Lựa chọn sản phẩm và thị trường xuất khẩu của Việt Nam - thực trạng và giải pháp - 2

LỜI MỞ ĐẦU‌


1. Tính cấp thiết của đề tài:

Từ 1986 đến nay, đất nước Việt Nam đã trải qua hơn 20 năm đổi mới. Cùng với những thành tựu về kinh tế - xã hội, thương mại quốc tế của Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc trên nhiều mặt: quy mô, tốc độ tăng trưởng, cơ cấu nhóm, ngành hàng, thị trường…góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, ổn định chính trị và xã hội, mở rộng hội nhập kinh tế quốc tế.

Trong xu thế toàn cầu hóa như hiện nay, Việt Nam đang nỗ lực hết mình trong việc hội nhập ngày càng sâu và toàn diện vào nền kinh tế khu vực và trên thế giới, trong đó bước ngoặt quan trọng là sự kiện Việt Nam gia nhập WTO vào năm 2006. Nhờ việc mở rộng hơn nữa các quan hệ thương mại song phương và đa phương, Việt Nam ngày càng có nhiều điều kiện thuận lợi lớn để phát huy tối đa những tiềm năng, thế mạnh của mình, phát triển kinh tế theo hướng Công nghiệp hóa – hiện đại hóa. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải đối diện với những áp lực cạnh tranh khốc liệt từ các quốc gia khác, cũng như những rào cản vô hình, hữu hình và sự bất bình đẳng trong quan hệ ngoại thương đặc biệt là với các nước kinh tế phát triển.

Để tham gia rộng rãi vào phân công lao động quốc tế, mở rộng sự giao lưu giữa các thị trường trong nước và quốc tế, Việt Nam cần dựa chủ yếu vào các nguồn lực trong nước, kết hợp với xu thế phát triển của thế giới, trên cơ sở đó, mở rộng qui mô và tăng xuất khẩu. Điều cơ bản là làm thế nào khai thác được tối đa nguồn lực bên trong và những lợi thế so sánh có được trong phân công lao động quốc tế để đẩy mạnh xuất khẩu. Đó chính là việc xác định sản phẩm chủ lực và cơ cấu hàng hóa xuất khẩu hợp lý trong điều kiện phát triển cụ thể của đất nước và bối cảnh kinh tế quốc tế trong từng thời kì, bên cạnh đó xác định đối tác, thị trường trọng điểm và cơ cấu thị trường phù hợp. Những vấn đề này có ý nghĩa rất to lớn đối với sự phát triển kinh tế quốc gia và quan hệ kinh tế quốc tế.

Trong quá trình tìm tòi tài liệu cho khoá luận này, em đã quyết định chọn đề tài: “Lựa chọn sản phẩm và thị trường xuất khẩu của Việt Nam – Thực trạng và giải pháp” cho khóa luận tốt nghiệp của mình.

2. Mục tiêu nghiên cứu

Mục tiêu nghiên cứu của khóa luận là phân tích, làm rõ thực trạng lựa chọn sản phẩm và thị trường xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian vừa qua dựa trên những lợi thế cạnh tranh của đất nước kết hợp với xu thế phát triển của thế giới; trên cơ sở đó đưa ra một số giải pháp và định hướng cho việc lựa chọn sản phẩm và thị trường xuất khẩu, góp phần đưa hoạt động xuất khẩu của Việt Nam phát triển mạnh và hiệu quả hơn nữa, xứng đáng với vai trò đầu tàu của nền kinh tế quốc dân trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.‌

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 114 trang tài liệu này.

- Đối tượng nghiên cứu là những vấn đề trong nước và thế giới liên quan đến việc xác định sản phẩm và cơ cấu hàng hóa xuất khẩu, thị trường và cơ cấu thị trường xuất khẩu của Việt Nam qua các thời kì.

- Phạm vi nghiên cứu của đề tài là tập trung vào vấn đề sản phẩm và thị trường xuất khẩu của Việt Nam trên cơ sở phân tích chung và đi vào một số sản phẩm và thị trường cụ thể. Thời gian nghiên cứu của đề tài là giai đoạn từ 1986 – 2009.

Lựa chọn sản phẩm và thị trường xuất khẩu của Việt Nam - thực trạng và giải pháp - 2

4. Phương pháp nghiên cứu

Trong khóa luận đã sử dụng các phương pháp nghiên cứu sau:

- Phương pháp phân tích và tổng hợp

- Phương pháp thống kê

- Phương pháp khái quát

- Phương pháp so sánh

- Phương pháp luận giải

5. Kết cấu khóa luận

Ngoài phần mở đầu và kết luận, danh mục bảng biểu, danh mục tài liệu tham khảo, khóa luận được chia làm 3 chương:

Chương 1: Một số vấn đề chung về việc lựa chọn sản phẩm và thị trường xuất khẩu

Chương 2: Thực trạng của việc lựa chọn sản phẩm và thị trường xuất khẩu của Việt Nam

Chương 3: Định hướng và giải pháp cho việc lựa chọn sản phẩm và thị trường xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới

Những nội dung đề cập trong luận văn này chắc chắn sẽ chưa đầy đủ và nhiều vấn đề còn cần tiếp tục bổ sung và hoàn chỉnh. Mặc dù đã hết sức cố gắng và nỗ lực trong việc tìm tòi, nghiên cứu song do những hạn chế về thời gian, trình độ và kiến thức còn hạn chế, cũng như những vấn đề liên quan đến công tác xuất khẩu là rất rộng lớn nên khóa luận của em sẽ không thể tránh khỏi những thiếu sót. Em rất mong nhận được những ý kiến đóng góp quý báu từ phía các thầy cô để hoàn thiện hơn đề tài này.

Em cũng xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành và sâu sắc đến giáo viên hướng dẫn của em, Thạc sĩ Vũ Huyền Phương đã tận tình hướng dẫn và chỉ bảo giúp em hoàn thành khóa luận này.


Sinh viên: Nguyễn Thị Hoài

CHƯƠNG 1: MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG VỀ VIỆC LỰA CHỌN SẢN PHẨM VÀ THỊ TRƯỜNG XUẤT KHẨU‌‌


I. Vai trò của việc lựa chọn sản phẩm và thị trường xuất khẩu

1. Một số nhận định chung về nền kinh tế trong nước và thế giới trong những năm gần đây

Trong những năm gần đây, tình hình thế giới và khu vực đang có những diễn biến hết sức phức tạp, có thể nói là có những thay đổi mang tính chất bước ngoặt. Khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đã và đang gây những ảnh hưởng nặng nề đến thương mại thế giới cũng như có những tác động sâu sắc đến mọi quốc gia. Siêu cường Mỹ đang dần suy yếu, trong khi đó Trung Quốc đang nỗ lực để đi nhanh hơn nữa trên con đường trở thành siêu cường. Tuy nhiên, nhìn chung tình hình kinh tế thế giới trong những năm vừa qua, chúng ta thấy một số chiều hướng chính sau:

1.1. Khoa học công nghệ đã và đang trở thành lực lượng sản xuất nòng cốt và trực tiếp của xã hội

Với cuộc cách mạng về khoa học công nghệ đang diễn ra mạnh mẽ trên phạm vi toàn thế giới như hiện nay, trên nhiều lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là kinh tế tri thức, khoa học công nghệ đã trở thành “lực lượng sản xuất trực tiếp”, trong đó tri thức và thông tin trở thành yếu tố quan trọng và nguồn tài nguyên đặc biệt, có giá trị cao. Các thành phố khoa học, công viên khoa học, khu công nghệ cao chính là môi trường với những điều kiện thuận lợi để cho khoa học, công nghệ và sản xuất nhập làm một. Trong các lĩnh vực công nghệ cao như công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, phòng thí nghiệm cũng chính là nhà máy, nhà khoa học đồng thời là nhà sản xuất, kinh doanh. Các loại dược phẩm mới, các vi mạch, các sản phẩm phần mềm tin học được sản xuất ra từ phòng thí nghiệm. Cùng một nơi, người ta nghiên cứu thực nghiệm rồi sản xuất đại trà, xưởng sản xuất cũng là một phòng thí nghiệm. Một phân xưởng sản xuất vi mạch điện tử có các trang thiết bị và điều kiện giống như một phòng thí nghiệm hiện đại nhất.

Các ngành kinh tế giàu chất xám phát triển mạnh, chu kì đổi mới về công nghệ và sản phẩm được rút ngắn, lợi thế so sánh của các quốc gia luôn thay đổi dẫn đến sự dịch chuyển thường xuyên hơn về cơ cấu kinh tế.

Bên cạnh đó, mức độ phổ cập mạnh mẽ của mạng Internet trong những năm gần đây đã khiến tỷ trọng của thương mại điện tử tăng nhanh và thông qua đó thay đổi một cách sâu sắc tư duy kinh doanh, chiến lược tiếp thị cũng như phương thức kinh doanh của mọi doanh nghiệp. Sự phát triển các giao dịch thương mại điện tử được thực hiện thông qua mạng Internet cho phép hạ thấp các hàng rào chắn và chi phí đi vào thị trường. Kết quả là từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ đến các công ty xuyên quốc gia đều có thể tham gia thị trường toàn cầu.

Như vậy, có thể nói, sự tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại đã tạo ra sự phát triển nhảy vọt của lực lượng sản xuất, rút ngắn thời gian, giảm dần ý nghĩa khoảng cách không gian, thúc đẩy phân công quốc tế ngày càng sâu rộng, phát triển nhanh chóng mậu dịch quốc tế, đầu tư và tích tụ tập trung tư bản trên toàn cầu dẫn đến hình thành nền kinh tế thế giới nhất thể hóa, toàn cầu hóa hiện nay. Các quốc gia tham gia ngày càng nhiều vào quá trình hợp tác và liên kết khu vực, liên kết quốc tế về kinh tế, thương mại và nhiều lĩnh vực khác. Tình hình đó đã tạo nên thời cơ thuận lợi để các nước có điều kiện phát triển, sự hợp tác giữa các nước ngày càng tăng nhưng cạnh tranh cũng trở nên gay gắt.

1.2. Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đang là xu thế chung của thế giới, đã và sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ, lôi cuốn hầu hết các nước và mở rộng trên hầu khắp các lĩnh vực giao lưu kinh tế

Toàn cầu hóa đã trở thành một xu thế lớn của kinh tế thế giới và quan hệ kinh tế quốc tế từ vài thập niên trở lại đây. Nó là một xu thế khách quan, có những tác động sâu sắc và toàn diện tới các nước và toàn bộ quan hệ quốc tế. Với việc xóa bỏ các rào cản đối với sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, vốn, công nghệ và nhân công giữa các nước, toàn cầu hóa đã giúp hình thành những thị trường khu vực chung và tiến tới hình thành một thị trường thống nhất trên toàn cầu.

Toàn cầu hóa kinh tế tạo điều kiện cho các quốc gia tận dụng được lợi thế so sánh của mình, tăng trưởng kinh tế ổn định và bền vững hơn, nguồn lực được phân bổ một cách hiệu quả hơn.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế như vậy, hội nhập kinh tế quốc tế là con đường đi phù hợp với xu thế toàn cầu hóa của tất cả các nước, cho phép các nước tận dụng được các cơ hội và điều kiện thuận lợi mà quá trình toàn cầu hóa tạo ra để phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, toàn cầu hóa cũng gây ra nhiều khó khăn, thách thức lớn cho tất cả các nước, nhất là các nước đang phát triển, đó chính là sức ép cạnh tranh và sức ép chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong thời gian ngắn.

Trong xu thế chung đó, Việt Nam cũng đã có những bước phát triển hội nhập rất mạnh mẽ với nền kinh tế thế giới. Việc Việt Nam trở thành thành viên chính thức của khối ASEAN năm 1995, APEC năm 1998 và gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới WTO năm 2006, cũng như hàng loạt các sự kiện về tự do hóa thương mại khác đã tạo ảnh hưởng sâu sắc đến nền kinh tế nước ta nói chung cũng như hoạt động xuất nhập khẩu nói riêng. Điều đó đã tạo ra nhiều cơ hội lớn hơn cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập thị trường nước ngoài, tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có rất nhiều những thách thức mà chúng ta phải vượt qua.

1.3. Phân công lao động quốc tế ngày càng đi vào chiều sâu do có sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và hệ thống công ty đa quốc gia

Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ đã làm cho phân công lao động quốc tế trở nên sâu sắc và rộng khắp toàn cầu. Trong thời đại kinh tế tri thức, thay vì đất, đai, tài nguyên, vốn trước đây, tri thức ngày càng làm nên giá trị áp đảo trong mỗi sản phẩm. Các nước có thế mạnh về khoa học, công nghệ ra sức đầu tư, phát triển những ngành kinh tế dựa trên tri thức. Khác biệt về điều kiện tự nhiên không còn đóng vai trò quyết định trong phân công lao động quốc tế nữa, thay vào đó khả năng về công nghệ đang dần trở thành yếu tố quan trọng.

Bên cạnh xu thế trên của phân công lao động quốc tế, sự phân công chuyên sâu trong hợp tác quốc tế cũng được tăng cường theo hướng ngày càng xuất hiện nhiều hơn các công ty đa quốc gia. Với tư cách là những thực thể chính trị và kinh

tế mạnh nhất toàn cầu ngày nay, các công ty đa quốc gia đã thiết lập hệ thống các chi nhánh trải rộng trên thế giới phụ thuộc vào công ty mẹ dẫn đến việc lôi cuốn các nước có chi nhánh phải tham gia vào vòng chu chuyển của tư bản xuyên quốc gia. Hoạt động cùng một lúc trên phạm vi nhiều nước trên thế giới, các công ty xuyên quốc gia có vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu. Với mục tiêu đạt được lợi nhuận siêu ngạch, các công ty xuyên quốc gia luôn tập trung phát triển khoa học và công nghệ, tiếp tục mở rộng kinh doanh trên phạm vi toàn cầu để triệt để khai thác các cơ hội đầu tư. Dòng vốn đầu tư trực tiếp (FDI – Foreign Direct Investment) ngày càng đổ về những nước có nguồn nhân lực với lợi thế về trí tuệ và tay nghề cao. Các công ty xuyên quốc gia đã có vai trò thúc đẩy sự phồn thịnh đến một mức độ nhất định ở các nước đang phát triển, nhưng sau đó bằng việc bòn rút lợi nhuận đã làm cạn kiệt nhanh chóng nguồn tài nguyên và ô nhiễm nghiêm trọng môi trường sinh thái ở những nước này.

1.4. Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới diễn ra vào những năm 2008, 2009 đã gây ra những tác động sâu sắc đến hầu hết mọi quốc gia

Bắt nguồn từ khủng hoảng tài chính ở Mỹ cuối năm 2007, cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu này được đánh giá là trầm trọng nhất kể từ tám mươi năm qua. Cuộc khủng hoảng này đã và đang có những tác động mạnh mẽ, lâu dài đến tình hình kinh tế, chính trị thế giới. Viện quốc gia nghiên cứu kinh tế và xã hội (NIESR - National Institute Economic Review) của Anh cho rằng với giao dịch buôn bán toàn cầu dự kiến giảm 8,2% trong năm 2009, kinh tế toàn cầu có thể phải chứng kiến sự sụt giảm tồi tệ nhất trong hơn 60 năm qua (Nguyễn Thị Bình, 2009). Xu hướng sụt giảm kinh tế ở Mỹ, khu vực châu Âu và Nhật Bản có thể kéo dài, thời gian có thể đến hàng năm. Chưa có dấu hiệu nào cho thấy kinh tế thế giới sẽ sớm trở lại với tăng trưởng, và khi trở lại, tốc độ tăng trưởng của kinh tế toàn cầu chắc chắn trong một thời gian không ngắn sẽ thấp hơn so với trước khi khủng hoảng xảy ra.

Với cuộc khủng hoảng lần này, quá trình cơ cấu lại nền kinh tế toàn cầu có thể sẽ phải diễn ra. Ðó có thể là quá trình cơ cấu lại nền sản xuất theo hướng tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường do đi đôi với khủng hoảng kinh tế là khủng hoảng năng lượng và khủng hoảng khí hậu, môi trường. Ðó là quá trình cơ cấu lại

hệ thống tài chính tiền tệ song song với quá trình cơ cấu lại cơ chế quản lý, giám sát trong từng quốc gia và trên toàn cầu. Ðó là việc điều chỉnh lại mối tương quan giữa chính sách hướng mạnh ra xuất khẩu và chính sách coi trọng thị trường nội địa bởi do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng vừa qua, những nước gắn quá sâu với xuất khẩu đều chịu tác động mạnh.

Cuộc khủng hoảng cũng sẽ dẫn đến những điều chỉnh về cán cân quyền lực trên bàn cờ chính trị thế giới: Mỹ sẽ phải tính đến việc giảm bớt sự bành trướng về chính trị, điều chỉnh quan hệ đối ngoại theo hướng tăng tính đa phương, giảm đối đầu trực tiếp hơn; vai trò của Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi sẽ gia tăng. Cuộc đấu tranh về lợi ích giữa các nước lớn sẽ dẫn đến một số điều chỉnh lợi ích nhất định tại các thiết chế tài chính, tiền tệ quốc tế. Tuy nhiên, do sự ràng buộc về lợi ích, các nước lớn vẫn sẽ thỏa hiệp để tiếp tục duy trì cục diện chung với vai trò chính của Mỹ trên quy mô toàn cầu.

Là một bộ phận cấu thành của nền kinh tế thế giới, nền kinh tế nước ta đã hội nhập khá sâu với nền kinh tế toàn cầu, chính vì vậy, khủng hoảng kinh tế thế giới cũng đã gây những ảnh hưởng trực tiếp và sâu rộng đến Việt Nam. Tác động của cuộc khủng hoảng đối với Việt Nam, tuy có chậm hơn một số nước do một số lý do nêu trên, nhưng cũng rất lớn và khá rộng, ảnh hưởng trước hết đến xuất khẩu, thương mại, các nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI – Foreign Direct Investment), viện trợ phát triển chính thức (ODA - Official development assistance), vấn đề thất nghiệp...

Tóm lại, thương mại thế giới đã phải chịu những ảnh hưởng hết sức nặng nền trước cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu. Kinh tế thế giới có thể sẽ phục hồi tuy nhiên thương mại thế giới nói chung và xuất khẩu của nước ta nói riêng sẽ khó lấy lại được sự phát triền năng động như thời kì trước đó.

2. Vai trò của việc lựa chọn sản phẩm và thị trường xuất khẩu

2.1. Sự cần thiết phải lựa chọn sản phẩm và thị trường xuất khẩu

Trước bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến bất lợi như hiện nay, lợi thế so sánh của các nước có những thay đổi cơ bản. Trên phạm vi toàn cầu, lợi thế phát triển chủ yếu của thế giới là trí tuệ và hàm lượng công nghệ cao chứ không phải là lao

Xem tất cả 114 trang.

Ngày đăng: 05/05/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí