Nâng cao hiệu quả áp dụng thương mại điện tử trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam - 14

* Đầu tư sử dụng phần mềm và đào tạo cho doanh nghiệp

Hiện nay, các doanh nghiệp nước ta vẫn còn tập trung nhiều vào việc đầu tư và khai thác các ứng dụng, lợi ích thu được dựa trên các thiết bị phần cứng mà chưa chú trọng và quan tâm nhiều tới việc triển khai các phần mềm chuyên nghiệp nhằm phục vụ hoạt động sản xuất – kinh doanh trong đơn vị mình, ví dụ như: Phần mềm quản trị nội dung (content management software); Phần mềm quản trị quan hệ khách hàng (CRM); Phần mềm lập kế hoạch nguồn lực (ERP); Phần mềm quản lý tri thức (knowledge management software); Phần mềm quản trị kênh cung cấp (SCM);…

Khi quá trình hội nhập ngày càng mạnh mẽ, các doanh nghiệp nên lựa chọn triển khai những sản phẩm phần mềm chuyên nghiệp chính thống, có bản quyền; tạo điều kiện tốt thuận lợi cho quá trình sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp.

2.2.2. Giải pháp phát triển nguồn nhân lực cho TMĐT của doanh nghiệp

Một cơ sở vật chất – kỹ thuật hiện đại cũng sẽ không phát huy được hiệu quả nếu thiếu những người sử dụng chuyên nghiệp và thành thạo. Đây là yêu cầu về việc đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về CNTT và TMĐT của doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp nên chú trọng khâu tuyển dụng, đào tạo đội ngũ nhân viên có trình độ, nắm bắt nhanh các kỹ thuật thương mại điện tử, sử dụng những người có hiểu biết sâu rộng về công nghệ thông tin, ngoại ngữ để quản lý, kiểm soát các giao dịch thương mại điện tử. Đồng thời, bản thân lãnh đạo doanh nghiệp cũng cần hiểu rõ cách thức vận hành tổ chức thương mại điện tử để có thể đưa ra chiến lược kinh doanh phù hợp cũng như có thể quản lý được hoạt động của doanh nghiệp khi thực hiện ứng dụng thương mại điện tử trong sản xuất kinh doanh.

Cuộc khảo sát của Vụ Thương mại Điện tử năm 2007 đã cho thấy sự quan tâm đầu tư của các doanh nghiệp cho việc phát triển nguồn nhân lực trực tiếp

ứng dụng và triển khai thương mại điện tử, góp phần nân cao hiệu quả đầu tư và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp muốn chuyển sang mức ứng dụng cao hơn thì phải đầu tư nhiều hơn nữa cho việc phát triển nguồn nhân lực. Vì xét cho cùng, ở thời đại nào, cho dù Khoa học – công nghệ có hiện đại thế nào thì con người luôn là yếu tố quan trọng nhất.

Các doanh nghiệp có thể cử cán bộ tham gia các chương trình đào tạo về thương mại điện tử tại các trường đại học trong và ngoài nước hoặc các khóa tập huấn về TMĐT do các cơ quan quản lý nhà nước tổ chức. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng có thể khai thác nhiều tài liệu hướng dẫn về thương mại điện tử trực tuyến, học tập kinh nghiệp triển khai và phát triển mô hình TMĐT thành công của các doanh nghiệp khác ở nước ta và trên thế giới,…

2.2.3. Giải pháp xây dựng và phát triển chiến lược ứng dụng TMĐT tại doanh nghiệp

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 120 trang tài liệu này.

Song song với việc đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật và phát triển nguồn nhân lực về thương mại điện tử, các doanh nghiệp cần xây dựng cho mình chiến lược ứng dụng TMĐT trên cơ sở gắn chặt chiến lược này với chiến lược kinh doanh dài hạn của mình. Khi xây dựng chiến lược, các doanh nghiệp cần xác định rõ sự phát triển hết sức mau lẽ của công nghệ thông tin và truyền thông tác động một cách cực kỳ sâu sắc và mau lẹ tới mọi mặt của kinh tế xã hội toàn thế giới, có thể làm thay đổi cấu trúc các ngành kinh tế cũng như của từng doanh nghiệp.

Một vấn đề cần chú ý khi xây dựng chiến lược ứng dụng TMĐT đó là thương hiệu của doanh nghiệp trong TMĐT. Thương hiệu là một tài sản quan trọng của mỗi doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp bị thất bại là do không củng cố được tên tuổi của mình trên mạng. Vấn đề thương hiệu trong thương mại điện tử rất phức tạp và dễ gặp rắc rối hơn so với trong kinh doanh truyền thống, vì trong thương mại truyền thống, thương hiệu thường có tính chất khu vực nhưng trên Internet lại không tồn tại các khu vực truyền thông. Tính toàn

Nâng cao hiệu quả áp dụng thương mại điện tử trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam - 14

cầu của Internet có thể gây ra những tranh cãi về thương hiệu. Thêm vào đó, tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn là một vấn đề lớn đang tồn tại và có nguy cơ ngày càng gia tăng khi thương mại điện tử ngày một phát triển. Vì vậy, ngay từ những ngày đầu tham gia vào thương mại điện tử, các doanh nghiệp Việt Nam cần tìm ra cho mình một chiến lược xây dựng, củng cố, phát triển và bảo vệ thương hiệu của mình.

Đồng thời, chiến lược ứng dụng TMĐT của doanh nghiệp cũng cần phù hợp với mức phát triển chung của chính phủ điện tử và hạ tầng CNTT trên cả nước. Các doanh nghiệp cần bám sát các chiến lược, kế hoạch, chương trình phát triển công nghệ thông tin và thương mại điện tử của cơ quan quản lý nhà nước khi xây dựng chiến lược ứng dụng và phát triển TMĐT của mình, tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung chiến lược cho phù hợp với tình hình mới.

2.2.4. Giải pháp tích cực tham gia các sàn giao dịch TMĐT

Hiện nay, số lượng các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam chưa có điều kiện đầu tư lớn cho việc ứng dụng thương mại điện tử là không nhỏ. Trong khi đó, việc tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử mang lại lợi ích cao với đầu tư thấp cả về trang thiết bị và nguồn nhân lực. Chính vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ cần tích cực tham gia vào các sàn giao dịch TMĐT loại hình B2B và B2C của Việt Nam cũng như của các nước khác trên thế giới. Tham gia sàn giao dịch là một giải pháp giúp các doanh nghiệp giảm nhẹ được trở ngại về chi phí. Đồng thời, các doanh nghiệp tham gia sàn giao dịch sẽ được hỗ trợ về đào tạo, cho cả người quản lý và người triển khai, để họ có thể chủ động tạo cho mình một gian hàng trực tuyến, bằng các công cụ trong sàn giao dịch. Qua đó, các doanh nghiệp sẽ được cung cấp thông tin và tư vấn về các văn bản, chính sách, các quy định và tập quán thương mại quốc tế, nhằm giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh khi hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Sàn giao dịch cũng là diễn đàn cho các doanh nghiệp có điều kiện trao đổi, học hỏi

kinh nghiệm, hỏi đáp những vấn đề đang quan tâm. Như vậy, có thể nói, sàn giao dịch thương mại điện tử giúp các doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận với thương mại điện tử một cách chủ động, kể cả trong điều kiện nguồn kinh phí còn hạn chế.

Tham gia sàn giao dịch điện tử còn giúp nâng cao uy tín, tạo dựng và khẳng định vị thế của doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam. Các bạn hàng nước ngoài sẽ biết đến, tìm hiểu, quan tâm và có thể ký được nhiều hợp đồng giá trị cao, mở rộng hoạt động sản xuất, từ đó tăng lợi nhuận, nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

2.2.5. Giải pháp tuân thủ quy định của Pháp luật và tích cực tham gia các tổ chức xã hội về TMĐT

Thương mại điện tử đang trên đà phát triển nhanh ở Việt Nam. Đặc biệt trong những năm gần đây, xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế trở nên sâu rộng trong mọi lĩnh vực kinh tế – xã hội. Yêu cầu về một nền thương mại điện tử hiện đại đòi hỏi các doanh nghiệp phải tích cực, chủ động tham gia và triển khai kế hoạch ứng dụng phương thức kinh doanh này. Hệ thống pháp luật có liên quan đến thương mại điện tử đã hình thành, tương đối hoàn thiện và có thể được bổ sung liên tục. Các doanh nghiệp cần thường xuyên tìm hiểu các quy định của Chính phủ và các cơ quan có liên quan tới hoạt động kinh doanh trực tuyến, bao gồm các quy định về chứng từ điện tử, giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử, thương hiệu và tên miền, xử phát hành chính, bảo vệ dữ liệu cá nhân, giải quyết tranh chấp,v.v… Các doanh nghiệp cũng cần tuân thủ theo các quy định của Luật pháp về các vấn đề liên quan đến TMĐT.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng nên chủ động phát huy quyền lợi của mình trong việc yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước đăng tải công khai và trực tuyến các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thương mại điện tử, đóng góp ý kiến một cách trực tiếp hoặc thông qua các Tổ chức như Vecom hay VCCI để nâng cao chất lượng của các văn bản đó.

Việc tham gia các tổ chức xã hội về thương mại điện tử giúp các doanh nghiệp có cơ hội hỗ trợ nhau trong hoạt động kinh doanh trực tuyến, chia sẻ chi phí triển khai các ứng dụng và hạ tầng công nghệ, bảo vệ nhau trước các tranh chấp phát sinh trong môi trường kinh doanh mới, tăng cường sức mạnh nhờ có tiếng nói chung,v.v…

Không chỉ tham gia các tổ chức trong nước, các doanh nghiệp cũng cần tìm hiểu và tham gia các tổ chức thương mại điện tử thế giới và khu vực. Chẳng hạn, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng liên quan tới trao đổi dữ liệu có thể tìm hiểu và tham gia Liên minh các doanh nghiệp thương mại điện tử châu Á (Pacific Asia Ecommerce Aliance – PAA), các doanh nghiệp quan tâm tới hoạt động bảo vệ dữ liệu cá nhân và dán nhãn tín nhiệm website nên tham gia các hoạt động của Liên minh các nhà dán nhãn tín nhiệm châu Á - Thái Bình Dương (Asia Trustmark Aliance – ATA), v.v…

KẾT LUẬN


Thương mại điện tử đã trở thành một yếu tố cần thiết cho chiến lược kinh doanh và là một chất xúc tác mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế. Việc lồng ghép của CNTT và truyền thông (ICT) vào kinh doanh đã cách mạng hóa mối quan hệ trong nội bộ các tổ chức, giữa các tổ chức và cá nhân. Hiện nay, không một quốc gia nào không chịu tác động của công nghệ thông tin, và cũng không một lĩnh vực đời sống kinh tế – xã hội nào nằm ngoài phạm vi tác động của công nghệ thông tin. Thương mại điện tử đã ra đời và phát triển dựa trên sự thay đổi như vũ bão của công nghệ thông tin.

Những lợi ích to lớn mà thương mại điện tử mang lại cho nền kinh tế thế giới trong những năm vừa qua đã khẳng định vai trò ngày một quan trọng của nó đối với từng quốc gia nói riêng và toàn cầu nói chung. Phương thức thương mại truyền thống dần được thay thế bởi thương mại điện tử, xóa mờ ranh giới địa lý trong buôn bán quốc tế nhờ khả năng giao dịch trực tuyến liên tục và không hạn chế, góp phần thúc đẩy sự lưu thông của hàng hóa trên toàn thế giới, lật một trang mới trong quá trình phát triển của kinh tế quốc tế.

Với những vai trò không thể phủ nhận đó, thương mại điện tử đã, đang và sẽ còn tiếp tục phát triển hết sức nhanh chóng trong tương lai. Đây còn là xu hướng tất yếu của thương mại thế giới trong thế kỷ XXI. Các doanh nghiệp Việt Nam cần nhận thức sâu sắc vấn đề này để từ đó đề ra chiến lược áp dụng và nâng cao hiệu quả của thương mại điện tử vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các doanh nghiệp không tính đến xu thế này sẽ khó tránh khỏi nguy cơ tụt hậu trong quá trình hội nhập, toàn cầu hóa và hướng tới “nền kinh tế số hóa”, nhất là khi ngành công nghệ thông tin đang phát triển chóng mặt như hiện nay.

Mặc dù đã thu được kết quả đáng khích lệ trong mấy năm gần đây, nhưng các doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải chủ động hơn nữa trong khâu

chuẩn bị và đầu tư trang thiết bị, công nghệ tiên tiến, bồi dưỡng, đào tạo nhân lực có trình độ để nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và đứng vứng trong nền kinh tế thế giới. Điều quan trọng và cũng là giải pháp tốt nhất với doanh nghiệp nước ta hiện nay là xây dựng được cho mình một kế hoạch ứng dụng thương mại điện tử phù hợp với sự phát triển nhanh chóng các nước trên thế giới. Bởi với tính hiệu quả của mình, TMĐT có thể đi cùng với chiến lược và chính sách phù hợp cho phép các công ty vừa và nhỏ cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn và nhiều vốn. Một khi đã có nhận thức và chiến lược đúng đắn, các doanh nghiệp sẽ khai thác và phát huy được hết những lợi ích mà thương mại điện tử đem lại, tạo dựng và khẳng định được vị thế cũng như thương hiệu của mình, góp phần phát triển nền kinh tế đất nước nói riêng và thế giới nói chung.

Trong kỷ nguyên thông tin, thương mại trên Internet là một công cụ hữu hiệu cho việc tăng trưởng kinh tế của các nước đang phát triển. TMĐT hứa hẹn đem lại sự kinh doanh tốt hơn, hiệu quả hơn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như sự phát triển kinh tế bền vững cho các nước đang phát triển.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO


Sách và các ấn phẩm:

1. THS. Dương Tố Dung (2005), Sổ tay kiến thức thương mại điện tử, công ty TMĐT VEC.

2. Phạm Hữu Khang (2006), Xây dựng và triển khai ứng dụng thương mại điện tử, NXB Lao động – Xã hội.

3. THS. Nguyễn Văn Thoan, Bài giảng thương mại điện tử, Đại học Ngoại Thương.

4. UNCTAD, Information Economy Report 2007 – 2008.

5. Vụ Thương mại Điện tử – Bộ Thương Mại (2004, 2005, 2006, 2007),

Báo cáo thương mại điện tử Việt Nam 2004, 2005, 2006, 2007.

Website:

1. Cổng Thương mại Điện tử Quốc gia – ECVN

Http://www.ecvn.gov.vn

2. Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Http://www.vcci.com.vn

3. Sàn giao dịch Thương mại Điện tử Việt Nam (Vnemart)

Http://www.vnemart.com

4. Vụ Thương mại điện tử – Bộ Thương Mại

Http://www.mot.gov.vn

5. Tổng cục Thống kê

Http://www.gso.gov.vn

6. Diễn đàn phát triển Thương mại Liên hợp Quốc

Http://www.unctad.org

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 07/05/2022