DANH MỤC CÁC HÌNH
Hình 3.1: Bản đồ Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long 25
Hình 3.2: Cơ cấu đất đai các xã thuộc KBTTN đất ngập nước Vân Long 27
Hình 4.1: Động Hoa Lư ở Thung Lau 48
Hình 4.2: Hang Bóng tại KBTTNĐNN Vân Long 81
Hình 4.3: Bức họa kỳ lạ chỉ xuất hiện sau khi té nước tại hang Thúi Thó 82
Hình 4.4: Tuyến du lịch núi Mèo cào 82
Có thể bạn quan tâm!
- Nghiên cứu đề xuất giải pháp phát triển du lịch sinh thái tại khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long - 1
- Du Lịch Sinh Thái Bền Vững Gắn Với Bảo Tồn Tài Nguyên Kbttn
- Những Tác Động Về Mặt Văn Hoá - Xã Hội :
- Bản Đồ Khu Bảo Tồn Thiên Nhiên Đất Ngập Nước Vân Long
Xem toàn bộ 113 trang tài liệu này.
ĐẶT VẤN ĐỀ
1. Tính cấp thiết của đề tài
Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình được thành lập theo Quyết định số 2888/QĐ-UBND ngày 18/12/2001 của UBND tỉnh Ninh Bình. Tổng diện tích khu bảo tồn là 2.736 ha, nằm trên địa phận 7 xã thuộc huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Tuy với quy mô diện tích nhỏ, nhưng Vân Long chứa đựng nhiều tiềm năng về phát triển du lịch sinh thái và đã là nơi nằm trong mục tiêu và định hướng của “Kế hoạch hành động quốc gia về Đa dạng sinh học đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 thực hiện công ước đa dạng sinh học và nghị định thư Cartagena về “An toàn sinh học” ban hành kèm Quyết định số 79/2007/QĐ- TTg, nhằm bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học đất ngập nước; xây dựng năm khu đất ngập nước đủ tiêu chuẩn, điều kiện để công nhận khu Ramsar”.
Nét nổi bật của Vân Long là nơi tồn tại đồng thời hai kiểu hệ sinh thái đặc trưng, điển hình, đó là hệ sinh thái trên núi đá vôi và hệ sinh thái đất ngập nước nội đồng lớn nhất đồng bằng Bắc bộ. Với tính đa dạng sinh học cao, nhiều loài động thực vật đặc hữu, quý hiếm được ghi trong sách đỏ Việt Nam và Thế giới. Đặc biệt là loài Voọc Quần đùi trắng (Trachypithecus delacouri) - một loài đặc hữu của Việt Nam, là 1 trong 25 loài linh trưởng đang bị đe dọa tuyệt chủng ở mức toàn cầu. Năm 2010, Vân Long vinh dự được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác lập đồng thời 2 kỷ lục: thứ nhất là nơi có cá thể Voọc mông trắng sinh sống nhiều nhất; thứ 2 là nơi có bức tranh tự nhiên lớn nhất Việt Nam; năm 2019, Vân Long được công nhận là vùng ngập nước Ramsar thứ 9 ở Việt Nam và thứ 2.360 của thế giới. Với nhiều lợi thế về vẻ đẹp của thiên nhiên, các di tích lịch sử - văn hóa và các hệ
sinh thái, Vân Long có lợi thế lớn trong phát triển các loại hình du lịch sinh thái, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, các loại hình DLST này muốn tồn tại và phát triển bền vững, đem lại hiệu quả kinh tế lâu dài rất cần có sự quy hoạch, khai thác, sử dụng và bảo vệ một cách hợp lí các nguồn tài nguyên, bởi tính chất nhạy cảm của nó trong quá trình khai thác và sử dụng.
Tuy nhiên, hiện nay các hệ sinh thái và môi trường nơi đây đang bị đe dọa bởi các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là tác động của cộng đồng dân cư đó là các nguy cơ: Cháy rừng, săn bắn trái phép động vật rừng, phát thải không kiểm soát của các nhà máy công nghiệp, canh tác đất không bền vững, chăn thả gia súc, lấn chiếm đất rừng, nạn rác thải, khai thác quá mức nguồn tài nguyên rừng và tài nguyên đất ngập nước,…là mối đe dọa chính đối với tính đa dạng sinh học của các hệ sinh thái và môi trường sống ở nơi đây, đã dẫn đến các hệ sinh thái bị giảm cấp và môi trường tự nhiên nơi đây bị hủy hoại.
Du lịch sinh thái được xem là loại hình du lịch dựa vào thiên nhiên và văn hóa bản địa có giáo dục môi trường, đóng góp cho bảo tồn với sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương. Do đó du lịch sinh thái được xác định là loại hình ưu tiên trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 (Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch, 2012) dưới góc độ bảo tồn môi trường thiên nhiên nói chung và đa dạng sinh học nói riêng.
Nhằm góp phần nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên rừng và bảo vệ đa dạng sinh học gắn với phát triển kinh tế xã hội, tôi thực hiện đề tài: “Nghiên cứu đề xuất giải pháp phát triển du lịch sinh thái tại khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long”.
2. Mục tiêu nghiên cứu
2.1. Mục tiêu tổng quát:
Đề tài nghiên cứu góp phần là cơ sở khoa học và thực tiễn nhằm Phát triển Du lịch sinh thái bền vững gắn với bảo tồn tài nguyên Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long tỉnh Ninh Bình.
2.2. Mục tiêu cụ thể:
+ Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng tới phát triển du lịch sinh thái tại khu vực nghiên cứu.
+ Đánh giá được tiềm năng phát triển du lịch sinh thái tại Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long.
+ Đề xuất được các giải pháp nhằm phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo tồn tài nguyên tại Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu của đề tài:
Hoạt động du lịch sinh thái và bảo tồn tài nguyên ở KBTTN, thông qua điều kiện tự nhiên, đa dạng sinh học (các hệ sinh thái, cảnh quan, hệ động vật, thực vật,…), văn hoá lịch sử, điều kiện kinh tế, xã hội, môi trường,…
3.2. Phạm vi nghiên cứu của đề tài:
- Phạm vi về nội dung: Thực trạng hoạt động du lịch sinh thái và bảo tồn tài nguyên ở KBTTN làm cơ sở đề xuất giải pháp phát triển du lịch sinh thái bền vững.
- Phạm vi về không gian: Địa điểm tại KBTTN ĐNN Vân Long, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.
- Phạm vi về thời gian: Từ tháng 1 đến tháng 5 năm 2020
4. Nội dung nghiên cứu
Để đạt được mục tiêu nghiên cứu, đề tài tập trung nghiên cứu những nội dung sau :
1/ Nghiên cứu hiện trạng hoạt động du lịch sinh thái tại KBTTN ĐNN Vân Long ;
2/ Nghiên cứu đánh giá tiềm năng phát triển du lịch sinh thái tại khu vực nghiên cứu
+ Đánh giá tài nguyên du lịch sinh thái sẵn có tại KBTTN Vân Long
+ Nghiên cứu phát triển tuyến du lịch sinh thái tại KBTTN Vân Long 3/ Đánh giá tác động của hoạt động du lịch sinh thái đến tài nguyên tại
KBTTN ĐNN Vân Long;
4/ Đề xuất các giải pháp phát triển du lịch sinh thái bền vững gắn với bảo tồn tài nguyên KBTTN ĐNN Vân Long.
Chương 1
TỔNG QUAN VỀ VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1.1 Quan niệm về du lịch sinh thái
1.1.1. Khái niệm chung về du lịch:
Từ giữa thế kỷ XIX, du lịch đã bắt đầu phát triển mạnh và trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của nhiều quốc gia trên thế giới. Thuật ngữ du lịch đã trở nên khá thông dụng. Du lịch gắn liền với nghỉ ngơi, giải trí, tuy nhiên do hoàn cảnh, thời gian và khu vực khác nhau, dưới mỗi góc độ nghiên cứu khác nhau nên khái niệm du lịch cũng không giống nhau.
Theo Liên hiệp Quốc tế Tổ chức các Cơ quan Lữ hành (International Union of Official Travel Oragnization - IUOTO)[24]: Du lịch được hiểu là hành động du hành đến một nơi khác với địa điểm cư trú thường xuyên của mình nhằm mục đích không phải để làm ăn, tức không phải để làm một nghề hay một việc kiếm tiền sinh sống...
Tại hội nghị Liên hiệp quốc về du lịch họp tại Roma - Italia (21/8 đến 5/9/1963), các chuyên gia đưa ra định nghĩa về du lịch: Du lịch là tổng hợp các mối quan hệ, hiện tượng và các hoạt động kinh tế bắt nguồn từ các cuộc hành trình và lưu trú của cá nhân hay tập thể ở bên ngoài nơi ở thường xuyên của họ hay ngoài nước họ với mục đích hoà bình. Nơi họ đến lưu trú không phải là nơi làm việc cuả họ[24].
Theo I.I pirôgionic, 1985[23]: Du lịch là một dạng hoạt động của dân cư trong thời gian rỗi liên quan với sự di chuyển và lưu lại tạm thời bên ngoài nơi cư trú thường xuyên nhằm nghỉ ngơi, chữa bệnh, phát triển thể chất và tinh thần, nâng cao trình độ nhận thức văn hoá hoặc thể thao kèm theo việc tiêu thụ những giá trị về tự nhiên, kinh tế và văn hoá.
Ở Việt Nam, khái niệm này được định nghĩa chính thức trong pháp lệnh du lịch, (1999) như sau: “ Du lịch là hoạt động của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên của mình nhằm thoả mãn nhu cầu tham quan, giải trí, nghỉ dưỡng trong một khoảng thời gian nhất định”.
Như vậy, qua hai định nghĩa trên cho thấy rằng du lịch là một ngành liên quan đến rất nhiều thành phần: Khách du lịch; phương tiện giao thông; địa bàn đón khách; dân địa phương; trong đó diễn ra các hoạt động du lịch cũng như các hoạt động kinh tế - xã hội khác liên quan đến du lịch. Vì vậy, các tác động của du lịch đến địa bán đón khách là khá đa dạng ở nhiều khía cạnh và phụ thuộc nhiều vào loại hình du lịch.
Trước những tác động xấu ngày càng gia tăng do du lịch mang lại buộc các nhà nghiên cứu du lịch phải tìm kiếm một cách thức, một chiến lược mới nhằm đảm bảo sự hài hoà giữa phát triển du lịch với bảo vệ môi trường. Theo đó, một loại hình du lịch mới ra đời đáp ứng yêu cầu du lịch bền vững đó là du lịch sinh thái.
1.1.2. Khái niệm về du lịch sinh thái:
Cho đến thập kỷ 80, loại hình du lịch mới này bắt đầu được quan tâm, năm 1991, xuất hiện khái niệm DLST, là một loại hình du lịch thay thế có sức hấp dẫn lớn.DLST được định nghĩa ở thời kỳ sơ khởi của nó như sau:
“ DLST là loại hình du lịch diễn ra trong các vùng có hệ sin thái tự nhiên còn bảo tồn khá tốt nhằm mục tiêu nghiên cứu, chiêm ngưỡng, thưởng thức phong cảnh, động thực vật cũng như các giá trị văn hoá hiện hữu” ( Boo,1991).
Sau đó, có rất nhiều định nghĩa khác nhau về du lịch sinh thái đã được các nhà nghiên cứu quan tâm đưa ra. Mặc dù có nhiều cách diễn đạt khác nhau nhưng tựu chung lại các định nghĩa đều tập trung vào việc nhấn mạnh bản chất của loại hình du lịch này.
Trong một định nghĩa được đưa ra tại cuộc hội thảo toàn Canada “ DLST là một hình thức du lịch tự nhiên mang tính khai sáng, góp phần bảo tồn hệ sinh thái mà vẫn tôn trọng sự hoà nhập của các cộng đồng địa phương”. Định nghĩa này bao hàm cả khía cạnh giá trị và khía cạnh nguồn lực, hàm chứa một sự cân bằng giữa các lợi ích về nguồn lực, lợi ích của ngành du lịch, lợi ích của cộng đồng địa phương và khách du lịch.
Còn rất nhiều định nghĩa khác về DLST của nhiều học giả và được Buckley tổng quát lại như sau: “Chỉ có du lịch dựa vào tự nhiên, được quản lý bền vững, hỗ trợ bảo tồn, và có giáo dục môi trường mới được mô tả như là DLST” . Trong đó, yếu tố quản lý bền vững bao hàn cả nội dung hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội địa phương.
Như vậy, từ định nghĩa về DLST được đưa ra vào thời điểm sơ khai, qua rất nhiều những định nghĩa khác nhau đã dần nhấn mạnh rằng DLST không chỉ đơn thuần là du lịch đến một vùng tự nhiên, thưởng thức một chút gì đó một cách thụ động và ít gây tác động đến môi trường, mà còn phải là du lịch có trách nhiệm với môi trường, có tính giáo dục cao, đóng góp cho hoạt động bảo tồn và phát triển tài nguyên, đem lại lợi ích cho cộng đồng sở tại cả về mặt kinh tế, văn hoá và xã hội.
Tại hội thảo “DLST với phát triển bền vững ở Việt Nam” đã thống nhất đi đến khái niệm về DLST như sau:
“DLST là hình thức du lịch thiên nhiên có mức độ giáo dục cao về sinh thái và môi trường có tác động tích cực đến việc bảo vệ môi trường và văn hoá đảm bảo mang lại các lợi ích về tài chính cho cộng đồng địa phương và có đóng góp cho các nỗ lực bảo tồn”.
Định nghĩa này đã bao hàn đầy đủ nội dung và tính chất của DLST, thống nhất cơ bản với các khái niệm của các nhà nghiên cứu đã đưa ra. Qua đó, ta thấy rằng DLST được xem như là loại hình du lịch mà trong nó bao hàm các mặt tích cực của một số loại hình du lịch.