Đặc Điểm Chung Đối Tượng Nghiên Cứu Theo Tổn Thương Vmđtđ

CHƯƠNG 4: BÀN LUẬN

4.1. Đặc điểm chung của đối tượng nghiên cứu

Kết quả nghiên cứu cho thấy 105 bệnh nhân gồm 50 bệnh nhân nam chiếm 47,62%, 55 bệnh nhân nữ chiếm 52,38% cho thấy tỷ lệ nam và nữ mắc ĐTĐ type 2 không có sự khác biệt. Tỷ lệ này cũng phù hợp với tỷ lệ ĐTĐ ở Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung tương tự như nghiên cứu Shaw J.E và cộng sự (2010) hay Shimin Jiang (2019) [60, 61]. Độ tuổi trung bình là 66,35 ± 10,40 tuổi, tương tự như nghiên cứu của Kiran Shah và cộng sự (2018) với 65,2

± 25,1 tuổi cho thấy ĐTĐ thường được phát hiện ở độ tuổi trên 60 [29].


Nhóm tuổi trên 60 chiếm tỷ lệ cao nhất 77,14% với 81 bệnh nhân. Tuy nhiên, so với nghiên cứu của Khalid Al-Rubeaan năm 2014 ở nhóm tuổi trên và dưới 60 là tương đương nhau [62]. Điều đó phản ánh sự nhận thức về bệnh ĐTĐ ở nước phát triển. Khi họ thấy có những biểu hiện bất thường như ăn nhiều, uống nhiều, đi tiểu nhiều lần trong ngày, bệnh nhân đến cơ sở y tế khám phát hiện sớm bệnh ĐTĐ, kiểm tra định kỳ toàn thân và mắt. Trong khi đó tại Việt Nam mức sống, mức thu nhập không bằng những nước phát triển, và rất ít bệnh nhân nhận thức đúng về bệnh ĐTĐ, thường phát hiện ra bệnh khi đã ở giai đoạn muộn, hoặc tình cờ đi khám các bệnh lý khác hoặc khi làm các xét nghiệm thường quy thì phát hiện ra mình bị ĐTĐ [63].

Sau khi tiến hành phân tích một số đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng, chúng tôi không nhận thấy sự khác biệt giữa nam và nữ về mạch, BMI, HATT, HATTr, Glucose, HbA1c và eGFR. Nhưng giá trị trung bình của creatinine huyết thanh ở nam (87,96 ± 24,39 µmol/L) cao hơn ở nữ (67,70 ± 15,99 µmol/L) với p < 0,05. Điều này dễ dàng giải thích do nam và nữ có sự khác biệt về cân nặng và khối lượng cơ, dẫn đến sự khác biệt về nồng độ Creatinin theo giới.

Tiền sử bản thân phát hiện mắc ĐTĐ ở nữ giới cao hơn nam giới (p = 0,028), nhưng lại không có sự khác biệt của hai giới về tiền sử gia đình mắc ĐTĐ và thời gian mắc ĐTĐ. Tuy nhiên, bệnh nhân mắc ĐTĐ dưới 5 năm chiếm tỷ lệ cao nhất là 46,7%. Sau đó là nhóm bệnh nhân mắc từ 5-10 năm là 16,2%, tiếp đó là 10-15 năm và trên 15 năm lần lượt là 21% và 16,2%. Kết quả cho thấy phần lớn bệnh nhân trong nhóm nghiên cứu của chúng tôi có thời gian phát hiện bệnh sớm. Kết quả nghiên cứu của Trần Minh Tiến, bệnh nhân có thời gian phát hiện bệnh dưới 5 năm là 35,8%, từ 5-10 năm là 34,3%, và trên 10 năm là 30% [64]. So với tác giả này, tỷ lệ bệnh nhân phát hiện bệnh dưới 5 năm của chúng tôi là cao hơn, nhưng nhóm phát hiện bệnh trên 10 năm lại thấp hơn nhiều. Điều đó cho thấy tỷ lệ mới mắc ĐTĐ trong nghiên cứu của chúng tôi là khá lớn. Vấn đề đặt ra là quản lý, theo dõi và điều trị đường máu cho bệnh nhân để giảm thiểu biến chứng do ĐTĐ, trong đó có biến chứng tại mắt. Thời gian mắc bệnh càng kéo dài thì đồng nghĩa với tỷ lệ mắc bệnh VMĐTĐ càng cao, do đó yêu cầu cho chất lượng kiểm soát và điều trị cho bệnh nhân ĐTĐ, nhằm hạn chế tác động của yếu tố nguy cơ hàng đầu này.

Đối với tiền sử hút thuốc lá và uống rượu, ghi nhận sự khác biệt rõ ràng ở nam giới cao hơn nữ giới (p < 0,001). Điều này dễ lý giải khi mà nhu cầu sử dụng các chất kích thích như uống rượu, hút thuốc lá của nam giới từ trước đến nay luôn cao hơn nữ giới.

4.2. Đặc điểm chung đối tượng nghiên cứu theo tổn thương VMĐTĐ

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 71 trang tài liệu này.

Trong nghiên cứu này, độ tuổi của bệnh nhân tổn thương võng mạc mắt cao hơn không tổn thương võng mạc mắt là có ý nghĩa thống kê với p = 0,017. Nhưng trên đặc điểm bệnh nhân cao tuổi (≥ 60 tuổi) có tỷ lệ tổn thương VMĐTĐ cao hơn bệnh nhân dưới 60 tuổi là sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p > 0,16). Kết quả này trái ngược với nghiên cứu của Kiran Shah (2018) (p < 0,00001) [29]. Tương tự đối với yếu tố về giới, khi bệnh nhân là nữ giới có tỷ

lệ mắc bệnh VMĐTĐ cao hơn so với nam giới. Điều này cũng ngược lại với nghiên cứu của Rajiv (2008) cho rằng nam giới có nguy cơ mắc bệnh VMĐTĐ cao gấp 1,41 lần so với nữ giới [33]. Điều này có thể là do bệnh nhân nữ ở Việt Nam, nhất là người cao tuổi tiếp cận thụ động và khó khăn hơn với các nguồn thông tin so với bệnh nhân nam.

Khảo sát một số yếu tố liên quan bệnh võng mạc đái tháo đường type 2 tại Bệnh viện E năm 2020 – 2021 - 6

Nhóm bệnh nhân có tiền sử mắc bệnh ĐTĐ có tổn thương VMĐTĐ cao hơn những người bệnh không có tiền sử này 8,839 lần (OR = 8,839; KTC 95%

= 1,116-70,01; p = 0,018). Thời gian mắc ĐTĐ từ 10-15 năm và trên 15 năm chiếm tỷ lệ cao nhất liên quan đến tổn thương võng mạc (35,3% và 38,2%) so với không tổn thương võng mạc (14,1% và 5,6%). Kết quả nghiên cứu tiếp tục chứng mình tiền sử bản thân mắc ĐTĐ cùng với thời gian mắc ĐTĐ là một yếu tố nguy cơ quan trọng đến khả năng mắc bệnh VMĐTĐ, khả năng bệnh nhân mắc VMĐTĐ tăng lên theo thời gian mắc ĐTĐ càng dài [65]. Tiền sử gia đình mắc ĐTĐ trong nhóm nghiên cứu của chúng tôi không có sự khác biệt rõ ràng (p = 0,102). Ngược với nghiên cứu của Tsai-Tung Chiu (2021) ghi nhận tiền sử gia đình mắc ĐTĐ có liên quan đến tổn thương VMĐTĐ (p = 0,001) [26]. Tuy nhiên, đối với tiền sử hút thuốc lá và uống rượu của hai nghiên cứu thì đều cho rằng không có mối liên quan đáng kể về sự tiến triển của bệnh võng mạc (p > 0,05) [26].

Đường máu cao cũng là yếu tố nguy cơ dẫn đến các biến chứng võng mạc do sự tăng sinh của các sản phẩm acid lactic gây giãn mạch từ các hoạt động trao đổi chất tăng cường. Việc đường máu tăng cao dẫn đến các tổn thương về mạch máu và thần kinh. Các tổn thương ở những mạch máu nhỏ tại mắt có thể gây biến chứng võng mạc và ảnh hưởng tới thị lực của bệnh nhân về lâu dài. Nghiên cứu của chúng tôi cho kết quả nồng độ glucose ở người bệnh tổn thương VMĐTĐ là 17,00 ± 9,79 mmol/L lớn hơn người bệnh không tổn thương võng mạc là 13,71 ± 7,12 mmol/L. Sự khác biệt dù không có ý nghĩa thống kê nhưng

nồng độ glucose đều ở mức cao hơn ngưỡng mục tiêu điều trị (p > 0,05). So sánh với nghiên cứu Daniel và cộng sự (2016) đã khẳng định mỗi 1% đường máu giảm xuống giúp giảm 40% nguy cơ mắc bệnh VMĐTĐ [42]. Đồng thời ở Việt Nam, nghiên cứu của Nguyễn Thị Lan Anh cũng cho thấy những bệnh nhân có đường máu bình thường dưới 7,0 mmol/l ít có nguy cơ mắc bệnh VMĐTĐ gấp 2,6 lần so với những bệnh nhân có đường máu từ 7,0 – 10 mmol/l (p < 0,05; KTC 95% = 1,5-4,6) và 9,1 lần so với những bệnh nhân có đường máu từ trên 10 mmol/l (p < 0,001; KTC 95% = 4,2-19,3) [35]. Tương tự đối với trị số HbA1c trong nghiên cứu ghi nhận không có mối liên hệ đáng kể với tổn thương VMĐTĐ (p > 0,05). Nhưng trong nghiên cứu của Shani (2018) kết luận HbA1c trung bình trong thời gian nghiên cứu là yếu tố nguy cơ liên quan đến bệnh VMĐTĐ (p < 0,001; 7,9 ± 1,3%) [40]. Trong cùng năm đó, Ki-Ho Song thực hiện có kết quả mức HbA1c tại thời điểm ban đầu và mức HbA1c trung bình ở những người tiến triển VMĐTĐ cao hơn ở những người không bị VMĐTĐ (7,70 ± 1,10 so với 7,27 ± 1,03%, p = 0,001 và 7,72 ± 1,05 so với 7,27

± 0,96%, p = 0,001) [41]. Từ đó cho thấy ảnh hưởng tiêu cực của mức đường máu cao và HbA1c đến các biến chứng võng mạc mắt ở bệnh nhân ĐTĐ type 2.

Tình trạng tổn thương thận liên quan đến mức độ tổn thương VMĐTĐ, nghiên cứu ghi nhận kết quả creatinin ở bệnh nhân VMĐTĐ cao hơn bệnh nhân không mắc bệnh (p = 0,03), điều này đồng thời dẫn đến MLCT là thấp hơn ở bệnh nhân VMĐTĐ (75,76 ± 25,42 mL/phút/1,73 m2, p = 0,02). Các nghiên cứu trước đây đã báo cáo rằng GFR là một trong các chỉ số có ảnh hưởng đến khả năng tiến triển của bệnh VMĐTĐ và các biến chứng khác của ĐTĐ [51, 52]. So sánh với nghiên cứu Jingyang Wu (2015) cho thấy sự tương đồng, MCLT là 99,4 mL/phút/1,73m2 hoặc thấp hơn có thể đó là giai đoạn đầu của bệnh võng mạc ở bệnh nhân ĐTĐ [53]. Khác với nghiên cứu của chúng tôi,

Kalpana Dash cùng cộng sự (2020) đã thống kê tỷ lệ bệnh nhân mắc VMĐTĐ cao hơn đáng kể ở những bệnh nhân có eGFR ≤ 60 mL/phút/1,73 m2 so với những bệnh nhân có eGFR ≥ 60 mL/phút/1,73 m2 (38% so với 15%, p < 0,001) [55].

4.3. Mối liên quan giữa các yếu tố nguy cơ bệnh VMĐTĐ

Tổn thương võng mạc đái tháo đường có thể bị ảnh hưởng bởi nhiểu yếu tố liên quan. So sánh với nghiên cứu của Li Yin và cộng sự (2020) thì các yếu tố liên quan bệnh lý VMĐTĐ gồm tuổi (p  = 0,049), giới tính nam (p  = 0,048), thời gian mắc ĐTĐ (p = 0,012), bệnh thận do ĐTĐ (p = 0,048), Glucose huyết lúc đói (p = 0,022) và HbA1c (p  = 0,042) [28]. Trong khi nghiên cứu của chúng tôi thì tuổi và tiền sử phát hiện mắc ĐTĐ không phải là một yếu tố liên quan độc lập với bệnh lý này (p > 0,05). Trong nghiên cứu của Lopez (2017), những bệnh nhân có eGFR ≤ 60 mL/phút/1,73 m2 có nguy cơ mắc VMĐTĐ cao hơn 2 lần so với bệnh nhân có eGFR > 60 mL/phút/1,73 m2 (OR=2,0; KTC 95% = 1,6–2,4; p < 0,0001) [27]. Tuy nhiên, đối với nồng độ Creatinin trong nghiên cứu của chúng tôi thì chỉ số này không ảnh hưởng độc lập đến khả năng mắc bệnh võng mạc (OR = 0,994, KTC 95% = 0,95 – 1,04; p = 0,800), có sự khác biệt với kết quả nghiên cứu của Guihua Zhang và cộng sự năm 2017 khi mà nồng độ creatinin huyết thanh cao có liên quan đến bệnh lý VMĐTĐ (OR = 1,006; KTC 95% = 1,004 – 1,008; p < 0,001) [66]. Bên cạnh nồng độ creatinin máu thì mức lọc cầu thận trong nghiên cứu của chúng tôi cũng không phải yếu tố độc lập dẫn đến tổn thương võng mạc mắt (p > 0,05). Trái ngược với nghiên cứu của Ryan (2015) hay Lee Dong-Hyun, mức lọc cầu thận thấp có liên quan đến nguy cơ mắc VMĐTĐ (p < 0,05; p = 0,004) [67, 68].

Về kiểm soát đường huyết, HbA1c trong nghiên cứu của chúng tôi không phải là yếu tố nguy cơ liên quan đến tổn thương mắc VMĐTĐ. Cả hai nhóm có bệnh lý võng mạc và không có bệnh lý võng mạc đều có khả năng kiểm soát

bệnh ĐTĐ kém với HbA1c lần lượt ở cả hai nhóm là 10,71 ± 2,95 % và 10,08

± 2,58 %, vượt quá ngưỡng điều trị khoảng 6-7%. Kết quả này trái ngược với Ramachandran Rajalakshmi (2020) với trị số HbA1c > 10% (OR = 2,39; KTC 95% = 1,10–5,22; p < 0,024) [69]. Riêng với nghiên cứu của Lopez, bệnh nhân có mức HbA1c ≥ 7% có thể bị VMĐTĐ cao hơn 1,9 so với bệnh nhân có mức HbA1c < 7% (OR = 1,9; KTC 95% = 1,5–2,3; p < 0,0001) [27]. Tương tự với

nồng độ glucose máu, dù trong nghiên cứu này không phải là yếu tố liên quan đến khả năng mắc bệnh VMĐTĐ (p > 0,05), nhưng so với đề tài của Guihua Zhang (2017) lại trái ngược với p < 0,001 [66].

Giống với tuổi của người bệnh, tiền sử hút thuốc là và uống rượu cũng không cho thấy sự liên quan với bệnh VMĐTĐ. Điều này cũng được ghi nhận trong nghiên cứu của Lopez (2017) [27]. Nghiên cứu của Raba Thapa cùng đồng nghiệp (2018) cũng cho kết quả tương tự với tiền sử hút thuốc, nhưng tiền sử uống rượu ghi nhận có liên quan đến khả năng tiến triển thành bệnh VMĐTĐ (OR = 4,3; KTC 95% = 1,6 – 11,3; p = 0,004), thậm chí là VMĐTĐ đe dọa thị lực (OR = 8,6; KTC 95% = 1,7 – 47,2; p = 0,010) [70]. Có những tranh luận đang diễn ra về việc uống rượu như là một yếu tố nguy cơ của bệnh VMĐTĐ. Một phân tích tổng hợp gần đây của Zhu và cộng sự cho thấy không có mối liên quan đáng kể nào giữa việc uống rượu và tỷ lệ mắc bệnh VMĐTĐ [71]. Một nghiên cứu khác của Fenwick và cộng sự cũng đã báo cáo tác dụng bảo vệ của việc uống rượu vang trắng và rượu vang nồng độ mạnh với một lượng vừa phải có liên quan đến việc giảm tỷ lệ mắc bệnh VMĐTĐ [72]. Từ đó cho thấy cần có thêm những nghiên cứu sâu hơn về mối liên hệ thực tế giữa uống rượu với bệnh võng mạc đái tháo đường.

Sau khi thực hiện các phân tích cho thấy có một số yếu tố liên quan đến khả năng mắc bệnh VMĐTĐ như tuổi, tiền sử phát hiện mắc ĐTĐ, thời gian mắc ĐTĐ, nồng độ creatinin máu hay mức lọc cầu thận. Từ đó, chúng tôi tiến

hành phân tích hồi quy logistic đa biến, kết quả nghiên cứu ghi nhận thời gian mắc bệnh ĐTĐ trên 10 năm (p < 0,001, OR = 9,967, KTC 95% = 3,40 – 29,22)

là yếu tố nguy cơ liên quan độc lập đến khả năng tổn thương võng mạc mắt do bệnh ĐTĐ gây ra. Tương tự với nghiên cứu của Junlin Zhang 2018 cho kết quả thời gian mắc ĐTĐ trên 10 năm là một yếu tố nguy cơ độc lập với nguy cơ mắc bệnh tăng gần 2,5 lần so với bệnh nhân mắc ĐTĐ dưới 10 năm (p = 0,014, OR

= 2,464, KTC 95% = 1,198 – 5,068) [73]. Còn đối với nghiên cứu của Melkamu Tilahun (2020) thì tỷ lệ này là gần 4 lần (p ≤ 0,05, OR = 3,91, KTC 95% = 1,86

– 8,23) [74]. Phát hiện này phù hợp với một số nghiên cứu đã thực hiện trước đây [75-77]. Còn trong nghiên cứu của Lopez (2017), những bệnh nhân có thời gian mắc bệnh ĐTĐ trên 15 năm có nguy cơ mắc VMĐTĐ cao hơn 5,3 lần so với bệnh nhân có thời gian mắc bệnh dưới 5 năm (OR = 5,3; KTC 95% = 3,8– 7,4; p < 0,0001) [27]. Tỷ lệ này cũng tương đương với yếu tố thời gian mắc ĐTĐ trong nghiên cứu của Ramachandran Rajalakshmi năm 2020 khi mà thời gian mắc đái tháo đường từ 5-10 năm làm tăng nguy cơ mắc bệnh lên 2,67 lần, 10-15 năm là 3,41 lần và trên 15 năm là 5,25 lần với p < 0,001 [69]. Đối với Yilma Chisha và cộng sự năm 2016 ghi nhận bệnh nhân mắc ĐTĐ trên 6 năm có nguy cơ cao hơn bệnh nhân mắc ĐTĐ dưới 6 năm là gần 9 lần (OR = 8,84; KTC 95% = 3,56 – 12,89; p = 0,001) [75]. Kết quả này phù hợp với nghiên cứu cắt ngang tại bệnh viện đại học Jimma do Worku thực hiện [78] và nghiên cứu dọc do Jones C.D cùng cộng sự thực hiện tại Anh [79].

KẾT LUẬN


Nghiên cứu một số yếu tố liên quan bệnh võng mạc đái tháo đường trên bệnh nhân đái tháo đường type 2 tiến hành với 105 đối tượng nghiên cứu thu được những kết luận sau:

1. Đặc điểm chung theo tổn thương võng mạc đái tháo đường trên bệnh nhân đái tháo đường type 2.

- Tuổi trung bình của nhóm nghiên cứu là 66,35 ± 10,40 tuổi, với tỷ lệ nam giới là 47,62% và nữ giới là 52,38%.

- Tỷ lệ mắc bệnh võng mạc đái tháo đường của nhóm nghiên cứu là 32,38%.

2. Một số yếu tố liên quan bệnh võng mạc đái tháo đường trên bệnh nhân đái tháo đường type 2.

- Bệnh VMĐTĐ có mối liên quan với: tuổi, tiền sử phát hiện mắc ĐTĐ, thời gian mắc bệnh ĐTĐ, nồng độ creatinin và mức lọc cầu thận. Trong đó, thời gian mắc ĐTĐ trên 10 năm là yếu tố liên quan độc lập đến tổn thương võng mạc mắt.

Xem tất cả 71 trang.

Ngày đăng: 20/09/2024