Nghệ thuật phóng sự trong tiểu thuyết Lều Chõng của Ngô Tất Tố - 8

của Chu Thiên, Thanh đạm của Nguyễn Công Hoan... thì Lều chòng vẫn được cho là hơn cả về giá trị nội dung và đặc sắc nghệ thuật trong giai đoạn lịch sử này. Như trong Nhà nho của Chu Thiên, tác giả miêu tả tỉ mỉ từ cảnh nông thôn êm đềm vui vẻ với cậu bé Nguyễn Đức Tâm vô cùng thông minh và chăm chỉ, con đường học hành thi cử thuận lợi đã giúp Nguyễn Đức Tâm mang lại vinh hoa phú quý cho gia đình, dòng họ và làng mạc. Trái ngược với Lều chòng, cũng là cảnh học hành với việc nhai đi nhai lại sách Khổng Tử, Mạnh Tử. Dưới chế độ phong kiến, học tập chủ yếu là học thuộc lòng, học vẹt, học như quốc kêu, những điều sáo nghĩa, lấy cổ nhân làm gương mẫu, nội dung tư tưởng thì giáo điều, bảo sao việc học không trở thành vô bổ lỗi thời. Về xử thế, người ta cũng noi gương qua sách vở, qua các nhân vật thời cổ sơ Trung Quốc. Vũ Ngọc Phan cũng nói đến tiểu thuyết Bút nghiên của Chu Thiên là: “Tập Bút nghiên của ông tuy đề là tiểu thuyết trơn, nhưng có thể coi như một tập ký sự về cái lối đi học đi thi của ông cha chúng ta thuở xưa, hay đặt nó vào loại tiểu thuyết phóng sự cũng được”. Vũ Ngọc Phan cũng so sánh nó với tiểu thuyết Lều chòng của Ngô Tất Tố “Lều chòng đã có đủ cả những cái oái oăm để trở nên một tiểu thuyết phóng sự cám dỗ người đọc (...). Bút nghiên là một tập tiểu thuyết phóng sự rất phẳng lặng, xét riêng về truyện thì hầu như không có gì. Nó chỉ là một truyện có hậu.” [14, 935 – 936 – 940]

Lều chòng là câu chuyện về con đường tiến thân thông qua khoa cử của kẻ sĩ sống dưới thời phong kiến. Nó như một kho tư liệu đáng quý nói về những sĩ tử luôn cố gắng học hành để thi đỗ và được ra làm quan, họ mong ước một cuộc sống “vàng son” trong tương lai. Làm ông Nghè, ông Thám, bà Nghè, bà Thám... là cái đích mà họ muốn hướng tới, để đạt được mục đích đó thì không hề dễ dàng một chút nào, con người phải đánh đổi cả vật chất, tinh thần và có khi còn là cả tính mạng. Ngô Tất Tố đã vạch trần mọi âm mưu, thủ đoạn, quy định vô lý của trường thi thời phong kiến.

Cùng viết về một đề tài nhưng tác giả lại cho người đọc thấy được cái nhìn mới mẻ tiến bộ của mình, ông thẳng tay phê phán những hủ tục bất công trong xã hội, ông không chỉ nhìn thẳng, nói thẳng mà còn đào sâu vào bên trong bản chất của sự việc để phản ánh và tỏ thái độ phê phán một cách kịch kiệt.

Đọc Lều chòng, Tác giả như đang bày tỏ chính tâm trạng và nỗi đau của mình vì chính ông cũng đã từng được thụ giáo bài bản nơi “cửa Khổng sân Trình”, hiểu thấu “xiềng xích văn chương cử nghiệp”, đó là một “nền giáo dục Hán học xụp đổ”. Tác giả bằng vốn hiểu biết của mình về tâm lý người trí thức trong con đường cử nghiệp, bằng cái nhìn sắc bén đối với từng sự việc hiện tượng từ việc học hành đến các kỳ thi của mình, ông đã vạch ra bản chất đó là sự bất công mục nát chốn quan trường. Để làm được điều này thì chính tác giả đã phải sống trong hoàn cảnh đó, thấu hiểu và suy ngẫm trăn trở về nó. Lều chòng đã tái hiện lại mọi mặt của một kỳ khoa cử thời phong kiến, thông qua nhân vật chính là Đào Vân Hạc, một người lận đận trên con đường thi cử. Tác giả đã đưa ra một kho tàng tư liệu về con đường thi cử, từ thi hương, thi hội, thi đình.

Trên con đường công danh đó không riêng gì Đào Vân Hạc mà các sĩ tử khác đều như đang đi vào một trận chiến tàn khốc, có khi còn cướp đi cả sinh mạng của mình. Hết kỳ thi này lại đến kỳ thi khác, người đỗ và được đi thi tiếp thì sung sướng ăn mừng, người thi hỏng thì buồn tủi: “tôi muốn xin phép các bác, đêm nay xuống thăm Hàng Lờ cho đỡ buồn... Rồi chàng vội cúi mặt xuống, như muốn giấu kín những giọt nước mắt đương thập thò ở đầu con mắt” [1, 277]. Những sĩ tử uất ức vì công sức học hành vất vả mà vẫn bị đánh hỏng sinh ra phẫn nộ, thể hiện những hành vi tiêu cực, đánh mất sĩ khí của người trí thức xưa:

“... ông nào ông ấy, sắc mặt đỏ như màu mặt trời, dáng đi lảo đảo như kẻ đương lên đồng trượng. Họ nghiêng bên nọ, họ ngả bên kia, có người vừa

đi vừa nôn thốc nôn tháo khắp cả đường cái. Rồi họ nhao nhao chỉ tay lên phía cửa trường:

- Văn ông như thế mà bị đánh hỏng, thật là một lũ không mắt.

- Đã dốt không chấm nổi văn, thì về nhà mà ở với vợ! Sao lại dám đi chấm trường?” [1, 286].

Vào trường thi thì có đủ thứ luật lệ vô lý được đề ra ép buộc sĩ tử phải tuân theo: “Sở dĩ trong quyển thi đình, học trò phải xưng bằng “thần” là tại quyển đó viết cho vua xem. Còn quyển thi hương, thì chỉ để các quan trường coi, ít khi phải đệ ngự lãm, cho nên học trò phải xưng là “sĩ”. Dù xưng là “sĩ” hay xưng là “thần” cũng vậy, những chữ ấy đều phải viết bé như chữ song cước. Nếu viết lớn ra, tức là phạm trường quy đó!” [1, 223].

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 76 trang tài liệu này.

Trong quá trình tái hiện lại những khó khăn vất vả của sĩ tử trên con đường khoa cử, Ngô Tất Tố đã thể hiện được cả những tâm tư, tình cảm với những sĩ tử đương thời. Tác giả đã thẳng thắn tỏ thái độ với sự bảo thủ và thối nát của chế độ khoa cử, thông cảm, thương xót và bênh vực cho những nạn nhân của chế độ khoa cử ấy – những người học giỏi có tài. Hơn thế nữa, thi cử không chỉ là gánh nặng lều chòng mà còn là lưỡi gươm oan nghiệt luôn treo lơ lửng trên đầu sĩ tử. Tâm trạng lo lắng đến mất ăn mất ngủ của cô vợ trẻ với khát vọng làm bà Nghè, bà Thám (cô Ngọc) vì không biết chồng mình sống chết ra sao cũng phản ánh biểu hiện đầy đủ nghịch cảnh này: “... nghĩ đến chồng bị giam, không biết tội lệ ra sao, thì gan ruột cô tự nhiên thấy như lửa chất, cô cứ khóc rũ, khóc rượi, khóc không dứt tiếng. Hải Âu Đoàn Bằng tuy đã hết sức khuyên giải, nhưng cũng không ngăn được nỗi thương tâm của em dâu. Quá trưa, cơn khóc của cô đã không còn tiếng” [1, 395].

3.2.2. Phê phán phong trào “phục cổ” của thực dân

Nghệ thuật phóng sự trong tiểu thuyết Lều Chõng của Ngô Tất Tố - 8

Mỗi khi đề cập tới Lều chòng, các nhà nghiên cứu ở ta thường tập trung nhấn mạnh ý nghĩa chống đối của nó, họ cho là ở tác phẩm, Ngô Tất Tố đã

“phê phán chế độ khoa cử một cách sâu sắc” (Từ điển văn học), hoặc “không ngại ngùng phanh phui ra trên mặt giấy tất cả những mặt trái, những chuyện ti tiện thấp hèn của tầng lớp trí thức của một chế độ” [19, Lời giới thiệu Ngô Tất Tố, tác phẩm, tập I]. Trong lời giới thiệu Lều chòng có đoạn: “Tác phẩm của Ngô Tất Tố như một lời cải chính, hơn thế, một bản tố cáo chế độ khoa cử lỗi thời và thấp thoáng sau mỗi chương, một hàng chữ là một nụ cười chế giễu, có khi là tiếng cười ra nước mắt” [21, trích lời giới thiệu Lều chòng]. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Đàn có nhận xét: “Ngô Tất Tố có một giọng văn bút chiến linh hoạt, sắc sảo, có khi nhẹ nhàng tinh tế, có khi mạnh mẽ đanh thép” [4, 50].

Với âm mưu muốn nhân dân ta mãi chịu ách nô lệ, thực dân Pháp đã ra sức tuyên truyền tất cả những gì mà chúng gọi là “quốc túy, quốc hồn”, đặc biệt là phong trào phục cổ. Phục cổ là phong trào được tuyền truyền rộng rãi trong cả nước, có rất nhiều các nhà trí thức mắc phải âm mưu thâm độc của kẻ thù. Chúng muốn kìm hãm nhân dân ta trong sự u mê, lạc hậu ngu dốt, muốn nhân dân ta quay về với quá khứ u tối với lớp nho sĩ lỗi thời.

Ngô Tất Tố đã sớm nhận ra âm mưu của kẻ thù là đánh mạnh vào nền văn hóa của nước ta, chủ yếu là ở thôn quê ít vốn hiểu biết. Chính vì vậy, ông đã dùng ngòi bút của mình để lên tiếng đấu tranh chống lại phong trào phục cổ. Chính vào hoàn cảnh đó, Lều chòng ra đời đã đánh một đòn chí mạng vào phong trào phục cổ và đặc biệt là đánh thẳng vào âm mưu thâm độc của thực dân Pháp đã đề ra trên đất nước ta. Ngô Tất Tố đã đánh những đòn rất nặng vào đầu não của chế độ phong kiến, đặc biệt là những kẻ muốn lấy đạo Nho làm nền tảng để “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Ông đã kịch liệt phê phán Nho giáo của Trần Trọng Kim, đả kích rất mạnh vào những cái thối nát của xã hội phong kiến. Do đó cuốn tiểu thuyết ra đời chính là những lời tố cáo thẳng thắn, kịch liệt đối với thủ đoạn của thực dân Pháp trên đất nước ta.

Nguyên Hồng cũng đã từng khẳng định rằng: “Cái hình ảnh Ngô Tất Tố dứt khoát với thù địch, không đội giời chung với thù địch, cái hình ảnh đôi mắt kính vằng vặc say mê cúi xuống những dòng chữ rắn rỏi rò ràng, miết lên những trang giấy giang vàng ngà trên bàn tre làm việc, hình ảnh đó chúng tôi luôn tưởng nhớ, xót xa thương tiếc, quyết tâm học tập và nguyện sát cánh chặt hơn nữa, làm việc nhiệt tình tận tụy, quyết thắng” [5, 48]. Đó chính là tinh thần mà Ngô Tất Tố thổi vào những người đồng nghiệp của mình để họ thấy được Ngô Tất Tố luôn luôn sẵn sàng đấu tranh mọi lúc mọi nơi và trong bất cứ hoàn cảnh nào để chống lại những thủ đoạn nham hiểm của kẻ thù.

3.2.3. Thể hiện tinh thần nhân đạo

Tinh thần nhân đạo của cuốn tiểu thuyết được hiểu là ở việc tác giả phê phán sự thối nát lụi tàn của chế độ khoa cử thời phong kiến với bao luật lệ ngặt nghèo, khắc nhiệt. Bên cạnh đó còn là cái nhìn lưu luyến của nhà văn về thời đại “vàng son” của Nho giáo, chính vì vậy khi nhắc tới cụ Bảng Tiên Kiều hay ông đốc học Hà Nội thì nhà văn luôn bày tỏ sự thành kính chân trọng. Tinh thần nhân đạo của tác giả còn được thể hiện ở tình cảm và sự cảm thông mà ông dành cho những nhân vật của mình ở trong tác phẩm – những nạn nhân của xã hội, những nhân vật đó chính là hiện thân của những người trí thức ở ngoài đời thực, họ đã được tác giả trải dài trên những trang văn chứa chan tình cảm và đầy tâm huyết của một con người bản lĩnh, tài hoa Ngô Tất Tố. Xuất phát từ lòng yêu mến và sự thương cảm cho số phận của con người trước những xiềng xích cổ hủ lạc hậu, mà tác giả luôn sử dụng những lời lẽ trìu mến, thân thương khi nói về họ. Ngay cả như nhân vật cô Ngọc trong tác phẩm, nếu nhìn ở một góc độ khác cô là một người chỉ ham vinh hoa phú quý, một con người thực dụng. Nhưng với Ngô Tất Tố thì cô không phải là người như vậy, với ông đó chỉ là những mong ước vô tư, hồn nhiên của một thiếu nữ thôn quê mà thôi. Vì vậy ông vẫn dùng những lời lẽ thiện cảm để nói

về cô, và những nhân vật là người dân khác ở trong tác phẩm. Khi đọc Lều chòng người đọc thấy được một tình cảm sâu đậm của Ngô Tất Tố với giới trí thức đương thời.

Thành công của Lều chòng là thẳng thắn đề cập tới “bi kịch” của giới nhà Nho – tầng lớp trí thức thời xưa. Vỡ mộng ảo tưởng khao khát “cuộc đời vàng son” khi thành đạt, chứa chất tâm trạng thất vọng với thời cuộc, với cuộc sống lao đao theo con đường cử nghiệp. Cuối cùng thì kẻ sĩ cùng người thân cũng thức tỉnh và cùng rũ bỏ tâm lý “đam mê hoài vọng về khoa cử” thành tâm muốn trở về với cuộc sống đời thường, bình an và hạnh phúc. Đó là giá trị nhân đạo mà Ngô Tất Tố đã gửi gắm trong tác phẩm này.

KẾT LUẬN

Văn học Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945 chứng kiến sự xuất hiện của rất nhiều thể loại văn học, các thể loại văn học mới xuất hiện đã góp thêm vào sự phóng phú trong tiến trình lịch sử của nền văn học nước nhà. Những nhà trí thức từ phương Tây trở về, họ đã đưa về nước những tri thức của một nền văn hóa tiến bộ. Trong những nguồn tri thức rộng lớn đó, chúng ta không thể không nói tới thể loại phóng sự. So với những thể loại văn chương khác thì thể loại phóng sự được cho là xuất hiện khá muộn ở nước ta. Nhưng không phải vì thế mà thể loại này không được coi trọng, trái lại nó đã ăn sâu vào nền văn hóa, văn học của dân tộc ta. Nó được giới nhà văn, nhà báo chú ý quan tâm và khai phá những chức năng cụ thể mà thể tài này có được, nó được công chúng bạn đọc quan tâm vì nó phục vụ đắc lực cho việc phơi bày những sự kiện nóng hổi của thời đại. Trong rất nhiều nhà văn, nhà báo quan tâm, khai thác và đạt được nhiều thành công ở thể loại mới này, ta có thể nhắc tới Ngô Tất Tố. Người đã có những đóng góp vô cùng to lớn cho sự phát triển của thể loại mới này ở Việt Nam. Tác phẩm của ông đã khai thác triệt để mọi chức năng mà thể tài này mang lại, như việc tái hiện lại một cách sinh động nhưng lại vô cùng chân thực và luôn bám sát với thời cuộc, hay nói cách khác tác phẩm của ông luôn mang đến tính thời sự và thời đại ở trong đó.

Với thể phóng sự này, nhà văn đã tự khẳng định được tên tuổi của mình trên diễn đàn văn học dân tộc. Một trong những tác phẩm làm nên thành công của Ngô Tất Tố, mà chúng ta có thể kể đến đó là tiểu thuyết Lều chòng, đã mang đậm dấu ấn của lịch sử xã hội thời phong kiến. Tác phẩm thuật lại toàn bộ mọi khía cạnh của chế độ khoa cử thời phong kiến, với những luật lệ vô cùng khắt khe và ngặt nghèo. Tác giả tập trung phân tích và phơi bày cảnh trường thi, từ giới sĩ tử đi thi đến cảnh coi thi nơi trường ốc. Tất cả được hiện lên thật đầy đủ và hết sức chân thực, thông qua những lời lẽ vừa thể hiện sự

đồng cảm, trân quý tới những sĩ tử có tài, lại vừa thể hiện thái độ bất bình bằng những lời lẽ châm biếm sâu cay tới chế độ khoa cử đã lỗi thời.

Với cái nhìn đa chiều ông đã bao quát và tái hiện trong Lều chòng toàn bộ hiện thực thi cử đương thời. Ngô Tất Tố đã thẳng thắn phê phán những hủ tục lạc hậu, và mong muốn cải tạo nó cho phù hợp với thời cuộc. Lều chòng xuất hiện trong hoàn cảnh lịch sử vô cùng phức tạp, đất nước ta đang bị thực dân Pháp đô hộ, chúng đã ra sức tuyên truyền những cái gọi là “quốc túy, quốc hồn” thể hiện ở phong trào phục cổ, với âm mưu muốn nhân dân ta mãi chịu kiếp ngựa trâu. Tác phẩm ra đời vào hoàn cảnh đó, như một đòn chí mạng đánh thẳng vào bộ máy cầm quyền của kẻ thù, đặc biệt là vào cuộc đấu tranh chống lại phong trào “phục cổ” của thực dân Pháp. Bên cạnh đó tác phẩm còn mang tinh thần nhân đạo sâu sắc. Đó cũng chính là tấm lòng và tình cảm của tác giả đối với những người trí thức chịu ách áp bức của những luật lệ thối nát đương thời.

Ngô Tất Tố một cái tên nổi bật và có vị trí không nhỏ trong dòng văn học hiện thực phê phán Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945. Ông ra đi và để lại một sự nghiệp trước tác vô cùng phong phú trên nhiều lĩnh vực và thể loại. Trong đó nổi bật hơn cả là tiểu thuyết nổi tiếng Lều chòng. Tác phẩm của ông không chỉ là bản tố cáo đanh thép chế độ thực dân phong kiến, mà còn thể hiện một tấm lòng yêu nước, thương dân. Cho tới ngày nay, vẫn có không ít những nhà nghiên cứu không thôi đào sâu tìm tòi và khẳng định giá trị tài năng của ông. Suốt đời làm văn, làm báo không khi nào ngòi bút Ngô Tất Tố viết mà không vì lợi ích của những con người nhỏ bé trong xã hội. Với thể phóng sự và đặc biệt là tiểu thuyết Lều chòng đã góp phần làm nên tên tuổi của Ngô Tất Tố trên diễn đàn văn học Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945. Những đóng góp của ông sẽ còn mãi giá trị không chỉ cho nền văn học 1930 – 1945 mà còn đến hôm nay và mãi tận mai sau.

Xem tất cả 76 trang.

Ngày đăng: 21/07/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí