Duyệt), Lễ hội Nghinh Ông (Lăng Ông Thủy Tướng), Nhà hát Thành phố (đêm 20 hàng tháng),…
- Tò he: Từ năm 2002 đến nay, nghệ thuật tò he được giới thiệu thường xuyên cho khách du lịch tại CVVH Đầm Sen.
Ngoài những địa điểm biểu diễn cố định nêu trên, nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống ngày càng trở nên gần gũi với người dân và khách du lịch nhờ được giới thiệu trong những lễ hội và sự kiện đặc biệt của Thành phố. Trong sự kiện “Ngày hội Du lịch TPHCM” và chương trình “TPHCM chào đón năm mới” (diễn ra tại Công viên 23 tháng 09), đều có diễn tuồng, cải lương, đờn ca tài tử, múa rối nước. Trong chương trình “Lễ hội Văn hoá Ẩm thực Ngày hội quê tôi” (từ năm 2006 - 2016) có tiết mục diễn tuồng, đờn ca tài tử, nghệ thuật nặn tò he,… Gần đây, Đường hoa xuân Nguyễn Huệ (năm 2017) có biểu diễn nghệ thuật nặn tò he.
Đối với các loại hình nghệ thuật truyền thống đang được khai thác ở TPHCM, giá trị vui chơi giải trí vẫn là nội dung được khách du lịch quan tâm trước tiên rồi mới đến giá trị nghệ thuật. Liên quan đến khai thác các loại hình nghệ thuật truyền thống là loại hình du lịch vui chơi, giải trí và du lịch khám phá. SPDL tương ứng là du lịch văn hóa.
2.4.2.2. Thực trạng khai thác các điểm tài nguyên du lịch nhân văn quan trọng cho phát triển du lịch ở Thành phố Hồ Chí Minh
Mục này trình bày thực trạng khai thác 14 điểm TNDLNV đang được khai thác giữ vai trò quan trọng cho PTDL ở TPHCM.
- Bảo tàng Lịch sử TPHCM
Bảo tàng hàng năm thu hút khoảng 300 nghìn lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan. Con số này có vẻ nhiều nhưng so với tổng số khách du lịch đến TPHCM (10,4 triệu lượt khách năm 2011) thì tỉ lệ khách tới tham quan chưa đầy 3%. Ngoài trưng bày các hiện vật lịch sử, Bảo tàng còn tổ chức các xuất biểu diễn múa rối nước. Các giá trị du lịch đang được khai thác gồm giá trị lịch sử, giá trị kiến trúc nghệ thuật, giá trị khoa học và giáo dục, giá trị giải trí (biểu diễn múa rối nước trong bảo tàng). Kết quả khảo sát khách du lịch cho thấy, có 63,3 % (n =30) khách du lịch cho rằng nội dung tham quan hấp dẫn. Trong đó, hấp dẫn nhất là tiết mục biểu diễn múa rối nước và các chủ đề trưng bày trong bảo tàng.
Có thể bạn quan tâm!
- Nhu Cầu, Sở Thích Của Khách Và Thị Trường Khách
- Biểu Đồ Doanh Thu Du Lịch Tphcm Giai Đoạn 2011 - 2015
- Biểu Đồ Số Lượt Khách Tham Quan Các Bảo Tàng Ở Tphcm Qua Các Năm 2010 - 2015
- Đánh Giá Thực Trạng Khai Thác Tài Nguyên Du Lịch Nhân Văn Ở Thành Phố Hồ Chí Minh
- Biểu Đồ Đánh Giá Của Khách Du Lịch Về Tính An Toàn Tại Các Điểm Du Lịch (N=420)
- Biểu Đồ Ý Kiến Doanh Nghiệp Du Lịch Về Các Chỉ Tiêu Đánh Giá Tại Điểm Du Lịch (%)
Xem toàn bộ 237 trang tài liệu này.
Bên cạnh những nỗ lực trong việc thay đổi nội dung tham quan và chủ đề trưng bày, bảo tàng vẫn bộc lộ một số hạn chế nhất định. Theo ông Hoàng Anh Tuấn - Giám đốc Bảo tàng thì “diện tích hiện hữu của Bảo tàng đã quá chật hẹp đối với sự phát triển của Bảo tàng trong giai đoạn hiện nay và tương lai. Hiện, Bảo tàng Lịch sử không còn phòng trưng bày chuyên đề đáp ứng cho các trưng bày chuyên đề lớn, trưng bày phối hợp với quốc tế” [75]. Theo khảo sát của tác giả, một số hạn chế khác của Bảo tàng là: (1) Bảo tàng đóng cửa vào giữa trưa gây bất tiện cho khách du lịch khi ghé tham quan (; (2) Sự ứng dụng khoa học - công nghệ trong trưng bày và thuyết minh còn thấp; (3) Một số phòng, hệ thống thông khí còn yếu.
- Bưu điện Trung tâm Thành phố
Do nằm gần điểm du lịch có sức hấp dẫn khách du lịch là Dinh Độc Lập và Nhà Thờ Đức Bà nên Bưu điện Trung tâm Thành phố có khách du lịch đến tham quan thường xuyên. Ngoài chiêm ngưỡng giá trị kiến trúc nghệ thuật, khách du lịch có thể xem và mua các sản phẩm nghề truyền thống (sản phẩm thủ công mỹ nghệ). SPDL đang được khai thác gắn với nơi đây là du lịch văn hóa.
Kết quả điều tra cho thấy, có 70 % (n =30) khách du lịch cho rằng nội dung
tham quan hấp dẫn. Trong đó, hấp dẫn nhất là giá trị kiến trúc và giá trị lịch sử.
Vì chức năng chính hiện nay là đảm bảo các hoạt động bưu chính - viễn thông nên Bưu điện còn một số hạn chế theo góc nhìn của một điểm du lịch như: (1) Thiếu người thuyết minh tại điểm để thuyết minh, hướng dẫn khách du lịch khi vào tham quan; (2) Thiếu bảng thông tin giới thiệu khái quát về giá trị lịch sử, kiến trúc nghệ thuật của Bưu điện; (3) Thiếu công trình vệ sinh công cộng và các bảng chỉ dẫn khách du lịch tới công trình vệ sinh khu vực lân cận.
- Căn cứ Rừng Sác
Do nằm sâu trong rừng đước nên khách du lịch muốn vào tham quan cần phải di chuyển bằng ca nô và phải đợi khi thuỷ triều lên. Hiện nay, trong Khu Căn cứ Rừng Sác đã phục dựng lại ở nhiều hạng mục nhằm mục đích giáo dục truyền thống cách mạng và phục vụ khách tham quan. Tiêu biểu như sở chỉ huy, xưởng công binh, mô hình chưng cất nước ngọt,… Khách du lịch khi tới đây thường hấp dẫn bởi cảnh quan rừng sác. Một số khách cảm thấy thích thú khi được thưởng thức các món ăn dân dã mà các chiến sĩ cách mạng trước đây thường dùng.
Các giá trị du lịch đang được khai thác tại đây là giá trị lịch sử, giá trị khoa học và giáo dục, giá giá trị cảnh quan. Kết quả điều tra cho thấy, chỉ 46,7 % (n =30) khách du lịch cho rằng nội dung tham quan hấp dẫn. Trong đó, hấp dẫn nhất là cảnh quan đẹp. SPDL gắn với khai thác điểm du lịch này là du lịch văn hóa, du lịch giáo dục, du lịch sinh thái.
Đến nay, điểm du lịch đã có những thay đổi trong việc bổ sung HDV du lịch tại điểm và lắp đặt bảng chỉ dẫn lối vào Khu căn cứ ở đường chính (đường Rừng Sác). Tuy vậy, hoạt động du lịch nơi đây vẫn còn một số hạn chế: (1) Giá vé vào cổng tham quan và giá dịch vụ vận chuyển bằng ca nô còn cao so với mức chi của phần đông khách du lịch; (2) Lối đi lại xuống cấp, thiếu ghế nghỉ chân và công trình vệ sinh; (3) Các mô hình phục dựng thời chiến còn đơn điệu, giá trị nghệ thuật chưa cao; (4) Lối vào còn thiếu an toàn do khỉ hay giật đồ.
- Chợ Bến Thành
Hiện nay, chợ Bến Thành đang là điểm thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan và tìm hiểu giá trị lịch sử, kiến trúc cũng như sinh hoạt
thường ngày của cư dân TPHCM, đặc biệt là cộng đồng người Việt. Ngoài việc chiêm ngưỡng giá trị kiến trúc nghệ thuật của tháp đồng hồ (cửa Nam) và các tượng gốm ở bốn cửa Chợ, khách du lịch có thể thưởng thức các món ăn truyền thống và mua các sản phẩm nghề truyền thống làm quà lưu niệm. Các giá trị du lịch đang được khai thác gồm giá trị lịch sử, giá trị kiến trúc nghệ thuật và giá trị sử dụng. Kết quả điều tra cho thấy, chỉ 30 % (n =30) khách du lịch cho rằng các món ăn hấp dẫn. SPDL gắn với điểm tham quan này là du lịch văn hóa và du lịch ẩm thực.
Điểm hạn chế trong khai thác TNDLNV ở đây là các sản phẩm nghề truyền thống được sản xuất trong nước còn ít và thiếu đa dạng. Trong khu ẩm thực, còn ít các món ăn đặc sắc của Nam Bộ. Vấn đề vệ sinh trên sàn chợ tại các khu vực ẩm thực chưa được quan tâm đúng mức (nền chợ còn bẩn). Hệ thống thông khí trên nóc chợ yếu nên khách du lịch cảm thấy ngột ngạt khi chợ đông người.
- Chợ Lớn (Chợ Bình Tây)
Đây là một trong những điểm tham quan chính khi khách du lịch đến khu vực Chợ Lớn. Hàng năm, chợ thu hút trên 120.000 lượt khách nước ngoài đến tham quan và mua sắm [39]. Khách du lịch đến đây với nhiều mục đích khách nhau như tham quan, tìm hiểu sinh hoạt của cộng đồng địa phương, mua sắm hàng hóa (khách du lịch Malaysia và Indonesia rất thích mua vải vóc). Một số khách du lịch còn kết hợp thưởng thức các món ăn, đồ uống truyền thống của người Hoa. Các giá trị du lịch được khai thác gồm giá trị lịch sử, giá trị kiến trúc nghệ thuật, giá trị sử dụng. Kết quả điều tra về ẩm thực truyền thống cho thấy, chỉ 58,3 % (n =30) khách du lịch cho rằng các món ăn hấp dẫn. Trong đó, yếu tố được nhiều khách du lịch đồng ý là món ăn đa dạng. Yếu tố món ăn ngon không được khách du lịch đánh giá cao. SPDL gắn với điểm tham quan này là du lịch văn hóa và du lịch ẩm thực.
Vào thời điểm tác giả khảo sát, hoạt động khai thác du lịch tại Chợ Lớn bộc lộ một số hạn chế: (1) Thiếu lực lượng trật tự viên để hướng dẫn khách du lịch từ Bến xe Chợ Lớn qua đường Tháp Mười; (2) Lối đi lại trong Chợ chật hẹp; (3) Ở khu vực ăn uống, sàn chợ ẩm thấp (nhất vào mùa mưa, khi cống thoát nước tại đường Phạm Văn Khỏe quá tải); (4) Các thùng thu gom rác để sau lưng tượng Quách Đàm gây phản cảm cho du khách. Hiện nay (2018), Chợ Lớn đã ngưng hoạt động để tu bổ và
gia cố. Hy vọng sau khi hoàn thành, một số hạn chế vừa nêu sẽ được khắc phục.
- Công viên 23 tháng 9
Đây là địa điểm có sự kết hợp cao độ trong khai thác các loại TNDLNV khác nhau. Trước đây, vai trò chủ yếu của công viên là địa điểm tổ chức các sự kiện đặc biệt. Tiêu biểu hơn cả là sự kiện Liên hoan Ẩm thực Món ngon các nước và Ngày hội du lịch TPHCM. Thời gian gần đây, các hoạt động du lịch tại công viên đa dạng và thường xuyên hơn nhờ có các chương trình biểu diễn nghệ thuật (tổ chức tại Sân khấu Sen Hồng). Trong khu chợ ẩm thực và mua sắm Sense Market (dưới lòng đất) có các cửa hàng bán thức ăn, đồ uống mang phong cách ẩm thực đường phố châu Á. Nơi đây cũng bán các sản phẩm nghề truyền thống phục vụ nhu cầu quà tặng của khách du lịch.
Kết quả điều tra cho thấy, chỉ 60% (n =30) khách du lịch cho rằng nội dung tham quan hấp dẫn. Trong đó, yếu tố được được nhiều khách đồng ý là trò chơi hấp dẫn, tiết mục trình diễn sinh động và món ăn đa dạng. SPDL tiêu biểu ở đây gồm du lịch văn hóa, du lịch MICE và du lịch ẩm thực.
Điểm hạn chế trong khai thác nguồn TNDLNV ở đây mỗi khi diễn ra các sự kiện đặc biệt là sự quá tải về bãi đỗ xe, thiếu các công trình vệ sinh công cộng, thiếu các chốt hướng dẫn khách du lịch, nhiễu loạn tiếng ồn do mở loa với công xuất lớn giữa các doanh nghiệp du lịch.
- CVVH Đầm Sen
Trong năm 2016, có khoảng 1,3 triệu lượt khách đến công viên [17]. Tuy vậy, chủ yếu là khách du lịch trong nước. Vì có sức chứa lớn nên ngoài việc tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí, công viên còn là nơi tổ chức các sự kiện đặc biệt. Tiêu biểu hơn cả là Liên hoan Ẩm thực Đất Phương Nam. Trải qua 06 lần tổ chức, cách thức chế biến và trình bày các món ăn trong Liên hoan ẩm thực ngày càng đa dạng. SPDL tiêu biểu ở đây gồm du lịch văn hóa, du lịch MICE, du lịch ẩm thực.
Góp phần tạo sự phong phú của nội dung tham quan ở đây cần kể đến sự hiện diện của nghệ thuật tò he. Loại hình nghệ thuật này được giới thiệu thường xuyên cho khách du lịch từ năm 2002 đến nay. Những năm đầu, khách du lịch nước ngoài mua làm kỷ niệm khá nhiều. Càng về sau này (từ năm 2005 trở lại đây) khách du
lịch ít mua hơn. Anh Nguyễn Văn Bảy - Nghệ nhân nặn tò he tại công viên giải thích rằng do bột gạo nếp để vài ngày sẽ lên men, làm biến dạng hình nặn ban đầu và gây mất vệ sinh nên khách du lịch ít mua làm kỷ niệm. Tuy vậy, họ vẫn thấy thích thú khi được xem các nghệ nhân trực tiếp nặn biểu diễn (CVVH Đầm Sen, Ngày 02/05/2015).
Kết quả điều tra cho thấy, chỉ 73,3% (n =30) khách du lịch cho rằng nội dung tham quan hấp dẫn. Trong đó, yếu tố được được nhiều khách du lịch cho là hấp dẫn là trò chơi hấp dẫn, phong cảnh đẹp, món ăn đa dạng, món ăn ngon.
Cùng với những kết quả đạt được, công viên còn một số hạn chế: (1) Giá vé trong các khu vui chơi giải trí nhìn chung còn cao; (2) Thiếu các điểm (chốt) giải đáp thông tin cho khách du lịch vào các ngày lễ, sự kiện đặc biệt; (3) Việc sắp xếp các gian hàng theo chủ đề ẩm thực còn nhiều bất cập (như các gian hàng bán món nướng có khói nghi ngút được sắp xếp đầu hướng gió); (4) Công trình vệ sinh bố trí xa nhau nên du khách phải đi xa mới tiếp cận được; (5) Các trò chơi giải trí chưa thực sự đa dạng;...
- CVVH Suối Tiên
Công viên cách xa Trung tâm Thành phố nhưng nằm trên QL1A nên rất thuận tiện cho việc di chuyển và tiếp cận tham quan của khách du lịch. Mở cửa đón khách từ năm 1995, đến nay CVVH Suối Tiên đón khách du lịch đông nhất so với các công viên khác triên địa bàn Thành phố. Năm 2016, Công viên đón khoảng 4,5 triệu lượt khách [15].
Các giá trị du lịch đang được khai thác chủ yếu ở đây là giá trị lịch sử, giá trị giáo dục (gắn với Lễ Giỗ tổ Hùng Vương), giá trị vui chơi giải trí và giá trị cảnh quan. Kết quả điều tra cho thấy, 80% (n =30) khách du lịch cho rằng nội dung tham quan hấp dẫn. Trong đó, yếu tố được được nhiều khách du lịch cho là hấp dẫn gồm tiết mục trình diễn, trò chơi, kiến trúc công trình. SPDL tiêu biểu ở đây là du lịch văn hóa, du lịch giáo dục, du lịch lễ hội và tâm linh, du lịch MICE.
Hoạt động du lịch tại đây còn một số bất cập cần được khắc phục. Cụ thể: (1) Thiếu các chính sách giảm giá vé đối với khách du lịch đi theo nhóm lớn; (2) Giá
dịch vụ ăn uống vào dịp lễ hội và sự kiện đặc biệt còn cao; (3) Các công trình vệ sinh bố trí chưa hợp lý.
- Dinh Độc Lập
Dinh Độc Lập hiện là điểm du lịch trọng yếu ở TPHCM, với hơn 1 triệu lượt khách đến tham quan mỗi năm.
Trong những năm qua (đặc biệt từ cuối năm 2013), nội dung và lộ trình tham quan đã có nhiều thay đổi. Trước đây, khách du lịch phải đợi đủ số lượng (từ 50 - 100 khách) mới được HDV tại điểm tổ chức giới thiệu. Hiện nay, nhờ sự hỗ trợ của các bảng giới thiệu và biển chỉ dẫn, khách du lịch có thể tự do tham quan. Khi đến khu vực nào sẽ có bảng giới thiệu về khu vực đó (với ba ngôn ngữ là tiếng Việt, Anh, Pháp). Các bảng chỉ dẫn về hướng đi cũng được thiết kế theo tiêu chuẩn quốc tế nên khá tiện lợi cho việc di chuyển của khách du lịch nước ngoài.
Kết quả điều tra cho thấy, 80% (n =30) khách du lịch cho rằng nội dung tham quan độc đáo và 73,3% cho rằng nội dung tham quan hấp dẫn. Trong đó, yếu tố được được nhiều khách cho là hấp dẫn là kiến trúc, hệ thống đường hầm, nội thất và cổ vật. Như vậy, giá trị lịch sử và giá trị kiến trúc nghệ thuật đang được thai thác tốt tại nơi này. SPDL gắn với điểm du lịch này là du lịch văn hóa và du lịch thăm chiến trường xưa.
Tuy nhiên, hoạt động du lịch tại đây còn một số hạn chế như: (1) Đóng cửa vào giữa trưa; (2) Ở các cổng phụ không có bảng chỉ dẫn hướng di chuyển gần nhất tới cổng chính để mua vé (nhiều khách du lịch phải đi lòng vòng vì không rõ hướng di chuyển gần nhất); (3) Số lượng quầy bán vé vào cổng tham quan còn ít nên gây quá tải vào ngày cao điểm; (4) Hệ thống thông khí trong đường hầm có xu hướng quá tải, gây cảm giác ngột ngạt khi đông khách; (5) Khách du lịch chưa biết rõ thời gian giữa các lần thuyết minh và khu vực thuyết minh tập thể; (6) Giá vé dành cho học sinh, sinh viên và cựu chiến binh còn cao.
- Đường hoa xuân Nguyễn Huệ
Đây là sự kiện đặc biệt được đầu tư quy mô nhất tại TPHCM. Năm 2016, Đường hoa xuân Nguyễn Huệ thu hút hơn 1 triệu lượt khách [85]. Kể từ năm đầu tiên triển khai (2004) đến nay (2017), nội dung tham quan được thay đổi hàng năm.
Các tiểu cảnh đã chuyển từ nghệ thuật sắp đặt thủ công sang thiết kế theo bản vẽ trước khi triển khai. Những năm gần đây còn có sự kết hợp các loại hình nghệ thuật truyền thống trên đường hoa.
Các giá trị du lịch tiêu biểu đang được khai thác gồm giá trị kiến trúc nghệ thuật, giá trị vui chơi và giải trí, giá trị cảnh quan. Kết quả điều tra cho thấy, có 83,3% (n =30) khách du lịch cho rằng nội dung tham quan hấp dẫn, đặc biệt là phong cảnh đẹp và chủ đề trưng bày đa dạng. SPDL gắn với địa điểm này là du lịch văn hóa và du lịch MICE.
Những hạn chế trong khai thác du lịch tại đây gồm: (1) Thiếu ghế ngồi nghỉ chân; (2) Các bãi giữ xe chưa được quy hoạch bài bản (hiện tại vẫn tự phát); (3) Sự gắn kết chưa cao giữa lễ hội hoa xuân với các chương trình nghệ thuật truyền thống (múa rối nước, đờn ca tài tử,...) và ẩm thực truyền thống (bán đồ truyền thống).
- Khu DTLS Địa đạo Củ Chi
Hàng năm, Khu DTLS Địa đạo Củ Chi thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan. Riêng Khu địa đạo Bến Đình hàng ngày đón tiếp trên 700 lượt khách [61, tr.37]. Hiện nay, Khu DTLS Địa đạo Củ Chi đã có nhiều thay đổi trong cách trưng bày và giới thiệu theo hướng kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Ngoài hoạt động tham quan, khách du lịch còn được thưởng thức ẩm thực truyền thống, tham gia hoạt động giải trí (bắn súng thật).
Giá trị du lịch đang khai thác chủ yếu ở đây là giá trị lịch sử và giá trị vui chơi giải trí. Kết quả điều tra cho thấy, 90% (n =30) khách du lịch cho rằng nội dung tham quan hấp dẫn. Trong đó, hấp dẫn nhất là hệ thống đường hầm. SPDL đang được kết hợp khai thác gồm du lịch văn hóa, du lịch giáo dục, du lịch thăm chiến trường xưa.
Một số hạn trong hoạt động du lịch nơi đây là: (1) Không cung cấp thông tin về khoảng cách trong các bảng chỉ dẫn hướng di chuyển đến điểm du lịch; (2) Chưa có chính sách miễn giảm giá vé vào cổng tham quan một cách hợp lý đối với học sinh, sinh viên và cựu chiến binh; (3) Bãi đỗ xe máy bố trí xa điểm tham quan gây bất tiện cho khách khi di chuyển; (4) Thiếu ghế nghỉ chân trên các lối đi chính; (5) Nhà vệ sinh quá tải vào các ngày lễ lớn.