Một Số Vấn Đề Lịch Sử Và Cư Dân


nghiệp và vận tải, nhiều nhất vào các tháng 1, 2, 3. Các tháng này mực nước ngầm, nước mặt trong đất liền thấp. Khi triều cường, nước mặn thâm nhập vào đồng ruộng làm cho đồng ruộng bị nhiễm mặn. Mặt khác, thủy triều dâng có tác dụng làm cho nguồn nước mặt dâng cao, có lợi cho các vùng lấy nước ngọt tưới cho đồng ruộng. Về các tháng mùa mưa, khi triều thấp có thể tiêu nước từ các vùng ngập úng ra biển. Khi tiêu úng ra biển, dòng nước đem theo nhiều tác nhân bất lợi cho mùa màng, giúp thau chua rửa mặn, giải phóng môi trường nước bị ô nhiễm.

1.1.5. Thổ nhưỡng

Đất của làng Phấn Vũ là loại đất nhiễm mặn, đất thường chưa ổn định, phân tầng chưa rõ rệt, thường có tầng hữu cơ là xác thực vật. Điều này do ảnh hưởng của nước biển ngầm và kênh rạch ven biển. Mức độ nhiễm mặn thay đổi theo mùa lũ cạn và ở các độ sâu khác nhau. Đất mặn có hàm lượng hữu cơ cao, dinh dưỡng khá. Tuy nhiên độ mặn lại là yếu tố khống chế sản xuất, cũng chính vì thế nên Phấn Vũ trồng trọt rất ít, người dân chủ yếu làm nghề nuôi trồng và đánh bắt, khai thác thủy hải sản.

1.1.6. Động thực vật

1.1.6.1. Thực vật

Phấn Vũ nói riêng và Thái Bình nói chung không có đồi núi nên các nhóm cây tự nhiên rất nghèo nàn, chủ yếu là cây trồng. Trong đó, cây lương thực là nhóm cây chủ đạo, bao gồm lúa, ngô, khoai, sắn. Rau quả bao gồm rau quả vụ đông như: Su hào, bắp cải, xà lách, súp lơ, cà chua, đậu, đỗ... và rau quả vụ hè: Rau muống, cải xanh, rau đay, bí ngô, bí đao, cà, mướp. Vụ đông và vụ đông xuân rau rất phong phú. Bên cạnh đó, thực vật ngập mặn như: Vẹt, bần, sú rất phát triển cùng với các loại sinh vật biển tạo nên hệ sinh thái rừng ngập mặn đa dạng, phong phú.


1.1.6.2. Động vật

Xã Thụy Xuân nói chung và làng Phấn Vũ nói riêng là nơi ít có quỹ đất cho thực vật tự nhiên phát triển, vì vậy chỗ trú ẩn cho các loài động vật tự nhiên cũng rất ít. Chỉ có một số loại chim như: Cò, diệc, chích chòe; các loài động vật biển như: Tôm, cá, mực, cua, còng, cáy, don, día, ngao… Còn lại, động vật chủ yếu là động vật nuôi, bao gồm: Động vật nuôi trên cạn như trâu, bò, lợn, gà, vịt, ngan; động vật nuôi dưới nước như ngao, cua, cá, tôm nước lợ, nước ngọt: Tôm sú, cá song, cá bớp, cá vược.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 144 trang tài liệu này.

1.2. Một số vấn đề lịch sử và cư dân

1.2.1. Lịch sử hình thành làng

Đền, chùa trong không gian văn hóa làng Phấn Vũ xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình - 3

Căn cứ vào kết quả nghiên cứu trong cuốn Lịch sử Đảng bộ huyện Thái Thụy, cuốn Địa chí Thái Bình, có thể thấy cũng như các xã ven biển nằm ở phía Đông Bắc huyện Thái Thụy, làng Phấn Vũ, xã Thụy Xuân không nằm ngoài quá trình hình thành trải qua hàng chục vạn năm của vùng đồng bằng ven biển Bắc Bộ. Trải qua quá trình lấn biển, đất đai xã Thụy Xuân nói chung, làng Phấn Vũ nói riêng đã nhiều lần chìm nổi. Khoảng 2500 năm trước, địa chất khu vực mới ổn định, mực nước biển rút dần, để lộ ra các vùng đất với nhiều gò đống, đầm lầy, đất đai Thụy Xuân dần hình thành và bắt đầu xuất hiện luồng cư dân di cư theo đường biển về đây hội tụ sinh sống. Tuy nhiên, do sự khó khăn hiếm hoi về mặt tư liệu nên chưa đủ điều kiện làm rõ được tên tuổi, địa bàn hành chính của Thái Thụy (trong đó có Phấn Vũ - Thụy Xuân) trong thời kỳ dựng nước trước công nguyên và nghìn năm Bắc thuộc. "Đến thế kỷ thứ X từ các triều đại Đinh - Lê - Lý - Trần trở đi cùng với thắng lợi trong đấu tranh chống ngoại xâm, củng cố nền độc lập thì cương vực Thái Thụy mới dần rõ nét" [5, tr. 8]. Cuối thế kỷ XVIII, Thái Thụy nằm trong 3 huyện của 2 phủ: "huyện Thụy Anh, huyện Đông Quan của phủ Thái Bình (đời Tây Sơn gọi là phủ Thái Ninh) và huyện Thanh Lan (hoặc Thanh Quan) của phủ


Tiên Hưng" [5, tr. 9]. Tên tuổi, địa bàn hành chính của làng Phấn Vũ trải qua các thời kỳ này đều nằm trong tên tuổi chung, địa giới hành chính chung của Thái Thụy với các tên gọi khác nhau qua tiến trình lịch sử.

Theo cuốn “Các Tổng trấn xã danh bị lãm” thì Phấn Vũ nằm trong 9 tổng với 59 xã của huyện Thụy Anh với tên gọi xã Phấn Vũ thuộc tổng Vạn Xuân (cũng có lúc đổi thành làng Phấn Vũ hoặc xã Minh Vũ của tổng Vạn Xuân) và tên gọi đó được duy trì đến Cách mạng tháng 8/1945. Theo điều tra thực địa của một người Pháp có tên P.Gourou vào giữa năm 1930 thì tổng dân số của xã Phấn Vũ là 1947 người, diện tích đất tự nhiên 0,28 km2.

Tháng 4/1946, thực hiện chủ trương chung, Hội đồng nhân dân tỉnh xóa bỏ đơn vị tổng, đổi phủ thành huyện. Lúc này Minh Vũ có tên là làng Phấn Vũ, thuộc xã Xuân Trường, huyện Thụy Anh, tỉnh Thái Bình. Đến 1956, Xuân Trường được tách thành 2 xã Thụy Xuân và Thụy Trường. Minh Vũ cùng 2 làng Vạn Xuân, Bình Lạng thuộc xã Thụy Xuân, huyện Thụy Anh, tỉnh Thái Bình. "Ngày 17/6/1969, huyện Thụy Anh được sáp nhập với huyện Thái Ninh lấy tên gọi huyện Thái Thụy" [3, tr. 2]. Năm 1969, làng Phấn Vũ gồm 5 xóm: 7, 8, 9, 10, 11 đến năm 2003 chỉ gồm hai xóm 8 và 9.

Quá trình lịch sử lâu đời của đất và người làng Phấn Vũ xưa còn được khẳng định qua thực tế quá trình hình thành đất đai, dân cư và truyền thống khai hoang lấn biển. Trong đó làng Phấn Vũ nằm trên dải cồn cát được dồn tụ sóng biển bắt đầu từ đỉnh Gồ Gai xã Thụy Trường gối nhau chạy qua các xã Thụy Xuân, Thụy Hải, Thụy Hà có chiều dài gần 15 km.

1.2.2. Quá trình phát triển cư dân

Các cứ liệu về khảo cổ học đã chứng minh đậm nét về dấu vết cư trú từ rất sớm của con người trên vùng đất Tổng Vạn Xuân gồm: Vạn Xuân, Tam Tri, Lỗ Trường, Tri Trỉ, Chỉ Bồ, Bình Lạng, Phấn Vũ. Năm 1973, Bảo tàng Thái Bình đã phát hiện được nhiều di chỉ khảo cổ học tại mép biển Thụy


Xuân như: Mũi tuyết đồng, ngôi mộ cổ có quan tài hình thuyền hay như ở các khu gò đống của Phất Lộc (xã Thái Giang, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) cũng tìm được một số mộ gạch lớn kết cấu hình vòm mang đặc trưng của những ngôi mộ Hán, đó là những căn cứ có thể xác định ngôi mộ tìm thấy tại ven biển Thụy Xuân cũng là ngôi mộ có niên đại từ rất sớm vì dải đất đều nằm chung trong đất đai ven biển huyện Thụy Anh.

Bên cạnh những dấu vết còn khiêm tốn trên sự hình thành đất đai, dân cư của làng Phấn Vũ còn được minh chứng bổ sung sống động bằng nếp sinh hoạt văn hoá độc đáo mang sắc thái riêng của cư dân ven biển trong đó văn hoá tâm linh và tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu đóng vai trò hết sức quan trọng trong đời sống tâm linh của nhân dân.

"Công cuộc khai khoang, trị thuỷ của các xã Bình Lãng, Phấn Vũ, Vạn Xuân, Chỉ Bồ, Lổ Trường, Tam Chi, Tri Chỉ thuộc Tổng Vạn Xuân đặc biệt sôi động khi nhà nước phong kiến Đại Việt giành quyền tự chủ, từ thời Lý Bí hai cha con Lý Thiên Bảo, Lý Bảo Quốc đã lấy nơi đây lập trại, đóng đồn, lập ấp để huấn luyện quân sỹ tích trữ lương thảo phục vụ cho cuộc khởi nghĩa đánh đuổi quân Lương ra khỏi bờ cõi dựng lên nước Vạn Xuân" [5, tr.12]. Thời gian tiếp theo luồng cư dân di cư theo đường biển từ nhiều nguồn gốc, thành phần khác nhau: Có trường hợp đến đây do muốn thoát khỏi cảnh đè nén, tù túng ở quê cũ; có người phiêu bạt do loạn lạc chiến tranh; có người phải thay đổi tên họ để tránh sự truy bức của triều đình; có người là nô tì, gia nhân tự nguyện đi theo công thần về mở mang điền trang, thái ấp.

Đến thời nhà Trần, tổng Vạn Xuân là hậu căn cứ quan trọng để nhà Trần xây dựng tuyến phòng trữ tích trữ lương thảo, rèn luyện quân sỹ trấn giữ cửa Đại Bàng. Khi cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông thắng lợi, Đốc Hậu đại tướng quân Ngô Đạt đã đem theo gia nhân, binh lính thuộc hạ và vận động


trai tráng đắp đê ngăn mặn và con trai cả của tướng quân Nguyễn Liệu Công đã về tổng Vạn Xuân lập ấp.

Cuối thế kỷ XIV, trước sự lấn át của Hồ Quý Ly, nhiều thân tộc nhà Trần lánh về Thái Thụy núp dưới danh nghĩa khai khẩn vùng ven biển để chiêu mộ lực lượng chờ thời cơ khôi phục lại nhà Trần.

Dưới thời Lê sơ, chính sách trị thủy của nhà nước có tác động thuận lợi đến công cuộc khẩn hoang, mở mang làng xã, đắp đê biển để chắn lũ, ngăn nước mặn, tiêu biểu cho thời kỳ này là việc khẩn hoang những bãi bồi hoang hóa ven biển do ông nghè Nguyễn Công Định (Đỗ tiến sỹ khoa Quý Mùi - 1463) khởi xướng.

Dưới triều Minh Mệnh (1820-1840) hoạt động bồi trúc đê ngăn lũ mặn, khẩn hoang có qui mô lớn do Đinh điền sứ Nguyễn Công Trứ đề xuất và tổ chức. Người dân tổng Vạn Xuân, đặc biệt vùng Ba Gia - Lỗ Trường đã truyền đời câu răn:

“Đã là con mẹ con cha

Đừng sinh ở đất Ba Gia- Lỗ Trường”.

Câu răn ấy để nói về nhiều lần thất bại, gian nan trong việc bám đất, lập làng, sự khắc nghiệt của miền đất đầu sóng ngọn gió, bão lũ luôn đe dọa ập đến bất ngờ chôn vùi những nỗ lực của con người. Trong khi đó, nhiều ngư dân và thuyền bè vẫn chưa dứt khỏi nỗi ám ảnh về sóng dữ, vực sâu ở các vùng cửa biển, cửa sông “Sóng cửa Trà, ma cửa Hộ” hoặc “Cửa Tuần Vường phải nhường của Cun”. Tuy nhiên không chịu lùi bước trước thiên nhiên, quyết tâm trị thủy, quai đê, lấn biển người dân 7 xã thuộc tổng Vạn Xuân đã biến miền đất đầy rẫy gò đống và đầm lầy lau lách nhiễm mặn trở thành vùng đất trù phú như ngày nay.

Hiện nay, làng Phấn Vũ có 298 hộ, 1054 khẩu, có 11 dòng họ bao gồm: họ Hoàng, Trần, Hà, Nguyễn, Phạm, Lê, Bùi, Vũ, Đỗ, Trịnh, Khúc. Những


dòng họ này phần nhiều từ Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Ninh Bình, Nam Định di cư đến.

Cộng đồng cư dân Phấn Vũ qua nhiều lớp dân cư, nhiều thế hệ, nhiều cội nguồn đã kế tiếp nhau, kề vai sát cánh, hợp cư hòa bình cùng bám đất bám biển vượt qua sự khắc nghiệt của thiên nhiên cải tạo vùng đất sình lầy, lau lách um tùm thành vùng đất cư trú đông đúc, giàu có như ngày nay.

1.3. Các hoạt động kinh tế

1.3.1. Thủ công nghiệp

1.3.1.1. Nghề đan lát mây, tre

Hầu hết các làng xã ở Thái Bình đều có nghề đan lát mây tre. "Theo ghi chép của người Pháp, vào khoảng năm 1930 - 1932 số người làm nghề đan lát ở Thái Bình có khoảng 8800 người trong tổng số 42000 người trên toàn Bắc Bộ. Gần như làng nào cũng có 10 - 15 người làm nghề đan lát" [2, tr. 797]. Dụng cụ của nghề này rất đơn giản, chỉ cần một con dao mác sắc và một số cây tre, mây là có thể tạo nên các sản phẩm rổ, rá, nong, nia, sàng, quang gánh, các dụng cụ đánh bắt cá như lờ, nơm. Những người già hoặc những lao động chính lúc rỗi việc cũng đều tranh thủ đan các thứ đồ để dùng trong nhà hoặc để bán. Tuy nhiên, hiện nay nghề này hầu như không còn nữa vì thu nhập thấp, nhiều người đã chuyển sang nghề đan lưới đánh bắt cá hoặc buôn bán nhỏ tại khu vực chợ Bàng.

1.3.1.2. Nghề đan lưới đánh bắt cá

Trước cách mạng tháng 8/1945, theo ghi chép của người Pháp thì nghề đan lưới đánh bắt cá ở Thái Bình phát triển hơn so với các tỉnh khác thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ, có 1200 thợ đan lưới trong số 3000 thợ của toàn Bắc Kỳ. Thợ đan lưới tập trung ở các làng Phú Lạc (Hưng Nhân), Nam Huân (Kiến Xương), Tu Trình, Vọng Hải, Vạn Đồn, Vạn Xuân, Đông Dương, Phương Man (Thụy Anh). Tuy nhiên, trước năm 1945, nghề đánh bắt cá ở


Thái Bình nói chung, ở các huyện ven biển (Tiền Hải, Thụy Anh, Thái Ninh) nói riêng chỉ được xem là nghề phụ, "chưa nơi nào tỏ ra là một làng đánh cá thực thụ" 1. Hiện nay, phát triển kinh tế biển được xem là ngành kinh tế mũi nhọn của các huyện Thái Thụy, Tiền Hải trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn Thái Bình. Điều này góp phần tạo điều kiện cho nghề đan lưới đánh bắt cá phát triển.

1.3.2. Nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản

Nghề chính của làng là nuôi trồng, đánh bắt và buôn bán hải sản. Hiện nay, làng có 25 hộ gia với trên 48 ha diện tích đất nuôi trồng2 các loại hải sản xuất khẩu như: Tôm, cua, cá (cá vược, cá song, cá thu…) thu hút hàng trăm lao động cho thu nhập giá trị kinh tế cao, trên 400 triệu đồng/ha đầm nuôi, chiếm 35% tổng thu nhập kinh tế của thôn. Diện tích nuôi trồng ngày càng được đầu tư mở rộng. Nhiều đồng muối không còn, phần vì giá muối quá thấp

mà làm ra hạt muối rất vất vả, phần vì chuyển đổi diện tích sang nuôi trồng thủy hải sản. Bên cạnh việc nuôi trồng thì hoạt động khai thác hải sản phát triển với 3 tàu đánh bắt hải sản tầm trung và hàng trăm lao động hàng ngày khai thác hải sản ven bờ.

Các bô lão trong làng truyền lại rằng: Ngày xưa vùng biển Xuân Trường còn sâu, nước triều lên xuống tôm, cá rất nhiều, cả vùng bờ biển chạy dài từ sông Hóa lên tới sông Diêm Hộ rất thuận tiện cho nghề đánh cá. Thời kỳ đó dân cư ở đây còn rất thưa thớt, nghề đánh cá có xuất xứ từ những cư dân di cư theo đường biển về đây. Lúc đầu, họ dùng mấy cây tre đóng thành mảng để chở lưới và người rồi chèo ra thả lưới kéo vào bờ gọi là nghề “lưới bồ”, làm xong hết ngày họ lại kéo mảng lên bờ.



1 P. Gourou: Les paysans du delta tonkinois, Paris, 1936

2 Báo cáo thực trạng kinh tế của các thôn trong xã Thụy Xuân (2012), tr.9


Đến sau này, từ những kinh nghiệm đi biển của các lão ngư, Mảng đã dần dần được thay thế bằng phương tiện thuyền (thuyền được đan bằng tre sơn vỏ cây sắn chét lại, dùng tranh cói để làm cánh buồm). Phương thức đánh bắt này gọi là Reo Kheo. Nghề Reo Kheo đánh bắt cá ở mực nước sâu hơn, dựa theo chiều gió mà thả vây lưới (lưới được đan bằng tơ gai) phải cần tới trên 20 người cùng hợp sức. Khi đánh cá họ thả người xuống nước chia từng khoảnh thành vòng tròn. Mỗi người đi Kheo có một cây sào dài khoảng 3 mét vừa lội vừa reo đập sào đuổi cá về phía thuyền lưới. Phương thức này có thể giúp 20 ngư dân thu hoạch 5 -7 tấn cá/ngày. Càng đánh bắt xa bờ càng được nhiều tôm cá, từ đó đã phát triển sang nghề Reo Khua. Nghề Reo Khua yêu cầu phải có nhiều người, nhiều thuyền, đặc biệt lưới phải to, dài và rộng. Ngoài 2 thuyền lưới ra phải có 8 – 12 thuyền Khua. Phương thức đánh bắt này cho phép đánh được các loại cá to như cá Thủ, cá Gúng, cá vàng Kép, có mẻ lưới thu được trên chục tấn cá. Những ngày biển động nghề Reo Khua không làm được các bạn thuyền tập trung lại 2 thuyền cái để đi đánh Lưới Hà. Nghề Lưới Hà là nghề lưới thả rê bắt các loại cá Chim, Thu, Nhụ, Đé. Hai nghề “Lưới hà” “Reo khua” chỉ khai thác vào thời vụ từ tháng giêng đến trung tuần tháng 4 (âm lịch), ngoài thời gian này cá đẻ xong nuôi ra ngoài khơi xa vì thế chỉ đánh cá có thời vụ [3, tr.4]. Năm 1958 đã hình thành các tập đoàn đánh cá, phương tiện khai thác được cải tiến, thuyền gỗ to buồm vải lưới nghề làm bằng Ny lon, cải tiến lối đánh bắt, xây dựng phương thức khai thác đa dạng, phát triển ngư cụ tạo điều kiện để đánh cá quanh năm với nghề lưới rê, giả đôi, giả tôm, lưới vó mành đánh bằng ánh sáng vào giữa thập niên 60. Đầu thập kỷ 60 thành lập hợp tác xã đánh cá Vũ Tiến, đến năm 1982 chia tách thành 02 Hợp tác xã là Xuân Thành và Xuân Tiến. Hiện nay nghề khai thác thuỷ hải sản được tổ chức quy mô hiện đại hơn với hệ thống tàu to, máy lớn để vươn ra khơi xa và do các cá nhân đầu tư.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 28/09/2023