4.3.3. Mối liên quan giữa một số yếu tố tâm lý - xã hội và nếp sống với sa sút trí tuệ
- Mối liên quan giữa trình độ học vấn với sa sút trí tuệ: ở trong nước, theo nhận định của Bệnh viện Lão khoa Trung ương [2], Dương Xuân Đạm [10], Ngô Văn Dũng [12] và cộng sự, trình độ học vấn thấp có liên quan với sự gia tăng sa sút trí tuệ ở người cao tuổi.
Nhận định của các tác giả trong nước cũng tương đương với kết quả của Evans DA [100], Jorm AF [127], Katzman R [129] và cộng sự cho thấy trình độ học vấn thấp sẽ làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ và bệnh Alzheimer.
Các dữ liệu trong Nghiên cứu về Sức khỏe và Tuổi già ở Canada của Hsiung, cộng sự [117] đã nhận định trình độ giáo dục thấp là một nguy cơ cao của bệnh Alzheimer và sa sút trí tuệ do mạch máu cũng như suy giảm nhận thức nhẹ chưa gây sa sút trí tuệ.
Đồng thuận với quan điểm này, Scarmeas N [201] [202], [203] cho thấy người mù chữ và học vấn thấp có nguy cơ mắc sa sút trí tuệ và bệnh Alzheimer cao hơn. Trình độ học vấn không chỉ là một yếu tố chỉ điểm của kích thích nhận thức, mà còn phản ánh những tình huống khi trẻ, chỉ số thông minh, tình trạng kinh tế - xã hội. Theo các tác giả, những phát hiện này đưa đến giả thuyết rằng quá trình nhận thức có thể liên quan đến số lượng các tế bào thần kinh và các khớp thần kinh khi trưởng thành (giả thuyết nhận thức dự trữ).
Kết quả nghiên cứu quan sát của Knoefel JE và cộng sự cho thấy những người càng tham gia tích cực các hoạt động kích thích tâm trí càng ít mắc sa sút trí tuệ [134].
Kết quả nghiên cứu của chúng tôi phù hợp với nhận định của các tác giả trong và ngoài nước: bảng 3.25 cho thấy có mối liên quan giữa trình độ học vấn với sa sút trí tuệ ở người cao tuổi. Người cao tuổi có trình độ học vấn
thấp có nguy cơ mắc sa sút trí tuệ cao hơn người có trình độ học vấn cao.
Có thể bạn quan tâm!
- Mối Liên Quan Giữa Chế Độ Dinh Dưỡng Với Sa Sút Trí Tuệ
- Một Số Đặc Điểm Dịch Tễ Học Sa Sút Trí Tuệ Ở Người Cao Tuổi Tại Hai Quận, Huyện Hà Nội
- Xác Định Một Số Yếu Tố Nguy Cơ Sa Sút Trí Tuệ Ở Người Cao Tuổi Tại Hai Quận, Huyện Hà Nội
- Một Số Đặc Điểm Dịch Tễ Học Sa Sút Trí Tuệ Ở Người Cao Tuổi Tại Hai Quận, Huyện Hà Nội
- Đặc điểm dịch tễ học sa sút trí tuệ ở người cao tuổi tại hai quận, huyện Hà Nội - 16
- Đặc điểm dịch tễ học sa sút trí tuệ ở người cao tuổi tại hai quận, huyện Hà Nội - 17
Xem toàn bộ 138 trang tài liệu này.
Nhận định này cũng phù hợp với các tác giả trong và ngoài nước.
- Mối liên quan giữa hoạt động xã hội với sa sút trí tuệ: Colditz Gm [87], Evans DA [100], Ikeda M [120], Rovio S [196] và cộng sự cho thấy mạng lưới tổ chức xã hội kém hoặc cách ly xã hội có liên quan đến suy giảm nhận thức và sa sút trí tuệ.
Scarmeas N [202], [203], Sonnen JA [210] và cộng sự cũng cho rằng nguy cơ sa sút trí tuệ tăng lên ở những người già bị cô lập về mặt xã hội, ít tiếp xúc với người thân và bạn bè. Các tổ chức xã hội cung cấp sự hỗ trợ các hoạt động xã hội tốt hơn. Các hoạt động xã hội kích thích tinh thần và trí thông minh của người cao tuổi, do vậy có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ thông qua con đường hành vi, tâm lý và sinh lý.
Gallacher và cộng sự [107] cho biết những người ít tham gia hoạt động xã hội khi về già và giảm tham gia hoạt động xã hội từ tuổi trung niên đến tuổi già có nguy cơ mắc sa sút trí tuệ cao gấp đôi. Tuy nhiên, các nghiên cứu trên đây của các tác giả là các nghiên cứu dọc, thuần tập, nghiên cứu trên lâm sàng hoặc tại cộng đồng của một khu vực nông thôn hoặc thành thị.
Trong nghiên cứu này, chúng tôi sử dụng phương pháp nghiên cứu mô tả cắt ngang kết hợp với nghiên cứu bệnh-chứng. Kết quả bảng 3.26 cho thấy có mối liên quan giữa hoạt động xã hội với sa sút trí tuệ ở người cao tuổi tại cả hai khu vực nông thôn và thành thị, người cao tuổi không hoạt động xã hội có nguy cơ mắc sa sút trí tuệ cao hơn người cao tuổi có hoạt động xã hội.
- Mối liên quan giữa hoạt động giải trí với sa sút trí tuệ: Albert MS [58], De Leon Mi [94], Dickerson BC [95], Drevets WC [96], KillianyRJ [133], Tierney MC [216] và cộng sự đã đề cập đến các dữ kiện đầu tiên từ một số nghiên cứu dịch tễ học về yếu tố dự báo khả năng duy trì chức năng nhận thức của người cao tuổi.
Evans DA [100], Zhang My [235] và cộng sự đã báo cáo có mối liên quan giữa mức độ giáo dục với khả năng duy trì chức năng nhận thức theo thời gian. Fratiglioni L và cộng sự [104] cho rằng giáo dục làm giảm nguy cơ phát triển sa sút trí tuệ.
Các nghiên cứu gần đây của Bennett DA [68], Plassman BL [181] và cộng sự đã cố gắng xác định xem trong sự phối hợp với giáo dục thì tiếp xúc với giáo dục sớm hay giáo dục tích cực, là chỉ số dự báo cho xu hướng thực hiện các hoạt động kích thích tâm trí trong đời sống.
Để trả lời câu hỏi này, Chui HC [85], Hultsch DF [119], Petersen R [176], [178], Wilson RS [224], [225], [226], [227] và cộng sự, đã đánh giá nhiều hoạt động tâm trí bệnh nhân có thể thực hiện được (ví dụ đọc sách, tham dự các buổi thuyết trình, chơi cờ). Kết quả của các công trình nghiên cứu này cho thấy tăng thời gian dành cho các hoạt động kích thích tâm trí phối hợp với giảm nguy cơ mắc suy giảm nhận thức nhẹ và sa sút trí tuệ.
Những kết quả trên đây cũng gợi ý rằng giáo dục lâu dần có thể tạo thói quen kích thích tâm trí dẫn đến những thay đổi trong não. Theo cách này, hiệu quả của giáo dục lên chức năng của não thông qua trung gian thói quen được duy trì trong suốt cuộc đời.
Tuy nhiên, cũng theo các tác giả trên đây các phân tích dữ kiện trên vẫn không rõ ràng vì không làm rõ hiệu quả của tăng cường luyện tập trong môi trường phong phú với hiệu quả của tăng hoạt động tâm trí. Như vậy, nhận định về vai trò của hoạt động giải trí với sa sút trí tuệ ở người cao tuổi còn có những quan điểm khác nhau.
Hầu hết các nghiên cứu đều đánh giá chức năng nhận thức tại thời điểm đánh giá hoạt động, chỉ một số đánh giá hoạt động hơn năm năm trước khi chẩn đoán sa sút trí tuệ. Ở trong nước, nghiên cứu của Trần Viết Lực [27] cho thấy thường xuyên tham gia các hoạt động kích thích nhận thức như đọc báo, chơi cờ, chơi bài có khả năng làm giảm nguy cơ mắc sa sút trí tuệ do bệnh
Alzheimer. Tuy nhiên, đối tượng và phạm vi nghiên cứu của Trần Viết Lực là các bệnh nhân người cao tuổi đang điều trị tại bệnh viện. Nghiên cứu của chúng tôi được tiến hành trên những người cao tuổi ở cả khu vực nội và ngoại thành. Bảng 3.26 cho thấy không có mối liên quan giữa hoạt động giải trí với sa sút trí tuệ ở người cao tuổi.
- Mối liên quan giữa hoạt động thể lực với sa sút trí tuệ: Colcombe SJ [86], Lim G [148], Van Praag H [218] và cộng sự nhận định luyện tập đều đặn, ngay cả các hoạt động thể lực có cường độ thấp như đi bộ cũng phối hợp với giảm nguy cơ sa sút trí tuệ và suy giảm nhận thức nhẹ. Tuy nhiên, theo Brown J và cộng sự [79], lợi ích của các chương trình luyện tập thể lực ngắn hạn lên chức năng nhận thức vẫn chưa được khẳng định rõ. Larson EB và cộng sự [139] cũng cho rằng, thời gian luyện tập ngắn có thể không có lợi ích rõ rệt lên nhận thức tổng thể, nhưng có thể có ích với một vài lĩnh vực nhận thức. Trần Viết Lực [27] nhận định, thường xuyên tham gia các hoạt động thể lực như đi bộ, chạy bộ, làm việc nhà có khả năng làm giảm nguy cơ mắc sa sút trí tuệ do bệnh Alzheimer. Nhìn chung, các công trình nghiên cứu đều cho thấy có mối liên quan giữa hoạt động thể lực với sa sút trí tuệ ở người cao tuổi.
Kết quả (Bảng 3.28) của chúng tôi cho thấy người không hoạt động thể lực nguy cơ mắc sa sút trí tuệ cao hơn người có hoạt động thể lực, phù hợp với nhận định của các tác giả trong và ngoài nước cho rằng có mối liên quan giữa hoạt động thể lực với sa sút trí tuệ ở người cao tuổi.
- Mối liên quan giữa chế độ dinh dưỡng với sa sút trí tuệ: Theo Ngandu T và cộng sự [138], chế độ ăn nhiều chất béo bão hòa có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện bệnh Alzheimer. Ngược lại, nghiên cứu của Letenneur L cho thấy một chế độ ăn chất béo không bão hòa gồm cá, rau, trái cây và các cây họ đậu liên quan đến sự giảm nguy cơ xuất hiện bệnh [144], [145]. Một số công trình nghiên cứu cho thấy acid béo có thể tác động lên sự phát triển của bệnh Alzheimer qua nhiều cơ chế khác nhau như vữa xơ động mạch và viêm.
Larson EB [139], McGeer PL [153], Morris MC [161], [162], [163],
[165], [164] và cộng sự gợi ý có sự phối hợp giữa chế độ ăn nhiều mỡ bão hoà với tăng liên quan mắc bệnh Alzheimer, trong khi ăn nhiều cá và acid béo đa không bão hoà n-3 làm giảm liên quan mắc bệnh Alzheimer. Tuy nhiên, nghiên cứu Rotterdam của De Groot JC [92], Hofman A [116], In‘t Veld BA [121], Launer LJ [140], Otto A [172], [173] và cộng sự không thấy các mối liên quan trên. Trong khi đó, một số nghiên cứu dọc của Luchsinger JA [149], Masaki KH [152] và một số tác giả [167], cho thấy giảm liên quan mắc bệnh Alzheimer liên quan đến chế độ ăn có bổ sung các chất chống oxy-hoá như vitamin E và C. Theo Scarmeas N và cộng sự [202], [203], những người ăn “Chế độ Địa Trung Hải” (nhiều cá, hoa quả và rau giầu chất chống oxy hoá) có giảm liên quan mắc bệnh Alzheimer, độc lập với yếu tố mạch máu. Nghiên cứu của Bodnoff SR [73], McMahon JA [157] và cộng sự cho thấy, vai trò của các yếu tố vi lượng đặc biệt là đồng (Cu) hữu cơ có ảnh hưởng đến sự xuất hiện của bệnh Alzheimer và sa sút trí tuệ. Đồng hữu cơ có vai trò quan trọng gắn kết với protein (cytochrome) tham gia vào hoạt động của chuỗi hô hấp tế bào, thiếu hụt đồng hữu trong khẩu phần ăn hàng ngày là yếu tố nguy cơ cho sự xuất hiện bệnh Alzheimer và sa sút trí tuệ.
Nhìn chung, các công trình nghiên cứu trên thế giới đều cho thấy có mối liên quan giữa chế độ dinh dưỡng với sa sút trí tuệ ở người cao tuổi. Tuy nhiên, các công trình nêu trên là nghiên cứu thuần tập hoặc nghiên cứu thử nghiệm được tiến hành ở một khu vực là bệnh viện hoặc trên một cộng đồng dân cư tại một khu vực nông thôn hoặc thành thị. Mối liên quan giữa chế độ dinh dưỡng với sa sút trí tuệ ở người cao tuổi chưa được đề cập đến trong các nghiên cứu trong nước.
Kết quả bảng 3.29 tương đồng với nhận định của các tác giả cho rằng
có mối liên quan giữa chế độ dinh dưỡng với sa sút trí tuệ ở người cao tuổi.
Người có chế độ dinh dưỡng không hợp lý có nguy cơ mắc sa sút trí tuệ cao hơn người có chế độ dinh dưỡng hợp lý.
- Mối liên quan giữa uống rượu với sa sút trí tuệ: Asthana S [66], Letenneur L [144], [145], Pham TM [179] và cộng sự cho thấy uống rượu quá mức có thể gây sa sút trí tuệ do rượu và có thể làm tăng liên quan sa sút trí tuệ do mạch máu. Theo các tác giả thì nghiện rượu nặng ở tuổi trung niên phối hợp với tăng liên quan sa sút trí tuệ khi về già, đặc biệt ở những người có mang apolipoprotein E4. Ngược lại, theo Alistair B [59] và cộng sự, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy uống rượu mức độ ít và trung bình phối hợp với giảm liên quan mắc sa sút trí tuệ và suy giảm nhận thức, hiệu quả tương tự như với bệnh tim-mạch. Kết quả nghiên cứu của các tác giả đã chỉ ra rằng người uống một lượng rượu quá lớn trong một thời gian dài có thể mắc sa sút trí tuệ, thêm vào đó là các vấn đề sức khỏe khác. Đồng thuận với nhận định của các tác giả trên đây, Phạm Khuê và cộng sự [22] cho rằng điều này có thể là do những ảnh hưởng của rượu lên não hoặc là do sự thiếu hụt một số vitamin nhất định nào đó ở những người uống rượu quá nhiều. Tuy nhiên, theo các tác giả, mối quan hệ giữa mức độ tiêu thụ rượu vừa phải với nguy cơ mắc sa sút trí tuệ vẫn đang được nghiên cứu. Kết quả bảng 3.30 cho thấy có mối liên quan giữa uống rượu với sa sút trí tuệ ở người cao tuổi. Người uống rượu có nguy cơ mắc sa sút trí tuệ cao hơn người không uống rượu.
- Mối liên quan giữa hút thuốc lá với sa sút trí tuệ: Trước đây, một số tác giả cho rằng hút thuốc làm giảm nguy cơ sa sút trí tuệ, nhưng thực ra là liên quan đến vấn đề sống sót, vì tác dụng bảo vệ của thuốc lá không thấy khi nghiên cứu trên những trường hợp mới mắc. Ngược lại, theo kết quả nghiên cứu tiến cứu Aggarwal NT và cộng sự [55], đặc biệt nghiên cứu của Kondo và cộng sự [136] cho thấy có tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer ở người hút thuốc lá. Các công trình nghiên cứu còn có những quan điểm khác nhau về mối liên quan giữa hút thuốc lá với sa sút trí tuệ ở người cao tuổi. Tuy nhiên hầu
hết các tác giả cho rằng hút thuốc lá là một yếu tố nguy cơ làm gia tăng tỷ lệ mắc sa sút trí tuệ. Kết quả nghiên nghiên cứu của chúng tôi phù với nhận định của các tác giả cho rằng hút thuốc lá là yếu tố của sa sút trí tuệ, người hút thuốc lá có nguy cơ mắc sa sút trí tuệ cao hơn người không hút thuốc lá (Kết quả bảng 3.31).
- Mối liên quan giữa rối loạn giấc ngủ với sa sút trí tuệ: Trong quá trình khảo sát điều tra nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy nhiều người cao tuổi trong diện nghiên cứu than phiền về giấc ngủ. Tuy nhiên, qua kết quả khám và đánh giá tại bảng 3.32 chưa tìm thấy mối liên quan giữa rối loạn giấc ngủ với sa sút trí tuệ ở người cao tuổi. Theo chúng tôi, cần có nghiên cứu sâu thêm về vấn đề này.
Tiến hành phân tích trên mô hình hồi quy thứ bậc bằng tiến hành ghép các biến về các yếu tố nguy cơ tâm lý - xã hội và nếp sống (Bảng 3.33), chúng tôi đã xác định được các yếu tố nguy cơ thực sự liên quan đến sa sút trí tuệ là: trình độ học vấn thấp, không hoạt động xã hội và thể lực, chế độ dinh dưỡng không hợp lý và uống rượu. Kết quả đánh giá qua mô hình hồi quy thứ bậc về các yếu tố nguy cơ tâm lý - xã hội và nếp sống của chúng tôi cũng phù hợp với nhận định và kết quả của nhiều tác giả đã được đề cập ở phần trên.
4.4. Đề xuất một số biện pháp dự phòng sa sút trí tuệ ở người cao tuổi tại
cộng đồng Hà Nội
Căn cứ vào kết quả khảo sát tại bốn xã, phường đã nghiên cứu, kết hợp các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và Bộ Y tế đối với người cao tuổi [5], [8], [29], và qua tham khảo một số giải pháp, mô hình chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi trong và ngoài nước, chúng tôi đề xuất biện pháp dự phòng sa sút trí tuệ cho người cao tuổi ở Hà Nội như sau:
Ban Chăm sóc sức khoẻ ban đầu xã, phường
Ban ngành, đoàn thể xã, phường, Tổ truyền thông
Trạm Y tế
xã, phường
Hội Người cao tuổi
xã, phường
Tăng cường hoạt động thể lực
Hạn chế uống rượu hàng ngày
Người cao tuổi
Tăng cường hoạt động xã hội
Phát hiện sớm nguy cơ thường gặp
Thực hiện chế độ ăn hợp lý
Phòng, chống sa sút trí tuệ ở người cao tuổi
Nhân viên y tế thôn, xóm, Cộng tác viên dân số - dinh dưỡng
Các chi hội người cao tuổi
Trưởng xóm, ban ngành, Tổ trưởng dân phố
Người trực triếp chăm sóc người cao tuổi
Sơ đồ 4.1. Mô hình dự phòng sa sút trí tuệ ở người cao tuổi tại Hà Nội