Giải pháp ứng dụng thương mại điện tử trong ngành hàng không thông qua phân tích mô hình ứng dụng thương mại điện tử của Pacific Airlines - 1

TRƯỜNG ĐẠI HỌC NGOẠI THƯƠNG HÀ NỘI KHOA KINH TẾ VÀ KINH DOANH QUỐC TẾ CHUYÊN NGÀNH KINH TẾ ĐỐI NGOẠI


KHOÁ LUẬN TỐT NGHIỆP


Đề tài:

GIẢI PHÁP ỨNG DỤNG THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ TRONG

NGÀNH HÀNG KHÔNG THÔNG QUA PHÂN TÍCH MÔ HÌNH ỨNG DỤNG THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ CỦA PACIFIC AIRLINES


Giáo viên hướng dẫn : Th.S Nguyễn Văn Thoan Sinh viên thực hiện : Nguyễn Phương Thanh Lớp : Anh 17

Khoá : K43E

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 92 trang tài liệu này.


Hà Nội tháng 6 - 2008

Giải pháp ứng dụng thương mại điện tử trong ngành hàng không thông qua phân tích mô hình ứng dụng thương mại điện tử của Pacific Airlines - 1


Lời mở đầu

Trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển như vũ bão hiện nay và cụ thể trong Hội nghị tổng kết công tác hoạt động năm 2007 của Bộ Thông tin và truyền thông cho thấy tốc độ tăng trưởng viễn thông Việt Nam năm qua vượt mức bình quân thế giới, Internet đã và đang tác động đến rất nhiều mặt của đời sống kinh tế xã hội trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Một trong những sự tác động rõ rệt của Internet đó là sự xuất hiện Thương mại điện tử (TMĐT), ảnh hưởng của nó lan rộng tới hầu hết các ngành, lĩnh vực như ngành giáo dục, ngành Bảo hiểm, thậm chí là Chính phủ điện tử, vì thế một ngành mà cũng góp phần không nhỏ tới sự phát triển kinh tế của đất nước là ngành hàng không cũng ko nằm ngoài vùng phủ sóng của TMĐT. Hiện nay trên thế giới, TMĐT được công nhận là một mô hình và công cụ kinh doanh giàu tiềm năng, hứa hẹn, mang lại lợi ích tiềm tàng giúp người tham gia thu được thông tin phong phú về thị trường và đối tác, giảm chi phí, mở rộng quy mô doanh nghiệp, rút ngắn chu kỳ kinh doanh và đặc biệt với các nước đang phát triển đây là cơ hội tạo bước nhảy vọt , rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển. Sự thành công của TMĐT cũng giống như các mô hình và hoạt động kinh doanh khác, đều phụ thuộc vào việc cung cấp những sản phẩm và dịch vụ có giá trị gia tăng, phụ thuộc vào sự cân bằng giữa chi phí và doanh thu và vào một khung pháp lý có khả năng tăng cường lòng tin của doanh nghiệp, của người tiêu dùng vào việc kinh doanh qua mạng Internet.

Ở Việt Nam hiện nay, TMĐT là một lĩnh vực tương đối mới, hiện đang được Chính phủ dành rất nhiều sự quan tâm với những chủ trương chính sách nhằm thúc đẩy TMĐT phát triển. Thực tế đã cho thấy TMĐT đang dần thâm nhập vào các hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trên thế giới nói chung và doanh nghiệp Việt Nam nói riêng, tạo nên những thế mạnh đột phá mới.


TMĐT cũng đã và đang tạo ra sự thay đổi đáng kể cho các ngành dịch vụ, trong đó phải kể đến ngành hàng không, du lịch, khách sạn để ứng dụng Internet vào đặt vé máy bay, tàu lửa, tour du lịch, tư vấn v.v… qua đó góp phần đưa hình ảnh doanh nghiệp đến người tiêu dùng gồm cả người trong nước và nước ngoài một cách hiệu quả hơn. Để hoạt động kinh doanh có hiệu quả, ngày càng có nhiều doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp hàng không xây dựng website để quảng bá sản phẩm dịch vụ của mình, tận dụng việc khai thác kênh thông tin – tiếp thị Internet. Nhờ đó khách hàng trong nước và quốc tế có thể truy cập vào website để tìm thông tin về chuyến bay, giá vé, và nhiều dịch vụ khác do doanh nghiệp cung cấp.

Từ tất cả những lý do trên, em đã chọn đề tài “Giải pháp ứng dụng mô hình thương mại điện tử trong ngành hàng không thông qua phân tích mô hình ứng dụng thương mại điện tử của Hãng hàng không Pacific Airlines” với mục đích:

- Nghiên cứu vai trò của TMĐT đối với hoạt động của ngành hàng không.

- Tìm hiểu thực trạng ứng dụng TMĐT vào ngành hàng không trên thế giới và ở Việt Nam.

- Tìm hiểu thực trạng triển khai TMĐT trong hoạt động kinh doanh của Công ty cổ phần hàng không Pacific Airlines (nay hoạt động dưới thương hiệu mới là Jetstar Pacific), từ đó đề xuất một số giải pháp đẩy mạnh hoạt động kinh doanh của Hãng hiệu quả hơn cũng như cho toàn ngành nói chung.

Với mục đích nghiên cứu như trên, khóa luận của em được kết cấu như

sau:

- Chương 1: Tổng quan về Thương mại điện tử và tình hình triển khai TMĐT tại Việt Nam.

- Chương 2: Phân tích mô hình ứng dụng TMĐT của Hãng hàng không Pacific Airlines.


- Chương 3: Giải pháp ứng dụng TMĐT cho ngành hàng không ở Việt Nam.

Do kiến thức, tài liệu hạn chế, khóa luận của em không tránh khỏi những thiếu sót và hạn chế. Rất mong nhận được những ý kiến đóng góp thiết thực của các thầy cô và bạn bè để khóa luận được hoàn thiện hơn.

Qua đây em xin chân thành cảm ơn các thầy cô giáo trong Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế trường Đại học Ngoại Thương Hà Nội, đặc biệt là ThS Nguyễn Văn Thoan, cùng một số cán bộ, nhân viên đang công tác tại Hãng hàng không Pacific Airlines đã tạo điều kiện để em hoàn thành khóa luận này.

Hà Nội, ngày tháng 6 năm 2008.

Sinh viên Nguyễn Phương Thanh


Chương 1

TỔNG QUAN VỀ THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ VÀ TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI THƯƠNG MẠI

ĐIỆN TỬ TẠI VIỆT NAM


Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, TMĐT ra đời là kết quả hợp thành của nền KT số hóa và “xã hội thông tin”. TMĐT bao trùm một phạm vi rộng lớn các hoạt động kinh tế và xã hội, nó mang đến lợi ích tiềm năng và đồng thời thách thức lớn cho người sử dụng. TMĐT đang phát triển nhanh trên bình diện toàn cầu, tuy hiện nay đang áp dụng chủ yếu ở các nước công nghiệp phát triển nhưng các nước đang phát triển cũng bắt đáu tham gia . Toàn cầu đang hướng tới giao dịch thông qua TMĐT. TMĐT được đánh giá là một phát kiến quan trọng nhằm thúc đẩy nền KT thế giới trong thế kỷ 21. Giờ đây, TMĐT có lẽ ko phải là chiến lược mà các quốc gia có thể chọn lựa hoặc không, bởi nếu quốc gia nào không nắm lấy cơ hội này sẽ có nguy cơ tụt hậu một cách nghiêm trọng, Cuộc cách mạng kinh doanh điện tử sẽ là cơ hội lớn cho các nước đang phát triển để tận dụng nhằm phát triển kinh tế của đất nước mình. Nếu không bắt kịp với bước tiến này khoảng cách của các nước đó với các nước phát triển sẽ còn gia tăng nhanh chóng. Do đó, phát triển TMĐT trở thành vấn đề có tính chất sống còn đới với các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam. Trong xu thế đó, các doanh nghiệp hàng không cũng ra sức đẩy mạnh ứng dụng TMĐT và dần trở thành một phần không thể thiếu trong hoạt động của các doanh nghiệp này. Với ý nghĩa quan trọng đó, chương 1 sẽ nghiên cứu các kiến thức tổng quan về TMĐT như: khái niệm và đặc trưng của TMĐT, điều kiện tiền đề để ứng dụng TMĐT, đánh giá lợi ích và hạn chế của TMĐT, các mô hình TMĐT cơ bản và các hình thức hoạt động của TMĐT, khóa luận sẽ đi sâu vào thanh toán điện tử và marketing điện tử bởi đây là hai ứng dụng TMĐT cơ bản dễ thấy nhất


đang được áp dụng trong ngành hàng không ở Việt Nam, là đối tượng mà khóa luận đang nhắm đến. Cuối cùng là tìm hiểu và nghiên cứu thực tế triển khai ứng dụng TMĐT ở Việt Nam.


I. Tổng quan về thương mại điện tử.

1. Khái niệm Thương mại điện tử.

Sau khi Internet ra đời và được sử dụng rộng rãi, các doanh nghiệp nhận thấy rằng Internet giúp họ rất nhiều trong việc trưng bày sản phẩm, cung cấp, chia sẻ thông tin liên lạc với các đối tác trong và ngoài nước một cách nhanh chóng, thuận tiện và nhất là rất kinh tế. Từ đó, các doanh nghiệp đã tích cực khai thác thế mạnh của Internet để phục vụ hoạt động kinh doanh của mình và từ đây khái niệm Thương mại điện tử (TMĐT) bắt đầu được hình thành. Với sự hỗ trợ đắc lực của Internet, TMĐT đã trở thành một môi trường kinh doanh mới cho các doanh nghiệp.

Hiện nay, TMĐT có nhiều định nghĩa rộng, hẹp khác nhau do nhiều tổ chức quốc tế đưa ra như Ủy ban Liên Hợp Quốc về Luật Thương mại quốc tế UNCITRAL, Ủy ban Châu Âu, Tổ chức thương mại thế giới v.v.. và có nhiều cách gọi khác nhau về TMĐT như “thương mại trực tuyến” (Online-Trade), “thương mại không giấy tờ” (paperless commercce), “kinh doanh điện tử” (Electronic Business), nhưng phổ biến nhất vẫn là “thương mại điện tử” (Electronic Commerce). Xét trên mỗi khía cạnh thì TMĐT có những cách hiểu khác nhau:

- Từ góc độ truyền thông: TMĐT là việc vận chuyển thông tin, các sản phẩm, dịch vụ, hoặc thanh toán thông qua các đường dây điện thoại, các mạng máy tính hoặc các phương tiện khác.

- Từ góc độ quá trình kinh doanh: TMĐT là sự áp dụng công nghệ hiện đại nhằm tự động hóa các quá trình kinh doanh và nghiệp vụ kinh doanh.

Hoặc cũng có thể xét theo nghĩa rộng và nghĩa hẹp:


- Theo nghĩa hẹp, TMĐT là việc thực hiện các hoạt động thương mại dựa trên các phương tiện điện tử, đặc biệt là Internet và các mạng viễn thông. Các hoạt động thương mại bao gồm marketing, hỗ trợ khách hàng, cung cấp thông tin, mua bán hàng hóa, dịch vụ, thanh toán v.v… Không nhất thiết phải thực hiện toàn bộ các hoạt động thương mại nói trên dựa trên các phương tiện điện tử mới là ứng dụng TMĐT, doanh nghiệp có thể tận dụng TMĐT phục vụ một hay một số hoạt động đó để mang lại hiệu quả kinh tế. TMĐT nên được xem là công cụ bổ sung cho thương mại truyền thống để tăng hiệu quả kinh doanh.

- Theo nghĩa rộng, TMĐT bao gồm việc sản xuất, quảng cáo, bán hàng và phân phối sản phẩm được mua bán và thanh toán qua mạng Internet, nhưng được giao nhận có thể hữu hình hoặc giao nhận qua Internet dưới dạng số hóa (WTO).

Trong đó định nghĩa phổ biến nhất, rộng rãi nhất về TMĐT là: “Thương mại điện tử là việc trao đổi thông tin thương mại thông qua các phương tiện điện tử, không cần in ra giấy bất cứ công đoạn nào của toàn bộ quá trình giao dịch.” (Nguồn: Luật mẫu về Thương mại điện tử của Ủy ban LHQ về Luật thương mại quốc tế - UNCITRAL Model Law on Electronic Commerce, 1996).

Có thể thấy rằng phạm vi của TMĐT là rất rộng, bao quát hầu hết các lĩnh vực hoạt động kinh tế, trong đó việc mua bán hàng hóa và dịch vụ chỉ là một trong rất nhiều lĩnh vực áp dụng TMĐT.


2. Đặc trưng của Thương mại điện tử.

2.1. Giao dịch TMĐT là giao dịch không giấy tờ (Paperless transactions)

Khi thực hiện giao dịch TMĐT, tất cả các văn bản đều được thể hiện bằng các dữ liệu tin học, băng ghi âm hay các phương tiện điện tử khác. Đặc trưng này làm thay đổi căn bản các giao dịch bởi khi đó độ tin cậy không còn phụ thuộc vào cam kết bằng giấy tờ mà bằng sự tin cậy lẫn nhau giữa các đối tác.


Giao dịch không giấy tờ tiết kiệm đáng kể chi phí và nguồn nhân lực để chu chuyển, lưu trữ và tìm kiếm các văn bản khi cần. Người sử dụng thông tin có thể tìm kiếm ngay trong ngân hàng dữ liệu của mình mà không cần người khác tham gia nên ý tưởng hay ý đồ kinh doanh sẽ được bảo vệ an toàn. Tuy nhiên, việc giao dịch không giấy tờ này lại đòi hỏi kỹ thuật bảo đảm an ninh và an toàn dữ liệu, vì trong dây truyền nghiệp vụ TMĐT, các mối hiểm họa có thể xảy ra ở bất kỳ khâu nào, với cả máy khách, máy chủ, trên các kênh truyền thông, nhất là Internet.


2.2. Sự phụ thuộc vào công nghệ và trình độ CNTT của người sử dụng.

Muốn phát triển TMĐT, sự đầu tư, xây dựng và không ngừng nâng cao trình độ công nghệ thông qua phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật của TMĐT như mạng máy tính và khả năng tiếp nối của mạng với cơ sở dữ liệu thông tin, tốc độ đường truyền, hệ thống thanh toán trực tuyến, trình độ bảo mật v.v… là vô cùng cấp thiết.

Hiện nay, mạng internet gần như là yếu tố quyết định cho mọi hình thức hoạt động của TMĐT. Công nghệ càng đi lên thì TMĐT càng có cơ hội để phát triển. Tuy nhiên, đồng nghĩa với nó là doanh nghiệp phải tăng chi phí đầu tư cho công nghệ và người sử dụng phải luôn cập nhật những kiến thức công nghệ mới bởi trong TMĐT, các bên tham gia không gặp nhau trực tiếp mà thông qua mạng, khi đó việc chia sẻ thông tin giữa các bên nhanh hơn, nhưng đòi hỏi họ phải có khả năng sử dụng.

Hơn nữa, TMĐT là việc kinh doanh trên các phương tiện điện tử nên nó sẽ chịu ảnh hưởng của sự thay đổi công nghệ, mà như chúng ta biết, công nghệ đang biến đổi từng ngày. Vì vậy, người tham gia kinh doanh TMĐT cũng phải không ngừng học hỏi để theo kịp xu hướng đó, tức là phải sử dụng công nghệ thành thạo và có kiến thức, kỹ năng tổng hợp về quản trị kinh doanh, về thương mại, v.v…

Xem tất cả 92 trang.

Ngày đăng: 03/05/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí