóa trên địa bàn luận văn chú trọng vào phạm vi của vùng lõi ATK như các xã Phú Đình, Điềm Mặc, Đồng Thịnh, Phú Tiến…
4. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
Tìm hiểu và quảng bá cho du lịch, nhất là du lịch Thái Nguyên nói chung và huyện Định Hóa nói riêng là một vấn đề mới mẻ, thu hút được sự quan tâm của giới nghiên cứu Trung ương và địa phương. Từ những năm 90, khi nền kinh tế phát triển, nhu cầu tham quan du lịch ngày càng tăng, việc thông tin tuyên truyền về du lịch ngày càng được phổ biến. Năm 1999, Nguyễn Thị Kim Anh sinh viên khoa Địa lý – Trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên thực hiện khóa luận tốt nghiệp “An toàn khu – Tiềm năng du lịch về cội nguồn” đã đề cập đến vấn đề du lịch về nguồn của ATK Định Hóa, Tuyên Quang, đánh giá sơ bộ về tiềm năng du lịch của vùng trên cơ sở các tài nguyên du lịch sẵn có, đồng thời khóa luận cũng đưa ra một số định hướng trong tương lai.
Đặc biệt, trong những năm đầu thế kỷ XXI, khi ngành công nghiệp không khói đóng vai trò quan trọng trong ngành kinh tế của các quốc gia, du lịch trở thành một nhu cầu không nhỏ của cuộc sống con người hiện đại thì việc quảng bá cho du lịch nói chung, du lịch Thái Nguyên nói riêng ngày càng được đẩy mạnh. Năm 2003, Bảo tàng Thái Nguyên phát hành cuốn Thái Nguyên di tích danh thắng và
triển vọng tương lai; Đồng Khắc Thọ viết Di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh Thái Nguyên. Hai tác phẩm nêu trên đã liệt kê các di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh của Thái Nguyên. Sở Thương mại và Du lịch Thái Nguyên có Kỷ yếu Hội thảo khoa học Du lịch sáu tỉnh Việt Bắc với vùng du lịch Bắc Bộ, trong đó đề cập đến tính liên vùng của du lịch Thái Nguyên.
Năm 2005, Nhà xuất bản chính trị quốc gia biên soạn Thái Nguyên thế và lực mới trong thế kỷ XXI, giới thiệu một số tour du lịch tiêu biểu trên đất Thái Nguyên. Năm 2006, Sở Thương mại và Du lịch Thái Nguyên phát hành Sổ tay du lịch Thái Nguyên, hướng dẫn các du khách lựa chọn tour/tuyến phù hợp cho mình khi đến với Thái Nguyên. Cũng trong năm 2006, Nguyễn Văn Chiến viết Tiềm năng và thực trạng phát triển du lịch Thái Nguyên, trong đó đã đề cập đến những tiềm năng và thực trạng du lịch Thái Nguyên đến trước năm 2006 dưới góc độ kinh tế. Tiếp đến năm 2008, Phạm Mỹ Đức sinh viên khoa Địa lý (Trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên) làm khóa luận tốt nghiệp với đề tài Tiềm năng, hiện trạng và định hướng phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên, đánh giá hiện trạng du lịch của tỉnh qua năm du lịch Quốc gia được tổ chức tại Thái Nguyên (2007), tìm hiểu định hướng và đưa ra một số kiến nghị góp phần thúc đẩy du lịch Thái Nguyên phát triển theo chiều hướng bền vững. Trong khóa luận, tác giả cũng đã trình bày về giá trị lịch sử, văn hóa của hệ thống tài nguyên du lịch của huyện Định Hóa nhưng chưa đề cập đến vấn đề phát triển du lịch văn hóa ở đây.
Năm 2008, Nguyễn Thị Bích Ngọc đã thực hiện luận văn thạc sỹ chuyên ngành lịch sử với đề tài “An toàn khu Định Hóa trong căn cứ địa kháng chiến Việt Bắc”. Luận văn đã tập trung nhìn nhận và đánh giá về vai trò của Định Hóa trong không gian lịch sử của căn cứ địa Việt Bắc. Bên cạnh đó, luận văn cũng chỉ ra rằng: để Khu Di tích lịch sử ATK Định Hoá thực sự trở thành một Khu Di tích đặc biệt quan trọng, xứng đáng với vị thế của nó trong lịch sử cách mạng dân tộc, thu hút đông đảo đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế tới tham quan du lịch thì bên cạnh việc đầu tư tôn tạo các di tích với quy mô lớn, cần có sự đầu tư chiều sâu theo mô hình "Cụm di tích lịch sử -du lịch - văn hoá". Tuy nhiên, công trình khoa học này chỉ dừng lại ở mức độ đề xuất chứ chưa đưa ra được những kết quả phân tích và giải pháp cụ thể có liên quan đến phát triển du lịch văn hóa ở Định Hóa.
Năm 2011, Tổng cục du lịch ban hành Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, trong đó ATK Định Hóa (Thái Nguyên) được định hướng phát triển thành khu du lịch quốc gia. Đặc biệt, tháng 9/2012, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Thái Nguyên đã tổ chức hội thảo khoa học về Đề tài “Lễ hội lịch sử cách mạng ATK Định Hóa, Thái Nguyên”. Tại buổi Hội thảo, các nhà nghiên cứu chuyên ngành đã cho ý kiến với 3 chuyên đề khoa học: giá trị lịch sử khu di tích lịch sử cách mạng ATK Định Hóa - Thái Nguyên; giáo dục truyền thống cách mạng qua nguồn tư liệu lịch sử địa phương ở ATK Định Hóa - Thái Nguyên; cơ sở lý luận và thực tiễn của tổ chức lễ hội lịch sử cách mạng.
Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở ATK Việt Bắc – Thái Nguyên cần gắn với phát triển du lịch. Đó là chủ đề của Hội thảo khoa học do Ban quản lý Khu di tích lịch sử – sinh thái ATK Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên và Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức từ ngày 12-13/5/2014 tại xã Phú Đình, huyện Định Hóa. Đa số các ý kiến tham luận tại hội thảo đều cho rằng phải có lộ trình bảo tồn một cách khoa học, bền vững, gắn kết với du lịch, sớm hoàn thành quy hoạch tổng thể Khu di tích lịch sử ATK Định Hóa cùng với ATK Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang) và ATK Chợ Đồn (Bắc Kạn), tạo cơ sở để mời gọi các doanh nghiệp đầu tư phát triển, khai thác triệt để tiềm năng du lịch sẵn có tại các địa phương. Các cơ quan nghiên cứu, quản lý, cơ quan chuyên môn cần tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm tài liệu, hiện vật để xây dựng dự án trưng bày bổ sung tại các điểm di tích đặc biệt quan trọng liên quan đến thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc ở ATK Định Hóa, nhằm tạo thêm sự sinh động, hấp dẫn du khách khi hành hương về nguồn thăm lại chiến khu xưa. Việc bảo tồn, tôn tạo di tích ở ATK Định Hóa nhất thiết phải gắn với bảo tồn không gian di tích, kết hợp với việc nghiên cứu các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể để biến những giá trị đó thành sản phẩm du lịch đặc thù. Nhằm phát huy giá trị di tích có hiệu quả, Thái Nguyên cũng cần hình thành các tour, tuyến du lịch khoa học, sinh động để níu chân du khách khi đến ATK Định Hóa bằng các sản phẩm du lịch lợi thế như cảnh quan, sản vật, ẩm thực địa phương; đồng thời xây dựng đội ngũ hướng dẫn viên du lịch tốt, có đủ kiến thức, kỹ năng phục vụ du khách.
Tháng 10/2014, tiếp nối hoạt động khảo sát thực nghiệm tuyến du lịch lịch sử cách mạng gắn với du lịch sinh thái vùng Chiến khu Việt Bắc, tại thành phố Thái Nguyên, Ban tổ chức Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” lần thứ VI năm 2014 đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề "Bảo tồn, phát huy giá trị
di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch vùng Việt Bắc". Hội thảo khoa học đã thu hút hơn 30 báo cáo, tham luận, ý kiến của các nhà khoa học, các nhà quản lý về du lịch, các doanh nghiệp du lịch để chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn sau 5 năm thực hiện chương trình “Qua những miền di sản Việt Bắc” xung quanh các vấn đề về bảo tồn, phát huy các giá trị của di sản văn hóa và vấn đề liên kết phát triển du lịch.
Những công trình nghiên cứu trên đã trực tiếp hoặc gián tiếp đề cập tới vấn đề du lịch Định Hóa. Ngoài ra còn có một số bài báo, tạp chí, thông tin khoa học cũng nghiên cứu các vấn đề đề tài quan tâm. Song cho đến nay, vẫn chưa có công trình khoa học nào nghiên cứu riêng và trình bày một cách hệ thống về sự phát triển du lịch văn hóa của huyện Định Hóa (Thái Nguyên). Mặc dù vậy, chúng tôi đánh giá cao những công trình nói trên và coi đó là nguồn tài liệu quý giúp chúng tôi trong quá trình thực hiện luận văn “Nghiên cứu phát triển du lịch văn hóa huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên”.
5. Nguồn tài liệu và phương pháp nghiên cứu
5.1. Nguồn tài liệu
Trong quá trình thực hiện đề tài, chúng tôi khai thác triệt để các nguồn sử liệu viết về du lịch Định Hóa, đặc biệt chú trọng đến những tài liệu sau:
- Các văn bản, chỉ thị, nghị quyết của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Thái Nguyên
- Báo cáo tổng kết các năm của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Thái Nguyên
- Hệ thống niên giám thống kê tỉnh Thái Nguyên phần về Du lịch
- Ngoài ra luận văn còn sử dụng nguồn dữ liệu thứ cấp từ công trình của các nhà khoa học đã được công bố, tạp chí …., kỷ yếu các hội thảo khoa học, các sách đã xuất bản, các đề tài nghiên cứu của sinh viên, giảng trong hệ thống Đại học Thái Nguyên và các trường bạn.
- Các sách báo viết về huyện Định Hóa, các số liệu, bảng biểu, quy hoạch của địa phương
- Tư liệu ghi nhận từ những chuyến đi điền dã
- Kết quả thu được từ điều tra bằng An-ket
Trong đó những tư liệu là số liệu, bảng biểu, thống kê hành chính của địa phương được coi như tư liệu chính thống. Tuy nhiên, nguồn dữ liệu thu được từ
điều tra An-ket cũng rất quan trọng. Chúng tôi đã thực hiện điều tra trên 3 nhóm đối tượng: người dân bản địa, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp du lịch có kinh doanh du lịch văn hóa ở Định Hóa, du khách. Từ những thông tin thu thập được, chúng tôi đã tiến hành xử lý cứ liệu từ đó lập các sơ đồ, bảng biểu, quy ra tỉ lệ phần trăm đối với từng đối tượng thông tin khác nhau và theo những tiêu chí cụ thể.
5.2. Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp thu thập và xử lý số liệu thứ cấp
- Thu thập các thông tin, dữ liệu cơ bản từ các nguồn nghiên cứu chính thống trước về vấn đề nghiên cứu, địa bàn nghiên cứu, đối tượng nghiên cứu, hoạt động du lịch văn hóa ở huyện Định Hóa. Những thông tin này được thu thập bắt đầu từ tháng 12/2013 và là dữ liệu phục vụ cho việc phân tích, dẫn luận tại chương 1 và chương 2.
- Dữ liệu thứ cấp thu thập được từ các nguồn: sách, giáo trình, báo, tạp chí chuyên ngành và báo/tạp chí có liên quan, công trình khoa học (báo cáo, luận văn), văn bản pháp luật (Luật Du lịch,…), báo cáo của chính quyền địa phương và cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch văn hóa tại Định Hóa, các thông tin trên Internet.
Phương pháp điều tra xã hội học
- Phương pháp quan sát: Phương pháp này được thực hiện thông qua 5 đợt điền dã tại địa bàn nghiên cứu: Đợt 1 từ 08/02/2014 – 15/02/2014; đợt 2 từ 30/04/2014 đến 04/05/2014; đợt 3 từ 17/05/2014 đến 19/05/2014; đợt 4 từ 16/08/2014 đến 19/08/2014; đợt 5 từ 19/12/2014 đến 21/12/2014. Phương pháp quan sát được áp dụng dưới 2 hình thức chính là Phương pháp quan sát không tham dự và Phương pháp quan sát tham dự.
+ Quan sát tham dự: tác giả luận văn đã trực tiếp tham gia vào hoạt động du lịch văn hóa ở Định Hóa để từ đó đưa ra những cảm nhận, ý kiến cá nhân về đối tượng
nghiên cứu. Trong các chuyến điền dã, tác giả đã tham dự chương trình du lịch văn hóa của Trung tâm dịch vụ du lịch và bảo tồn di tích ATK Định Hóa, công ty Thương mại du lịch Phú Thái Hà và công ty lữ hành Hoàng Việt Travel.
+ Quan sát không tham dự: tác giả luận văn đã thực hiện quan sát hiện trạng, biểu hiện của đối tượng nghiên cứu để từ đó đưa ra nhận xét định tính. Phương pháp này thực hiện trong các chuyến điền dã tại một số nhà dân có tham gia hatoạt động du lịch văn hóa tại bản Quyên (xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa), thôn Thẩm Rộc (xã Bình Yên, huyện Định Hóa) và thôn Ru Nghệ (xã Đồng Thịnh, huyện Định Hóa). Phương
pháp này cũng được tiến hành tại các điểm du lịch, cơ quan quản lý du lịch địa phương, chính quyền địa phương và các công ty có chương trình du lịch liên quan đến du lịch văn hóa Định Hóa.
- Phương pháp bảng hỏi: nhằm thu thập số liệu sơ cấp, đáp ứng yêu cầu của hoạt động điều tra. Bảng hỏi được thiết kế thành 3 loại dành cho 3 đối tượng khảo sát: cộng đồng địa phương (30 bản), du khách (247 bản, trong đó khách nội địa là 200 bản, khách quốc tế là 47 bản), công ty du lịch (10 bản). Tất cả các bảng hỏi này được tiến
hành điều tra vào 5 khoảng thời gian thực địa nói trên.
N
Quy mô mẫu điều tra được tính theo công thức: n = (1 + N * e=2)
Trong đó, n là quy mô mẫu điều tra, N là kích thước tổng thể, e là mức độ sai lệch (= 0.05).
- Phương pháp phỏng vấn: phỏng vấn là phương pháp điều tra, nghiên cứu hiệu quả nhằm thu thập thông tin mong muốn và phù hợp với từng đối tượng phỏng vấn mà bảng hỏi đáp ứng được. Phương pháp này được tác giả luận văn áp dụng với cộng đồng địa phương, quản lý về du lịch, chính quyền địa phương, công ty lữ hành, hướng dẫn viên du lịch và khách du lịch. Mỗi đối tượng được phỏng vấn đều được xác định tiêu chí đầy đủ và phù hợp để phục vụ yêu cầu điều tra. Tác giả sử dụng hình thức phỏng vấn sâu, trực diện, cá nhân trực tiếp phỏng vấn các đối tượng. Phương pháp phỏng vấn được chính thức tiến hành đối với:
+ Chính quyền địa phương huyện Định Hóa, các xã trong vùng lõi ATK, phòng văn hóa thông tin huyện Định Hóa, Ban quản lý Khu di tích lịch sử - sinh thái ATK Định Hóa.
+ Các hộ gia đình tham gia làm du lịch văn hóa tại bản Quyên, các nghệ nhân ở thôn Thẩm Rộc (xã Bình Yên), thôn Ru Nghệ (xã Đồng Thịnh).
+ Một số công ty lữ hành có chương trình du lịch văn hóa đến Định Hóa: Hoàng Việt Travel, Phú Thái Hà, Âu Lạc, Sao Việt, Thái Thiên Long Travel…
Phương pháp khác:
- Phương pháp biểu đồ, tranh ảnh… được tác giả sử dụng chủ yếu trong quá trình hoàn thành luận văn nhằm kiểm tra tính lô – gic và chính xác của kết quả điều tra và tính khả thi của các định hướng, giải pháp.
- Phương pháp phân tích và tổng hợp: tác giả luận văn đã tiến hành lựa chọn, sắp xếp các dữ liệu, thông tin từ các nguồn thứ cấp và sơ cấp nhằm định lượng chính xác và đầy đủ phục vụ cho mục đích điều tra và nghiên cứu, từ đó tổng hợp thành các nhận định, báo cáo hoàn chỉnh nhằm đưa ra một cái nhìn tổng thể về đối tượng nghiên cứu. Phương pháp này được tiến hành khi tác giả kết thúc 5 đợt điền dã.
6. Đóng góp của luận văn
- Hệ thống lại cơ sở lý luận về du lịch văn hóa
- Trình bày một cách cơ bản và hệ thống các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn huyện Định Hóa (Thái Nguyên) và vị trí, vai trò của nó với vấn đề phát triển du lịch văn hóa hiện nay trên địa bàn nghiên cứu nói riêng và khu vực phụ cận nói chung.
- Luận văn đã chỉ ra thực trạng du lịch văn hóa ở Định Hóa đồng thời đưa ra một số giải pháp nhằm phát triển loại hình du lịch này một cách hiệu quả và bền vững.
- Luận văn cũng đưa ra vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị các tài nguyên du lịch (đặc biệt là hệ thống di sản văn hóa) của huyện Định Hóa trong thời đại hiện nay, cũng như đóng góp cho công tác nghiên cứu lịch sử, văn hóa và hoạch định chính sách phát triển du lịch của Định Hóa nói riêng và Thái Nguyên nói chung.
- Luận văn góp phần vào việc giáo dục lòng tự hào về quê hương đất nước cũng như tích cực quảng bá hình ảnh của Định Hóa nói riêng và Thái Nguyên nói chung với khách du lịch trong và ngoài nước.
- Luận văn có thể dùng làm tài liệu tham khảo để nghiên cứu, giảng dạy và học tập lịch sử địa phương.
7. Cấu trúc của luận văn
Ngoài phần mở đầu và kết luận, tài liệu tham khảo và phụ lục, nội dung chính của luận văn được chia làm 3 chương:
- Chương 1: Tổng quan vấn đề nghiên cứu
- Chương 2: Thực trạng du lịch văn hóa huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên
- Chương 3: Giải pháp phát triển du lịch văn hóa huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên