Thời Điểm Hiệu Lực Của Hợp Đồng Bảo Hiểm Hàng Hóa Vận Chuyển Bằng Đường Biển Quốc Tế

Từ khái niệm hợp đồng bảo hiểm trong Bộ luật dân sự; Luật kinh doanh bảo hiểm và khái niệm hợp đồng bảo hiểm hàng hải trong Bộ luật hàng hải nói trên, có thể hiểu: Hợp đồng bảo hiểm hàng hóa vận chuyển bằng đường biển quốc tế là sự thỏa thuận bằng văn bản giữa người mua bảo hiểm và người bảo hiểm, theo đó người mua bảo hiểm phải trả phí bảo hiểm còn người bảo hiểm phải bồi thường cho người được bảo hiểm khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra cho hàng hóa được bảo hiểm trong suốt hành trình được bảo hiểm.

Thông thường, hành trình được bảo hiểm bắt đầu từ kho của người bán (người xuất khẩu) đến kho của người mua (người nhập khẩu). Như vậy, ngoài hành trình trên biển, hàng hóa còn được bảo hiểm cả trên quãng đường vận chuyển bộ từ kho người bán đến cảng bốc hàng và từ cảng dỡ hàng đến kho của người mua.

Hợp đồng bảo hiểm hàng hóa vận chuyển bằng đường biển quốc tế thường được chia thành hai loại là hợp đồng bảo hiểm chuyến và hợp đồng bảo hiểm bao.

Hợp đồng bảo hiểm chuyến là hợp đồng bảo hiểm cho một lô hàng trên một chuyến hành trình từ địa điểm này đến địa điểm khác. Đây là loại hợp đồng "tường minh" nhất bởi lẽ những thông tin về đối tượng bảo hiểm như: tên hàng, số lượng xếp xuống tàu, đặc điểm nhận biết, giá trị bảo hiểm, phí bảo hiểm... cũng như những thông tin về phương tiện vận chuyển, hành trình như: tên tàu, chủ tàu, cảng xếp hàng, ngày xếp hàng... đều được thể hiện rõ trong hợp đồng bảo hiểm.

Hợp đồng bảo hiểm bao là hợp đồng bảo hiểm trọn gói, được áp đối với đối tượng bảo hiểm là một loại hàng hóa hoặc một số hàng hóa mà người được bảo hiểm gửi đi hoặc nhận được trong một khoảng thời gian nhất định (thường là 1 năm). Hợp đồng bảo hiểm bao thường áp dụng cho các khách hàng nhập khẩu thường xuyên với khối lượng hàng hóa lớn từ nhiều cảng, nhiều nơi trên thế giới hay với lô hàng lớn, vận chuyển giao hàng nhiều lần. Khác với hợp đồng bảo hiểm chuyến, khi giao kết hợp đồng bảo hiểm bao có nhiều thông tin liên quan đến hợp đồng người bảo hiểm chưa được biết. Chính vì lẽ đó mà hợp đồng bảo hiểm bao được coi là một dạng hợp đồng nguyên tắc trong đó các bên thỏa thuận các điều khoản làm cơ sở cho việc tính giá trị bảo hiểm, phí bảo hiểm tương ứng với những điều kiện bảo hiểm, phương thức thanh toán phí, cam kết về phương tiện chuyên chở... Với mỗi chuyến hàng bên mua bảo hiểm phải có nghĩa vụ cung cấp những thông tin mà bên bảo hiểm

yêu cầu và theo yêu cầu của bên mua bảo hiểm, bên bảo hiểm phải cấp giấy chứng nhận bảo hiểm cho từng chuyến hàng mà bên mua bảo hiểm nhập (xuất).

Trong thực tiễn kinh doanh, do mang lại nhiều lợi ích và ưu thế hơn so với hợp đồng bảo hiểm chuyến nên hợp đồng bảo hiểm bao luôn được các doanh nghiệp bảo hiểm khuyến khích áp dụng. Hợp đồng bảo hiểm bao phù hợp đối với những khách hàng có khối lượng hàng hóa nhập, xuất lớn trong năm. Hợp đồng bảo hiểm bao được ký kết và thực hiện trên tinh thần thiện chí.

2.1.2. Thời điểm hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm hàng hóa vận chuyển bằng đường biển quốc tế

Thông thường hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm được quy định bắt đầu từ một thời điểm này và kết thúc tại một thời điểm khác. Chẳng hạn, một hợp đồng bảo hiểm xe cơ giới bắt đầu từ 10 giờ ngày 01/10/2006 đến 10 giờ ngày 01/10/2007.

Khác với nhiều loại hợp đồng bảo hiểm thông thường, quy định về hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm hàng hóa vận chuyển bằng đường biển lại nghiêng về giới hạn không gian hơn là giới hạn thời gian.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 108 trang tài liệu này.

Theo quy định của Quy tắc chung về bảo hiểm hàng hóa vận chuyển bằng đường biển do Bộ Tài chính Việt Nam ban hành năm 1990, hợp đồng bảo hiểm hàng hóa vận chuyển bằng đường biển bắt đầu có hiệu lực từ khi hàng rời kho hay nơi chứa hàng tại địa điểm ghi trong hợp đồng bảo hiểm để bắt đầu vận chuyển và tiếp tục có hiệu lực trong suốt quá trình vận chuyển bình thường. Hợp đồng bảo hiểm kết thúc hiệu lực tại một trong số các thời điểm sau đây, tùy thời điểm nào đến trước:

- Khi giao hàng vào kho hay nơi chứa hàng cuối cùng đã thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

Hợp đồng bảo hiểm hàng hóa vận chuyển bằng đường biển quốc tế - 5

- Khi giao hàng vào kho hay bất kỳ nơi chứa hàng nào khác mà người được bảo hiểm chọn dùng làm nơi chia hay phân phối hàng hoặc nơi chứa hàng ngoài quá trình vận chuyển bình thường.

- Khi hết hạn 60 ngày kể từ ngày hoàn thành việc dỡ hàng tại cảng đến.

- Khi hàng được giao vào bất kỳ kho hay nơi chứa hàng nào khác với nơi nhận do nhầm lẫn.

Cần lưu ý rằng, hợp đồng bảo hiểm sẽ kết thúc hiệu lực khi hàng được giao vào kho hay nơi chứa hàng cuối cùng, do đó tổn thất của cả lô hay của từng kiện sau khi động tác bốc dỡ cả lô hay của từng kiện ấy đã thực hiện xong tại nơi nhận đó sẽ không thuộc trách nhiệm của người bảo hiểm. Nói cách khác, không có bảo hiểm cho hàng hóa ở trong những kho này. Như vậy, về không gian, hàng hóa được bảo hiểm trong suốt quá trình vận chuyển từ kho đi tới kho đến. Do đó chủ hàng chỉ cần thu xếp một hợp đồng bảo hiểm mà hàng hóa vẫn được bảo hiểm cả quá trình vận chuyển trên biển lẫn trong quá trình vận chuyển trên bộ ở hai đầu cảng đi và cảng đến.

Một điểm đáng lưu ý là, mặc dù theo quy định chung, hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực từ kho người bán đến kho người mua song pháp luật Việt Nam cũng như các nước đều không ngăn cấm chủ hàng và người bảo hiểm thỏa thuận để bảo hiểm cho hàng hoá chỉ trong hành trình vận chuyển trên biển mà thôi. Thực tế, có không ít hợp đồng bảo hiểm hàng hóa vận chuyển biển quốc tế được ký kết tại các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam để bảo hiểm cho hàng hóa kể từ khi được xếp xuống tàu cho đến khi dỡ ra khỏi tàu biển tại cảng đến.

Quy định về hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm trong Quy tắc chung về bảo hiểm hàng hóa vận chuyển bằng đường biển do Bộ Tài chính Việt Nam ban hành năm 1990 không có gì khác biệt so với "điều khoản vận chuyển" và điều khoản "đảm bảo mở rộng" trong các điều kiện bảo hiểm do ủy ban Kỹ thuật và điều khoản - Học hội bảo hiểm London ban hành năm 1963 và năm 1982.

2.1.3. Hình thức của hợp đồng bảo hiểm hàng hóa vận chuyển bằng đường biển


Cũng như pháp luật của các quốc gia khác, pháp luật bảo hiểm Việt Nam quy định hình thức của mọi hợp đồng bảo hiểm là bằng văn bản. Có thể minh chứng qua các điều của Bộ luật dân sự, Bộ luật hàng hải và Luật kinh doanh bảo hiểm dưới đây.

Điều 570 Bộ luật dân sự 2005 quy định: "Hợp đồng bảo hiểm phải được lập thành văn bản. Giấy yêu cầu bảo hiểm có chữ ký của bên mua bảo hiểm là bộ phận không tách rời của

hợp đồng bảo hiểm. Giấy chứng nhận bảo hiểm hoặc đơn bảo hiểm là bằng chứng của việc giao kết hợp đồng bảo hiểm" [18].

Tuy không quy định riêng trong một điều luật về hình thức của hợp đồng bảo hiểm hàng hải song tại khoản 3 Điều 224 Bộ luật hàng hải Việt Nam 2005 có quy định: "Hợp đồng bảo hiểm hàng hải phải được giao kết bằng văn bản" [2].

Trong Luật kinh doanh bảo hiểm, tại Điều 14 có quy định: "Hợp đồng bảo hiểm phải được lập thành văn bản. Bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm là giấy chứng nhận bảo hiểm, đơn bảo hiểm, điện báo, telex, fax và các hình thức khác do pháp luật quy định" [4].

Không phải là ngoại lệ, hợp đồng bảo hiểm hàng hóa vận chuyển bằng đường biển quốc tế cũng phải thể hiện bằng văn bản.

Vì nhiều lý do khác nhau như: tiện lợi trong việc quản lý, xuất trình khi cần thiết, thuận tiện, tiết kiệm cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm…, mà trong nhiều nghiệp vụ bảo hiểm, người bảo hiểm sử dụng giấy chứng nhận bảo hiểm, đơn bảo hiểm làm bằng chứng pháp lý cho việc giao kết hợp đồng bảo hiểm.

Trong bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu vận chuyển bằng đường biển, đơn bảo hiểm được sử dụng khá phổ biến và là yếu tố quan trọng không thể thiếu trong bảo hiểm hàng hải nói chung, bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu nói riêng. Theo Điều 22-MIA 1906 quy định: "Một hợp đồng bảo hiểm hàng hải không được chấp nhận là một bằng chứng trừ khi được thể hiện trong một đơn bảo hiểm hàng hải phù hợp với luật này". Đơn bảo hiểm có thể được phát hành vào lúc hợp đồng được ký kết hoặc sau đó.

Hợp đồng thương mại nói chung, là văn bản được pháp luật công nhận, là một bằng chứng về sự thỏa thuận giữa các bên tham gia hợp đồng về những vấn đề kinh tế nêu trong nội dung hợp đồng. Đối với bảo hiểm hàng hóa và một số nghiệp vụ bảo hiểm khác thì theo tập quán nhiều khi có thể không cần một văn bản như vậy, sự thỏa thuận giữa người được bảo hiểm và người bảo hiểm có thể được thể hiện trên đơn bảo hiểm. Tuy vậy, nếu chỉ một đơn bảo hiểm không thôi thì tự nó chưa đảm bảo đầy đủ các tính chất (tính tán thành, tính phải trả tiền, tính chấp thuận…) và nội dung chi tiết của hợp đồng bảo hiểm. Một bộ hồ sơ đầy đủ bao gồm: giấy chứng nhận bảo hiểm, đơn bảo hiểm, các điều kiện và điều khoản ghi

trên và kèm theo đơn bảo hiểm sẽ thỏa mãn nhu cầu này và theo tập quán nó được coi như một hợp đồng bảo hiểm đầy đủ để tranh chấp trước tòa.

Hiện nay, trên thế giới thường sử dụng mẫu đơn bảo hiểm hàng hóa -Marine Cargo Insuarance Policy Form 1991 (MAR Form 1991) hoặc một đơn bảo hiểm nào đó được mô phỏng theo nội dung và hình thức của nó. Trong MAR 1991 gồm có một vài dòng chứng nhận rằng người bảo hiểm đồng ý nhận bảo hiểm với điều kiện được trả một khoản phí bảo hiểm, các chi tiết về đối tượng được bảo hiểm, giá trị bảo hiểm, phí bảo hiểm, các thông tin liên quan đến rủi ro, các điều kiện, điều khoản, bảo hiểm, các cam kết công khai và các điều khoản đặc biệt khác được mô tả trong phần "Schedule". Các điều khoản, điều kiện bảo hiểm, bằng nội dung của bản thân nó đã nói lên phạm vi bảo hiểm, được đính kèm và là một bộ phận của đơn bảo hiểm.

Đơn bảo hiểm có thể được cấp theo các hình thức: đơn bảo hiểm chuyến; đơn bảo hiểm thời hạn; đơn bảo hiểm định giá; đơn bảo hiểm không định giá.

Người có quyền lợi đối với đối tượng bảo hiểm, có thể chuyển nhượng đơn bảo hiểm (trừ trường hợp trong đơn có thỏa thuận về cấm chuyển nhượng) trước hoặc sau khi có tổn thất xảy ra đối với đối tượng bảo hiểm. Đây là sự khác biệt giữa bảo hiểm hàng hải so với các hoạt động bảo hiểm khác. Việc chuyển nhượng đơn bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hải nói chung và bảo hiểm hàng hóa vận chuyển bằng đường biển nói riêng, là cần thiết vì hàng hóa được bảo hiểm có thể thay đổi chủ sở hữu nhiều lần trong một hành trình. Việc chuyển nhượng đơn bảo hiểm hàng hải được quy định rõ tại Điều 50 - MIA1906 và Điều 235 Bộ luật hàng hải Việt Nam 2005:

Đơn bảo hiểm hàng hải có thể được chuyển nhượng, trừ trường hợp trong đơn bảo hiểm có thỏa thuận về cấm chuyển nhượng. Đơn bảo hiểm có thể chuyển nhượng trước hoặc sau khi có tổn thất xảy ra với đối tượng bảo hiểm.

Người không có quyền lợi trong đối tượng bảo hiểm thì không được chuyển nhượng đơn bảo hiểm [2].

Trong một số trường hợp như: khi hành trình hàng hóa đã mua bảo hiểm nhưng không được thực hiện hoặc không thể thực hiện vì những lý do hợp lý (do sự thay đổi về thị trường, những biến động về chính trị, chính sách cấm vận…); do người được bảo hiểm vi

phạm các cam kết hoặc man trá trong khai báo rủi ro… thì đơn bảo hiểm sẽ bị hủy bỏ và tùy vào từng trường hợp cụ thể người bảo hiểm có thể phải hoàn phí bảo hiểm hoặc không phải hoàn phí cho người được bảo hiểm.


2.2. Đặc trưng và cơ sở pháp lý của hợp đồng bảo hiểm hàng hóa vận chuyển bằng đường biển quốc tế

2.2.1. Đặc trưng của hợp đồng bảo hiểm hàng hóa vận chuyển bằng đường biển

quốc tế


So với những hợp đồng khác, hợp đồng bảo hiểm nói chung hợp đồng bảo hiểm

hàng hóa vận chuyển bằng đường biển quốc tế nói riêng có những nét đặc trưng riêng, đó là:


- Hợp đồng bảo hiểm hàng hóa vận chuyển bằng đường biển quốc tế là loại hợp đồng có yếu tố nước ngoài

Hợp đồng bảo hiểm hàng hóa vận chuyển bằng đường biển quốc tế là loại hợp đồng có yếu tố nước ngoài. Sở dĩ như vậy bởi lẽ hợp đồng bảo hiểm này có mối quan hệ mật thiết với hợp đồng ngoại thương. Các chủ thể của hợp đồng mua bán ngoại thương ở các nước khác nhau, có ngôn ngữ, luật pháp, tập quán và thói quen buôn bán khác nhau. Do đó, các chủ thể của hợp đồng bảo hiểm hàng hóa vận chuyển bằng đường biển quốc tế có thể là người nước ngoài. Bên cạnh đó, người vận chuyển có thể là hãng tàu của chính nước nhập khẩu, nước xuất khẩu hoặc nước thứ ba. Quá trình vận chuyển hàng hóa thường qua lãnh hải của nhiều quốc gia. Chính vì vậy, trong một chừng mực nhất định, yếu tố nước ngoài luôn chi phối đến các khía cạnh kỹ thuật và pháp lý của hợp đồng bảo hiểm hàng hóa vận chuyển bằng đường biển quốc tế.

- Hợp đồng bảo hiểm hàng hóa vận chuyển bằng đường biển quốc tế là loại hợp đồng song vụ.

Khác với dạng hợp đồng đơn vụ, trong hợp đồng bảo hiểm hàng hóa, hai bên trong hợp đồng bảo hiểm đều có nghĩa vụ đối với nhau. Nghĩa vụ bồi thường bảo hiểm của bên bảo hiểm tương xứng với nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm của bên được bảo hiểm; nghĩa vụ giải thích các điều kiện, điều khoản của hợp đồng bảo hiểm đi đôi với nghĩa vụ kê khai thông tin của bên được bảo hiểm ... Nghĩa vụ của các bên trong quá trình giao kết và thực hiện hợp

đồng bảo hiểm hàng hóa vận chuyển được Luật kinh doanh bảo hiểm quy định tại các điều 17, 18. Tuy nhiên, pháp luật kinh doanh bảo hiểm cũng không ngăn cấm các bên trong hợp đồng có những thỏa thuận riêng.

- Hợp đồng bảo hiểm hàng hóa vận chuyển bằng đường biển quốc tế là loại hợp đồng mở sẵn, tùy thuộc (hợp đồng theo mẫu)

Mẫu hợp đồng bảo hiểm được đưa ra bởi bên bảo hiểm - người bảo hiểm soạn thảo sẵn các điều khoản cơ bản của hợp đồng bảo hiểm. Khi giao kết hợp đồng bảo hiểm, đối với phần điều kiện chung, người tham gia bảo hiểm chỉ có thể chấp thuận toàn bộ hoặc không giao kết hợp đồng bảo hiểm. Người tham gia bảo hiểm chỉ có thể đàm phán để thỏa thuận về các điều khoản riêng của hợp đồng như: giới hạn hành trình được bảo hiểm, số tiền bảo hiểm, phí bảo hiểm ...

Chính vì đặc trưng này mà trong hợp đồng bảo hiểm, nếu có điều khoản nào đó không rõ ràng thì bên bảo hiểm phải chịu bất lợi khi giải thích điều khoản đó.

- Hợp đồng bảo hiểm hàng hóa vận chuyển bằng đường biển quốc tế là loại hợp đồng bồi thường

Cũng như mọi hợp đồng bảo hiểm thiệt hại khác, hợp đồng bảo hiểm hàng hóa vận chuyển bằng đường biển là loại hợp đồng bồi thường. Thực chất, để đổi lấy khoản phí bảo hiểm của người mua bảo hiểm, người bảo hiểm phải cung cấp cho người được bảo hiểm một loại dịch vụ đặc biệt. Đó là cam kết bồi thường khi xảy ra sự kiện bảo hiểm gây thiệt hại cho người được bảo hiểm. Việc thanh toán tiền bồi thường trong trường hợp này có mục đích bù đắp những tổn thất và chi phí mà người được bảo hiểm phải gánh chịu khi hàng hóa của họ gặp rủi ro trong quá trình vận chuyển và bốc dỡ. Căn cứ để người bảo hiểm thực hiện nghĩa vụ bồi thường là thiệt hại thực tế của người được bảo hiểm, các quy định của pháp luật liên quan và các thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

- Hợp đồng bảo hiểm hàng hóa vận chuyển bằng đường biển quốc tế là một hợp đồng "tín nhiệm"

Hợp đồng bảo hiểm chỉ có giá trị pháp lý khi việc xác lập hợp đồng được tiến hành trên cơ sở các thông tin trung thực của các bên. Trung thực, thiện chí trong việc thực hiện nghĩa vụ và quyền thỏa thuận trong hợp đồng là điều kiện tiên quyết cho việc duy trì hợp

đồng bảo hiểm. Hợp đồng bảo hiểm bị vô hiệu hoặc buộc phải chấm dứt vì những hành vi gian lận, ý đồ trục lợi bảo hiểm của người được bảo hiểm.

- Hợp đồng bảo hiểm hàng hóa vận chuyển bằng đường biển quốc tế chịu sự điều chỉnh của một hệ thống các quy định pháp lý phức tạp

Bảo hiểm hàng hóa vận chuyển bằng đường biển quốc tế chịu sự điều chỉnh của một hệ thống các quy phạm pháp luật khá phức tạp. Hệ thống các quy phạm pháp luật này được quy định trong Luật hàng hải quốc gia, Luật hàng hải Anh quốc, các Điều ước quốc tế, các điều kiện thương mại quốc tế... Những quy phạm pháp luật liên quan đến nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên trong quan hệ mua bán, vận chuyển được đề cập trong các nguồn luật này có liên quan chặt chẽ tới việc giao kết, thực hiện và giải quyết tranh chấp về hợp đồng bảo hiểm hàng hóa vận chuyển bằng đường biển.


2.2.2 Cơ sở pháp lý của hợp đồng bảo hiểm hàng hóa vận chuyển bằng đường biển quốc tế

Như đã đề cập ở trên, hợp đồng bảo hiểm hàng hóa vận chuyển bằng đường biển quốc tế chịu sự điều chỉnh bởi một hệ thống các quy định pháp lý phức tạp. Trong thực tế, có những tình huống phát sinh khi thực hiện hợp đồng bảo hiểm hàng hóa vận chuyển bằng đường biển liên quan đến nhiều chủ thể thuộc các quốc gia khác nhau. Điều đó đòi hỏi phải có một sự nghiên cứu, hiểu biết và vận dụng một cách phù hợp các nguồn luật chi phối đến hợp đồng của người bảo hiểm.

2.2.2.1. Các điều kiện thương mại quốc tế và nghĩa vụ của người mua, người bán trong thương mại quốc tế

Trong thương mại quốc tế, người mua, người bán ở những nước khác nhau có ngôn ngữ, luật pháp, tập quán và thói quen buôn bán cũng thường khác nhau. Chính vì vậy, để giúp cho các bên có thể dễ dàng xác lập và thống nhất được nghĩa vụ đối với nhau trong giao dịch mua bán, cần thiết phải có những chuẩn mực quốc tế.

Những chuẩn mực quốc tế nói trên được quy định trong "Các điều kiện thương mại quốc tế" (INCOTERMS). Incoterms do Phòng Thương mại Quốc tế (ICC) ban hành lần đầu tiên vào năm 1936 và từ đó đến nay đã trải qua nhiều lần sửa đổi. Ngay từ lần ban hành đầu tiên, các điều kiện thương mại quốc tế đã được giới thương gia ở nhiều nước

Xem tất cả 108 trang.

Ngày đăng: 30/06/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí