Một Số Giải Pháp Khai Thác Tài Nguyên Du Lịch Nhân Văn Ở Thành Phố Hồ Chí Minh‌


3.2. Một số giải pháp khai thác tài nguyên du lịch nhân văn ở Thành phố Hồ Chí Minh‌

3.2.1. Giải pháp bảo tồn nguồn tài nguyên‌

- Sở VH&TT TPHCM cần thường xuyên xác định tình trạng xuống cấp của các điểm TNDLNV để có phương án bảo tồn thích hợp. Tác giả cho rằng Sở nên công bố danh sách xếp hạng các điểm TNDL (tự nhiên và nhân văn) có nguy cơ hư hại/mai một theo khoảng cách năm nhất định.

- Sở Du lịch TPHCM chủ trì tổ chức việc đánh giá sức tải tại một số điểm du lịch quan trọng để phân luồng khách du lịch vào tham quan một cách hợp lý (như Dinh Độc Lập, Khu DTLS Địa đạo Củ Chi, Căn cứ Rừng Sác, Lễ hội Nghinh Ông, Đường hoa xuân Nguyễn Huệ,...).

- Tùy vào đặc trưng và tình trạng xuống cấp của từng điểm TNDLNV, cần có những mô hình bảo tồn khác nhau. Cụ thể:

+ Bảo tồn y nguyên đối với các điểm TNDLNV có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, chứa đựng nhiều giá trị về lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, khoa học giáo dục như Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Trung tâm Thành phố, UBND Thành phố,...

+ Bảo tồn kế thừa đối với các điểm DTLSVH đã xuống cấp cần tu sửa cho phù hợp với yêu cầu phát triển hiện tại như Thương xá TAX, Chợ An Đông, Chợ Bến Thành, Chợ Lớn. Đối với các lễ hội truyền thống, vừa bảo tồn giá trị truyền thống, vừa điều chỉnh một số nội dung trong phần LỄ và phần HỘI để phù hợp với xã hội hiện đại. Đối với ẩm thực truyền thống, vừa kế thừa các khẩu vị truyền thống nhưng cũng cần có sự điều chỉnh phù hợp với thị hiếu và đặc điểm khách du lịch. Đối với một số loại hình nghệ thuật truyền thống, vừa kế thừa các tiết mục truyền thống, vừa đan xen các tiết mục hiện đại nhưng vẫn phù hợp với thuần phong mỹ tục.

+ Bảo tồn phát triển để di sản “sống” được trong đời sống đương đại đối với khu phố cổ của người Hoa (đặc biệt Phố Đông y Hải Thượng Lãn Ông), các lễ hội truyền thống (đặc biệt Lễ hội Nghinh Ông).

- Trung tâm Bảo tồn Di tích TPHCM cần tiếp tục khảo sát, điều tra và nghiên cứu giá trị văn hóa - lịch sử của các điểm TNDLNV. Công tác này vừa góp phần bảo tồn vừa khai thác hiệu quả hơn nữa các giá trị dụ lịch của nguồn tài nguyên.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 237 trang tài liệu này.


- Có chế độ đãi ngộ thích hợp đối với các nghệ nhân, nghệ sĩ để họ tiếp tục giữ nghề và truyền nghề lại cho các thế hệ sau.

Khai thác tài nguyên du lịch nhân văn để phát triển du lịch ở Thành phố Hồ Chí Minh - 19

3.2.2. Giải pháp nâng cao tính hấp dẫn của nội dung tham quan‌

- Sở Du lịch TPHCM chủ trì tổ chức các hội nghị, hội thảo về khai thác giá trị du lịch của nguồn TNDLNV ở TPHCM. Mục đích của các sự kiện này nhằm chọn lọc những giá trị du lịch tiêu biểu và phát hiện thêm những giá trị du lịch còn tiềm ẩn ở mỗi điểm TNDLNV. Nếu được, ở mỗi điểm du lịch cố định, nên gắn bảng giới thiệu các giá trị du lịch tiêu biểu ở nơi khách du lịch dễ nhìn thấy.

- Sử dụng công nghệ đa phương tiện trong việc mô phỏng, tái hiện giá trị lịch sử, văn hóa. Sử dụng hiệu ứng ánh sáng nhằm tăng tính đa dạng và hấp dẫn cho các khu vực tham quan, đặc biệt tại các bảo tàng, các sự kiện đặc biệt.

- Kết hợp đồng thời nhiều loại TNDLNV trong quá trình khai thác. Ví như trong các lễ hội truyền thống, có thể kết hợp tổ chức sự kiện, giới thiệu ẩm thực truyền thống, các sản phẩm nghề truyền thống, nghệ thuật truyền thống,...

- Kết hợp trong khai thác các điểm du lịch văn hoá với các điểm du lịch tự nhiên trong quá trình khai thác.

- Kết hợp tổ chức các hoạt động tham quan ban ngày với các hoạt động vui chơi giải trí, thưởng thức ẩm thực truyền thống, nghệ thuật truyền thống về đêm tại một số công trình nhân tạo, Phố đi bộ Nguyễn Huệ, Phố đi bộ Bùi Viện.

3.2.3. Giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận của khách du lịch‌

- Phân luồng di chuyển của các phương tiện giao thông tại các điểm du lịch một cách hợp lý. Có biển báo vào các điểm tham quan. Có vạch kẻ đường để khách du lịch qua đường vào các điểm tham quan.

- Điều chỉnh giá vé và giá dịch vụ tại các điểm tham quan. Miễn vé vào cổng cho học sinh, sinh viên ở các DTLS, các bảo tàng để họ hiểu biết thêm về lịch sử - văn hóa của dân tộc.

- Cung cấp thông tin về các điểm du lịch văn hóa trong bản đồ du lịch và phát miễn phí tại Sân bay Tân Sơn Nhất, Ga Sài Gòn, quầy tiếp tân tại các khách sạn,…


3.2.4. Giải pháp hoàn thiện cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất - kỹ thuật phục vụ du lịch‌

- UBND Thành phố dành nguồn lực thích hợp từ ngân sách của Thành phố để:

+ Đầu tư hoàn thiện đường giao thông, các điểm dừng gần điểm du lịch;

+ Nâng cấp các hạng mục công trình đã và đang xuống cấp tại các điểm du lịch văn hoá;

+ Bổ sung ghế nghỉ chân cho khách du lịch;

+ Đầu tư thiết bị phục vụ thuyết minh tại điểm du lịch.

- BQL các điểm du lịch cần tổ chức hợp lý cơ phục vụ bổ trợ trong khuôn viên các điểm du lịch văn hoá (như nhà ăn, nhà vệ sinh, quầy lưu niệm). Ngoài ra, cần đồng bộ lối đi lại bên trong các điểm du lịch, trong đó chú ý sự tiện dụng dành cho người khuyết tật.

3.2.5. Giải pháp ứng dụng khoa học - công nghệ trong khai thác nguồn tài nguyên‌

- Sở Du lịch phối hợp với các Sở, ngành liên quan nghiên cứu thành lập phần mềm chỉ đường và tra cứu các điểm du lịch chạy trên thiết bị di động. Trong đó, có thông tin về các điểm du lịch văn hóa (như mô hình TP. Đà Nẵng đang triển khai).

- BQL các điểm du lịch văn hoá nên có trang thông tin điện tử riêng nhằm quảng bá và cung cấp thông tin cần thiết cho khách du lịch như vị trí (trên bản đồ điện tử), các giá trị tiêu biểu, các sự kiện tiêu biểu diễn ra trong năm, thời gian tham quan, giá vé tham quan (nếu có), phương tiện di chuyển,...

- Thường xuyên cập nhật thông tin về các điểm du lịch văn hóa trên trang thông tin điện tử của điểm du lịch, của cơ quan chức năng, các doanh nghiệp du lịch. Bởi vì đây là kênh thông tin chủ yếu để khách du lịch biết đến điểm du lịch.

3.2.6. Giải pháp liên kết, hợp tác trong khai thác nguồn tài nguyên‌

Sự liên kết và hợp tác giúp TPHCM vừa phát huy lợi thế so sánh, vừa cải thiện những điểm hạn chế trong khai thác nguồn TNDLTN so với địa phương khác. Dưới đây là một số giải pháp cụ thể:

- Sở du lịch TPHCM chủ trì tổ các hội thảo chuyên đề về TNDLNV; tham gia các hội chợ (trong nước và quốc tế) về du lịch nhằm quảng bá hình ảnh du lịch


TPHCM (bao gồm quảng bá các điểm du lịch văn hóa); Tiếp tục giới thiệu và quảng bá các loại hình nghệ thuật truyền thống, ẩm thực truyền thống và sản phẩm nghề truyền thống trong các lễ hội và sự kiện đặc biệt, như Lễ hội Nghinh Ông, Lễ hội TPHCM đón chào năm mới, Ngày hội Du lịch TPHCM,…

- Liên kết giữa TPHCM với các địa phương trong Vùng Đông Nam Bộ và Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long trong khai thác nguồn TNDL. Bao gồm liên kết trong khai thác giữa các điểm TNDLNV với nhau và giữa các điểm TNDLNV với các điểm TNDLTN.

- Liên kết trong xúc tiến và quảng bá các điểm du lịch trọng điểm trong vùng (trong đó có việc quảng bá các điểm du lịch văn hóa).

- Hợp tác trong việc chuyển giao khoa học - công nghệ, kinh nghiệm quản lý và khai thác nguồn TNDLNV (Hợp tác giữa các Sở và giữa BQL các điểm du lịch văn hoá).

3.2.7. Giải pháp khác‌

Ngoài các giải pháp nêu trên, cần chú ý đến các giải pháp bổ trợ khác như (1) Phân cấp quản lý cụ thể hơn đối với các điểm TNDLNV do Nhà nước quản lý (đặc biệt là Dinh Độc Lập, Khu DTLS Địa đạo Củ Chi, Căn cứ Rừng Sác); (2) Tăng số lượng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, đặc biệt là lực lượng lao động trực tiếp tiếp xúc với khách du lịch; (3) Giáo dục ý thức và sự tham gia của cộng đồng địa phương trong hoạt động du lịch.


3.3. Một số kiến nghị‌

3.3.1. Đối với cơ quan quản lý Nhà nước‌

3.3.1.1. Đối với Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương

- Chính phủ nên ưu tiên hơn nữa nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước cho hoạt động bảo tồn, tu bổ các di tích cấp quốc gia và cấp quốc gia đặc biệt. Đồng thời, cần ổn định nguồn ngân sách này cho công tác bảo tồn cho dù ngân sách quốc gia đang hạn hẹp. Đối với các di tích thuộc sở hữu tư nhân có giá trị du lịch cao nhưng đang bị xuống cấp nghiêm trọng, Chính phủ nên có chính sách bảo lãnh, hỗ trợ cho họ vay vốn tu bổ.

- Bộ VHTT&DL tiếp tục phối hợp với Sở VH&TT TPHCM trong việc tổ chức đánh giá và xếp loại các di tích cấp quốc gia.

3.3.1.2. Đối với Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh

- Phân cấp mạnh cho chính quyền cấp cơ sở (cấp quận, huyện) về quản lý và khai thác các điểm TNDLNV trên địa bàn. Tăng cường công tác kiểm tra giám sát thường niên tại các điểm du lịch văn hoá về giá cả, vệ sinh an toàn thực phẩm, tình hình an ninh trật tự. Đối với một số điểm TNDLNV đang khai thác do Nhà nước quản lý, cần điều chỉnh giá vé vào cổng tham quan, giá dịch vụ vui chơi giải trí và dịch vụ ăn uống cho phù hợp (đặc biệt là tại Căn cứ Rừng Sác, Thảo Cầm Viên Sài Gòn).

- Đối với các điểm TNDLNV chưa khai thác, trước mắt, cần đầu tư nâng cấp bến thuyền và đường đi, đặc biệt là những điểm TNDLNV có tiềm năng như Giồng Cá Vồ, Lò gốm cổ Hưng Lợi, Đình Bình Đông,...

- Đối với các điểm TNDLNV đang khai thác, cần tăng cường công tác chỉ đạo phối hợp giữa các ban, ngành chức năng trong xây mới và nâng cấp CSVC-KT du lịch. Trong số 256 kiến nghị của khách du lịch được nêu ra, có 103 kiến nghị về CSVC-KT du lịch (chiếm 40,2%) (xem câu 20, Phụ lục 09). Như vậy, để khai thác tốt hơn các điểm du lịch văn hóa, TPHCM cần lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của khách du lịch.

- Phân bổ ngân sách đảm bảo tính tổng thể của các công trình cần được bảo tồn thay vì định mức ngân sách hàng năm khiến cho việc bảo tồn bị gián đoạn.


3.3.1.3. Đối với Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh

- Xác định những điểm TNDLNV (đang khai thác và chưa khai thác) có sức hấp dẫn cao để ưu tiên khai thác trong các kế hoạch ngắn hạn. Đồng thời, xác định những điểm du lịch văn hóa trọng điểm trên địa bàn Thành phố. Thiết nghĩ, cần ưu tiên khai thác 20 điểm du lịch văn hóa được khách du lịch lựa chọn tham quan nhiều nhất theo kết quả khảo sát (xem câu 4, Phụ lục 6). Trong đó, cần lưu ý các TNDLNV xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt (gồm Dinh Độc Lập, Khu DTLS Địa đạo Củ Chi).

- Nghiên cứu các sản phẩm nghề, món ăn, tiết mục nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc (và dấu ấn TPHCM) để đầu tư khai thác theo chiều sâu.

- Phối hợp với các sở, ngành, hiệp hội doanh nghiệp, BQL các điểm du lịch nhằm xác định nhu cầu và sở thích của khách du lịch. Xúc tiến và quảng bá du lịch. Liên kết và hợp tác khai thác nguồn TNDLNV với các tỉnh lân cận.

- Phối hợp với Sở GTVT và các cơ quan liên quan xem xét hoàn thiện đường giao thông, bến thuyền, bảng chỉ đường nhằm phục vụ hoạt động khai thác các điểm du lịch văn hóa. Nghiên cứu bổ sung các tuyến xe buýt điện nhằm tăng tính liên kết giữa các điểm du lịch văn hóa (tương tự như tuyến D1 đang khai thác, với lộ trình từ Công viên 23 tháng 09 đến Thảo Cầm Viên Sài Gòn).

- Gắn biểu tượng các điểm du lịch đạt chuẩn (trong đó có các điểm du lịch văn hóa) làm cơ sở nhận diện cho khách du lịch khi đến Thành phố.

- Tổ chức triển khai việc ứng dụng khoa học - công nghệ trong khai thác nguồn TNDLNV.

- Tiếp tục phối hợp với Sở VH&TT TPHCM trong thẩm định, lập hồ sơ và phân cấp các công trình, địa điểm cần được bảo tồn.

3.3.1.4. Đối với Uỷ ban nhân dân các quận, huyện

- Tạo thuận lợi để cộng đồng tham gia vào hoạt động khai thác nguồn TNDLNV ở địa phương.

- Cần phổ biến cho cộng đồng về ý thức bảo vệ môi trường và an ninh trật tự tại điểm du lịch, sự niềm nở đón tiếp khách du lịch, tầm quan trọng của công tác bảo tồn nguồn TNDLNV nơi cộng đồng sinh sống.


- Kịp thời ngăn chặn và xử lý các vi phạm về xâm hại di tích theo thẩm quyền và quy định của Nhà nước.

3.3.2. Đối với Hiệp hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và các hội nghề nghiệp‌

- Phổ biến đến hội viên và các doanh nghiệp về hướng khai thác các điểm du lịch (bao gồm các điểm du lịch văn hóa) trong chiến lược PTDL của Thành phố.

- Tổ chức xúc tiến và quảng bá du lịch, nhất là các điểm du lịch văn hóa có khả năng khai thác cao.

3.3.3. Đối với doanh nghiệp du lịch‌

- Tăng cường liên kết với BQL điểm du lịch văn hoá để giới thiệu cho du khách hoặc kết hợp với các chương trình du lịch của doanh nghiệp.

- Chủ động xây dựng các chương trình du lịch mới, gắn với khai thác nguồn TNDLNV.

- Thường xuyên cập nhật thông tin về điểm du lịch (trong đó có các điểm du lịch văn hóa) trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp bằng ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh.

- Thông qua lực lượng HDV, nhắc nhở/hướng dẫn khách du lịch tôn trọng văn hóa cộng đồng và nội quy của điểm du lịch văn hóa.

3.3.4. Đối với nhà nghiên cứu du lịch‌

- Nghiên cứu các giá trị tiềm ẩn và sự kết hợp khai thác các loại TNDLNV để đưa vào khai thác du lịch.

- Nghiên cứu nhu cầu và mức độ hài lòng của khách du lịch đối với từng loại TNDLNV.

- Nghiên cứu, xây dựng các bộ chỉ số theo dõi và giám sát hoạt động du lịch tại các điểm TNDLNV đang được khai thác.

3.3.5. Đối với Ban quản lý, cá nhân sở hữu điểm tài nguyên du lịch nhân văn‌

3.3.5.1. Kiến nghị chung

- Đối với các điểm TNDLNV chưa được khai thác

+ Cần thu thập thông tin, hiện vật, tài liệu liên quan đến điểm TNDLNV. Đây sẽ là nguồn tư liệu quý cho công tác khai thác nguồn tài nguyên sau này.


+ Cần phối hợp với cơ quan chức năng tính toán sức chứa khách để có phương án khai thác hợp lý khi số khách du lịch vượt ngưỡng cho phép.

- Đối với các điểm TNDLNV đang được khai thác

Từ kết quả khảo sát, thiết nghĩ cần duy trì khả năng khai thác đối với tiêu chí, chỉ tiêu về sức chứa khách, sự an toàn khi di chuyển tình hình an ninh trật tự. Cần nâng cao sức hấp dẫn đối với nội dung tham quan. Cần khắc phục và cải thiện các chỉ tiêu về sự tiếp cận bến bãi, sự đồng bộ của CSVC-KT, vệ sinh môi trường tại điểm du lịch,… Các đề xuất cụ thể gồm:

+ Điều chỉnh giá vé vào cổng tham quan, giá dịch vụ vui chơi giải trí và dịch vụ ăn uống sao cho phù hợp với mặt bằng chung về chi tiêu của khách du lịch và cộng đồng.

+ Nghiên cứu và điều chỉnh giờ mở cửa tham quan tại các điểm du lịch đang đóng cửa vào giữa trưa. Giờ mở cửa tham quan có thể mở trễ hơn vào buổi sáng, bù lại sẽ mở thông tầm vào buổi trưa. Trong trường hợp giờ nghỉ trưa ít khách đến tham quan, có thể phân lịch trực giữa các nhân viên theo định kì, tạo điều kiện tối đa để khách du lịch vào tham quan.

+ Chủ động trong việc đa dạng hóa nội dung, cách thức trưng bày và chủ đề tham quan.

+ Hoàn thiện CSHT và CSVCKT phục vụ du lịch, đặc biệt là bến thuyền, biển báo, nhà vệ sinh, cơ sở ăn uống, cơ sở bán hàng lưu niệm, ghế nghỉ chân, hệ thống chiếu sáng, thông gió…

3.3.5.2. Kiến nghị với Ban quản lý từng điểm tài nguyên du lịch nhân văn đang được khai thác

Dựa trên kết quả khảo sát cộng đồng địa phương, doanh nghiệp du lịch, khách du lịch và kết quả khảo sát thực địa, tác giả có một số kiến nghị đối với các điểm du lịch cụ thể như sau:

- Bảo tàng Lịch sử TPHCM: (1) Nên mở cửa tham quan vào giữa trưa cho khách du lịch; (2) Đa dạng hóa, đổi mới chủ đề trưng bày; (3) Hiện đại hóa các phương tiện nghe, nhìn; (4) Cải thiện hệ thống ánh sáng và hệ thống thông khí trong một số phòng trưng bày.

Xem tất cả 237 trang.

Ngày đăng: 17/04/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí