Định hướng giá trị gia đình của người Việt Nam sống tại Việt Nam và Ba Lan - 27

bán, kiếm tiền. Lúc làm ăn không được có thể xung khắc nhau. Không thể “chị ngã em nâng”. Do môi trường, lo làm kinh tế quá quên cả chuyện tình cảm.

- Bên cạnh mối quan hệ anh chị em ruột, thì còn mối quan hệ khác trong gia đình là mối quan hệ cha mẹ - con cái. Chị có nhận thấy khi sống ở đây thì mối quan hệ này khác đi không?

- Chị nghĩ tùy từng gia đình nhưng nhìn chung vẫn giống nhau, không thể khác được, không thay đổi. Anh chị em ruột thì có thể tự lập. Em khác chị khác nhưng bố mẹ con cái vẫn vậy.

- Theo ước lượng, đánh giá của chị, có khoảng bao nhiêu phần trăm những người Việt Nam đã có gia đình ở Việt Nam nhưng lại sống với người khác như vợ chồng ở Ba Lan?

- Như chị đã nói ở trên, xã hội đưa đẩy bắt người ta phải như thế, hầu như đại đa số. Mở mắt ra là thấy cặp này không phải vợ chồng, cặp kia cũng không phải vợ chồng.

Lý do? Người với người lửa gần rơm lâu ngày cũng bén, xa vợ chồng thiếu thốn tình cảm, giúp đỡ làm ăn chung với nhau, hỗ trợ nhau trong công việc. Hoàn cảnh bắt buộc phải như thế. Nhưng họ rất day dứt, thương người vợ người chồng ở Việt Nam. Lương tâm không muốn nhưng bắt buộc phải thế. Trừ trường hợp vợ chồng ở Việt Nam hục hoặc với nhau chẳng hạn sang đây là chuyện khác.

- Chị làm gì để duy trì văn hóa truyền thống của VN?

- Mặc dù con chị nói tiếng Việt rất kém. Lúc sinh cháu chị để con nói tiếng Ba Lan trước. Lúc đi học, quen với những người bạn toàn nói tiếng Ba Lan.

Chị vẫn giữ nếp nhà là người Việt: như đồ đạc trang trí là Việt Nam. Món ăn Việt Nam, khách khứa là người Việt...


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 232 trang tài liệu này.

10. Khách thể 10

Giới tính nam, công việc: nấu ăn. Tuổi: 46. Thời gian sống tại Ba Lan: 15 năm.

Định hướng giá trị gia đình của người Việt Nam sống tại Việt Nam và Ba Lan - 27

Thông tin cá nhân: Sang BL năm 2000, hai năm sau vợ ở nhà ngoại tình. Sau đó Khách thể 9g và vợ ly dị. Ông bà nội nuôi hai con nhỏ. Khách thể 9, không có con. Sống với nhau được 7 năm, đầu năm 2015, Khách thể 9 và Madzda bỏ nhau. Hiện Khách thể 9 đang sống và làm việc tại thành phố Lodz, Ba Lan.


- Câu hỏi: Xin anh vui lòng chia sẻ đối với anh, 5 điều quan trọng nhất trong cuộc sống của anh là gì?

Trả lời: Gia đình, sức khỏe, kinh tế, quan hệ với mọi người tốt. Quan trọng nhất là gia đình, chả có gì quan trọng hơn.

- Vậy xin anh nói rõ hơn ý nghĩa, vai trò của gia đình với anh là như thế nào?

Trả lời: gia đình nó là trên hết rồi. kể cả có vui ở đâu hay làm gì cũng nghĩ về gia đình. Kể cả mình có thiệt thòi, chịu khổ mình cũng giúp gia đình mình được vui vẻ, sung sướng. Sẵn sàng hi sinh vì gia đình.

- Lý do gì khiến anh ra nước ngoài?

Trả lời: Thứ nhất là vì tiền, đi kiếm tiền. Thứ hai nữa là còn trẻ trẻ cũng muốn đi khám phá, háo hức một chân trời mới. Đầu tiên ai đi cũng phải vì tiền.

- Khi anh đi ra nước ngoài này, anh nhận thấy mối quan hệ trong gia đình có bị ảnh hưởng nhiều không? Như trường hợp của anh gia đình trong nước của anh có bị tác động nhiều không?

Trả lời: Cũng tùy trường hợp, mỗi người một khác. Nhưng hầu như gia đình cũng không được tốt nữa mà nhiều vấn đề xảy ra. Nhiều cái ngoài tầm kiểm soát. Như nhà mình đây sang được hai năm thì vợ con trục trặc (vợ ngoại tình). Rồi vợ đi để lại con cho ông bà. Rồi cũng buồn chán, chả làm ăn gì được. Mười mấy năm chán cũng chả muốn về nước nữa. Lúc đầu cũng định đi 4 -5 năm rồi về, nhưng bây giờ thời gian nó cứ qua đi, bây giờ lại quá rồi. Cũng chả kể với ai, chả nói với ai đâu. Cũng chả tâm sự được với ai.

- Khi ra nước ngoài này, nhiều người thường sống với một người khác như vợ chồng dù đã có vợ/chồng ở Việt Nam. Theo anh vì sao lại như vậy?

Trả lời: Do người ta thiếu thốn tình cảm. Khi người ta thiếu thốn tình cảm thì hai bên gặp nhau dễ hòa đồng, dễ đến với nhau. Chia sẻ để dựa vào nhau mà sống. Có người lại lợi dùng về kinh tế, lợi dụng về giấy tờ cư trú, nhưng đa phần là thiếu thốn tình cảm. Ngoài ra thì đi ra cũng dễ bị lay động, văn hóa thì bị cô lập. Khác biệt văn hóa, ngôn ngữ làm tâm sự với người bản xứ cũng không hết được nên khi gặp người Việt Nam, đồng cảm cũng nhanh lắm, tháng trước tháng sau sống với nhau ngay.

- Theo anh khoảng bao nhiêu phần trăm người Việt Nam dù đã có gia đình ở Việt Nam nhưng sống ở đây vẫn cặp bồ, sống với người khác như vợ chồng?

Nói thật gần như là tất cả. Còn không có cơ hội thì phải chịu. Cũng không đáng trách. Có khi sống bên này vài năm với người khác rồi lại bỏ bồ đón vợ/chồng sang sống với nhau bình thường. Ngay ở Lodz này cũng có nhiều người như vậy.

- Mối quan hệ của những người anh chị em ruột của người Việt Nam đang sống tại đây có khác với khi ở Việt Nam không? Khác như thế nào?

Trả lời: Tôi không có gia đình (anh em ruột) bên này nên cũng không có biết, chỉ biết vài trường hợp. Cũng có trường hợp anh em bảo nhau làm ăn, thương yêu nhau. Nhưng phần nhiều là tác động của đồng tiền, công việc rồi thực sự cũng không còn đùm bọc như ở Việt Nam nữa. Ở đây thì ít chứ như trên Vác thì nhiều. có khi anh em ruột cả năm chả nhìn thấy nhau. Chỉ khi ốm đau mới gọi đến anh em.

- Mối quan hệ cha mẹ - con cái, ở đây là mối quan hệ cha mẹ con cái người Việt đang sống ở đây, anh thấy có khác nhiều với ở Việt Nam không?

Trả lời: Mình thấy cũng khác nhau. Hình như bên này các bà mẹ Việt cố tình bảo vệ con nhiều hơn. Con Việt bên này nhiều đứa nó có một mình một trường thôi, nó khác văn hóa, nhiều đứa nó thấy “đầu đen” nó cứ hay trêu nên mẹ thương nó, hay để ý con nhiều hơn. Ở việt Nam, cô giáo, bạn bè đều là người Việt cả nên cũng không lo lắng lắm. Bên này sâu sát hơn, kể cả chuyện học hành cũng thế. Đa phần con cái đều học giỏi, sâu sát hơn mà hay bảo vệ con hơn vì có mình nó, hay bị trêu, nó nhỏ hơn hay bị bắt nạt. lâu ngày thành thói quen bảo vệ con thái quá.

Văn hóa nuôi dạy con mình nó khác: Tây thì chú trọng tính tự lập, tôn trọng tự do của con. Con bé nhà mình (con của người vợ Ba Lan) nó tự xuống cửa hàng mua cái bánh, con mình không cho xuống được, đi đâu phải có bố mẹ, hoặc theo dõi sát. Mình có hỏi sao để nó đi một mình thế kia thì vợ nó bảo không phải tao không quan tâm đến nó mà tao tin tưởng nó. Trẻ con mình thì không tin cứ phải giám sát mãi, đến mười mấy tuổi vẫn phải đi đến trường đón. Bọn tây 6 – 7 tuổi là tự nó đi được. Mỗi cái nền giáo dục nó khác nhau như thế.

- Một vấn đề khác mà em muốn hỏi anh là những cặp vợ chồng Việt Nam Ba Lan lấy nhau thường hay trục trặc, hay bỏ nhau. Theo anh vì sao lại vậy?

Khác biệt thứ nhất là về văn hóa. Nó khác với văn hóa châu âu, mình thì nặng về gia đình, thường là sâu nặng và ít khi thổ lộ. Kể cả ngày mai bỏ nhau nhưng hôm nay vẫn phải “anh rất yêu em, em rất yêu anh, hôn…”. Nó phải thể hiện tình cảm ra, người mình thì hay giấu đi, không thể hiện. từ đó có sự hiểu nhầm. thực ra mình có thể yêu thương vợ nhưng nó bảo không yêu nó, vì không khen nó đẹp. Đó là khác biệt về văn hóa.


Hai nữa là hai bên cũng không thể nhìn về một hướng được. Nếu hai vợ chồng người Việt, dù đói no thế nào nhưng vẫn nhìn về một hướng sau này sẽ về Việt Nam. Nhưng đây thì một ông cứ nhăm nhăm có tiền hay có việc gì là tao về. Một ông thì tao nhất định ở đây, không về. Mới ở với nhau thì không sao. Nhưng càng sống với nhau càng thấy sự khác biệt về văn hóa, về cách nhìn.

Thứ ba nữa là tuổi người ta càng lớn người ta càng muốn hướng về cội. Nên dễ chán nản, những việc nhỏ nhật lại hay cáu gắt thành ra cãi nhau. Nhiều khi có việc gì cãi nhau cái là tao về mẹ nó Việt Nam đi. Một lần, hai lần vậy thì nó nghĩ thôi bỏ sớm ngày nào hay ngày đấy, để nó còn lấy đứa khác. Tây thì yêu dễ và bỏ cũng dễ, ta thì yêu khó nhưng bỏ cũng khó. Ta thì đã cầm tay nhau là phải có trách nhiệm với nhau suốt đời. Tây thì nhiều khi vẫn yêu vẫn chăm sóc nhưng lúc mình ăn nên làm ra. Nếu lụn bại là nó bỏ. Nhưng ở Việt Nam chồng mà làm ăn lụn bại có đi ăn mày nó cũng nuôi chồng. Kinh tế mà vỡ lở ra thì gia đình không trước thì sau cũng vỡ lở. Nhiều áp lực về đồng tiền.

- Anh thường làm gì để giữ nếp nhà trong cuộc sống tại Ba Lan này?

Vợ tây thì cũng khó hơn. Nhưng mình có thể làm như dạy nó ít tiếng Việt. Cách ăn uống chào hỏi như thế nào. Nhiều khi ngày lễ ngày tết mình muốn thắp nhang thì nó không đồng ý, nó bảo đen tường nhà. Đây không phải nhà mình, nhà thuê chủ nó không cho làm. Mình cũng phải chịu. Mình cũng chỉ biết dậy vợ con được gì thì hay nấy. Ví dụ đến nhà ai ăn xong thì phụ nữ phải dọn đồ đạc.

- Anh có thấy sự khác biệt nhiều không về sự yêu thích con trai? Và bản thân anh, anh có thích có con trai không?

Cũng thích có con trai. Tây thì có thích có không. Mình thì vẫn muốn có con trai. Tây thì tùy từng người. vợ mình nó thích con trai vì ông già nó toàn con gái. Bố mẹ tớ cứ bắt về Việt Nam vì muốn mình sinh thêm thằng cu.

- Anh có định về VN không?

Chắc 5 năm 10 năm nữa. Bao giờ mệt mỏi thì về. cứ chăm cho hai đứa con gái ở VN học xong đã. Anh sang từ năm 2000 cũng chưa về Việt nam. Đợt vừa rồi mẹ anh cũng mới sang thăm.

Cảm ơn anh vì sự quan tâm. Có gì em sẽ hỏi anh sau!


11. Khách thể 11.

- PV: Xin em vui lòng cho biết 5 điều quan trọng nhất trong cuộc sống với em là gì? TL: Gia đình, với em gia đình là quan trọng nhất. Sự nghiệp, sức khỏe, bạn bè.

- PV: suy nghĩ của em về vai trò, ý nghĩa của gia đình? TL: Gia đình là cuộc sống của em.

- PV: Lý do gì chồng em sang VN?

TL: Sang BL để học, Việt Nam học. Gặp Dung và lấy nhau.

- PV: Bọn em có ý định về sinh sống ở BL không? TL: (Tomasz) chắc là không.

PV: Tại sao bọn em có ý định sống lâu dài ở VN?

TL: Thực ra bọn em thấy Hà Nội phù hợp hơn. Nhất là với em, em khó thích nghi với cuộc sống ở BL hơn. Tomasz thì thích nghi giỏi hơn em.

- PV: em có chấp nhận xu hướng quan hệ tình dục không dựa trên hôn nhân không?

TL: Nếu họ yêu nhau thì OK. Nhưng nếu đã có gia đình thì tuyệt đối không được quan hệ với người khác vợ chồng.

PV: Với những người sống xa gia đình, làm ăn ở nước ngoài phải chịu đựng thiếu thốn tình cảm thì em thấy điều đó có hợp lý không?

TL: Không hợp lý. Vì với em gia đình là quan trọng nhất, em không chấp nhận việc sống với người khác như vợ chồng dù là ở nước ngoài. Nó như là lừa dối hoặc không chung thủy.

- PV: Em suy nghĩ thế nào về việc người Việt Nam ta cần phải có con trai?

TL: Cái đấy đã ăn sâu vào tâm lý người xưa. Những người già hơn em ít tuổi thường thì thích con trai. Nhưng lứa tuổi như em, bạn bè em không phân biệt điều đấy. điều quan trọng với bọn em là nuôi dạy con.

Em có ý định sinh thêm bé nữa không? Có mong muốn cháu thứ hai là thằng cu không?

TL: Thực ra em cũng muốn cả trai cả gái, không muốn chỉ có con gái không, em cũng muốn làm mẹ chồng cơ. Em thích cả trai cả gái nhưng không phải nhất thiết phải có con trai. Trai gái cũng được nhưng có cả con trai con gái thì càng tốt.

Thế Tomasz thì sao? Tomasz thì không quan trọng, ở BL không như ở VN.

- PV: EM có hay liên hệ với cộng đồng người Việt Nam ở Ba Lan không?

TL: Không. Em sang đấy mỗi năm chỉ một tháng nên em thường gặp gỡ bạn bè của anh ấy. PV: Em có hay liên lạc với những cặp đôi Việt Nam Ba Lan sống ở Hà Nội này không?

TL: ít lắm. Em cũng chỉ biết cặp chị Ngà. Và một cặp nữa ở Sài gòn. Macjec.

- PV: Khi sống ở Việt Nam, Tomasz có nhận thấy mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái khác nhau nhiều không?

TL: Tomasz: cũng giống nhau, nhưng ở BL thì độc lập hơn. Ví dụ ra trường là độc lập với bố mẹ.

PV: bọn em định nuôi bé theo phong cách của BL hay VN? TL: cả hai.

- Pv: Tomasz có nhận thấy sự khác nhau trong mqh giữa anh chị em trong gia đình ở VN và BL không?

TL: cũng giống nhau, nhưng ở BL độc lập hơn một chút. Về cơ bản là giống nhau, vẫn giúp đỡ nhau.

- PV: Trong gia đình, chăm sóc con cái vợ chồng Dung – Tomasz có nhận thấy sự khác biết lớn về văn hóa, có nhận thấy sự xung đột về văn hóa không?

TL: Con em còn nhỏ nên quan trọng vẫn là nuôi con tốt. chưa biết sau này thì thế nào. PV: vậy những dịp như năm mới… có sự khác nhau nhiều giữa hai người không?

TL: không, chồng em cảm thấy rất thiêng liêng. Anh ấy hiểu đó là dịp rất quan trọng với em. Cũng như em hiểu dịp giáng sinh quan trọng với Tomasz nên bao giờ bọn em cũng dành thời gian, quan trọng nhất là hai dịp đấy.

- PV: câu hỏi cuối, thường những cặp vợ chồng Việt Nam Ba Lan hay gặp trục trặc, không hòa hợp với nhau. Theo em vì sao lại như vậy?

TL: Thứ nhất là suy nghĩ anh ạ. Em lấy một ví dụ, từ xã hội mà tác động đến vợ chồng, ở Việt Nam hay có cái gọi là “under the table” đấy, trước kia thì Tomasz không chấp nhận điều đấy. rất là khó chấp nhận, nhưng mà sau dần dần anh ấy cũng chấp nhận. Hoặc là người Việt Nam mình hay tò mò, thấy hai vợ chồng Việt Nam Ba Lan người ta thích người ta hỏi, mình cảm thấy rất là phiền, trước kia anh ấy khó chịu, tự dưng ra ôm con mình, nhưng giờ anh ấy cũng hiểu ra vì người ta yêu quý, người ta thấy lạ thì vậy thôi. Bây giờ cũng thích nghi được. Nói chung toàn là vấn đề xã hội tác động. Hoặc nhiều khi vấn đề ở nhà chẳng hạn, em là phải cho con ăn cơm, ăn đúng bữa chẳng hạn, nhưng với Tomasz thì con ăn gì cũng được, miễn là no. Nó hơi khác nhau một chút, nhưng cứ dần dần thích nghi với nhau. Phải thích nghi. Ví dụ, khi anh thích cho con ăn gì cứ cho ăn, còn em phải cho con ăn ba bữa. anh thích cho con ăn xúc xích mẹ cho ăn nhưng không phải ăn hàng ngày. Thỉnh thoảng nhà em cũng đi ăn đồ tây.


Xin cảm ơn vì buổi hẹn ngày hôm nay!


12. Khách thể 12

Học và yêu nhau tại Wroclaw.

Hiện đang sống cùng người vợ và hai con tại Vác sa va Con gái sinh năm 1986, con trai sinh năm 1990.

Công việc: phiên dịch.

- Anh sang Ba Lan năm nào?

- Mình sang Ba Lan năm 1980, sắp tới sẽ kỷ niệm 35 năm sống tại Ba Lan.

- Anh lấy chị lâu chưa?

- Năm 1982 gặp và yêu vợ, năm 1986 vợ sinh con, lúc đó mình đang học năm thứ 5. Hồi đó là Mexico 86, vừa phải chăm con vừa viết luận văn. Sau đó ở lại Ba Lan phải cố gắng làm lụng để có tiền bồi hoàn kinh phí học tập. Đến lúc con gái 2 tuổi thì mình mới cưới.

- Anh có ý định quay về Việt Nam không?

- Lúc đó quyết định lấy vợ, sinh con ở lại bên này. Sau khi bồi hoàn kinh phí cho sứ quán xong thì cứ túc tắc làm ăn nuôi vợ con vậy.

Về Việt Nam mà có việc thì cũng sẵn sàng, nhưng ở Việt Nam bây giờ, thế hệ bọn mình không thể bằng thế hệ trẻ nên phải cố mà trụ bên này.

- Trong gia đình mình anh sử dụng tiếng Việt hay tiếng Ba Lan?

- Lúc con còn bé thì mình ở dưới tỉnh, ít người Việt nên toàn sử dụng tiếng Ba Lan, bọn trẻ con thì vì thế không biết tiếng Việt. Mình thì nghĩ nhu cầu nó cần dùng tiếng gì thì học tiếng nấy nên cũng không bắt nó học. Nhiều khi dùng tiếng Ba Lan nó hiểu hơn nên cứ dùng. Về sau con bé lớn nó thích học tiếng Việt nên học đại học một năm nó tự học tiếng Việt rồi nó về Việt Nam làm một thời gian.

- Trong gia đình anh vào các dịp lễ tết… anh thường tổ chức như thế nào?

- Bọn mình các gia đình cũng tổ chức cùng nhau trong dịp tết như bánh chưng, rồi mừng tết cổ truyền… Nhưng tất cả đều dùng tiếng Ba Lan. Theo mình biết thì hầu hết bạn bè mình đều dùng tiếng Ba Lan. Nhưng ngôn ngữ cũng chỉ là một phần, còn nhiều vấn đề khác mình phải nói với vợ con để nó hiểu cuộc sống ở Việt Nam là như vậy. Ví dụ như phải giải thích để người vợ thấy được người vợ ở Việt nam cần chăm sóc chồng nhiều hơn. Nếu như ở gia đình Ba Lan thì có khi người vợ còn được quan tâm hơn, nhưng với gia đình Việt nam thì người vợ cũng phải chăm sóc, chiều chuộng chồng hơn. Nói chung hai bên phải điều chỉnh, mỗi người một tí. Chứ hai bên mà hoàn toàn phải bắt người kia thay đổi thì nhiều gia đình Việt nam – Ba Lan tan vỡ là vì thế. Người Việt thì suy nghĩ theo kiểu của người Việt, người tây thì suy nghĩ theo kiểu của người tây.

Mình biết nhiều gia đình, chồng chỉ mải kiếm tiền, vợ con ở nhà, đến khi làm ăn khó khăn sẽ nghĩ sao mình lại cứ phải cố kiếm tiền như vậy. Có khi ông bà từ Việt Nam sang chơi lại thấy con mình thì làm suốt ngày, còn con dâu Ba Lan lại chơi, sẽ khó chịu, sẽ nói với con. Thế là người chồng Việt Nam sẽ cảm thấy bức xúc, cãi nhau với vợ. Người vợ Ba Lan cũng cảm thấy bức xúc, vì sao thằng chồng Việt Nam này suốt ngày chỉ biết đi làm, không chịu đi chơi, không chịu dẫn vợ đi dạo, đi nhà hát… như các gia đình Ba Lan khác. Suốt ngày chỉ biết kiếm tiền… Mình phải chấp nhận một nửa của người ta và cũng tạo điều kiện để người ta chấp nhận một nửa của mình thì lúc đó những gì hay nhất của văn hóa châu Á và những gì hay nhất của văn hóa Châu Âu mới cùng tồn tại được.

- Vâng, đấy cũng là điều mà em muốn tìm hiểu, lý giải. Vì sao những gia đình Việt Nam – Ba Lan lại hay tan vỡ.

- Đấy, cái khác biệt văn hóa đúng là có ý nghĩa. Mọi người cứ nghĩ theo một chiều là phải như mình, bắt người ta như mình, nhưng hai cái văn hóa khác nhau hoàn toàn, sao bắt người ta như mình được. Thế nên phải chấp nhận một nửa của người ta, phải làm thế nào đấy để người ta nể trọng mình, chấp nhận thay đổi để phù hợp với mình. Chỉ như thế mình với hài lòng, chứ nếu không, bắt mình phải thay đổi theo người ta, sống theo kiểu Châu Âu thì mình cảm thấy rất bực bội. Mình cũng có những điểm tốt trong văn hóa châu Á, nhưng không phù hợp được nữa thì sẽ tìm cách chia tay. Quan trọng là mọi người không tìm được điểm chung để chia sẻ với nhau.

Mình biết nhiều nhà bố mẹ và con không nói chuyện với nhau nhiều. Mình thì rất thoải mái, hay nói chuyện, chia sẻ với nhau, FB cũng kết bạn với nhau. Người Châu Á thì lại muốn người lớn nói chuyện với người lớn, trẻ con nói chuyện với trẻ con, trẻ con cũng không muốn

cho người lớn biết. Thế là cứ giấu nhau là không hay. Phải coi như bạn bè thì mới nói chuyện với nhau hết được.

- Một vấn đề khác, người Việt Nam bên này dù đã lập gia đình ở Việt Nam nhưng vẫn sống như vợ chồng với người khác bên này, theo anh tại sao lại như vậy?

- Mình nghĩ là do mình không có niềm tin về tôn giáo. Ngày trước mình mới sang cứ tưởng bên này người ta rất dễ ngoại tình. Nhưng không phải như vậy, những đôi người ta yêu nhau, người ta sẽ luôn chung thủy, nể nhau. Người Việt nhiều khi ngoại tình chỉ đơn giản nghĩ làm sao giấu được, không để ai biết là được, chứ không nghĩ như bên này, nếu người mình yêu cũng làm như thế thì mình sẽ cảm thấy thế nào. Nên người Việt mình, không chung thủy như người tây. Người ta tất nhiên có thể quan hệ rộng, nhưng khi đã thành đôi rồi thì cố giữ. Người Việt đôi khi nghĩ ở bên này một thời gian rồi về nên cũng chấp nhận sống với nhau tạm bợ vậy.

Đôi khi người Việt mình cứ nghĩ chỉ mình sống mới tình cảm, tây nó không tình cảm, con cái lớn 18 tuổi rồi thì không còn liên quan gì đến bố mẹ nữa… Nhưng điều đó là không đúng, như bọn trẻ con nhà mình cuối tuần vẫn gọi nó về với bố mẹ, ăn uống, đi chơi cùng nhau. Về kinh tế, tiền nong thì bên này người ta rõ ràng; người Việt ta lại phức tạp chuyện tiền nong.

- Mối quan hệ của những người anh chị em ruột là người Việt ở bên Ba Lan này có khác nhiều so với mỗi quan hệ đó ở Việt Nam không?

- Bên này theo mình biết người ta cũng sống theo kiểu tây, độc lập nhau về kinh tế. Người Việt lúc đầu mới sang có thể xác định anh chị em giúp đỡ nhau, cho nhau một vài chục ngàn đô gì đấy, lúc đó người ta coi như trách nhiệm của người đi trước. Nhưng dần dần họ sẽ có ý nghĩ đồng tiền mình kiếm ra do công sức của mình, kiếm được rất khó khăn thật vô lý khi cứ phải chia cho người khác. Nên sẽ hình thành cách sống tự lập, tiền của ai người đó tiêu, sẽ đỡ phức tạp hơn. Người Ba Lan cũng sẽ có những trường hợp có những bất đồng giữa anh chị em liên quan đến kinh tế, nhưng mức độ đó ít hơn, không đến mức thù oán nhau như mình.

Xin cảm ơn anh!


13. Khách thể 13 Giới tính: Nam. Năm sinh: 1969. Công việc: Nấu ăn.

Sống tại: Lodz, Ba Lan.


Nguyên từng sống và làm việc tại CHDC Đức theo diện xuất khẩu lao động. Sau đó, anh chuyển sang sống và làm việc tại Ba Lan.

Nguyên từng sống với người vợ Ba Lan một thời gian ngắn. Họ có một đứa con với nhau. Sau đó, Nguyên và người vợ Ba Lan bỏ nhau. Hiện Nguyên đang sống cùng người vợ Việt Nam. Họ không có con. Người vợ Việt Nam hiện tại của Nguyên không thích anh ta đề cập đến đứa con và gia đình với người vợ Ba Lan của anh ta trước kia. Hiện Nguyên và người vợ Việt Nam của mình đang làm nấu ăn tại Lodz.

Trong quá trình trao đổi cùng nhau, Nguyên không đồng ý cho ghi âm. Chúng tôi trao đổi và nói chuyện khá thoải mái với vợ chồng anh.


Câu chuyện của chúng tôi xoay quanh những suy nghĩ của anh về cuộc sống gia đình người Việt Nam tại Ba Lan. Nguyên cho rằng, người Việt Nam sống tại Ba Lan hay ngoại tình, sống chung với người khác như vợ chồng xuất phát từ lý do sống ở nước ngoài, thiếu thốn tình cảm. Họ phải dựa vào nhau để sống, để làm ăn. Nguyên ước lượng số người Việt Nam sống như vợ chồng tại đây chiếm khoảng 85%.

Về quan hệ anh chị em ruột trong gia đình. Nguyên cho rằng đồng tiền đã cắt đứt tất cả tình cảm anh em ruột thịt. Vì tiền mà anh em ruột bỏ nhau, thậm chí thù ghét nhau. Nguyên đánh giá thấp những trường hợp như vậy. Vì theo anh cho rằng ngoài mẹ ra, anh chị em ruột là những người gần gũi nhất. Nếu không yêu quý được anh chị em ruột thì yêu quý người khác cũng chả để làm gì.


Lý giải nguyên nhân của tình trạng những cặp vợ chồng Việt Nam – Ba Lan thường hay bỏ nhau, không sống được với nhau lâu dài, Nguyên cho rằng điều đó xuất phát từ ngôn ngữ, và sau là văn hóa. Ví dụ khi đi làm về vợ Việt có thể nấu cơm cho ăn chứ vợ tây thì ai thích ăn gì người đó nấu. Ngôn ngữ văn hóa khiến người ta khó khăn trong chia sẻ.


Về mối quan hệ cha mẹ con cái, hiện tại con anh đang sống cùng người vợ Ba Lan. Người vợ Việt Nam đang sống với anh bây giờ không muốn đề cập đến chuyện này nhiều. Anh cũng yêu thích việc có con trai.

Nói chung, suốt buổi trò chuyện, Nguyên và người vợ Việt Nam của mình khá gần gũi, thoải mái nhưng mối quan hệ với người vợ Việt nam hiện tại khiến anh không muốn nói nhiều về đứa con Việt Nam – Ba Lan, về gia đình trước kia của anh.


14. Khách thể 14


- Hỏi: Xin chị vui lòng chia sẻ với em 5 điều có ý nghĩa nhất với chị là gì?

Trả lời: Thứ nhất là lấy chồng, thứ hai là sinh con, thứ ba là mua nhà, sự nghiệp và thứ 5 chưa nghĩ đến. Bố mẹ, chồng con, trong cuộc đời mình quan trọng nhất là việc đấy.

- Hỏi: Chị suy nghĩ như thế nào về ý nghĩa, vai trò của gia đình?

Trả lời: Mình thì rất quan trọng việc đấy. Là số một. Như ngày trước còn trẻ thì mình không nghĩ quan trọng. Mình bảo ông ấy (chồng) anh sang đây (VN) thì sang, không sang thì thôi, nhưng bây giờ thì đi đâu cũng sẵn sàng xách vali theo chồng đấy. Khi mình có con, có gia đình rồi thì mình cũng muốn hi sinh bản thân mình cho gia đình mình nhiều hơn.

Hỏi: Vậy giả sử bây giờ chồng chị muốn quay về Bl thì có lẽ chị cũng quay về BL sinh sống? Trả lời: Chắc chắn! Bán hết, dọn hết để đi.

- Hỏi chị có chấp nhận hay không xu hướng quan hệ tình dục không dựa trên hôn nhân? Chị thấy có nên như vậy hay không?

Trả lời: Mình hoàn toàn ủng hộ cái đấy. Thực tế thì cái mặt đấy không quan trọng đâu. Nó cũng như chuyện ăn ngủ thôi. Nếu không hòa hợp thì đến với nhau làm gì. Cũng nên sống thử với nhau. Khi hòa hợp được về gia đình, tính cách, tình dục thì kết hôn.

Với mình quan hệ gia đình không nhất thiết phải dựa trên đăng ký kết hôn. Bọn mình ở với nhau 3 năm rồi mới cưới. Như thế đã là quan hệ gia đình với nhau rồi.

- Người phỏng vấn: Thực tế thì xin chia sẻ thêm với chị thôi về sinh viên hay thanh niên bên đấy, em vẫn nhận thấy người ta sống với nhau rồi mới kết hôn.

- Chính xác, hai người hòa hợp với nhau đã.

- Người pv: Như vậy phong cách sống của chị cũng thiên về như phong cách Châu Âu, chứ không nặng quá về phong cachs truyền thống của mình.

Đúng rồi!

- Người PV: Có ý kiến cho rằng sống và làm việc ở nước ngoài thì sự chung thủy gắn bó vợ chồng của người Việt cũng khác đi. Chị có đồng tình với quan điểm đó không?

- trả lời: Một phần nào đó thôi, thực ra nó cũng phụ thuộc vào hoàn cảnh. Ví dụ như ở Việt Nam mình thì tác động của gia đình nó nhiều hơn, người phụ nữ phải chịu đựng rất là nhiều. Nhưng khi không hợp với nhau thì giải phóng cho nhau. Ở nước ngoài thì tư tưởng đấy rất là mở, rất tốt

và mới. Khi không hợp nhau thì thôi. Giữ nhau làm gì cho nó khổ ra. ở nước ngoài thì không bị mọi người nói nọ nói kia, ở VN thì người phụ nữ phải chịu đựng nhiều hơn, nhiều sức ép hơn nhưng vẫn phải cố: chồng đánh, chồng bỏ chồng đi với gái nhưng vẫn nhẫn nhịn. Không nên như vậy.

- PV: Chị suy nghĩ như thế nào về quan điểm phải có con trai?

TL: Mình không đồng tình một tí nào, con nào cũng là con cả. Thậm chí ở nước ngoài con cái thích mang họ mẹ hay họ bố thì tùy.

Con đầu nhà chị là trai hay gái? Cháu đầu là cháu trai. Đứa thứ hai này (đang mang thai) là gái. Bố cháu thì mê con gái lắm. Nhưng chả quan trọng, trời cho thế nào thì được thế.

- PV: chị có thấy mối quan hệ cha mẹ và con cái khi ở nước ngoài và khi ở Việt Nam khác nhau hay không?

- TL: khác nhiều chứ. Khác hẳn vì môi trường xã hội nó khác thành ra là cha mẹ bên đấy cũng phải tôn trọng con. Ví dụ như bạo lực với con, gọi cảnh sát nhưng Việt Nam mình không thế. Chỉ trừ khi bạo lực quá, đứa trẻ quá đau đớn thì người ta mới can thiệp; ở nước ngoài thì một chút thôi người ta đã can thiệp. Nó khác hẳn. Cha mẹ Việt khi ở nước ngoài thì cái tư tưởng ấy nó cũng khác đi. Cái lối sống xã hội nó khác, họ phải theo, họ phải cố hòa nhập với xã hội. Thì mình nghĩ họ sẽ hiện đại hơn, cho con tự phát triển thay vì bắt con phải vâng lời như ở Việt Nam.

- PV: Một mối quan hệ khác của người Việt Nam khi ở nước ngoài là mối quan hệ của những anh chị em ruột, chị có nhận thấy sự thay đổi trong mối quan hệ anh chị em ruột khi ở nước ngoài không hay nó vẫn giữ được như ở VN mình?

- TL: Mình cảm nhận nó vẫn có vì ở nước ngoài môi trường giáo dục nó đã khác rồi, độc lập hơn thì mình nghĩ nó sẽ thay đổi đi ít nhiều tức là vẫn giúp nhưng để cho anh chị em tự lập hơn thay vì cứ gửi tiền, cứ giúp đỡ như ở Vn mình.

- PV: Một hiện tượng khác là nhiều người Việt Nam khi ra nước ngoài dù đã có gia đình ở Việt Nam nhưng vẫn sống với người khác như vợ chồng, chị suy nghĩ thế nào về điều này?

TL: Nếu chồng mình mà như thế thì mình không chấp nhận. Vợ chồng mà xa cách như thế thì khó lắm như mình nói là nhu cầu tình dục… Nói chung phải đi xa thì cố gắng vợ chồng phải đi cùng.

PV: Như chị nói, người ta đi xa cũng có nhu cầu quan tâm chăm sóc lẫn nhau, tình dục… và người ta vẫn có thể cặp bồ, sống với người khác. Theo chị thì có chấp nhận được không, có thông cảm được không?

TL: Cũng tùy vào phụ nữ. Có thể người ta vẫn nhắm mắt làm ngơ. Nhưng với mình giả sử chống sang BL và cặp bồ thì mình không chấp nhận được. Còn người khác họ chấp nhận việc đấy là việc của họ, chứ mình thì không chấp nhận.

- PV: Chị ra nước ngoài có tiếp xúc với nhiều người VN ở nước ngoài không?

- TL: Mình quan điểm không nhất thiết phải tìm đến với người VN. Bạn bè từ nước khác cũng nhiều mà. Mình có đủ bạn ở Việt Nam rồi, nên cũng không cần thiết lắm khi ra nước ngoài nữa nhưng nếu có người Việt cần giúp đỡ thì mình sẵn sàng vì họ là đồng bào. Nhưng việc phải tìm kiếm, làm quen với họ thì mình thấy không cần thiết.

- PV: Vậy ít nhiều chị cũng tiếp xúc với người VN ở nước ngoài, vậy theo chị, có khoảng bao nhiêu phần trăm người VN ở nước ngoài cặp bồ, có những mối quan hệ “ngoài luồng”. Theo chị nó có phổ biến không?

TL: Mình nghĩ là không phổ biến. Thứ nhất là trai châu Á thì khó mà cặp được với gái Châu Âu. Hai nữa, đối tượng sẵn sàng cặp bồ với gái châu Á cũng không phải là nhiều. Người ta sang đó làm suốt ngày thì thời gian để mà giải khuây cũng không có. Thành ra là sẽ ít hơn, chắc chắn.

- PV: Khi tiếp xúc với người VN ở BL, em thấy hiện tượng này khá là phổ biến. Còn ở Đan Mạch thì sao?

Xem tất cả 232 trang.

Ngày đăng: 26/02/2024
Trang chủ Tài liệu miễn phí