Xác Định Một Số Yếu Tố Nguy Cơ Sa Sút Trí Tuệ Ở Người Cao Tuổi Tại Hai Quận, Huyện Hà Nội


có bố hoặc mẹ mang gien đột biến khoảng 50% có nguy cơ khởi phát bệnh Alzheimer sớm. Tuy nhiên, theo các tác giả vẫn chưa có một đáp án chính xác về mối liên quan này [190]. Về yếu tố tiền sử bệnh tật, một số nghiên cứu đã tìm ra các yếu tố nguy cơ là đái tháo đường, tăng huyết áp, tai biến mạch não, chấn thương sọ não, bệnh Parkinson... [67]. Nghiên cứu cho thấy xấp xỉ 1/3 những người sống sót đến tháng thứ ba sau tai biến mạch não mắc sa sút trí tuệ. Ngoài ra các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy tỷ lệ mắc sa sút trí tuệ cao hơn ở những người có tiền sử bị chấn thương sọ não hay bệnh Parkinson. Trầm cảm thường đi kèm với sa sút trí tuệ. Người già bị trầm cảm có nguy cơ mắc sa sút trí tuệ cao hơn từ hai đến ba lần so với dự kiến. Người ta vẫn chưa biết liệu trầm cảm là một nhân tố gây bệnh hay chỉ là một triệu chứng của sa sút trí tuệ.

Hiện nay đã có nhiều nghiên cứu trong nước và quốc tế nghiên cứu về người cao tuổi mắc sa sút trí tuệ tại khu vực nông thôn hoặc thành thị, nhưng chưa có các công trình nghiên cứu về tỷ lệ mắc sa sút trí tuệ theo tiền sử của người cao tuổi so sánh giữa khu vực nông thôn và thành thị.

4.3. Xác định một số yếu tố nguy cơ sa sút trí tuệ ở người cao tuổi tại hai quận, huyện Hà Nội

4.3.1. Mối liên quan giữa một số yếu tố nguy cơ mạch máu với sa sút trí tuệ

- Về mối liên quan giữa tai biến mạch não với sa sút trí tuệ: Kết quả nghiên cứu của Nguyễn Ngọc Hoà [18] cho thấy: tỷ lệ sa sút trí tuệ ở nhóm có tiền sử tai biến mạch não cao hơn nhóm người bình thường. Sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê khi phân tích đơn biến và đa biến. Tuy nhiên, Nguyễn Ngọc Hòa và một số tác giả trong nước chủ yếu đề cập đến khu vực nông thôn, hầu như chưa đề cập đến khu vực nội thành. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi bao gồm cả hai khu vực nội thành và ngoại thành, cho thấy có mối liên quan giữa tai biến mạch não với sa sút trí tuệ ở người cao tuổi (Bảng 3.15).


Kết quả của chúng tôi cũng phù hợp với nhận định của Gamaldo [108] cho rằng: Nhồi máu não nhiều ổ, tai biến mạch não tái phát và tai biến mạch não ở vị trí chiến lược là những yếu tố nguy cơ chính gây sa sút trí tuệ sau tai biến mạch não. Tuy nhiên, đối tượng và khu vực nghiên cứu của Gamaldo là bệnh nhân trên lâm sàng.

Theo De Leeuw FE và cộng sự, tai biến mạch não thầm lặng phối hợp với tăng nguy cơ sa sút trí tuệ [93]. Một số công trình nghiên cứu của Petersen R [176], [178], Vermeer SE và cộng sự [219] đã báo cáo về sự phối hợp của tai biến mạch não với sa sút trí tuệ. Cục máu tắc ở não tự phát có liên quan đến cả sa sút trí tuệ lẫn bệnh Alzheimer. Những tổn thương mạch não có thể tác động qua lại với những tổn thương thoái hoá thần kinh để gây nên hội chứng sa sút trí tuệ ở những người mà những tổn thương này không đủ để biểu hiện thành sa sút trí tuệ.

Tuy nhiên, mặc dù có mối liên quan giữa tai biến mạch não với sa sút trí tuệ ở người cao tuổi, nhưng các nghiên cứu đều tiến hành trên lĩnh vực lâm sàng và điều trị, hoặc tại một khu vực nông thôn hoặc thành thị.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 138 trang tài liệu này.

- Mối liên quan giữa tăng huyết áp với sa sút trí tuệ: Theo Graves AB, Prince M và cộng sự, tăng huyết áp ở tuổi trung niên kèm với tăng nguy cơ mắc sa sút trí tuệ và bệnh Alzheimer [109], [183].

Moore TL và cộng sự cho rằng tăng huyết áp có liên quan đến các dấu ấn thoái hoá thần kinh trong não, gợi ý rằng tăng huyết áp mạn tính có thể có vai trò trong bệnh sinh của bệnh Alzheimer [159], liên quan đến quá trình thoái hoá thần kinh hoặc gây teo não.

Đặc điểm dịch tễ học sa sút trí tuệ ở người cao tuổi tại hai quận, huyện Hà Nội - 13

Tuy nhiên, McGuinness B lại nhận định: Ở nhóm tuổi rất già thì tác dụng có hại của tăng huyết áp không rõ, trong khi huyết áp thấp đường như lại báo trước khả năng mắc sa sút trí tuệ và bệnh Alzheimer và gợi ý rằng có sự tham gia của huyết áp thấp ở tuổi già và giảm tưới máu não trong sự phát triển của sa sút trí tuệ và bệnh Alzheimer [155]. Những dữ kiện này gợi ý


rằng mối liên quan giữa huyết áp và sa sút trí tuệ có thể phụ thuộc vào tuổi [183].

Nhận định của các tác giả nêu trên cho thấy mối liên quan của tăng huyết áp với sa sút trí tuệ ở người cao tuổi còn có các quan điểm khác nhau. Mặt khác, các tác giả mới chỉ đề cập ở lĩnh vực lâm sàng và điều trị, hoặc tại một khu vực nông thôn hoặc thành thị. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi (Bảng 3.16) cho thấy có mối liên quan khá rõ rệt giữa tăng huyết áp với sa sút trí tuệ ở người cao tuổi.

- Mối liên quan giữa tiếng thổi động mạnh cảnh và cơn thiếu máu não thoáng qua với sa sút trí tuệ: Hiện nay, trong nước, chưa thấy có báo cáo nào đề cập đến mối liên quan của hai dấu hiệu này với sa sút trí tuệ ở người cao tuổi. Theo J. Donald Easton và cộng sự [15], cơn thiếu máu não thoáng qua được định nghĩa là cơn rối loạn chức năng thần kinh thoáng qua gây ra bởi sự thiếu máu cục bộ ở ổ não, cột sống hay võng mạc mà không phải nhồi máu cấp tính.

Piguet O và cộng sự [180] cho thấy mức độ nặng của các triệu chứng nhận thức ở bệnh nhân sa sút trí tuệ thể Alzheimer sẽ trầm trọng thêm nếu có các yếu tố nguy cơ mạch kèm theo, và cuối cùng, mức độ nặng của những tổn thương trong não trong bệnh Alzheimer cũng tăng lên nếu có các yếu tố nguy cơ mạch này. Các yếu tố nguy cơ mạch máu của sa sút trí tuệ bao gồm tăng huyết áp, tăng cholesterol máu, đái tháo đường, bệnh tim và hút thuốc lá. Người cao tuổi có nhiều yếu tố nguy cơ mạch máu có chức năng nhận thức kém hơn so với nhóm chứng khỏe mạnh.

Nhận định này cũng phù hợp với kết quả nghiên cứu của các tác giả Peila R [175], Qiu C [185], Whitmer RA [222], Yaffe K [232] và cộng sự cho thấy những người có bằng chứng về các yếu tố nguy cơ mạch máu cũng có nguy cơ cao mắc suy giảm nhận thức.


Phù hợp với những dữ kiện trên, Luchsinger JA và cộng sự [150] cho rằng nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer sẽ tăng lên theo số lượng các yếu tố nguy cơ có mặt.

Nghiên cứu liên quan giữa sa sút trí tuệ và bệnh tim mạch, Oslin D và cộng sự [171] cũng đưa ra nhận định bệnh tim mạch phối hợp với tăng nguy cơ sa sút trí tuệ và bệnh Alzheimer, đặc biệt ở những người có bệnh mạch ngoại vi gợi ý rằng vữa xơ động mạch ngoại vi lan toả là một yếu tố nguy cơ của sa sút trí tuệ. Ngoài ra, suy tim và rung nhĩ có thể có mối liên quan độc lập với tăng nguy cơ sa sút trí tuệ. Nghiên cứu Kungsholmen [185] cho thấy suy tim làm tăng 80% nguy cơ sa sút trí tuệ và bệnh Alzheimer, nhưng việc sử dụng các thuốc hạ huyết áp thường xuyên có thể bù lại một phần sự tăng nguy cơ này. Khi kiểm tra giải phẫu bệnh ở những người mắc bệnh mạch vành, Nolan KA và cộng sự [169] nhận thấy số bệnh nhân có lắng đọng đáng kể - Amyloid trong não tăng gấp sáu lần so với nhóm không có bệnh lý mạch vành.

Ngoài ra, Irie F và cộng sự [122] còn thấy một tỷ lệ cao những người mang gien APOE 4 trong số những người mắc bệnh mạch vành. Điều đó chứng tỏ có một mối liên quan giữa các bệnh lý mạch máu và với sa sút trí tuệ thể Alzheimer.

Kết quả bảng 3.17 và 3.18 cho thấy người có tiếng thổi động mạch cảnh có nguy cơ sa sút trí tuệ cao hơn người không có tiếng thổi này. Tuy nhiên, khi tiến hành phân tích và đánh giá trên mô hình hồi quy thứ bậc với tất cả các biến số về các yếu tố nguy cơ mạch máu như: tai biến mạch não, tăng huyết áp, tiếng thổi mạch cảnh, cơn thiếu máu não thoáng qua để xác định ảnh hưởng của các yếu tố đó đối với sa sút trí tuệ trong mô hình hồi quy thứ bậc, chúng tôi đã xác định được các yếu tố nguy cơ thực sự có liên quan đến sa sút trí tuệ ở người cao tuổi là: tai biến mạch não và tăng huyết áp


(Bảng 3.33). Kết quả phân tích này càng khẳng định vai trò của các yếu tố nguy cơ mạch máu với sa sút trí tuệ và sự có mặt của các yếu tố nguy cơ mạch máu làm tăng nguy cơ phát triển sa sút trí tuệ.

4.3.2. Mối liên quan giữa một số yếu tố nguy cơ chuyển hoá với sa sút trí tuệ ở người cao tuổi

- Mối liên quan giữa thừa cân - béo phì với sa sút trí tuệ: Kết quả nghiên cứu của Plassman BL và cộng sự [181] gợi ý có mối liên quan giữa béo phì và sa sút trí tuệ. Graves AB và cộng sự [109] cũng nhận định: Chỉ số khối cơ thể cao ở tuổi trung niên có liên quan đến tăng nguy cơ mắc sa sút trí tuệ khi về già. Tuy nhiên, cần phải có những nghiên cứu tiếp tục và sâu hơn về sự liên quan giữa sa sút trí tuệ và thừa cân – béo phì chỉ mang tính gợi ý.

De Leeuw FE [93] và Morris MC [164] phát hiện thấy giảm chỉ số khối cơ thể khoảng mười năm trước khi khởi phát sa sút trí tuệ, gợi ý có mối liên quan giữa giảm mạnh chỉ số khối cơ thể với sự phát triển bệnh Alzheimer sau này. Chỉ số khối cơ thể thấp ở tuổi già có thể liên quan đến tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer, nhưng chỉ số khối cơ thể thấp và giảm cân nặng có thể được phân tích như một dấu ấn về bệnh Alzheimer tiền lâm sàng, đặc biệt khi đo dưới mười năm trước chẩn đoán lâm sàng. Nhận định của các tác giả cũng phù hợp với kết quả nghiên cứu của chúng tôi (Bảng 3.19) cho thấy chưa có mối liên quan giữa thừa cân – béo phì với sa sút trí tuệ ở người cao tuổi.

- Mối liên quan giữa rối loạn các chỉ số lipid máu (tăng cholesterol máu toàn phần, biến đổi LDL,HDL và triglycerid) với sa sút trí tuệ: Nghiên cứu của Refolo LM và cộng sự [189] gợi ý về sự phối hợp giữa tăng cholesterol máu ở tuổi trung niên với bệnh Alzheimer khi về già.

Signoret JL và Benoit N [206] cho biết có sự phối hợp giữa tăng lipid máu với tăng liên quan sa sút trí tuệ, đặc biệt là loại không phải bệnh Alzheimer. Tuy nhiên, tác giả Dufouil C [97], Li G [146], [147] và Shepherd


J [205] cho thấy có sự giảm về cholesterol toàn phần ít nhất mười lăm năm trước khi khởi phát sa sút trí tuệ.

Tại Việt Nam, nghiên cứu của Bệnh viện Lão khoa Trung ương [2] cho rằng: Rối loạn chuyển hóa lipid đặc biệt là rối loạn về cholesterol toàn phần có mối liên quan ảnh hưởng tới sa sút trí tuệ thể Alzheimer. Nhận định này cũng phù hợp với nghiên cứu của Trần Viết Lực [27] và Solomon và cộng sự [209]. Trần Viết Lực cho thấy có mối liên quan giữa sự biến đổi các chỉ số LDL và triglycerid với sa sút trí tuệ [27].

Nghiên cứu của chúng tôi cũng phù hợp với các tác giả về mối liên quan giữa tăng cholesterol máu toàn phần (Bảng 3.20), biến đổi chỉ số LDL và triglycerid (bảng 3.21 và 3.23) với sa sút trí tuệ ở người cao tuổi. Tuy nhiên, các tác giả đã chủ yếu tập trung trên lĩnh vực lâm sàng tại một bệnh viện, hoặc ở một khu vực nông thôn hoặc thành thị và vẫn có những quan điểm khác nhau về sự biến đổi chỉ số lipid trong máu với sa sút trí tuệ ở người cao tuổi. Còn nghiên cứu của chúng tôi tập trung trên những người cao tuổi ở cả hai khu vực nông thôn và thành thị, chưa thấy có mối liên quan giữa biến đổi HDL với sa sút trí tuệ (Bảng 3.22). Hiện nay, có nhiều nghiên cứu về mối liên quan giữa chỉ số lipid với sa sút trí tuệ, nhưng có ít tác giả đề cập đến mối liên quan giữa biến đổi HDL với sa sút trí tuệ.

- Mối liên quan giữa biến đổi đường máu lúc đói với sa sút trí tuệ: Kết quả bảng 3.24 cho thấy có mối liên quan giữa chỉ số đường máu với sa sút trí tuệ ở người cao tuổi. Người có biến đổi chỉ số đường máu lúc đói có nguy cơ sa sút trí tuệ cao hơn người không biến đổi đường máu lúc. Kết quả này phù hợp với nhận định của Trần Viết Lực [27] nghiên cứu trên những bệnh nhân tại bệnh viện.

Để xác định mối liên quan thực sự của các yếu tố nguy cơ chuyển hóa với sa sút trí tuệ, chúng tôi đã ghép các biến về các yếu tố nguy cơ chuyển hóa: béo phì-thừa cân, cholesterol máu toàn phần, LDL, HDL, triglycerid


máu, đái tháo đường để xác định ảnh hưởng của các yếu tố nguy cơ này với sa sút trí tuệ trong mô hình hồi quy thứ bậc. Kết quả chúng tôi đã xác định được các yếu tố nguy cơ thực sự liên quan là: biến đổi các chỉ số cholesterol máu toàn phần và đái tháo đường (Bảng 3.33).

Kết quả này của chúng tôi cũng phù hợp với nhận định của Dufouil C [97], Frears ER [105], Moroney JT [160], Notkola IL [170], Santanello NC

[200] và cộng sự: liên quan giữa chuyển hóa lipid với tỷ lệ mắc sa sút trí tuệ đã gợi ý về sự phối hợp giữa tăng cholesterol máu ở tuổi trung niên với bệnh Alzheimer khi về già.

Frears ER [105], Moroney JT [160] và Notkola IL [170] cho thấy có sự phối hợp giữa tăng lipid máu với tăng liên quan sa sút trí tuệ, đặc biệt là thể không phải bệnh Alzheimer. Santanello NC và cộng sự [200] cho thấy có sự giảm về cholesterol toàn phần ít nhất mười lăm năm trước khi khởi phát sa sút trí tuệ. Ngoài ra, một số nghiên cứu quan sát của Hajjar I [110], Hess DC [114], Yaffe K

[232] và Zandi PP [234] gợi ý vai trò của statin trong việc làm giảm liên quan sa sút trí tuệ và bệnh Alzheimer, nhưng điều này chưa được khẳng định qua các thử nghiệm lâm sàng.

Về mối liên quan giữa đái tháo đường với sa sút trí tuệ, Akomolafe A [57], Arvanitakis Z [65], Luchsinger JA [151] và cộng sự cho thấy bên cạnh các biến chứng có hại của bệnh đái tháo đường đối với tim, mắt, thận..., bệnh đái tháo đường còn tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer và làm tăng tốc độ phát triển của sa sút trí tuệ.

Trong nghiên cứu dọc của Biessels GJ [71], Otto A [172] và cộng sự, bệnh nhân đái tháo đường có tăng nguy cơ cả sa sút trí tuệ do mạch máu lẫn do thoái hoá. Điều này cũng được khẳng định qua một phân tích tổng hợp mới đây của Quiu và cộng sự [187]. Berent S và cộng sự [70] nhận định rằng đái tháo đường giới hạn và giảm dung nạp glucose cũng phối hợp với tăng nguy cơ sa sút trí tuệ và bệnh Alzheimer.


Sự phối hợp này cũng được Peila R và cộng sự [175] nhận định là có thể phản ánh tác dụng trực tiếp của tăng đường huyết lên những thay đổi thoái hoá trong não, hoặc tác dụng của tăng insulin máu, hoặc do các bệnh kèm theo đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu. Otto A và cộng sự

[173] cho rằng hoạt động của não chậm lại khi mức đường trong máu tăng ở người đái tháo đường typ 2. Nghiên cứu ở cấp quốc gia được tiến hành trên khoảng 3.000 người đái tháo đường thấy cứ tăng 1% HbA1C làm giảm đáng kể trí nhớ, giảm khả năng làm nhiều việc một lúc cũng như nhiều chức năng nhận thức khác.

Trần Thị Lệ Thanh [38] nghiên cứu đặc điểm rối loạn nhận thức ở bệnh nhân đái tháo đường typ 2 ở người trên 60 tuổi trở lên, cũng nhận thấy nguy cơ sa sút trí tuệ bị ảnh hưởng rõ rệt nhất do cách điều trị đối với bệnh nhân đái tháo đường. Nguy cơ cao nhất đối với nhóm có đường máu cao phải dùng insulin đường tiêm.

Trần Viết Lực [27] cũng xác định được đái tháo đường là yếu tố nguy cơ của sa sút trí tuệ trên mô hình hồi quy đa biến. Tác giả nhận định chung rối loạn lipid là yếu tố nguy cơ trên mô hình hồi quy đa biến, nhưng chưa xác định biến đổi cholestorol toàn phần trong các rối loạn lipid là yếu tố nguy cơ thực sự trên mô hình hồi quy đa biến.

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi về mối liên quan giữa một số yếu tố nguy cơ chuyển hoá với sa sút trí tuệ ở người cao tuổi phù hợp với nhận định của các tác giả trong nước và trên thế giới. Tuy nhiên, nghiên cứu của chúng tôi được tiến hành ở cả khu vực nông thôn và thành thị; kết quả sau phân tích qua mô hình hồi quy thứ bậc cho thấy: sự biến đổi các chỉ số cholesterol toàn phần máu và đái tháo đường (Bảng 3.33) là yếu tố nguy cơ thực sự với sa sút trí tuệ.

Xem tất cả 138 trang.

Ngày đăng: 16/11/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí