Lựa chọn sản phẩm và thị trường xuất khẩu của Việt Nam - thực trạng và giải pháp - 13

1.4.3. Tập trung phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ

Cần tập trung phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ để tăng cường khả năng cụng ứng nguyên vật liệu, bán thành phẩm, phụ liệu đầu vào trong nước cho sản xuất hàng công nghiệp xuất khẩu và thúc đẩy mối quan hệ bổ trợ liên ngành giữa các ngành công nghiệp, tăng sự chủ động về nguyên vật liệu đầu vào nhằm giảm thiểu các tác động từ bên ngoài, giảm chi phí sản xuất và nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm xuất khẩu.

1.4.4. Thúc đẩy đầu tư đổi mới công nghệ

Cần đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ và các hệ thống quản lý như hệ thống quản lý chất lượng (ISO 9000), hệ thống quản lý môi trường (ISO 14000)…trong sản xuất kinh doanh để nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo dựng uy tín, thương hiệu, nhãn hiệu cho sản phẩm. Tiến hành đánh giá trình độ khoa học công nghệ của các ngành công nghiệp, nhất là các ngành công nghiệp có khả năng xuất khẩu cao, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao mặt bằng trình độ công nghệ chung của ngành.

Một phần vốn đầu tư cho khoa học công nghệ nên được dành để thành lập Ngân hàng dữ liệu nhằm cung cấp cho doanh nghiệp những thông tin cập nhật nhất về lĩnh vực công nghệ mà họ quan tâm. Tới đây nên tiến hành đầu tư một cách bài bản hơn cho lĩnh vực này, đồng thời tăng cường phổ biến đến các doanh nhân để họ biết và có điều kiện tham khảo dữ liệu trước khi ra quyết định đầu tư. Cần chú trọng tới việc thi hành nghiêm túc các quy định của pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; áp dụng chế độ đăng ký và kiểm tra chất lượng bắt buộc đối với một số mặt hàng xuất khẩu để thúc đẩy các doanh nghiệp quan tâm hơn nữa đến vấn đề công nghệ, đặc biệt là công nghệ sạch.

Đối với nông sản, chú trọng đầu tư đổi mới giống cây trồng, công nghệ từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, phù hợp với nhu cầu trên thị trường đi đôi với việc chú trọng đầu tư vào khâu sau thu hoạch mà hiện nay ta còn rất hạn chế.

Ngoài ra, Nhà nước cần đặc biệt quan tâm đầu tư trực tiếp cho hoạt động xuất khẩu như các cảng, kho tàng, kể cả kho ngoại quan, các trung tâm thương mại ở

nước ngoài, các hoạt động xúc tiến thương mại (tham gia triển lãm, hội chợ, cử đoàn đi nước ngoài tìm hiểu thị trường, tìm kiếm đối tác, thu thập và cung cấp thông tin, hướng dẫn các doanh nghiệp về luật lệ, tiêu chuẩn, mẫu mã thị trường đòi hỏi...); đặc biệt cần hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ không có khả năng về tài chính, nhân lực và thông tin; chú trọng đầu tư nguồn nhân lực, đặc biệt cán bộ quản lý.

1.5. Nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới và khu vực (như Nhật Bản, Singapore…) cho thấy công tác đào tạo là một trong những nhân tố quyết định thành công đối với sự phát triển của đất nước. Ngày này, nhân tố này lại càng có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh nền kinh tế tri thức đang hình thành và ảnh hưởng sâu rộng tới tư duy quản lý, tư duy kinh tế và phương thức sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, để việc lựa chọn sản phẩm và thị trường xuất khẩu mang lại hiệu quả rất cần tạo dựng được một đội ngũ cán bộ, doanh nhân có năng lực và một đội ngũ công nhân lành nghề tham gia công tác xuất nhập khẩu. Nhà nước cần nghiên cứu tổ chức những lớp đào tạo vào bồi dưỡng kĩ năng quản lý để hình thành dần đội ngũ doanh nhân có năng lực, có khả năng đánh giá tình hình, xử lý linh hoạt để có thể đưa ra các quyết định đúng đắn. Đồng thời, bên cạnh đó nhà nước cần có chính sách khuyến khích doanh nhân giỏi, đặc biệt là trong khu vực doanh nghiệp nhà nước.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 114 trang tài liệu này.

1.6. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu xuất khẩu hợp lý

Để có thể tìm kiếm các sản phẩm và thị trường xuất khẩu mới hiệu quả và bền vững thì việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng như cơ cấu xuất khẩu một cách hợp lý có ý nghĩa rất quan trọng.

Lựa chọn sản phẩm và thị trường xuất khẩu của Việt Nam - thực trạng và giải pháp - 13

Đối với cơ cấu kinh tế, nhằm phát huy tối đa những thế mạnh của đất nước cũng như thúc đẩy nền kinh tế phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần tiếp tục đầu tư phát triển các ngành công nghiệp, đặc biệt ngành công nghiệp nhẹ, công nghiệp chế tạo là những ngành không đòi hỏi nguồn vốn đầu tư quá lớn, có tốc độ phát triển nhanh, tận dụng được những thế mạnh của Việt Nam. Đồng thời cần nâng dần tỷ trọng của ngành dịch vụ tương xứng với tiềm năng thực tế, đảm bảo

tốc độ tăng trưởng của ngành dịch vụ luôn bằng và cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế quốc dân. Giảm dần ở mức hợp lý tỷ trọng của ngành nông, lâm, thủy sản và ngành công nghiệp khai khoáng. Một cơ cấu kinh tế hợp lý như vậy sẽ tận dụng tối đa được những thế mạnh của đất nước, từ đó có thể phát triển các sản phẩm xuất khẩu mới phù hợp, lựa chọn được những sản phẩm xuất khẩu đạt được hiệu quả kinh tế cao nhất.

Đối với cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, cần tập trung chuyển dịch theo hướng chú trọng nâng cao chất lượng hàng nông sản, tăng hiệu quả và sức cạnh tranh, phù hợp với nhu cầu trên thị trường; Đối với hàng công nghiệp, cần khai thác tối đa năng lực sản xuất và xuất khẩu những sản phẩm đang có lợi thế cạnh tranh như hàng may mặc, giày dép, đồng thời tập trung ưu tiên phát triển các sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu lớn, có giá trị gia tăng cao như cơ khí chế tạo, thiết bị điện – điện tử, máy vi tính, phần mềm công nghệ thông tin, sản phẩm nhựa, sán phẩm gỗ, thực phẩm chế biến…để sớm hình thành những sản phẩm xuất khẩu chủ lực, mũi nhọn mới. Chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu hàng công nghiệp theo hướng gia tăng các sản phẩm chế biến, chế tạo, chú trọng các sản phẩm có hàm lượng công nghệ và tri thức cao. Như vậy, rõ ràng, xây dựng cơ cấu mặt hàng xuất khẩu hợp lý sẽ tạo điều kiện tốt hơn phát triển các mặt hàng xuất khẩu chủ lực đồng thời cũng dễ dàng hơn trong việc thâm nhập các thị trường trọng điểm cần hướng tới.

1.7. Chuyển dịch cơ cấu thị trường thích hợp

Yếu tố sống còn quyết định một loại hàng hóa có khả năng tồn tại và phát triển hay không đó là nó phải được thị trường chấp nhận. Vì vậy, vấn đề xây dựng cơ cấu thị trường hợp lý sẽ là một biện pháp quan trọng nhằm thúc đẩy việc lựa chọn các mặt hàng xuất khẩu sao cho đạt được hiệu quả kinh tế cao nhất. Mỗi loại thị trường đòi hỏi một loại mặt hàng nhất định, trái lại tùy theo khả năng sản xuất mà tìm thị trường để bán được nhiều hàng với giá cao nhất nhằm thu được lợi nhuận cao.

Trong giai đoạn tới, cần coi trọng các thị trương láng giềng và thị trường khu vực, trong đó chú ý tới thị trường Trung Quốc, thị trường các nước ASEAN vì đây là những thị trường có vị trí địa lý gần với Việt Nam, có quan hệ buôn bán lâu đời, có thị hiếu và phương thức tiêu dùng tương đối giống ta. Bên cạnh đó, cũng cần coi

trọng thị trường Nhật Bản, EU và Mỹ vì đây là những thị trường có tiềm năng to lớn cả về nhu cầu hàng tiêu dùng cao cấp, có trình độ khoa học công nghệ và trình độ quản lý cao, có nhiều điều kiện cho ta tranh thủ vốn, kĩ thuật, công nghệ và tri thức quản lý. Đây cũng là thị trường vừa tạo cơ hội, vừa đòi hỏi bức thiết để chúng ta đổi mới quản lý kinh tế, nâng cao trình độ kĩ thuật – công nghệ tùy theo nhu cầu và khả năng của mình.

Để đạt được cơ cấu thị trường này, cần có chính sách thích hợp để đưa hoạt động thương mại của nước ta tham gia tích cực vào thị trường thế giới.

2. Những giải pháp đối với doanh nghiệp

2.1. Tăng cường tiếp cận, phân tích thông tin

Trong việc lựa chọn sản phẩm và thị trường xuất khẩu, nhà nước đóng vai trò cung cấp thông tin thị trường và doanh nghiệp thế nhưng doanh nghiệp có tiếp nhận thông tin một cách đầy đủ và tích cực hay không cũng là một vấn đề rất đáng được quan tâm. Ngoài những thông tin được tiếp nhận từ nhà nước, thu thập thông tin từ bên ngoài cũng đóng vai trò rất lớn.

Việc thu thập và xử lý thông tin có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Thực trạng hiện nay cho thấy doanh nghiệp Việt Nam còn chưa nắm bắt kịp thời được những thay đổi trong chính sách của nhà nước, đồng thời còn thiếu thông tin chiều sâu về thị trường nước ngoài (hàng rào phi thuế, tiêu chuẩn kĩ thuật, kiểm dịch…). Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận với nhiều nguồn thông tin khác nhau, kể cả mạng tin của nước ngoài thì lại gặp vấn đề trong việc xử lý và nhận định thông tin. Chính vì thế, để có những chính sách lựa chọn sản phẩm và thị trường xuất khẩu hiệu quả, các doanh nghiệp cần tăng cường tiếp cận và phân tích thông tin. Có nhiều cách để tiếp xúc với thị trường nước ngoài như tổ chức đi nghiên cứu thị trường, tham gia triển lãm trong và ngoài nước, tham dự các hội thảo, chương trình đào tạo nước ngoài, qua đó tìm kiếm các cơ hội hợp tác và đầu tư, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, tiếp thị để kịp thời nắm bắt xu thế thị trường, bám sát các thay đổi trong sản xuất kinh doanh, chủ động đi tìm bạn hàng, thị trường, tự lo tổ chức sản xuất và xuất khẩu theo nhu cầu và thị hiếu của thị trường, tránh tư tưởng ỷ lại vào cơ quan nhà nước hoặc trông chờ

trợ cấp. Để những hoạt động này đem lại hiệu quả cao nhất thì doanh nghiệp phải có sự chuẩn bị hết sức chu đáo, kĩ lưỡng đối với từng hoạt động.

2.2. Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp

Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam, bên cạnh những lợi thế sẵn có như chi phí sản xuất tương đối thấp, khả năng linh hoạt cao do quy mô doanh nghiệp hầu hết là vừa và nhỏ cùng những kinh nghiệm về thị trường không ngừng được đúc rút trong quá trình phát triển thì còn có rất nhiều những hạn chế lớn, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường thế giới. Cụ thể, đó là những hạn chế về quy mô vốn thấp, trình độ công nghệ còn tương đối lạc hậu, nhận thức về tự do hóa thương mại, về các định chế pháp luật trong nước và quốc tế liên quan đến hoạt động xuất khẩu. Đặc biệt trong điều kiện Việt Nam gia nhập các tổ chức thương mại thế giới với những quy định ngặt nghèo trong quan hệ thương mại là những khó khăn rất lớn, khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam luôn ở thế thua thiệt trong quan hệ với các đối tác nước ngoài vốn nhiều kinh nghiệm và khả năng cạnh tranh là rất lớn. Tất cả những yếu tố này là lực cản rất lớn, kìm hãm khả năng cạnh tranh cũng như lựa chọn sản phẩm và thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam. Chính vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao năng lực cạnh tranh của mình để có thể thuận lợi hơn trong việc lựa chọn sản phẩm và thị trường xuất khẩu. Việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thực hiện theo các định hướng:

- Huy động vốn hợp lý nhằm nâng cao năng lực tài chính. Có như vậy tiềm lực của các doanh nghiệp mới được đảm bảo.

- Có chính sách đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ kĩ thuật linh hoạt, hợp lý, kết hợp tận dụng những công nghệ kĩ thuật sẵn có và chuyển giao những công nghệ kĩ thuật nguồn hiện đại, qua đó nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành sản xuất.

- Tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và các bộ, ngành liên quan tạo dựng cơ chế hỗ trợ hiệu quả, tạo nên sức mạnh tổng thể trong việc phát triển thị trường và mặt hàng xuất khẩu.

- Phối hợp với Bộ Thương Mại, các tham tán và đại diện ở nước ngoài để thu thập và xử lý những thông tin về thị trường và ngành hàng một cách hiệu quả.

2.3. Nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm

Nhìn chung, sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam còn có năng lực cạnh tranh khá hạn chế. Nguyên nhân của tình trạng này là do sự hạn chế về chất lượng, mẫu mã của sản phẩm; chưa xây dựng được thương hiệu riêng cho các sản phẩm của mình; chưa đảm bảo về chất lượng theo các tiêu chuẩn quốc tế…vì vậy sản phẩm của Việt Nam chưa thể thâm nhập sâu vào nhiều thị trường, đặc biệt là các thị trường lớn và khó tính như Nhật Bản, EU, Hoa Kỳ…

Trong thời gian tới, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc lựa chọn sản phẩm và thị trường xuất khẩu, việc nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm xuất khẩu là vô cùng cần thiết và cần dựa trên những định hướng sau:

- Tăng cường đầu tư nghiên cứu xây dựng mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm có tính cạnh tranh, phù hợp với thị trường mục tiêu trên cơ sở nghiên cứu kĩ lưỡng về thị trường và thị hiếu nhu cầu của người tiêu dùng trên thị trường đó.

- Hoàn thiện hệ thống sả xuất và kinh doanh nhằm giảm thiểu tối đa những chi phí không cần thiết, có như vậy giá thành các sản phẩm của Việt Nam mới có thể có sức cạnh tranh cao hơn trên thị trường thế giới.

- Đầu tư nâng cao hệ thống quản lý chất lượng theo hướng phấn đấu đạt được những chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng quốc tế tạo sự đảm bảo về chất lượng cho các sản phẩm của mình.

- Có chính sách xây dựng và phát triển thương hiệu riêng, tránh tình trạng thụ động, chỉ thực hiện gia công các sản phẩm của nước ngoài.

2.4. Đa dạng hóa chủng loại sản phẩm

Các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu bên cạnh chiến lược đầu tư có trọng điểm, ưu tiên các sản phẩm có khối lượng và kim ngạch xuất khẩu lớn cần chú ý đa dạng hóa sản phẩm để tránh tình trạng lệ thuộc vào một số lượng nghèo nàn các mặt hàng. Việc đa dạng hóa chủng loại sản phẩm sẽ khiến các doanh nghiệp có nhiều

lựa chọn cho sản phẩm xuất khẩu để đạt hiệu quả kinh tế cao hơn, cũng như việc có nhiều sản phẩm thì sẽ dễ dàng thâm nhập vào nhiều thị trường hơn do đáp ứng được nhu cầu đa dạng của các thị trường.

2.5. Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ

Trong điều kiện hội nhập, nhân tố con người đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong việc phát triển của doanh nghiệp. Để có thể có những chính sách lựa chọn sản phẩm và thị trường đúng đắn, việc nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ có vai trò hết sức quan trọng. Chính vì vậy, để đáp ứng yêu cầu trong điều kiện mới, các doanh nghiệp cần có kế hoạch đào tạo cán bộ hợp lý nhằm nâng cao kiến thức cho công nhân và cán bộ, đào tạo những cán bộ có năng lực và khả năng thành thạo về ngoài ngữ và tin học, có khả năng độc lập trong công việc, bên cạnh đó cần am hiểu về luật pháp trong ngoại thương, đặc biệt là các quy định quốc tế cũng như pháp luật nhà nước. Đây là một yêu cầu bức thiết được đặt ra để các doanh nghiệp Việt Nam có thể đứng vững hơn trên thương trường quốc tế.

KẾT LUẬN


Cùng với những biến đổi mạnh mẽ của nền kinh tế thế giới, Việt Nam cũng đã và đang có những bước chuyển mình đầy ấn tượng. Nhận thức được tầm quan trọng của ngoại thương của mình trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Việt Nam đã có được sự đầu tư đúng hướng trong việc lựa chọn sản phẩm và thị trường xuất khẩu, thể hiện bằng những kết quả rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, rất nhiều những hạn chế vẫn còn tồn tại. Chúng ta vẫn chưa thực sự tận dụng được những lợi thế vốn có của đất nước và những cơ hội mới trong quá trình hội nhập, vẫn chỉ xuất khẩu những gì ta có, vì vậy, không thể theo kịp những thay đổi của thị trường thế giới, xa rời thị trường và luôn bị động trước những biến động bên ngoài, không làm chủ được tình hình.

Trong điều kiện mới, với bầu không khí hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra khắp nơi, đặc biệt là sau sự kiện Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương Mại thế giới WTO, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để phát triển lên một tầm cao mới. Chính vì vậy, để việc lựa chọn sản phẩm và thị trường xuất khẩu diễn ra thực sự hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế đất nước, cần phải có sự nghiên cứu một cách hệ thống và đồng bộ sao cho tận dụng triệt để các lợi thế của đất nước cùng những cơ hội mới mang lại. Sự nghiên cứu này cần gắn liền với sự biến động của nền kinh tế thế giới, tham khảo kinh nghiệm quốc tế đồng thời cần được kiểm nghiệm trong thực tiễn. Có như vậy, kinh tế Việt Nam nói chung và hoạt động ngoại thương nói riêng mới có thể có những bước phát triển mạnh mẽ, sánh vai với các cường quốc năm châu trên thế giới.

Với mong muốn góp một phần nhỏ vào sự phát triển của ngoại thương Việt Nam nói riêng và nền kinh tế quốc dân nói chung, em đã thực hiện khóa luận này. Hi vọng đề tài nghiên cứu của em sẽ có những đóng góp tích cực trong việc phân tích thực trạng cũng như đề ra các giải pháp thiết thực nâng cao hiệu quả của việc lựa chọn sản phẩm và thị trường xuất khẩu của đất nước. Kính mong nhận được sự góp ý thẳng thắn, tích cực của các thầy cô giáo và bạn bè.

Em xin chân thành cảm ơn!

Xem tất cả 114 trang.

Ngày đăng: 05/05/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí