Kiến Nghị Hoàn Thiện Pháp Luật Kinh Doanh Bảo Hiểm

CHƯƠNG 3‌

ĐỊNH HƯỚNG HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VÀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ


3.1. Định hướng hoàn thiện pháp luật

Như đã đề cập tại chương I và chương II, mặc dù LKDBH đã trải qua một lần sửa đổi và bổ sung (năm 2010) nhưng pháp luật pháp luật về giao kết hợp đồng BHNT và hợp đồng BHNT vô hiệu ở Việt Nam còn một số hạn chế sau:

- Một số quy định còn chưa đầy đủ, chính xác như các quy định về điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, trường hợp kê khai nhầm tuổi, thanh toán quyền lợi bảo hiểm cho người thụ hưởng và chuyển nhượng hợp đồng BHNT;

- Một số quy định nhằm đảm bảo quyền lợi của BMBH, NĐBH, người thụ hưởng và đảm bảo sự phát triển ổn định của nghiệp vụ BHNT chưa được ghi nhận trong các văn bản pháp luật Việt Nam như quy định về thời gian xem xét hợp đồng BHNT (khoảng thời gian BMBH có quyền xem xét điều khoản hợp đồng cũng như các điều kiện hợp đồng để quyết định có tiếp tục tham gia bảo hiểm hay không);

- Pháp luật kinh doanh bảo hiểm ở Việt Nam còn chưa có quy định cụ thể về việc xử lý các trường hợp trục lợi bảo hiểm và các biện pháp thiết thực để đấu tranh chống trục lợi bảo hiểm;

- Còn một số thiếu sót trong việc ghi nhận các trường hợp hợp đồng BHNT vô hiệu, thời hạn yêu cầu toà án tuyên hợp đồng BHNT vô hiệu cũng như chưa có quy định về cách thức xử lý và xác định thiệt hại khi hợp đồng BHNT vô hiệu dẫn đến sự lúng túng của các DNBH, BMBH và Tòa án trong việc giải quyết hợp đồng, tham gia tố tụng khi có yêu cầu tuyên bố hợp đồng BHNT vô hiệu.

LKDBH 2000 có một số hạn chế như đã nêu trên về việc giao kết hợp đồng BHNT và vấn đề hợp đồng BHNT vô hiệu; các nội dung này lại chưa được sửa đổi, bổ sung trong LKDBH 2010 vì thế các nhà làm luật cần hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực này trên cơ sở tôn trọng các định hướng sau đây:

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 137 trang tài liệu này.

- Thực hiện hoàn thiện pháp luật về giao kết hợp đồng BHNT và hợp đồng BHNT vô hiệu trên cơ sở bám sát chủ trương của Đảng, Nhà nước phát triển thị trường tài chính, bảo hiểm. Ngày 15/2/2012, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ký Quyết định số 193/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020. Mục tiêu tổng quát của Chiến lược nhằm phát triển thị trường bảo hiểm phù hợp với định hướng phát triển nền kinh tế - xã hội và tài chính quốc gia trong từng thời kỳ; bảo đảm thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Đồng thời, tăng cường tính an toàn, bền vững và hiệu quả của thị trường và khả năng đáp ứng nhu cầu bảo hiểm đa dạng của các tổ chức, cá nhân; góp phần ổn định nền kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội, tiếp cận các chuẩn mực, thông lệ quốc tế về kinh doanh bảo hiểm và từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển với các quốc gia trong khu vực. Trên cơ sở mục tiêu nói trên, Chiến lược đã đề ra một số chỉ tiêu cụ thể, theo đó phấn đấu tổng doanh thu ngành bảo hiểm đến năm 2015 đạt 2% - 3% GDP và đến năm 2020 đạt 3% - 4% GDP. Quy mô các quỹ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm nhằm đáp ứng nghĩa vụ chi bồi thường và trả tiền bảo hiểm cho khách hàng đến năm 2015 tăng gấp 2 lần và đến năm 2020 tăng gấp 4,5 lần so với năm 2010. Tổng nguồn vốn huy động cho nền kinh tế của các doanh nghiệp bảo hiểm đến năm 2015 tăng gấp 1,7 lần so với năm 2010; đến năm 2020 tăng gấp 3,5 lần so với năm 2010; đến năm 2020 tăng gấp 3,5 lần so với năm 2010, tương đương 3 - 4% GDP. Đóng góp vào ngân sách nhà nước của ngành bảo hiểm đến năm 2015 tăng gấp 2 lần so với năm 2020 tăng gấp 4 lần so với năm 2010. Cùng với đó, cơ quan quản lý nhà nước về kinh doanh bảo hiểm phấn đấu đến năm 2015 tuân thủ hoàn toàn 50% các nguyên tắc quản lý, giám sát bảo hiểm do Hiệp hội các nhà quản lý bảo hiểm quốc tế ban hành; đến năm 2020 sẽ tuân thủ hoàn toàn các nguyên tắc quản lý, giám sát bảo hiểm do Hiệp hội các nhà quản lý bảo hiểm quốc tế ban hành. Về các giải pháp cơ bản để thực hiện những mục tiêu đã đặt ra, Quyết định nêu rõ, cần tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm; nâng cao tính an toàn hệ thống, hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp bảo hiểm; khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp

phát triển và đa dạng hóa sản phẩm bảo hiểm; đa dạng và chuyên nghiệp hóa các kênh phân phối bảo hiểm; tăng cường hiệu quả quản lý của nhà nước về kinh doanh bảo hiểm; đẩy mạnh hợp tác quốc tế và hội nhập trong lĩnh vực bảo hiểm.

Giao kết hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và vấn đề vô hiệu của hợp đồng - 14

- Đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta, xây dựng hệ thống pháp luật về giao kết hợp đồng BHNT và hợp đồng BHNT vô hiệu tương thích với pháp luật và tập quán thương mại quốc tế trên cơ sở vận dụng linh hoạt những thành tựu của pháp luật các nước phát triển ngành bảo hiểm trên thế giới các Điều ước quốc tế và thông lệ quốc tế sao cho phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

- Nghiên cứu và tổng kết thực tiễn áp dụng LKDBH tại Việt Nam, đặc biệt là thực tiễn xét xử của Tòa án để phát hiện những ưu khuyết điểm của LKDBH về giao kết hợp đồng BHNT và vấn đề hợp đồng BHNT vô hiệu; từ đó tiếp tục cho thi hành những quy định phù hợp với thực tiễn đồng thời quy định bổ sung hoặc sửa đổi những quy định chưa thích hợp, hoàn thiện LKDBH tại Việt Nam.

- Tăng cường sự kiểm soát giao dịch BHNT bằng pháp luật theo hướng bảo về lợi ích chính đáng của BMBH, NĐBH người thụ hưởng, mặt khác kiên quyết đấu tranh chống trục lợi bảo hiểm, phát triển thị trường bảo hiểm lành mạnh, bền vững tại Việt Nam.

Tóm tại, việc sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan đến giao kết hợp đồng BHNT và hợp đồng BHNT vô hiệu là thiết thực, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng sản phẩm BHNT và hiệu quả pháp luật và đảm bảo pháp chế.

3.2. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật kinh doanh bảo hiểm

Từ thực tiễn công tác trong lĩnh vực BHNT, trên cơ sở tham khảo pháp luật của các nước trên thế giới về giao kết hợp đồng BHNT và hợp đồng BHNT vô hiệu, tác giả kiến nghị một số vấn đề như sau:

3.2.1. Về giao kết hợp đồng BHNT

- Về mô hình tổ chức kinh doanh bảo hiểm:

LKDBH năm 2010 đã sửa đổi và bổ sung Điều 59 LKDBH năm 2000 theo hướng: Các tổ chức kinh doanh bảo hiểm bao gồm: công ty cổ phần bảo hiểm; công

ty trách nhiệm hữu hạn bảo hiểm; hợp tác xã bảo hiểm; tổ chức bảo hiểm tương hỗ. Hình thức tổ chức bảo hiểm tương hỗ mới chỉ được quy định tại LKDBH năm 2010 mà không được quy định trong Luật doanh nghiệp. Bên cạnh các loại hình doanh nghiệp trên, LKDBH năm 2010 cũng quy định thêm mô hình hợp tác xã bảo hiểm. Để triển khai các quy định về tổ chức kinh doanh bảo hiểm, Chính phủ cần ban hành nghị định và Bộ Tài chính cần ban hành thông tư hướng dẫn thi hành cụ thể Điều 59 LKDBH năm 2010 về các mô hình tổ chức kinh doanh bảo hiểm trong đó đặc biệt có việc ghi nhận các quy định pháp luật về tổ chức, thành lập, hoạt động của mô hình Tổ chức bảo hiểm tương hỗ và Hợp tác xã bảo hiểm.

- Về quy định đối với người thụ hưởng:

Pháp luật Việt Nam chưa có quy định về việc người thụ hưởng cần phải có quyền lợi có thể được bảo hiểm với NĐBH. Tuy nhiên Viện Quản lý BHNT Hoa Kỳ (LOMA) cũng như một số quốc gia trên thế giới có quan điểm chặt chẽ hơn về người thụ hưởng. Đối với trường hợp các nhân mua bảo hiểm cho chính cuộc sống của mình, quy tắc đánh giá rủi ro của hầu hết các DNBH Hoa Kỳ đều quy định rằng người thụ hưởng phải có quyền lợi có thể được bảo hiểm với NĐBH khi phát hành hợp đồng. Đối với trường hợp cá nhân mua bảo hiểm cuộc số của người khác, luật pháp của một số bang Hoa Kỳ và đa số quy tắc đánh giá rủi ro của các DNBH Hoa Kỳ có quy định: cả BMBH và người thụ hưởng phải có quan hệ có thể được bảo hiểm với NĐBH. Theo một số điều khoản sản phẩm bảo hiểm đang được triển khai tại Việt Nam (ví dụ như điều khoản An Gia Thịnh Vượng với mã sản phẩm BV- NA10 đến BV-NA13 của Tổng Công ty Bảo Việt Nhân thọ), DNBH quy định chặt chẽ hơn về chủ thể này, cụ thể như sau: "Người được hưởng quyền lợi bảo hiểm (Người thụ hưởng) do Người tham gia bảo hiểm chỉ định với sự đồng ý của NĐBH”. Thiết nghĩ, đây không chỉ là quy định nhằm đảm bảo quyền lợi cho NĐBH mà còn cần thiết để tránh trục lợi bảo hiểm. Vì thế, tác giả đề nghị ghi nhận điều kiện về người thụ hưởng phải có quyền lợi có thể được bảo hiểm đối với NĐBH trong trường hợp BMBH mua bảo hiểm cho trường hợp chết của người khác.

Bên cạnh đó, Khoản 1 Điều 38 LKDBH 2000 quy định: Mọi trường hợp thay đổi người thụ hưởng phải có sự đồng ý bằng văn bản của BMBH. Như đã phân tích tại Chương II, để đảm bảo quyền lợi của NĐBH (biết và kiểm soát được việc BMBH chỉ định ai được nhận quyền lợi bảo hiểm khi giao kết hợp đồng BHNT cho trường hợp chết của bản thân) tác giả đề nghị bổ sung Khoản 1 Điều 38 LKDBH năm 2000 theo hướng “mọi trường hợp thay đổi người thụ hưởng phải có sự đồng ý bằng văn bản của BMBH và NĐBH”.

- Về trách nhiệm cung cấp thông tin về hợp đồng của NĐBH và người thụ

hưởng

Điều 19 LKDBH 2000 quy định: Khi giao kết hợp đồng bảo hiểm, DNBH có

trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, giải thích các điều kiện, điều khoản bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm; bên mua bảo hiểm có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến đối tượng bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm. Như vậy, Điều 19 LKDBH 2000 chỉ quy định về trách nhiệm cung cấp thông tin của DNBH và BMBH trong khi đó quan hệ hợp đồng BHNT còn có nhiều chủ thể khác tham gia vào các giai đoạn giao kết, thực hiện hợp đồng như NĐBH và người thụ hưởng. Trong khi đó, các điều khoản mẫu của các DNBH có ghi nhận trách nhiệm cung cấp thông tin thuộc về DNBH, BMBH, NĐBH và Người thụ hưởng (tùy từng điều khoản). Trên thực tế, nhiều trường hợp BMBH không biết rõ tình trạng sức khỏe, thể chất của NĐBH, Giấy yêu cầu bảo hiểm luôn thiết kế các câu hỏi riêng dành cho BMBH và NĐBH, bản thân NĐBH khi tham gia hợp đồng bảo hiểm cũng tự kê khai và ký vào hồ sơ yêu cầu bảo hiểm nếu đã thành niên hoặc người đại diện hợp pháp của NĐBH thực hiện các công việc này nếu NĐBH chưa thành niên. Như vậy, bản thân NĐBH cũng như người đại diện hợp pháp của NĐBH cũng phải kê khai trung thực khi giao kết hợp đồng. Người thụ hưởng phải cung cấp thông tin trung thực nếu được khai thác thông tin, đặc biệt trong giai đoạn thực hiện hợp đồng, giải quyết quyền lợi bảo hiểm. Vì thế, LKDBH cần quy định rõ ràng về trách nhiệm cung cấp thông tin của NĐBH và người thụ hưởng trong Điều 19 LKDBH 2000.

- Về quy định quyền lợi có thể được bảo hiểm:

+ Việc LKDBH 2000 quy định về điều kiện để có quyền lợi có thể được bảo hiểm “nuôi dưỡng và cấp dưỡng” là không chính xác vì đây là hai loại quan hệ có điều kiện khác nhau và loại trừ nhau (nếu một người có nghĩa vụ cấp dưỡng đối với một người khác thì không còn trách nhiệm nuôi dưỡng đối với người đó nữa). Do vậy, nội dung nói trên cần được sửa đổi theo hướng quan hệ giữa BMBH và NĐBH phải thỏa mãn một trong hai điều kiện hoặc (i) nuôi dưỡng hoặc (ii) cấp dưỡng là có quyền lợi có thể được bảo hiểm. Tác giả đề nghị sửa đổi Điểm c Khoản 2 Điều 31/ LKDBH năm 2000, “Anh, chị, em ruột, người có quan hệ nuôi dưỡng và cấp dưỡng” thành “Anh, chị, em ruột, người có quan hệ nuôi dưỡng hoặc cấp dưỡng”.

+ LKDBH cần sửa đổi, bổ sung nội dung quy định về quyền lợi có thể được bảo hiểm theo hướng ngoài các đối tượng được quy định tại Khoản 2 Điều 31 thì BMBH là tổ chức có thể mua bảo hiểm các đối tượng khác là : cán bộ, viên chức, người lao động và các thành viên khác của các cơ quan, doanh nghiệp và tổ chức khác ; người vay tiền, người gửi tiền tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó, cũng nên cho phép việc mua bảo hiểm vì lý do nhân đạo, ví dụ có thể mua bảo hiểm cho trẻ em nghèo, mồ côi để tạo quỹ giáo dục cho trẻ em hay mua bảo hiểm cho những người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt.

- Về hậu quả pháp lý của việc BMBH thông báo sai tuổi của NĐBH khi giao kết hợp đồng BHNT:

Như đã được phân tích rõ tại chương II, quy định về hậu quả pháp lý của việc BMBH thông báo sai tuổi của NĐBH tại Khoản 2 Điều 34 LKDBH 2000 không phù hợp với quy định hủy bỏ hợp đồng tại Điều 425/ Bộ luật Dân sự năm 2005. Bởi vì, quy định việc hoàn trả giá trị giải ước nghĩa là đồng thời công nhận hợp đồng bảo hiểm đó vẫn có hiệu lực kể từ thời điểm giao kết đến khi bị hủy. Bên cạnh đó, không phải hợp đồng bảo hiểm con người nào cũng có giá trị giải ước khi hợp đồng có hiệu lực từ hai năm trở lên. Hơn nữa, Khoản 2, Điều 34 LKDBH 2000 chỉ quy định việc BMBH thông báo sai tuổi của NĐBH mà không đề cập đến yếu tố lỗi (cố ý hay vô ý) của hành vi đó. Vấn đề đặt ra là, giả sử BMBH cố ý cung cấp

thông tin sai sự thật về tuổi của NĐBH thì lúc đó sẽ áp dụng (i) chế tài hủy bỏ hợp đồng theo Khoản 2, Điều 34/ LKDBH 2000 hay (ii) đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm và thu phí đến thời điểm đình chỉ theo khoản 2 Điều 19/ LKDBH 2000 hay (iii) xử lý hợp đồng vô hiệu theo điểm d, Khoản 1, Điều 22 Luật KDBH 2000.

Như vậy, Khoản 2, Điều 34 Luật KDBH cần được sửa đổi như sau: “Trong trường hợp BMBH cố ý hay vô ý thông báo sai tuổi của NĐBH, nhưng tuổi đúng của NĐBH không thuộc nhóm tuổi có thể được bảo hiểm thì DNBH có quyền huỷ bỏ hợp đồng, hoàn trả số phí bảo hiểm đã nộp cho BMBH sau khi trừ đi các chi phí hợp lý có liên quan và không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại hay trả số tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm xảy ra đối với NĐBH”.

Mặt khác, vì Luật KDBH cũng như Bộ luật Dân sự chưa đề cập đến giá trị thời gian của số tiền mà các bên đã giữ hộ nhau, chẳng hạn, số tiền bảo hiểm tại thời điểm mà DNBH đã trả cho BMBH (khi hợp đồng chấm dứt hiệu lực do thông báo sai tuổi) có giá trị khác với số tiền mà BMBH nộp cho DNBH (tại thời điểm giao kết hợp đồng) nhất là khi số tiền đó đã được giữ hộ trong một thời gian dài, do vậy, để đảm bảo quyền lợi cho các bên, việc tính đến giá trị thời gian của tiền tệ khi hợp đồng bị huỷ bỏ là cần thiết và cần được thể hiện thống nhất trong Bộ luật Dân sự cũng như trong LKDBH.

- Về thời điểm phát sinh trách nhiệm bảo hiểm:

Thời điểm phát sinh trách nhiệm bảo hiểm là một trong những điều khoản đặc biệt quan trọng của hợp đồng bảo hiểm. Điều 15 LKDBH năm 2000 quy định “Trách nhiệm bảo hiểm phát sinh khi hợp đồng bảo hiểm đã được giao kết hoặc khi có bằng chứng DNBH đã chấp nhận bảo hiểm và BMBH đã đóng phí bảo hiểm, trừ trường hợp có thoả thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm”. Quy định này đã được sửa đổi tại Điều 15 LKDBH 2010: “Trách nhiệm bảo hiểm phát sinh khi có một trong những trường hợp sau đây: 1. Hợp đồng bảo hiểm đã được giao kết và BMBH đã đóng đủ phí bảo hiểm; 2. Hợp đồng bảo hiểm đã được giao kết, trong đó có thỏa thuận giữa DNBH và BMBH về việc BMBH nợ phí bảo hiểm; 3. Có bằng chứng về việc hợp đồng bảo hiểm đã được giao kết và BMBH đã đóng đủ phí bảo hiểm.”

Nếu như LKDBH năm 2000 đề cao sự thỏa thuận giữa các bên về thời điểm phát sinh trách nhiệm bảo hiểm thì LKDBH năm 2011 lại bỏ đi trường hợp các bên được thỏa thuận về thời điểm phát sinh trách nhiệm bảo hiểm ngoại trừ trường hợp thỏa thuận về nợ phí bảo hiểm. Tuy nhiên quy định này có thể làm cho hàng loạt các điều khoản sản phẩm nhân thọ hiện hành không còn phù hợp do có quy định về thời gian chờ, ví dụ 01 năm đối với rủi ro bệnh lý, 02 năm đối với rủi ro do tự tử hoặc HIV….Như vậy, các điều khoản sản phẩm đã được ban hành trong thời hạn hiệu lực của LKDBH năm 2001 nay không còn phù hợp với LKDBH năm 2010 thì có mặc nhiên mất hiệu lực hay không? Hơn thế nữa, khi xây dựng sản phẩm mới, các DNBH có thể đặt ra quy định về thời gian chờ đối với một số rủi ro cho NĐBH hay không? Vì vậy, Bộ Tài chính cần hướng dẫn chi tiết để về việc (i) các điều khoản sản phẩm đã được ban hành trong thời hạn hiệu lực của LKDBH năm 2001 nay không còn phù hợp với LKDBH năm 2010 thì có mặc nhiên mất hiệu lực hay không; (ii) Khi xây dựng sản phẩm mới, các DNBH có quyền đặt ra quy định về thời gian chờ đối với một số rủi ro cho NĐBH hay không.

- Về điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm:

Điều 16/ LKDBH 2000 quy định “1. Điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm quy định trường hợp DNBH không phải bồi thường hoặc không phải trả tiền bảo hiểm khi xẩy ra sự kiện bảo hiểm; 2. Điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm phải được quy định rõ trong hợp đồng bảo hiểm. DNBH phải giải thích rõ cho BMBH khi giao kết hợp đồng. 3. Không áp dụng điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm trong các trường hợp sau đây: (a) BMBH vi phạm pháp luật do vô ý; (b) BMBH có lý do chính đáng trong việc chậm thông báo cho DNBH về việc xảy ra sự kiện bảo hiểm. Như vậy, có thể thấy, theo quy định của LKDBH 2000, các hành vi làm phát sinh việc loại trừ trách nhiệm bảo hiểm đều do BMBH thực hiện. Quy định này là hợp lý đối với bảo hiểm tài sản và trách nhiệm dân sự, tuy nhiên đối với BHNT thì chưa thực sự gần gũi và có ý nghĩa vì BMBH. Như đã được phân tích tại Chương II, LKDBH cần thống nhất quy định về các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm trong BHNT tại một điều luật và quy định rõ DNBH không phải bồi

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 16/12/2023