Bên cạnh yếu tố nguy cơ đối với RLCHLPM là tình trạng thừa cân. Kết quả bảng 3.2 cho thấy, sự phân bố mỡ trong cơ thể cụ thể là tình trạng béo bụng là yếu tố nguy cơ cao, đáng quan tâm hơn cả đối với RLCHLPM, tình trạng béo bụng sẽ làm tăng nguy cơ bị RLCHLPM lên gấp 6,4 lần (p<0,001):
Để đánh giá mức độ thừa cân béo phì, người ta thường dùng chỉ số khối cơ thể, tổ chức y tế thế giới khuyến cáo BMI là một chỉ tiêu đo lường dịch tễ học về tình trạng béo phì hữu hiệu nhất trên cộng đồng. Tuy nhiên BMI chỉ là một chỉ tiêu thô, không phản ánh sự phân bố mỡ trong cơ thể. Tầm quan trọng của phân bố mỡ ở trung tâm đã được biết đến từ những năm 50 khi Morris mô tả tỷ lệ tử vong do tim mạch tăng ở những người lái xe buýt với kích cỡ dây an toàn lớn [117]. Nghiên cứu theo chiều dọc đầu tiên ở Thụy Điển năm 1984 cho thấy tỷ số vòng eo/vòng mông cao có mối liên quan với đột quỵ [97].
Đánh giá các chỉ tiêu lâm sàng đo lường thừa cân béo phì để dự báo tử vong do bệnh tim mạch và bệnh mạch vành. Bằng kỹ thuật thống kê hiện đại phân tích số liệu thu thập được từ một nghiên cứu dọc với cỡ mẫu đại diện gồm 9.206 đối tượng 20-69 tuổi tại các thành phố ở Úc đã cung cấp sự so sánh các chỉ tiêu đo lường tình trạng béo phì có hệ thống đầu tiên. Kết quả cho thấy, đo lường tỷ số vòng eo/vòng mông sử dụng kỹ thuật đã được chuẩn hóa tốt hơn so với vòng eo và BMI trong việc xác định nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch, bệnh mạch vành trong tương lai và khẳng định tỷ số vòng eo/vòng mông là yếu tố chính của nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch, bệnh mạch vành liên quan đến tình trạng béo phì. Việc nhận biết béo trung tâm rất quan trọng về mặt lâm sàng. Tỷ số vòng eo/vòng mông là một chỉ tiêu đo lường chiếm ưu thế hơn để dự báo
bệnh tim mạch, áp dụng phổ biến hơn đối với từng cá nhân có cấu trúc cơ thể khác nhau. Kết quả phân tích đa biến khẳng định tỷ số vòng eo/vòng mông hoàn toàn độc lập với các nguy cơ tim mạch khác. Chỉ tiêu vòng eo có thể phù hợp khi đánh giá đối tượng béo phì mức độ nặng, những người này đo vòng mông rất khó và không chính xác. Dù sao, tỷ số vòng eo/vòng mông vẫn có thể dự báo nguy cơ tim mạch, do nó ít phụ thuộc vào kích cỡ cơ thể và chiều cao. Hơn thế nữa, vòng mông là một chỉ số về khối cơ có thể phản ánh tình trạng tập luyện. Tỷ số vòng eo/vòng mông là chỉ tiêu nguy cơ phù hợp và phổ biến hơn cho các dân tộc khác nhau, tầm vóc khác nhau [148].
4.1.2. Sự kết hợp giữa một số thói quen sinh hoạt và tình trạng RLCHLPM.
Có thể bạn quan tâm!
- Rối Loạn Chuyển Hóa Lipid Máu Và Một Số Yếu Tố Nguy Cơ Khác
- Thay Đổi Các Chỉ Số Nhân Trắc Và Huyết Áp Ở Hai Nhóm Nghiên Cứu
- Sự Thay Đổi Tỷ Lệ Rlchlpm Theo Chỉ Tiêu Cholesterol Huyết Thanh
- Hiệu Quả Của Sử Dụng Viên Tỏi - Folate Đối Với Tình Trạng Rlchlpm.
- Hiệu Quả Của Sử Dụng Viên Tỏi - Folate Đối Với Tình Trạng Rlchlpm.
- Một số yếu tố nguy cơ và hiệu quả của viên tỏi – folate đối với tình trạng rối loạn chuyển hóa lipid máu trên người 30 - 69 tuổi tại Hà Nội - 16
Xem toàn bộ 143 trang tài liệu này.
4.1.2.1. Thói quen luyện tập thể thao và tình trạng RLCHLPM.
Trong nghiên cứu của chúng tôi chưa tìm thấy sự kết hợp giữa thói quen luyện tập thể thao thường xuyên (tập 3 lần/tuần, mỗi lần từ 30 phút trở lên) với tình trạng RLCHLPM (bảng 3.3; p>0,05). Không giống với kết quả nghiên cứu của Phạm Thị Dung cho thấy hoạt động thể lực có ảnh hưởng rõ ràng đến nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa[5]. Trong nghiên cứu của Nguyễn Lương Hạnh, không hoạt động thể lực, hoặc hoạt động thể lực ở mức thấp nguy cơ tăng TC và TG là 1,28 lần và 1,47 lần so với hoạt động thể lực ở mức cao [10]. Lý do có thể dẫn đến sự khác biệt này là gì?. Trong khuôn khổ nghiên cứu của chúng tôi chỉ khai thác chủ yếu vào tính thường xuyên hay tần suất luyện tập, trong nghiên cứu của Nguyễn Lương Hạnh và Phạm Thị Dung lại tập trung nhiều đến cường độ luyện tập. Mà hiệu quả đối với bệnh tim mạch của một chương trình luyện tập được quy định bởi một loạt các yếu tố như: loại bài tập, cường độ và khối lượng vận động, tần số buổi tập và phương pháp luyện tập. Yếu tố nào là quan trọng nhất?. Các nghiên cứu trả lời câu hỏi này vẫn chưa thống nhất:
- Ferguson và cộng sự cho thấy năng lượng tiêu hao sau mỗi bài tập có mối liên quan với tình trạng lipid máu. Số liệu cho thấy tập luyện ở cường độ trung bình, năng lượng tiêu hao từ 1.100-1.500 kcal, ảnh hưởng nhiều đến nồng độ lipid máu so với tập luyện với mức tiêu hao năng lượng thấp hơn. Do vậy, cường độ tập có thể là yếu tố quan trọng giúp điều chỉnh tình trạng lipid máu [108].
- Trong phân tích có hệ thống 31 nghiên cứu thử nghiệm trên 1.833 đối tượng bình thường và RLCHLPM nhằm xác định hiệu quả của tập luyện (aerobic và bài tập rèn luyện sức bền), chương trình tập luyện hiệu quả nhất với thời gian, cường độ, tần số luyện tập để tối ưu hóa tình trạng lipid máu. Kết quả cho thấy, tập aerobic giảm nhẹ nhưng có ý nghĩa thống kê lần lượt lên các chỉ tiêu TC, LDL_C,và TG là 0,10mmol/l (95% CI: 0,02-0,18); 0,10mmol/l (95% CI: 0,02- 0,19) và 0,08mmol/l (95% CI: 0,02-0,14), đồng thời tăng nồng độ HDL_C ở mức 0,05mmol/l (95% CI: 0,02-0,08). Cường độ tập của các chương trình aerobic khác nhau có ảnh hưởng không giống nhau lên các chỉ tiêu lipid máu, việc tập luyện thường xuyên không mang lại hiệu quả cao hơn so với thời gian tập luyện 3 lần/tuần [75].
- Trong một nghiên cứu khác, tác giả đưa ra kết luận, tập aerobic thường xuyên làm tăng đáng kể HDL_C. Thời gian của mỗi lần tập là yếu tố quan trọng nhất khi xây dựng chương trình luyện tập. Tập luyện mang lại hiệu quả hơn đối với những đối tượng có BMI thấp và CT cao [94].
- Bên cạnh thời gian của mỗi lần tập, tần xuất tập thì quãng thời gian tập hay việc duy trì tập luyện hết sức quan trọng. Một số công trình nghiên cứu cho thấy trên 60% số người lớn bắt đầu chương trình tập luyện đã bỏ tập ngay trong tháng đầu tiên khi mà hiệu quả rèn luyện đạt chưa đáng kể [2]. Shegarfy nghiên cứu trên 21 đối tượng, được phân bổ vào ba nhóm, một nhóm tập aerobic, nhóm thứ hai tập bài tập rèn luyện sức bền, còn lại thuộc nhóm chứng trong thời gian ngắn (8
tuần), 3 lần/tuần. Kết quả cho thấy, những bài tập không có hiệu quả lên các chỉ tiêu lipid máu [107].
- Hoạt động thể lực với cường độ thấp (đứng và đi bộ) trong thời gian dài giúp cải thiện insulin và lipid huyết thanh hơn là tập luyện với cường độ trung bình và nặng (đạp xe), khi mà tiêu hao năng lượng có thể so sánh được. Duvivier tiến hành nghiên cứu trên 18 đối tượng khỏe mạnh, tuổi trung bình 21±2, BMI 22,6
± 2,6 theo 3 chương trình tập luyện: chương trình (1) ngồi 14 tiếng/ngày; (2)
ngồi 13 tiếng và 1 tiếng tập nặng; (3) ngồi 6 tiếng, 4 tiếng đi bộ, 2 tiếng đứng. TG, HDL_C, CT, apolipoprotein B huyết tương cải thiện đáng kể trong nhóm có chương trình hoạt động thể lực với cường độ nhẹ, so với nhóm ngồi. Ông cho rằng, tăng thời gian dành cho đứng và đi bộ hiệu quả hơn một tiếng luyện tập nặng, khi mà tiêu hao năng lượng giữ ở mức hằng định [57].
- Hoạt động thể lực có mối liên quan với bệnh lý tim mạch, tuy nhiên, khối lượng tập là bao nhiêu để mang lại hiệu quả?. Một nghiên cứu thử nghiệm có đối chứng trên 111 đối tượng cả nam lẫn nữ thừa cân trong thời gian 8 tháng. Các chế độ luyện tập sử dụng trong nghiên cứu là: (1) khối lượng và cường độ cao, năng lượng tiêu hao tương đương với chạy bộ 20 dặm (32,0 km)/tuần, 65 đến 80% oxy tiêu thụ; (2) khối lượng thấp và cường độ cao, năng lượng tiêu hao tương đương với chạy bộ 12 dặm (19,2 km)/tuần, 65 đến 80% oxy tiêu thụ (3) khối lượng thấp và cường độ trung bình, năng lượng tiêu hao tương đương với chạy bộ 12 dặm (19,2 km)/tuần, 40 đến 55% oxy tiêu thụ. Các đối tượng được khuyến khích duy trì cân nặng như ban đầu. Kết quả cho thấy, tập luyện mang lại hiệu quả cho các chỉ tiêu lipid máu, rõ nét nhất là chế độ tập luyện với khối lượng cao, chế độ luyện tập này mang lại kết quả tốt hơn so với chế độ luyện tập khối lượng thấp. Tuy nhiên cả hai chế độ luyện tập với khối lượng thấp vẫn mang lại lợi ích đối với tình trạng lipid máu hơn so với nhóm chứng. Vậy sự cải
thiện lipid máu liên quan đến khối lượng tập luyện, không liên quan đến cường độ tập hay sự cải thiện cân nặng trong quá trình luyện tập [79].
- Hiệu quả tập luyện còn được quy định bởi mức độ RLCHLPM. Couillard và cộng sự cho rằng việc tập luyện thường xuyên kéo dài đặc biệt có lợi cho những đối tượng nam giới có nồng độ HDL_C thấp, TG cao và béo bụng khi tiến hành so sánh đáp ứng của các chỉ tiêu lipid huyết thanh với chương trình tập luyện thường xuyên kéo dài trong 20 tuần giữa các nhóm nam giới. Hai trăm nam giới, tại thời điểm bắt đầu nghiên cứu được phân bổ vào 4 nhóm: nhóm (1) TG thấp và HDL_C cao (không RLCHLPM), (2) TG thấp và HDL_C thấp, (3) TG cao và HDL_C cao; nhóm (4) TG cao và HDL_C thấp. Ở thời điểm bắt đầu nghiên cứu, đối tượng ở nhóm (4) có mỡ nội tạng cao hơn các đối tượng ở nhóm (1) và (2). Chương trình luyện tập giảm 0,4% HDL_C (p>0,05) trên các đối tượng thuộc nhóm (2). Ngược lại, đối tượng ở nhóm (4) HDL_C tăng một cách có ý nghĩa thống kê (4,9%, p<0,01) và giảm TG đáng kể (-6,0%, p<0,01) ở thời điểm kết thúc nghiên cứu. Phân tích hồi quy đa biến cho thấy tập luyện đem lại sự thay đổi lớp mỡ dưới da (10,6%, p<0,01) có liên quan với việc tăng nồng độ HDL_C do kết quả của luyện tập ở nhóm TG cao/HDL_C thấp [51].
Mặt khác, một số cơ chế liên quan giữa tập luyện và tình trạng cholesterol huyết thanh đó là, tập luyện kích thích các enzyme giúp vận chuyển LDL_C từ máu và thành mạch về gan. Từ đó, cholesterol được chuyển vào trong đường mật để tiêu hóa hoặc bài tiết ra ngoài. Tập luyện làm tăng kích thước của các hạt lipoprotein. Trong đó, một số có kích thước nhỏ và dày đặc, một số kích thước lớn hơn. Các lipoprotein có kích thước nhỏ dày đặc nguy hiểm hơn kích thước lớn, do nó có thể dễ dàng chui vào lớp nội mạc của tim và thành mạch máu [49]. Do vậy, rất có thể thói quen thường xuyên luyện tập thể thao (tập 3 lần/tuần, mỗi lần từ 30 phút trở lên) trong nghiên cứu này đã
mang lại hiệu quả đối với tình trạng lipid huyết thanh thông qua việc làm tăng kích thước các hạt lipoprotein, điều mà trong nghiên cứu chúng tôi chưa đo lường được.
4.1.2.2. Thói quen uống rượu bia và tình trạng RLCHLPM
Trong nghiên cứu này, chưa tìm thấy sự kết hợp giữa việc tiêu thụ rượu và tình trạng RLCHLPM. Khác với kết quả nghiên cứu của chúng tôi, trong nghiên cứu của Nguyễn Lương Hạnh [10] và Phạm Thị Dung [5] cũng trên đối tượng người trưởng thành sống tại Hà Nội cho thấy mối liên quan có ý nghĩa theo chiều hướng bất lợi cho sức khỏe giữa lạm dụng rượu bia và tình trạng RLCHLPM cũng như hội chứng chuyển hóa.
Tương tự nghiên cứu cắt ngang ở Đài Loan trên 2.358 nam giới. Sử dụng bộ câu hỏi tự điền để thu thập thông tin về chế độ ăn và thói quen sống. Những người uống rượu ít nhất một lần/tuần trong 6 tháng liên tiếp được coi là người hiện đang uống rượu. Người hiện đang uống rượu có nguy cơ cao mắc béo bụng và TG cao, nhưng ít nguy cơ HDL_C thấp. Nguy cơ mắc HCCH, TG cao phụ thuộc vào lượng rượu tiêu thụ. Lượng rượu cần thiết để giảm nguy cơ nồng độ HDL_C thấp là ≥50 g/ngày. Tiêu thụ nhiều loại rượu làm tăng nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa [47]. Reynolds K tiến hành phân tích meta dựa trên số liệu của nhiều cuộc điều tra cho thấy, tỷ lệ đột quỵ do xuất huyết não, nhồi máu não trên những người uống nhiều rượu cao hơn so với những người không uống rượu [132]. Thêm vào đó, kết quả nghiên cứu của Foppa M năm 2001 và Rehm J năm 2010 đều nhận thấy, tỷ bệnh tật được cho là có liên quan đến việc tiêu thụ rượu như đái tháo đường, cao huyết áp, bệnh tim mạch, tai biến mạch máu não ngày càng tăng [66,131].
Bên cạnh mối liên quan giữa tiêu thụ rượu và tình trạng RLLPM theo chiều hướng bất lợi cho sức khỏe, nghiên cứu của chúng tôi cũng không tìm thấy tác động có lợi của rượu đối với nguy cơ bệnh tim mạch như trong nghiên cứu của Hendriks HF năm 1994 cho thấy tiêu thụ rượu ở mức trung bình (30g/ngày) làm tăng khoảng 4mg/dl
nồng độ HDL_C và apoA-I 8,82 mg/dl [77], cùng với việc làm giảm nguy cơ bệnh tim mạch ước tính vào khoảng 24,7% theo kết quả nghiên cứu sau này của De Oliveira ESER [55]. Hơn thế nữa rượu làm giảm sự thoái hóa HDL_C, tác động lên quá trình chuyển hóa LDL_C ở gan theo chiều hướng có lợi cho sức khỏe [150]. Palomäki H, Kaste M đánh giá mối liên quan giữa tiêu thụ rượu và nguy cơ đột quỵ ở nam trẻ tuổi và nam trung niên trong một nghiên cứu bệnh chứng bao gồm 156 đối tượng ở nhóm bệnh và 153 đối tượng ở nhóm chứng. Kết quả cho thấy, uống rượu ở mức độ nặng làm tăng nguy cơ đột quỵ (OR= 4,45; 95% CI: 1,09-18,1), nguy cơ có xu hướng giảm khi uống rượu ở mức nhẹ và trung bình (OR = 0,54; 95% CI: 0,28-1,05). Uống rượu thường xuyên mức độ nhẹ và trung bình làm giảm nguy cơ đột quỵ (OR = 0,12; 95% CI: 0,02–0,65) [127].
Những lý do dẫn đến sự không thống nhất giữa kết quả nghiên cứu của chúng tôi với kết quả của nghiên cứu trên có thể là:
Số liệu thu thập được chưa phản ánh một cách đầy đủ lượng rượu thực tế đối tượng tiêu thụ. Ảnh hưởng bởi sai số nhớ lại có lẽ chỉ chiếm phần nhỏ trong nghiên cứu của chúng tôi do đã được khắc phục bằng cách hỏi ghi trực tiếp, bởi những điều tra viên có kinh nghiệm được tập huấn kỹ càng. Ảnh hưởng lớn nhất rất có thể bởi chính bản thân đối tượng, tính chân thực của họ khi trả lời các thông tin liên quan đến lượng rượu tiêu thụ, người uống nhiều rượu có thể không thích nói thật việc tiêu thụ rượu của họ, thường theo xu hướng ít hơn so với thực tế. Số liệu bảng 3.3 cho thấy chỉ có tổng cộng 7 người (3 ở nhóm bệnh và 4 ở nhóm chứng) xếp vào tiêu thụ rượu ở mức lạm dụng.
Đơn vị đo lường, phương pháp đánh giá tiêu thụ rượu cũng khác nhau giữa các nghiên cứu. Ví dụ nghiên cứu của Palomäki H, Kaste M [127] sử dụng bộ câu hỏi tự điền, chỉ tiêu đánh giá: Uống rượu thường xuyên khi uống
rượu hàng ngày hoặc hầu hết các ngày, không thường xuyên khi uống ≤3 lần/tuần, trong khi nghiên cứu của chúng tôi chỉ tiêu đánh giá uống rượu thường xuyên ≥3 lần tuần. Điều này dẫn đến khó khăn trong việc so sánh cũng như đánh giá các kết quả nghiên cứu với nhau.
Một số nhận định sau khi phân tích meta các kết quả quan sát. Chất lượng của phân tích phụ thuộc vào số liệu gốc được công bố rất có thể thừa hưởng sai số và nhiễu tiềm tàng. Hơn nữa, một vài nghiên cứu từ rất sớm, các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh chưa sẵn có, một số nghiên cứu chỉ dựa vào thông tin được ghi lại trong hồ sơ tử vong, điều này ảnh hưởng đến mối liên quan quan sát được.
4.1.2.3. Thói quen hút thuốc lá và tình trạng RLCHLPM
Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy sự kết hợp giữa thói quen hút thuốc lá và tình trạng RLCHLPM:
Điều này phù hợp với kết quả nghiên cứu của Jacobson BH, trên 805 đối tượng nữ cho thấy hút thuốc lá là nguy cơ độc lập với TC cao và HDL_C thấp, ngừng hoặc bỏ hút thuốc ở phụ nữ có mối liên quan với các chỉ tiêu lipid máu theo chiều hướng có lợi [85].
Thống nhất với kết luận hút thuốc gây ảnh hưởng bất lợi đến nồng độ LDL_C, HDL_C và TG của cả nam lẫn nữ, không phân biệt tuổi tác từ kết quả nghiên cứu thuần tập trên 492 đối tượng trong độ tuổi 26-66 bị RLCHLPM. Sự khác biệt giữa hút thuốc và không hút thuốc đối với giá trị TC, LDL_C, HDL_C và TG trung bình lần lượt là 2,2%; 5,5%; -8,1%, và 3,7% (p<0,05). Tỷ lệ LDL_C>4,9mmol/l, TG >2,0mmol/l và HDL_C <0,9mmol/l ở nam, <1,2mmol/l ở nữ lần lượt là 43% - 59%; 38% - 59% và 82% - 91% [139].