Một Số Trường Hợp Hợp Đồng Bhnt Vô Hiệu Khác

thể được bảo hiểm thì DNBH từ chối chấp nhận bảo hiểm ngay, tránh rủi ro hợp đồng bị tuyên vô hiệu hoặc rủi ro trục lợi bảo hiểm thành công từ khách hàng hoặc/ và đại lý.

Sau đây là một vụ việc thể hiện cách giải quyết của một DNBH trước tình huống BMBH không có quyền lợi có thể được bảo hiểm với NĐBH. Hợp đồng An Sinh Giáo Dục số 02305600129051 có ông Nguyễn Sỹ M là BMBH; cháu Nguyễn Trọng T là NĐBH, thời hạn bảo hiểm từ 27/2/2006 – 26/2/2018, số tiền bảo hiểm 31 triệu đồng, tổng số phí đã nộp đến 26/2/2011 là 10.839.000 đ, do Công ty BHNT BN phát hành và quản lý. Ngày 24/3/2010, ông Nguyễn Sỹ M tử vong do tràn dịch màng phổi. Khi nhận được yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm, Công ty BHNT BN mới phát hiện ra: tại Giấy yêu cầu bảo hiểm số 0307720 ngày 27/2/2006 phần mối quan hệ giữa BMBH và NĐBH bị bỏ trống; không có Bản thỏa thuận của cha mẹ NĐBH đồng ý cho BMBH giao kết hợp đồng bảo hiểm; tuy nhiên Công ty BHNT BN đã chấp nhận bảo hiểm và phát hành hợp đồng, thu phí bảo hiểm đến khi BMBH tử vong; kết quả xác minh cho thấy BMBH chỉ là cha nuôi (tự nhận) của mẹ NĐBH (không phải là ông ngoại và cũng không phải là người có quan hệ nuôi dưỡng, cấp dưỡng với NĐBH); như vậy BMBH không có quyền lợi có thể được bảo hiểm với NĐBH; hiện cán bộ đánh giá rủi ro, phát hành hợp đồng đã chuyển công tác.

Nuôi con nuôi là việc xác lập quan hệ cha mẹ và con giữa người nhận nuôi con nuôi và người được nhận làm con nuôi. Theo các quy định tại Điều 72, Điều 74 của Luật Hôn nhân và Gia đình, các quy định tại Điều 25 đến Điều 27 của nghị định 158/2005/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hộ tịch thì quyền và nghĩa vụ giữa cha mẹ nuôi và con nuôi phát sinh kể từ thời điểm đăng ký việc nuôi con nuôi. Cơ quan có thẩm quyền thực hiện đăng ký và cấp “Quyết định công nhận việc nuôi con nuôi” là UBND cấp xã. Người yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm – bà Nguyễn Thị H – vợ BMBH xác nhận không có bằng chứng chứng minh quan hệ nuôi dưỡng, cấp dưỡng giữa BMBH và NĐBH. Như vậy, về mặt pháp lý, BMBH không được coi là cha của mẹ NĐBH và sẽ không có quan hệ nuôi dưỡng, cấp dưỡng giữa ông bà nội

ngoại đối với cháu theo Luật Hôn nhân và Gia đình. Ngoài ra, mặc dù NĐBH đang được BMBH nuôi dưỡng nhưng giữa BMBH và NĐBH không có quan hệ giám hộ hoặc các quan hệ khác phát sinh quyền và nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng. Do đó, theo Điều 31 LKDBH 2000, trường hợp này BMBH không thuộc các trường hợp được quyền mua bảo hiểm cho NĐBH. Trước tình huống này, Công ty BHNT BN đã xác định hợp đồng không phát sinh hiệu lực (đây là cách DNBH hay sử dụng khi nói đến hợp đồng vô hiệu do thẩm quyền tuyên vô hiệu thuộc về Tòa Án). Điều khoản sản phẩm An Sinh Giáo Dục của Công ty BHNT BN không quy định về trường hợp này nhưng theo Điều 22 LKDBH năm 2000, hợp đồng bảo hiểm trên sẽ vô hiệu do BMBH không có quyền lợi có thể được bảo hiểm. Công ty BHNT BN hoàn lại 100% phí bảo hiểm đã nộp cho những người thừa kế hợp pháp của BMBH. Tuy nhiên, trên thực tế, khi giải quyết những vụ việc tương tự, khách hàng có thể khiếu nại việc giải quyết hợp đồng theo hướng vô hiệu do Công ty BHNT BN không yêu cầu BMBH bổ sung tài liệu liên quan đến quan hệ giữa BMBH và NĐBH khi giao kết hợp đồng bảo hiểm và đã chấp nhận bảo hiểm, thực hiện hợp đồng được hơn 04 năm.

- Đối tượng bảo hiểm không tồn tại tại thời điểm giao kết hợp đồng,

Quy định này của LKDBH 2000 bắt nguồn từ quan điểm hợp đồng bảo dân sự vô hiệu tuyệt đối do đối tượng không thể thực hiện được. Đối tượng của hợp đồng là một trong những yếu tố cấu thành của hợp đồng và là một trong những điều kiện để hợp đồng có hiệu lực. Mỗi một loại hình bảo hiểm đều có đối tượng bảo hiểm riêng. Theo Điều 31 LKDBH 2000, đối tượng của hợp đồng bảo hiểm con người là tuổi thọ, tính mạng, sức khoẻ và tai nạn con người. Đối tượng hợp đồng phải tồn tại trên thực tế hoặc phải xác định được và hợp pháp. Do vậy, khi giao kết hợp đồng BHNT, các bên phải nêu rõ đối tượng của hợp đồng, nếu đối tượng bảo hiểm chưa có hoặc không còn tồn tại thì hợp đồng BHNT vô hiệu. Bản chất của quy định này đối với hợp đồng BHNT là không thể giao kết hợp đồng BHNT cho một người đã chết. Như vậy, do hợp đồng không có đối tượng bảo hiểm (là sức khỏe,

tính mạng, tai nạn và tuổi thọ của người đó) nên tất nhiên hợp đồng đó không thể có hiệu lực.

Để tránh trường hợp phát hiện hợp đồng BHNT vô hiệu do đối tượng bảo hiểm không tồn tại tại thời điểm giao kết hợp đồng khi đã phát hành hợp đồng và đang trong giai đoạn thực hiện hợp đồng, các DNBH rất cẩn trọng trong việc xác định sự tồn tại của đối tượng bảo hiểm khi thực hiện giao kết hợp đồng, tránh trường hợp BMBH mua bảo hiểm cho người đã tử vong nhằm trục lợi bảo hiểm, thông qua các hoạt động sau:

+ Yêu cầu tư vấn viên báo cáo về tình trạng sức khỏe, thể chất của NĐBH (báo cáo đại lý là một trong các tài liệu bắt buộc phải có trong hồ sơ yêu cầu bảo hiểm);

+ Yêu cầu NĐBH cung cấp Chứng minh nhân dân hoặc Giấy khai sinh;

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 137 trang tài liệu này.

+ Kiểm tra chữ ký của NĐBH hoặc người đại diện hợp pháp của NĐBH trên Giấy yêu cầu bảo hiểm;

+ Kiểm tra sức khỏe của NĐBH trong những trường hợp cần thiết theo quy định đánh giá rủi ro của nội bộ DNBH.

Giao kết hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và vấn đề vô hiệu của hợp đồng - 12

DNBH có thể chỉ phát hiện ra trường hợp đối tượng bảo hiểm không tồn tại trong quá trình xác minh sau khi nhận được yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm của Người được hưởng quyền lợi bảo hiểm. Như vậy, nếu không cẩn trọng ngay từ giai đoạn giao kết hợp đồng BHNT và thực hiện các biện pháp đánh giá rủi ro chuẩn mực thì DNBH có thể gặp phải trường hợp đồng bảo hiểm vô hiệu do đối tượng bảo hiểm không tồn tại (nếu phát hiện được) hoặc chấp nhận chi trả quyền lợi bảo hiểm (nếu không phát hiện được).

- Tại thời điểm giao kết hợp đồng, bên mua bảo hiểm biết sự kiện bảo hiểm đã xảy ra

Theo Khoản 10, Điều 3 LKDBH 2000: “Sự kiện bảo hiểm là sự kiện khách quan do các bên thoả thuận hoặc pháp luật quy định mà khi sự kiện đó xảy ra thì doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm”. Như vậy, sự kiện bảo hiểm phải là sự kiện có thể xảy ra

sau khi hợp đồng bảo hiểm được giao kết. Do đó, LKDBH 2000 quy định BMBH biết sự kiện bảo hiểm đã xảy ra tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm là yếu tố dẫn đến hợp đồng bảo hiểm vô hiệu để tránh hiện tượng trục lợi bảo hiểm (biết sự kiện bảo hiểm đã xảy ra rồi mới tham gia bảo hiểm nhằm nhận được số tiền bồi thường lớn hơn nhiều so với số phí bảo hiểm đã nộp).

Ví dụ, đối với hợp đồng BHNT, các tình huống phát sinh có thể là (i) BMBH mua bảo hiểm phẫu thuật và điều trị ngoại khoa cho NĐBH khi NĐBH đã bị được mổ, điều trị ngoại khoa trước khi tham gia bảo hiểm; (ii) BMBH mua bảo hiểm thương tật toàn bộ vĩnh viễn cho NĐBH khi NĐBH đã bị tai nạn dẫn đến phải mất hoàn toàn và không hồi phục được chức năng của 2 chân trước khi tham gia bảo hiểm… Cũng như đã đề cập tại nội dung “đối tượng bảo hiểm không tồn tại tại thời điểm giao kết hợp đồng”, để tránh rủi ro hợp đồng BHNT vô hiệu và phòng chống trục lợi, ngay từ giai đoạn giao kết hợp đồng DNBH cần (i) thực hiện đánh giá rủi ro kỹ lưỡng về tình trạng sức khỏe và thể chất của NĐBH khi nhận được đề nghị giao kết hợp đồng của BMBH; (ii) nâng cao tinh thần trách nhiệm, chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp của đại lý khai thác hợp đồng; (iii) thường xuyên rà soát, đánh giá chất lượng hoạt động của các cộng tác viên y tế qua đó sử dụng hiệu quả đội ngũ này để phát hiện các trường hợp đã xảy ra rủi ro nhưng vẫn đề nghị giao kết hợp đồng bảo hiểm.

- Bên mua bảo hiểm hoặc doanh nghiệp bảo hiểm có hành vi lừa dối khi giao kết hợp đồng

BLDS 2005 – bộ luật gốc cũng đã quy định về trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu do lừa dối. Theo Điều 132 BLDS 2005, khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối thì có quyền yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu. Như đã đề cập chi tiết tại mục 2.1.3 “phân loại hợp đồng vô hiệu”. Thiện chí và trung thực là một trong những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự nói chung. Đối với Luật kinh doanh bảo hiểm – một luật chuyên ngành cũng đề cao nguyên tắc, thậm chí nhấn mạnh đặc biệt ở nghĩa vụ trung thực tuyệt đối của các bên trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng BHNT.

Về mặt lý luận, một hành vi bị coi là lừa dối khi giao kết hợp đồng thông thường được xác định dựa trên các tiêu chí sau: Đưa ra thông tin sai lệch về một sự việc; bản thân người đưa ra thông tin biết rõ ràng thông tin đó sai lệch sự thật; với chủ ý làm cho người nghe tin vao thông tin đó; người nhận thông tin đã tin tưởng vào thông tin đó nên giao kết hợp đồng và có thiệt hại xảy ra.

Theo điều 132 BLDS “lừa dối là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao diện dân sự nên đã xác lập giao dịch đó”. Nói cách khác, lừa dối là việc một bên có những thủ đoạn (che giấu thông tin, cung cấp thông tin sai lệch) nhằm làm cho bên kia nhầm lẫn và vì vậy đã giao kết hợp đồng. BLDS Pháp cũng quy định hành vi lừa dối bao gồm hai yếu tố cấu thành yếu tố ý đồ (lừa dối là một hành vi cố ý, bên này chủ ý lừa dối bên kia) và yếu tố hiện thực (phải có thủ đoạn gian dối - sự cố ý không cung cấp thông tin quan trọng mà nếu biết được thông tin đó thì người kia đã không ký kết hợp đồng).

Như vậy, việc cố ý cung cấp thông tin sai sự thật của BMBH nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm để được trả tiền bảo hiểm hoặc được bồi thường thực chất cũng là một hành vi lừa dối. Tuy nhiên, hợp đồng bảo hiểm là một loại hợp đồng chuyên biệt nên hậu quả pháp lý của hành vi này sẽ chịu sự điều chỉnh của luật riêng (LKDBH), trừ khi Luật riêng không quy định hoặc dẫn chiếu tới luật chung (BLDS).

Hành vi “cố ý cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm” được quy định tại Điều 19 cũng tương tự như “hành vi lừa dối” được quy định tại Điều 22 nhưng hậu quả pháp lý được quy định khác nhau tại LKDBH 2000. Điều 19 quy định: DNBH có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm và thu phí bảo hiểm đến thời điểm đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm khi BMBH có một trong những hành vi sau đây: a) Cố ý cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm để được trả tiền bảo hiểm hoặc được bồi thường;

b) Không thực hiện các nghĩa vụ trong việc cung cấp thông tin cho DNBH theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 19 của Luật này. Trong trường hợp DNBH cố ý cung

cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm thì BMBH có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm; DNBH phải bồi thường thiệt hại phát sinh cho BMBH do việc cung cấp thông tin sai sự thật. Điều 22 lại quy định nếu BMBH hoặc DNBH có hành vi lừa dối khi giao kết hợp đồng bảo hiểm thì hợp đồng vô hiệu. Hậu quả pháp lý quy định tại Điều 22 phù hợp với quy định của BLDS 2005 về hợp đồng vô hiệu do bị lừa dối. Tuy nhiên Điều 19 LKDBH 2000 cũng là một quy định có cơ sở từ góc độ luật chuyên ngành.

Có quan điểm cho rằng, (i) nếu là hành vi cố ý cung cấp thông tin sai sự thật của BMBH thì sẽ áp dụng Khoản 2 Điều 19 LKDBH 2000 (doanh nghiệp bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm và thu phí bảo hiểm đến thời điểm đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm) còn (ii) nếu là hành vi lừa dối khác (ngoài hành vi cố ý cung cấp thông tin sai sự thật của người mua bảo hiểm) thì áp dụng Điều 22 (hợp đồng bảo hiểm vô hiệu). Tuy nhiên, theo quan điểm của tác giả, sự tồn tại của hai điều khoản này trong LKDBH 2000 gây nên sự không thống nhất trong việc áp dụng pháp luật. Đây là một mâu thuẫn trong LKDBH 2000 và không được sửa đổi, khắc phục trong LKDBH 2010.

Bên cạnh đó, các Điều khoản hợp đồng của các DNBH cũng có quy định khác nhau đối với trường hợp khách hàng vi phạm nghĩa vụ kê khai trung thực. Các điều khoản hợp đồng do Tổng Công ty Bảo Việt Nhân thọ soạn thảo từ năm 2012 trở về trước luôn có quy định giải quyết trường hợp khách hàng vi phạm nghĩa vụ kê khai trung thực theo hướng Bảo Việt Nhân thọ có quyền đình chỉ hoặc chấm dứt thực hiện hợp đồng; không chịu trách nhiệm về rủi ro xảy ra và không hoàn lại phí đã nộp tính đến ngày đình chỉ/ chấm dứt thực hiện hợp đồng. Tuy nhiên các điều khoản hợp đồng do các DNBH khác ở Việt Nam lại chấp nhận hoàn lại phí bảo hiểm đối với các trường hợp vi phạm nghĩa vụ kê khai trung thực. Sự khác biệt này xuất phát từ (i) sự tồn tại đồng thời của Điều 19 và Điều 22 trong LKDBH 2000; (ii) quan điểm kinh doanh của từng DNBH và (iii) quan điểm của Bộ Tài chính – cơ quan có thẩm quyền phê duyệt các Điều khoản bảo hiểm mẫu của các DNBH trong việc phát triển thị trường bảo hiểm.

2.2.2. Một số trường hợp hợp đồng BHNT vô hiệu khác

- Chủ thể giao kết hợp đồng không đáp ứng đủ điều kiện về năng lực theo luật định

Điều 130 BLDS 2005 quy định: Khi giao dịch dân sự do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện thì theo yêu cầu của người đại diện của người đó, Toà án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu nếu theo quy định của pháp luật giao dịch này phải do người đại diện của họ xác lập, thực hiện.

Đối với hợp đồng BHNT, để hạn chế rủi ro hợp đồng vô hiệu trong trường hợp này, khi nhận được đề nghị giao kết hợp đồng của BMBH (tức là bộ hồ sơ yêu cầu bảo hiểm), DNBH phải đánh giá kỹ lưỡng về năng lực hành vi dân sự của BMBH và NĐBH, người đại diện hợp pháp của NĐBH (trong trường hợp NĐBH chưa đủ 18 tuổi) thông qua việc xem xét Chứng minh nhân dân, Giấy khai sinh của các chủ thể này. Công việc này lại được DNBH thực hiện một lần nữa khi xem xét hồ sơ yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm. Trên thực tế, có nhiều trường hợp đến khi sự kiện rủi ro đã xảy ra, DNBH mới biết tại thời điểm giao kết hợp đồng, BMBH hoặc/ và NĐBH chưa đủ 18 tuổi. Đứng trước tình huống này, nhiều DNBH hoặc phải chấp nhận giải quyết quyền lợi bảo hiểm, trả số tiền bảo hiểm như đã cam kết cho người thụ hưởng (do DNBH đã chấp nhận bảo hiểm từ đầu) hoặc thừa nhận hợp đồng không phát sinh hiệu lực để hoàn trả lại phí bảo hiểm cho BMBH hoặc những người thừa kế hợp pháp của BMBH.

- Chủ thể tham gia quan hệ hợp đồng không hoàn toàn tự nguyện

Nhầm lẫn

Theo Điều 131 BLDS 2005 về giao dịch dân sự vô hiệu do bị nhầm lẫn: “Khi một bên có lỗi vô ý làm cho bên kia nhầm lẫn về nội dung của giao dịch dân sự mà xác lập giao dịch thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu bên kia thay đổi nội dung của giao dịch đó, nếu bên kia không chấp nhận thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch vô hiệu. Trong trường hợp một bên do lỗi cố ý làm cho bên kia nhầm lẫn về nội dung của giao dịch thì được giải quyết theo quy định

tại Điều 132 của Bộ luật này”. Như vậy, pháp luật Việt Nam đã đề cập đến (i) yếu tố “lỗi vô ý” của một bên, (ii) đối tượng của sự nhầm lẫn là “nội dung của giao dịch dân sự”.

Theo khoản 1, Điều 13 LKDBH, nội dung của hợp đồng bảo hiểm bao gồm:

a) Tên, địa chỉ của doanh nghiệp bảo hiểm, bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm hoặc người thụ hưởng; b) Đối tượng bảo hiểm; c) Số tiền bảo hiểm, giá trị tài sản được bảo hiểm đối với bảo hiểm tài sản; d) Phạm vi bảo hiểm, điều kiện bảo hiểm, điều khoản bảo hiểm; e) Điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm; f) Thời hạn bảo hiểm; g) Mức phí bảo hiểm, phương thức đóng phí hoặc bồi thường; h) Các quy định giải quyết tranh chấp; i) Ngày, tháng, năm giao kết hợp đồng.

Như đã đề cập tại Phần I của luận văn, theo quan điểm của tác giả, hợp đồng chỉ có thể vô hiệu do nhầm lẫn nếu có nhầm lẫn về đối tượng hợp đồng bảo hiểm. Đối với hợp đồng BHNT, đối tượng hợp đồng là tuổi thọ, tính mạng, sức khỏe và tai nạn của NĐBH. Về mặt lý thuyết, trường hợp hợp đồng BHNT vô hiệu do nhầm lẫn chỉ phát sinh khi BMBH hoặc và NĐBH có lỗi vô ý khiến DNBH nhầm lẫn về là tuổi thọ, tính mạng, sức khỏe và tai nạn của NĐBH mà đồng ý phát hành hợp đồng. Tuy nhiên trên thực tế trường hợp vô ý này không xảy ra vì khi đề nghị giao kết hợp đồng, BMBH và NĐBH phải kê khai Giấy yêu cầu bảo hiểm – mẫu do DNBH thiết kế với những câu hỏi cụ thể, rành mạch về nhân thân, sức khỏe của BMBH và NĐBH nên khả năng BMBH và NĐBH “vô ý” trả lời không trung thực là không thể.

Đe dọa

Điều 132 BLDS 2005 quy định: Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị đe dọa thì có quyền yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu. Đe dọa trong giao dịch là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc phải thực hiện giao dịch nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của cha, mẹ, vợ, chồng, con của mình. Tuy

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 16/12/2023