Các Nghiên Cứu Về Khoảng Cách Kỳ Vọng Trong Kiểm Toán‌


kiểm toán tại các công ty kiểm toán hoạt động tại Việt Nam

Người sử dụng thông tin: bao gồm khách hàng kiểm toán (thành viên hội đồng quản trị, thành viên ban giám đốc, kiểm toán viên nội bộ, kế toán viên của các công ty phi tài chính niêm yết trên thị trường chứng khoán) và nhóm có lợi ích trực tiếp từ kiểm toán báo cáo tài chính các công ty phi tài chính niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam và có kiến thức về tài chính (các nhà đầu tư, nhà môi giới chứng khoán, nhân viên và ban giám đốc ngân hàng, nhà phân tích tài chính).

5. Phương pháp nghiên cứu‌

Luận án sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính kết hợp phương pháp nghiên cứu định lượng.

Phương pháp nghiên cứu định tính được thực hiện nhằm tìm hiểu các nhân tố có ảnh hưởng tới khoảng cách kỳ vọng từ kết quả các nghiên cứu trước đây nhằm hình thành mô hình nghiên cứu, xây dựng các giả thuyết nghiên cứu, thiết lập bảng hỏi điều tra và thang đo tương ứng. Luận án tiến hành thu thập tài liệu có liên quan tới khoảng cách kỳ vọng từ các công trình nghiên cứu trong và ngoài nước được công bố trên các tạp chí, bài báo khoa học, các luận án đã nghiệm thu. Luận án cũng tiến hành kiểm tra sự phù hợp của mô hình nghiên cứu, xem xét bổ sung các nhân tố mới cho mô hình và sự phù hợp của bảng hỏi qua việc thực hiện phỏng vấn bán cấu trúc chuyên gia và khảo sát thử. Bên cạnh đó, phương pháp định tính còn được sử dụng để thu thập các văn bản pháp lý, các chuẩn mực kiểm toán Việt Nam liên quan đến kiểm toán báo cáo tài chính các công ty phi tài chính niêm yết trên thị trường chứng khoán. Một số dữ kiện liên quan đến các công ty phi tài chính niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam cũng được hình thành từ phương pháp này như số lượng các công ty, ngành nghề hoạt động.

Luận án sử dụng các công cụ của phương pháp nghiên cứu định lượng để kiểm định độ tin cậy của thang đo, kiểm định các giả thuyết nghiên cứu và đo lường khoảng cách kỳ vọng và các thành phần của khoảng cách kỳ vọng, mức độ ảnh hưởng của các nhân tố tới khoảng cách kỳ vọng trong kiểm toán báo cáo tài chính các công ty phi tài chính niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Kết quả khảo sát được mã hóa và xữ lý dữ liệu bằng phần mềm thống kê SPSS. Luận án kiểm định độ tin cậy của thang đo thông qua hệ số Cronbach’s Alpha, sử dụng kiểm định One Sample T- test, phân tích nhân tố khám phá (EFA), phân tích hệ số tương quan Pearson, đồng thời kiểm định sự phù hợp của mô hình thông qua phân tích hồi quy.


6. Đóng góp của luận án‌

6.1. Các đóng góp về lý luận

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 184 trang tài liệu này.

- Thứ nhất, luận án kế thừa khái niệm và cấu trúc của khoảng cách kỳ vọng từ nghiên cứu của Porter (1993) xây dựng phương pháp đo lường khoảng cách kỳ vọng và các thành phần của khoảng cách kỳ vọng từ phía người sử dụng thông tin dựa trên thang đo Likert 5 điểm.

- Thứ hai, kết quả của luận án cung cấp bằng chứng thực nghiệm về các nhân tố ảnh hưởng cũng như mức độ ảnh hưởng cụ thể của các nhân tố này tới khoảng cách kỳ vọng trong kiểm toán.

Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng tới khoảng cách kỳ vọng trong kiểm toán báo cáo tài chính các công ty phi tài chính niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam - 3

- Thứ ba, Các nghiên cứu về khoảng cách kỳ vọng còn khá hạn chế ở Việt Nam, vì vậy, kết quả của luận án có thể sử dụng để tham chiếu cho các nghiên cứu về kế toán, kiểm toán sau này.

6.2. Các đóng góp về thực tiễn

- Thứ nhất, luận án tiến hành nghiên cứu thực nghiệm và đưa ra kết quả cụ thể về mức độ khoảng cách kỳ vọng trong kiểm toán cũng như từng thành phần cấu thành khoảng cách kỳ vọng bao gồm: khoảng cách hợp lý, khoảng cách chuẩn mực và khoảng cách chất lượng kiểm toán trong kiểm toán báo cáo tài chính các công ty phi tài chính niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

- Thứ hai, luận án cũng xác định được các nhân tố và mức độ ảnh hưởng của các nhân tố tới khoảng cách kỳ vọng trong kiểm toán báo cáo tài chính các công ty phi tài chính niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

- Thứ ba, luận án cung cấp các hàm ý và khuyến nghị cho các bên bao gồm: kiểm toán viên, công ty kiểm toán, người sử dụng thông tin, các cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan ban hành chuẩn mực kiểm toán nhằm phát triển bền vững thị trường kiểm toán Việt Nam.

7. Kết cấu của luận án‌

Ngoài phần mở đầu và kết luận, luận án gồm 5 chương: Chương 1: Tổng quan nghiên cứu

Chương 2: Cơ sở lý luận về khoảng cách kỳ vọng và các nhân tố ảnh hưởng tới khoảng cách kỳ vọng trong kiểm toán

Chương 3: Thiết kế và phương pháp nghiên cứu Chương 4: Kết quả nghiên cứu và thảo luận

Chương 5: Kết luận và các khuyến nghị từ kết quả nghiên cứu


CHƯƠNG 1: TỒNG QUAN NGHIÊN CỨU‌


1.1. Các nghiên cứu về khoảng cách kỳ vọng trong kiểm toán‌

Số lượng các nghiên cứu liên quan đến khoảng cách kỳ vọng trong kiểm toán là rất lớn với các phương pháp đánh giá, phạm vi, đối tượng, chủ thể, mục tiêu.... khác nhau. Để đánh giá khái quát các nghiên cứu này, tác giả dựa trên tiêu chí mà He (2010) đã đưa ra, bao gồm: chủ thể, đối tượng, và khác biệt. Về “đối tượng” trong các nghiên cứu lại có sự giao thoa lẫn nhau như trách nhiệm kiểm toán viên và mức độ bảo đảm của nghề nghiệp, thông điệp truyền tải qua báo cáo kiểm toán và mức độ đảm bảo. Mặt khác, về “khác biệt” được nêu trong các nghiên cứu cũng sử dụng rất nhiều thuật ngữ, như sự khác biệt giữa kỳ vọng – nhận thức, kỳ vọng – kỳ vọng, niềm tin – nhận thức và rất khó đánh giá xem thuật ngữ nào là phù hợp nhất. Chính vì vậy, tác giả lựa chọn tiêu chí “chủ thể” để hệ thống hóa lại các nghiên cứu trước đây về khoảng cách kỳ vọng trong kiểm toán. Các chủ thể được đề cập trong các nghiên cứu là rất phong phú như kiểm toán viên, xã hội, công chúng, người sử dụng báo cáo, người hưởng lợi từ dịch vụ kiểm toán… Tuy nhiên, các nghiên cứu về khoảng cách kỳ vọng trong kiểm toán nếu dựa vào tiêu chí “chủ thể” có thể được chia thành 2 nhóm chính bao gồm: (1) các nghiên cứu đánh giá khoảng cách kỳ vọng giữa kiểm toán viên và người sử dụng thông tin và (2) các nghiên cứu đánh giá khoảng cách kỳ vọng chỉ từ phía một chủ thể duy nhất là người sử dụng thông tin. Vì giữa các chủ thể có kiến thức, kinh nghiệm, lợi ích khác nhau nên việc xem xét các nghiên cứu dựa trên tiêu chí này có thể giúp luận án đối chiếu so sánh kết quả giữa các quốc gia hay giữa các thời điểm khác nhau một cách hợp lý.

Mặt khác, các nghiên cứu tiền nhiệm về khoảng cách kỳ vọng trong kiểm toán tập trung vào một số nội dung chính bao gồm: các nghiên cứu chứng minh sự tồn tại khoảng cách kỳ vọng trong kiểm toán, các nghiên cứu về mô hình cấu trúc của khoảng cách kỳ vọng cũng như các nghiên cứu nhằm xây dựng phương pháp đo lường mức độ của khoảng cách kỳ vọng.

1.1.1. Các nghiên cứu chứng minh sự tồn tại của khoảng cách kỳ vọng trong kiểm toán‌

1.1.1.1. Các nghiên cứu chứng minh sự tồn tại của khoảng cách kỳ vọng trong kiểm toán giữa người sử dụng thông tin và kiểm toán viên


Hầu hết các nghiên cứu đặc biệt là các nghiên cứu thực nghiệm về khoảng cách kỳ vọng trong kiểm toán đều lựa chọn chủ thể bao gồm người sử dụng thông tin và kiểm toán viên vì phương pháp nghiên cứu để xác minh sự tồn tại và đo lường mức độ của sự khác biệt giữa hai chủ thể là không quá phức tạp. Mặt khác, việc xem xét khoảng cách kỳ vọng xuất phát từ cả 2 chủ thể cũng giúp các nhà nghiên cứu đưa ra các giải pháp thu hẹp khoảng cách này trong thực tiễn hiệu quả hơn. Tuy nhiên, theo Porter (1993), việc đánh giá khoảng cách kỳ vọng dựa trên quan điểm của cả kiểm toán viên là người thực hiện kiểm toán sẽ khiến kết quả nghiên cứu mất đi tính khách quan.

Xem xét các nghiên cứu thực nghiệm về khoảng cách kỳ vọng trong kiểm toán giữa kiểm toán viên và người sử dụng thông tin, các lĩnh vực điển hình phát sinh sự khác biệt bao gồm: trách nhiệm của kiểm toán viên, thông tin truyền tải trên báo cáo kiểm toán, mức độ đảm bảo của kiểm toán.

a. Khoảng cách kỳ vọng liên quan đến các trách nhiệm của kiểm toán viên

Kết quả các nghiên cứu thực nghiệm cho thấy thường tồn tại khoảng cách kỳ vọng liên quan đến trách nhiệm của kiểm toán viên trong việc phát hiện và báo cáo các gian lận, duy trì hệ thống sổ sách kế toán, sự hữu hiệu của hệ thống kiểm soát nội bộ trong đơn vị được kiểm toán.

Ủy ban Cohen (1978) đã lưu ý rằng khác biệt trong nhận thức giữa người sử dụng thông tin và kiểm toán viên liên quan đến trách nhiệm phát hiện gian lận của kiểm toán viên là khác biệt đáng kể nhất trong các khía cạnh tồn tại khoảng cách kỳ vọng. Ủy ban Cohen (1978) cho thấy một tỷ lệ đáng kể những người sử dụng thông tin xếp hạng việc phát hiện gian lận là một trong những mục tiêu quan trọng nhất của kiểm toán. Ủy ban Cohen (1978) trích dẫn nghiên cứu của Arthur và Co được thực hiện năm 1974 với kết quả 68% cổ đông, 55% các nhà phân tích và môi giới chứng khoán cho rằng chức năng quan trọng nhất của kiểm toán độc lập chính là phát hiện gian lận. Tương tự, Robinson và Lyttle (1991) cũng tin rằng khác biệt đáng kể nhất liên quan đến việc phát hiện và báo cáo các gian lận.

Nghiên cứu của Gramling và cộng sự (1996) tại Mỹ đưa ra kết quả 86% người được hỏi không có kinh nghiệm kiểm toán đồng ý rằng kiểm toán viên nên phát hiện tất cả các gian lận, trong khi chỉ có 24% kiểm toán viên được hỏi đồng ý với quan điểm này. Trong nghiên cứu của Monroe và Woodliff (1993) tại Australia, các sinh viên được điều tra tin rằng kiểm toán viên có trách nhiệm hơn nhà quản lý doanh nghiệp trong việc phát hiện và ngăn chặn gian lận. Kết quả này đã được củng


cố thêm bởi nghiên cứu của Gay và cộng sự (1998), 74% sinh viên được hỏi chưa hoàn thành môn học kiểm toán đã đồng ý với quan điểm kiểm toán viên chịu trách nhiệm phát hiện gian lận.

Mặc dù đã có rất nhiều chuẩn mực hay đạo luật được ban hành quy định rõ trách nhiệm của nhà quản lý doanh nghiệp đối với gian lận hoặc sai sót trọng yếu nhưng các nghiên cứu thực nghiệm được thực hiện sau khi các quy định này được ban hành vẫn cho thấy sự tồn tại của khoảng cách kỳ vọng liên quan đến trách nhiệm này của kiểm toán viên. Tại Mỹ, theo nghiên cứu của McEnroe và Martens (2001), mặc dù các chuẩn mực đã được ban hành để làm rõ trách nhiệm của kiểm toán viên liên quan đến việc phát hiện gian lận nhưng không hiệu quả vì công chúng không tiếp cận những chuẩn mực này.

Một số nghiên cứu khác cũng đề cập tới trách nhiệm của kiểm toán viên trong phát hiện và ngăn chặn các gian lận tại đơn vị được kiểm toán dựa trên các nhóm khảo sát bao gồm kiểm toán viên và người sử dụng thông tin đã đưa ra kết quả cho thấy sự tồn tại khoảng cách kỳ vọng ở khía cạnh này như nghiên cứu của Best và cộng sự (2001) tại Singapore, Fadzly và Ahmad (2004) tại Malaysia, Dixon và cộng sự (2006) tại Ai Cập, Onulaka (2014) tại Nigeria, Kose và Erdogan (2015) tại Turkey, Salifu và Mahama (2015) tại Ghana, Azagaku và Aku (2018) tại Nigeria, Akther và Xu (2020) tại Bangladesh… Như vậy, khoảng cách kỳ vọng liên quan đến trách nhiệm phát hiện gian lận của kiểm toán viên vẫn tồn tại trong thực tiễn.

Bên cạnh trách nhiệm phát hiện gian lận, trách nhiệm báo cáo gian lận cũng là một vấn đề tồn tại sự khác biệt trong kỳ vọng giữa người sử dụng và kiểm toán viên. Các chuẩn mực kiểm toán cho rằng việc tiết lộ các gian lận cho bên khác ngoài nhà quản lý và ủy ban kiểm toán của đơn vị được kiểm toán thường không phải là trách nhiệm của kiểm toán viên và sẽ bị loại trừ bởi nghĩa vụ bảo mật thông tin cũng như quy định pháp lý. Tuy nhiên, một số lượng lớn người sử dụng thông tin lại mong muốn kiểm toán viên chấp nhận nghĩa vụ báo cáo với cơ quan quản lý trong trường hợp lợi ích công chúng bị đe dọa. Quan điểm này cũng có phần hợp lệ vì lợi ích của công chúng là tối quan trọng và không nên bị xâm phạm.

Gay và cộng sự (1998) đã tiến hành một cuộc điều tra tại Úc nhằm đánh giá nhận thức của người sử dụng báo cáo tài chính về trách nhiệm của kiểm toán viên đối với việc ngăn chặn, phát hiện và báo cáo các hành vi gian lận và bất hợp pháp. Kết quả cho thấy 68,9% người sử dụng tin rằng các kiểm toán viên được yêu cầu báo cáo nghi ngờ gian lận cho cơ quan chính phủ.


Trách nhiệm phát hiện và báo cáo các gian lận của kiểm toán viên là vấn đề gây tranh cãi nhất mà giới nghề nghiệp kiểm toán trên toàn thế giới phải đối mặt. Tuy nhiên, từ kết quả của các nghiên cứu có thể dễ dàng nhận thấy rằng người sử dụng thông tin như các chính trị gia, nhà phân tích tài chính, công chúng đều mong muốn kiểm toán viên phát hiện và báo cáo gian lận trong khi đó theo quy định của chuẩn mực kiểm toán, mục tiêu của kiểm toán cũng như quy trình kiểm toán không được thiết kế để phục vụ cho mục đích này. Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng một trong các nguyên nhân của sự khác biệt là công chúng không đánh giá đúng bản chất và hạn chế vốn có của kiểm toán trong phát hiện gian lận. Mặt khác, do ban đầu, dịch vụ kiểm toán cung cấp dịch vụ đảm bảo tuyệt đối với việc phát hiện và ngăn chặn gian lận là mục tiêu chính, sau đó chuyển sang cung cấp dịch vụ đảm bảo hợp lý với ý kiến trung thực, hợp lý của báo cáo tài chính là mục tiêu chính nên có sự kỳ vọng quá mức của người sử dụng thông tin đối với trách nhiệm kiểm toán viên (Salehi và cộng sự, 2009).

Một số nghiên cứu thực nghiệm cũng chỉ ra rằng trách nhiệm của kiểm toán viên đối với hệ thống sổ kế toán của khách hàng kiểm toán cũng là một lĩnh vực tồn tại khoảng cách kỳ vọng trong kiểm toán ở mức độ đáng kể. Theo Ủy ban Cohen (1978), trách nhiệm trực tiếp đối với báo cáo tài chính thuộc về ban giám đốc. Trách nhiệm của kiểm toán viên là kiểm toán và đưa ra ý kiến về các thông tin trên báo cáo tài chính. Ủy ban Cohen (1978) lưu ý rằng việc phân chia trách nhiệm này gần đây đang bị thách thức khi có đề xuất cho rằng kiểm toán viên nên chịu trách nhiệm tất cả hoặc một phần đáng kể việc duy trì hệ thống sổ sách kế toán của đơn vị được kiểm toán.

Best và cộng sự (2001) đã áp dụng phương pháp tương tự phương pháp của Schelluch (1996) tại Singapore, kết quả nghiên cứu cho thấy có sự khác biệt đáng kể trong nhận thức giữa kiểm toán viên và nhân viên ngân hàng, nhà đầu tư liên quan đến trách nhiệm của kiểm toán viên trong việc duy trì hệ thống sổ sách kế toán. Cụ thể, các kiểm toán viên tin rằng trách nhiệm này thuộc về ban giám đốc của đơn vị được kiểm toán trong khi các nhà quản lý của ngân hàng và nhà đầu tư lại quy trách nhiệm này thuộc về kiểm toán viên. Kết quả này cũng đã được chỉ ra trong một số nghiên cứu trước đó tại Singapore như nghiên cứu của Low và cộng sự (1988) hay Koh (2000). Mặc dù nghiên cứu của Koh (2000), Best và cộng sự (2001) kế thừa nghiên cứu của Schelluch (1996) và có kết quả tương đồng ở nhiều khía cạnh nhưng lại không giống nhau khi xét tới trách nhiệm duy trì hệ thống sổ sách kế


toán vì Schelluch (1996) cho thấy tại Australia không tồn tại khoảng cách kỳ vọng liên quan đến vấn đề này. Best và cộng sự (2001) đã giải thích sự khác biệt này trong nghiên cứu của mình là do Australia tại thời điểm Schelluch (1996) tiến hành nghiên cứu đã áp dụng báo cáo kiểm toán dạng dài trong khi tại Singapore đến năm 2001 vẫn đang sử dụng báo cáo dạng ngắn.

Mặt khác, trách nhiệm của kiểm toán viên đối với sự hữu hiệu của hệ thống kiểm soát nội bộ của đơn vị được kiểm toán cũng được đánh giá là một khía cạnh tồn tại khoảng cách kỳ vọng trong khá nhiều nghiên cứu thực nghiệm. Schelluch (1996) cho thấy tồn tại sự khác biệt trong nhận thức giữa người sử dụng thông tin và kiểm toán viên liên quan đến trách nhiệm của kiểm toán viên đối với sự hữu hiệu của kiểm soát nội bộ. Các nghiên cứu kế thừa phương pháp của Schelluch (1996) tại nhiều quốc gia cũng cho kết quả tương tự như nghiên cứu của Best và cộng sự (2001) tại Singapore, Fadzly và Ahmad (2004) tại Malaysia, Dixon và cộng sự (2006) tại Ai Cập, Agyei và cộng sự (2013) và Salifu và Mahama (2015) tại Ghana…

Nghiên cứu của McEnroe và Martens (2001) tại Mỹ cho thấy tồn tại khoảng cách kỳ vọng trong kiểm toán trong một số lĩnh vực trong đó có trách nhiệm của kiểm toán viên đối với hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ của đơn vị được kiểm toán và nhóm tác giả đã đưa ra đề xuất về hành động thích hợp để giảm bớt những kỳ vọng này đó là giáo dục công chúng. Nói cách khác, sự khác biệt này phát sinh từ những kỳ vọng bất hợp lý của công chúng.

Một số nghiên cứu tại Việt Nam cũng đưa ra kết quả tương tự khi cho thấy sự tồn tại của khoảng cách kỳ vọng liên quan tới trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và báo cáo các gian lận và nhầm lẫn (nghiên cứu của Hoàng Thị Hồng Vân, 2019; Hieu và Anh, 2020; Hong và Thuong, 2020); trách nhiệm duy trì hệ thống sổ sách kế toán của khách hàng (Hoàng Thị Hồng Vân, 2019; Hong và Thuong, 2020); trách nhiệm với hệ thống kiểm soát nội bộ của đơn vị được kiểm toán (Hong và Thuong, 2020).

b. Khoảng cách kỳ vọng liên quan đến mức độ đảm bảo của kiểm toán

Trong kiểm toán, mức độ đảm bảo được cung cấp càng cao thì người sử dụng thông tin có thể đặt niềm tin vào thông tin được kiểm toán càng lớn và sự hài lòng của họ cũng tăng lên. Tuy nhiên, đồng nghĩa với mức đảm bảo cao hơn, kiểm toán viên cần phải giảm rủi ro có sai sót trọng yếu của thông tin được kiểm toán. Mặt khác, mức đảm bảo tuyệt đối có nghĩa là đảm bảo 100% không còn rủi ro trong khi mức đảm bảo hợp lý có nghĩa là tồn tại khả năng các sai sót trọng yếu sẽ không bị


ngăn chặn hay phát hiện kịp thời. Như vậy, để đạt được sự đảm bảo tuyệt đối, kiểm toán viên phải giảm rủi ro có sai sót trọng yếu về 0. Trong khi đó, để đạt được sự đảm bảo hợp lý, kiểm toán viên chỉ cần thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp để giảm rủi ro kiểm toán xuống mức thấp có thể chấp nhận được.

Tuy nhiên, kiểm toán viên không thể đạt được mức đảm bảo tuyệt đối, điều này bắt nguồn từ bản chất của kiểm toán như: kiểm toán viên sử dụng mẫu kiểm toán, thời gian cần thiết cho một cuộc kiểm toán hay do các yếu tố liên quan đến các ước tính kế toán, các hạn chế cố hữu của kiểm soát nội bộ, mối quan hệ lợi ích – chi phí cho của một cuộc kiểm toán. Chính vì vậy, chuẩn mực kiểm toán cho rằng kiểm toán viên có trách nhiệm thiết kế quá trình kiểm toán để đạt được sự đảm bảo hợp lý thay vì sự đảm bảo tuyệt đối liên quan đến việc phát hiện các sai sót trọng yếu. Nhưng thực tế các nghiên cứu cho thấy, người sử dụng thông tin chưa thực sự hiểu được bản chất, hạn chế vốn có của kiểm toán cũng như chưa tiếp cận với các nội dung trong chuẩn mực kiểm toán nên vẫn giữ kỳ vọng ở mức độ rất lớn đối với mức độ đảm bảo mà kiểm toán viên cung cấp.

Tại Anh, Humphrey và cộng sự (1993) cho thấy sự khác biệt quan trọng nhất giữa kiểm toán viên và người sử dụng thông tin chính là quan điểm kiểm toán viên phải bảo đảm rằng tất cả các gian lận đã được phát hiện. Cụ thể, có tới 86% người được hỏi không phải là kiểm toán viên đồng ý trong khi chỉ 43% kiểm toán viên ủng hộ quan điểm nêu trên.

Ruhnke và Schmidt (2014) trong nghiên cứu đã hỏi người sử dụng thông tin và kiểm toán viên về mức độ đảm bảo của kiểm toán theo yêu cầu của chuẩn mực kiểm toán hiện hành. Điểm thú vị là chỉ 55% kiểm toán viên xác định được chính xác mức độ đảm bảo hiện đang được yêu cầu bởi chuẩn mực kiểm toán. Theo Ruhnke và Schmidt (2014) điều này là do khái niệm đảm bảo hợp lý đã chuyển từ mức cao về mức hợp lý trong năm 2003 tại Đức, và đây cũng được coi là một trong những thất bại của kiểm toán viên khi hành nghề, nhưng một phần là do trong chuẩn mực kiểm toán quốc gia Đức không đưa ra khái niệm rõ ràng về đảm bảo hợp lý. Do vậy, sự thất bại của công chúng cũng như kiểm toán viên trong nhận thức về mức độ đảm bảo của kiểm toán là không đáng ngạc nhiên (Ruhnke và Schmidt, 2014).

Bên cạnh đó, các nghiên cứu của McEnroe và Martens (2001), Onumah và cộng sự (2009), Bedard và cộng sự (2012) cũng cho thấy người sử dụng thông tin kỳ vọng một mức độ đảm bảo của kiểm toán là cao hơn nhiều so với kiểm toán

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 19/10/2022