Một Số Lý Luận Cơ Bản Về Hiệu Quả Kinh Doanh Và Doanh Nghiệp Lâm Nghiệp

hành khảo sát từ tháng 12/2020 - 3/2021 và đề xuất các giảp pháp đến năm 2025.

- Phạm vi về nội dung: Đề tài tập trung nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Hòa Bình

5. Phương pháp nghiên cứu

5.1. Phương pháp thu thập dữ liệu

- Đối với dữ liệu thứ cấp: Đề tài sử dụng phương pháp kế thừa để thu thập các thông tin, tài liệu, dữ liệu thứ cấp đã được công bố ở các cơ quan lưu trữ, trên sách báo, tạp trí, các tài liệu có liên quan đến vấn đề nghiên cứu: Các văn bản pháp luật, Nghị định và Quyết định của Chính phủ và Bộ ngành liên quan, các nghiên cứu có liên quan đến đề tài, các báo cáo, bài báo, luận văn… Các tài liệu về báo cáo tài chính: báo cáo lưu chuyển tiền tệ, báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh, biểu cân đối kế toán…của công ty TNHH MTV Lâm Nghiệp Hòa Bình trong 3 năm 2018-2020.

- Đối với dữ liệu sơ cấp: Được thu thập trực tiếp từ việc điều tra khảo sát cán bộ quản lý của công ty TNHH MTV Lâm Nghiệp Hòa Bình với mục đích xác định mức độ ảnh hưởng của các nhân tố tới hiệu quả kinh doanh của công ty. Cụ thể:

Quy trình xây dựng bảng hỏi và điều tra được thực hiện qua 3 bước:

- Bước 1: Xây dựng bảng hỏi: Dựa trên cơ sở mô hình lý thuyết, tổng hợp tài liệu và các công trình nghiên cứu trước cùng với tư vấn của các chuyên gia, biểu hỏi được thiết kế gồm 3 phần: Thông tin chung, bao gồm các câu hỏi thu thập thông tin cơ bản của đối tượng điều tra (họ tên, tuổi, giới tính, vị trí, thâm niên…); Các câu hỏi về đặc điểm và các nội dung liên quan đến hiệu quả kinh doanh của công ty; Các câu hỏi về yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh (được đánh giá bằng thang đo với thang điểm Likert 5 mức độ (1- hoàn toàn không ảnh hưởng; 2- không ảnh hưởng; 3- ảnh hưởng một phần (ảnh hưởng bình thường), 4- ảnh hưởng và 5- Rất ảnh hưởng).”

- Bước 2: Tiến hành điều tra sơ bộ, hiệu chỉnh bảng hỏi: Bảng hỏi được gửi đến để điều tra thử với 3 nhà quản lý của công ty TNHH MTV Lâm Nghiệp Hòa Bình (01 phó giám đốc, 01 trưởng phòng, 01 đội trưởng). Sau khi điều tra thử, tác giả tiến hành hiệu chỉnh biểu hỏi và điều tra chính thức.

- Bước 3: Điều tra chính thức

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 125 trang tài liệu này.

Phiếu điều tra chính thức được gửi đến công ty và tiến hành điều tra trong 2 tháng từ tháng 12/2020 - 02/2021, đối tượng điều tra là cán bộ lãnh đạo của công ty (bao

gồm: Ban giám đốc, các trưởng phó phòng, các đội trưởng các đội sản xuất). Dung lượng mẫu là 18 người.

Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Hòa Bình - 3

5.2. Phương pháp phân tích dữ liệu

- Phương pháp thống kê mô tả: Sử dụng các chỉ tiêu như số tương đối, số tuyệt đối, số bình quân và dãy số biến động theo thời gian. Sử dụng phương pháp thống kê mô tả để nêu lên mức độ của hiện tượng, phân tích biến động của các hiện tượng và mối quan hệ giữa các hiện tượng với nhau. Phương pháp này được sử dụng để mô tả đặc điểm cơ bản của công ty, và các số liệu về hiệu quả kinh doanh của công ty.

- Phương pháp thống kê so sánh: Dùng phương pháp này để so sánh các số liệu về hiệu quả kinh doanh của các năm 2018-2020.

6. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài

Về mặt khoa học: Nghiên cứu này sẽ đóng góp một phần vào việc hệ thống hóa cơ sở lý luận về hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp nói chung và của doanh nghiệp lâm nghiệp nói riêng.

Về mặt thực tiễn: Kết quả nghiên cứu nhằm cung cấp thông tin giúp các nhà nhà quản trị của công ty TNHH MTV Lâm Nghiệp Hòa Bình thấy được thực trạng hiệu quả kinh doanh và các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả kinh của công ty, từ đó đưa ra những đánh giá chính xác đầy đủ nhằm đề xuất giải pháp nâng cao hiệu kinh doanh của Công ty trong thời gian tới.

7. Kết cấu đề tài

Ngoài phần mở đầu, Kết luận đề tài được kết cấu theo chương:

Chương 1: Cơ sở lý luận về hiệu quả kinh doanh và các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Chương 2: Thực trạng hiệu quả kinh doanh và các nhân tố ảnh hướng đến hiệu quả kinh doanh của công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Hòa Bình.

Chương 3: Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh của Công ty TNHH MTV Lâm Nghiệp Hòa Bình.

CHƯƠNG 1

MỘT SỐ CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ HIỆU QUẢ KINH DOANH VÀ CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN HIỆU QUẢ KINH DOANH‌

CỦA DOANH NGHIỆP LÂM NGHIỆP

1.1. Một số lý luận cơ bản về hiệu quả kinh doanh và doanh nghiệp lâm nghiệp

1.1.1. Khái niệm và bản chất của hiệu quả kinh doanh

1.1.1.1. Khái niệm hiệu quả kinh doanh

Trong cơ chế thị trường như hiện nay, mọi doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh đều có một mục tiêu chung là tối đa hóa lợi nhuận. Lợi nhuận là yếu tố quyết định đến sự tồn tại và phát triển của mỗi doanh nghiệp. Để đạt được mức lợi nhuận cao, các doanh nghiệp cần phải hợp lý hóa quá trình sản xuất kinh doanh, từ khâu mua vào đến khâu tiêu thụ. Mức độ hợp lý hóa của quá trình được phản ánh qua một phạm trù kinh tế cơ bản được gọi là: Hiệu quả kinh doanh. Muốn kiểm tra tính hiệu quả của hoạt động sản xuất kinh doanh phải đánh giá được hiệu quả kinh doanh ở phạm vi doanh nghiệp cũng như từng bộ phận của nó.

Theo tác giả David Begg (1992), hiệu quả kinh doanh là một phạm trù kinh tế, phản ánh trình độ sử dụng các nguồn lực (lao động, máy móc thiết bị, vốn và các yếu tố khác) của doanh nghiệp nhằm đạt được mục tiêu kinh doanh mà doanh nghiệp đề ra. Nhóm tác giả Nguyễn Thành Độ và Nguyễn Ngọc Huyền (2009) cho rằng hiệu quả kinh doanh là phạm trù phản ánh trình độ lợi dụng các nguồn lực để đạt được các mục tiêu kinh doanh xác định. Chỉ các doanh nghiệp kinh doanh mới nhằm vào mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận và vì thế mới cần đánh giá hiệu quả kinh doanh. Trong khi đó, tác giả Bùi Thị Minh Nguyệt (2018) nhận định, hiệu quả kinh doanh là một phạm trù phản ánh trình độ lợi dụng các nguồn lực để đạt được các mục tiêu xác định, phản ánh mặt chất lượng của quá trình kinh doanh. Hiệu quả kinh doanh là sự tương quan so sánh giữa kết quả đạt được theo mục tiêu đã được xác định với chi phí bỏ ra để đạt được kết quả đó trong quá trình sản xuất kinh doanh Nguyễn Văn Công (2013).

Như vậy, về mặt bản chất thì hiệu quả kinh doanh chính là hiệu quả kinh tế của doanh nghiệp. Hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp gắn chặt với hiệu quả kinh tế của toàn xã hội, vì thế nó cần được xem xét toàn diện cả về mặt định tính lẫn định lượng, không gian và thời gian. Về mặt định tính, mức độ hiệu quả kinh doanh phản ánh những nỗ lực và trình độ quản lý của doanh nghiệp, đồng thời gắn với việc đáp

ứng các mục tiêu và yêu cầu của doanh nghiệp và của toàn xã hội về kinh tế, chính trị và xã hội. Về mặt định lượng, hiệu quả kinh doanh là biểu thị tương quan giữa kết quả mà doanh nghiệp thu được với chi phí mà doanh nghiệp bỏ ra để thu được kết quả đó. Hiệu quả kinh doanh chỉ có được khi kết quả cao hơn chi phí bỏ ra. Mức chênh lệch này càng lớn thì hiệu quả kinh doanh càng cao và ngược lại.

1.1.1.2. Phân loại hiệu quả kinh doanh

Trong công tác quản lý, phạm trù hiệu quả kinh doanh được biểu hiện dưới các dạng khác nhau. Việc phân chia hiệu quả kinh doanh theo các tiêu chí khác nhau có tác dụng thiết thực cho công tác quản lý kinh doanh. Nó là cơ sở để xác định các chỉ tiêu và định mức hiệu quả kinh doanh để từ đó có các biện pháp nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Tùy theo cách tiếp cận có thể nghiên cứu hiệu quả kinh doanh theo các cách phân loại khác nhau. Hiệu quả có thể được đánh giá ở các góc độ, đối tượng, phạm vi khác nhau.

- Xét trong phạm vi và đối tượng các hoạt động kinh tế, có thể phân chia phạm trù hiệu quả kinh doanh thành:

+ Hiệu quả kinh tế quốc dân: là hiệu quả kinh tế tính chung toàn bộ nền sản xuất xã hội.

+ Hiệu quả kinh tế theo ngành: là hiệu quả kinh tế tính riêng cho từng ngành sản xuất vật chất như công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ... trong từng ngành lớn có lúc phải phân bổ hiệu quả kinh tế cho những ngành hẹp hơn.

+ Hiệu quả kinh tế doanh nghiệp: là xem xét cho từng doanh nghiệp, vì doanh nghiệp hoạt động theo từng mục đích riêng rẽ và lấy lợi nhuận làm mục tiêu cao nhất, nên nhiều hiệu quả của doanh nghiệp không đồng nhất với hiệu quả của quốc gia. Cũng vì thế mà nhà nước sẽ có các chính sách liên kết vĩ mô với doanh nghiệp.

- Căn cứ vào phạm vi tính toán hiệu quả, người ta phân ra làm 2 loại: Hiệu quả kinh doanh tổng hợp và hiệu quả kinh doanh bộ phận.

+ Hiệu quả kinh doanh tổng hợp: là phạm trù kinh tế biểu hiện của sự phát triển kinh tế theo chiều sâu, phản ánh trình độ khai thác các nguồn lực nhằm thực hiện mục tiêu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Hiệu quả kinh doanh tổng hợp là thước đo hết sức quan trọng của sự tăng trưởng kinh tế và là chỗ dựa cho việc đánh giá việc thực hiện mục tiêu kinh tế của doanh nghiệp trong từng thời kỳ.

+ Hiệu quả kinh doanh bộ phận: là sự thể hiện trình độ và khả năng sử dụng từng bộ phận trong quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Nó là thước đo quan trọng của sự tăng trưởng từng bộ phận và cùng với hiệu quả kinh tế tổng hợp làm cơ sở để đánh giá việc thực hiện mục tiêu kinh tế của doanh nghiệp. Nó bao gồm các chỉ tiêu như hiệu quả sử dụng vốn cố định và tài sản cố định, hiệu quả sử dụng vốn lưu động và tài sản lưu động, hiệu quả sử dụng đất, hiệu quả sử dụng lao động…

- Xét trên yếu tố tài chính có hiệu quả tài chính và hiệu quả phi tài chính.

+ Hiệu quả tài chính: phản ảnh trình độ lợi dụng các nguồn lực để đạt được mục tiêu kinh tế của tổ chức. Các mục tiêu kinh tế thường được xác định như tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận, hiệu quả sử dụng vốn, hiệu quả sử dụng tài sản…

+ Hiệu quả phi tài chính: phản ánh trình độ lợi dụng các nguồn lực sản xuất để đạt được các mục tiêu kinh tế - xã hội. Các mục tiêu kinh tế - xã hội thường là tốc độ tăng trưởng kinh tế; Mức sống của người lao động; Tổng thu nhập của người lao động; Tỷ lệ giải quyết công ăn việc làm; Xây dựng cơ sở hạ tầng; Nâng cao phúc lợi xã hội…

Hoạt động của doanh nghiệp nào cũng gắn liền với môi trường và thị trường kinh doanh của nó. Doanh nghiệp nào cũng căn cứ vào thị trường để giải quyết các vấn đề then chốt: kinh doanh cái gi? Kinh doanh như thế nào? Kinh doanh cho ai? Suy cho cùng, chi phí bỏ ra là chi phí lao động xã hội nhưng đối với mỗi doanh nghiệpmà ta đánh giá hiệu quả kinh tế thì chi phí lao động xã hội đó được thể hiện dưới dạng các chi phí khác nhau như: chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí bán hàng, chi phí khác… Bản thân mỗi loại chi phí này lại có thể được phân chia tỉ mỉ hơn. Vì vậy, khi đánh giá hiệu quả kinh tế không thể không đánh giá hiệu quả tổng hợp của các loại chi phí trên, đồng thời cần thiết phải đánh giá hiệu quả của từng loại chi phí đó.

1.1.2. Doanh nghiệp lâm nghiệp

1.1.2.1. Khái niệm doanh nghiệp lâm nghiệp

Doanh nghiệp lâm nghiệp là một loại doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lâm nghiệp với đặc trưng cơ bản nhất là lấy rừng và tài nguyên rừng làm tư liệu sản xuất chủ yếu.

Theo quan niệm phổ biến hiện nay, lâm nghiệp là một lĩnh vực sản xuất đặc biệt, bao gồm các hoạt động xây dựng rừng, khai thác lợi dụng, chế biến các sản phẩm từ rừng và phát huy các chức năng phòng hộ, chức năng văn hoá xã hội của rừng.

Doanh nghiệp lâm nghiệp trước hết là một tổ chức thực hiện hoạt động kinh doanh chủ yếu trong lĩnh vực lâm nghiệp với các hoạt động xây dựng rừng, khai thác vận chuyển và chế biến các loại lâm sản, thực hiện các dịch vụ trong lĩnh vực lâm nghiệp, đáp ứng nhu cầu về lâm sản đối với toàn bộ nền kinh tế. Bên cạnh việc thực hiện các hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp lâm nghiệp còn phải làm nhiệm vụ phát huy các chức năng phòng hộ của rừng đối với quốc gia, đồng thời phát huy tốt nhất các chức năng về văn hoá, xã hội của rừng đối với xã hội.

1.1.2.2. Đặc điểm của doanh nghiệp lâm nghiệp

Thứ nhất, chu kỳ sản xuất trong doanh nghiệp lâm nghiệp dài. Hoạt động cơ bản nhất của sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp lâm nghiệp là trồng rừng, khai thác và chế biến các loại nông lâm sản cung cấp cho các nhu cầu của nền kinh tế. Trong toàn bộ các hoạt động này, đối tượng lao động chủ yếu là cây, một thực thể sinh học có thời gian sinh trưởng phát triển rất dài. Đối với các loại cây trong lâm nghiệp (mà đặc biệt là cây rừng), thời gian từ khi bắt đầu gieo trồng cho đến khi được khai thác có thể kéo dài nhiều năm, thông thường là hàng chục năm, cá biệt có thể tới hàng trăm năm. Chu kỳ sản xuất trong các doanh nghiệp lâm nghiệp rất dài, là đặc điểm rất quan trọng, có ảnh hưởng rất lớn đến toàn bộ công tác tổ chức sản xuất kinh doanh. Chu kỳ sản xuất dài làm cho vốn đầu tư trong các doanh nghiệp lâm nghiệp phải nằm rất lâu trong quá trình sản xuất dưới dạng sản phẩm dở dang, vì thế quay vòng chậm, rất lâu được thu hồi, dẫn đến hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp lâm nghiệp thường thấp, độ rủi ro trong kinh doanh thường cao.

Đặc điểm này đòi hỏi bản thân các doanh nghiệp lâm nghiệp phải hết sức thận trọng trong khi xác định cơ cấu cây trồng, phải chủ động áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để rút ngắn chu kỳ sản xuất, mở rộng các hoạt động kinh doanh tổng hợp, lấy ngắn nuôi dài...để có thể tồn tại và phát triển trong nền kinh tế thị trường, bên cạnh đó Nhà nước cần có những chính sách ưu đãi về đầu tư cho các hoạt động kinh doanh lâm nghiệp.

Thứ hai, sản xuất lâm nghiệp rất đa dạng, phức tạp. Các hoạt động sản xuất kinh doanh trong các doanh nghiệp lâm nghiệp nhìn chung rất đa dạng, phức tạp, mang tính khép kín từ khâu gây trồng cho tới khâu khai thác, vận chuyển chế biến và phân phối sản phẩm đến người tiêu dùng. Tính đa dạng trong sản xuất kinh doanh lâm nghiệp thể hiện ở chỗ, sản xuất của doanh nghiệp lâm nghiệp khép kín từ khâu gây trồng đến

khâu chế biến sản phẩm. Tính phức tạp trong sản xuất của các doanh nghiệp lâm nghiệp thể hiện ở chỗ các hoạt động sản xuất vừa mang tính chất nông nghiệp lại vừa mang tính chất công nghiệp. Các hoạt động trong khâu gây trồng thường mang tính chất nông nghiệp, trong khi đó các khâu khai thác, vận chuyển và chế biến sản phẩm lại mang tính chất công nghiệp rõ nét. Đặc điểm này đòi hỏi các doanh nghiệp lâm nghiệp cần áp dụng mô hình sản xuất tổng hợp nhằm nâng cao tỷ lệ lợi dụng đất, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của mình .

Thứ ba, địa bàn hoạt động của doanh nghiệp lâm nghiệp rộng phân bổ trên những vùng khó khăn. Gắn liền với tư liệu sản xuất chủ yếu là đất và cây, các doanh nghiệp lâm nghiệp thường phân bố ở các vùng xa xôi hẻo lánh, địa hình phức tạp, cơ sở hạ tầng kém phát triển và vùng trung du miền núi. Đặc điểm này đặt các doanh nghiệp lâm nghiệp trước những khó khăn trong việc tổ chức sản xuất, như thiếu các điều kiện cơ sở vật chất và dịch vụ xã hội cần thiết cho các hoạt động của mình. Doanh nghiệp lâm nghiệp thường phải chịu thêm những chi phí để tự xây dựng và duy trì các công trình cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải, tự tổ chức các dịch vụ đời sống vật chất và tinh thần... không những để phục vụ cho nhu cầu của mình mà còn phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Thư tư, sản xuất lâm nghiệp mang tính mùa vụ cao. Trong sản xuất lâm nghiệp, có nhiều hoạt động mang tính mùa vụ ở các mức độ khác nhau, làm nảy sinh những yêu cầu nhất định trong quá trình tổ chức sản xuất của các doanh nghiệp. Tính mùa vụ của sản xuất trong các doanh nghiệp lâm nghiệp được quyết định bởi đổi tượng lao động chủ yếu là cây cối, là những thực thể sinh học, hơn nữa sản xuất lâm nghiệp thường diễn ra ở điều kiện ngoài trời nên chịu ảnh hưởng rất mạnh của yếu tố thời tiết. Đặc điểm này làm cho công tác tổ chức sản xuất của các doanh nghiệp lâm nghiệp gặp những khó khăn nhất định do tính đều đặn nhịp nhàng trong sản xuất rất khó được thực hiện. Tính mùa vụ của sản xuất đòi hỏi doanh nghiệp lâm nghiệp phải xây dựng được phương án tổ chức sản xuất, tổ chức lao động hết sức linh hoạt và khoa học để vừa tận dụng được những điều kiện thuận lợi, tránh được những ảnh hưởng bất lợi của thời tiết trong tổ chức sản xuất, đồng thời cũng phải chủ động áp dụng các biện pháp tổ chức kỹ thuật thích hợp để hạn chế đến mức thấp nhất những ảnh hưởng của tính mùa vụ đối với sản xuất kinh doanh.

Thứ năm, sản xuất mang tính xã hội sâu sắc. Địa bàn hoạt động của các doanh nghiệp lâm nghiệp ở các vùng trung du, miền núi cũng đồng thời là nơi sinh sống của cư dân các địa phương. Nghề nông và nghề rừng cũng là một trong những nghề truyền thống lâu đời của đồng bào các dân tộc miền núi. Mọi hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp lâm nghiệp đều có ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân địa phương, đồng thời doanh nghiệp lâm nghiệp cũng chịu ảnh hưởng rất lớn của cộng đồng các dân tộc sinh sống trên cùng địa bàn. Vì vậy có thể thấy, các hoạt động sản xuất lâm nghiệp luôn mang tính xã hội rất sâu sắc. Đặc điểm này đòi hỏi các doanh nghiệp lâm nghiệp phải thu hút được sự tham gia chặt chẽ, đầy đủ của cộng đồng nhân dân địa phương vào quá trình sản xuất kinh doanh của mình, đồng thời cũng phải có trách nhiệm tổ chức sản xuất, góp phần tạo việc làm và thu nhập cho nhân dân địa phương, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển toàn diện kinh tế xã hội trên địa bàn hoạt động của mình.

1.1.2.3. Mô hình hoạt động của doanh nghiệp lâm nghiệp

Ở Việt Nam, hệ thống quản lý lĩnh vực lâm nghiệp được phân thành 2 nội dung chủ yếu, đó là: quản lý Nhà nước về lâm nghiệp và quản lý sản xuất kinh doanh lâm nghiệp. Trước những năm 1986 cơ quan quản lý nhà nước thực hiện cả hai chức năng vừa quản lý nhà nước về lâm nghiệp vừa quản lý sản xuất kinh doanh lâm nghiệp. Cơ quan quản lý lâm nghiệp từ Trung ương đến địa phương đều thực hiện 2 chức năng là quản lý nhà nước về lâm nghiệp theo lãnh thổ và quản lý các doanh nghiệp trên địa bàn với tư cách là cơ quan chủ quản trực tiếp.

Từ 1986 đến nay là giai đoạn đất nước đổi mới, quản lý lâm nghiệp được phân thành 2 chức năng, đó là: Cơ quan quản lý nhà nước về lâm nghiệp từ Trung ương đến địa phương chỉ thực hiện chức năng quản lý nhà nước và giám đốc các doanh nghiệp chịu trách nhiệm quản lý sản xuất kinh doanh của đơn vị mình. Đây là sự phân quyền nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tự chủ và chịu trách nhiệm trong quá trình sản xuất kinh doanh cũng như trong việc bảo tồn, xây dựng và phát triển vốn rừng mà Nhà nước đã giao.

Hoạt động sản xuất kinh doanh về lâm nghiệp được giao cho các doanh nghiệp lâm nghiệp, bao gồm hệ thống các lâm trường quốc doanh (nay đã chuyển đổi thành các công ty lâm nghiệp, các công ty, xí nghiệp chế biến lâm sản, các trang trại, các hợp tác xã và hộ gia đình).

Xem tất cả 125 trang.

Ngày đăng: 19/06/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí