Hoạt động đầu tư mạo hiểm tại một số nước châu Á và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam - 13


Thiết lập hệ thống dịch vụ Hỏi - Đáp về các thông tin liên quan đến quy trình đầu tư mạo hiểm trên cơ sở phối hợp với các tổ chức tư vấn, tổ chức nghiên cứu – phát trỉên, tổ chức tài chính.

b. Đào tạo, phổ biến kỹ năng đầu tư mạo hiểm phát triển công nghệ cao

Hoạt động này cần được tiến hành bởi một cộng đồng kinh tế, khoa học và công nghệ rộng rãi trên cơ sở chủ trương của nhà nước đối với đầu tư mạo hiểm và sự vận dụng nó vào phát triển công nghệ cao. Vấn đề nan giải nhưng vô cùng quan trọng trong đầu tư mạo hiểm trước hết bồi dưỡng được một đội ngũ các nhà quản lý đầu tư chuyên nghiệp. Người ta nhận ra rằng có thể làm được điều này trên cơ sở tận dụng những người có trình độ và kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, đang không ngừng tăng lên. Tuy nhiên, đầu tư mạo hiểm vẫn là một lĩnh vực hết sức mới mẻ, do đó cần học hỏi các kỹ năng và kinh nghiệm quản lý đầu tư của chuyên gia về đầu tư mạo hiểm của nước ngoài. Quỹ đầu tư mạo hiểm, vườn ươm công nghệ và trung tâm đào tạo của Ban quản lý khu công nghệ cao cần phối hợp tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức về đầu tư mạo hiểm cho các nhà quản lý đầu tư chuyên nghiệp trên cơ sở mời hoặc hợp đồng giảng dạy với các nhà quản lý quỹ có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Các lớp bồi dưỡng kiến thức lập và quản trị doanh nghiệp công nghệ cao cũng cần được triển khai cho các doanh nhân đối tác của quỹ mạo hiểm cũng như cho các đối tượng khác quan tâm. Các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng kiến thức đầu tư mạo hiểm cần được nghiên cứu đưa vào thử nghiệm giảng dạy cho các trường đại học trong các nghành kinh tế, luật nhằm định hướng đào tạo ra các nhà quản lý đầu tư chuyên nghiệp cũng như các trường khối kỹ thuật với mục tiêu kích thích hoài bão tự lập doanh nghiệp công nghệ cao của các nhà sáng tạo công nghệ trẻ tương lai.

c. Kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường vốn mạo hiểm ở Việt Nam

Bộ kế hoạch và đầu tư, bộ khoa học, công nghệ và môi trường, phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam sẽ là những tổ chức quan trọng trong việc xúc tiến, kêu gọi các nguồn vốn đầu tư mạo hiểm của nước ngoài tham gia vào thị trường


vốn mạo hiểm cho phát triển công nghệ cao của Việt Nam. Các nhà đầu tư mạo hiểm có thể tham gia vào thị trường này ở Việt Nam theo hai cách:

Một là, Đầu tư vào các quỹ mạo hiểm của nước ngoài nhưng định hưưóng hoạt động tại Việt Nam. Cách thức này hiện đang được áp dụng cho các quỹ đầu tư đang hoạt động tại Việt Nam, với cơ cấu quản lý chủ yếu nhằm thoả mãn các nhà đầu tư và các chuyên gia quản lý đầu tư quốc tế với đảm bảo rằng vốn của họ ở nước ngoài, trong môi trường pháp lý, chế độ kế toán của nước ngoài.

Hai là, đầu tư vào các quỹ được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam. Các quỹ nội địa có sự góp vốn của nước ngoài có lẽ là một chiến lược cần được ưu tiên trong việc xây dựng định chế trong đầu tư mạo hiểm phát triển công nghệ cao. Nó tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài trong việc phát hiện cơ hội đầu tư nhiều hơn (dễ dàng tiếp cận và thu mua các doanh nghiệp công nghệ có tiềm năng), tránh được rủi ro về tỷ giá hối đoái v.v..

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 114 trang tài liệu này.

Việc kêu gọi vốn đầu tư mạo hiểm nước ngoài có thể tiến hành bao gồm các hoạt động sau:

Tổ chức những hội thảo, hội nghị chuyên đề về đầu tư mạo hiểm phát triển công nghệ cao ở Việt Nam.

Hoạt động đầu tư mạo hiểm tại một số nước châu Á và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam - 13

Xây dựng các tài liệu xúc tiến đầu tư mạo hiểm về nhu cầu vốn mạo hiểm phát triển công nghệ cao (trên cơ sở đánh giá về số lượng, quy mô, tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp công nhệ cao), hệ thống định chế quỹ đầu tư mạo hiểm (Quỹ mạo hiểm), hệ thống pháp luật doanh nghiệp, chính sách thuế, chính sách phát triển công nghệ cao, sự tồn tại của thị trường chứng khoán v.v..dưới dạng báo cáo tổng hợp, danh mục cẩm nang.

Khảo sát thị trường vốn mạo hiểm quốc tế, thiết lập các quỹ đầu tư mạo hiểm quốc tế và vường ươm công nghệ.

4. Phát triển nguồn nhân lực cho hoạt động đầu tư mạo hiểm

Nguồn nhân lực có chất lượng cao là nhân tố quyết định đến sự thành công của một doanh vụ đầu tư mạo hiểm. Nguồn nhân lực cho hoạt động đầu tư vốn mạo hiểm bao gồm: các chuyên gia quản lý quỹ, các doanh nhân đối tác của quỹ, lao động có trình độ kỹ thuật cao, các chuyên gia tư vấn. Tại các nước có nền công


nghiệp đầu tư vốn mạo hiểm phát triển, vấn đề phát triển nguồn nhân lực được ưu tiên hàng đầu và là cơ sở tiền đề cho sự phát triển của thị trường vốn đầu tư mạo hiểm. Do đó để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút vốn đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam, nhà nước cần thực hiện các chính sách:

Đổi mới cơ chế quản lý hoạt động đào tạo tại các trường đại học và cơ sở dạy nghề phù hợp với xu thế phát triển của nền kinh tế tri thức.

Phát triển nguồn nhân lực trong các lĩnh vực công nghệ cao như CNTT, công nghệ sinh học… theo các tiêu chuẩn phù hợp với môi trường làm việc quốc tế.

Phát triển đội ngũ các chuyên gia “đầu đàn” trong các lĩnh vực công nghệ then chốt, làm cầu nối cho sự phát triển công nghệ quốc gia với sự phát triển mạnh mẽ của KHCN quốc tế.

Phát triển nguồn nhân lực trong các lĩnh vực lựa chọn công nghệ, đánh giá công nghệ và môi giới công nghệ.

Phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực quản lý như quản trị kinh doanh, tài chính, kế toán, luật, thẩm định giá…

Thực hiện các chính sách mạnh mẽ nhằm khuyến khích đội ngũ Việt kiều có trình độ cao tham gia vào quá trình đổi mới công nghệ tại Việt Nam.

Thực hiện một cơ chế đãi ngộ xứng đáng nhằm thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao vào khu vực nghiên cứu khoa học và công nghệ.

Đổi mới cơ chế quản lý lao động tại các tổ chức KHCN phù hợp với xu thế phát triển của nền kinh tế tri thức nhằm khơi dậy tiềm năng sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp cho đội ngũ các nhà nghiên cứu khoa học.

Khuyến khích nguồn nhân lực từ các tổ chức KHCN được tự do di chuyển và kiêm nhiệm công việc (vừa thực hiện công việc nghiên cứu tại các tổ chức KHCN, vừa quản lý một công ty con được hình thành từ những kết quả nghiên cứu KHCN).

Khuyến khích và hỗ trợ tài chính cho các cá nhân có ý tưởng mới và mang tính khả thi.

5. Phát triển các mạng lưới hỗ trợ hoạt động đầu tư mạo hiểm

a. Phát triển cơ sở hạ tầng thông tin


Thông tin đóng vai trò quan trọng trong toàn bộ chu trình hoạt động của quỹ đầu tư mạo hiểm. Quá trình gia tăng giá trị tài sản của nhà đầu tư mạo hiểm trong đối tác được tài trợ chủ yếu đến từ sự đóng góp của hai loại tài sản vô hình: kinh nghiệm và kỹ năng của các chuyên gia quản lý quỹ và những luồng tin có giá trị đến từ nhiều nguồn khác nhau. Cũng tương tự như các tổ chức tài chính ngân hàng, hiệu quả của hoạt động đầu tư mạo hiểm cũng đòi hỏi phải có sự hiện hữu của một hạ tầng cơ sở thông tin có khả năng cung cấp các dữ liệu khá hoàn hảo về toàn bộ các lĩnh vực kinh tế và khoa học công nghệ trong mối quan hệ mật thiết với hệ thống thông tin toàn cầu. Mục đích của sự hiện hữu này là nhằm hạn chế rủi ro do sự không chắc chắn về công nghệ và thị trường của dự án đề nghị tài trợ và thậm chí do cả tình trạng thông tin bất cân xứng gây ra trong quá trình thẩm định dự án đầu tư. Chính phủ tại một số quốc gia đã thực hiện chính sách nhằm giảm chi phí thẩm định của nhà đầu tư vốn mạo hiểm thông qua việc tài trợ xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu liên quan đến hoạt động đổi mới công nghệ. Bên cạnh đó nhà nước còn tài trợ chi phí đánh giá công nghệ trong giai đoạn thẩm định dự án của nhà đầu tư mạo hiểm. Trong bối cảnh Việt Nam, nhà nước cần thực hiện mạnh mẽ các chính sách nhằm xây dựng và nâng cao hiệu quả của cơ sở hạ tầng thông tin như:

Phát triển cơ sở dữ liệu thông tin về khoa học công nghệ quốc gia bao gồm cả các thông tin dự báo về xu hướng phát triển công nghệ.

Thành lập các trung tâm đánh giá công nghệ nhằm hạn chế rủi ro và giảm chi phí thẩm định cho hoạt động đầu tư mạo hiểm.

Nâng cao khả năng ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động trao đổi các sản phẩm công nghệ (chợ công nghệ trên mạng).

Nâng cao hiệu quả (bao gồm cả chất lượng và giá thành) của cơ sở hạ tầng truyền thông và internet.

Thực hiện chính sách miễn phí truy cập cho người sử dụng internet đối với các thông tin có liên quan đến luật pháp, giáo dục, công nghệ…

Đẩy mạnh các mối liên kết giữa các trung tâm thông tin nhằm giảm thiểu chi phí cho xã hội và hạn chế tình trạng phân tán thông tin như: liên kết các thông


tin giữa các định chế công, giữa các tổ chức KHCN, giữa các tổ chức tài chính, giữa các hiệp hội, doanh nghiệp…

b. Phát triển các mô hình vườn ươm công nghệ

Các vườn ươm ngày càng bùng nổ trong thời đại phát triển mạnh mẽ của KHCN và đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút đầu tư vốn mạo hiểm vào quá trình đổi mới. Tại các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ … chính phủ đều có những chính sách và hành động cụ thể nhằm phát triển các mô hình này và trên thực tế hầu hết các nhà đầu tư mạo hiểm đều tập trung phần lớn vốn của mình về các vườn ươm công nghệ. Do đó nhà nước cần đẩy mạnh đầu tư phát triển các mô hình vườn ươm công nghệ, cụ thể là các khu công nghệ cao, công viên công nghệ phần mềm... Mục tiêu chính của các vườn ươm này phải hướng tới việc thúc đẩy chuyển giao công nghệ trong khi khuyến khích sự hợp tác chặt chẽ giữa các trường đại học, các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp, các cá nhân…trong và ngoài nước, trên cơ sở cung cấp đầy đủ các chính sách ưu đãi về tài chính, cơ sở hạ tầng thiết yếu và dịch vụ hiện đại cho hoạt động R&D và thương mại hóa các sản phẩm công nghệ. Khi thực hiện đầy đủ chức năng của mình, các vườn ươm sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành và phát triển các doanh nghiệp khởi sự, các doanh nghiệp vừa và nhỏ dựa trên nền tảng công nghệ mới. Do đó sẽ thúc đẩy nhu cầu đầu tư vốn mạo hiểm cho quá trình đổi mới công nghệ tại các vườn ươm.

c. Phát triển thị trường dịch vụ tư vấn

Tại các nước có nền công nghiệp đầu tư vốn mạo hiểm phát triển, quá trình gia tăng giá trị tài sản của nhà đầu tư trong các đối tác được tài trợ không thể thiếu vai trò của các nhà tư vấn. Hơn nữa hoạt động tư vấn phát triển sẽ tạo ra mạng lưới thông tin hiệu quả giúp các nhà đầu tư mạo hiểm hạn chế được rủi ro và có thể dự báo hợp lý về xu hướng phát triển của các lĩnh vực công nghệ mới. Để hoạt động tư vấn phát triển và góp phần hỗ trợ cho hoạt động đầu tư mạo hiểm, nhà nước cần ưu đãi về thuế, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho hoạt động tư vấn phát triển, phát triển cơ sở hạ tầng thông tin về luật pháp, công nghệ, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia và sử dụng các dịch vụ trên thị trường tư vấn…

d. Thành lập hiệp hội đầu tư mạo hiểm


Hiệp hội đầu tư mạo hiểm đóng vai trò rất quan trọng thông qua việc cung cấp các thông tin có giá trị đến các thành viên nhằm giảm thiểu rủi ro trong các giai đoạn của quá trình đầu tư vốn mạo hiểm. Hơn nữa, hiệp hội còn mở ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư mạo hiểm có thể tham gia hợp tác kinh doanh trong cùng một doanh vụ nhằm chia sẻ rủi ro, và đây cũng là một xu thế phổ biến trên thế giới hiện nay. Trong bối cảnh của Việt Nam, nhà nước cần khuyến khích các nhà đầu tư mạo hiểm hình thành hiệp hội đúng với bản chất của nó, thông qua chính sách miễn thuế cho hoạt động của hiệp hội, khuyến khích các cá nhân có kinh nghiệm về đầu tư mạo hiểm tham gia quản lý hiệp hội, nhà nước “đặt hàng” cho hiệp hội thông qua các hợp đồng tư vấn thiết kế và xây dựng khung khổ pháp lý cho hoạt động đầu tư vốn mạo hiểm tại Việt Nam.


Chương Ba đã đề cập hệ thống các giải pháp nhằm khuyến khích đầu tư vốn mạo hiểm vào quá trình đổi mới công nghệ tại Việt Nam. Nhà nước cần tạo môi trường thể chế thuận lợi cho hình thức đầu tư vốn mạo hiểm phát triển trong nền kinh tế thông qua việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, môi trường định chế công, các thể chế tài chính... Để tạo nhiều cơ hội hấp dẫn cho hoạt động đầu tư mạo hiểm nhà nước cần thực hiện các chính sách nhằm nâng cao năng lực đổi mới công nghệ quốc gia thông qua các chính sách ưu đãi về tài chính, cơ sở hạ tầng, thủ tục đầu tư, hỗ trợ hoạt động R&D, nâng cao năng lực của các tổ chức KHCN. Bên cạnh đó việc phát triển hệ thống thông tin tri thức và nguồn nhân lực có chất lượng cao sẽ tạo ra môi trường thuận lợi cho hình thức đầu tư mạo hiểm phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Đi đôi với với các chính sách hỗ trợ gián tiếp đó thì việc sử dụng những đòn bẩy khuyến khích về thuế, tín dụng, hình thành các công ty đầu tư mạo hiểm thuộc sở hữu nhà nước sẽ trở nên rất cần thiết cho giai đoạn sơ khai của thị trường vốn đầu tư mạo hiểm hiện nay tại Việt Nam.


KẾT LUẬN

Qua ba chương, khoá luận đã làm rõ được những đặc điểm và cơ chế hoạt động của ĐTMH, tổng hợp kinh nghiệm quốc tế, phân tích thực trạng của Việt Nam và nêu lên một số bài học kinh nghiệm cũng như đề xuất các giải pháp nhằm phát triển hoạt động ĐTMH ở Việt Nam trong thời gian tới.

Khoá luận đã chỉ rõ bản chất của ĐTMH là một dạng kinh doanh vốn và phù hợp với nhu cầu vốn đầu tư cho các dự án công nghệ mới và công nghệ cao. ĐTMH có những đặc điểm khác biệt với các loại hình đầu tư khác nên cần có những qui định hành lang pháp lý nhất định để điều tiết hoạt động này. Phát triển loại hình ĐTMH sẽ tạo ra một kênh cấp vốn hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế cũng như khuyến khích sự thành lập khu vực kinh tế tư nhân

Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy ĐTMH đã đóng vai trò nhất định trong phát triển kinh tế nói chung và công nghệ nói riêng của các nước. Tuy nhiên, ở một số nước khác ĐTMH chưa đóng vai trò đáng kể hay ĐTMH không phát triển nhưng nước đó vẫn có trình độ cao về công nghệ. Kinh nghiệm các nước cũng cho thấy, Nhà nước đóng vai trò nhất định trong quá trình hình thành và phát triển loại hình ĐTMH. Sự tác động của Nhà nước lên loại hình ĐTMH rất đa dạng, tuỳ thuộc vào hoàn cảnh của mỗi nước.

Đối với Việt Nam, hình thức ĐTMH mới đang bắt đầu manh nha hình thành. Sự xuất hiện của hình thức đầu tư này ở Việt Nam do các nhà đầu tư nước ngoài đã chú ý đến tiềm năng của thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, để loại hình đầu tư này phát triển và đóng góp vào thúc đẩy phát triển công nghệ và khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, trong thời gian tới đòi hỏi phải có sự quyết tâm và nỗ lực lớn của Nhà nước. Trước hết là việc hình thành các cơ sở pháp lý để tạo điều kiện cho loại hình đầu tư này hoạt động. Bên cạnh đó, Việt Nam cần phải tiến hành nhiều nghiên cứu và ban hành những chính sách khuyến khích ĐTMH phát triển theo hướng đóng góp nhiều cho phát triển công nghệ. Đi đôi với những biện pháp chính sách đó là các chính sách khác trong lĩnh vực KH&CN, chính sách phát triển thị trường vốn,v.v.


Phát triển loại hình ĐTMH đòi hỏi phải có thời gian và phải phù hợp với trình độ phát triển của nền kinh tế. ĐTMH liên quan đến rất nhiều vấn đề và phải có các nghiên cứu nhìn nhận từ các góc độ khác nhau. Đây chỉ là nghiên cứu rất ban đầu. Do thời gian và trình độ có hạn, khoá luận này không thể nghiên cứu sâu vào từng vấn đề cụ thể liên quan đến phát triển ĐTMH mà chỉ hy vọng cung cấp một bức tranh tổng quát về ĐTMH cũng như nêu lên những phân tích tổng hợp mở đường cho các nghiên cứu sau.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 03/05/2022