hiện việc phát triển du lịch bền vững, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, kích thích đầu tư và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần xoá đói giảm nghèo ở những vùng có tiềm năng phát triển du lịch.
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hoá cao, vì vậy quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch có liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực khác nhau như văn hoá, giao thông, tài nguyên môi trường, quốc phòng, an ninh, nông nghiệp, thương mại….Việc xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách về du lịch phải phù hợp với thực tế phát triển du lịch, phù hợp với thông lệ quốc tế và tiến trình hội nhập của Việt Nam trong khu vực và quốc tế về kinh tế- xã hội nói chung và du lịch nói riêng. Các quy định pháp luật cần thể hiện những đặc thù của hoạt động dịch vụ, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, khắc phục các vi phạm trong kinh doanh, bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch, bảo vệ quyền và lợi ích của khách du lịch, các tổ chức kinh doanh du lịch.
Quy hoạch phát triển du lịch được xác định là quy hoạch ngành, bao gồm quy hoạch tổng thể phát triển du lịch được lập cho phạm vi cả nước, vùng du lịch, địa bàn du lịch trọng điểm, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, khu du lịch quốc gia (ví dụ Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam 1995- 2010, Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch thành phố Hà Nội thời kỳ 1997- 2000 và đến 2020…) và quy hoạch cụ thể phát triển du lịch được lập cho các khu chức năng trong khu du lịch quốc gia, khu du lịch địa phương, điểm du lịch quốc gia.
Do tầm quan trọng của vấn đề quy hoạch đối với phát triển du lịch và bảo vệ tài nguyên du lịch, Luật Du lịch của Việt Nam đã có những quy định cụ thể về các nguyên tắc, nội dung quy hoạch du lịch, thẩm quyền lập, phê duyệt và công bố quy hoạch du lịch tạo cơ sở pháp lý để bảo vệ, khai thác tài nguyên du lịch và đầu tư phát triển du lịch phù hợp với định hướng của nhà nước. Vấn đề quản lý và tổ chức
thực hiện quy hoạch du lịch cũng được quy định nhằm đảm bảo quy hoạch được thực thi trên thực tế.
Về chính sách đối với phát triển du lịch, Luật Du lịch của Việt Nam cũng đã thể hiện một cách rõ ràng các quan điểm của nhà nước trong việc phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong giai đoạn hiện nay. Nhà nước có chính sách khuyến khích, ưu đãi về đất đai, tài chính, tín dụng đối với hoạt động đầu tư vào một số lĩnh vực du lịch, ưu đãi về thuế đối với việc nhập khẩu phương tiện vận chuyển cao cấp phục vụ cho việc vận chuyển khách du lịch, trang thiết bị chuyên dùng hiện đại cho cơ sở lưu trú du lịch hạng cao và khu du lịch quốc gia…
- Xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn định mức kinh tế – kỹ thuật trong hoạt động du lịch:
Việc xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về du lịch nhằm tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động du lịch bao gồm việc ban hành Pháp lệnh Du lịch, một số Nghị định về quản lý du lịch, Luật Du lịch, các văn bản dưới luật như thông tư hướng dẫn các hoạt động du lịch…
Luật du lịch năm 2005 ra đời tạo khuôn khổ pháp lý cho sự phát triển ổn định và bền vững của ngành du lịch nước ta.
ở nước ta trong những năm vừa qua thực hiện đường lối phát triển kinh tế du lịch của Đảng, nhà nước cũng đã thể chế hoá đường lối phát triển du lịch, đem lại những thành quả du lịch bước đầu. Nhưng so với các nước có hoạt động du lịch phát triển ở trình độ cao thì ta còn thiếu nhiều văn bản pháp quy về du lịch như Luật Lữ hành, Luật Vận chuyển khách du lịch, Luật Khách sạn, Nhà hàng…
Có thể bạn quan tâm!
- Hoạt động quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn Hà Nội - 1
- Hoạt động quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn Hà Nội - 2
- Quản Lý Nhà Nước Đối Với Doanh Nghiệp Du Lịch
- Nội Dung Quản Lý Nhà Nước Đối Với Doanh Nghiệp Du Lịch
- Các Doanh Nghiệp Lữ Hành Trên Địa Bàn Hà Nội Theo Thành Phần Kinh Tế Tính Đến Tháng 3Năm 2007
Xem toàn bộ 110 trang tài liệu này.
Các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch xác định các tiêu chuẩn, định mức kinh tế- kỹ thuật cụ thể nhằm đánh giá, xếp hạng, quản lý các hoạt động du lịch ví
dụ Tổng cục Du lịch Việt Nam các quy định tiêu chuẩn và biểu điểm xếp hạng khách sạn theo thứ tự từ 1 đến 5 sao…
- Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và thông tin về du lịch:
Đây cũng là một nội dung của quản lý nhà nước về du lịch nhằm nâng cao hiểu biết về pháp luật của các tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động du lịch và nhận thức của người dân đối với hoạt động du lịch.
- Tổ chức, quản lý hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ sự phát triển du lịch:
Các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch tổ chức, quản lý hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch nhằm nâng cao chất lượng lao động trong ngành.
Du lịch là một ngành kinh tế, do đó nó chịu tác động mạnh mẽ của của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ như những ngành kinh tế khác. Việc nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ phục vụ sự phát triển du lịch thường được giao cho các cơ quan chuyên môn, các viện nghiên cứu đảm nhiệm dưới sự quản lý của nhà nước.
- Tổ chức điều tra, đánh giá tài nguyên du lịch để xây dựng, quy hoạch phát triển du lịch, xác định khu du lịch, điểm du lịch, tuyến du lịch, đô thị du lịch:
Tài nguyên du lịch bao gồm tài nguyên du lịch tự nhiên, tài nguyên du lịch nhân văn đang được khai thác và chưa được khai thác cho phát triển du lịch. Mỗi tài nguyên du lịch thuộc sự quản lý của các cấp, các ngành khác nhau nên nhà nước có những luật riêng điều chỉnh đối với mỗi loại tài nguyên du lịch đó như Luật di sản văn hóa, Luật bảo vệ và phát triển rừng, Luật thủy sản, Luật khoáng sản…
Cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở trung ương chủ trì, phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước liên quan và ủy ban nhân dân cấp tỉnh điều tra, đánh giá tài nguyên du lịch để xây dựng, quy hoạch phát triển du lịch nhằm bảo vệ và khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên du lịch. Ngành du lịch là ngành có định hướng tài nguyên rõ rệt, nếu không có tài nguyên du lịch thì không thể phát triển ngành du lịch, tài nguyên du lịch bao gồm tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch nhân văn. Việc tổ chức điều tra, đánh giá tài nguyên du lịch là cơ sở để xác định các khu du lịch, điểm du lịch, tuyến du lịch, đô thị du lịch.
- Tổ chức thực hiện hợp tác quốc tế về du lịch, hoạt động xúc tiến du lịch ở trong nước và nước ngoài:
Nhà nước có chính sách hợp tác quốc tế về du lịch nhằm đẩy mạnh hợp tác quốc tế về du lịch trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, phù hợp với pháp luật mỗi bên, pháp luật và thông lệ quốc tế nhằm phát triển du lịch, gắn thị trường du lịch Việt Nam với thị trường du lịch khu vực và thế giới, góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc.
- Quy định tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về du lịch, sự phối hợp của các cơ quan nhà nước trong việc quản lý nhà nước về du lịch:
Nhà nước quy định và tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về du lịch từ trung ương đến địa phương, quy định các chức năng, nhiệm vụ cụ thể của các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch theo các cấp khác nhau, phối hợp hoạt động của cả hệ thống quản lý nhà nước về du lịch nhằm đạt hiệu quả quản lý cao nhất, đưa ngành du lịch phát triển theo các mục tiêu đã đặt ra.
- Cấp, thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận về hoạt động du lịch.
Nhà nước quản lý các hoạt động du lịch bằng pháp luật. Việc cấp và thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận về hoạt động du lịch nhằm đưa các hoạt động du lịch
vào khuôn khổ pháp luật. Nhà nước tổ chức cấp giấy phép, giấy chứng nhận hoạt động du lịch cho các tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động du lịch có đủ các tiêu chuẩn và quy định do nhà nước đề ra. Nếu các tổ chức cá nhân không đủ điều kiện hoạt động hoặc vi phạm các quy định sẽ bị xử lý theo pháp luật, bị thu hồi giấy phép và giấy chứng nhận đã được cấp.
- Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về du lịch:
Các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch tổ chức hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện các văn bản luật, các quy chế, các chế độ, tiêu chuẩn định mức kinh tế- kỹ thuật, quy trình, quy phạm trong hoạt động du lịch để kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm. Có thể nói đây là một nội dung rất quan trọng trong hoạt động quản lý nhà nước về du lịch. Nếu không có các hoạt động thanh tra, kiểm tra thì không gọi là quản lý. Về vấn đề này, cơ quan quản lý du lịch ở nước ta và trên địa bàn Hà Nội có nhiều hoạt động đáng ghi nhận. Song, như các báo cáo tổng kết của ngành du lịch Việt Nam thì mặt này còn nhiều hạn chế.
Các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo và xử lý các vi phạm trong hoạt động du lịch, thúc đẩy du lịch nước ta trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, hạn chế, xoá bỏ các hiện tượng không lành mạnh, các mặt trái của phát triển du lịch.
1.1.4. Tổ chức du lịch quốc gia và các các cấp quản lý nhà nước về du lịch
Để thực hiện chức năng quản lý vĩ mô của nhà nước về du lịch cần thiết phải có sự phân cấp quản lý, hình thành các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở các cấp khác nhau, có quyền hạn, nhiệm vụ khác nhau. Nằm trong cơ cấu của bộ máy nhà nước, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch hoạt động theo nguyên tắc của bộ máy nhà nước. Các nguyên tắc đó xuất phát từ việc nhà nước nắm quyền lực chính
trị, thông qua quyền lực chính trị nhà nước nắm giữ và bảo toàn quyền lực kinh tế, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Nằm trong hệ thống quyền lực nhà nước, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch được trao những thẩm quyền nhất định, chủ yếu là những thẩm quyền chuyên môn.
Theo phạm vi quản lý, các cấp quản lý nhà nước về du lịch bao gồm quản lý nhà nước về du lịch cấp Trung ương và quản lý nhà nước về du lịch cấp địa phương.
Trên thế giới, tổ chức du lịch quốc gia có thể khác nhau, nhưng nhìn chung đảm trách những nhiệm vụ chính sau:
- Xây dựng các kế hoạch, chiến lược phát triển du lịch quốc gia.
- Xây dựng chính sách vĩ mô quản lý, định hướng các hoạt động du lịch, bảo vệ, khai thác có hiệu quả các nguồn tài nguyên du lịch, môi trường du lịch.
- Thu thập, cung cấp thông tin cho ngành du lịch.
- Thực hiện các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch quốc gia trong và ngoài nước, đẩy mạnh hợp tác về du lịch.
- Tổ chức hoặc tham gia các Hội nghị, tổ chức các chuyến khảo sát thị trường, thúc đẩy tạo việc làm, góp phần cải thiện cán cân thương mại quốc gia, cấp giấy phép, điều phối các hoạt động đầu tư cho du lịch giữa các ngành, các địa phương.
Theo kinh nghiệm của nhiều nước, xuất phát từ tính chất liên ngành của hoạt động du lịch nhằm vừa đảm bảo mục đích phát triển du lịch vừa đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn môi trường trong sạch, phát huy tryền thống văn hoá, bản sắc dân
tộc, một số nước đã thành lập uỷ ban du lịch quốc gia gồm các thành viên của nhiều bộ, ngành liên quan đến hoạt động du lịch. Uỷ ban này có nhiệm vụ thảo luận và đề xuất với quốc hội, chính phủ những vấn đề vướng mắc trong luật pháp liên quan đến hoạt động du lịch. Uỷ ban này bao gồm các thành viên từ các cơ quan cấp Trung ương đến địa phương. Thường trực Uỷ ban là cơ quan quản lý nhà nước về du lịch.
Về tổ chức du lịch quốc gia, theo ý kiến của ông John Dowenes – chuyên gia thuộc tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) thì năm 2004 sau khi nghiên cứu 97 quốc gia cho thấy: khoảng 40% các quốc gia có Bộ Du lịch, ủy ban du lịch; 11% các quốc gia có cơ quan du lịch thực hiện chức năng quản lý nhà nước với tên gọi khác, thường là các Cục Du lịch hoặc các Cơ quan Du lịch Quốc gia; 44% các quốc gia có Bộ Du lịch kiêm các chức năng khác như Bộ Văn hóa và Du lịch, Bộ Du lịch và Thể thao, Bộ Hàng không dân dụng và Du lịch, Bộ Công nghiệp, thương mại và Du lịch…; 5% các quốc gia có cơ quan nhà nước về du lịch thuộc bộ khác.
Nghiên cứu cho thấy, trước đây du lịch thường được kết hợp với văn hóa, xu hướng này hiện nay vẫn còn nhiều ở các quốc gia Đông á, Thái Bình Dương và Nam á. Trên thế giới hiện nay, xu hướng Du lịch kết hợp với các Bộ Kinh tế xuất hiện nhiều, Du lịch kết hợp với Thể thao đang tăng mạnh.
Tổ chức du lịch quốc gia và bộ máy quản lý nhà nước về du lịch của Việt Nam
Cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở Việt Nam hiện nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Thực hiện chủ trương hợp nhất Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực của Chính phủ để đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển kinh tế xã hội của đất nước, ba ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hợp nhất thành Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Việc hợp nhất ba ngành Văn hóa, Thể thao và
Du lịch nhằm phối hợp các hoạt động chung do ba ngành này có liên quan và có thể hỗ trợ nhau trong phát triển, đồng thời giảm đầu mối, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý đa ngành. Phát triển du lịch phải dựa trên nền tảng văn hóa, hiện nay Văn hóa và Du lịch đã có sự phối hợp thống nhất trong việc bảo vệ và trùng tu di tích, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc phục vụ hoạt động du lịch để phát triển kinh tế- xã hội. Đối với lĩnh vực thể thao cũng vậy, mỗi sự kiện thể thao đều có thể quảng bá chung cho du lịch và văn hóa Việt Nam.
Các cấp quản lý nhà nước về du lịch tại Việt Nam bao gồm:
Quản lý nhà nước về du lịch cấp Trung ương
Tại nước ta, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về du lịch.
Cơ quan quản lý nhà nước về du lịch cấp Trung ương bao gồm Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về du lịch. Các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ quản lý các lĩnh vực kinh tế- xã hội như Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch- Đầu tư… Các bộ, ngành có liên quan tạo điều kiện phát triển du lịch như Hàng không, Hải quan, Ngoại giao, Công an… trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện quản lý nhà nước về du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển du lịch.
Cơ quan quản lý nhà nước về du lịch cấp Trung ương tập trung quản lý các vấn đề có liên quan đến toàn bộ việc phát triển du lịch của cả nước trên mọi lĩnh vực của ngành như:
- Lập quy hoạch tổng thể phát triển du lịch quốc gia.
- Ban hành các chính sách chung cho toàn ngành du lịch.