Giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng trung và dài hạn tại ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, chi nhánh tỉnh Phú Thọ - 11


Qua bảng ta thấy lợi nhuận thu từ hoạt động tín dụng T&DH tăng liên tục qua các năm bên cạnh sự tăng trưởng của dư nợ tín dụng T&DH. Đây là một dấu hiệu tốt chứng tỏ khả năng sinh lời từ hoạt động tín dụng T&DH của ngân hàng ngày càng có triển vọng tốt. Tỷ lệ lợi nhuận tín dụng T&DH/ Dư nợ T&DH tăng dần từ 2,81% năm 2009 lên 4,54% năm 2011. Năm 2010 tỷ lệ này là 3,83%.

Nhìn vào biểu ta thấy, lợi nhuận từ hoạt động tín dụng T&DH được đánh giá khả quan cả về số tuyệt đối và số tương đối. Tỷ suất lợi nhuận tín dụng T&DH tăng dần đều. Tỷ lệ lợi nhuận tín dụng T&DH trên tổng lợi nhuận luôn chiếm tỷ trọng cao nhưng không ổn định trong giai đoạn 2009-2011. Năm 2009, lợi nhuận tín dụng T&DH chiếm 51,57%, sang năm 2010 tăng lên đến 58,0% nhưng đến năm 2011 giảm xuống còn 51,35%. Điều này chứng tỏ vị trí quan trọng của lợi nhuận từ hoạt động tín dụng T&DH trong tổng lợi nhuận ngân hàng nhưng có biểu hiện không ổn định. Năm 2011, chi nhánh có mức lợi nhuận tăng hơn so với năm 2010 do cuối năm 2010, dư nợ T&DH mới đạt mức 2500 tỷ, đồng thời chi nhánh được phép áp dụng lãi suất thỏa thuận theo tín hiệu thị trường nên lãi suất có cao hơn năm 2010 và lãi của các khoản vay cuối năm 2010 đến hạn phải thu. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận dư nợ T&DH của chi nhánh đã giảm mạnh từ tốc độ tăng 60,9% giai đoạn 2009-2010 xuống còn 24,91% trong giai đoạn 2010-2011. Nguyên nhân


do doanh số cho vay giảm, doanh số thu nợ tăng không lớn so với năm 2010, vòng quay tín dụng có xu hướng giảm.

2.3 ĐÁNH GIÁ CHUNG

2.3.1 Kết quả đạt được

Là một đơn vị nằm trong hệ thống của NHNo&PTNT Việt Nam với hơn 20 năm hoạt động, với tầm nhìn chiến lược đúng đắn, chi nhánh NHNo&PTNT tỉnh Phú Thọ đã thiết lập được quan hệ với những khách hàng truyền thống và tiềm năng giúp chi nhánh không ngừng tăng uy tín, thị phần và lợi nhuận kinh doanh. Hoạt động tín dụng T&DH trong những năm gần đây đã góp phần vào sự thành công trong hoạt động kinh doanh của chi nhánh. Cụ thể:

Thứ nhất: Doanh số cho vay T&DH luôn được chú trọng. Cùng với sự tăng trưởng của quy mô tín dụng nói chung thì quy mô tín dụng T&DH nói riêng của chi nhánh cũng luôn duy trì ở mức tương đối khá qua các năm. Năm 2009 doanh số cho vay là 1.425,01 tỷ đồng, sang năm 2010 là 1.427,21 tỷ đồng và đến năm 2011 mặc dù gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm dự án đầu tư, kinh tế có bước phát triển chậm nhưng doanh số cho vay đạt 1.222,54 tỷ đồng. Điều này thể hiện xu hướng hoạt động tín dụng T&DH của chi nhánh vẫn luôn được chú trọng, đảm bảo doanh số cho vay lớn hơn doanh số thu nợ tạo điều kiện nâng cao uy tín và sức cạnh tranh của chi nhánh trên địa bàn.

Thứ hai: Chi nhánh đã có nỗ lực hạn chế nợ xấu gia tăng. Năm 2009 doanh số thu hồi nợ của chi nhánh là 1.149,85 tỷ đồng, năm 2010 có giảm đi 105 tỷ đồng nhưng số thu hồi được nợ của chi nhánh chủ yếu là giải quyết nợ xấu của những năm trước bằng nhiều biện pháp thu hồi vốn và sang năm 2011 dù gặp nhiều khó khăn nhưng với nỗ lực và quyết tâm cao chi nhánh đã thu hồi được 1.090,43 tỷ đồng.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 136 trang tài liệu này.

Thứ ba: Lợi nhuận thu từ hoạt động tín dụng T&DH liên tục tăng và góp phần không nhỏ vào lợi nhuận chung của chi nhánh trong những năm gần đây. Lợi nhuận từ hoạt động tín dụng T&DH năm 2009 là 59,486 tỷ đồng thì sang đến năm 2010 đã tăng lên đạt 95,710 tỷ đồng và đến năm 2011 đạt 119,554 tỷ đồng. Lợi


Giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng trung và dài hạn tại ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, chi nhánh tỉnh Phú Thọ - 11

nhuận từ tín dụng T&DH luôn đóng góp khoảng 51% vào tổng lợi nhuận chung của chi nhánh. Từ đó cho thấy tầm quan trọng của tín dụng T&DH đối với sự tồn tại và phát triển của chi nhánh.

Thứ tư: Dư nợ tín dụng T&DH đối với thành phần kinh tế ngoài quốc doanh luôn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ tín dụng T&DH. Tỷ trọng này trong năm 2009 là 98,80%, năm 2010 là 98,21% và năm 2011 là 98,22%. Điều này cho thấy chiến lược phát triển tín dụng của ngân hàng luôn bám sát tình hình thực tế. Trong những năm gần đây hoạt động cổ phần hóa doanh nghiệp diễn ra rất mạnh mẽ, ngày càng nhiều các doanh nghiệp ngoài quốc doanh ra đời cả về số lượng và lĩnh vực ngành nghề. Trước thực tế đó, chi nhánh đã chú trọng đến cho vay T&DH đối với đối tượng này và chuyển dịch cho vay bằng ngoại tệ sang nội tệ nhằm đem lại lãi suất cao hơn, giảm rủi ro gặp phải do sự biến động của tỷ giá. Trong đối tượng ngoài quốc doanh, chi nhánh đã đặc biệt chú trọng đến cho vay T&DH đối với khách hàng là hộ gia đình và cá nhân có đối tượng vay vốn thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn

2.3.2 Hạn chế và nguyên nhân

Hoạt động tín dụng T&DH trong thời gian qua tại chi nhánh NHNo&PTNT tỉnh Phú Thọ bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định ảnh hưởng tới chất lượng tín dụng T&DH.

2.3.2.1 Hạn chế

Thứ nhất: Cơ cấu nguồn vốn huy động của chi nhánh chưa thực sự hợp lý. Trong những năm gần đây hiệu suất sử dụng vốn T&DH của chi nhánh luôn ở mức cao trên 1, cụ thể năm 2009 là 1,42 đến năm 2011 đã lên tới 1,54, điều này gây ra rủi ro thanh khoản cho chi nhánh. Nguồn vốn huy động T&DH không đủ để đáp ứng nhu cầu tín dụng T&DH, buộc chi nhánh phải sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay, cụ thể: tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay T&DH năm 2009, 2010, 2011 lần lượt là 42,27%; 55,2%; 54,6% đều cao hơn so với mức tối đa cho phép là 30%. Điều này cho thấy cơ cấu vốn dành cho tín dụng T&DH là tương đối rủi ro.


Thứ hai: Vòng quay vốn tín dụng T&DH của chi nhánh trong thời gian gần đây còn rất thấp và có xu hướng giảm. Năm 2009 là 0,58 vòng, năm 2010 là 0,45 vòng và đến năm 2011 chỉ còn 0,42 vòng. Vòng quay vốn tín dụng T&DH thấp cho thấy tốc độ luân chuyển vốn tín dụng T&DH chậm, vốn tham gia vào ít chu kỳ sản xuất và lưu thông hàng hóa, khoảng thời gian tồn tại trung bình của các món vay dài dẫn đến nhiều rủi ro cho đồng vốn đầu tư.

Thứ ba: Tuy có nhiều nỗ lực để giảm nợ xấu, nợ quá hạn nhưng nợ quá hạn của chi nhánh có biểu hiện không ổn định, xoay quanh 9,58% đến 12,3%. Năm 2009, tỷ lệ nợ quá hạn là 12,38%, năm 2010 giảm xuống còn 9,58% nhưng năm 2011, tỷ lệ nợ quá hạn là 12,03%. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ T&DH quá hạn so với nợ quá hạn có xu hướng giảm từ 57,23% năm 2009 xuống còn 54,15% vào năm 2011.

Thứ tư: Tỷ lệ nợ xấu T&DH còn ở mức cao, tiềm ẩn rủi ro lớn. Năm 2011 nợ xấu T&DH là 45,207 tỷ đồng và tỷ lệ nợ xấu là 1,72%. Mặt khác, tỷ trọng nợ xấu T&DH so với nợ xấu nói chung có sự không ổn định và có dấu hiệu tăng. Năm 2009, tỷ lệ nợ xấu T&DH/ Tổng nợ xấu là 77,1%, Năm 2010, tỷ lệ này giảm xuống còn 64,43%. Tuy nhiên, nợ xấu T&DH năm 2011 tăng 2 tỷ so với năm 2010, chiếm đa trong số nợ xấu của chi nhánh (tỷ trọng trong nợ xấu lên tới 87%).

Thứ năm: Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận tín dụng T&DH có biểu hiện giảm. Năm 2010, lợi nhuận tín dụng T&DH tăng 60,9% so với năm 2009. Nhưng sang năm 2011, tốc độ tăng trưởng tín dụng T&DH chỉ còn 24,91%, thấp hơn rất nhiều so với tốc độ tăng của năm 2010.

2.3.2.2 Nguyên nhân

a. Nguyên nhân khách quan

Thứ nhất: Những diễn biến bất lợi của nền kinh tế thế giới và trong nước cùng các cơ chế chính sách của nhà nước chưa đồng bộ.

Giai đoạn 2009-2011 là giai đoạn đầy khó khăn và thách thức đối với nền kinh tế thế giới nói chung và nền kinh tế nước ta nói riêng. Năm 2009, 2010 kinh tế thế giới có nhiều biến động, suy thoái kinh tế và cuộc khủng hoảng tài chính đã gây ra tình trạng hàng loạt các công ty, tập đoàn phá sản kể cả các tập đoàn tài chính,


ngân hàng hàng đầu trên thế giới dẫn đến tình trạng hoạt động ngân hàng gặp nhiều khó khăn, tiềm ẩn rủi ro cao trong giao dịch thương mại quốc tế. Năm 2010 kinh tế thế giới tuy đã phục hồi sau khủng hoảng, nhưng thực tế vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ một cuộc khủng hoảng khác như khủng hoảng nợ ở châu Âu, vấn đề nợ công, thất nghiệp, thâm hụt ngân sách ở một số nền kinh tế chưa chấm dứt. Lạm phát ở một số nước tăng cao, giá vàng và USD biến động mạnh, giá cả một số mặt hàng chính tăng cao đã tác động mạnh đến tình hình kinh tế trong nước. Lạm phát năm 2010 ở mức 11.75%, con số này năm 2011 là 18,58% vượt xa mục tiêu của Chính phủ, thâm hụt thương mại vẫn ở mức cao, làm giảm dự trữ ngoại hối gây sức ép lên đồng nội tệ. Xu hướng tăng giá cả trên thị trường thế giới gây áp lực đến mặt bằng giá cả trong nước, thêm vào đó thiên tai, dịch bệnh xảy ra ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, đời sống của nhân dân và hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ dẫn đến không trả nợ được ngân hàng. Mặt khác trong giai đoạn này Chính phủ, NHNN và các Bộ ngành đã áp dụng nhiều biện pháp vĩ mô nhằm kiềm chế lạm phát ảnh hưởng đến việc mở rộng cho vay của các NHTM. Đồng thời lượng văn bản, chế độ chính sách do nhà nước ban hành tương đối nhiều và thay đổi nhanh thiếu tính đồng bộ. Chính sách và cơ chế quản lý vĩ mô của nhà nước vẫn trong quá trình chuyển hóa và đổi mới đã và đang hoàn thiện dần. Bởi vậy khi hướng dẫn, triển khai và thực hiện, nhiều ngành, nhiều doanh nghiệp vẫn gặp phải không ít khó khăn.

Thứ hai: Những hạn chế từ phía các khách hàng.

Khách hàng còn lúng túng trong lựa chọn hướng đầu tư, dự án thiếu tính khả thi và không đủ điều kiện về mức vốn tự có tham gia và dự án, không có TSĐB. Các khách hàng có nhu cầu vay vốn rất cao nhưng họ không hội tụ đủ các điều kiện vay vốn. Bên cạnh đó, trình độ quản lý và sử dụng vốn của nhiều khách hàng còn yếu kém, thiếu kinh nghiệm; có những khách hàng đầu tư dàn trải, không trọng tâm, trọng điểm nên hiệu quả của dự án giảm sút, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc trả nợ ngân hàng.


Các doanh nghiệp tham gia vay vốn đa phần đều chưa có ý thức công bố các thông tin về bản thân doanh nghiệp và tình hình tài chính gây nên khó khăn trong công tác thu thập thông tin, kiểm tra, giám sát của ngân hàng. Mặt khác, đa số các số liệu kế toán và BCTC, tài sản cầm cố của doanh nghiệp đặc biệt là khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh nộp đến ngân hàng chưa thực hiện chế độ kiểm toán gây khó khăn cho CBTD trong việc thẩm định tính xác thực về số liệu của dự án do vậy tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nhưng hiện nay chưa có quy định bắt buộc kiểm toán với thành phần KTNQD.

Thứ ba: Những khó khăn về phía địa phương

Phú Thọ là một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, khu vực nông thôn chiếm 83.5% dân số trên địa bàn. Trong giai đoạn 2009-2012 sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản gặp nhiều khó khăn do rét đậm, rét hại kéo dài và ảnh hưởng của cơn bão số 4, số 6; dịch bệnh lở mồng long móng, dịch tai xanh ở lợn; dịch cúm gia cầm... gây thiệt hại lớn đến vật nuôi, cây trồng. Giá cả một số vật tư phục vụ cho sản xuất nông, lâm nghiệp thủy sản tăng ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả đầu tư sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt trên địa bàn tỉnh nói chung và hoạt động kinh doanh của chi nhánh nói riêng.

Trụ sở chính của chi nhánh đặt trên địa bàn chịu sự cạnh tranh gay gắt với 16 NHTM khác. Sự cạnh tranh giữa các TCTD ngày càng gay gắt, không chỉ đối với địa bàn thành phố thị xã mà đối với cả địa bàn các huyện trong tỉnh.

b. Nguyên nhân chủ quan

Thứ nhất: Chi nhánh chưa thực sự đề ra được chính sách huy động phù hợp với lãi suất hợp lý linh hoạt trong từng thời kỳ hoạt động.

Công tác huy động vốn, quản lý vốn của NHNo Việt Nam mới chỉ dừng ở việc điều tiết nguồn vốn huy động từ nơi thừa vốn đến nơi thiếu vốn với lãi suất điều chuyển vốn thống nhất trong từng thời kỳ mà chưa thực hiện quản lý vốn thông qua việc “bán vốn” theo từng ngày với mức lãi suất thị trường. Do vậy tính chủ động trong thực hiện chính sách huy động linh hoạt khó thực hiện. Điều này làm cho việc cân đối nguồn vốn và tín dụng là khó khăn.


Thứ hai: Trình độ của cán bộ tín dụng còn nhiều hạn chế.

CBTD tuy đã được nâng cao nghiệp vụ nhưng chưa đồng đều. Việc đánh giá khả năng cạnh tranh, khả năng tiêu thụ sản phẩm của dự án trên thị trường liên quan đến nhiều khía cạnh đòi hỏi khả năng phân tích, tổng hợp, dự đoán nhạy bén của CBTD. Năng lực còn hạn chế nên nhiều dự án CBTD không định kỳ hạn trả nợ và hoặc định kỳ hạn trả nợ không căn cứ vào nguồn thu nhập, kế hoạch trích khấu hao của khách hàng dẫn đến tạo điều kiện cho khách hàng sử dụng vốn sau mục đích, không hoàn trả cho ngân hàng đúng hạn. Do đội ngũ cán bộ trẻ, thiếu kinh nghiệm nên chưa nhạy bén với cơ chế thị trường, chủ yếu là sao chép của người đi trước mà chưa chủ động tư duy, cập nhật những điểm mới về công tác thẩm định và phòng ngừa rủi ro. Điều này đã hạn chế chất lượng phân tích tín dụng và chất lượng thẩm định dự án của chi nhánh.

Các chi nhánh NHNo loại ba còn yếu trong vấn đề giải quyết sau cho vay đặc biệt là đối với khách hàng doanh nghiệp - đối tượng khách hàng chịu nhiều rủi ro và ảnh hưởng của nền kinh tế thế giới nhất như: Giám sát sau cho vay, xử lý tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, khắc phục sai sót trong cho vay, xử lý tài sản bảo đảm.

Thứ ba: Chất lượng công tác thẩm định các DAĐT, công tác kiểm tra sau khi cho vay chưa cao. Công tác định hướng đầu tư và dự báo rủi ro của NHNo tỉnh còn hạn chế.

Chất lượng công tác thẩm định chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, chưa lường đón hết được những biến động của thị trường trong nước và quốc tế, nhất là đối với các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, nguyên vật liệu chính phải nhập khẩu. Công tác thẩm định, kiểm soát trước và sau khi cho vay đã được chi nhánh chú trọng nhưng do trình độ của cán bộ nên vẫn gây ra rủi ro. Bởi vì không phải cán bộ nào cũng am hiểu hết về mọi lĩnh vực mọi ngành nghề kinh doanh. Hơn nữa, trình độ thu thập và phân tích, khai thác xử lý thông tin còn mang tính một chiều nên chưa kịp thời và độ chính xác chưa cao. Kinh nghiệm xử lý sau cho vay nói chung chưa cao, đặc biệt có sự chênh lệnh về kinh nghiệm giữa cán bộ ở NHNo tỉnh và cán bộ ở chi nhánh NHNo loại ba.


Phòng chuyên môn tại NHNo với chức năng là định hướng đầu tư, quản lý chất lượng tín dụng toàn chi nhánh nhưng chưa kiểm soát hết được công tác thẩm định, đầu tư tại các chi nhánh loại III, cũng như chưa cảnh báo nhóm khách hàng, ngành kinh tế có độ rủi ro; các biện pháp phòng ngừa và xử lý rủi ro.

Thứ tư: Chính sách Marketing tiếp cận khách hàng còn nhiều hạn chế.

Chi nhánh chưa có các biện pháp tích cực để thu hút khách hàng, đôi khi còn quá tin tưởng vào các khách hàng truyền thống mà quên rằng nếu họ luôn được các ngân hàng khác chào mời thì có thể mất khách hàng. Chính vì vậy, bên cạnh việc nâng cao uy tín với khách hàng, chi nhánh cần có những chính sách khuyến khích khách hàng thường xuyên hơn để một mặt giữa chân các khách hàng truyền thống mặt khác thu hút thêm các khách hàng mới. Trong hoạt động Marketing chưa chú trọng đến việc xây dựng hình ảnh chi nhánh. Các thông tin về thị trường và khách hàng còn thiếu và chưa thường xuyên. Đứng trước sự cạnh tranh gay gắt giữa các ngân hàng, đặc biệt là NHTMCP trong cùng địa bàn về lãi suất và các tiện ích nhưng chi nhánh chưa có những biện pháp tích cực và thực sự hấp dẫn để thu hút khách hàng. Bởi vậy chi nhánh cần tạo ra những sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng có nhiều điểm khác biệt với các tiện ích đi kèm.

Thứ năm: Những hạn chế về thông tin khách hàng.

Số liệu sử dụng để làm căn cứ thẩm định chưa đầy đủ, thiếu chính xác hoặc không khách quan làm tăng nguy cơ đánh giá sai lệch về khách hàng và hiệu quả của DAĐT. Nguyên nhân, do ngân hàng còn hạn chế trong việc thu thập và lưu trữ thông tin về khách hàng cũng như các thông tin kinh tế, xã hội cần thiết khác cho quá trình thẩm định. Một kênh hữu ích có thể tham khảo thông tin là Trung tâm tín dụng CIC của NHNN nhưng thông tin không được cập nhật thường xuyên và đầy đủ, đặc biệt là đối với khách hàng có quan hệ tín dụng lần đầu, khách hàng là hộ gia đình cá nhân và thông tin về tài sản thế chấp. Bên cạnh đó nhiều DNNQD đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân không mở tài khoản tại ngân hàng mà thanh toán với nhau bằng tiền mặt hoặc mở tài khoản tại ngân hàng khác nên gây khó khăn cho

Xem tất cả 136 trang.

Ngày đăng: 05/05/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí