Đền, chùa trong không gian văn hóa làng Phấn Vũ xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình - 4


Dù đánh bắt bằng phương thức nào thì cuộc sống của ngư dân nơi đây cũng đầy gian lao. Người đàn ông ra khơi lênh đênh trên biển, phải đối mặt với sóng to gió lớn, đối mặt với chuyện sinh tử thường ngày. Còn những người vợ, người mẹ ở nhà luôn phải chịu cảnh: “Ăn với chồng một bữa, ngủ với chồng nửa đêm”. Nhưng những gian lao đó không khuất phục được ngư dân nơi đây, họ vẫn ra khơi mang theo những kinh nghiệm được đúc kết qua nhiều thế hệ:

“Con ơi giữ lấy lời cha

Đôi mươi tháng chín thật là bão rươi Mùng năm của những tháng Mười Thì con vào lộng ra khơi mặc lòng”3

Dân làng kể lại vào trước năm 1890 có cụ Lê Văn Ưng là người đánh cá rất giỏi. Khi đi đánh cá, cụ Ưng nhìn trời đất mà đoán biết được mưa gió hoặc có bão để tránh. Căn cứ vào thời tiết, hướng gió và tính theo con nước, cụ sẽ tìm ra đúng bãi cá, đoán biết hướng di chuyển của cá. Ví dụ: Hôm nay chầu 3 con nước, gió nam cấp 2, cá sẽ di chuyển lui vào và lên phía Bắc. Những kinh nghiệm đi biển đó vẫn còn được lưu giữ đến ngày nay.

1.3.3. Diêm nghiệp

Xã Thụy Xuân có nghề làm muối từ năm 1958 bao gồm 2,14 ha đất làm muối, mỗi năm cho thu hoạch hàng trăm tấn4. Những hạt muối mặn mà thơm trắng được kết tinh từ biển, phơi cùng nắng gió cũng tăng thêm thu nhập cho người dân trong xã nói chung và người dân làng Phấn Vũ nói riêng. Tuy nhiên, làm muối là nghề hết sức vất vả. Để sản xuất ra hạt muối, người dân phải làm sân, ruộng phơi và hệ thống kênh mương dẫn nước vào đồng muối.



3 Nói đến kinh nghiệm đi biển của ngư dân Phấn Vũ. Nếu là 20/9 thì không nên ra khơi đánh bắt vì mùa này thường xuất hiện nhiều bão gió to. Còn từ 5/ 10 thì ra khơi không phải lo lắng.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 144 trang tài liệu này.

4 Báo cáo thực trạng kinh tế của các thôn trong xã Thụy Xuân (2012), tr.7


Đền, chùa trong không gian văn hóa làng Phấn Vũ xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình - 4

Ruộng muối nằm ngoài đê biển, được thiết kế theo ô, dùng cát rải trên mặt ruộng để lấy nước biển vào phơi. Nước biển từ kênh mương được tát vào các ruộng muối và thường phải tát nhiều lần trong ngày để phơi cho nước bay hơi, muối đọng lại lẫn vào cát được gọi là chạt. Khi chạt được phơi đủ lượng muối, dùng trang vun gọn lại thành đống. Sau đó, xúc chạt vào bể lắng, cho nước vào khuấy đều và gạn lấy nước trong đem ra sân phơi. Bể lắng được xây bằng gạch hình trụ có đường kính khoảng 1,5m, cao 1m, trên có mái che thường được lợp bằng cói để che mưa. Sân phơi được làm bằng xi măng, xung quanh có bờ để giữ nước muối. Muối được phơi trên sân cho đến khi khô, dùng trang vun gọn thành đống, đóng vào bao để đưa vào kho hoặc đem đi tiêu thụ.

Cùng với ngư nghiệp, diêm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp thì các ngành nghề buôn bán hải sản xuất khẩu, thương mại dịch vụ, buôn bán lớn nhỏ phát triển khá đồng đều thu hút hàng trăm lao động tạo thu nhập ổn định. Nhiều hộ gia đình buôn bán tại chợ Bàng - chợ lớn của xã và là chợ đầu mối buôn bán của các xã lân cận như: Thụy Hải, Thụy Trường. Trong thôn phát triển nhiều dịch vụ, các đại lý lớn, nhỏ buôn bán các loại hàng hóa đa dạng, phong phú tạo nên khu giao lưu, thông thương buôn bán sầm uất của địa phương và tiểu vùng.

1.3.4. Kết cấu hạ tầng

Hệ thống điện chiếu sáng trong thôn được hoàn thiện, hai bên đường đều chiếu sáng, 100% số hộ dân trong làng sử dụng điện lưới quốc gia. Hiện tại địa phương đã tiếp nhận dự án RE2 nâng cấp, cải tạo lưới điện sinh hoạt của điện lực Thái Bình, chất lượng điện cung cấp cho sản xuất và sinh hoạt đã được nâng cao5. Mạng Internet cũng đã được các hộ sử dụng rộng rãi chiếm khoảng 30%.



5 Đề án xây dựng nông thôn mới xã Thụy Xuân giai đoạn 2011 - 2015, định hướng 2020 (tr.6)


Đường thôn ngõ xóm được cứng hóa, hệ thống cống rãnh thoát nước được người dân tự nguyện đóng góp tu sửa nâng cấp. Công tác vệ sinh môi trường đảm bảo thường xuyên, có 01 vệ sinh viên thu gom rác thải, nhân dân làm vệ sinh công cộng vào ngày 24 hàng tháng.

Nhà văn hóa thôn được xây dựng kiên cố, khang trang với tổng diện tích 572m2, phục vụ hội họp, sinh hoạt văn hóa cộng đồng của nhân dân và đáp ứng hoạt động văn hóa, văn nghệ, Thể dục Thể thao như: Luyện tập thể dục thể thao thường xuyên, tập dưỡng sinh, đánh cầu lông, hoạt động hè của thanh thiếu niên.

1.4. Một vài vấn đề về xã hội

1.4.1. Dân số, lao động và việc làm

Dân số có 1054 người, trong đó nam là 485 người (chiếm 46,1%), nữ có 569 người (chiếm 53,9%). Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên là 1,01%/ năm. Tất cả đều là người Kinh. Trong đó, 100% trẻ em đến độ tuổi đều được đến trường.

Lao động trong độ tuổi chiếm khoảng 61,5 % dân số; trong đó có 7% người lao động không có việc làm ổn định. Người dân chủ yếu làm nghề nuôi trồng và khai thác thủy hải sản (chiếm khoảng 85%), còn lại là Tiểu thủ công nghiệp và buôn bán hàng hóa tại chợ Bàng. Bình quân thu nhập đầu người khoảng 2.586.000 đồng/tháng, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt từ 11 - 16%. Lao động không trong độ tuổi chiếm khoảng 38,5 %. Người già chiếm 17%, trẻ em chiếm khoảng 21,5%.

1.4.2. Tổ chức xã hội

Làng Phấn Vũ có một chi bộ Đảng gồm 22 Đảng viên. Chi bộ lãnh đạo toàn diện trên tất cả các mặt về xây dựng, phát triển kinh tế xã hội. Trong đó, có một ban công tác mặt trận gồm 15 thành viên và các đoàn thể: Nông dân, Phụ nữ, đoàn thanh niên, cựu chiến binh, người cao tuổi, chữ thập đỏ, hội


phật giáo... thực hiện nhiệm vụ xây dựng các phong trào, tuyên truyền vận động đoàn viên, hội viên cùng toàn thể nhân dân nêu cao tinh thần đoàn kết xóm làng, thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, nội quy quy định của địa phương. Trong làng có công an viên, trật tự an toàn xã hội ổn định, không có hiện tượng khiếu kiện, tình hình an ninh chính trị luôn được giữ vững; người dân trong thôn sống hoà thuận, cùng giúp nhau phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo. Nhân dân tích cực tham gia các phong trào xã hội, luôn chấp hành tốt mọi chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Phấn Vũ có một vị trí địa lý thuận lợi nên hàng ngày lượng người cùng lượng hàng hóa đến trao đổi, buôn bán tại trung tâm sầm uất chợ Bàng rất lớn. Vì vậy làng Phấn Vũ có điều kiện xã hội khá phức tạp bởi những tiêu cực của nền kinh tế thị trường luôn tiềm ẩn các tệ nạn xã hội, các luồng văn hóa không lành mạnh xâm nhập vào đời sống nhân dân. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, của chính quyền địa phương, sự vào cuộc tích cực của các ban ngành đoàn thể trong thôn, nhân dân luôn nêu cao tinh thần cảnh giác trước những âm mưu của các thế lực thù địch, tích cực tham gia phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc", cùng giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn vùng biên giới biển.

Hàng năm thôn làng đều thực hiện đủ chỉ tiêu khám tuyển nghĩa vụ quân sự và kêu gọi thanh niên lên đường nhập ngũ. Phấn Vũ duy trì tốt mọi hoạt động, tham gia tích cực huấn luyện dân quân tự vệ. Các chính sách hậu phương quân đội đều được quan tâm giải quyết có hiệu quả, đảm bảo công khai, dân chủ, hợp thời, đúng đối tượng theo các quyết định số 47/2002/QĐ - TTg ngày 11/4/2012, Quyết định số 290/2005/QĐ - TTg ngày 8/11/2005, Quyết định số 142/2008/QĐ - TTg ngày 27/10/2008, Quyết định số 62/2011/QĐ - TTg ngày 9/11/2011… đối với những người là dân quân, du


kích, thanh niên xung phong, bộ đội, công an tham gia các cuộc kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ Quốc tế.

Phấn Vũ còn là một trong những làng đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới tại xã Thụy Xuân. Hàng năm có trên 90% gia đình đăng ký xây dựng gia đình văn hoá và qua bình xét cuối năm 2012 có trên 82% số hộ đạt tiêu chuẩn. Phong trào xây dựng thôn làng văn hóa, khu dân cư tiên tiến, thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang, lễ hội ngày một phát

triển cả bề rộng và chiều sâu. Năm 2007, 2008, 2010 Phấn Vũ đã đạt danh hiệu “Khu dân cư tiên tiến”6. Tháng 4/2012, thực hiện sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân huyện Thái Thụy về phong trào đăng ký xây dựng "Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới", cùng với thôn Bình An, Phấn Vũ được công nhận là thôn làng văn hóa lần đầu. Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao ngày một phát triển thu hút mọi tầng lớp nhân dân tham gia góp phần nâng

cao đời sống tinh thần của nhân dân. Nhà văn hóa thôn đã cơ bản đáp ứng yêu cầu trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng.

1.5. Đôi nét về văn hóa

Làng Phấn Vũ nằm trong vùng Bắc Bộ, mang đặc điểm của vùng đồng bằng châu thổ, nhưng do nằm gần biển nên cũng chứa đựng những nét rất riêng mang yếu tố văn hóa biển thể hiện trong cả văn hóa vật chất lẫn văn hóa tinh thần.

1.5.1. Văn hóa ẩm thực

Phấn Vũ là làng quê có nhiều món ăn ngon, từ những món ăn dân dã trong ngày thường đến những món ăn cầu kì trong ngày Tết. Món ăn của làng Phấn Vũ không quá cay, quá ngọt, quá chua hay quá thiên về lựa chọn nguyên



6 Báo cáo thực trạng kết quả xây dựng nông thôn mới, UBND xã Thụy Xuân (2013), tr. 5


liệu, gia vị, công đoạn chế biến... mà sức hấp dẫn chủ yếu đến từ hương vị tươi ngon thuần khiết của sản vật tự nhiên.

1.5.1.1. Món ăn thường ngày

Lương thực chính là gạo, bao gồm cả gạo tẻ và gạo nếp. Thức ăn hàng ngày chủ yếu được chế biến từ các loại cá biển, tôm, canh don, canh ngao, riêu cua… Canh don, canh ngao như đặc tính của người Phấn Vũ, không cầu kỳ, không đắt đỏ, cái ngon tự nhiên đến từ vị ngọt thanh lạ trên mảnh đất quê hương đã tạo nên một đặc sản, một niềm tự hào của ẩm thực Phấn Vũ. Vì gần biển nên các món ăn ở đây được nấu khá mặn, hương vị rất đậm đà. Đặc biệt, nước mắm là gia vị không thể thiếu vì theo thói quen ăn uống của người vùng biển, một khúc cá rán, một miếng thịt hay một đĩa rau luộc mà lại vắng nước mắm thì thật kém ngon. Chính vì vậy, có một số gia đình đã tự mình làm nước mắm đựng trong chum vại làm gia vị hay nước chấm để phục vụ bữa ăn hàng ngày.

Ngày thường mà có khách quý đến chơi hay khách từ phương xa về, người dân sẽ chế biến thêm những món ăn ngon, đặc sản của vùng quê như: Gỏi nhệch, bún cá, sứa biển chấm mắm tôm, cua biển hấp. Những món ăn này được chế biến khá lâu, cần nhiều gia vị và khi được thưởng thức những món ăn này, thực khách sẽ không dễ gì quên được bởi ẩn chứa trong đó là cả sức sáng tạo tài tình trong ẩm thực của con người làng Phấn Vũ. Dù có khách đến hay chỉ những người trong gia đình với nhau thì mọi người đều ngồi quây quần trên chiếu, ăn uống rất vui vẻ, thoải mái, cùng nhau trao đổi về cách chế biến các món ăn.

1.5.1.2. Món ăn ngày lễ, Tết

Người dân Phấn Vũ rất coi trọng việc ăn uống trong dịp Lễ, Tết, nhất là tết Thanh minh, rằm Tháng bảy và tết Nguyên đán. Đây là các kỳ nghỉ lao động, sản xuất. Do vậy, bà con thường chuẩn bị thực phẩm hết sức công phu,


cách chế biến món ăn cũng đa dạng và cầu kỳ. Một số món ăn trong dịp này như món nộm sứa biển, sam biển. Đây còn là những món ăn không thể thiếu trong dịp cưới hỏi. Sam biển chế biến ra rất nhiều món ăn ngon và lạ khác nhau như: Tiết canh sam, gỏi sam, chân sam xào chua ngọt, sam xào xả ớt, trứng sam chiên giòn, trứng sam xào lá lốt… Tuy nhiên, không phải dễ dàng bắt được sam như bắt cá, vì chúng có mùa, ngư dân phải tính con nước và định ngày ra khơi, từ tháng 3 đến tháng 9 sẽ có nhiều sam nhất.

Trong các món ăn mừng năm mới, bên cạnh bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành, họ còn chế biến thêm nhiều đồ ăn ngon mà ngày thường không có thời gian để làm như: chả cá, chả mực, nem día. Ngày Tết ăn nhiều đồ mỡ, nhiều thịt nên người dân rất thích ăn những thức ăn có vị ngọt thanh, thơm mát như các loại lẩu cá, riêu cá. Trong đó, cá khoai là lựa chọn hàng đầu. Cá khoai có thể chế biến thành nhiều món ăn đơn giản mà lại bổ dưỡng và hấp dẫn như cháo cá khoai, lẩu cá khoai, và nhất là canh cá khoai. Ăn bát canh cá khoai ngày Tết sẽ thấy vị chua thanh mát của cà chua lẫn với vị ngọt bùi nhuốm mùi mặn mòi của biển cả trong từng miếng cá khoai, thêm chút vị cay rân rân, tê tê đầu lưỡi của ớt. Tất cả hoà quyện vào nhau thành món ăn dân dã mà say lòng người.

1.5.2. Văn hóa ở

Do nằm cạnh biển, trước bão gió thường xuyên nên nhà ở của cư dân thường thấp, nhỏ, chắc chắn như bám chặt vào đất. Một vài ngôi nhà lớn có tới 5 gian, còn đa số các ngôi nhà thường chỉ có 3 gian. Trong nhà chỗ trang trọng nhất ngay gian giữa vẫn là ban thờ gia tiên. Phía trước ban thờ thường dành làm nơi tiếp khách, nơi gia đình ngồi bàn việc hay sum họp hàng ngày.

Từ dáng dấp bên ngoài mặt nhà, mái nhà… cho đến cửa, đều thể hiện ý thức tránh hướng gió bão. Nhà thường quay hướng Nam - Tây Nam hoặc Nam - Đông Nam chính là tránh hướng gió đông từ biển vào. Tường bốn mặt


nhà thường chia hai lớp, lớp trên đã dày, lớp dưới còn dày hơn và là tường đất. Nền nhà thấp, các cửa ra vào, cửa sổ nằm sâu vào bề dày của tường. Mái nhà cũng chắc chắn và kín đáo như vậy. Nếu là mái ngói thì ngói được chít vữa các mạch cho gắn chặt với nhau. Có nơi còn đắp thêm những tấm đá lên mái để gió không làm tốc mái được. Nếu là mái rạ hay cói bổi thì trên đỉnh nóc còn chặn thêm những ụ rạ thật to nhưng phủ ngoài thật trơn tròn để gió trượt qua chứ không bóc lên được. Bên trong bộ khung mái cũng được làm chắc chắn với những giằng tre khóa lại với nhau và ghì chặt mái rạ vào khung nhà. Mái lợp cỏ hay cói dày tới 0,4 - 0,5 mét, độn thật nhiều vào chân mái. Nước mưa từ nóc mái chảy xuống rất nhanh, vì mái dốc, đến chân mái đổi chiều vọt ra xa để đỡ hại nhà, nhất là không vào chân tường đất.

Ngày xưa, mái được lợp bổi (là cây cói được trồng nhiều ở các vùng đất bãi mặn, lợ ven biển). Khi thu hoạch, những cây cói thân nhỏ nuột, dài 1,50- 1,60m được dùng để dệt chiếu. Nhưng cây cói thân to, ngắn người ta cắt, phơi trên bờ bãi cho khô rồi đem về dùng để lợp nhà. Nhà lợp bằng mái bổi mát về mùa hè và ấm về mùa đông do thân cây bổi xốp, chứa không khí bên trong tạo thành lớp cách nhiệt [2, tr.143]. Hơn nữa người dân nơi đây thường lợp mái bổi khá dầy. Đa số mái nhà lợp bổi dầy từ 0,70 - 1,0m; trọng lượng mái bổi thường khoảng vài ba chục tấn. Hệ thống các đòn tay, dui, mè bằng luồng đều được lựa chọn kỹ lưỡng, dây buộc đều bằng mây. Nhà lợp bổi càng nặng thì càng chắc chắn, không sợ mưa, gió. Quá trình tồn tại gắn bó với đời sống, sinh hoạt của người dân, nhà mái bổi đã vượt lên công dụng che mưa, che nắng, trở thành nét văn hóa đặc sắc của cư dân vùng biển, đọng lại trong tâm thức những người con xa quê một nét hồn quê sâu lắng. Ngày nay, nhà mái bổi đã không còn, phần vì không còn diện tích để trồng cói, phần vì người dân đã dựng những ngôi tường xây, mái ngói chắc chắn và ở lâu dài hơn.

Xem tất cả 144 trang.

Ngày đăng: 28/09/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí