Hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực mang thai hộ ở Việt Nam hiện nay - 2

Để đạt được những mục đích nghiên cứu đã đề ra, trong quá trình nghiên cứu đề tài, tác giả đã sử dụng các phương pháp nghiên cứu cơ bản sau:

- Phương pháp tổng hợp, bình luận: sử dụng trong chương 1 khi nghiên cứu vấn đề chung về khái niệm, nội dung, vai trò, ý nghĩa của việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo; pháp luật một số nước trên thế giới và các tiêu chí hoàn thiện pháp luật về mang thai hộ.

- Phương pháp phân tích, thống kê: sử dụng ở chương 2 khi phân tích từ pháp luật những hạn chế, vướng mắc về quyền và nghĩa vụ của các bên; chế tài áp dụng xử lý khi xảy ra vi phạm khi thực hiện mang thai hộ; đưa ra những trường hợp xảy ra khi áp dụng pháp luật về mang thai hộ diễn ra trong thực tiễn cuộc sống để từ đó đưa ra kiến nghị về hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực này ở chương 3.

VI. Ý nghĩa khoa học của đề tài:

Có cái nhìn khái quát và toàn diện hơn về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, đưa ra những kiến nghị hoàn thiện các quy định của pháp luật để từ đó các cặp vợ chồng rơi vào trường hợp hiếm muộn có nhu cầu có con hợp pháp có thể yên tâm áp dụng, đồng thời, bảo đảm quyền và nghĩa vụ cho các chủ thể tham gia vào quan hệ pháp luật này.

VII. Kết cấu khóa luận:

Khóa luận được chia làm 3 chương:

- Chương I: Một số vấn đề lý luận của hoàn thiện pháp luật về mang thai hộ ở Việt Nam hiện nay

- Chương II: Thực trạng pháp luạt và thực hiện pháp luật trong lĩnh vực mang thai hộ ở Việt Nam

- Chương III: Một số giải pháp hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật về mang thai hộ

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 85 trang tài liệu này.

CHƯƠNG I: MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CỦA HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ MANG THAI HỘ Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

1.1. Khái niệm và đặc điểm pháp luật về mang thai hộ

Hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực mang thai hộ ở Việt Nam hiện nay - 2

1.1.1. Khái niệm mang thai hộ

Vô sinh là điều không mong muốn ở các cặp vợ chồng hiện nay. Tuy nhiên, bằng công nghệ hỗ trợ sinh sản, không ít cặp vợ chồng đã có thể chào đón em bé ra đời. Hiểu đơn giản, đó là những biện pháp kỹ thuật y học hiện đại để can thiệp vào quá trình thụ thai của người phụ nữ với mục đích cao cả là giúp những người hiếm muộn, vô sinh có thể mang thai và được thực hiện thiên chức của mình. Sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản đã thể hiện sự phát triển vượt bậc của khoa học kỹ thuật, giải quyết được tình trạng vô sinh của cả nam và nữ do ảnh hướng của nhiều yếu tố bên ngoài như môi trường, hóa chất,… hoặc đến từ sự cấu tạo cơ địa của mỗi người gây khó khăn cho quá trình mang thai. Sự phát triển tích cực từ y học này đã đem lại rất nhiều hi vọng và hạnh phúc cho các cặp vợ chồng hiếm muộn có nhu cầu có con trên Thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Vì vậy, vô sinh là nguyên do dẫn đến sự hình thành các phương pháp hỗ trợ sinh sản, trong đó có phương pháp mang thai hộ.

Ở Việt Nam, trước khi Luật hôn nhân và Gia đình năm 2014 được ban hành, các khái niệm “mang thai hộ” và “chửa hộ”, “đẻ thuê” đã được sử dụng rộng rãi và phổ biến.Tuy nhiên, nội dung và ý nghĩa của các khái niệm này chưa có sự đồng nhất, thậm chí có sự đánh đồng giữa các khái niệm.

Có người hiểu rằng “mang thai hộ” là việc người đàn ông (người chồng) quan hệ (sinh lý) trực tiếp, không sử dụng biện pháp hỗ trợ sinh sản với một người phụ nữ (không phải là vợ), cho đến khi người phụ nữ này thụ thai, mang thai và sinh con. Trong trường hợp này, đứa trẻ được sinh ra từ tinh trùng của người đàn ông (người chồng) kết hợp với noãn của người phụ nữ (không phải vợ). Thực tế ở Việt Nam hiện nay, có nhiều cặp vợ chồng vì lí do nào đó mà không thể có con chung tự nhiên (như người vợ bị dị tật mà không thể thụ thai và sinh con; hoặc người vợ không có tử cung do bệnh tật đã phải cắt bỏ,…) nên hai vợ chồng đã bàn bạc, thỏa thuận để cho người chồng có quan hệ (sinh lí) trực tiếp với một người phụ nữ khác (đã đồng ý) để thụ thai, mang thai và sinh con cho cặp vợ chồng vô sinh và người phu nữ nhận “mang thai hộ” có thỏa thuận với nhau về thù lao (tiền hoặc tài sản) cho việc mang thai hộ này. [1, tr11,12]

“Đẻ thuê” hiểu một cách đơn giản là việc bên thuê đẻ và bên để thuê có thỏa thuận với nhau theo đó bên thuê đẻ sẽ trả cho bên đẻ thuê tiền hoặc tài sản, còn bên đẻ thuê sẽ mang thai, sinh con và trao con cho bên đẻ thuê.

Với thực tế hiện nay cho thấy, việc đánh đồng khái niệm mang thai hộ với đẻ thuê, đẻ mướn không còn phù hợp, nó khiến vấn đề trở nên phức tạp và nhạy cảm hơn, không còn phù hợp với thuần phong mỹ tục cũng như luật pháp của người Việt Nam. Đã đến lúc phải hiểu mang thai hộ theo đúng ý nghĩa của nó, phù hợp với chế độ nhà nước và hệ thống pháp luật mỗi quốc gia.

Ngày nay, với sự phát triển của kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, những việc làm trên không được luật pháp bảo hộ và xã hội lên án. Các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản ra đời, cụ thể là thụ tinh ống nghiệm cho phép lấy tinh trùng và noãn của một cặp vợ chồng ra khỏi cơ thể, cho tinh trùng và noãn thụ tinh để tạo phôi, nuôi cấy phôi và cho đưa phôi vào tử cung một phụ nữ khác để mang thai. Nhờ đó, kỹ thuật mang thai hộ chính danh mới có thể được thực hiện. Với thụ tinh ống nghiệm, chúng ta mới có kỹ thuật mang thai hộ đúng nghĩa.

Mang thai hộ có thể hiểu đơn giản là trường hợp sau khi thụ thai trong ống nghiệm, nếu người mẹ vì lý do sức khỏe hay vì điều kiện nào đó không thể mang thai, phải nhờ đến người phụ nữ khác mang thai và sinh đẻ. Có nhiều khái niệm và cách hiểu khác nhau về vấn đề này nhưng theo tác giả, để hiểu chuẩn về mặt pháp lý thì trong Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 đã có định nghĩa rất rõ ràng tại khoản 22 điều 3: “Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con”.

Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải được thực hiện trên nguyên tắc tự nguyện của cả 2 bên và đáp ứng các điều kiện và yêu cầu của pháp luật là “người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại”. Có nghĩa, người mang thai hộ sẽ không vì mục đích kinh tế hay bất kỳ mục đích nào khác để mang thai giúp cặp vợ chồng không thể sinh con. Việc quy định như vậy giúp phân biệt giữa mang thai hộ vì mục đích nhân đạo và mang thai hộ vì mục đích thương mại – điều bị pháp luật Việt Nam nghiêm cấm, được quy định rõ trong Bộ luật hình sự.

Pháp luật cũng quy định rất rõ điều kiện để nhờ người mang thai hộ ở đây là người vợ ngay cả khi áp dụng các biện pháp hỗ trợ sinh sản khác mà vẫn không thể có con, thì mới được tìm đến biện pháp này như một cách “mượn tử cung” của người phụ nữ khác.

Không chỉ thế, khái niệm trên đã đưa ra và quy định phương thức thực hiện mang thai hộ phải được thực hiện bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, tức là “lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ được nhờ mang thai và sinh con”.Như vậy, về mặt khoa học, noãn của người phụ nữ, tinh trùng của người đàn ông không phải là kết quả của sự kết hợp tự nhiên, trực tiếp giữa vợ và chồng mà phải nhờ vào biện pháp hỗ trợ y tế của các bác sỹ chuyên ngành. Từ noãn và tinh trùng lấy từ cơ thể vợ và chồng, bác sỹ thụ tinh trong ống nghiệm để tạo thành phôi và cấy phôi thai vào tử cung người mang thai hộ. Qua đó có thể thấy, việc mang thai hộ phải trải qua các trình tự nghiêm ngặt, không được “giúp đỡ trực tiếp” giữa người chồng bên nhờ mang thai hộ và người mang thai hộ [4, tr18]. Điều đó có nghĩa con sinh ra sẽ có đặc điểm sinh học của cả vợ và chồng nhờ mang thai hộ. Khác với cách trước khi có biện pháp này là người chồng phải quan hệ trực tiếp hoặc bơm tinh trùng vào tử cung của người nhận mang thai hộ. Như vậy không đảm bảo về tính sinh học và bản chất thì hành vi này không thể được coi là mang thai hộ.

1.1.2. Đặc điểm pháp luật về mang thai hộ

1.1.2.1. Mang tính hợp đồng

Theo Điều 385 Bộ luật dân sự Việt Nam 2015: “Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự”. Yếu tố thỏa thuận chính là yếu tố quyết định tạo nên hợp đồng. Đối với trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, để được công nhận và đảm bảo thì các bên tham gia vào quan hệ này phải tuân thủ theo các điều kiện quy định, phải có đầy đủ giấy tờ chứng thực chứng minh giữa người nhờ mang thai, người mang thai trước bên thứ 3 là pháp luật để được Nhà nước bảo hộ.

Ta có thể định nghĩa về hợp đồng mang thai hộ như sau:“Hợp đồng mang thai hộ là sự thỏa thuận, thống nhất ý chí của bên nhờ mang thai hộ là cặp vợ chồng vô sinh với bên mang thai hộ là người phụ nữ tự nguyện mang thai vì mục đích nhân đạo, nhằm thực hiện các quyền và nghĩa vụ với nhau trong quan hệ pháp luật về mang thai hộ”.[5, tr12]

Trong mang thai hộ, trước khi các chủ thể tiến hành hoạt động mang thai hộ thì việc đầu tiên đó là các bên phải thỏa thuận với nhau những nội dung trong suốt quá trình mang thai hộ. Nói nôm na, đó chính là sự bàn thảo để tạo nên một hợp đồng dân sự mang tên hợp đồng mang thai hộ.

Hợp đồng mang thai hộ là một loại hợp đồng đặc biệt bởi đối tượng ở đây là con người – đứa trẻ được sinh ra nhờ phương pháp thụ tinh ống nghiệm. Với loại hợp đồng này, pháp luật phải có những quy định rất sát sao để có thể đảm bảo được các quyền lợi của trẻ em. Với tính chất này, mục đích nhân đạo là cái cốt lõi xuyên suốt quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng. Trường hợp vì mục đích thương mại hay có tính chất miễn cưỡng do bị đe dọa buộc phải chấp nhận hoặc khi giao dịch người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình thì không được chấp nhận. Vì vậy, hợp đồng đương nhiên bị vô hiệu bởi trẻ em không phải là món hàng trao tay, điều đó là vi phạm đạo đức con người và thuần phong mỹ tục.

Quy định nội dung hợp đồng chặt chẽ là điều vô cùng quan trọng nhằm đảm bảo tính pháp lý cho hợp đồng mang thai hộ đồng thời là căn cứ để giải quyết các tranh chấp phát sinh trước tòa.

Hiện tại, pháp luật Việt Nam đã ban hành Mẫu số 06 thỏa thuận mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, ban hành kèm theo Nghị định Chính phủ số 10/2015/NĐ-CP quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm và mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.Thỏa thuận mang thai hộ này cũng được xem như một hợp đồng mang thai hộ mẫu được pháp luật ban hành sẵn để các bên chủ thể dựa vào đó, có căn cứ cũng như các điều khoản mẫu tiếp tục hoàn thiện những thỏa thuận của mình. Trong hợp đồng này có đầy đủ thông tin của các chủ thể tham gia vào quan hệ này.

Nguyên tắc giải quyết tranh chấp hợp đồng mang thai hộ là tự nguyện, bình đẳng và thỏa thuận, đặt lợi ích của đứa trẻ sinh ra từ mang thai hộ lên hàng đầu.

Mang thai hộ luôn đi kèm theo là những vấn đề pháp lý phức tạp và nhiều trường hợp dễ dẫn đến tranh chấp. Vì vậy hợp đồng mang thai hộ cần rõ ràng chi tiết bởi trong trường hợp xảy ra mâu thuẫn thì các bên chủ thể trong quan hệ này là những người có quyết định cao nhất trong việc đưa ra các phương án hành động. Do vậy, thỏa thuận của các bên trong hợp đồng ban đầu là căn cứ sát sao và rõ ràng nhất để giải quyết tranh chấp.

1.1.2.2. Mang tính kiểm soát

Theo từ điển Tiếng Việt, “kiểm soát” được hiểu là xem xét để phát hiện, ngăn chặn những gì trái với quy định, được đặt trong phạm vi, quyền hành của một đối tượng nào đó.

Từ khái niệm trên có thể hiểu kiểm soát pháp luật về mang thai hộ là cá nhân, một nhóm người, một tổ chức theo dõi, xem xét, đánh giá, đối chiếu với những quy định đã được đặt ra xem những cá nhân, nhóm người hay tổ chức nào đó có tuân thủ đúng với những quy định đó hay không. Nếu phát hiện ra có những hành vi trái với quy định đã được đặt ra thì phải kịp thời ngăn chặn, tránh để xảy ra hậu quả xấu [4, tr18]

Có nghĩa, Nhà nước sẽ ban hành các văn bản pháp luật, quy định các điều kiện về mang thai hộ, các quy định sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, việc thỏa thuận của các bên, việc xác định cha mẹ con và giải quyết các tranh chấp pháp sinh. Tính kiểm soát của pháp luật ở đây bao quát cả tính hợp đồng thỏa thuận giữa các bên để đảm bảo được các vấn đề pháp lý liên quan trong trường hợp có phát sinh tranh chấp và đồng thời kiểm soát bằng các biện pháp y tế cụ thể, các cách thức để thực hiện mang thai hộ. Các điều kiện này cần có sự tham gia của các cơ sở y tế, các cơ quan quản lý Nhà nước, đảm bảo chặt chẽ về thủ tục pháp lý. Cụ thể để thực hiện mang thai hộ, các bên phải gửi hồ sơ đề nghị thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo đến cơ sở khám chữa bệnh được phép thực hiện kỹ thuật này, gồm:1. Đơn đề nghị được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ theo mẫu; 2. Bản cam kết tự nguyện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo theo mẫu; 3. Bản cam đoan của người đồng ý mang thai hộ là chưa mang thai hộ lần nào; 4. Bản xác nhận tình trạng chưa có con chung của vợ chồng do UBND cấp xã nơi thường trú của vợ chồng nhờ mang thai hộ xác nhận; 5. Bản xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm về việc người vợ có bệnh lý, nếu mang thai sẽ có nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người mẹ, thai nhi và người mẹ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sả; 6. Bản xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm đối với người mang thai hộ về khả năng mang thai, đáp ứng quy định đối với người nhận phôi theo quy định sau: người nhận tinh trùng, nhận noãn, nhận phôi phải có đủ sức khỏe để thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, mang thai và sinh con; không đang mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, nhiễm HIV, bệnh

truyền nhiễm thuộc nhóm A, B; không bị bệnh di truyền ảnh hưởng đến thế hệ sau, không bị mắc bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình và đã từng sinh con; 7. Bản xác nhận của UBND cấp xã hoặc người mang thai hộ, người nhờ mang thai hộ tự mình chứng minh về mối quan hệ thân thích cùng hàng trên cơ sở các giấy tờ hộ tịch có liên quan và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của các giấy tờ này; 8. Bản xác nhận của chồng người mang thai hộ (trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng) về việc đồng ý cho mang thai hộ; 9. Bản xác nhận nội dung tư vấn về y tế của bác sỹ sản khoa; 10.Bản xác nhận nội dung tư vấn về tâm lý của người có trình độ đại học chuyên khoa tâm lý trở lên; 11.Bản xác nhận nội dung tư vấn về pháp luật của luật sư hoặc luật gia hoặc người trợ giúp pháp lý; 12. Bản thỏa thuận về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo giữa vợ chồng nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ theo quy định. [4, tr20]

Để ràng buộc trách nhiệm của các bên với sự thỏa thuận của mình và để pháp luật dễ kiểm soát, theo dõi thỏa thuận của hai bên, việc thỏa thuận giữa hai bên tham gia vào thỏa thuận mang thai hộ phải được lập thành văn bản có công chứng theo quy định của pháp luật. Luật HN&GĐ năm 2014 thể hiện rõ tinh thần tự nguyện của các bên tham gia thỏa thuận mang thai hộ với quy định hai vợ chồng bên nhờ mang thai hộ và nhận mang thai hộ đều phải tham gia ký kết thỏa thuận, trong trường hợp vợ chồng bên nhờ mang thai hộ ủy quyền cho nhau hoặc vợ chồng bên mang thai hộ ủy quyền cho nhau về việc thỏa thuận thì việc ủy quyền phải lập thành văn bản có công chứng và việc ủy quyền cho người thứ ba không có giá trị pháp lý. Việc quy định rõ về sự tự nguyện của các bên phải được lập thành văn bản và có công chứng là điều kiện để pháp luật dễ dàng kiểm soát . Hiện nay trên Thế giới có thể chia thành 4 nhóm: nhóm nước chưa có quy định, nhóm nước phản đối, nhóm nước cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo và nhóm nước chấp thuận thương mại hóa. Dù tình hình xã hội và quan điểm pháp luật của các quốc gia về mang thai hộ có khác nhau thì việc ban hành các quy định để kiểm soát cũng đều hướng chung một mục đích là bảo vệ quyền lợi của các bên tham gia vào quan hệ và đảm bảo ý chí của Nhà nước về vấn đề này nhằm thỏa mãn các điều kiện và mục tiêu được đặt ra trước đó.

1.1.2.3. Mang thai hộ mang tính đạo đức

Có thể nói, cho phép “mang thai hộ” không phải là cho phép “đẻ thuê”. Cho phép “mang thai hộ” đối với một số đối tượng có chỉ định để bảo đảm quyền làm

mẹ chính đáng của mọi phụ nữ và người mang thai hộ không vì mục đích lợi nhuận. Mang thai hộ là một thành tựu của y học, có thể nói là một tiến bộ vượt bậc để biến mơ ước không thể làm mẹ của rất nhiều phụ nữ được trở thành hiện thực. Bản chất “mang thai hộ” là hết sức nhân văn vì là một sự giúp đỡ của một người phụ nữ này đối với người phụ nữ khác để sinh ra những đứa trẻ. Việc mang thai và sinh nở cũng là việc làm có ý nghĩa nhằm duy trì nòi giống, gắn kết và giữ gìn hạnh phúc mỗi gia đình

1.2. Nội dung của pháp luật về mang thai hộ

1.2.1. Pháp luật về mang thai hộ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong việc thực hành, kiểm soát mang thai hộ

Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 đã quy định rõ các cơ sở y tế khám bệnh, chữa bệnh được phép thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm; điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo và thẩm quyền cung cấp giấy xác nhận tình trạng sinh sản cho các trường hợp vô sinh muốn thực hiện biện pháp mang thai hộ. Ủy ban Nhân dân cấp xã là nơi đảm nhận việc xác nhận tình trạng quan hệ hôn nhân, quan hệ giữa bên nhờ mang thai hộ và bên nhận mang thai hộ, tình trạng đã có hoặc chưa có con chung,…Trong trường hợp xảy ra tranh chấp thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết, cụ thể là Tòa án nhân dân cấp Huyện. Mọi vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật hôn nhân gia đình và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

1.2.2. Pháp luật quy định quyền và nghĩa vụ của mỗi bên khi tham gia quan hệ mang thai hộ

Hai bên khi tham gia vào quan hệ này sẽ phải xác lập các quyền và nghĩa vụ lẫn nhau. Điều này không chỉ được thể hiện dưới dạng thỏa thuận theo ý chí của bên nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ mà còn phải dựa vào yêu cầu của pháp luật về các nội dung thực hiện quyền. Pháp luật quy định rõ việc giải quyết hậu quả trong trường hợp có tai biến sản khoa; hỗ trợ để đảm bảo sức khỏe sinh sản cho người mang thai hộ trong thơi gian mang thai và sinh con, việc nhận con của bên nhờ mang thai hộ, quyền và nghĩa vụ của hai bên đối với con trong trường hợp con chưa được giao cho bên nhờ mang thai hộ và các quyền, nghĩa vụ khác có liên quan.

Có thể nhận thấy, quy định về thời điểm phát sinh chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là hợp lý, một mặt bảo đảm tốt nhất cho sức khỏe của đứa trẻ từ khi còn là bào thai cho đến khi sinh

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 07/02/2023