Di tích kiến trúc tại địa điểm Vườn Hồng, 36 Điện Biên Phủ, Hà Nội - 2

MỞ ĐẦU

1. Tính cấp thiết và lý do chọn đề tài

Nghiên cứu Lịch sử kiến trúc là một đối tượng trọng tâm của khảo cổ học lịch sử Việt Nam. Việc nghiên cứu lịch sử kiến trúc sẽ góp phần tìm hiểu lịch sử văn hóa, văn minh Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử.

Trong việc nghiên cứu lịch sử kiến trúc Việt Nam, những tư liệu khảo cổ học được giới nghiên cứu hết sức quan tâm vì đó là những nguồn tư liệu mang tính xác thực cao. Trong các nguồn tư liệu khảo cổ học về kiến trúc, những dấu tích kiến trúc ở Kinh đô Thăng Long là quan trọng hàng đầu vì đó là trung tâm tiêu biểu các giá trị về kiến trúc của cả nước. Trong khoảng 3 thập kỷ qua, có nhiều đợt khai quật quy mô lớn phát hiện được nhiều di tích kiến trúc tại khu vực Hoàng thành Thăng Long. Một trong những cuộc khai quật lớn đem lại nhiều di tích quý là địa điểm Vườn Hồng (còn gọi là khu vực xây dựng Đường hầm và bãi xe ngầm Nhà Quốc hội).

Cuộc khai quật đã làm phát lộ hệ thống mặt bằng các di tích đa dạng, phức tạp với nhiều loại hình, nhiều di tích kiến trúc lần đầu tiên phát hiện được tại Kinh đô Thăng Long nói riêng, trên phạm vi cả nước nói chung thậm chí có thể so với các kinh đô cổ trong khu vực và thế giới. Bước đầu nghiên cứu cho thấy khu vực xây dựng Đường hầm và bãi xe ngầm Nhà Quốc hội cũng là một bộ phận hữu cơ trong cấu trúc tổng thể của Hoàng thành Thăng Long xưa ở khu vực phía Nam.

Tuy nhiên, cho đến nay các di tích này chưa được chỉnh lý và nghiên cứu chi tiết, nên việc nghiên cứu tổng thể các di tích kiến trúc ở đây chưa kết nối được với khu vực 18 Hoàng Diệu và khu vực Chính điện Kính Thiên. Điều đó làm hạn chế việc hiểu biết về các di tích tại địa điểm Vườn Hồng cũng như về kiến trúc tổng thể Kinh đô Thăng Long tại các khu vực đã khai quật.

Từ năm 2012 - 2014, tác giả may mắn được trực tiếp tham gia khai quật, do đó đã có dịp được tiếp xúc và tham gia nghiên cứu mặt bằng các di tích kiến trúc qua các thời kỳ tại địa điểm Vườn Hồng. Chính vì vậy, với mong muốn góp phần nghiên cứu khu di tích, được sự gợi ý của các thầy/cô, đồng nghiệp, tác giả mạnh dạn chọn đề tài “Di tích kiến trúc tại địa điểm Vườn Hồng, 36 Điện Biên Phủ, Hà Nội” làm đề tài luận văn Thạc sỹ chuyên ngành khảo cổ học với hy vọng qua đó bước đầu nhận diện, đánh giá giá trị khu di tích kiến trúc Vườn Hồng trong tổng thể di tích Hoàng thành Thăng Long.

2. Mục tiêu nghiên cứu

2.1. Mục tiêu tổng quát

- Tập hợp, hệ thống hóa tư liệu về di tích kiến trúc tại địa điểm Vườn Hồng, trong đó chú trọng vào việc nghiên cứu mặt bằng, vật liệu và kỹ thuật xây dựng nhằm cung cấp nguồn tư liệu tin cậy về các di tích kiến trúc phát hiện được tại khu vực này.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 192 trang tài liệu này.

- Nhận diện, phân loại, so sánh tổng hợp nhằm xác định đặc trưng, niên đại của từng di tích kiến trúc, bước đầu đưa ra các trật tự xây dựng của các kiến trúc qua các thời kỳ.

- Từ kết quả nghiên cứu, kết hợp so sánh với các kết quả nghiên cứu di tích kiến trúc trong khu vực Hoàng thành Thăng Long đã công bố của các cuộc khai quật trước đây nhằm góp phần đánh giá bước đầu về giá trị của các di tích kiến trúc tại Vườn Hồng trong tổng thể các di tích kiến trúc đã xuất lộ ở Hoàng thành Thăng Long.

Di tích kiến trúc tại địa điểm Vườn Hồng, 36 Điện Biên Phủ, Hà Nội - 2

2.2. Mục tiêu cụ thể

- Mô tả, phân tích, nhận diện mặt bằng, quy mô và tính chất các di tích kiến trúc tại địa điểm Vườn Hồng trên cơ sở tư liệu về móng nền, bó nền, móng cột, v.v... của từng đơn nguyên kiến trúc.

- Xác định đặc trưng cơ bản và niên đại của các di tích kiến trúc Hoàng thành Thăng Long tại địa điểm Vườn Hồng qua các thời kỳ lịch sử.

- Đánh giá giá trị của các di tích kiến trúc ở địa điểm Vườn Hồng trong mối liên hệ với các di tích kiến trúc khác trong khu vực Hoàng thành Thăng Long.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

3.1. Đối tượng nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu của luận văn là các di tích kiến trúc tại địa điểm Vườn Hồng, 36 Điện Biên Phủ, Hà Nội qua các thời kỳ: Đại La, Lý, Trần, Lê sơ, Lê Trung hưng.

3.2. Phạm vi nghiên cứu

- Về không gian: tập trung vào các di tích kiến trúc qua các thời kỳ tại địa điểm Vườn Hồng.

- Về thời gian: các di tích kiến trúc xuất lộ tại địa điểm Vườn Hồng từ thời Đại La (thế kỷ VII - IX) đến thời Lê Trung hưng (thế kỷ XVII - XVIII).

- Mở rộng nghiên cứu so sánh với các di tích kiến trúc tiêu biểu đã được nghiên cứu và đã công bố tại khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long.

4. Cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu

4.1. Cơ sở lý thuyết

- Luận văn được xây dựng dựa trên cơ sở vận dụng quan điểm duy vật biện chứng và duy vật lịch sử trong việc nghiên cứu, nhận diện, đánh giá các di tích kiến trúc và tìm hiểu quá trình biến đổi của các di tích đó trong lịch sử tại khu di tích Vườn Hồng.

- Sử dụng lý thuyết cơ bản về khảo cổ học để phân tích, đánh giá các đặc trưng, tính chất của các di tồn khảo cổ học tại khu vực nghiên cứu.

4.2. Phương pháp nghiên cứu

- Sử dụng phương pháp nghiên cứu khảo cổ học truyền thống: điều tra, khai quật lấy tư liệu tại hiện trường, mô tả, chụp ảnh, phân tích so sánh các di tích, ứng dụng các phần mềm kỹ thuật để xử lý tư liệu số hóa, xây dựng các bản đồ, sơ đồ, biểu bảng thống kê….

- Sử dụng các phương pháp đa ngành, liên ngành như: Sử học, Dân tộc học, Ngôn ngữ học, Địa lý, Địa chất, Cổ sinh, Cổ nhân để xác định các bối cảnh về môi trường tự nhiên và xã hội đương đại. Đặc biệt là vận dụng tri thức môn Khảo cổ học kiến trúc để phân tích, so sánh, xác định các loại hình di tích kiến trúc để nhận diện cấu trúc, chức năng và sự biến đổi của chúng qua các thời kỳ lịch sử.

5. Kết quả và đóng góp của luận văn

5.1. Tập hợp và hệ thống hóa tư liệu về di tích kiến trúc trong phạm vi địa điểm Vườn Hồng (Khu G).

5.2. Tìm hiểu một số đặc trưng kỹ thuật và vật liệu xây dựng trong các di tích kiến trúc tại địa điểm Vườn Hồng (Khu G) trong bối cảnh lịch sử kiến trúc kinh đô.

5.3. Thông qua việc tập hợp hệ thống, tìm hiểu, xác định mặt bằng, kỹ thuật và vật liệu xây dựng của các di tích kiến trúc tại địa điểm Vườn Hồng bước đầu góp phần vào việc nghiên cứu mối quan hệ của các di tích này trong hệ thống di tích kiến trúc Hoàng thành Thăng Long.

6. Bố cục của Luận văn

Ngoài phần mở đầu và kết luận, Luận văn có 3 chương: Chương 1. Tổng quan về đề tài

Chương 2. Nhận diện các di tích kiến trúc tại địa điểm Vườn Hồng

Chương 3. Giá trị Lịch sử - Văn hóa của các di tích kiến trúc ở Vườn Hồng trong tổng thể kiến trúc Hoàng thành Thăng Long

Chương 1. TỔNG QUAN VỀ ĐỀ TÀI


1.1. Khái quát về Lịch sử Kinh đô Thăng Long

Kinh đô Thăng Long nghìn xưa được mô tả gọn ghẽ trong ca dao cổ Hà Nội:

“Nhị Hà quanh Bắc sang Đông

Kim Ngưu, Tô Lịch là sông bên này”.

Đây là hai câu ca dao cổ khi nói về Thăng Long nghìn xưa đã đi vào bao thế hệ người dân Hà Nội nói riêng và những người yêu Kinh đô Thăng Long nghìn xưa nói chung.

Từ trước năm 1010 khi vua Lý Thái Tổ dời đô từ kinh đô Hoa Lư ra Thăng Long, đất Long Ðỗ - Thăng Long đã trải qua một quá trình biến đổi địa chất liên tục có tuổi hàng chục triệu năm về trước. Từ hàng chục triệu năm cách ngày nay, địa lý học lịch sử cho biết: khu vực Hà Nội khi đó còn là một vịnh biển sâu hàng trăm mét.

Khoảng sau 4000 năm cách ngày nay, vùng đất Hà Nội hoàn toàn không còn chịu tác động của sự thay đổi mực nước biển nữa và có hình dạng cơ bản như ngày nay. Ðó là một vùng đất khá rộng rãi, bằng phẳng cao ráo (xấp xỉ +6m so với mực nước biển) với chi chít các đầm hồ: hồ Tây, hồ Gươm, hồ Văn Chương, hồ Trúc Bạch, hồ Chu Tước, hồ Voi, hồ Hải Trì, hồ Bảy Mẫu, hồ Bích Câu….

Trên lớp đất phù sa màu mỡ, ưu vật tuyệt vời của tạo hóa, hàng nghìn năm qua, các thế hệ người Việt dần dần khai phá, định cư tạo nên một vùng đất phong vật vô cùng tươi tốt. Nói theo Thượng Kinh phong vật chí (thế kỷ XIX): “Non nước có tình đâu bằng Thượng Kinh, phong vật phồn thịnh cũng không đâu hơn Thượng Kinh” [18].

Vị trí thuận lợi đó đã hấp dẫn con người định cư từ khá sớm. Người Việt cổ từ khoảng 3.500 năm trước đã định cư và để lại dấu tích ở các di chỉ Văn Ðiển, Gò Cây Táo, Ðàn Xã Tắc. Khoảng 3.000 năm cách ngày nay, người Việt cổ có mặt ở Gò Chùa Thông (Thanh Trì). Thời kỳ văn hóa Ðông Sơn của các vua Hùng, vua Thục dựng nước, khu vực Thăng Long đã tìm thấy dấu tích cư trú và di vật Ðông Sơn ở Cống Vị, Quần Ngựa, hồ Bảy Mẫu… Khoảng đầu Công nguyên đến thế kỷ X, người Việt lập các làng lớn ở khu vực Trung tâm nội thành Hà Nội mà dấu tích là mộ táng Việt tìm thấy ở Vườn Hồng, dấu tích di chỉ cư trú ở dưới lòng đất Văn Miếu, Ðàn Xã Tắc...

Năm 544, Lý Nam Ðế đánh bại quân xâm lược Lương lập nước Vạn Xuân dựng thành gỗ ở cửa sông Tô Lịch, kiên quyết chống quân đô hộ để bảo vệ nền độc lập non trẻ của đất nước. Thời Tống Bình - Ðại La, khoảng từ thế kỷ VII, Hà Nội là trị sở hàng

đầu của Giao Chỉ với tên gọi Tống Bình. Năm 621, Tổng quản Khâu Hòa xây Tử Thành bên bờ sông Tô Lịch chu vi là 1.674m.

Năm 679, nhà Ðường lập An Nam đô hộ phủ. Năm 757, Trương Bá Nghi đắp La Thành. Năm 791 và 801, Triệu Xương sửa sang La Thành. Năm 808, Trương Châu sửa La Thành cao 6,82m. Năm 866, Cao Biền đắp La Thành chu vi 1.989 trượng tương đương với khoảng 6,139m. Ðây là quy mô lớn nhất của thành Ðại La thế kỷ IX. Ðầu thế kỷ X, với sức mạnh bất khuất kiên cường của người Việt, các hào trưởng Việt họ Khúc (Khúc Thừa Dụ, Khúc Hạo, Khúc Thừa Mĩ), họ Dương (Dương Ðình Nghệ)… đã quật khởi chiếm giữ phủ thành Ðại La, mở đầu thời kỳ độc lập tự chủ của Ðại Việt. Thời Ðinh - Tiền Lê, miền đất này là phủ trị hàng đầu của Ðại Cồ Việt mà sử sách gọi là Kinh Phủ

Năm 1010, đức Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Ðại La - Kinh Phủ, đặt tên kinh đô là Thăng Long (Rồng bay). Kể từ đây các vương triều Việt Nam liên tục định đô và xây dựng Kinh đô Thăng Long

Sử cũ cho biết ngay trong năm 1010, đức Lý Thái Tổ xây dựng thành Thăng Long, mở 4 cửa: Ðông (Tường Phù), Tây (Quảng Phúc), Nam (Ðại Hưng), Bắc (Diệu Ðức) [3]; [29]; [30]. Tên thành Thăng Long thời Lý đến thời Lê sơ được gọi tên là Hoàng thành Thăng Long.

Năm 1014, Lý Thái Tổ xây dựng thành Ðại La [3]; [30]. Thành Ðại La được sửa chữa thêm trong các năm 1078 [3]; [29]; [30]. Thành Ðại La là vòng thành ngoài cùng bao bọc Hoàng thành Thăng Long.

Năm 1029, Lý Thái Tông quy hoạch lại khu vực trung tâm đã cho đắp thêm một vòng thành mới gọi là Long Thành (Cấm Thành) [3]; [29]; [30]. Long Thành chính là Cấm Thành thời Lý và là vòng thành nằm gọn trong thành Thăng Long. Như vậy, đến năm 1029, Kinh đô Thăng Long đã hoàn thành trọn vẹn cấu trúc mặt bằng ba vòng thành bao bọc lẫn nhau (tam trùng thành quách).

Trong các vòng thành, các vua Lý đã xây dựng các công trình kiến trúc của Hoàng đế, Hoàng gia và Triều đình.

Trong 215 năm tồn tại, biên niên sử Việt Nam đã ghi được có 56 đợt và lần xây dựng với 200 kiến trúc có tên trong đó có 03 đợt xây dựng tiêu biểu là các năm 1010, 1029 và 1203. Tất cả các cung điện của thời Lý đều được châu tuần đăng đối quanh chính điện Càn Nguyên xây năm 1010 và sau đó là chính điện Thiên An xây năm 1029.

Năm 1225, vương triều Trần thay vương triều Lý trong một chính biến hoà bình: Lý Chiêu Hoàng, vị vua nữ nhà Lý cuối cùng nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh tại điện Thiên An, triều đại nhà Trần bắt đầu.

Nhà Trần tiếp quản Thăng Long của nhà Lý một cách khá êm đẹp, do đó một số kiến trúc xây dựng dưới nhà Lý vẫn được sử dụng lại dưới thời Trần. Ðó là các vòng thành và một số kiến trúc tiêu biểu ở khu trung tâm như điện Thiên An, điện Ðại Minh, cung Lệ Thiên, cung Thái Thanh, cung Cảnh Linh [4: 10, 17, 21, 26]. Nhưng, do bị thiên tai và ngoại xâm đốt phá quá nhiều, nhà Trần đã quy hoạch, xây dựng mới Kinh đô Thăng Long.

Về các công trình kiến trúc ở Thăng Long thời Trần, sử sách chép không kỹ và liên tục như thời Lý, nhưng cũng ghi được có 7 đợt xây dựng lớn trong các năm 1230, 1237, 1248, 1253, 1363, 1364, 1368 với 55 công trình kiến trúc. Tiêu biểu nhất là đợt xây dựng lớn vào năm 1230.

Năm 1230, Ðại Việt sử ký toàn thư chép:

“Trong thành dựng cung, điện, lầu, các và nhà lang vũ ở hai bên phía Ðông và phía Tây, bên tả là cung Thánh Từ (nơi Thượng hoàng ở), bên hữu là cung Quan Triều (nơi vua ở)” [4:12].

Năm 1397, đại thần Hồ Quý Ly quyết định chuyển đô từ Thăng Long vào trấn Thanh Hóa (nay là di tích Thành Nhà Hồ, Thanh Hoá), dỡ toàn bộ điện Thiên An, điện Thụy Chương vào kinh đô mới [4: 193]. Năm 1400, triều đại nhà Hồ thành lập, đặt tên kinh đô mới là Tây Ðô, đổi tên Thăng Long là Ðông Ðô.

Năm 1407 - 1527, nhà Minh xâm lược Ðại Việt và sử dụng Thăng Long làm trị sở đô hộ.

Ngày 15/4/1428, sau khi đánh đuổi giặc Minh, đức Lê Thái Tổ lên ngôi tại Ðông Ðô đổi tên là thành Ðông Kinh [4: 293], bắt đầu xây dựng mới ở Thăng Long.

Năm 1428, Lê Thái Tổ cho xây dựng ở Thăng Long “điện Vạn Thọ, lại làm Tả Hữu điện, điện Kính Thiên, điện Cần Chính” [4: 298].

Tên gọi Hoàng thành Thăng Long lần đầu tiên chính thức ghi trong biên niên sử năm 1434 dưới thời Lê Thái Tông [4: 320]. Ðiện Kính Thiên là trung tâm Hoàng cung. Năm 1490, Lê Thánh Tông cho đắp rộng thêm Phượng Thành (tên gọi khác của Hoàng thành Thăng Long), hoàn thành bản đồ Ðông Kinh và địa hình đất nước. Theo bản đồ này, Hoàng thành Thăng Long thời Lê Thánh Tông hết sức lớn rộng như

Phương Ðình Nguyễn Văn Siêu (1799 - 1872) mô tả: “ … Ðông Môn bắt đầu từ thôn Ðức Môn (trước là thôn Ðông Môn tổng Ðồng Xuân), theo hướng Bắc đến sông Tô Lịch, theo bờ bên tả qua Bắc Môn về phía Tây, đến phường Nhật Chiêu, thu về phía Nam là cửa Bảo Khánh, đến trước bên hữu Văn Miếu, lại qua phía Tả là Nam Môn, đi thẳng về phía Ðông. Ðây là dấu cũ thành Thăng Long” [31: 178].

Sử chép, năm 1514, vua Lê Tương Dực “đắp thành bao sông Tô Lịch làm điện Tường Quang” [5:74].

Cùng với việc mở rộng quy mô Hoàng thành dưới thời Lê Thánh Tông, các vua Lê sơ đã lần lượt cho xây dựng nhiều kiến trúc trong Hoàng thành. Tổng cộng, trong thời Lê sơ, sử ghi rò tên ở Thăng Long có 52 công trình kiến trúc có tên như Chính điện Kính Thiên, điện Cần Chánh, điện Càn Ðức, điện Hội Anh, điện Thúy Ngọc, cung Bảo Quang, cung Thiên Hòa, cung Vĩnh Ninh, cung Minh Ðức, cung Ðoan Khang…

Năm 1527, nhà Lê sơ suy yếu, đại thần Mạc Ðăng Dung lên ngôi tiếp tục đóng đô ở Thăng Long. Nhưng do nhà Mạc chú trọng tới việc xây dựng kinh đô mới ở quê hương Dương Kinh (Hải Phòng), mặt khác do có nội chiến Nam - Bắc triều, cho nên nhà Mạc xây dựng ở Kinh đô Thăng Long rất ít. Ðến khoảng cuối thế kỷ XVI, năm 1585, nhà Mạc mới “bàn việc tu sửa kinh thành, tiến hành xây dựng với quy mô lớn: nung gạch ngói, sai hạt An Bang và Ninh Sóc vận tải tre gỗ về bắt đầu từ năm Quang Hưng thứ 7 [1584], đến đây mới hoàn thành” [9: 344].

Năm 1587, “sai sửa chữa tầng ngoài thành Thăng Long và sửa sang các đường phố” [5: 162].

Năm 1588, nhà Mạc “lệnh quân dân các huyện trong bốn trấn đắp thêm ba lớp luỹ hào ngoài thành Ðại La, bắt đầu từ phường Nhật Chiêu, vượt qua Hồ Tây, qua cầu Dừa đến cầu Dền và suốt đến Thanh Trì cao hơn thành Thăng Long vài trượng, rộng 25 trượng, đào 3 lớp hào, trồng tre dài mấy mươi dặm để bọc lấy phía ngoài thành [5: 164].

Có thể nói đây là đợt thành Ðại La mở rộng nhất trong lịch sử Kinh đô Thăng Long. Sau chiến trận Trịnh - Mạc (1591 - 1592), có thể nói toàn bộ Kinh thành Thăng Long trở nên hoang tàn, đổ nát. Khoảng đầu thế kỷ XVII, nhà Lê - Trịnh bắt đầu xây dựng lại Kinh thành và Hoàng thành. Ðại La thành và Hoàng thành được thu nhỏ lại từ phía Tây chỉ còn khoảng nửa phía Ðông, trong đó khu vực trung tâm nơi có điện Kính Thiên được giữ lại. Một thể chế chính trị mới đã làm thay đổi diện mạo Hoàng thành nói riêng cũng như toàn bộ Kinh thành thời này. Ðó là chế độ vua Lê - chúa Trịnh trong đó

vua Lê là hư vị, chúa Trịnh nắm toàn quyền điều hành đất nước. Ðể thể hiện quyền lực nhà chúa, chúa Trịnh đã không ở trong Hoàng thành mà lập riêng phủ Thái Vương (phường Phúc Lâm) bên tả cửa Nam thành Thăng Long [5:190]. Tại đây, dần dần mọc lên một hệ thống lầu, gác, phủ đệ hết sức lớn rộng, nguy nga tráng lệ.

Trong Hoàng thành, năm 1630, Lê Thần Tông xây 3 toà cung điện và 10 gian hành lang [5: 229]. Nhưng đó gần như là lần xây dựng duy nhất được ghi chép trong Hoàng thành thời Lê Trung hưng.

Tuy nhiên, dù ở vào hoàn cảnh lịch sử đặc biệt như vậy, nhưng trong khoảng thế kỷ XVII, Hoàng thành Thăng Long vẫn giữ được phần nào dáng vẻ huy hoàng tôn nghiêm của chốn Hoàng cung. Dưới con mắt của một số người phương Tây, các kiến trúc Hoàng cung thời này vẫn hiện lên khá đẹp.

Năm 1786, Nguyễn Huệ tiến vào Thăng Long đánh đổ nhà Trịnh, phò tá vua Lê Hiển Tông, nhất thống thiên hạ.

Năm 1788, Lê Chiêu Thống đưa quân Thanh vào chiếm đóng Thăng Long. Lúc này, Nguyễn Huệ đang đóng ở Phú Xuân. Từ Phú Xuân, “Tháng 11, Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế, lấy năm đó làm năm Quang Trung thứ 1, lấy Phú Xuân làm Nam Kinh, Nghệ An làm Trung Kinh, Bắc Thành làm Bắc Kinh” [10: 85]. Liền đó, Quang Trung Nguyễn Huệ tiến quân ra Bắc, đại thắng quân Thanh, ngày mồng 5 tháng Giêng năm 1789 (âm lịch) giành lại Thăng Long.

Dưới thời Tây Sơn, do thành thời Lê “lâu năm sụt đổ, đến đời Tây Sơn theo nền cũ đắp thành quách từ cửa Ðông Hoa đến cửa Ðại Hưng” [6: 201]. Ðiều đó chứng tỏ Thăng Long thời Tây Sơn vẫn được duy trì và sửa chữa trên cơ sở Hoàng thành Thăng Long cuối thời Lê Trung hưng.

Năm 1799, các thế lực của chúa Nguyễn từ phía Nam bắt đầu mạnh lên. Năm 1802, nhà Nguyễn đánh bại nhà Tây Sơn, chiếm thành Thăng Long.

Năm 1804, vua Gia Long phá bỏ Thăng Long xây thành Hà Nội theo kiểu thành Vô - băng (Vauban) theo phong cách phương Tây.

Trên thực địa ngày nay, các tường thành Hà Nội thời Nguyễn được xác định ở các khoảng vị trí:

Mặt Bắc: Tương đương với đường Phan Ðình Phùng hiện nay, hiện còn di tích cổng được xây bằng gạch vồ, phía trên có gắn biển đá khắc ba chữ Hán "Chính Bắc Môn”.

Mặt Nam: Tương đương với đường Trần Phú.

Xem tất cả 192 trang.

Ngày đăng: 20/07/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí