Hợp đồng bảo hiểm hàng hóa vận chuyển bằng đường biển quốc tế - 1

LUẬN VĂN Hợp đồng bảo hiểm hàng hóa vận chuyển bằng đường biển quốc 1


LUẬN VĂN:


Hợp đồng bảo hiểm hàng hóa vận chuyển bằng đường biển quốc tế

Mở đầu


1. Lý do lựa chọn đề tài


Bảo hiểm hàng hóa vận chuyển bằng đường biển quốc tế có vai trò hết sức quan trọng trong hoạt động ngoại thương của các quốc gia, đặc biệt là những nước mà vận tải biển là phương thức vận tải chủ yếu trong thương mại quốc tế như ở Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 108 trang tài liệu này.

Bảo hiểm hàng hóa vận chuyển bằng đường biển quốc tế chịu sự điều chỉnh của một hệ thống quy phạm pháp luật hết sức phức tạp. Tính chất quốc tế của việc vận chuyển hàng hóa bằng đường biển đòi hỏi một sự tương thích nhất định giữa luật bảo hiểm hàng hải của mỗi quốc gia với các chuẩn mực tiên tiến về bảo hiểm hàng hải quốc tế.

Cũng như nhiều nước trên thế giới, bảo hiểm hàng hóa vận chuyển bằng đường biển ở Việt Nam là một nghiệp vụ bảo hiểm hàng hải, do đó nó được điều chỉnh trước tiên bởi Bộ luật hàng hải Việt Nam. Bộ luật hàng hải Việt Nam đầu tiên được ban hành từ năm 1990, sau hơn 10 năm áp dụng đã nhường chỗ cho Bộ luật hàng hải Việt Nam năm 2005. Việc ban hành Bộ luật hàng hải Việt Nam 2005 trong bối cảnh nước ta đang trong giai đoạn chuẩn bị cho việc gia nhập tổ chức thương mại thế giới có một ý nghĩa to lớn. So với Bộ luật hàng hải năm 1990, Bộ luật hàng hải năm 2005 có nhiều điểm tiến bộ vượt trội. Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tiến bộ, bản thân Bộ luật này vẫn còn có những hạn chế, khiếm khuyết. Bên cạnh đó, hiện trạng thực thi pháp luật về bảo hiểm hàng hóa vận chuyển trong lĩnh vực hàng hải ở nước ta cũng đặt ra những vấn đề pháp lý cần phải giải quyết. Từ thực tiễn trên cho thấy, việc nghiên cứu một cách toàn diện những vấn đề pháp lý về hợp đồng bảo hiểm hàng hóa vận chuyển bằng đường biển quốc tế nhằm tìm ra những giải pháp và kiến nghị hữu dụng cho việc hoàn thiện pháp luật Việt Nam trong lĩnh vực này trở nên có ý nghĩa quan trọng.

Xuất phát từ những lý do trên, tác giả luận văn đã lựa chọn nghiên cứu đề tài "Hợp đồng bảo hiểm hàng hóa vận chuyển bằng đường biển quốc tế".

2. ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài

Những nghiên cứu của luận văn sẽ góp phần hoàn thiện những vấn đề lý luận về bảo hiểm hàng hóa vận chuyển bằng đường biển quốc tế trong khía cạnh pháp lý. Trên cơ sở chỉ ra những khiếm khuyết của pháp luật bảo hiểm Việt Nam trong lĩnh vực bảo hiểm hàng hóa vận chuyển bằng đường biển, những vấn đề pháp lý đặt ra qua hiện trạng thực thi pháp luật về bảo hiểm hàng hóa, kết quả nghiên cứu của luận văn là căn cứ cho việc định hướng hoàn thiện pháp luật bảo hiểm ở Việt Nam.

3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của đề tài


Mục đích:


Luận văn có mục đích làm rõ những vấn đề căn bản nhất về bảo hiểm và bảo hiểm hàng hải; đồng thời nhấn mạnh những khía cạnh pháp lý đặc thù của hợp đồng bảo hiểm hàng hóa vận chuyển bằng đường biển quốc tế.

Nhiệm vụ:


Đề đạt được mục đích trên, luận văn có nhiệm vụ:


- Chỉ ra những kết quả đạt được và những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn thực thi pháp luật về bảo hiểm hàng hóa vận chuyển bằng đường biển quốc tế tại Việt Nam và các vấn đề pháp lý đặt ra trong thực tiễn.

- Xây dựng các giải pháp và kiến nghị nhằm hướng tới một sự hoàn thiện hơn trong các quy định của pháp luật Việt Nam về bảo hiểm hàng hóa vận chuyển bằng đường biển.

4. Phạm vi và đối tượng nghiên cứu


Luận văn giới hạn phạm vi nghiên cứu trong các vấn đề pháp lý trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm hàng hóa vận chuyển bằng đường biển quốc tế. Do đó, đối tượng nghiên cứu của luận văn cũng được giới hạn ở các quy định của pháp luật Việt Nam trong lĩnh vực này, bao gồm Bộ luật hàng hải Việt Nam, Luật kinh doanh bảo hiểm, các quy tắc về bảo hiểm hàng hóa vận chuyển bằng đường biển hiện hành trong tương quan so sánh với pháp luật quốc tế và pháp luật nước ngoài.


5. Phương pháp nghiên cứu


Các phương pháp được sử dụng trong nghiên cứu của luận văn là:

- Phương pháp duy vật biện chứng, các vấn đề nghiên cứu được giải quyết từ lý luận đến thực tiễn với việc kết hợp ba quan điểm: quan điểm toàn diện, quan điểm phát triển và quan điểm lịch sử cụ thể.

- Phương pháp tổng hợp, phân tích, đối chiếu và so sánh trong các nghiên cứu từ thực tiễn đến việc xây dựng giải pháp, kiến nghị.

6. Kết cấu của luận văn


Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục, nội dung của luận văn bao gồm 3 chương:

Chương 1: Những vấn đề chung về bảo hiểm và bảo hiểm hàng hóa vận chuyển bằng đường biển quốc tế.

Chương 2: Những điểm cơ bản của hợp đồng bảo hiểm hàng hóa vận chuyển bằng đường biển quốc tế.

Chương 3: Hiện trạng thực thi và một số giải pháp hoàn thiện pháp luật Việt Nam về bảo hiểm hàng hóa vận chuyển bằng đường biển quốc tế.

Chương 1


Những vấn đề chung về bảo hiểm và bảo hiểm hàng hóa vận chuyển bằng đường biển quốc tế


1.1. Một số khái niệm cơ bản


1.1.1. Khái niệm bảo hiểm


ý tưởng tìm cách chống đỡ thiên tai, tai họa đã xuất hiện ngay từ thời kỳ cổ xưa của nền văn minh nhân loại. Việc dự trữ thức ăn có được từ săn bắn, hái lượm thời nguyên thủy có thể coi là những hành động có ý thức đầu tiên của con người nhằm bảo vệ mình trước những rủi ro, bất trắc. Hành động dự trữ thức ăn của từng cá nhân hoặc từng nhóm người thời cổ xưa xuất phát từ nhu cầu sinh tồn trong những mùa khan hiếm hoặc những ngày tháng mưa gió, rét mướt không đi kiếm ăn được. Tuy nhiên, thực tiễn cuốc sống đã dạy cho con người ý thức được rằng nguy cơ đe dọa cuộc sống của họ không chỉ là thức ăn khan hiếm hay thời tiết khắc nghiệt. Cùng với sự phát triển của xã hội, bên cạnh việc nảy sinh nhiều loại rủi ro mới thì bản thân các rủi ro truyền thống cũng trở nên đa dạng hơn và có nguy cơ vượt quá khả năng tự chống đỡ của từng cá nhân, từng gia đình, thậm chí từng tổ chức kinh tế đơn lẻ. Bắt nguồn từ thực tế phải chống chọi với nhiều loại rủi ro trong cuộc đấu tranh sinh tồn, ý tưởng bù đắp thiệt hại mà một số thành viên trong cộng đồng phải gánh chịu nhờ vào sự đóng góp từ số đông của các thành viên trong cộng đồng đã gieo mầm cho sự ra đời và phát triển của hoạt động bảo hiểm ngày nay.

ở Việt Nam hiện nay, thuật ngữ "bảo hiểm" được sử dụng chung cho cả hai loại hình: bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm phi nhân thọ. Theo Điều 7 Luật kinh doanh bảo hiểm, bảo hiểm hàng hóa vận chuyển bằng đường biển quốc tế là một trong các nghiệp vụ thuộc bảo hiểm phi nhân thọ, vì vậy mọi vấn đề lý luận và thực tiễn được đề cập trong đề tài chỉ liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ.

Nghiên cứu kho tàng lý luận về bảo hiểm có thể nhận thấy đã có nhiều tác giả đưa ra những khái niệm khác nhau về bảo hiểm.

Theo Dr.David Bland:

Bảo hiểm là một hợp đồng theo đó một bên, (gọi là công ty bảo hiểm) bằng việc thu một khoản tiền (gọi là phí bảo hiểm), cam kết thanh toán cho bên kia (gọi là người được bảo hiểm), một khoản tiền hoặc hiện vật tương đương với khoản tiền đó khi xảy ra một sự cố đi ngược lại quyền lợi của người được bảo hiểm [6, tr. 11].

Theo Từ điển thuật ngữ kinh doanh bảo hiểm do Bảo Việt phát hành năm 2002: "Bảo hiểm (Insurance) là cơ chế chuyển giao theo hợp đồng gánh nặng hậu quả của một số rủi ro thuần túy bằng cách chia sẻ rủi ro cho nhiều người cùng gánh chịu" [20].

Luật kinh doanh bảo hiểm nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Điều 3, chương 1:

Kinh doanh bảo hiểm là hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm nhằm mục đích sinh lời, theo đó doanh nghiệp bảo hiểm chấp nhận rủi ro của người được bảo hiểm, trên cơ sở bên mua bảo hiểm chấp nhận đóng phí bảo hiểm để doanh nghiệp bảo hiểm trả tiền bảo hiểm cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm [4].

Sự khác nhau trong các quan niệm về bảo hiểm xuất phát từ việc nhìn nhận bảo hiểm ở các góc độ khác nhau và cách thức tiếp cận khác nhau. Bảo hiểm là một lĩnh vực rộng lớn và phức tạp hàm chứa yếu tố kinh doanh, pháp lý, kỹ thuật nghiệp vụ đặc trưng nên khó có thể tìm được một định nghĩa hoàn hảo thể hiện được tất cả các khía cạnh đó.

Từ những nhận định trên, có thể hiểu: Bảo hiểm là sự cam kết bồi thường của người bảo hiểm đối với người được bảo hiểm được thực hiện qua hợp đồng bảo hiểm, theo đó người mua bảo hiểm chấp nhận trả phí bảo hiểm và người bảo hiểm bồi thường hoặc trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.

Khái niệm trên đã hàm chứa những điểm cốt lõi nhất về bảo hiểm kinh doanh, đó là:


- Đặc thù pháp lý của việc chuyển giao rủi ro bằng bảo hiểm là thực hiện qua hợp đồng bảo hiểm.

- Hai chủ thể đặc trưng của hợp đồng bảo hiểm là người mua bảo hiểm và người bảo hiểm (doanh nghiệp bảo hiểm);

- Qua bảo hiểm, hậu quả của rủi ro có thể xảy ra được chuyển giao từ bên mua bảo hiểm sang bên bảo hiểm theo một cơ chế đặc biệt, bên mua bảo hiểm trả phí bảo hiểm để đổi lấy "lời hứa" (cam kết) bồi thường hoặc trả tiền bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm.

- Điều kiện để doanh nghiệp thực hiện cam kết của mình là xảy ra sự kiện bảo hiểm.


Sự kiện bảo hiểm là sự kiện khách quan do các bên thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định mà khi sự kiện đó xảy ra thì doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm [4, tr. 10].


1.1.2. Phân loại bảo hiểm


Có thể phân loại hoạt động kinh doanh bảo hiểm theo nhiều tiêu thức khác nhau. Phạm vi phần này sẽ đề cập tới hai tiêu thức phân loại bảo hiểm căn bản, đó là: phân loại bảo hiểm theo đối tượng bảo hiểm và phân loại bảo hiểm theo trình tự ưu tiên áp dụng luật đối với hợp đồng bảo hiểm.

1.1.2.1. Phân loại bảo hiểm theo đối tượng bảo hiểm


Theo đối tượng bảo hiểm, toàn bộ hoạt động kinh doanh bảo hiểm được chia thành ba loại: bảo hiểm tài sản; bảo hiểm trách nhiệm dân sự và bảo hiểm con người. Có thể thấy rõ điều này qua việc phân loại tại khoản 2 Điều 12, Luật kinh doanh bảo hiểm của nước ta.

Bảo hiểm tài sản là thể loại bảo hiểm trong đó đối tượng bảo hiểm của hợp đồng bảo hiểm là tài sản và các quyền tài sản. Tài sản được bảo hiểm bao gồm nhiều chủng loại với những đặc tính riêng, do đó trong thực tế doanh nghiệp bảo hiểm phải thiết kế nhiều sản phẩm bảo hiểm tương thích với từng loại tài sản.

Bảo hiểm trách nhiệm dân sự là loại bảo hiểm trong đó người bảo hiểm nhận trách nhiệm bồi thường phần trách nhiệm dân sự - trách nhiệm bồi thường của người được bảo hiểm cho người thứ ba theo cách thức và mức độ đã thỏa thuận. Trách nhiệm bồi thường của người được bảo hiểm cho người thứ ba là một dạng trách nhiệm pháp lý bao gồm trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng và trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo hợp đồng.

Bảo hiểm con người là loại bảo hiểm trong đó tính mạng, sức khỏe, khả năng lao động và tuổi thọ của người được bảo hiểm là đối tượng bảo hiểm của hợp đồng bảo hiểm.

Trong các hợp đồng bảo hiểm con người, khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm trả một khoản tiền bảo hiểm hoặc trợ cấp định kỳ cho người thụ hưởng bảo hiểm. Khác với bảo hiểm tài sản và bảo hiểm trách nhiệm dân sự, khoản tiền doanh nghiệp bảo hiểm trả cho bên mua bảo hiểm trong các hợp đồng bảo hiểm con người thường không mang tính chất bồi thường thiệt hại mà đơn thuần chỉ là việc thực hiện cam kết của doanh nghiệp bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm.

Theo cách phân loại trên, bảo hiểm hàng hóa vận chuyển bằng đường biển quốc tế là một trong các loại hình bảo hiểm tài sản.

1.1.2.2. Phân loại bảo hiểm theo nghiệp vụ bảo hiểm


Theo nghiệp vụ bảo hiểm, Luật kinh doanh bảo hiểm Việt Nam chia hoạt động kinh doanh bảo hiểm thành hai loại bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm phi nhân thọ. Tại Điều 7 Luật kinh doanh bảo hiểm quy định bảo hiểm nhân thọ bao gồm 6 nhóm nghiệp vụ và bảo hiểm phi nhân thọ bao gồm 12 nhóm nghiệp vụ bảo hiểm sau:

1. Bảo hiểm nhân thọ bao gồm:


a) Bảo hiểm trọn đời;


b) Bảo hiểm sinh kỳ;


c) Bảo hiểm tử kỳ;


d) Bảo hiểm hỗn hợp;


đ) Bảo hiểm trả tiền định kỳ;


e) Các nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ khác do Chính phủ quy định.


2. Bảo hiểm phi nhân thọ bao gồm:


a) Bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm tai nạn con người;


b) Bảo hiểm tài sản và bảo hiểm thiệt hại;


c) Bảo hiểm hàng hóa vận chuyển đường bộ, đường biển, đường sông, đường sắt và đường không;

d) Bảo hiểm hàng không;

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 30/06/2023