Kĩ năng giao tiếp của trẻ tự kỷ - 2

MỞ ĐẦU

1. Lí do chọn đề tài

Rối loạn tự kỷ (Autism Spectrum Disorders – ASD) ở trẻ em thể hiện bằng sự sút kém nghiêm trọng và lan tỏa các chức năng tâm thần trên các phương diện: tương tác xã hội kém phát triển nghiêm trọng, ngôn ngữ phát triển chậm và lệch lạc bất thường, hành vi và ứng xử nghèo nàn, định hình, lặp đi lặp lại. Những rối loạn này làm cho trẻ không có khả năng hòa nhập cộng đồng. Điều đó cho thấy mức độ ảnh hưởng của hội chứng này tới trẻ về mặt thể chất và tinh thần là rất đáng ngại. Trong đó, khó khăn trong giao tiếp là vấn đề đầu tiên chúng ta cần quan tâm tới.

Giao tiếp là một trong những yếu tố giúp con người tham gia các mối quan hệ xã hội và tạo nên bản chất của con người. Giao tiếp là một trong những phương thức tồn tại và phát triển cá nhân và xã hội, con người còn sống thì còn hoạt động và giao tiếp. Giao tiếp là cơ sở đầu tiên, là viên gạch nền tảng của mọi nhận thức và định hướng cho việc hình thành nhân cách của trẻ em. Các em giao tiếp để tìm hiểu về thế giới xung quanh, thể hiện yêu cầu, đòi hỏi, tham gia vào các hoạt động học tập, vui chơi…

Những trẻ mắc hội chứng tự kỷ khó khăn cả về giao tiếp ngôn ngữ và phi ngôn ngữ. Kĩ năng giao tiếp của các em cũng bị hạn chế. Các em khó khăn trong việc hiểu lời nói của người khác, trong việc diễn đạt các câu nói một cách mạch lạc, đôi khi chưa rõ ý, nếu có diễn đạt được thì giọng nói của các em không có âm điệu, không nhấn giọng. Đặc biệt các em khó khăn trong việc giao tiếp bằng mắt, cử chỉ, điệu bộ hay kém khả năng biểu cảm ngôn ngữ cơ thể làm cho những trẻ này không cảm nhận được người khác đang nghĩ gì về mình, hài lòng hay không hài lòng và người khác cũng cảm thấy khó hiểu với chúng. Những khó khăn đó đã gây trở ngại rất lớn trong việc kết bạn, tham gia vào các hoạt động vui chơi, các quan hệ xã hội. Thêm vào đó, những người xung quanh không hiểu những khó khăn đó, không cảm thông với trẻ,

kì thị, xa lánh,… khiến cho trẻ ngày càng mặc cảm, tự ti, thiếu niềm tin vào người khác,…. Từ đó, trẻ dần rút vào “vỏ tự kỷ”, thích sự cô lập, tránh giao tiếp với các bạn. Điều này khiến cho quá trình giao tiếp của trẻ vốn khó khăn lại càng khó khăn hơn. Tuy nhiên, nếu chúng ta hiểu những khó khăn đó và tạo ra được một môi trường giao tiếp thân thiện, tích cực để hỗ trợ trẻ khắc phục những khó khăn trên thì trẻ sẽ dễ dàng hòa nhập cộng đồng hơn.

Ở Việt Nam hiện nay, các công trình nghiên cứu về giao tiếp của trẻ tự kỷ còn rất ít. Chính vì những lý do nêu trên tôi quyết định chọn đề tài: “Kĩ năng giao tiếp của trẻ tự kỷ” để làm luận văn tốt nghiệp cho mình. Từ đó nhằm giúp chúng ta có cái nhìn cụ thể hơn về giao tiếp của những trẻ không may mắc phải hội chứng tự kỷ.

2. Mục đích nghiên cứu

Nghiên cứu lý luận, làm rõ thực trạng mức độ kĩ năng giao tiếp của trẻ tự kỷ và các yếu tố ảnh hưởng đến kĩ năng giao tiếp của trẻ tự kỷ. Trên cơ sở đó đề xuất một số biện pháp tâm lí giáo dục nhằm phát triển kĩ năng giao tiếp cho trẻ tự kỷ.

3. Đối tượng nghiên cứu

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 127 trang tài liệu này.

Mức độ kĩ năng giao tiếp và các yếu tố ảnh hưởng tới kĩ năng giao tiếp của trẻ tự kỷ.

4. Nhiệm vụ nghiên cứu

Kĩ năng giao tiếp của trẻ tự kỷ - 2

6.1. Xác định cơ sở lý luận nghiên cứu về kĩ năng giao tiếp của trẻ tự kỷ.

6.2. Nghiên cứu thực trạng mức độ kĩ năng giao tiếp của trẻ tự kỷ và các yếu tố ảnh hưởng đến kĩ năng giao tiếp của trẻ tự kỷ.

6.3. Đề xuất một số biện pháp tâm lý – giáo dục nhằm phát triển kĩ năng giao tiếp cho trẻ tự kỷ.

5. Khách thể nghiên cứu

Chúng tôi tiến hành khảo sát khách thể bao gồm 88 trẻ tự kỷ, 40 giáo viên dạy trẻ tự kỷ và 20 phụ huynh có con bị tự kỷ tại hai trung tâm Albert Einstein và Happy House – Thành phố Hà Nội.

6. Giả thuyết nghiên cứu

Kĩ năng giao tiếp của trẻ tự kỷ bao gồm các nhóm kĩ năng: Kĩ năng tập trung chú ý, kĩ năng bắt chước, kĩ năng luân phiên, kĩ năng hiểu ngôn ngữ và kĩ năng sử dụng ngôn ngữ. Các nhóm kĩ năng này của trẻ còn nhiều hạn chế. Có nhiều yếu tố chủ quan, khách quan ảnh hưởng tới kĩ năng giao tiếp của trẻ tự kỷ. Song yếu tố sự hiểu biết của cha mẹ về tự kỷ cũng như trình độ học vấn, phương pháp can thiệp của giáo viên có ảnh hưởng nhiều nhất tới kĩ năng giao tiếp của trẻ tự kỷ.

7. Giới hạn phạm vi nghiên cứu

- Giới hạn về địa bàn nghiên cứu:

Nghiên cứu tại thành phố Hà Nội.

- Giới hạn về khách thể nghiên cứu:

+ Nghiên cứu 88 trẻ tự kỷ (độ tuổi từ 4 đến 12 tuổi) đang theo học tại cơ sở trị liệu trẻ tự kỷ Albert Einstein – quận Hoàng Mai – Hà Nội và trung tâm Happy House – quận Đống Đa – Hà Nội. Tất cả các trẻ này đều có thời gian trị liệu từ 1 đến 5 năm tại trung tâm.

+ 40 giáo viên dạy trẻ tự kỷ tại hai cơ sở Albert Einstein và Happy House.

+ 20 phụ huynh có con bị tự kỷ đang theo học tại hai cơ sở Albert Einstein và Happy House.

- Giới hạn về nội dung nghiên cứu:

Trong đề tài này chúng tôi chỉ tập trung nghiên cứu một số nhóm kĩ năng giao tiếp cơ bản của trẻ tự kỷ như: Kĩ năng tập trung chú ý; Kĩ năng bắt chước; Kĩ năng luân phiên; Kĩ năng hiểu ngôn ngữ; Kĩ năng sử dụng ngôn ngữ, và một số yếu tố chủ quan và khách quan ảnh hưởng tới kĩ năng giao tiếp của trẻ tự kỷ.

8. Phương pháp nghiên cứu

- Phương pháp nghiên cứu tài liệu, văn bản.

- Phương pháp quan sát.

- Phương pháp điều tra bằng bảng hỏi.

- Phương pháp phỏng vấn sâu.

- Phương pháp thống kê toán học.

9. Cấu trúc của luận văn

Ngoài phần mục lục, tài liệu tham khảo và phụ lục thì luận văn gồm có ba phần:

- Phần mở đầu

- Phần nội dung: Gồm 3 chương, cụ thể:

+ Chương 1: Cơ sở lý luận về kĩ năng giao tiếp của trẻ tự kỷ

+ Chương 2: Tổ chức và phương pháp nghiên cứu

+ Chương 3: Kết quả nghiên cứu thực tiễn về kĩ năng giao tiếp của trẻ tự kỷ

- Phần kết luận và kiến nghị

Chương 1

CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ KĨ NĂNG GIAO TIẾP CỦA TRẺ TỰ KỶ

1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu về kĩ năng giao tiếp của trẻ tự kỷ

1.1.1. Các nghiên cứu trên thế giới về trẻ tự kỷ và kĩ năng giao tiếp của trẻ tự kỷ

Xung quanh vấn đề về tự kỷ đã có nhiều công trình khoa học nghiên cứu để chỉ ra những biểu hiện, bản chất, nguyên nhân… của hội chứng này. Tuy nhiên, để xác định các kĩ năng giao tiếp của trẻ tự kỷ thì các nghiên cứu còn quá ít và chưa mang tính hệ thống. Song các tác giả trong và ngoài nước cũng đã nêu ra một vài quan điểm, đánh giá có liên quan đến vấn đề kĩ năng giao tiếp của trẻ tự kỷ.

Những nghiên cứu trên thế giới về trẻ tự kỷ:

Jean Marc Itard (1774 – 1838) đã tiếp nhận một cậu bé “hoang dã” tên là Victor. Những mô tả cho thấy, cậu bé không có khả năng hiểu và biểu đạt ngôn ngữ, không có khả năng giao tiếp hoặc nhận thức, cách ứng xử xa lạ với cuộc sống của xã hội loài người. Victor bị mất khả năng giao tiếp về mặt xã hội và không có khả năng nhận thức như trẻ bình thường. Ngày nay, người ta cho rằng Victor chính là trẻ tự kỷ. Để khắc phục tình trạng này Itard đã nghĩ rằng giáo dục trẻ tự kỷ khác với những trẻ khác [Dẫn theo 7].

Thuật ngữ Autism được bác sỹ tâm thần người Thuỵ Sỹ Engen Bleuler (1857 – 1940) đưa ra năm 1919 để mô tả giai đoạn bắt đầu của rối loạn thần kinh ở người lớn, đây là hiện tượng mất nhận thức thực tế của người bệnh khi cách ly với đời sống thực tại hằng ngày và nhận thức của người bệnh có xu hướng không thống nhất với kinh nghiệm thông thường của họ [Dẫn theo 7].

Cho đến năm 1943 bác sỹ tâm thần người Mỹ là Leo Kanner mô tả trong một bài báo với nhan đề “Autism Disturbance of Effective Contract”. Ông cho rằng trẻ tự kỷ là trẻ thiếu quan hệ tiếp xúc về mặt tình cảm với người khác; cách thể hiện các thói quen hằng ngày rất giống nhau, tỉ mỉ và có tính rập khuôn; không có ngôn ngữ nói hoặc ngôn ngữ nói thể hiện sự bất thường

rõ rệt (nói nhại lời, nói lí nhí, không nhìn vào mắt khi giao tiếp); rất thích xoay tròn các đồ vật và thao tác rất khéo; có khả năng cao trong quan sát không gian và trí nhớ “như con vẹt”; khó khăn trong học tập ở những lĩnh vực khác nhau; thích độc thoại trong thế giới riêng của mình, khó khăn trong việc thực hiện các trò chơi đóng vai theo chủ đề như cho búp bê ăn, nói chuyện điện thoại, bác sỹ tiêm bệnh nhân; chỉ hiểu nghĩa đen của câu nói, thích tiếng động và vận động lặp đi lặp lại đơn điệu: giới hạn đa dạng các hoạt động tự phát, mặc dù vẻ bề ngoài nhanh nhẹn, thông minh. Kanner nhấn mạnh triệu chứng tự kỷ có thể phát hiện được ngay khi trẻ ra đời hoặc trong khoảng 30 tháng đầu. Công trình khoa học của Kanner đã đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử giáo dục trẻ tự kỷ, ngày nay là cơ sở của nhiều công trình nghiên cứu tại nhiều nước thế giới [Dẫn theo 7].

Công trình nghiên cứu của Bruno Bettlheim lại cho rằng, trẻ bị tự kỷ là do người mẹ bỏ mặc, vì người mẹ có học cao nên thiên về ứng xử lý trí hơn là tình cảm, sống lạnh lùng, không yêu con. Do cách sống thờ ơ đó nên những đứa con phản ứng lại bằng cách không muốn gần mẹ, không muốn ôm, hôn mẹ, không muốn nhìn vào mắt mẹ và không nói, đồng thời trẻ cũng ứng xử như vậy với người khác.

M. Mahler cho rằng tự kỷ là biểu hiện không bình thường xuất phát từ mối quan hệ mẹ con. Đứa trẻ mới sinh ra có mối quan hệ cộng sinh hòa mình với người mẹ, đây là giai đoạn tự kỷ bình thường, sau đó đến giai đoạn chia cách cá nhân hóa (nảy sinh tâm lý cá nhân). Có một số rối loạn trong quá trình này, một điều gì đó không ổn trong giai đoạn tách mẹ và cá nhân hóa. Cơ chế tự kỷ gắn với sự mất khía cạnh hoạt hóa, mất sự phân biệt với cơ thể người mẹ, nên đứa trẻ không có sức sống, mất ham muốn về xã hội. Chức năng của trẻ tự kỷ mang ý nghĩa là thái độ phòng vệ cơ bản của đứa trẻ, không thể xây dựng được định hướng đối với người mẹ. Đứa trẻ dính chặt vào người lớn và

dùng họ như một bộ phận để kéo dài cơ thể nó. Đây là cách đứa trẻ gạt ra quyền năng của người mẹ trong giai đoạn đầu tiên.

Nghiên cứu của Robert Rosine Le Eost cho rằng, trẻ tự kỷ dạy cho chúng ta một điều gì đó mà ta cần nghe. Thế giới của nó là thế giới tự phá hoại mình, nó chối bỏ thế giới xung quanh và tất cả mọi người làm xuất hiện hiện thực đối với nó như là một đồ vật. Trước gương nó cảm thấy một cái gì đó rất khủng khiếp. Trẻ tự kỷ sống trong môi trường ngôn ngữ nhưng không có lời riêng của nó, lời nói chỉ là sự kết nối máy móc, sự lặp lại mà nó không thể hiểu. Trẻ tự kỷ tách biệt với người khác, không có nhu cầu giao tiếp với người khác và luôn cảm thấy mình như bị nuốt chửng trong ham muốn của mọi người.

Cũng từ những năm 60 của thế kỷ XX, những hiểu biết về tự kỷ đã có những thay đổi hết sức lớn lao. Đặc biệt, nghiên cứu của Michael Rutter đã chỉ ra rằng cách chăm sóc, giáo dục của cha mẹ không phải là nguyên nhân chính dẫn đến việc trẻ bị tự kỷ [Dẫn theo 44, 45].

Trong những năm 70 và 80 của thế kỷ XX, người ta bắt đầu xem xét đến khái niệm phổ tự kỷ. Trong cuốn sách “The Autistic Spectrum” (Hiện tượng Tự kỷ), Lorna Wing (1978) đã tìm ra những dấu hiệu rối loạn tự kỷ liên quan đến nhân vật “Sư huynh Juniper”. Theo nhận định của bà, người này có những dấu hiệu tự kỷ như: không muốn giao tiếp, tiếp xúc; thờ ơ với mọi người xung quanh, thích những hoạt động nhàm chán lặp đi, lặp lại; không hiểu và đáp lại những tình cảm của người khác. Tuy chưa khẳng định một cách chắc chắn Juniper có bị tự kỷ hay không, nhưng theo mô tả của Lorna Wing cho thấy một số biểu hiện mà ngày nay chúng ta thường gặp ở trẻ tự kỷ.

Các công trình nghiên cứu trên mới chỉ chủ yếu đề cập đến vấn đề giao tiếp của trẻ nói chung và trẻ tự kỷ nói riêng mà không phải trực tiếp chỉ ra các vấn đề về kĩ năng giao tiếp của trẻ tự kỷ, nhưng tôi thấy đó là cơ sở cho các công trình sau này nghiên cứu về vấn đề kĩ năng giao tiếp của trẻ tự kỷ.

Những nghiên cứu về kĩ năng giao tiếp của trẻ tự kỷ:

Các tác giả Tara Winterton, David Warden, Rae Pica quan tâm đến vấn đề hình thành kĩ năng giao tiếp cho trẻ nhỏ. Họ đã chỉ ra những yếu tố cơ bản có ảnh hưởng đến sự phát triển giao tiếp của trẻ nhỏ như: hoàn cảnh, môi trường, gia đình, các cộng đồng cũng như đặc điểm cơ quan phát âm và trạng thái cơ thể trẻ. Theo họ, vấn đề quan trọng là tìm kiếm, quan sát và sử dụng các yếu tố trên để luyện tập kĩ năng giao tiếp cho trẻ.

Tác giả Kak – Hai – Nodich [22] người Đức đã nêu rõ: ngôn ngữ của trẻ có một vai trò quan trọng và quá trình phát triển ngôn ngữ ở từng giai đoạn. Trong mỗi giai đoạn, nhiệm vụ của người lớn là giúp trẻ thâm nhập vào thế giới ngôn ngữ phong phú và đa dạng, dẫn dắt trẻ từ những âm thanh “gừ, gừ” ở tuổi sơ sinh đến sử dụng, nắm vững ngôn ngữ thành thạo. Điều đó sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển về trí tuệ. Trẻ tự kỷ chưa có ngôn ngữ, chưa biết cách giao tiếp, các bậc phụ huynh cần phải bắt đầu công việc can thiệp như: luyện âm, luyện giọng, luyện hơi sau đó đến luyện nói. Bằng những ví dụ, cách làm cụ thể, thiết thực tác giả đã giúp các bậc phụ huynh có con tự kỷ có thêm những kiến thức cơ bản trong việc giáo dục và dạy dỗ giúp trẻ phát triển kĩ năng giao tiếp.

Để nâng cao khả năng giao tiếp cho trẻ, tác giả Linda Maget [26] đã giới thiệu những kĩ năng giao tiếp xã hội, giúp trẻ giải quyết những trở ngại trong việc kết giao bạn bè. Muốn giúp trẻ tự kỷ giao tiếp, phải tạo môi trường giao tiếp cho trẻ, phải cho trẻ học, chơi với bạn thì mới làm xuất hiện, nảy sinh nhu cầu giao tiếp. Tác giả đã giúp cho phụ huynh trẻ tự kỷ biết cách lựa chọn môi trường can thiệp và giáo dục cho trẻ tự kỷ phù hợp để trẻ phát triển kĩ năng giao tiếp.

Trong bài viết “Activities for young children” trên website aacp.com, tác giả Steven Gutstin cho rằng để giúp trẻ phát triển kĩ năng giao tiếp cần phải hình thành và phát triển mối quan hệ xã hội, giúp trẻ hiểu được bản thân

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 17/05/2024