1.3 Kinh nghiệm về nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa
1.3.1 Kinh nghiệm đa dạng hóa giá trị sử dụng của tập đoàn NOKIA và tập
đoàn MICROSOFT
NOKIA là một trong số ít các công ty có tuổi đời trên 100 năm (hình thành từ năm 1865 – ban đầu kinh doanh trong lĩnh vực lâm nghiệp [40, tr.31]) còn tồn tại và mở rộng trong thế giới cạnh tranh hiện đại đầu thế kỷ
XXI. Vị trí tiên phong trên thị trường của NOKIA để lại cho các doanh nghiệp đi sau nhiều bài học về sự đa dạng hóa giá trị sử dụng nhằm cạnh tranh tốt hơn.
Dựa trên chức năng cơ bản của điện thoại di động, NOKIA đã thiết kế nhiều dòng sản phẩm phù hợp với nhu cầu từng đối tượng khách hàng từ mức thu nhập tối thiểu đến mức thu nhập cao nhất, mỗi dòng sản phẩm lại có nhiều loại điện thoại khác nhau để đáp ứng đòi hỏi đa dạng và luôn đổi mới của người tiêu dùng. Điện thoại di động NOKIA được phân thành các dòng sản phẩm hướng tới từng nhóm khách hàng: Nokia 1000 series và Nokia 2000 series với chức năng cơ bản cho người thu nhập rất thấp; Nokia 3000 series dành cho người trẻ tuổi thích thể hiện, đặc biệt là nam giới; Nokia 5000 series dành cho các cá nhân năng động; Nokia 6000 series (sản phẩm Nokia phổ hiến nhất) với nhiều chức năng và kiểu dáng đáp ứng nhu cầu của khách hàng có thu nhập trung và cao cấp; Nokia 7000 series hướng đến khách hàng nữ thích thời trang; Nokia 8000 series gồm những điện thoại độc đáo về hình thức dù không có nhiều tính tăng đặc biệt hướng đến khách hàng cao cấp; Nokia 9000 series phục vụ nhu cầu giao tiếp, kết nối của khách hàng, được thay thế bằng dòng điện thoại Nokia Eseries, loại điện thoại thông minh phục vụ doanh nhân, chú trọng vào kết nối mạng, sử dụng email, và tốc độ nhanh; Nokia Nseries phục vụ nhóm khách hàng ưa dùng đa phương tiện (nghe nhạc, chụp ảnh, quay phim…) [114]. Trong mỗi dòng sản phẩm, NOKIA sản xuất
nhiều mẫu điện thoại đem lại nhiều sự lựa chọn cho khách hàng. Ví dụ, điện thoại Nokia 6000 Series có khoảng 120 mẫu được tiêu thụ trên thị trường thế giới, các sản phẩm đó lại sử dụng ngôn ngữ đặc thù tại mỗi quốc gia [120]. Nhờ sự đa dạng hóa này, NOKIA có thể đáp ứng nhu cầu từ đơn giản đến cao cấp về điện thoại di động, do đó, chiếm lĩnh nhiều phân khúc thị trường từ cấp thấp đến cấp cao. Chẳng hạn, dòng sản phẩm Nokia Eseries chiếm tới 42,4% thị phần năm 2008 (gấp gần 3 lần thị phần của hãng xếp thứ hai) và tiếp tục dẫn đầu thị trường điện thoại thông minh thế giới kể từ khi xuất hiện đầu những năm 2000. Đồng thời, hệ điều hành Symbian dành cho điện thoại thông minh của NOKIA, cũng dẫn đầu thị trường hệ điều hành điện thoại thông minh thế giới với quy mô 49,8% [104]. Sự đa dạng hóa giá trị sử dụng giúp cho điện thoại Nokia chỉ phải cạnh tranh với sản phẩm của một vài nhà sản xuất trên từng phân khúc thị trường riêng lẻ, chứ không phải cạnh tranh với điện thoại di động của tất cả các hãng sản xuất trên thế giới. Kết quả là, theo báo cáo sơ bộ của NOKIA Corporation, NOKIA chiếm vị trí thống lĩnh thị trường điện thoại di động toàn cầu năm 2009 với thị phần khoảng 38% [115].
Tương tự NOKIA, hãng MICROSOFT cũng đa dạng hóa hệ điều hành máy tính Microsoft Windows để phù hợp với nhu cầu đa dạng của nhiều nhóm tiêu dùng. Với hệ điều hành Windows XP, hãng MICROSOFT đã sản xuất nhiều phiên bản khác nhau: phiên bản Home Edition nhắm đến người dùng gia đình; Phiên bản Professional nhắm đến người dùng cần chức năng phục vụ công việc và khách hàng là công ty lớn; Phiên bản Media Center Edition có thêm các tính năng giải trí đa phương tiện nâng cao; Ngoài ra, hệ điều hành Windows XP Tablet PC Edition được thiết kế để chạy các ứng dụng dùng bút cảm ứng xây dựng trên nền hệ Máy tính bảng; Starter Edition dành cho phân khúc thị trường cấp thấp. Thậm chí, các phiên bản của hệ điều hành Windows XP còn được cung cấp đặc biệt cho từng thị trường Thailand, Turkey, Malaysia, Indonesia, Russia, India, Colombia, Brazil, Argentina,
Peru, Bolivia, Chile, Mexico, Ecuador, Uruguay, Venezuela [102]. Như vậy, MICROSOFT đã giảm đối thủ cạnh tranh trên từng phân khúc thị trường hệ điều hành, nâng cao sức cạnh tranh của các phiên bản Windows XP. Kết quả là, tính đến cuối tháng 8 năm 2009, Windows XP là hệ điều hành được sử dụng nhiều nhất trên thế giới với thị phần 71,79% dù đã giảm nhiều so với con số 85% vào tháng 12 năm 2006 [112].
Có thể bạn quan tâm!
- Giá Cả Hàng Hóa – Biểu Hiện Bằng Tiền Của Giá Trị Hàng Hóa
- Những Biểu Hiện Mới Của Giá Trị Sử Dụng Và Giá Trị Trong Quá Trình Nâng Cao Sức Cạnh Tranh Của Hàng Hóa Trên Thị Trường Hiện Đại
- Biểu Hiện Mới Của Giá Trị Hàng Hóa Trong Nền Kinh Tế Hiện Đại
- Từ Chỗ Đề Cao Giá Trị Sử Dụng, Coi Nhẹ Giá Trị Đến Chỗ Coi Trọng Hai Thuộc Tính Của Hàng Hóa Ở Việt Nam
- Hạn Chế Của Sự Vận Dụng Lý Luận Hàng Hóa Vào Việc Nâng Cao Năng Lực Cạnh Tranh Của Hàng Hóa Việt Nam
- Kim Ngạch Xuất Khẩu Gạo Của Việt Nam Đi Các Thị Trường Năm 2007-2008
Xem toàn bộ 143 trang tài liệu này.
Như vậy, bằng cách đa dạng hóa giá trị sử dụng, sản phẩm của NOKIA và MICROSOFT đã đáp ứng tốt hơn nhu cầu của mỗi nhóm người tiêu dùng, đồng thời, các hàng hóa đó cũng tránh được sự đối đầu với nhiều hàng hóa của đối thủ, chỉ phải cạnh tranh với một vài sản phẩm khác trên mỗi phân khúc thị trường. Những điều này giúp nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa, thể hiện qua thị phần thống lĩnh của NOKIA, MICROSOFT trên thị trường thế giới.
1.3.2 Kinh nghiệm cung cấp giá trị sử dụng đặc thù của tập đoàn GOOGLE Công ty GOOGLE được thành lập năm 1998 bởi Larry Page và Segrey Brin, kinh doanh dịch vụ quảng cáo: năm 2008, khoảng 97% doanh thu là nhờ
vào hoạt động quảng cáo dựa trên các dịch vụ miễn phí: dịch vụ tìm kiếm,
dịch vụ thư điện tử (Gmail), dịch vụ bản đồ (Gmap và Google Earth)… Từ khi thành lập với lượng vốn khoảng 1,1 triệu USD, tổng tài sản của GOOGLE tăng vọt trong từng năm, đến quý I/2009, đạt trên 33 tỷ USD, tức là tăng 3000% [107].
Sự phát triển vượt bậc của công ty GOOGLE dựa trên khả năng cung cấp giá trị sử dụng đặc thù tới từng các doanh nghiệp cần quảng cáo. Với mỗi doanh nghiệp cần quảng cáo, GOOGLE đã giới thiệu hàng hóa của họ tới chính xác nhóm khách hàng đang quan tâm đến hàng hóa đó: “Điều gì nằm sau sự phát triển nhanh chóng của các chương trình quảng cáo của GOOGLE? Câu trả lời đó là cách tiếp cận độc đáo có một không hai của GOOGLE”,
những người sáng lập công ty cho biết “GOOGLE chỉ chạy những quảng cáo bằng dạng văn bản với những từ khóa xác định, có nghĩa là bạn không nhìn thấy những quảng cáo trừ khi bạn đang tìm kiếm thông tin với những chủ đề cụ thể. Và bởi không có các hình động gây chú ý, những quảng cáo dạng văn bản được người dùng đọc tỉ mỉ, họ coi những thông tin quảng cáo này có giá trị như kết quả tìm kiếm thực tế” [61, tr.154]. Chẳng hạn, với công cụ tìm kiếm www.google.com, mỗi khi tìm kiếm một từ khóa nào đó, người dùng Internet sẽ nhận được kết quả tìm kiếm ở phía bên trái màn hình, mẩu quảng cáo trông giống kết quả tìm kiếm sẽ ở phía bên phải, dẫn họ đến thẳng website của doanh nghiệp cần quảng cáo. Điều đặc biệt là, nội dung quảng cáo phù hợp với từ khóa mà người dùng tìm kiếm (Ví dụ, tìm nội dung liên quan đến “điện thoại di động” thì GOOGLE sẽ đưa thêm những đường dẫn quảng cáo liên quan đến các cửa hàng bán điện thoại di động, các hãng sản xuất điện thoại di động nổi tiếng…). Với dịch vụ thư điện tử Gmail, bộ máy tự động của GOOGLE sẽ quét từng thư điện tử, sau đó GOOGLE sẽ cung cấp cho người dùng những địa chỉ của các công ty (đang là khách hàng của GOOGLE) liên quan đến lĩnh vực mà bức thư đó đề cập tới.
Do vậy, các từ khóa trở thành những hàng hóa mà GOOGLE bán cho các doanh nghiệp thông qua hình thức đấu giá [106]. Tuy nhiên, việc các doanh nghiệp trả giá cao cho từ khóa không có nghĩa là quảng cáo của họ xuất hiện nhiều lần, ngay ở vị trí đầu tiên. Bởi vì, GOOGLE sắp xếp vị trí quảng cáo dựa trên hai nhân tố: Mức giá mà công ty quảng cáo sẵn sàng bỏ ra và mức độ thường xuyên mà người sử dụng vi tính bấm vào quảng cáo. Như vậy, khi một công ty trả giá cao hơn cho một từ nào đó so với những công ty khác nhưng nếu người sử dụng Internet không bấm vào quảng cáo của công ty đó thì quảng cáo đó sẽ bị xếp xuống một vị trí ít được chú ý hơn.
Có thể nói, hình thức quảng cáo của GOOGLE là một phương thức hữu hiệu để các công ty tiếp cận được với khách hàng tiềm năng. GOOGLE cung
cấp quảng cáo hướng tới từng đối tượng thu hẹp chứ không quảng cáo hướng tới rộng rãi mọi đối tượng. Phương thức độc đáo của GOOGLE cũng giúp các doanh nghiệp tiếp cận khách hàng tại thời điểm khách hàng quyết định mua sản phẩm. Việc này rất có hiệu quả đối với doanh nghiệp cần quảng cáo, hơn là việc trưng bày quảng cáo với tất cả các khách hàng nói chung.
Dịch vụ quảng cáo của GOOGLE tiêu biểu cho giá trị sử dụng độc đáo, đáp ứng rất tốt nhu cầu khách hàng chứ không giống những hình thức mà nhiều hãng quảng cáo khác thực hiện: gửi thư rác, trình bày nội dung quảng cáo trên những tấm biển quảng cáo lớn, thực hiện những đoạn phim quảng cáo, đăng nội dung cần quảng cáo lên báo… Các cách thức quảng cáo truyền thống như vậy chỉ đưa thông tin quảng cáo đến khi khách hàng đang ở trạng thái bị động. Ngược lại, cách cung cấp dịch vụ của GOOGLE lại mang nội dung quảng cáo đến khi khách hàng đang chủ động tìm kiếm, quan tâm đến vấn đề đó. Như thế, hiệu quả bằng quảng cáo của GOOGLE sẽ rất cao. Mặt khác, dịch vụ quảng cáo của GOOGLE hướng từng đối tượng cụ thể, phù hợp với từng khách hàng, sẽ thỏa mãn nhu cầu khách hàng tốt hơn sự phục vụ như nhau với mọi khách hàng.
Tóm lại, cung cấp giá trị sử dụng độc đáo, đặc thù hướng tới từng khách hàng sẽ giúp thỏa mãn tốt hơn nhu cầu của khách hàng, do vậy, hàng hóa sẽ có sức cạnh tranh cao hơn.
CHƯƠNG 2: NHẬN THỨC VÀ VẬN DỤNG LÝ LUẬN VỀ HAI THUỘC TÍNH CỦA HÀNG HÓA ĐỂ NÂNG CAO SỨC CẠNH TRANH CỦA HÀNG HÓA Ở VIỆT NAM
2.1 Sự chuyển biến nhận thức về sản xuất hàng hóa, hai thuộc tính của hàng hóa và cạnh tranh của hàng hóa ở Việt Nam
2.1.1 Từ chỗ chỉ thừa nhận một bộ phận sản phẩm là hàng hóa tới chủ trương phát triển đồng bộ các loại thị trường
Sự thừa nhận một bộ phận sản phẩm là hàng hóa
Trước Đổi Mới, đại bộ phận yếu tố đầu vào và đầu ra của quá trình sản xuất, phân phối, lưu thông đều không được coi là hàng hóa. Tư liệu sản xuất không được trao đổi như là hàng hóa trên thị trường mà đến nơi có nhu cầu thông qua hệ thống cung cấp vật tư của nhà nước hoặc trao đổi trực tiếp với nhau. Trong đó, đơn vị sản xuất này nhận kết quả sản xuất của đơn vị sản xuất khác theo chỉ dẫn, quản lý của cơ quan nhà nước, đồng thời, sản phẩm của chính đơn vị sản xuất đó cũng không được trao đổi trên thị trường mà phải đưa lại cho nhà nước trước khi được chuyển đến một xí nghiệp quốc doanh nào đó. Chỉ một bộ phận tư liệu tiêu dùng cơ bản (gạo, vải…) được trao đổi trên thị trường nhưng giá bán được tính toán đảm bảo phù hợp với mức sống của nhân dân, không lệ thuộc vào quan hệ cung-cầu [10]. Trong nông nghiệp, phải đến năm 1978 thì các hợp tác xã và hộ nông dân mới được lưu thông tự do phần lương thực thừa sau khi đã nộp đủ thuế và bán đủ lương thực cho nhà nước. Nhà nước sẽ mua phần lương thực thừa theo giá thỏa thuận [16, tr.400]. Với sức lao động, người lao động sau khi được đào tạo sẽ được phân công vào vị trí lao động trong một đơn vị nhà nước nào đó. Thị trường sức lao động không tồn tại để phân bổ sức lao động dựa theo giá cả của hàng hóa sức lao động. Trong khi đó, sản phẩm đầu ra được trao đổi không tự nguyện,
không theo nguyên tắc ngang giá. Giá cả được nhà nước quy định rất cứng nhắc, không dựa treo các quy luật thị trường.
Chỉ một bộ phận sản phẩm lao động được thừa nhận là hàng hóa trong thị trường tự do có quy mô nhỏ, hoạt động ngoài sự kiểm soát của Nhà nước.
Trong phân phối hàng tiêu dùng, nhà nước áp dụng chế độ tem phiếu để từng bước giải quyết được sự bất công bằng nhưng không đạt hiệu quả do số lượng tư liệu tiêu dùng quá nhỏ bé. Sự cào bằng trong phân phối đã làm triệt tiêu động lực của các cá nhân trong sản xuất. Kết quả là, năng suất lao động của cá nhân, của đơn vị kinh tế tăng lên rất chậm, thậm chí giảm. Bên cạnh đó, cơ cấu sản phẩm xã hội không phù hợp với cơ cấu tiêu dùng của xã hội, chẳng hạn, nhiều người muốn có lương thực, thực phẩm nhưng lại phải buộc nhận tư liệu sản xuất. Từ đó, Nhà nước thừa nhận: không bảo đảm cung cấp đủ vật tư cho các xí nghiệp hoạt động bình thường, trong khi nguồn vật tư phân tán trong xã hội còn khá nhiều [17, tr.9]. Nhà nước dần dần nhận thấy, cơ chế kế hoạch hoá và quản lý cũ không còn thích hợp, kìm hãm sản xuất [17, tr.10].
Sự thừa nhận và khuyến khích phát triển sản xuất hàng hóa ở Việt Nam từ khi Đổi Mới
Những hiện tượng “xé rào”, “khoán chui” tại một số địa phương như Vĩnh Phú, Hải Phòng…, đặc biệt là từ những thử nghiệm chính sách: Khoán 100, Khoán 10, “Kế hoạch 3”, đã từng bước làm thay đổi tư duy kinh tế và đến Đại hội VI, Việt Nam mới khẳng định sự tồn tại khách quan của sản xuất hàng hóa hay nền kinh tế hàng hóa (sau này gọi là kinh tế thị trường).
Từ Đổi Mới, nhận thức về kinh tế hàng hóa, kinh tế thị trường đã có sự thay đổi căn bản và sâu sắc. Thứ nhất, kinh tế hàng hóa, kinh tế thị trường không phải là thành tựu riêng có của chủ nghĩa tư bản mà là thành tựu chung của nhân loại [4, tr.151]. Kinh tế hàng hóa xuất hiện trước chủ nghĩa tư bản từ rất lâu, do vậy, chủ nghĩa tư bản không sản sinh ra kinh tế hàng hóa. Tuy
nhiên, trong thời kỳ chủ nghĩa tư bản phát triển, kinh tế hàng hóa đã đạt đến trình độ cao hơn, gọi là kinh tế thị trường, chi phối toàn bộ đời sống của con người trong xã hội. Thực chất, cách thức sử dụng kinh tế thị trường nhằm thu lợi nhuận tối đa mới là sản phẩm riêng có của chủ nghĩa tư bản. Như vậy, hoàn toàn có thể sử dụng thị trường để phục vụ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội tại Việt Nam. Thứ hai, kinh tế thị trường còn tồn tại khách quan trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội [4, tr.153]. Kinh tế hàng hóa, kinh tế thị trường là phương thức tổ chức, vận hành nền kinh tế mà không phải là đặc trưng bản chất cho chế độ kinh tế cơ bản của xã hội. Sản xuất hàng hóa không đối lập với chủ nghĩa xã hội, mà là thành tựu phát triển của nền văn minh nhân loại, tồn tại khách quan, cần thiết cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, và cả khi chủ nghĩa xã hội đã được xây dựng [13, tr.97]. Trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, những điều kiện quyết định kinh tế thị trường (gồm phân công lao động xã hội và tính chất độc lập tương đối giữa những người sản xuất) vẫn còn tồn tại. Thứ ba, cần thiết phải sử dụng kinh tế thị trường trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam [4, tr.154]. Lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất ở Việt Nam rất lạc hậu, nếu không sử dụng kinh tế thị trường thì Việt Nam sẽ không thể huy động các nguồn lực trong và ngoài nước để xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội.
Qua từng kỳ Đại hội của Đảng, nhận thức về kinh tế hàng hóa – kinh tế thị trường ngày càng rò hơn. Năm 1989, Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung Ương Đảng khóa VI đã đưa ra quan điểm phát triển kinh tế hàng hóa có kế hoạch gồm nhiều thành phần đi lên chủ nghĩa xã hội. Chủ trương này được Đại hội VII, Đại hội VIII, Việt Nam nhấn mạnh “phát triển nền kinh tế nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa” [13, tr.82]. Đại hội IX chính thức đưa ra tên gọi của mô hình này: nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa [14, tr.86].