Lý Luận Về Định Hướng Giá Trị Gia Đình Và Định Hướng Giá Trị Gia Đình Của Việt Nam

Phạm Minh Hạc (1994) khẳng định định hướng giá trị là sơ sở để hướng tới sự lựa chọn, một cách đánh giá, một cách nhìn, một niềm tin, một mục đích tiến tới. Công việc cốt lõi của định hướng giá trị là giáo dục giá trị [2].

Theo Phạm Thành Nghị (2013), định hướng giá trị là khuynh hướng hay thái độ của cá nhân hay nhóm xã hội lựa chọn những giá trị phù hợp trong những hoàn cảnh xã hội – lịch sử nhất định được thể hiện ở niềm tin và hành vi ứng xử [15].

Có thể nói, bất cứ hoạt động nào cũng bao gồm hai giai đoạn: Giai đoạn định hướng hành động và giai đoạn thực hiện hành động. Giai đoạn định hướng được hiểu là giai đoạn lựa chọn, xác định phương hướng, cách thức tiếp cận mục đích dưới hình thức biểu tượng trong đầu chủ thể. Biểu tượng càng rõ ràng, cụ thể thì tác dụng dẫn đường của nó cho hành động nhằm hiện thực hóa trong thực tiễn càng cao. Do đó, định hướng có vai trò đặc biệt quan trọng để đạt được mục đích đề ra.

Từ quan điểm của các nhà nghiên cứu về định hướng giá trị kể trên, có thể thấy định hướng giá trị có cơ sở là quá trình nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của các giá trị; có cảm xúc dương tính, tích cực với các giá trị đó. Những đặc điểm này trở thành niềm tin và có tác dụng thôi thúc chủ thể hành động, thực hiện theo niềm tin về các giá trị đã có trong mình.

Chính vì vậy, khi nghiên cứu định hướng giá trị gia điình của người Việt Nam tại Việt Nam và Ba Lan cần phải làm rõ được niềm tin của chủ thể với một hệ thống giá trị nhất định và xu hướng hành vi nhằm đạt tới điều họ cho là quan trọng, thiêng liêng trong cuộc sống của mình. Ví dụ khi chủ thể có niềm tin rằng con trai thì có giá trị hơn con gái thì họ cũng sẽ có xu hướng cố gắng để sinh được ít nhất một đứa con trai. Khi người lĩnh cầm súng ra trận, họ có niềm tin son sắt rằng đất nước sẽ được giải phóng, dân tộc sẽ được độc lập. Điều đó khiến họ có sức mạnh của ý chí, có định hướng, lý tưởng sống để hành động theo niềm tin của mình.

Định hướng giá trị của cá nhân được hình thành trong quá trình cá nhân hoạt động và giao tiếp, tiếp thu các kinh nghiệm xã hội lịch sử, phong tục tập quán, hệ thống giá trị của xã hội, nền văn hóa, thời đại mà cá nhân đang sống. Nói cách khác, xem xét định hướng giá trị của người Việt Nam với tư cách là người nhập cư và không nhập cư phải chú ý tới bối cảnh chung về văn hóa xã hội, hoàn cảnh xã

hội – lịch sử nhất định. Cụ thể hơn, phải chú ý tới đặc thù công việc, cuộc sống, điều kiện kinh tế xã hội cụ thể của nhóm khách thể, đặc biệt là nhóm khách thể nhập cư là người Việt Nam đang sinh sống, làm việc tại Ba Lan. Việc làm rõ những đặc điểm này là cơ sở để ta có thể phân tích, so sánh và lý giải được sự giống và khác nhau trong định hướng giá trị của hai nhóm khách thể nhập cư và nhóm không nhập cư ở các phần nghiên cứu tiếp theo.

2.3.2. Đặc điểm

Từ việc phân tích khái niệm định hướng giá trị ở phần trên, chúng ta có thể thấy có nhiều định nghĩa và quan niệm khác nhau về định hướng giá trị nhưng các quan điểm, định nghĩa này đều nêu bật được một số nội dung chính như sau:

+ Định hướng giá trị được hình thành trong quá trình cá nhân hoặc nhóm người gia nhập vào các quan hệ xã hội với tư cách là chủ thể của hoạt động trong các nhóm, hướng vào các giá trị có ý nghĩa đối với cá nhân hay nhóm. Cũng như các hiện tượng tâm lý khác, định hướng giá trị là sự tiếp thu, lĩnh hội những chuẩn mực, những kiến thức, kinh nghiệm của xã hội thành tâm lý, định hướng của cá nhân. Một người nhập cư khi sống và làm việc trong nền văn hóa, xã hội sở tại thì sẽ dần dần tiếp thu, lĩnh hội nền văn hóa, nếp sống… của xã hội đó. Ví dụ, đêm Noel với người Việt Nam sống tại Việt Nam không theo đạo Kito không phải là ngày lễ quan trọng, thiêng liêng thì khi gia nhập vào xã hội đa số người dan theo đạo Kito và được nghỉ làm việc trong dịp Noel và năm mới thì họ dần dần hình thành nếp sống này, coi những ngày nghỉ này là thiêng liêng, quan trọng để thăm hỏi nhau, tặng quà cho nhau, cùng tổ chức liên hoan…

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 232 trang tài liệu này.

+ Định hướng giá trị bao giờ cũng chứa đựng các thành phần nhận thức, ý chí và cảm xúc, cũng như các khía cạnh thẩm mỹ, đạo đức trong sự phát triển nhân cách. Cá nhân có định hướng giá trị khi đánh giá tích cực, nhận thấy ý nghĩa, giá trị của một vấn đề nào đó. Từ đó mà dẫn dắt hành động của cá nhân. Ví dụ như người chiến sĩ giải phóng quân năm xưa. Khi vào chiến trường miền Nam chiến đấu, người chiến sĩ có cảm xúc là tình yêu đất nước, mong muốn sớm hoàn thành nhiệm vụ để trở về quê hương với người thân. Về mặt nhận thức, người chiến sĩ tin vào sự đúng đắn của con đường giải phóng dân tộc, có ý chí vượt qua khó khăn, nguy

hiểm để sống, chiến đấu trong điều kiện khó khăn, vất vả, đương đầu với kẻ thù có tiềm lực quân sự hùng mạnh.

Định hướng giá trị gia đình của người Việt Nam sống tại Việt Nam và Ba Lan - 8

+ Định hướng giá trị là cơ sở bên trong của hành động, quyết định lối sống của cá nhân. Quay trở lại với ví dụ về người chiến sĩ giải phóng quân ở trên, chỉ trên cơ sở nhận thức đúng đắn, tình cảm yêu nước mạnh mẽ, mới hình thành nên ở người chiến sĩ niềm tin, là động lực mạnh mẽ, bên trong để định hướng cho hành vi chiến đấu quên mình của họ cho tổ quốc, nhân dân.

+ Định hướng giá trị là phương hướng sống của cá nhân, chủ thể hướng tới các giá trị mà bản thân người đó lựa chọn. Hay ta có thể hiểu đó là trạng thái sẵn sàng của chủ thể đối với một hay một số giá trị nào đó một cách có ý thức.

+ Các giá trị cá nhân hướng đến có thể phù hợp, thỏa mãn mong muốn của chủ thể này nhưng có thể lại không phù hợp, không đúng với mong muốn của người khác. Điều này là hoàn toàn bình thường từ góc độ sự khác biệt về giá trị cũng như thang bậc các giá trị của cá nhân. Một sinh viên coi tri thức là quan trọng nhất thì sẽ tổ chức, sắp xếp thời gian, cuộc sống của mình phù hợp để dành thời gian nhiều nhất cho việc học tập, trau dồi tri thức; ngược lại, với những sinh viên không coi việc học tập, tri thức là quan trọng, họ có thể hướng đến giá trị khác như trải nghiệm, du lịch, giao lưu bạn bè…

+ Các định hướng giá trị là cơ sở của hành động, chúng trở thành động lực cho tính tích cực của chủ thể, trở thành mục tiêu phấn đấu của cá nhân. Định hướng giá trị cũng có thể coi là mục tiêu, là mục đích chủ thể hướng tới.


2.3.3. Vai trò của định hướng giá trị

Định hướng giá trị quy định mục tiêu gần và mục tiêu xa, cách thức lựa chọn công cụ, phương tiện, con đường thực hiện hóa mục tiêu của mỗi người trong mọi hoạt động của họ.

Định hướng giá trị giúp con người “lập chương trình cho hoạt động của mình trong thời gian dài, quy định đường lối chiến lược của hành động. Đồng thời, định hướng giá trị có thể quy định trực tiếp hành động.

Định hướng giá trị là cái trục mà mọi ý nghĩ và thế giới tâm lý của con người xoay quanh. Nó không những chi phối tâm hồn mà còn là yếu tố điều chỉnh hoạt động của con người, hướng hoạt động đến những mục đích cơ bản của cuộc đời [3].

Theo Vũ Thùy Hương (2018), định hướng giá trị có vai trò quan trọng đối với sự hình thành nhân cách con người: định hướng giá trị là cơ sở hình thành những phẩm chất nhân cách, là tiêu chí đạo đức, lối sống của cá nhân. Định hướng giá trị là nhân tố quan trọng nhất điều chỉnh và quyết định hệ động cơ của nhân cách [8].

Vũ Dũng (2009) cho rằng định hướng giá trị tạo nên mặt nội dung của xu hướng cá nhân, là cơ sở bên trong của các mối quan hệ của nhân cách với sự vật và hiện tượng [1].

Như vậy, điểm qua các quan điểm nói trên, có thể thấy định hướng giá trị là mục tiêu hướng đến của con người trong cuộc sống, đồng thời, nó hướng dẫn hành vi/hoạt động và là tiêu chí đánh giá hành vi của con người [98]. Nói cách khác, định hướng giá trị quy định mục đích, lẽ sống mà con người theo đuổi, hướng tới. Hoạt động sống của họ nhằm hướng tới giá trị nào sẽ do hệ thống giá trị trong họ quy định. Định hướng giá trị vừa có vai trò hướng đích cho con người, vừa là động lực thôi thúc con người hành động để đạt tới điều họ đánh giá là có ý nghĩa trong cuộc đời mình.

Việc xem xét định hướng giá trị của hai nhóm khách thể nhập cư và không nhập cư phải chú ý tới hoàn cảnh, điều kiện kinh tế - xã hội nhất định của hai nhóm khác thể. Việc hiểu rõ bối cảnh xã hội, đặc thù công việc, các mối quan hệ xã hội… của người nhập cư là cơ sở để chúng ta lý giải về sự thay đổi định hướng giá trị của họ trong mối quan hệ với các giá trị văn hóa gia đình truyền thóng cũng như trong mối quan hệ so sánh với nhóm khách thể nhập cư. Bên cạnh đó, định hướng giá trị nói chung và định hướng giá trị gia đình nói riêng có cơ sở là hệ thống đánh giá các giá trị, những điều chủ thể cho là quan trọng, ý nghĩa sẽ quy định hệ thống thái độ của họ với sự vật hiện tượng đó. Những giá trị, thái độ này sẽ được củng cố, hình thành bền vững trong mỗi người, quy định cách sống, quyết định sự phát

triển, tâm lý nhân cách của họ. Nói cách khác, niềm tin của con người được hình thành bền vững từ những trải nghiệm, tiếp thu, phát triển các giá trị như vậy. Điều đó quy định xu hướng hành vi, quy định hành vi của mỗi người trong cuộc sống. Trong mối quan hệ gia đình, nếu những niềm tin, giá trị liên quan đến nhân nghĩa, thủy chung, cha mẹ hết lòng vì con và con phải có trách nhiệm hiếu thảo, chăm sóc cha mẹ khi họ về già thì sẽ quy định mối quan hệ gia đình của những người đã tiếp thu, đã phát triển và hình thành được những niềm tin bền vững đó. Nếu họ làm trái, họ có thể đau khổ, cắn rứt lương tâm hoặc chỉ là một vài “động tác giả” trong những tình huống không phù hợp để bộc lộ thái độ, niềm tin của bản thân mình.

2.4. Lý luận về gia đình

2.4.1. Khái niệm

Gia đình là đối tượng nghiên cứu của nhiều lĩnh vực khác nhau như tâm lý học, xã hội học, triết học, kinh tế học, luật học… Chính vì vậy có nhiều định nghĩa khác nhau về gia đình tùy cách tiếp cận của từng lĩnh vực nghiên cứu.

Trong cuốn “Hệ tư tưởng Đức” Marx và Engels cho rằng: hằng ngày tái tạo ra đời sống của bản thân mình con người bắt đầu tạo ra những người khác, sinh sôi, nảy nở - đó là quan hệ giữa chồng và vợ, cha mẹ và con cái, đó là gia đình [13, 41].

Trong Luật Hôn nhân và Gia đình (2014), gia đình được được định nghĩa như sau: Gia đình là một tập hợp những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng, làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ giữa họ với nhau theo quy định của luật hôn nhân và gia đình [34].

Từ góc độ triết học, Lê Thi (1997) định nghĩa về gia đình như sau: gia đình là khái niệm dùng để chỉ một nhóm xã hội hình thành trên cơ sở quan hệ hôn nhân và quan hệ huyết thống, nảy sinh quan hệ hôn nhân đó và cùng chung sống. Đồng thời, gia đình cũng có thể bao gồm một số người được gia đình nuôi dưỡng, tuy không có quan hệ huyết thống [23].

Theo Từ điển Tiếng Việt (Hoàng Phê, 2001), gia đình là một đơn vị nhỏ nhất trong xã hội, gồm một tập hợp người chung sống, gắn bó với nhau bằng quan hệ hôn nhân và dòng máu, thường có vợ chồng, cha mẹ và con cái [19].

Theo Từ điển Tâm lý học (Vũ Dũng, 2009), gia đình là một cộng đồng người, sống chung, sinh hoạt dưới một mái nhà chung, làm thành một một đơn vị nhỏ nhất của xã hội, gắn bó với nhau bằng quan hệ hôn nhân và dòng máu [1].

Có thể nói, có nhiều quan niệm khác nhau về gia đình. Điều đó xuất phát từ sự đa dạng của vai trò, chức năng và các mối quan hệ trong gia đình. Đặc biệt, theo xu thế phát triển của xã hội, các mối quan hệ trong gia đình ngày càng đa dạng, dẫn tới có nhiều khái niệm khác nhau hơn về gia đình. Tuy vậy, các định nghĩa đó đều coi gia đình là một đơn vị xã hội vi mô, vừa có tính ổn định vừa có sự thay đổi và chịu sự chi phối của xã hội. Bên cạnh đó, các thành viên trong gia đình gắn bó với nhau về trách nhiệm và quyền lợi kinh tế, văn hóa, tình cảm ruột thịt. Gia đình là một nhóm xã hội đặc thù, các thành viên gia đình có sự gắn kết với nhau bằng quan hệ hôn nhân hoặc/và quan hệ huyết thống, sống chung dưới một mái nhà, trong môi trường văn hóa chung, họ có trách nhiệm với nhau và với toàn thể nhóm. Gia đình là đơn vị xã hội đầu tiên tham gia vào quá trình xã hội hóa cá nhân mỗi người, là nơi có ảnh hưởng đáng kể đến quá trình phát triển tâm lý của mỗi cá nhân.

Chúng tôi cho rằng: Gia đình là một nhóm xã hội đặc thù, nhóm xã hội đầu tiên tham gia vào quá trình xã hội hóa cá nhân của con người; ở đó, các thành viên có quan hệ hôn nhân hoặc/và quan hệ huyết thống, sống với nhau dưới một mái nhà chung, thường xuyên giao tiếp, tương tác với nhau, có trách nhiệm với nhau và có ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý của nhau trong hiện tại và tương lai. Nói đến gia đình là nói đến một nhóm người, ít nhất hai người. Đây là một nhóm đặc thù, các thành viên có quan hệ với nhau theo quan hệ huyết thống hoặc/và quan hệ hôn nhân. Các thành viên gia đình có trách nhiệm với nhau, có tác động đến sự phát triển tâm lý của nhau trong hiện tại và tương lai.

2.4.2. Phân loại

Dựa trên số lượng thành viên, gia đình có thể được phân chia thành gia đình hai thế hệ - gia đình hạt nhân, gia đình lớn hơn hai thế hệ (gia đình mở rộng).

Dựa trên người đứng đầu, gia đình có thể được phân chia thành gia đình phụ hệ, gia đình mẫu hệ.

Dựa trên số lượng bạn tình, gia đình của thể được phân chia thành: Gia đình một vợ một chồng (monogamous family), gia đình đa thê (polygamous family), gia đình đa phu (polyandrous family).

Keown và cộng sự (2003) trong khi nghiên cứu về gia đình Ireland đã phân chia 4 kiểu gia đình xét theo đặc điểm quan hệ vợ - chồng: 1) gia đình có vợ chồng kết hôn (đây là lần kết hôn đầu tiên của cả hai); 2) Vợ - chồng thỏa thuận sống chung, không đăng ký kết hôn (ở đây cả hai người chưa bao giờ kết hôn); 3) một phụ huynh đơn thân (ở đó phụ huynh là mẹ, chưa bao giờ kết hôn); và 4) một phụ huynh sống riêng biệt (nơi phụ huynh là mẹ đã ly hôn, sống riêng) [78].

2.4.3. Một số chức năng cơ bản của gia đình

Chức năng tái sản xuất giống nòi: Đây là chức năng mà chỉ có gia đình mới có được. Các thiết chế khác không thể thực hiện chức năng này. Điều này giúp gia đình và xã hội được duy trì và tiếp nối. Thông qua sự tồn tại của gia đình, nhân loại có thể làm chủ việc sinh sản, nuôi dưỡng, giáo dục con cái và tiếp tục quá trình tái sản xuất ra xã hội và con người. Xã hội Việt Nam truyền thống coi việc sinh con đẻ cái, “con đàn cháu đống” là phúc của gia đình.

Chức năng xã hội hóa và giáo dục con: Có thể nói, giáo dục trong gia đình có ý nghĩa rất lớn với sự trưởng thành của trẻ trong suốt cuộc đời. Ngôn ngữ mẹ đẻ, nền nếp gia phong, cách thức các thành viên giao tiếp, cư xử với nhau, phong cách sống, truyền thống gia đình, kinh nghiệm ứng xử với thiên nhiên và xã hội… đều được hình thành và phát triển đầu tiên trong gia đình. Đây là nền tảng đầu tiên để các thiết chế giáo dục khác tiếp tục và hình thành nên những nét nhân cách cơ bản nhất của con trẻ trong gia đình.

Chức năng kinh tế: Chức năng kinh tế của gia đình thể hiện trong cả hai khía cạnh sản xuất và tiêu dùng. Trong điều kiện hiện nay, chức năng tiêu thụ nổi trội hơn bởi đa số mọi người thường làm việc trong các lĩnh vực ngành nghề chứ không tổ chức hoạt động kinh tế của gia đình theo phương thức tự cung tự cấp như trước kia. Gia đình là nơi con người thể hiện rõ nhất các hoạt động làm ăn, sản xuất, tiết kiệm chi, cân bằng thu chi... Hoạt động kinh tế của gia đình quyết định

hiệu quả đời sống vật chất tinh thần của gia đình cũng như từng thành viên trong gia đình trong mối quan hệ xã hội khác.

Chức năng thỏa mãn các nhu cầu tâm sinh lý, tình cảm, chăm sóc lẫn nhau của các thành viên gia đình: Gia đình không chỉ là chỗ dựa về mặt vật chất mà còn về mặt tinh thần. Tình cảm trong gia đình được phản ánh thông qua sự tương tác tình mẫu tử, anh em, vợ chồng, con cháu với ông bà… Đây là chức năng rất quan trọng trong gia đình nhằm chia sẻ trách nhiệm, gắn bó với nhau của các thành viên trong gia đình. Gia đình là tổ ấm với mỗi người, các thiết chế xã hội khác không thể đem lại cho họ sự ấm áp, tình cảm gần gũi ruột thịt. Điều đó càng trở nên đặc biệt quan trọng và rõ nét hơn khi con người đứng trước những khó khăn trong cuộc sống. Chức năng này cũng bao hàm sự chăm sóc sức khỏe khi các thành viên trong gia đình ốm đau bệnh tật. Khi con cái còn nhỏ là sự chăm sóc của cha mẹ cho con. Khi cha mẹ về già là sự chăm sóc của con cháu cho ông bà. Sự chăm sóc ở đây không chỉ bao hàm chăm sóc về sức khỏe – cơ thể mà còn bao hàm cả sự chăm sóc về sức khỏe – tinh thần.

Nhà nghiên cứu về gia đình Murdock (1949) trong khi nghiên cứu về 250 xã hội khác nhau cũng đã nêu lên 4 chức năng cơ bản nhất của gia đình gồm: tình dục, tái sản xuất giống nòi, kinh tế và giáo dục. Mỗi chức năng gia đình đều có đóng góp quan trọng cho sự phát triển của xã hội. Nếu không có chức năng tình dục và tái sản xuất, xã hội sẽ không có các thành viên mới. Nếu không có chức năng kinh tế, cuộc sống và xã hội sẽ không thể tồn tại. Nếu không có chức năng giáo dục, sẽ không có văn hóa [64].

2.5. Lý luận về định hướng giá trị gia đình và định hướng giá trị gia đình của Việt Nam

2.5.1. Khái niệm

Từ những khái niệm nêu trên, chúng tôi cho rằng định hướng giá trị gia đình là hệ thống các giá trị thể hiện ở niềm tin và xu hướng hành vi của con người về gia đình thể hiện trong các mối quan hệ cơ bản của gia đình như quan hệ cha mẹ - con, vợ - chồng.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 26/02/2024