Các Yếu Tố Ảnh Hưởng Đến Việc Phát Triển Dlst Ở Vqg


- Một số nghiên cứu về DLST ở các VQG, KBTTN khác như: Tiềm năng và định hướng khai thác để phát triển DLST tại khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ (Hà Tĩnh) (Nguyễn Đình Tình,2020); Giải pháp phát triển DLST tại KBTTN hồ Kẻ Gỗ, tỉnh Hà Tĩnh (Lê Văn Hoài,2017); phát triển DLST tại VQG Phong Nha – Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình (Hoàng Ngọc Mai, 2017); Đánh giá tiềm năng và thực trạng DLST tại VQG Yok Don, tỉnh Đắk Lắk (Vũ Đức Tài, 2019); Tác động của DLST đến ĐDSH tại khu BTTN Mường Nhé, tỉnh Điện Biên (Trương Thị Vân Anh, 2017).

1.5.2. Khái quát về VQG

Theo định nghĩa của IUCN thì VQG là khu vực tự nhiên của vùng đất hoặc vùng biển, được chọn để:

(a). Bảo vệ tình trạng nguyên vẹn sinh thái của một hay nhiều HST cho các thế hệ hiện tại và tương lai;

(b). Loại bỏ việc khai thác hay chiếm giữ không thân thiện đối với các mục đích của việc chọn lựa khu vực;

(c). Chuẩn bị cơ sở cho các cơ hội tinh thần, khoa học, giáo dục, giải trí và thăm quan, tất cả các cơ hội đó phải có tính tương thích về văn hóa và môi trường.

Theo quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14-8-2006 của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, thay thế cho Quyết định số 08/2001/QĐ-TTg ngày 11- 01-2001 về Quy chế quản lý rừng thì VQG là một dạng rừng đặc dụng, được xác định trên các tiêu chí sau:

VQG là khu vực tự nhiên trên đất liền hoặc ở vùng đất ngập nước, hải đảo, có diện tích đủ lớn được xác lập để bảo tồn một hay nhiều HST đặc trưng hoặc đại diện không bị tác động hay chỉ bị tác động rất ít từ bên ngoài; bảo tồn các loài sinh vật đặc hữu hoặc đang nguy cấp.

VQG được quản lý, sử dụng chủ yếu phục vụ cho việc bảo tồn rừng và HST rừng, nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 236 trang tài liệu này.


VQG được xác lập dựa trên các tiêu chí và chỉ số về HST đặc trưng; các loài động vật, thực vật đặc hữu; về diện tích tự nhiên của vườn và tỷ lệ diện tích đất nông nghiệp, đất thổ cư so với diện tích tự nhiên của vườn.

Nghiên cứu phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo tồn đa dạng sinh học tại Vườn Quốc gia Cát Bà – Hải Phòng - 7

Mục tiêu quản lý:

• Để bảo vệ các khu vực tự nhiên và cảnh quan có tầm quan trọng quốc gia và quốc tế phục vụ cho mục đích vui chơi, giải trí, giáo dục, nghiên cứu khoa học, đời sống tinh thần hay du lịch;

• Để duy trì một cách lâu dài hiện trạng tự nhiên, các minh họa đặc trưng của các vùng địa sinh học, quần thể sinh học, nguồn gen và các loài khác nhau, bảo đảm ổn định và đa dạng về sinh thái;

• Để quản lý khách du lịch trong việc sử dụng các dịch vụ vui chơi, giải trí, văn hóa, giáo dục sao cho vẫn duy trì được đặc điểm tự nhiên hoặc gần gũi với thiên nhiên;

• Để ngăn ngừa và sau đó chấm dứt các hoạt động khai thác và chiếm giữ làm tổn hại đến mục tiêu đã xác định;

• Duy trì và tôn trọng các giá trị sinh thái, địa mạo hay thẩm mỹ đã được xác định;

• Quan tâm đến nhu cầu của người dân tộc bao gồm cả việc sử dụng nguồn tài nguyên từ trước đến nay của họ vì họ sẽ không gây tác động xấu đến các mục tiêu quản lý khác.

Hướng dẫn lựa chọn:

• VQG phải có các mô hình đại diện cho các khu tự nhiên tiêu biểu, đặc sắc, cảnh đẹp, nơi có các loài động thực vật, sinh cảnh hay địa mạo có tầm quan trọng đặc biệt về mặt tinh thần, khoa học, giáo dục, giải trí và du lịch.

• VQG phải có diện tích đủ rộng để chứa được một hoặc nhiều HST nguyên thể, không bị đe dọa bởi sự lấn chiếm và khai thác của con người.

Trách nhiệm tổ chức: Quản lý và sở hữu VQG thường phải do cơ quan có thẩm quyền cao nhất của quốc gia có quyền phán quyết đối với VQG. Tuy


nhiên, có thể trao quyền cho cấp khác của chính phủ, hội đồng dân tộc, tổ chức hoặc một cơ quan có tư cách pháp nhân đã gắn bó lâu dài với VQG quản lý.

1.5.3. Các yếu tố ảnh hưởng đến việc phát triển DLST ở VQG

Có rất nhiều cách phân chia các yếu tố ảnh hưởng đến DLST. Tuy nhiên đứng trên khía cạnh kinh tế, kinh doanh, việc phát triển DLST tại các VQG chịu sự tác động của các nhóm yếu tố sau: (1). Nhóm các yếu tố về tài nguyên; (2). Nhóm yếu tố liên quan đến công tác quản lý, tổ chức DLST; (3). Yếu tố liên quan đến du khách; (4). Một số yếu tố khác.

1.5.3.1. Nhóm các yếu tố về tài nguyên

Tài nguyên DLST là yếu tố quan trọng trong việc thu hút khách du lịch. Không phải mọi giá trị tự nhiên và văn hóa bản địa đều được coi là tài nguyên DLST mà chỉ có các thành phần và các thể tổng hợp tự nhiên, các giá trị văn hóa bản địa gắn với một HST cụ thể được khai thác, sử dụng để tạo ra các sản phẩm DLST, phục vụ cho mục đích phát triển du lịch nói chung, DLST nói riêng mới được xem là tài nguyên DLST.

Tài nguyên DLST rất đa dạng và phong phú. Tuy nhiên một số loại tài nguyên DLST chủ yếu thường được nghiên cứu khai thác nhằm đáp ứng nhu cầu của khách DLST, đặc biệt ở các VQG bao gồm:

- Các HST tự nhiên điển hình với tính ĐDSH cao là yêu cầu tiên quyết đầu tiên. Sinh thái tự nhiên được hiểu là sự tổng hợp của các điều kiện địa lý, khí hậu tự nhiên, động thực vật,… Có thể nói DLST là một loại hình du lịch dựa vào thiên nhiên, chỉ có thể tồn tại và phát triển ở những nơi có HST điển hình với tính ĐDSH cao. Điều này giải thích tại sao hoạt động DLST thường phát triển ở các khu BTTN, đặc biệt ở các VQG.

- Các giá trị văn hóa bản địa hình thành và phát triển gắn liền với sự tồn tại của HST tự nhiên như các phương thức canh tác, lễ hội, sinh hoạt truyền thống gắn liền với các truyền thuyết của cộng đồng địa phương,... Văn hóa bản địa là một bộ phận cấu thành đặc biệt của đa dạng văn hóa - một cấu


thành quan trọng của ĐDSH, góp phần tạo nên nền văn hóa chung của một dân tộc, quốc gia.

Nhóm các yếu tố này thường được tính đến gồm có:

a. Tính hấp dẫn

Tính hấp dẫn của điểm tài nguyên DLST thường được xác định bằng vẻ đẹp của phong cảnh, sự thích hợp của khí hậu, sự đặc sắc và độc đáo của tài nguyên du lịch tự nhiên. Độ hấp dẫn được thể hiện ở số lượng và chất lượng của các tài nguyên, ở khả năng đáp ứng được nhiều loại hình du lịch. Nơi nào có tài nguyên hấp dẫn, đặc sắc nơi đó có điều kiện thuận lợi để phát triển hoạt động DLST. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia "tính hấp dẫn" của tài nguyên mới chỉ là “điều kiện cần” để phát triển hoạt động DLST vì sự phát triển DLST còn liên quan đến công tác quản lý, tổ chức hoạt động DLST.

b. Tính bền vững

Tính bền vững nói lên khả năng bền vững của các thành phần và bộ phận tự nhiên trước áp lực của hoạt động du lịch và các hiện tượng tự nhiên như thiên tai, hỏa hoạn. Tính bền vững là một trong những nhân tố thức đẩy sự phát triển của DLST.

c. Tính thời vụ

Tính thời vụ của tài nguyên du lịch ảnh hưởng trực tiếp đến hướng khai thác đầu tư, phát triển hoạt động DLST. Tài nguyên nào có tính thời vụ dài sẽ tạo điều kiện cho việc khai thác phát triển DLST và ngược lại. Tính thời vụ chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố tự nhiên và xã hội (thời tiết; thời gian nghỉ lễ, nghỉ hè,...).

d. Tính liên kết

Một trong những yếu tố hấp dẫn khách du lịch không chỉ là tính hấp dẫn của chính điểm tài nguyên đó mà còn là tính liên kết với các tài nguyên du lịch khác. Rất nhiều nghiên cứu chứng minh rằng du khách thích được


tham quan nhiều điểm tài nguyên tại một điểm đến (khu vực hoặc vùng) (Hiệp hội DLST, 1999a). Đặc biệt, sự hấp dẫn sẽ càng tăng nếu các tài nguyên nằm gần nhau khác về thể loại, ví dụ: núi nằm sát biển,... Điều này sẽ tạo điều kiện tổ chức nhiều loại hình du lịch đa dạng và đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách.

e. Khả năng tiếp cận điểm tài nguyên

Vị trí và khả năng tiếp cận điểm tài nguyên du lịch có ý nghĩa quan trọng đối với việc thu hút khách du lịch. Nếu tài nguyên DLST ở gần vị trí thuận lợi (gần đô thị, đường giao thông, có đường thủy,...) sẽ tạo điều kiện trong việc giảm chi phí đầu tư, chi phí đi lại của du khách và đương nhiên sẽ thu hút khách du lịch tốt hơn. Nhân tố này được xem là giá trị vô hình để thu hút khách.

f. Sức chứa của điểm tài nguyên

Sức chứa khách du lịch phản ánh khả năng về quy mô triển khai hoạt động DLST tại mỗi điểm du lịch. Sức chứa khách du lịch có liên quan chặt chẽ đến đặc điểm hoạt động của khách (số lượng, thời gian), đến khả năng chịu đựng của môi trường tự nhiên, xã hội. Sức chứa không chỉ liên quan đến độ lớn của tài nguyên mà còn liên quan đến độ "nhạy cảm" của tài nguyên. Sự phát triển hoạt động DLST liên quan rất nhiều đến nhân tố sức chứa của tài nguyên.

1.5.3.2. Nhóm yếu tố liên quan đến công tác quản lý, tổ chức DLST

a. Chính sách phát triển DLST

Đây là yếu tố rất quan trọng và có vai trò quyết định đến sự phát triển DLST. Hoạt động DLST không thể thiếu vai trò của Nhà nước như công tác quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng, đào tạo cán bộ,... Chính sách khuyến khích sự phát triển DLST cũng sẽ góp phần nâng cao ý thức và sự quan tâm của mọi người cũng như du khách vào DLST. Thực tế đã cho thấy nếu quốc gia nào quan tâm và có những chính sách thiết thực, hiệu quả thì DLST ở đó phát triển.


b. Cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật

Nhân tố này rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến việc quản lý, khai thác tài nguyên phục vụ nhu cầu DLST của du khách. Cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật trong kinh doanh du lịch nói chung và DLST nói riêng gồm:

- Cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho nhu cầu xã hội (cơ sở hạ tầng và vật chất kỹ thuật loại 1) như hệ thống đường, điện, thông tin liên lạc, hệ thống nước dẫn đến điểm tài nguyên.

- Hệ thống cơ sở hạ tầng và vật chất kỹ thuật chỉ phục vụ chủ yếu cho ngành du lịch (cơ sở hạ tầng và vật chất kỹ thuật loại 2) như hệ thống đường, điện, thông tin liên lạc trong điểm tài nguyên, bãi đỗ xe, nhà vệ sinh công cộng phục vụ cho hoạt động DLST, hệ thống nhà hàng, khách sạn, vui chơi giải trí của điểm tài nguyên. Tuy nhiên, yếu tố này liên quan đến vốn đầu tư cho hoạt động DLST.


c. Công tác quảng bá

Công tác quảng bá ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động DLST. Nếu làm tốt công tác quảng bá DLST sẽ góp phần thu hút du khách, thúc đẩy sự phát triển của DLST. Đặc biệt công tác này ngày càng được quan tâm do sự cạnh tranh "điểm đến" về DLST giữa các điểm tài nguyên, các vùng trong một quốc gia và giữa các quốc gia với nhau ngày càng gay gắt.


1.5.3.3.Yếu tố liên quan đến du khách

Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra rằng có rất nhiều vấn đề liên quan đến du khách ảnh hưởng đến sự phát triển DLST bên cạnh các yếu tố trên. Một số yếu tố có thể kể ra như đặc điểm nhân khẩu học (giới tính, tuổi tác, quốc tịch); xu hướng, nhu cầu của du khách... Do đó, trong nhiều hoạch định phát triển DLST trên thế giới, người ta sử dụng phương pháp “tiếp cận nhu cầu của du khách đến”. Roby Ardiwidjaja (2008) đã chỉ ra sự cần thiết


của việc nghiên cứu nhu cầu du khách trong việc xem xét các "nguồn lực của điểm đến" du lịch. Tuy nhiên, không phải lúc nào điều này cũng được quan tâm đúng mức. Khi nghiên cứu trường hợp điển hình tại Kenya, Eagles và Higgins (1998) đã chỉ ra có rất ít nghiên cứu được tiến hành về động cơ và nhu cầu của khách DLST.

1.5.3.4.Một số yếu tố khác

Một số yếu tố khác có liên quan đến sự phát triển DLST như môi trường KT-XH của vùng và quốc gia nơi có điểm tài nguyên; sự phát triển của các loại hình du lịch khác và các dịch vụ bổ trợ và một vài yếu tố khác.

Trên đây là một số yếu tố ảnh hưởng chủ yếu đến sự phát triển DLST. Trong đó yếu tố về tài nguyên là yếu tố “điều kiện” để phát triển DLST; yếu tố về tổ chức quản lý là yếu tố rất quan trọng, tuy nhiên đây là yếu tố “chủ quan” của chúng ta khi triển khai hoạt động DLST. Vì vậy, cùng với các yếu tố ảnh hưởng khác, việc xem xét yếu tố liên quan đến du khách như đặc điểm, nhu cầu, xu hướng,... là rất cần thiết.


Chương 2

ĐỐI TƯỢNG, NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU


2.1. Đối tượng nghiên cứu

- Điều kiện tự nhiên, xã hội và yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động DLST trong khu vực VQG Cát Bà.

- Các loài động, thực vật tại VQG Cát Bà

- Chủ trương, chính sách, cơ chế quản lý du lịch và phát triển DLST nói chung và cho VQG Cát Bà nói riêng.

- Các yếu tố ảnh hưởng đến quản lý tổ chức các hoạt động du lịch trong mối quan hệ chặt chẽ với công tác quản lý tổ chức hoạt động bảo tồn ĐDSH.

2.2. Phạm vi nghiên cứu

- Địa điểm nghiên cứu: VQG Cát Bà, Huyện Cát Hải, Thành phố Hải Phòng.

- Phạm vi thời gian: Nghiên cứu được tiến hành từ năm 2016 đến nay.

Trong đó chia thành các giai đoạn sau:

+ Giai đoạn 1 từ năm 2016 đến 2017: Nghiên cứu tài liệu, viết đề cương và bảo vệ đề cương;

+ Giai đoạn 2 từ năm 2018 đến 2020: Thu thập số liệu ngoài hiện trường, tổng hợp và xử lý số liệu, viết và bảo vệ 03 chuyên đề;

+ Giai đoạn 3 từ năm 2020 đến 2021: Tổng hợp, phân tích và viết luận án.

2.3. Nội dung nghiên cứu

- Nghiên cứu thực trạng phát triển DLST tại VQG Cát Bà;

- Nghiên cứu hiện trạng và tiềm năng ĐDSH cho phát triển DLST tại VQG Cát Bà;

- Nghiên cứu xác định các vùng tiềm năng cho phát triển DLST tại VQG Cát Bà;

- Nghiên cứu sự tham gia của cộng đồng trong phát triển DLST tại VQG Cát Bà;

- Đề xuất các giải phát phát triển DLST gắn với bảo tồn ĐDSH tại VQG Cát Bà.

Xem tất cả 236 trang.

Ngày đăng: 30/03/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí