Động cơ học tập bên trong của học sinh trung học cơ sở - 20


KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ‌

1. Kết luận‌

Qua quá trình nghiên cứu lý luận và thực trạng ĐCHT bên trong của học sinh THCS, chúng tôi rút ra một số kết luận về lý thuyết cũng như thực tiễn trong giới hạn nhóm mẫu nghiên cứu đã chọn như sau.

Về lý thuyết,

1.1. Mô hình lý thuyết nghiên cứu ĐCHT bên trong rất đa dạng, đề tài chọn nghiên cứu theo một số mô hình lý thuyết cụ thể: lý thuyết tự xác định, thuyết tư duy, thuyết định hướng mục tiêu, thuyết nhân văn và các lý thuyết hành vi, nhận thức.

1.2. ĐCHT bên trong của học sinh THCS là sự thỏa mãn và hài lòng đến từ bên trong khi tham gia vào hoạt động học tập với mức độ tự chủ cao, nhằm thúc đẩy và phát triển quá trình học để hiểu biết, học để tiến bộ và học để trải nghiệm kích thích.

1.3. Các yếu tố liên quan đến ĐCHT bên trong của học sinh THCS rất đa dạng, bao gồm các yếu tố cá nhân (gồm nhu cầu tâm lý, mục tiêu học tập và tư duy); các yếu tố liên quan đến nhà trường (gồm bầu không khí học tập, mục tiêu lớp học, thầy cô, bạn bè và nội dung tài liệu học tập…) và các yếu tố liên quan đến gia đình (gồm phong cách làm CM).

Về thực tiễn,

1.4. Đa số học sinh THCS tham gia nghiên cứu có ĐCHT bên trong ở mức trung bình cao. Thiên hướng của HS mạnh nhất là học để tiến bộ, tiếp theo là học để hiểu biết và học để trải nghiệm kích thích. Ba khía cạnh này của ĐCHT bên trong tương quan thuận với nhau chứng tỏ khi một khía cạnh được làm mạnh thì các khía cạnh còn lại cũng sẽ phát triển tích cực. ĐCHT bên trong và bên ngoài cùng tồn tại ở mỗi HS và ĐCHT bên trong không mạnh hơn ĐCHT bên ngoài. Một số ít học sinh THCS hoàn toàn không có ĐCHT.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 240 trang tài liệu này.

1.5. Những HS trong nhóm mẫu nghiên cứu có giới tính, học lực và loại trường khác nhau không có sự khác biệt về ĐCHT bên trong. HS thuộc khối lớp và kinh tế gia đình khác nhau thì có sự khác nhau về ĐCHT bên trong. Biểu hiện ĐCHT bên trong của HS khối 6 cao hơn ĐCHT bên trong của HS thuộc 3 khối còn lại. ĐCHT bên trong của HS đến từ gia


Động cơ học tập bên trong của học sinh trung học cơ sở - 20

đình giàu và khá cao hơn HS thuộc gia đình trung bình, dưới trung bình và nghèo. Ở từng thành phần của ĐCHT bên trong, có sự khác biệt nhất định xét theo loại trường và học lực. HS ở trường công lập có xu hướng học để hiểu biết cao hơn các HS của trường bán công. HS có học lực giỏi và khá có thiên hướng học để tiến bộ hơn HS có học lực trung bình và yếu.

1.6. Nghiên cứu đã chứng minh được mối tương quan giữa ĐCHT bên trong của học sinh THCS đã tham gia nghiên cứu với các yếu tố cá nhân và môi trường. Ba nhu cầu tâm lý, bốn mục tiêu học tập tương quan thuận với ĐCHT bên trong, đặc biệt nhu cầu tự chủ và nhu cầu năng lực, mục tiêu tiếp cận học tập tương quan thuận với ĐCHT bên trong mạnh mẽ hơn cả. Tư duy phát triển cố mối liên hệ thuận chiều với ĐCHT bên trong và tư duy cố định tương quan nghịch với ĐCHT bên trong. Xét các yếu tố môi trường, một số yếu tố gồm bầu không khí học tập khuyến khích tự chủ, mục tiêu lớp học tiếp cận học tập cũng như ba phong cách làm CM tương quan thuận chặt chẽ với ĐCHT bên trong.

1.7. Có nhiều yếu tố tương quan và có khả năng dự báo tác động đến ĐCHT bên trong của học sinh THCS trong giới hạn mẫu nghiên cứu, trong đó, một số yếu tố có khả năng dự báo ĐCHT bên trong cao hơn những yếu tố khác. Đối với các yếu tố cá nhân, nhu cầu tự chủ và nhu cầu năng lực tác động thuận chiều tích cực nhất đến ĐCHT bên trong. Bên cạnh hai nhu cầu tâm lý trên, mục tiêu tiếp cận học tập và tư duy phát triển cũng có khả năng dự báo ĐCHT bên trong của học sinh THCS khá cao. Với các yếu tố liên quan đến trường học, bầu không khí học tập khuyến khích tự chủ và mục tiêu lớp học tiếp cận học tập tương quan thuận và có khả năng tác động mạnh nhất đến ĐCHT bên trong. Với các yếu tố liên quan đến gia đình, phong cách làm CM khuyến khích tự chủ và phong cách thể hiện sự nống ấm có khả năng tác động đến ĐCHT bên trong của học sinh THCS mạnh hơn phong cách tham gia cùng con của CM.

1.8. Đề tài nghiên cứu đã chứng minh được 2 yếu tố cá nhân liên quan đến ĐCHT bên trong là biến trung gian trong giới hạn mẫu nghiên cứu đã chọn. Cụ thể, mục tiêu tiếp cận học tập của HS đóng vai trò trung gian trong mối quan hệ giữa mục tiêu lớp học tiếp cận học tập và ĐCHT bên trong. Nhu cầu tự chủ của HS đóng vai trò trung gian trong mối


quan hệ giữa phong cách làm CM khuyến khích tự chủ và ĐCHT bên trong của học sinh THCS.

1.9. Nghiên cứu trường hợp đã làm rõ hơn tác động của yếu tố cá nhân và môi trường đến ĐCHT bên trong của học sinh THCS tham gia nghiên cứu: yếu tố từ bản thân HS (gồm sự thỏa mãn và không thỏa mãn ba nhu cầu tâm lý, mục tiêu học tập và tư duy, quá trình và kết quả học tập…); các yếu tố liên quan đến nhà trường (gồm định hướng, mục tiêu giáo dục của nhà trường, bầu không khí học tập và mục tiêu lớp học, phong cách giảng dạy của thầy cô, mối quan hệ bạn bè, mối quan hệ giữa thầy cô và học trò, tài liệu học tập… );các yếu tố liên quan đến gia đình (điều kiện sống, phong cách làm CM của bố và mẹ, bầu không khí gia đình, mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình…) và các yếu tố môi trường có thể nảy sinh như việc dãn cách xã hội do Đại dịch COVID 19.

2. Kiến nghị‌

Trên cơ sở những kết quả nghiên cứu, chúng tôi đưa ra những kiến nghị sau:

2.1. Đối với học sinh

Đối với những học sinh THCS có ĐCHT bên trong ở mức trung bình cao như HS khối 6 hay những HS có điều kiện kinh tế giàu và khá nên tập trung duy trì và nâng cao hơn nữa thông qua những chương trình phòng ngừa diện rộng. Các em nên duy trì tham gia các hoạt động học tập và trải nghiệm phong phú trong và ngoài nhà trường, cùng bạn bè, thầy cô và CM để hiểu hơn về bản thân và được đáp ứng các nhu cầu tâm lý như ra quyết định phản ánh đúng mong muốn của bản thân, tạo dựng và duy trì những mối quan hệ nồng ấm, yêu thương, tôn trọng và thực hiện nhiệm vụ theo khả năng của mình. Cùng với đó, HS cần tiếp tục việc xây dựng mục tiêu tiếp cận học tập làm trọng tâm khi học và áp dụng tư duy phát triển trong nhiều tình huống hơn để học tập trở nên thoải mái và dễ chịu.

Với những HS có ĐCHT bên trong thấp hơn như HS của khối 7, khối 8 và khối 9 hoặc những em thuộc gia đình trung bình, dưới trung bình và nghèo cần sự trợ giúp tích cực từ phía nhà trường, GV và gia đình. GV chủ nhiệm và các thầy cô bộ môn cần chú ý, phát hiện, gần gũi, quan tâm HS, giúp các em xây dựng các mối quan hệ nồng ấm trong lớp


học với thầy cô và bạn bè. Các mục tiêu, tiêu chí học tập rõ ràng, phù hợp với năng lực của từng HS sẽ giúp các em cảm nhận rõ hơn về sự tiến bộ của bản thân. Về phía gia đình, CM cần chú trọng xây dựng các mối quan hệ tích cực, nồng ấm với con bằng cách dành thời gian trò chuyện, quan sát thực sự lắng nghe, đặc biệt là lắng nghe không phán xét để con có thể nói ra những cảm nhận, suy nghĩ và khó khăn của mình, từ đó cùng con tìm cách khắc phục, nâng cao ĐCHT bên trong. Việc phối kết hợp giữa thầy cô và CM sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong việc tìm các biện pháp phù hợp với mỗi HS để giúp các em hiểu ý nghĩa và dần trở nên yêu thích học. Ngoài ra, HS cũng nên cân nhắc tham gia hoạt động tham vấn, tư vấn nhóm với các chuyên viên/chuyên gia tâm lý học đường để nâng cao ĐCHT bên trong.

Còn lại những học sinh THCS đang thiếu ĐCHT cần được can thiệp cá nhân bởi các nhà tâm lý học trường học để hình thành dần cho các em ĐCHT cả bên ngoài và bên trong. Các em cần hơn ai hết mối quan hệ nồng ấm, yêu thương, được là chính mình nhất có thể trong mọi quyết định và cảm nhận và ghi nhận về năng lực, nỗ lực bản thân từ bạn bè, thầy cô giáo và CM.

2.2. Đối với giáo viên và nhà trường

Ở trường học, các thầy cô giáo là người trực tiếp xây dựng bầu không khí học tập và mục tiêu lớp học, ảnh hưởng tới ĐCHT bên trong của mỗi HS. Vì thế, thầy, cô trong thực tiễn giảng dạy nên áp dụng phong cách dạy học khuyến khích sự tự chủ. Phong cách này đặc trưng bởi các hành vi lắng nghe, tạo cơ hội cho HS được lựa chọn, thảo luận và ra quyết định, khuyến khích HS đặt câu hỏi, giải đáp các thắc mắc của HS đầy đủ và rành mạch, thể hiện niềm tin vào năng lực của HS. Khi phản hồi về năng lực của HS, giáo viên cần làm rõ mục tiêu lớp học và tiêu chí đánh giá kết quả học tập của HS, cho HS biết về năng lực thực tế của các em một cách mạch lạc, trực tiếp và cụ thể, đồng thời hướng dẫn, hỗ trợ các em đạt được mục tiêu học tập. Việc này sẽ giúp thu ngắn khoảng cách giữa kết quả hiện tại của HS và mong đợi học tập của các em từ đó, nhu cầu năng lực được thỏa mãn để các em tiếp tục duy trì ĐCHT.

Thêm vào đó, thầy cô giáo cần có cử chỉ, biểu cảm lời nói và hành động thân thiện,


nồng ấm để thiết lập mối quan hệ gần gũi với HS, cởi mở và sẵn sàng chia sẻ, dành thời gian lắng nghe và hỗ trợ HS. Các thầy cô cần hướng dẫn, giải thích và tổ chức các hoạt động khám phá, gia tăng sự kết nối, hợp tác, đoàn kết giữa các HS trong lớp và giúp các em biết tôn trọng sự khác biệt của bản thân và các bạn. Khi HS đưa ra quan điểm trái chiều với GV hay mắc lỗi, thầy cô cần nhìn nhận sự việc từ góc nhìn của HS trước tiên, kiên trì lắng nghe lý do (tránh áp đặt và suy diễn), giải thích với sự yêu thương, chân thành, mang tính chất đóng góp, xây dựng và mong muốn giúp đỡ các em sửa sai.

Để khuyến khích HS thích thú với quá trình học hơn, GV nên cân nhắc phân nhóm HS trong một số hoạt động học tập dựa trên sở thích, hứng thú của các em, bởi việc phân nhóm học sinh theo khả năng có thể sẽ phát triển mục tiêu học tập tiếp cận kết quả, chú trọng vào thành tích. Quan trọng, HS được GV ghi nhận ý tưởng sáng tạo, quan điểm cá nhân, nỗ lực và sự tiến bộ. Sự tinh tế và tâm lý khi nói về lỗi sai, điểm hạn chế của HS cần được đặc biệt lưu ý để tạo môi trường học tập an toàn cho HS có thể chia sẻ trung thực và không sợ sai. Mặc dù, văn hóa lớp học đang được xây dựng với các khuyến khích tự chủ, yêu thương, thân thiện, tôn trọng, an toàn nhưng nội quy và giới hạn là cần thiết.

Về phía nhà trường cần tạo điều kiện cho HS có nhiều cơ hội lựa chọn và quyền quyết định việc học của mình, tôn trọng HS thông qua lắng nghe, ghi nhận ý kiến của HS, đưa ra các thông tin, hướng dẫn cụ thể, rõ ràng, quan tâm đến những mong đợi và nguyện vọng của HS, lấy ý kiến HS trước khi đưa ra các chính sách và quy định mới, tìm cách đáp ứng các yêu cầu của HS. Nhà trường nên duy trì tổ chức và làm tốt hơn những chương trình, hoạt động giáo dục trải nghiệm đa dạng, phong phú, hấp dẫn HS như các câu lạc bộ năng khiếu, nghệ thuật, hoạt động thăm quan dã ngoại, thể dục thể thao, hội chợ, sự kiện, festival Tiếng Anh, rung chuông vàng, các hoạt động thiện nguyện, hoạt động hướng tới cộng đồng… để HS dễ dàng kết nối, phát triển trí tò mò, sáng tạo và phát huy năng lực của mình.

Nhà trường cũng cần tổ chức các hoạt động giáo dục, chương trình phòng ngừa toàn trường hoặc từng khối, từng lớp về các chủ đề liên quan đến tuổi dậy thì, phổ động cơ, nhu cầu tâm lý, tư duy và trí não, kỹ năng học tập … nhằm trang bị cho HS kiến thức, kĩ năng để chuẩn bị và thích ứng với những khó khăn liên quan đến hình thành ĐCHT bên trong.


Tập huấn, bồi dưỡng GV về các chuyên đề khác như: đặc điểm tâm lý lứa tuổi học sinh THCS giáo dục giá trị sống cho giáo viên, phương pháp và phong cách giảng dạy khuyến khích tự chủ, phương pháp đặt mục tiêu lớp học, quản lý hành vi lớp học… nên được các nhà trường cần tổ chức định kỳ. Từ đó, mỗi thầy cô giáo được tái đào tạo, cập nhật và được hỗ trợ để có thể làm tốt hơn công tác chủ nhiệm, giảng dạy của mình.

Trong trường, đội ngũ cán bộ công nhân viên nhà trường đóng một phần không nhỏ trong việc nâng cao mong muốn đi học và ĐCHT của HS. Do vậy, họ cũng cần được tập huấn, bồi dưỡng về cách ứng xử, giao tiếp với CM và HS cũng như các lực lượng khác trong trường. HS sẽ cảm nhận được sự thân thiện, yêu thương, tôn trọng, an toàn ngay từ khi bước chân vào cổng trường và ĐCHT cũng vì thế mà được nâng cao.

2.3. Đối với gia đình

Những mối quan hệ nồng ấm, tích cực, chất lượng rất cần thiết đối với học sinh THCS. Đó là khi CM lắng nghe và thấu hiểu quan điểm của con, tạo điều kiện cho con cảm nhận được ý thức về hành động của mình, có cách tiếp cận kiên quyết nhưng nhẹ nhàng trong việc giám sát và hướng dẫn con, giống như một người bạn của con, chia sẻ niềm vui và tiếng cười, giao tiếp cởi mở, nhạy cảm với trạng thái cảm xúc của con, lắng nghe và tôn trọng những điểm riêng của con. Những điều trên quan trọng không kém việc CM quan tâm, chăm lo cho đời sống vật chất, học hành của các em. Các em sẽ cảm thấy mình trưởng thành, được tôn trọng, được là chính mình, thấy an toàn trong gia đình mình, từ đó các em sẽ tích cực chia sẻ những vấn đề cá nhân, tâm tư riêng, băn khoăn, trăn trở trong học tập, kết nối cảm xúc tốt hơn, ĐCHT bên trong cũng sẽ cao hơn.

Đối với lứa tuổi HS chuẩn bị bước vào và đang ở giai đoạn dậy thì, đặc biệt trong xã hội hiện đại, đặc trưng tâm lý lứa tuổi của các em khiến CM thực sự cần quan tâm, trò chuyện để nhận ra những thay đổi về cảm xúc, suy nghĩ của con với từng vấn đề, đặc biệt là sự tự chủ. CM nên cùng con thiết lập các quy tắc và kỳ vọng, cho phép con trao đổi cởi mở và đồng cảm về quan điểm của con với các quy tắc, kỳ vọng và cho con nhiều phương án lựa chọn về cách tuân thủ các quy tắc ấy. Khi không cùng quan điểm với con, CM kiên nhẫn lắng nghe không phán xét các suy nghĩ, ý kiến của con, ghi nhận và lắng nghe con kể


cả những ý tưởng mới mẻ thậm chí vô lý nhất, sau đó cùng con phân tích về tính khả thi của nó. Qua đó, con sẽ không ngại mắc lỗi, coi đó là cơ hội để học hỏi, cụ thể ở đây là con học được cách giải quyết vấn đề và giao tiếp khi bất đồng quan điểm.

Với những gia đình có nhiều con, mối quan hệ giữa anh chị em cũng ảnh hưởng tới ĐCHT bên trong của HS. Tình cảm anh chị em trong nhà thân thiết, vui vẻ, yêu thương và nhường nhịn, chắc chắn nhu cầu kết nối của các em sẽ được đáp ứng tốt hơn và phần nào thúc đẩy ĐCHT của các em. Điều này phụ thuộc vào việc giao tiếp và ứng xử của CM với các con. Mỗi con nên được đối xử công bằng cảm thấy được yêu thương và tôn trọng như nhau, được giải thích về vai trò của anh, chị, em… chắc hẳn sẽ góp phần tạo dựng mối quan hệ này tích cực. Anh chị cũng là tấm gương học tập để các em noi theo và có động cơ để học tốt hơn.

3. Hạn chế của đề tài‌

Mặc dù đã đạt được một số kết quả nghiên cứu nhất định nhưng vẫn còn một số hạn chế khi thực hiện đề tài. Thứ nhất, cỡ mẫu nghiên cứu nhỏ và đặc điểm mẫu chưa đa dạng nên tính đại diện chưa cao. Kết quả nghiên cứu này không thể khái quát hóa cho toàn bộ học sinh THCS và HS Việt Nam nói chung ở ở mọi vùng miền. Theo đó, các kiến nghị chủ yếu đáp ứng nhu cầu của một số nhà trường nhiều hơn là cho cộng đồng các trường học. Thứ hai, nghiên cứu chỉ sử dụng thang đo tự báo cáo (do hạn chế về nguồn lực và điều kiện thực tế cho phép của mỗi trường học) nên đáp án của HS đối với các items có thể bị ảnh hưởng bởi kỳ vọng của xã hội. Thêm vào đó là tình hình dịch bệnh nên chúng tôi chưa có cơ hội quan sát thực tế nhiều và thực hiện những cuộc phỏng vấn trực tiếp, phỏng vấn sâu trên nhiều HS, CM các em, GV và cán bộ nhân viên trong trường về ĐCHT bên trong của học sinh THCS và các yếu tố liên quan. Thứ ba, việc phỏng vấn trong phương pháp nghiên cứu trường hợp được thực hiện trực tuyến mà không có cơ hội tương tác trực tiếp do ảnh hưởng dịch Covid - 19 kéo dài làm gián đoạn việc đến trường và tiếp xúc xã hội của HS. Điều này phần nào cản trở những quan sát về ngôn ngữ hình thể, thái độ của HS.

4. Hướng phát triển của đề tài‌

Trong tương lai, các nghiên cứu nên xem xét những gợi mở dưới đây:


4.1. Mở rộng quy mô nghiên cứu về ĐCHT bên trong và các yếu tố liên quan đến ĐCHT bên trong trên nhóm mẫu lớn hơn, trên nhiều trường THCS khác với mô hình trường công lập, trường quốc tế, trường dân lập, tư thục khác, trường học ở thành thị, nông thôn và các vùng lân cận.

4.2. Thực hiện thêm nhiều phỏng vấn cá nhân với HS về các yếu tố liên quan đến cá nhân, nhà trường và gia đình tác động đến ĐCHT bên trong để hiểu rõ hơn mong đợi của HS cho CM và thầy cô của mình. Thêm nữa, phỏng vấn sâu thêm GV, cán bộ quản lí, CM HS để có nguồn dữ liệu dồi dào và góc nhìn đa chiều, sát thực tế về ĐCHT bên trong của học sinh THCS để có thể đưa ra những kiến nghị mang tính ứng dụng thực tiễn hơn nữa.

4.3. Nghiên cứu sâu hơn về các yếu tố ảnh hưởng khác nhau có liên quan tới văn hóa Việt Nam ở trên nhiều nhóm HS khác nhau và thực nghiệm những giải pháp nhằm nâng cao ĐCHT bên trong. Từ đó đưa ra các ý kiến đề xuất có tính ứng dụng chung hoặc xây dựng thành hệ thống để các trường có thể áp dụng.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 17/05/2022