Nghiên cứu một số yếu tố liên quan đến dịch vụ y tế cho phụ nữ người Dao về khía cạnh văn hóa - xã hội tại huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Cạn - 1

1


ĐẶT VẤN ĐỀ


Sức khỏe của phụ nữ và trẻ em là những vấn đề quan tâm hàng đầu của các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam. Phụ nữ là cốt lòi của sự phát triển kinh tế xã hội. Sức khỏe và cuộc sống của phụ nữ có ý nghĩa quan trọng đối với gia đình, bản thân và cộng đồng. Hơn thế nữa, đời sống và sức khỏe phụ nữ là yếu tố cơ bản và có ảnh hưởng trực tiếp tới thế hệ tương lai [4]. Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách ưu tiên nhằm nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc sống ở vùng sâu, vùng xa cũng như đẩy mạnh sự phát triển của miền núi. Trong đó, sức khoẻ của phụ nữ người dân tộc càng là vấn đề đáng quan tâm trong chiến lược chăm sóc sức khoẻ nhân dân khu vực miền núi, dân tộc ít người. Chăm sóc sức khoẻ cho phụ nữ đến nay đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, nhiều chỉ số cơ bản liên quan đến chăm sóc sức khoẻ sinh sản đã đạt và vượt mục tiêu đề ra [9], [11], [13], [24]. Tuy nhiên, thực tế cho thấy sự phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội của khu vực miền núi vẫn còn thấp hơn rất nhiều so với các khu vực khác của cả nước [12], [24], [65], [66]. Mức sống thấp, trình độ dân trí chưa được nâng cao, hệ thống giao thông đi lại khó khăn, điều kiện chăm sóc y tế còn thiếu thốn... là những vấn đề đang đòi hỏi cần phải có sự đầu tư hơn nữa của Chính phủ cho các dân tộc sống ở những vùng khó khăn này, trong đó có tỉnh Bắc Kạn.

Bắc Kạn là một tỉnh miền núi, vùng cao. Theo niên giám thống kê 2009 [8], Bắc Kạn có 295.296 người. Trên địa bàn tỉnh có 23 dân tộc, đông nhất là dân tộc Tày chiếm 54,3%; dân tộc Kinh chiếm 13,3%; dân tộc Dao chiếm 16,5%; dân tộc Nùng (5,4%) và các dân tộc khác.

Huyện Bạch Thông là một trong những huyện mang đầy đủ những nét đặc trưng của tỉnh Bắc Kạn. Huyện Bạch Thông gồm 1 thị trấn và 16 xã. Tại đây, người Dao sống tập trung ở một số xã vùng cao như: xã Đôn Phong,

2

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 125 trang tài liệu này.


Dương Phong, Cao Sơn… Bên cạnh những tiến bộ đáng kể thì nơi đây vẫn còn tồn tại nhiều các tập quán văn hoá lạc hậu có ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ đặc biệt là sức khoẻ phụ nữ và trẻ em như: Bói cúng ma khi ốm đau, tự mua thuốc chữa bệnh, đẻ ở nhà không có nhân viên y tế giúp, kiêng khem khi sinh đẻ, tâm lý muốn sinh nhiều con… Đồng thời, hệ thống chăm sóc y tế vừa thiếu, vừa yếu chưa đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Khoảng cách xa trạm y tế, đường giao thông khó khăn, thiếu phương tiện thông tin liên lạc, kém hiểu biết… cũng phần nào ảnh hưởng đến việc tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế của người dân.

Nghiên cứu một số yếu tố liên quan đến dịch vụ y tế cho phụ nữ người Dao về khía cạnh văn hóa - xã hội tại huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Cạn - 1

Đã có khá nhiều công trình nghiên cứu và đánh giá từng khía cạnh về tình trạng sức khỏe, bệnh tật của người dân tộc thiểu số [2], [5], [9], [11], nhưng chưa có công trình nào nghiên cứu một cách hệ thống về những yếu tố liên quan đến dịch vụ y tế cho người Dao nói chung và cho phụ nữ người Dao nói riêng trên một số khía cạnh văn hoá - xã hội. Việc phân tích những ảnh hưởng của các yếu tố văn hóa, xã hội đến dịch vụ y tế của người Dao nói chung và của phụ nữ người Dao nói riêng là thực sự cần thiết nhằm góp phần tìm ra giải pháp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ dân tộc thiểu số. Chính vì vậy, đề tài này được tiến hành nhằm các mục tiêu:

1. Mô tả và phân tích nhu cầu, thực trạng cung cấp và sử dụng dịch vụ y tế của phụ nữ người Dao trên một số khía cạnh văn hoá, dân tộc và xã hội tại một số xã thuộc huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn.

2. Phân tích một số yếu tố liên quan đến cung cấp và sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ bà mẹ hiện có tại địa phương.

3


Chương 1

TỔNG QUAN TÀI LIỆU


1.1. Một số khái niệm

1.1.1. Định nghĩa văn hóa

Văn hóa là khái niệm mang nội hàm rộng với rất nhiều cách hiểu khác nhau, liên quan đến mọi mặt đời sống vật chất và tinh thần của con người. Do vị trí của văn hoá trong đời sống nên văn hoá đã được nhiều người quan tâm nghiên cứu và đưa ra hàng trăm định nghĩa về văn hoá [3], [40], [44], [47].

Văn hóa trong tiếng Hán được hiểu là những hình xăm trên cơ thể, qua đó người khác nhìn vào để nhận biết và phân biệt mình với người khác, biểu thị sự quy nhập vào thần linh và các lực lượng bí ẩn của thiên nhiên, chiếm lĩnh quyền lực siêu nhiên.

Theo ngôn ngữ của phương Tây, từ tương ứng với văn hóa của tiếng Việt (culture trong tiếng Anh và tiếng Pháp, kultur trong tiếng Đức,...) có nguồn gốc từ các dạng của động từ Latin colere là colo, colui, cultus với hai nghĩa: (1) giữ gìn, chăm sóc, tạo dựng trong trồng trọt; (2) cầu cúng.

Trong cuộc sống hàng ngày, văn hóa thường được hiểu là văn học, nghệ thuật như thơ ca, mỹ thuật, sân khấu, điện ảnh... Các “trung tâm văn hóa” có ở khắp nơi chính là cách hiểu này. Một cách hiểu thông thường khác: văn hóa là cách sống bao gồm phong cách ẩm thực, trang phục, cư xử và cả đức tin, tri thức...Vì thế chúng ta nói một người nào đó là văn hóa cao, có văn hóa, văn hóa thấp hoặc vô văn hóa.

Trong nhân loại học và xã hội học, khái niệm văn hóa được đề cập đến theo một nghĩa rộng nhất. Văn hóa bao gồm tất cả mọi thứ vốn là một bộ phận trong đời sống con người. Văn hóa không chỉ là những gì liên quan đến tinh thần mà bao gồm cả vật chất.

Năm 2002, UNESCO đã đưa ra định nghĩa về văn hóa như sau [40]: “Văn hóa nên được đề cập đến như là một tập hợp của những đặc trưng về tâm hồn, vật chất, tri thức và xúc cảm của một xã hội hay một nhóm người

4


trong xã hội và nó chứa đựng, ngoài văn học và nghệ thuật, cả cách sống, phương thức chung sống, hệ thống giá trị, truyền thống và đức tin”.

Tóm lại, văn hoá gắn bó hữu cơ với con người, là sản phẩm hoạt động của con người hay nói cách khác: Văn hoá vừa là vật chất, vừa là tinh thần, vừa mang tính chất xã hội lại vừa có tư cách cá nhân. Chúng ta cũng có thể hiểu một khía cạnh của văn hóa đó là những phong tục, tập quán, thói quen, nếp sống của con người được hình thành, tồn tại và phát triển trong đời sống của con người. Các thành tố của văn hoá bao gồm 9 nội dung cơ bản: Ngôn ngữ, ăn uống, ở, mặc, tín ngưỡng, lễ hội, văn nghệ dân gian, tri thức dân gian và các phong tục tập quán khác (ma chay, cưới xin, vào nhà mới, chữa bệnh, dòng họ, gia đình...) [40].

1.1.2. Khái niệm phong tục tập quán

Phong tục, tập quán là một khái niệm phức tạp, theo từ điển tiếng Việt thì phong tục tập quán được định nghĩa [84]: “Những thói quen đã được mọi người tuân thủ tại một địa phương trong một hoàn cảnh bắt buộc phải chấp nhận lề thói ấy như một phần luật pháp của địa phương”. Như vậy, phong tục, tập quán thực chất là những qui tắc xử sự mang tính cộng đồng, phản ánh nguyện vọng qua nhiều thế hệ của toàn thể dân cư trong một cộng đồng tự quản (làng, xã, khu vực). Các qui tắc này được sử dụng để điều chỉnh các quan hệ xã hội nói chung, quan hệ hôn nhân và gia đình nói riêng mang tính tộc người hoặc mang tính khu vực.

“Tục lệ” là những tập quán có tính chất xã hội được nêu lên thành nghi thức, có thể lệ, có tiêu chuẩn bắt buộc, truyền miệng hay thành văn, được dư luận xã hội rộng rãi thừa nhận, ủng hộ, bảo vệ và yêu cầu mọi người tuân thủ [31].

1.1.3. Khái niệm dân tộc, quốc gia dân tộc, dân tộc thiểu số

Trong tiếng Việt cũng như trong ngôn ngữ của nhiều dân tộc trên thế giới, thuật ngữ dân tộc và thuật ngữ Quốc gia dân tộc chỉ rò hai khái niệm, hai phạm trù riêng biệt. Quốc gia dân tộc mang tính lãnh thổ, chính trị, Nhà nước; còn dân tộc lại mang tính lịch sử cộng đồng ngôn ngữ, văn hóa tự nhiên. Một quốc gia có thể có một hay nhiều dân tộc sinh sống. Trái lại, một dân tộc cũng có thể phân bố trên lãnh thổ nhiều quốc gia [79].

5


Việt Nam là một nước có nhiều dân tộc. Theo từ điển tiếng Việt, dân tộc được định nghĩa: “Cộng đồng người hình thành trong lịch sử có chung một lãnh thổ, các quan hệ kinh tế, một ngôn ngữ văn học và một số đặc trưng văn hoá và tính cách” [74].

Thuật ngữ dân tộc thiểu số, dân tộc ít người, dân tộc dân số ít là dựa trên sự so sánh tỷ lệ dân số của từng dân tộc trong mỗi nước để gọi. Ở Việt Nam, tộc người Việt (dân tộc Kinh) chiếm 82,6% dân số cả nước. Trừ dân tộc Kinh, các dân tộc còn lại được coi là dân tộc thiểu số.

1.1.4. Một số thuật ngữ khác

Dịch vụ [81]: Dịch vụ được hiểu là những thứ tương tự như hàng hóa nhưng phi vật chất, gồm các tính chất sau:

- Tính đồng thời: Sản xuất và tiêu dùng dịch vụ xảy ra đồng thời;

- Tính không thể tách rời: Sản xuất và tiêu dùng dịch vụ không thể tách rời. Thiếu mặt này thì sẽ không có mặt kia;

- Tính chất không đồng nhất: Không có chất lượng đồng nhất;

- Vô hình: Không có hình hài rò rệt. Không thể thấy trước khi tiêu dùng;

- Không lưu trữ được: Không lập kho để lưu trữ như hàng hóa được. Dịch vụ y tế [93]: Dịch vụ y tế là một dịch vụ khá đặc biệt. Về bản chất,

dịch vụ y tế bao gồm các hoạt động được thực hiện bởi nhân viên y tế như

khám, chữa bệnh phục vụ bệnh nhân và gia đình.

1.2. Một số đặc điểm văn hóa - xã hội dân tộc Dao liên quan đến sức khoẻ

1.2.1. Ngôn ngữ

Tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Mông - Dao. Ngôn ngữ giao tiếp khá thống nhất giữa các nhóm Dao. Do ngôn ngữ văn chương mượn chữ Hán cấu tạo sắp xếp lại và gần như khác hẳn với ngôn ngữ giao tiếp nên số lượng người thông thạo ngôn ngữ văn chương không nhiều [78]. Do đặc thù về ngôn ngữ, nên trong quá trình giao tiếp các cán bộ y tế gặp rất nhiều khó khăn do bất đồng ngôn ngữ.

6


1.2.2. Nhà ở

Nhà ở của người Dao có 3 loại khác nhau: nhà sàn; nhà nửa sàn nửa đất và nhà đất (nhà trệt) nhưng chủ yếu là nhà trệt. Nhà người Dao thường làm mái thấp, ít cửa sổ nên trong nhà luôn ẩm thấp, thiếu lưu thông không khí và bị thiếu ánh sáng. Hơn nữa do tập quán nên trong nhà người Dao thường có 2 đến 3 bếp đun. Việc đun nấu trong nhà gây ô nhiễm môi trường không khí dễ làm cho các bệnh đường hô hấp phát triển, đặc biệt là nhiễm khuẩn hô hấp trẻ em.

Nghiên cứu của Nguyễn Đình Học (2004) [41] về mô hình bệnh tật trẻ em dân tộc Dao cho thấy: Nhóm bệnh đường hô hấp chiếm 29,4% xếp thứ tư sau nhóm bệnh về nội tiết - dinh dưỡng - chuyển hoá (45,3%), nhiễm khuẩn nhiễm ký sinh trùng (33,3%), bệnh đường tiêu hoá (32,3%).

Người Dao không chú trọng làm công trình phụ và nhà tắm. Đại đa số các hộ người Dao không sử dụng hố xí và nhà tắm. Không sử dụng hố xí cũng là một tập quán của một số dân tộc thiểu số khác ở khu vực miền núi.

1.2.3. Ăn, uống

Lương thực chính của người Dao là gạo tẻ và gạo nếp. Thức ăn chủ yếu là các loại rau rừng và rau tự trồng. Sau khi đẻ, sản phụ được nấu ăn riêng, thức ăn chủ yếu là thịt gà, thịt lợn được nấu với các loại thuốc nam có tác dụng nhanh khỏe người, giúp sản phụ có nhiều sữa để nuôi con.

Uống: Thức uống của người Dao trong sinh hoạt hàng ngày là nước chè. Một số loại lá cây có vị thơm mát, dễ uống dùng để chữa bệnh gan, thận, tim hoặc bổ máu cũng được người Dao chế biến và sử dụng. Loại đồ uống phổ biến nữa là rượu được ủ bằng men lá. Hầu hết các gia đình người Dao đều biết nấu rượu và cất giữ rượu. Báo cáo kết quả điều tra y tế quốc gia năm 2001 - 2002 của Bộ Y tế [17] cho thấy: Tỷ lệ uống rượu vùng Tây Bắc, Đông Bắc và Tây Nguyên cao hơn vùng đồng bằng sông Hồng. Tuy nhiên chưa có nghiên cứu về tỷ lệ lạm dụng rượu và nghiện rượu được tính chung cho cả nước.

1.2.4. Tục lệ sinh đẻ và nuôi con

Trước đây, khi sinh con người phụ nữ thường đẻ tại nhà và phải tự đỡ đẻ, rốn trẻ được cắt bằng nứa, khi đẻ khó thì chỉ biết mời thầy cúng về cúng bái...

7


Những năm gần đây, việc sinh đẻ của người Dao đã có nhiều thay đổi, phụ nữ khi có thai đã đi khám thai và đến trạm y tế để đẻ. Tai biến sản khoa, tỷ lệ chết ở trẻ sơ sinh... đã được hạn chế tối đa, dân số người Dao tăng lên rò rệt.

Sau khi sinh sản phụ được chăm sóc chu đáo, họ thường được ăn cháo gạo nếp nấu với thịt gà, nghệ hoặc cháo nấu với xương lợn và đu đủ hoặc cháo gạo nếp nấu với trứng và đu đủ. Sản phụ ăn như vậy trong khoảng mười ngày, sau đó ăn cơm nóng với trứng luộc, canh đu đủ, rau ngải cứu, đậu tương hầm, canh gừng. Người Dao không cho sản phụ ăn thức ăn nguội, thịt chua, hoa quả chua, rau cải... vì họ quan niệm rằng ăn những thứ đó sẽ làm người mẹ mất sữa và làm cho con mắc một số bệnh [39].

1.2.5. Tín ngưỡng liên quan đến bệnh tật

Người Dao quan niệm khi hồn đầy đủ trong cơ thể thì con người khỏe mạnh. Nếu hồn ở vị trí nào đó vắng thì sẽ gây ốm đau ở chỗ đó. Hồn chính mà vắng thì con người sẽ bị bệnh nặng, nguy hiểm đến tính mạng, thậm chí bị chết. Nguyên nhân sự vắng mặt của hồn là do chúng “mải chơi” hoặc bị các thần thánh bắt không trở về nơi trú ngụ của mình trong cơ thể. Để tránh hậu quả xấu, người ta phải mời thầy cúng làm mâm lễ gọi hồn trở về hoặc chuộc hồn.

1.2.6. Phong tục tập quán

Tục cúng ma [31]: Khi ốm đau, người Dao thường bói ma. Bói ra thứ ma nào thì cúng thứ ma đó. Họ thường dùng đồng xu treo vào sợi dây, khi gọi đến tên con ma nào mà thấy đồng xu “động đậy” thì cúng con ma đó.

Cúng tổ tiên: Người Dao quan niệm tổ tiên cũng là ma, duy có loại ma này được coi là ma phúc thần luôn phù hộ, giúp đỡ con cháu trong đời sống sinh hoạt, chăm lo sức khoẻ con cháu.

Trước đây, mỗi khi ốm đau, người Dao thường chỉ làm lễ cúng, ít tin vào việc dùng thuốc và cán bộ y tế. Mặt khác, các thầy thuốc dân gian thường kiêm luôn cả nghề cúng bái nên việc chữa bệnh bao gồm cả dùng thuốc và cúng bái. Ngày nay, mỗi khi có ốm đau, người Dao đã đến cơ sở y tế để chữa bệnh. Tuy nhiên, nhiều người vẫn cúng bái, đặc biệt là những trường hợp bệnh hiểm nghèo.

8


1.2.7. Một số kiêng kỵ

Kiêng kỵ khi có thai [31]: Khi có thai, người phụ nữ kiêng các công việc nặng nhọc, kiêng bước qua dây thừng buộc trâu, bò, ngựa (vì họ cho rằng sau này đứa trẻ sẽ bị tràng hoa quấn cổ và khó đẻ), không được đánh rắn (vì sợ sẽ đau đẻ quằn quại như rắn bò), kiêng ăn thịt gà rừng (vì sợ sau này đứa trẻ sẽ chạy nhảy nhiều), không ăn nhộng ong (vì sợ sau này đứa trẻ chỉ thích ở nhà, không dám ra ngoài), kiêng các thức uống từ cây có gai (vì quan niệm cây đó sẽ làm cho đứa trẻ bị mụn nhọt, ngứa ngáy)...

Kiêng kỵ sau khi sinh: Sau khi sinh, sản phụ kiêng ăn các món ăn nguội, các loại thịt chua, hoa quả chua, các loại rau có nhiều nước như rau cải, bắp cải... vì quan niệm rằng ăn những thức ăn đó không tốt sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người mẹ và con, có thể là nguyên nhân gây mất sữa hoặc làm cho đứa trẻ chê bú sữa mẹ. Kiêng bế con đến chỗ khác trong nhà nhất là nơi đặt bàn thờ tổ tiên và khu tiếp khách của nam giới. Kiêng đến gia đình người khác vì sợ mang theo những thứ “không sạch sẽ” sẽ làm ảnh hưởng đến gia đình họ. Kiêng người lạ đến nhà, cho nên dấu hiệu để nhận biết khi trong nhà có người đẻ là người Dao thường treo cành lá hoặc hoa chuối rừng trước cửa.

Những kiêng kỵ có lợi cho sức khỏe bà mẹ và trẻ em [39].

Khi có thai được 3 - 4 tháng, phụ nữ người Dao chủ động kiêng sinh hoạt vợ chồng để thai nhi được lành lặn, tránh tổn thương cho thai và sảy thai.

Trong thời kỳ mang thai, mỗi khi ra khỏi nhà, thai phụ phải đội nón vì họ cho rằng Ngọc Hoàng nhìn thấy “người bẩn’’ sẽ trị tội và làm sảy thai. Khi đi trên đường không được bước qua thừng trâu, chạc ngựa.

Khi có thai người phụ nữ phải kiêng ăn tất cả các loại thịt ôi, thiu và kiêng ăn nhộng ong, nhộng tằm.

Sau đẻ sản phụ ăn cơm nóng với trứng luộc, canh gừng, uống nước lá thuốc rồi ăn cơm nếp với thịt gà, thịt lợn.

Khi nhà có người sinh đẻ họ dùng lá cây cài trước cửa để cảnh báo người lạ không được vào.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 29/05/2022