Đánh Giá Chung Về Thực Trạng Áp Dụng Môi Trường Trong Vấn Đề Marketing Của Các Doanh Nghiệp Tại Việt Nam‌


III. ĐÁNH GIÁ CHUNG VỀ THỰC TRẠNG ÁP DỤNG MÔI TRƯỜNG TRONG VẤN ĐỀ MARKETING CỦA CÁC DOANH NGHIỆP TẠI VIỆT NAM‌

1. Những tồn tại và hạn chế của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc áp dụng môi trường trong vấn đề marketing

1.1. Doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức tới vấn đề môi trường khi lập chiến lược

Khi thành lập các doanh nghiệp phải tiến hành nghiên cứu tác động của các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tới môi trường và phải đưa ra các chứng chỉ môi trường chứng tỏ mình có thể giải quyết tốt các vấn đề đó trong suốt quá trình hoạt động. Tuy nhiên, việc làm này đối với nhiều doanh nghiệp vẫn chỉ mang tính hình thức. Rất nhiều doanh nghiệp không đánh giá đúng vai trò của việc bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất kinh doanh. Có chăng chỉ dừng lại ở việc sử dụng tiết kiệm nguyên nhiên liệu đầu vào và hạn chế phần nào chất thải công nghiệp vì đây là những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp tới chi phí và lợi nhuận trước mắt của doanh nghiệp. Với những doanh nghiệp đã hoạt động từ lâu thì việc trang bị lại máy móc thiết bị cũng như cải tiến quy trình sản xuất nhằm đáp ứng các yêu cầu và tiêu chuẩn môi trường quốc gia cũng như quốc tế là hết sức khó khăn.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp Nhà nước và các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ còn xa lạ với việc đưa ra các chiến lược kinh doanh trung và dài hạn, phần lớn chỉ là các kế hoạch ngắn hạn. Chính điều này khiến các doanh nghiệp không đánh giá hết được tác động của các yếu tố bên ngoài tới hoạt động của doanh nghiệp, nhất là các tác động chỉ thấy được sau một quá trình hoạt động khá lâu như các vấn đề về môi trường.

1.2. Phần lớn doanh nghiệp trong nước chưa áp dụng các tiêu chuẩn và quy định quốc tế về môi trường

Mặc dù trong những năm vừa qua ngày càng có nhiều các doanh nghiệp quan tâm hơn tới vấn đề môi trường nhưng việc áp dụng các quy định


và tiêu chuẩn quốc tế về môi trường tại các doanh nghiệp Việt Nam còn rất nhiều hạn chế. Con số các doanh nghiệp Việt Nam được cấp các chứng nhận quốc tế về môi trường hết sức nhỏ bé. Tính đến tháng 9 năm 2007, có hơn 113 doanh nghiệp và tổ chức tại Việt Nam được cấp chứng chỉ ISO 14000 trong khi trên toàn thế giới có trên 120.000 chứng chỉ ISO được cấp ở 138 quốc gia. So với mặt bằng chung của thế giới thì số doanh nghiệp Việt Nam đăng ký và được cấp chứng chỉ là rất thấp, tỷ lệ xấp xỉ 1/1000. Hơn nữa, trong số các doanh nghiệp được cấp chứng chỉ ISO 14000, có 2/3 là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Điều này cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam chưa thực sự chú trọng tới vấn đề môi trường trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 112 trang tài liệu này.

1.3. Ít doanh nghiệp Việt Nam biết đến khái niệm marketing xanh (green marketing)

Trong khi trên thế giới, marketing xanh đang trở thành xu hướng chung của tất cả các doanh nghiệp thì tại Việt Nam, khái niệm này còn rất mới mẻ. Trên thị trường sách Việt Nam chúng ta không tìm được một cuốn sách nào viết về đề tài này. Điều này cho thấy, ngay về mặt lý thuyết các nhà kinh tế Việt Nam cũng chưa quan tâm tới vấn đề này hay nói đúng ra là các doanh nghiệp Việt Nam đang bị bỏ lại khá xa xu hướng chung của thế giới. Khi vấn đề môi trường ngày càng trở nên nghiêm trọng và trở thành mối quan tâm hàng đầu của tất cả các chính phủ và mọi công dân trên trái đất thì hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp không thể làm ngơ trước vấn đề mang tính toàn cầu này. Nói cách khác, các doanh nghiệp Việt Nam đang không theo kịp sự thay đổi nhu cầu của người tiêu dùng. Chính vì vậy, chiến lược marketing hiện nay của các doanh nghiệp sẽ không còn phù hợp và không thể đáp ứng được nhu cầu hiện tại và tương lai của các khách hàng. Trong điều kiện mở cửa và tự do thương mại như hiện nay, việc các doanh nghiệp nước ngoài với những chiến lược marketing phù hợp sẽ chiếm lĩnh được thị trường Việt Nam không phải là khó, đặc biệt khi người tiêu dùng

Môi trường trong vấn đề Marketing của một số doanh nghiệp tại Việt Nam - 9


Việt Nam cũng ngày càng quan tâm hơn các sản phẩm sinh thái và các sản phẩm được chứng nhận quốc tế về chất lượng môi trường của sản phẩm.

1.4. Nhiều doanh nghiệp sử dụng các chứng nhận môi trường như một công cụ để marketing cho hình ảnh doanh nghiệp

Nhận thức được vai trò ngày càng quan trọng của môi trường đối với hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như chiến lược phát triển của công ty, nhiều doanh nghiệp đầu tư chi phí và thời gian cho việc đáp ứng các quy định môi trường. Tuy nhiên, có một số không nhỏ các doanh nghiệp chỉ coi các chứng nhận quốc tế như ISO 14000, HACCP… như một công cụ để quảng cáo cho hình ảnh của doanh nghiệp, sau khi được chứng nhận lại lặp lại tình trạng ban đầu. Có rất nhiều doanh nghiệp sau khi đã được cấp chứng nhận nhưng một thời gian sau bị tịch thu lại do không đảm bảo yêu cầu. Có thể thấy được rằng các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn khả năng đạt được các chứng nhận môi trường ISO 14000 nếu có sự đầu tư và nỗ lực đúng mức.

2. Nguyên nhân hạn chế của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc áp dụng môi trường trong vấn đề marketing

2.1. Nhận thức của người tiêu dùng về sản phẩm môi trường chưa cao

Đa số người tiêu dùng Việt Nam chưa thực sự chú ý tới vấn đề chất lượng môi trường của sản phẩm. Trước hết là do nền kinh tế nước ta mới phát triển, đời sống của người dân nhìn chung mới được cải thiện đáng kể trong khoảng mười năm trở lại đây. Dường như mỗi người đều còn giữ tư tưởng có được sản phẩm đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt thiết yếu là đủ. Với các mặt hàng là thực phẩm thì người tiêu dùng quan tâm tới hương vị, hàm lượng các chất, ngày sản xuất và hạn sử dụng chứ rất ít người khi chọn mua sản phẩm lại băn khoăn tới việc sản xuất sản phẩm đó có gây ô nhiễm môi trường hay không hay bao bì của sản phẩm đó có phải là chất liệu có thể tái chế được hay không. Với các sản phẩm là phương tiện đi lại, cụ thể là các loại xe máy thì người mua cũng chỉ quan tâm tới mức giá, kiểu dáng, các thông số kĩ thuật và việc chiếc xe


đó có tiêu tốn nhiều xăng hay không chứ không nhiều người quan tâm tới việc sử dụng chiếc xe đó thì lượng khí thải xả vào môi trường là cao hay thấp. Cũng chính vì ý thức của người tiêu dùng về chất lượng môi trường của sản phẩm không cao nên sản phẩm Mogas95 và 98 của công ty xăng dầu chưa được thị trường chấp nhận rộng rãi mặc dù nó được công nhận là thân thiện hơn với môi trường so với Mogas92 chỉ vì giá thành của nó cao hơn.

Do người tiêu dùng không có nhu cầu về các sản phẩm môi trường nên áp lực buộc các doanh nghiệp phải quan tâm tới việc bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất cũng như việc thực hiện marketing không lớn. Các doanh nghiệp chỉ cần đưa ra thị trường các sản phẩm đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng và thu được lợi nhuận mong muốn. Chỉ khi nào người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn tới các sản phẩm môi trường, sẵn sàng trả giá cao hơn để được sử dụng các sản phẩm đó và dần dần loại bỏ việc sử dụng các sản phẩm gây ô nhiễm môi trường thì các doanh nghiệp mới buộc phải thực hiện triệt để môi trường trong vấn đề marketing của mình.

2.2. Nhà nước chưa có các cơ quan kiểm định chất lượng môi trường của sản phẩm

Nhận thức được tầm quan trọng của môi trường trong điều kiện phát triển của đất nước cũng như đáp ứng các yêu cầu khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của WTO, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra chiến lược phát triển môi trường Việt Nam trong giai đoạn 2001 – 2010. Trong chiến lược đó có đề cập tới một số vấn đề về môi trường của doanh nghiệp. Luật Bảo vệ môi trường năm 1993 cũng đã được thay thế bằng Luật bảo vệ môi trường 2005 nhằm đưa ra các quy định cụ thể và phù hợp hơn về bảo vệ môi trường đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ (chương V). Tuy nhiên, các quy định đó vẫn mang tính chung chung và chủ yếu tập trung vào việc bảo vệ môi trường tự nhiên và xử lý nước thải cũng như chất thải của khu vực sản xuất.


Những quy định của Việt Nam về môi trường nhìn chung dựa trên các quy định quốc tế và khu vực về môi trường: Trong pháp lệnh chất lượng hàng hóa, điều 19 quy định: “Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện cho việc thừa nhận lẫn nhau trong hoạt động chứng nhận chất lượng hàng hóa, chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng giữa Việt Nam và nước ngoài.” Thế nhưng 80% các tiêu chuẩn của Việt Nam không phù hợp với quốc tế. Việt Nam cũng đưa ra được một số các tiêu chuẩn môi trường phù hợp ISO 14000, tuy nhiên đa phần các tiêu chuẩn chưa được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng. (Bảng tiêu chuẩn Việt Nam tương ứng với tiêu chuẩn ISO 14000 được trình bày ở phụ lục…) Có thể thấy các quy định về môi trường của Việt Nam chưa đưa ra các quy định và hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp, đặc biệt là quy định riêng cho từng lĩnh vực hoạt động. Chính điều này gây ra cho doanh nghiệp không ít khó khăn trong việc thực hiện các quy định quốc gia và quốc tế liên quan tới môi trường. Đồng thời chưa có những quy định nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tiếp cận các quy định cũng như chế độ thưởng phạt cụ thể đối với các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, ngoài Tổng cục đo lường chất lượng Việt Nam còn thiếu các cơ quan thẩm tra chất lượng của sản phẩm. Với các sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài chúng ta có tổ chức Vina Control làm công tác kiểm tra và cấp chứng nhận về chất lượng sản phẩm . Việc có quá nhiều doanh nghiệp trong khi có quá ít các cơ quan kiểm tra, chứng nhận chất lượng sản phẩm khiến cho công tác chứng nhận gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, các cơ quan đó mới chỉ dừng lại ở việc đánh giá chung về chất lượng sản phẩm chứ chưa kiểm tra và đánh giá cụ thể chất lượng môi trường của sản phẩm. Các nhãn sinh thái tại Việt Nam hiện giờ là do các doanh nghiệp tự công nhận dựa trên các tiêu chuẩn có sẵn. Chính điều này tạo tâm lý thiếu tin tưởng của người tiêu dùng đối với chất lượng môi trường của sản phẩm. Và các doanh nghiệp có cơ hội


để chần chừ trong việc sản xuất đúng theo các tiêu chuẩn và quy định môi trường quốc gia và quốc tế.


2.3. Các doanh nghiệp chưa trang bị cho mình kiến thức đầy đủ về môi trường và marketing trong điều kiện cạnh tranh mới

Đối với các doanh nghiệp Việt Nam cả môi trường và marketing đều là những vấn đề còn khá mới lạ. Rất ít doanh nghiệp có thể hiểu chính xác marketing là gì và nó có vai trò như thế nào đối với hoạt động của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đến nay vẫn quan niệm marketing đơn thuần chỉ là việc quảng bá sản phẩm và thương hiệu của doanh nghiệp cũng như một số dịch vụ chăm sóc khách hàng sau khi bán hàng. Còn môi trường chỉ được hiểu là việc đảm bảo các tiêu chuẩn môi trường trong quá trình sản xuất và môi trường trong khu vực làm việc. Do đó, việc kết hợp giữa môi trường và marketing để đưa ra một chiến lược marketing hiệu quả cho hoạt động của doanh nghiệp có thể nói hiện nay ở Việt Nam chưa một doanh nghiệp nào đạt được. Chúng ta có thể thấy rõ điều này qua việc áp dụng Nhãn sinh thái đối với sản phẩm ở Việt Nam.

Để có thể tồn tại, phát triển và cạnh tranh trong các thị trường lớn, nơi mà sức ép về các vấn đề môi trường ngày càng tăng, các nhà đầu tư và các nhà sản xuất buộc phải có hành động làm giảm nhẹ các tác động môi trường trong quá trình sản xuất, kinh doanh của mình. Tuy nhiên, để có được sự thừa nhận của xã hội và cộng đồng, để thu hút sự chú ý của khách hàng đối với các nỗ lực vì môi trường mà họ đã thực hiện, tại một số nước, ngoài việc xây dựng, áp dụng và chứng nhận hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14001:2004, các nhà sản xuất đã và đang tạo sự phân biệt cho các sản phẩm của mình bằng cách tham gia chương trình dán Nhãn sinh thái (Nhãn môi trường) cho sản phẩm.


Nhãn sinh thái được khởi xướng và áp dụng lần đầu tiên ở Đức vào năm 1978, từ năm 1993, Tổ chức quốc tế về tiêu chuẩn hóa (ISO) bắt đầu quá trình xây dựng tiêu chuẩn về nhãn sinh thái. Hiện nay có ba loại nhãn sinh thái (nhãn sinh thái loại I, II và III) trong đó nhãn loại I là phổ biến hơn cả. Tại bốn quốc gia dẫn đầu là Mỹ, Canada, Nhật Bản và Hàn Quốc, có khoảng 20 – 30% sản phẩm có hoạt động môi trường tốt được cấp giấy chứng nhận nhãn sinh thái loại I. Tại Việt Nam, khái niệm “Nhãn sinh thái” vẫn còn xa lạ với người sản xuất và người tiêu dùng. Theo kết quả điều tra của Trung tâm tư vấn công nghệ môi trường tại 526 doanh nghiệp trên địa bàn 18 tỉnh thành trong cả nước thì chỉ có 47 doanh nghiệp Nhà nước (9%), 26 doanh nghiệp liên doanh (4,5%) và 10 doanh nghiệp tư nhân (10) là quan tâm tới vấn đề nhãn sinh thái.

Nhãn sinh thái là một trong những nhân tố quan trọng của chiến lược marketing xanh. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam chưa quan tâm nhiều tới vấn đề này, nguyên nhân có thể là do:

Nhận thức của xã hội nói chung về vấn đề môi trường còn ở mức thấp, nên áp lực cho việc dán nhãn từ phía Chính phủ cũng như người tiêu dùng chưa cao.

Kiến thức về đặc tính môi trường của sản phẩm còn rất hạn chế trong hầu hết những người làm công tác quản lý môi trường ở cấp cơ sở cũng như người sử dụng sản phẩm nên việc công bố rộng rãi các báo cáo môi trường theo nhãn loại III cũng ít có ý nghĩa (vì không hiểu hoặc ít thông tin thì nhà sản xuất có công bố rộng rãi các đặc tính môi trường cụ thể thì cũng khó thuyết phục rằng như thế là tốt, là hơn hẳn các sản phẩm cùng loại).

Tính tự giác và tự cam kết của người áp dụng sẽ là yêu cầu tiên quyết cho sự thành công của việc triển khai nhãn tự công bố loại II. Nếu thiếu nhận thức về tác động môi trường gây nên bởi các hoạt động của mình thì tính tự giác và tự cam kết sẽ không cao, dẫn đến việc dán nhãn tự công bố kém độ tin


cậy. Việc làm này có thể khiến cho người tiêu dùng bị nhiễu, bị định hướng sai bởi những người làm chưa tốt nhưng lại làm rùm beng trong công bố hoặc quảng cáo.

Có thể thấy nguyên nhân chính khiến các doanh nghiệp chưa quan tâm nhiều tới việc đẩy mạnh môi trường trong vấn đề marketing chính là sự thiếu chuyên môn về lĩnh vực này cũng như việc các doanh nghiệp chưa nhận thấy sự thay đổi trong xu hướng chung của thế giới và không rút kinh nghiệm từ các doanh nghiệp trên thế giới.

2.4. Đầu tư cho môi trường trong vấn đề marketing là thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam

Đối với một quốc gia đang phát triển và gặp nhiều khó khăn như nước ta, vấn đề về các quy định quốc tế về môi trường và làm thế nào để hàng hóa Việt Nam có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn đó là một thách thức lớn đối với chúng ta. Bởi vì các doanh nghiệp của chúng ta hoạt động kinh doanh chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Doanh nghiệp Việt Nam phần lớn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hạn chế nhiều về nguồn vốn và điều kiện cơ sở vật chất, chính vì vậy các doanh nghiệp đều gặp khó khăn trong việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế về môi trường. Hơn nữa, việc áp dụng các tiêu chuẩn về môi trường có thể làm tăng chi phí doanh nghiệp lên 20% trong khi các lợi ích chưa thể đạt được trong ngắn hạn. Do đó, trong điều kiện hiện nay các doanh nghiệp không thể ngay lập tức thay đổi cơ cấu quản lý, quy trình sản xuất, đổi mới trang thiết bị nhằm đạt được các chứng nhận về môi trường. Cần có sự phối hợp giúp đỡ của Nhà nước và các cơ quan hữu quan để các doanh nghiệp sớm đạt được chứng nhận quốc tế về môi trường.

Thứ nhất, các doanh nghiệp không có hệ thống quản lý tại chỗ có thể có những khó khăn đáng kể trong việc áp dụng các hệ thống quản lý phức tạp.

Xem tất cả 112 trang.

Ngày đăng: 05/05/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí