Giáo dục học - Mai Ngọc Liên - 38

Song những đặc điểm này của giáo dục gia đình có những mặt thuận lợi và những mặt không thuận lợi trong việc giáo dục học sinh:

+ Tình yêu thương sâu sắc, rộng lớn của cha mẹ đối với con cái và sự kính yêu, tôn trọng của con cái đối với cha mẹ chính là mặt mạnh, thuận lợi nhất trong giáo dục gia đình, không có một tổ chức giáo dục nào của xã hội có thể so sánh được. Nhưng nếu không được định hướng rõ ràng, không có sự sáng suốt của các nguyên tắc sư phạm, không yêu cầu cao đối với trẻ thì đây lại chính là nguyên nhân lớn gây ra những thói hư tật xấu cho trẻ em.

+ Truyền thống, phong tục, tập quán của gia đình nuôi dưỡng giá trị tinh thần, tu dưỡng tình cảm của con cái đối với thế hệ cha ông. Nhưng nếu phong tục, truyền thống của gia đình có những yếu tố lạc hậu, lỗi thời thì cũng sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến nhân cách của trẻ.

+ Bên cạnh những gia đình văn hoá mới, những gia đình tiến bộ, vẫn còn những gia đình có quan niệm trọng nam, khinh nữ, đề cao quá mức giá trị của đồng tiền, rượu chè, cờ bạc, v.v. ảnh hưởng xấu đến nhân cách của trẻ.

Vì vậy, để giáo dục con được tốt thì gia đình cần phải:

Xây dựng gia đình trở thành môi trường giáo dục lành mạnh, trong sáng. Gia đình là môi trường giáo dục thuận lợi. Muốn vậy, phải tạo ra cuộc sống gia đình phù hợp với cuộc sống xã hội, làm cho con người có cảm giác thoải mái, thân thương, đầm ấm khi ở gia đình.

Các thành viên trong gia đình phải luôn luôn tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau, có trách nhiệm với nhau, cha mẹ phải là những tấm gương sáng cho con trẻ noi theo.

GD của gia đình phải phù hợp với mục đích và nhiệm vụ GD của nhà trường.

Cha mẹ cần có sự hiểu biết về khoa học giáo dục, lựa chọn và sử dụng các phương pháp giáo dục phù hợp để đạt được kết quả giáo dục tốt.

Nhiệm vụ của hoạt động 2

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 315 trang tài liệu này.

Phân tích vai trò và đặc điểm của giáo dục gia đình HS tiểu học.

Nhiệm vụ 1 : Sinh viên làm việc theo cá nhân.

Giáo dục học - Mai Ngọc Liên - 38

Đọc phần thông tin cho hoạt động 2 và tự trả lời các câu hỏi ở mục đánh giá hoạt

động 2.

Nhiệm vụ 2 : Thảo luận nhóm về đặc điểm giáo dục nhà trường và gia đình HS tiểu học.

Nhiệm vụ 3 : Nhận xét kết quả thảo luận nhóm.

Đánh giá hoạt động 2

Câu hỏi 1 : Vì sao cần phải phát huy vai trò của gia đình HS tiểu học trong quá trình giáo dục ?

Câu hỏi 2 : Nêu đặc điểm của giáo dục gia đình HS tiểu học.

Câu hỏi 3 : Nêu một số ví dụ về giáo dục của gia đình HS tiểu học.

Bài tập : Tìm hiểu thực tế việc giáo dục của gia đình HS tiểu học.


Hoạt động 3 :Tìm hiểu nhiệm vụ, nội dung của việc phối hợp giáo dục giữa nhà trường và gia đình HS tiểu học (45 phút)

Thông tin cho hoạt động 3

1. Nhiệm vụ của việc phối hợp giữa nhà trường, gia đình trong quá trình giáo dục học sinh.

Nhà trường là cơ quan chuyên môn của Nhà nước, được sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, có đội ngũ giáo viên những người có trình độ chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm, vì vậy nhà trường cần phải đóng vai trò chủ động, nòng cốt trong việc kết hợp giáo dục với gia đình.

Nhà trường phải thực hiện tốt việc giảng dạy và giáo dục học sinh theo đúng đường lối, quan điểm giáo dục để lôi cuốn gia đình tham gia vào quá trình giáo dục học sinh. Cha mẹ học sinh có trách nhiệm cộng tác với nhà trường trong việc tổ chức hoạt động giáo dục con em. Nhà trường phải xác định cho phụ huynh hiểu rõ nhiệm vụ, chức năng của gia đình trong việc GD học sinh.

Gia đình nên chủ động liên hệ với nhà trường, giáo viên chủ nhiệm để nắm được nội dung giáo dục, học tập của con em mình, tham gia các hoạt động do nhà trường tổ chức, thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với giáo viên chủ nhiệm để biết kết quả học tập, lao động, rèn luyện của học sinh ở trường cũng như ở nhà và để có thể biết được các hiện tượng, những biến đổi tâm lí của học sinh ở cộng đồng. Ngoài ra, phụ huynh còn cần thường xuyên quan tâm, giúp đỡ, động viên các thầy cô giáo.

Bản chất của việc phối hợp này nhằm đạt được sự thống nhất về các yêu cầu giáo dục cũng như tác động giáo dục của tất cả người lớn, giúp cho nhân cách của trẻ được phát triển đúng đắn và toàn diện.

2. Nội dung cơ bản của việc phối hợp giáo dục giữa nhà trường và gia

đình HS tiểu học :

Nhà trường phải thể hiện được vai trò và tính chất của một đơn vị giáo dục, là lực lượng nòng cốt của sự nghiệp giáo dục.

Nhà trường phải công bố rõ nội dung, chương trình, kế hoạch giáo dục để gia đình được biết và thống nhất với gia đình về mục tiêu, phương pháp giáo dục để tránh hiện tượng "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược".

Thường xuyên theo dõi tiến trình kết hợp giáo dục và tổng kết, đánh giá, đề xuất kế hoạch phù hợp.

Tổ chức các hội nghị chuyên đề, báo cáo kinh nghiệm, câu lạc bộ, hội thảo để phổ biến các tri thức về khoa học giáo dục, về giáo dục con em trong gia đình cho cha mẹ học sinh nghe.

Nhà trường phải tham mưu cho các cấp Đảng uỷ, chính quyền nhằm đề ra được phương hướng và nội dung đúng đắn, thiết thực để có thể động viên, tạo điều kiện cho cha mẹ học sinh tham gia vào quá trình giáo dục ở trường.

Các bậc cha mẹ học sinh phải có nhận thức đúng đắn về trách nhiệm phối hợp với nhà trường trong việc giáo dục con em, không bao che những thiếu sót của HS ở nhà.

Hằng ngày nên dành thời gian chăm sóc, giúp đỡ, kiểm tra con em về mọi mặt để

kịp thời nắm bắt những biến đổi ở trẻ.

Tôn trọng và giữ uy tín cho các thầy cô giáo, đặc biệt là các thầy cô giáo trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm.

Nhiệm vụ của hoạt động 3

Phân tích nhiệm vụ và nội dung của việc phối hợp giáo dục giữa nhà trường và gia

đình HS tiểu học.

Nhiệm vụ 1 : Sinh viên làm việc theo cá nhân.

Đọc phần thông tin cho hoạt động 3 và tự trả lời các câu hỏi ở mục đánh giá hoạt

động 3.

Nhiệm vụ 2 : Thảo luận nhóm về nhiệm vụ và nội dung của việc phối hợp giáo dục giữa nhà trường và gia đình HS tiểu học.

Nhiệm vụ 3 : Nhận xét kết quả thảo luận nhóm.

Đánh giá hoạt động 3

Câu hỏi 1 : Trình bày các nhiệm vụ của việc phối hợp giáo dục giữa nhà trường và gia đình HS tiểu học.

Câu hỏi 2 : Nêu nội dung của việc phối hợp giáo dục giữa nhà trường và gia đình HS tiểu học.

Câu hỏi 3 : Nêu các thuận lợi và khó khăn trong việc phối hợp giáo dục giữa nhà trường và gia đình HS tiểu học

Bài tập : Tìm hiểu thực tế việc thực hiện nhiệm vụ và nội dung phối hợp giáo dục giữa nhà trường và gia đình HS tiểu học.

Hoạt động 4 : Tìm hiểu các biện pháp phối hợp giữa nhà trường và gia đình trong việc giáo dục HS tiểu học (45 phút)

Thông tin cho hoạt động 4

Việc phối hợp với cha mẹ học sinh là nhiệm vụ chủ yếu của giáo viên chủ nhiệm và giáo viên giảng dạy các môn học. Song muốn cho việc phối hợp với cha mẹ học sinh đem lại kết quả tốt thì nhà trường và giáo viên chủ nhiệm cần phải làm cho cha mẹ học sinh hiểu rõ nội dung, yêu cầu, biện pháp giáo dục học sinh để gia đình biết cách phối hợp. Mặt khác nhà trường nên cung cấp hoặc giúp cha mẹ học sinh nắm được các tri thức và các kinh nghiệm giáo dục trong gia đình.

Việc phối hợp với cha mẹ học sinh có thể được tiến hành bằng các biện pháp sau:

I. Các biện pháp phối hợp giữa nhà trường và gia đình trong việc giáo dục HS tiểu học

1. Tổ chức họp cha mẹ học sinh theo định kì : Có thể tổ chức họp phụ huynh HS theo quy định vào đầu và cuối học kì

Trong các buổi họp cha mẹ học sinh, nhà trường cần phải thông báo cho cha mẹ học sinh hiểu được các yêu cầu, mục tiêu, kế hoạch của nhà trường, nêu lên vai trò, vị trí, chức năng của gia đình trong việc phối hợp với nhà trường để giáo dục học sinh.

Thông báo kết quả học tập, rèn luyện, tu dưỡng của học sinh trong lớp nói chung, và từng học sinh nói riêng, đánh giá cụ thể sự tiến bộ hoặc thiếu xót của từng học sinh

Xác định những nhiệm vụ, nội dung giáo dục thống nhất giữa nhà trường và gia

đình trong từng giai đoạn.

Thống nhất, phân công nhiệm vụ của gia đình và nhà trường, cùng bàn bạc đề ra những biện pháp tác động giáo dục thống nhất phù hợp.

Trang bị cho phụ huynh học sinh một số kiến thức cơ bản về giáo dục gia đình, cách thức tổ chức quá trình học tập, rèn luyện cho học sinh ở gia đình và cộng đồng.

Nêu lên nhiệm vụ của hội phụ huynh học sinh.

2. Phối hợp với gia đình thông qua ban đại diện cha mẹ học sinh

Giáo viên chủ nhiệm lớp cần thường xuyên gặp gỡ trao đổi thông tin và bàn bạc với ban đại diện cha mẹ học sinh.

Thông qua hội phụ huynh học sinh có thể tổ chức mạng lưới các cộng tác viên giúp cho việc giáo dục học sinh được tốt hơn.

3. Thông qua sổ liên kết giáo dục : Phương pháp này cần phải được sử dụng phổ biến trong các nhà trường phổ thông

Sổ liên lạc giữa gia đình và nhà trường mà lâu nay chúng ta vẫn dùng là phương tiện để trao đổi thông tin, thông báo kết quả học tập và rèn luyện của học sinh ở trường và ở nhà. Sổ này thường do giáo viên chủ nhiệm hoặc học sinh chuyển trực tiếp đến cha mẹ học sinh, vì vậy nó có nhiều hạn chế:

Đối với các học sinh lớn, các em có thể giả mạo nhận xét và chữ kí của cha mẹ.

Chỉ có gia đình và giáo viên chủ nhiệm biết các thông tin cần thiết.

Nhiều cha mẹ học sinh không dám phản ánh đúng sự thật các hiện tượng sai sót, biểu hiện, hành vi không đúng của con em mình ở gia đình và ở cộng đồng.

Vì vậy, để đảm bảo tính khách quan, trung thực về quá trình học tập, rèn luyện của học sinh, ở gia đình, cộng đồng, nhà trường nên dùng sổ liên kết giáo dục. Như vậy sẽ có ít nhất là ba lực lượng tham gia nhận xét đánh giá học sinh (nhà trường, gia đình và cộng đồng). ở cộng đồng có thể do ban chăm sóc giáo dục, hội phụ huynh hoặc tổ dân phố,… chịu trách nhiệm. Đại diện của cộng đồng nơi học sinh đang sống sẽ là người chuyển giao sổ giữa giáo viên chủ nhiệm và gia đình học sinh.

4. Thăm và trao đổi trực tiếp tại gia đình học sinh

Đây là biện pháp có hiệu quả nhất trong việc tìm hiểu học sinh và giúp cha mẹ học sinh giáo dục con cái được tốt hơn. Biện pháp này phải được tiến hành một cách chủ động, có kế hoạch, với tất cả các học sinh trong lớp chứ không phải chỉ đối với các học sinh cá biệt.

Sử dụng phương pháp này giáo viên không những nắm được tình hình cụ thể về học sinh, mà còn nắm được trình độ học vấn của phụ huynh, phong tục truyền thống của gia đình học sinh, điều kiện sinh sống, học tập của học sinh, v.v. Tất cả những điều này sẽ giúp ích rất nhiều cho giáo viên chủ nhiệm trong công tác giáo dục học sinh.

5. Liên hệ qua thư từ và điện thoại

Hình thức này rất cần thiết và hiệu quả khi có những việc nảy sinh đột xuất mà giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh học sinh cần trao đổi với nhau.

6. Gặp gỡ trao đổi trực tiếp với nhau

Biện pháp này khác với biện pháp thăm gia đình học sinh: Phụ huynh học sinh (đặc biệt là học sinh nhỏ) có thể đến trường gặp gỡ, trao đổi với giáo viên phụ trách lớp hoặc đến nhà giáo viên trao đổi để nắm được tình hình của con ở trường.

7. Tổ chức câu lạc bộ gia đình

Đây là biện pháp giúp cha mẹ học sinh có thể gặp gỡ nhau để học tập, trao đổi, phổ biến kinh nghiệm giáo dục con em trong gia đình và cung cấp thêm những tri thức mới.

Muốn vậy phải có nơi để đặt câu lạc bộ, có thể là tư gia của bất kì một gia đình phụ huynh nào đó trong lớp có điều kiện.

8. Tổ chức tư vấn giáo dục

Biện pháp này tuy còn mới song có thể mang lại hiệu quả cao. Người đứng ra làm công tác tư vấn có thể là giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn hoặc phụ huynh có lí luận, kinh nghiệm, có điều kiện về thời gian và tận tình với công việc. Họ có thể làm cố vấn để giúp giáo viên hoặc phụ huynh tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác giáo dục trẻ.

9. Tổ chức cho cha mẹ học sinh báo cáo điển hình

Khi thực hiện biện pháp này, yêu cầu giáo viên chủ nhiệm phải chọn các phụ huynh học sinh là những người có con chăm ngoan, học giỏi, có nhiều thành tích suất sắc trong học tập, rèn luyện và yêu cầu họ báo cáo kinh nghiệm để các phụ huynh khác học tập và làm theo. Song cần lưu ý đây không phải chỉ là cha mẹ có các con ngoan, học giỏi mà còn là những người có học vấn, hiểu biết về các lĩnh vực khác nhau như đặc điểm tâm sinh lí của trẻ, giáo dục gia đình v.v.

10. Tổ chức các buổi hội thảo, mời chuyên gia nói chuyện, trao đổi về phương pháp giáo dục học sinh

Đây là các buổi hội thảo mang tính chất toàn trường hoặc khối lớp, có tác dụng cung cấp cho cha mẹ học sinh những kiến thức cơ bản về giáo dục con em trong gia đình và giúp cho nhà trường có thể thực hiện tốt công tác kết hợp với gia đình nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục.

11. Thu hút cha mẹ học sinh tham gia vào các hoạt động của nhà trường

Thông qua biện pháp này, giáo viên có thể giới thiệu cho cha mẹ HS về phương pháp dạy học hoặc vận động phụ huynh tham gia vào các hoạt động ngoại khoá, các hoạt động theo hứng thú của học sinh như : tham quan, du lịch, cắm trại, v.v. hoặc, bồi dưỡng các nhóm nghệ thuật, khéo tay hay làm, thể thao, v.v. của trường, sẽ làm cho phụ huynh HS có điều kiện hiểu thêm về công tác với trẻ em, có thêm kinh nghiệm và kĩ năng giáo dục con em mình.

Khi tham gia vào các hoạt động của lớp cùng với học sinh, cha mẹ sẽ hiểu được thêm về tâm lí lứa tuổi các em, được biết các bạn của con mình, nắm được quan hệ của con mình với các bạn, từ đó có thể hướng dẫn, điều chỉnh các hành vi của con cho phù hợp.

Chủ trương thu hút đông đảo cha mẹ học sinh tham gia vào các hoạt động của nhà trường không nên chỉ hạn chế ở những cha mẹ tích cực, ban đại diện phụ huynh học sinh mà cần tạo điều kiện để tất cả phụ huynh đến trường, tiếp xúc với các hoạt động của nhà trường, có dịp chứng kiến năng lực hoạt động và thái độ đối với bạn bè, thầy cô của con mình cũng như các em học sinh khác cùng lớp. Qua đó, cha mẹ học sinh có thể hiểu thêm về trường lớp, về con em mình ở trường và sẽ cảm thấy gần gũi, thân thiết hơn với nhà trường.

12. Mời cha mẹ học sinh đến trường

Đây là biện pháp được sử dụng trong những trường hợp cần thiết. Ví dụ, khi học sinh vi phạm những lỗi lầm nghiêm trọng như gây gổ, đánh nhau với bạn bè gây thương tích, bỏ học thành hệ thống, hỗn láo, vô lễ với giáo viên, v.v. Dù trong bất kì trường hợp nào, thái độ của người giáo viên cũng cần phải bình tĩnh, chân thành, không gây cho cha mẹ HS cảm giác bị xúc phạm mạnh. Vấn đề cốt lõi là nên bàn bạc tìm cách giáo dục.

13. Xây dựng mạng lưới cộng tác viên theo nội dung giáo dục

Xã hội ngày càng phát triển, các yêu cầu mà xã hội đề ra cho giáo dục ngày càng cao. Vì vậy, muốn đào tạo ra những sản phẩm đáp ứng yêu cầu của xã hội thì bắt buộc

giáo dục phải đổi mới. Những yêu cầu đổi mới của trường học không chỉ dừng lại ở việc đổi mới nội dung, đổi mới chương trình, sách giáo khoa, v.v. mà phải đổi mới cả công việc quản lí và phối hợp giáo dục.

Các nhà sư phạm cần phân tích, xem xét và định hướng hoạt động cho nhà trường một cách hợp lí nhất, cần quan tâm đến chất lượng dạy học của nhà trường đồng thời mở rộng liên kết chặt chẽ với các lực lượng xã hội nhằm xây dựng cơ sở vật chất cho nhà trường và tạo nên môi trường thuận lợi cho việc giáo dục toàn diện.

Nhà trường cần phải xây dựng mạng lưới cộng tác viên. Yêu cầu đề ra cho mạng lưới cộng tác viên là :

+ Thường xuyên trao đổi với nhà trường về những thông tin có liên quan đến giáo dục.

+ Có năng lực chuyên biệt, có hiểu biết cần thiết và có uy tín với mọi người.

+ Nhiệt tình, sẵn sàng tham gia vào các hoạt động của nhà trường, biết cách vận

động tổ chức của mình tham gia giáo dục.

Để có mạng lưới cộng tác viên, nhà trường cần tìm hiểu, phát hiện trong hội cha mẹ học sinh và các đoàn thể xã hội, tìm ra những người có khả năng và điều kiện cộng tác giáo dục để giúp đỡ nhà trường.

14. Giáo viên tiểu học cần phối hợp với các lực lượng xã hội trong việc giáo dục học sinh

II. Các biện pháp phối hợp giữa nhà trường và cụm dân cư trong việc giáo dục học sinh tiểu học

1. Vai trò, vị trí của cụm dân cư

Cụm dân cư là không gian nhỏ, nằm trong sự quản lí của chính quyền phường xã.

Cụm dân cư thường xuyên tác động đến trẻ em một cách trực tiếp là : Khu phố, thôn, ấp, làng, bản v.v., là nơi học sinh và gia đình HS cư trú. Cụm dân cư là nơi tập trung đa dạng các tầng lớp nhân dân, tôn giáo, lứa tuổi, nghề nghiệp. Đó cũng là nơi trực tiếp thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, là nơi diễn ra cuộc sống hàng ngày của cộng đồng gắn bó với đời thường của mỗi gia đình, chịu sự chi phối của các giá trị đạo đức, phong tục tập quán và những quy ước riêng của mỗi cộng đồng.

Ngày nay, trong điều kiện kinh tế thị trường tuy có nhiều mặt tích cực song cũng không ít tiêu cực đòi hỏi giáo dục phải quan tâm giải quyết. Giáo dục của nhà trường chỉ phát huy được tác dụng chủ đạo của mình khi có sự phối hợp thống nhất các lực lượng xã hội theo hướng tích cực.

2. Lập kế hoạch, chương trình phối hợp hoạt động

Thu thập thông tin

Để có thể thực hiện tốt việc phối hợp giáo dục cần phải xác định mục tiêu, xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động. Trong quá trình giáo dục học sinh, nhà trường và mỗi giáo viên cần phải xây dựng cho mình một kế hoạch hoạt động. Kế hoạch này phải là kết quả sáng tạo của mỗi giáo viên, vì vậy nó phản ánh rõ năng lực thiết kế và năng lực dự đoán của họ. Song để lập được kế hoạch và tổ chức hoạt động có hiệu quả, người lập kế hoạch cần phải nắm chắc và xử lí hàng loạt các thông tin về :

Mục tiêu, nhiệm vụ và kế hoạch công tác của toàn trường, của lớp mình phụ trách.

Đặc điểm của học sinh, những truyền thống đã có, những thuận lợi và khó khăn.

Đặc điểm của địa bàn dân cư, tình hình chung của xã hội.

Các đặc điểm và điều kiện của gia đình học sinh và các lực lượng xã hội, khả năng có thể huy động, mục tiêu cần phải đạt được v.v.

Từ những thông tin đã thu thập được, người giáo viên cần phải xử lí và dự đoán khả năng phát triển chung cũng như phát triển về từng mặt hoạt động của tập thể lớp, gắn liền với khả năng phát triển của cả tập thể và của mỗi cá nhân học sinh. Nhưng cần phải tính đến những thuận lợi, khó khăn và có phương hướng để khắc phục những khó khăn ấy.

Lập kế hoạch, chương trình phối hợp hoạt động giáo dục

Để có được một kế hoạch đúng đắn, hợp lí cần phải tiến hành thông qua các bước sau

đây :

Bước 1 : Lãnh đạo nhà trường cần phải tìm những cán bộ có đủ tài năng để làm dự thảo kế hoạch, bố trí công việc, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng người phù hợp với trình độ, năng lực của họ.

Mặt khác cần phải thiết lập quan hệ cộng tác giữa người được phân công lập kế hoạch với các bộ phận trong nhà trường và các lực lượng xã hội giúp cho người lập kế hoạch có đầy đủ các dữ kiện cần thiết.

Ngoài ra, cần phải tập hợp phân tích, lưu trữ những thông tin cần thiết.

Bước 2 : Dựa vào những thông tin đã tổng kết của năm học trước để chẩn đoán trạng thái và bước đi của năm học mới. Căn cứ vào chỉ thị của các cấp quản lí lãnh đạo, điều kiện chủ quan, khách quan để xác định nội dung và phạm vi của kế hoạch.

Ngoài ra, còn phải căn cứ vào điều kiện cơ sở vật chất, trình độ của học sinh và trình độ, khả năng của giáo viên, của gia đình học sinh và các lực lượng xã hội có trên địa bàn v.v. để xây dựng kế hoạch phối hợp.

Bước 3 : Phác thảo mục tiêu, yêu cầu, chỉ tiêu.

+ Lựa chọn nội dung công việc.

+ Dự kiến thời gian.

+ Đề xuất các biện pháp, tính toán tiềm năng, nguồn lực.

Xem tất cả 315 trang.

Ngày đăng: 03/11/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí