1.5.3. Văn hóa mặc
Trang phục giống như trang phục của người Kinh ở đồng bằng Bắc Bộ. Trước đây, đàn ông mặc áo cánh nâu, xẻ ngực, cổ tròn, xẻ tà và có hai túi phía dưới. Đây là loại áo ngắn mặc với quần lá tọa ống rộng hoặc loại quần có cạp, dùng dây rút. Trong các ngày lễ, tết, trang phục chủ yếu mà Nam giới thường mặc là áo dài đen hoặc vải the có lót trắng ở bên trong, đầu đội khăn xếp, quần tọa màu trắng. Đó là loại áo dài, xẻ nách phải, không trang trí hoa văn, nếu có chỉ là loại hoa văn dệt cùng màu tinh tế trên vải. Chân đi guốc mộc. Phụ nữ mặc váy (loại váy kín, váy ống), áo là áo cánh cách ngắn vải nâu - loại áo cổ tròn, viền nhỏ, tà mở, phía trong mặc yếm. Khi ra đường họ thường mang khăn vuông đội theo lối "mỏ quạ" hoặc các loại nón: thúng, ba tầm. Chiếc váy đã gắn với phụ nữ Phấn Vũ nói riêng, phụ nữ Thái Bình nói chung trong suốt thời gian rất dài, mãi tới kháng chiến chống Pháp, khi chị em tham gia du kích thì chiếc quần thuận tiện hơn trong sinh hoạt và là lựa chọn của chị em.
Ngày nay, trang phục của cả nam giới và phụ nữ rất phong phú về kiểu dáng, chất liệu: quần bò, áo sơ mi, áo phông… Váy của phụ nữ cũng rất đa dạng như váy nơi công sở, váy cưới cô dâu với màu sắc trang nhã, lịch sự.
Người dân Phấn Vũ khi lao động, đi biển hay làm muối, họ còn đội nón chóp vành rộng, cứng. Đặc biệt, người đi te có nón chóp vành to, cứng để đeo thêm nắm cơm, đèn dùng ban đêm. Nón chóp có khung tre, mái dốc, chóp nhọn, khâu bằng sợi móc chắc. Giữa hai lần lá cọ lợp còn lót mo nang cho bền. Loại nón này một phần do người dân Phấn Vũ tự làm, còn lại chủ yếu mua tại các xã thuộc huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.
1.5.4. Văn hóa ứng xử với môi trường biển
"Hải tính" trong tâm thức người dân Phấn Vũ đậm dần, cuộc sống của họ ngày một thiết tha hơn với biển. Họ thể hiện sự linh hoạt của mình trong
thế ứng xử với thiên nhiên. Biển hiện hữu trong tâm thức ngư dân suốt chu kì một đời người. Biển vừa là nguồn sống, vừa là nơi gửi gắm biết bao tâm tư tình cảm của cộng đồng. Biển gắn bó với con người từ khi sinh ra đến khi từ biệt cõi trần:
"Lắng tai nghe mẹ giãi bày
Có thể bạn quan tâm!
- Đền, chùa trong không gian văn hóa làng Phấn Vũ xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình - 2
- Một Số Vấn Đề Lịch Sử Và Cư Dân
- Đền, chùa trong không gian văn hóa làng Phấn Vũ xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình - 4
- Đền, chùa trong không gian văn hóa làng Phấn Vũ xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình - 6
- Đền, chùa trong không gian văn hóa làng Phấn Vũ xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình - 7
- Đền, chùa trong không gian văn hóa làng Phấn Vũ xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình - 8
Xem toàn bộ 144 trang tài liệu này.
Cha sinh mẹ dưỡng sánh tày bể Đông"
So sánh công ơn cha mẹ không gì rõ hơn bằng cách đặt tương quan với độ mênh mông, rộng lớn của biển cả. Và biển cũng đem lại nguồn sống, đáp ứng nhu cầu cuộc sống hàng ngày của người dân Phấn Vũ.
Biển là môi trường để con người sống và lao động, biển cũng là nơi con người gửi gắm tâm tư, tình cảm và khát vọng của cộng đồng. Biển trở thành triết lý sống, là nơi con người trải nghiệm và hun đúc bản lĩnh, là nguồn cảm hứng sáng tạo vô tận. Văn hoá biển của người dân Phấn Vũ đậm nét trong những câu hò, những làn điệu dân ca. Biển là hình ảnh con tàu diễn tả nỗi nhớ day dứt, khắc khoải đợi chờ của cô gái đợi người yêu, của những người vợ đợi chồng nơi bến đậu. Biển là tiếng hát ru của mẹ dành cho con; là tiếng giao duyên, đối đáp của tình yêu đôi lứa; là nỗi nhớ của những người con đi xa luôn hướng về. Sống trong môi trường biển, người dân Phấn Vũ tận dụng mọi nguyên liệu lấy từ biển để chế tác những sản phẩm văn hoá vật chất phục vụ cho đời sống của mình. Và ngay trong lúc thực hiện những sản phẩm đó, người dân nơi đây đã đưa hình ảnh của biển vào kỹ thuật lúc làm nhà ở hay kín đáo hơn là trong các nét hoa văn, màu sắc thể hiện. Biển chính là phần hồn của các sản phẩm vật chất được chế tạo qua bàn tay tài hoa của người dân Phấn Vũ. Chính vì vậy, biển đã tác động và tạo nên những giá trị trong văn hoá Phấn Vũ, phản ánh văn hoá vật chất, văn hoá tinh thần, quan niệm nghệ thuật, nhân sinh quan của cộng đồng Phấn Vũ trong quá trình tồn tại và phát triển ở vùng đất Thái Thụy, Thái Bình.
Một cách vô thức, yếu tố biển góp phần kiến tạo nên tâm hồn cư dân, trong đó tinh thần nhân văn trong ứng xử giữa con người với con người, con người với thiên nhiên, biển cả là một biểu hiện bao trùm, tiêu biểu nhất. Đó chính là tình yêu thương con người, tinh thần tương thân, tương ái, hướng tới điều thiện, lên án cái ác, nuôi dưỡng mối giao cảm giữa các cư dân; đó còn là đạo lý uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa, gắn kết cộng đồng trong quan hệ xã hội. Trong quan hệ với biển, con người thể hiện rõ tinh thần tôn trọng, đề cao và bảo vệ. Đây là nét đẹp tâm hồn, văn hóa truyền thống cao quý, làm nên giá trị lớn trong bản sắc văn hóa Việt. Người dân Phấn Vũ nói riêng và người dân Thụy Xuân nói chung đã tiếp thu và bồi đắp truyền thống hướng biển, vừa có cái nhìn sâu sắc về biển, vừa có thái độ e dè trước thiên nhiên cùng cách nói bộc trực, thẳng thắn mà dân gian vẫn quen gọi là "Ăn sóng nói gió”. Tính biển đã tạo cho người dân nơi đây bản lĩnh lao động cần cù và thông minh. "Có cứng mới đứng trước gió", không cần cù và thông minh thì không thể đứng trụ được ở miền đất cửa biển - nơi mà nước và trời vừa là bạn, là môi trường sống, lại vừa là đối thủ phải chống chọi hàng ngày. Không cần cù và thông minh thì không thể có được một hệ thống đê điều, sông đào, mương máng chằng chịt ở khắp nơi và cũng không thể có miếng ăn trong nghề biển với những đòi hỏi cao về kinh nghiệm và đầu tư sức lao động. Môi trường biển và quá trình ứng xử với môi trường đó không chỉ tạo nên tính cộng đồng, cộng cảm, cộng mệnh mà còn làm cho cư dân Phấn Vũ nói riêng, cư dân Thụy Xuân nói chung sớm hình thành và định hình truyền thống bất khuất, sáng tạo, nhạy cảm với những biến động lịch sử.
1.5.5. Tôn giáo, tín ngưỡng
1.5.5.1. Thờ Phật
Phật giáo là một thành tố quan trọng trong dòng chảy lịch sử Việt Nam. Gần hai ngàn năm có mặt ở nước ta, tư tưởng triết lý Phật giáo đã thấm sâu
vào đời sống của đông đảo nhân dân. Ngôi chùa càng ngày càng phổ biến ở những làng quê Việt: “Đất vua chùa làng, phong cảnh Bụt”.
Phật giáo đã thấm nhuần vào cách suy tư và sinh hoạt của người Việt nói chung, người làng Phấn Vũ nói riêng nên dấu vết Phật giáo trong văn hóa của người dân nơi đây cũng khá đậm nét. Họ tiếp thu những giá trị đạo đức hợp với tinh thần Việt Nam. Nói về "Thập nhị nhân duyên", dân gian chỉ còn quan niệm: "Tham thì thâm, Bụt bảo thì thầm rằng chớ có tham". Nói về luật nhân quả thì: "Ở hiền gặp lành", "Gieo gió gặt bão", "Ác giả ác báo''. Phật khuyên đủ mọi điều nhẫn thì dân chỉ tổng kết: "Một sự nhịn là chín sự lành". Phật dạy phải từ bi thì dân tổng kết "Thương người như thể thương thân",… Có thể thấy, người dân nơi đây đã sùng Phật theo tâm thức Việt và nhiều người theo lệ ăn chay vào những ngày mồng một hay ngày rằm.
Do tính nhân văn, khoan dung và phù hợp với lối sống của người Việt, ngay từ đầu khi Phật giáo truyền vào nước ta đã được người dân chấp nhận và càng ngày ngôi chùa càng trở nên yêu dấu hơn, gắn bó với người dân mỗi làng quê. Chùa Phấn Vũ đã gắn bó mật thiết với người dân làng Phấn Vũ, trở thành một phần không thể thiếu trong sinh hoạt tôn giáo, sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người dân Phấn Vũ.
1.5.5.2. Thờ Mẫu
Cùng với việc thờ phụng đức Nam Hải Thánh Mẫu tại đền Mẫu - vị thần cai quản 12 cửa biển Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ; tại chùa Phấn Vũ còn phối thờ cả Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Thờ Mẫu là một tín ngưỡng dân gian thuần Việt, có lịch sử lâu đời, biến chuyển thích ứng với sự thay đổi của xã hội Việt Nam.
Tín ngưỡng thờ Mẫu hướng đến cuộc sống thực tại của con người với ước vọng sức khỏe, tài lộc, là một nhu cầu trong đời sống tâm linh của người Việt, mang lại cho họ sức mạnh, niềm tin và có sức thu hút mọi tầng lớp trong
xã hội. Người đi lễ cầu mong đạt được những điều nằm ở chính cuộc sống này, là tài lộc, thành công, may mắn và đều thể hiện tấm lòng thành kính từ khi dâng lễ vật đến khi chắp tay vái lạy khẩn cầu. Chính vì thế, tín ngưỡng thờ Mẫu thu hút được đông đảo người dân làng Phấn Vũ nói riêng và người dân Thụy Xuân nói chung. Mẫu là đại diện của sự che chở, bao bọc. Mẫu cũng là đại diện của sự sinh sôi, nảy nở, trù phú. Bởi thế, mỗi khi con người cảm thấy cô đơn, thấy bơ vơ, không có nơi nương tựa, việc họ tìm về mẫu để nhận được sự quan tâm, cứu giúp như một phản ứng rất đỗi tự nhiên.
Những giá trị của đạo Mẫu được gói gọn trong ba chữ “Tâm – Đẹp – Vui”. Tâm là giá trị cốt lõi của tín ngưỡng thờ Mẫu. Mẫu dạy con người sống hướng thiện, có cái tâm trong sáng, biết đối nhân xử thế, thờ phụng ông bà tổ tiên và biết ơn những người có công với dân, với nước. Còn Đẹp và Vui trong tín ngưỡng thờ Mẫu được thể hiện qua chính lễ hầu đồng. Lễ hầu đồng đẹp ở âm nhạc, mỗi khi nhạc chầu cất lên là người lên đồng như được tiếp thêm sinh lực để “nhập đồng”, còn người đi xem hầu cũng thêm vui vẻ, hứng khởi. Lễ hầu đồng còn đẹp ở những bộ trang phục của các ông đồng, bà đồng, đẹp ở tượng Mẫu, đẹp ở chính cảnh lên đồng biểu diễn của các nghệ sĩ dân gian nhưng rất chuyên nghiệp. Trong tín ngưỡng thờ Mẫu, hầu đồng là nghi lễ chính mang tính nghệ thuật sân khấu. Hầu đồng của người dân Phấn Vũ diễn ra tại đền Mẫu vào ngày lễ hội của cụm di tích hoặc vào dịp lễ cuối năm và đầu năm. Những người lên đồng hóa thân thành các vị Thánh Mẫu, thể hiện sắc diện và động thái đặc trưng trong không gian văn hóa linh thiêng. Người đến tham dự trải nghiệm, cảm nhận được vẻ đẹp của các vị Thánh Mẫu, ngắm nhìn những bộ trang phục lộng lẫy, nghe hát Văn kể về sự tích công trạng của các vị Thánh Mẫu trong không gian nghi lễ với nhiều sắc màu rực rỡ. Sự tương tác giữa người hầu đồng, cung văn và những người tới dự trong không gian buổi lễ khiến con người thăng hoa, quên đi phiền muộn trong cuộc sống
hàng ngày. Họ rất vui mừng khi nhận được lộc Thánh Mẫu ban phát. Sau nghi lễ hầu đồng, người đi lễ được thụ lộc ngay tại chỗ, được phát lộc là những vật phẩm quen thuộc, gần gũi của cuộc sống.
Thờ Mẫu không chỉ là một tín ngưỡng tôn giáo, đó còn là văn hóa. Thông qua nghi lễ lên đồng, qua lễ hội, phong tục gắn liền với nó, nó trở thành một bảo tàng sống của văn hóa Việt Nam. Đó là các phong tục tập quán có từ lâu đời từng hun đúc lên sức mạnh của nhân dân trong lịch sử dựng nước và giữ nước; là nền tảng đạo đức trong cách thức ứng xử giữa con người với con người, được thể hiện ở sự kính trọng với những người đã sinh thành ra mình, những người có công với dân, với nước. Tất cả những nghi lễ, tập tục cổ truyền tốt đẹp cần phải được giữ gìn và phát huy trong xu thế toàn cầu hóa trên mọi lĩnh vực đang phát triển nhanh, mạnh và rộng khắp nhưng không làm mất đi những giá trị văn hóa truyền thống.
Đạo Mẫu cũng vẫn chịu ảnh hưởng của đạo Phật cho nên trên cùng của điện thờ Mẫu có tượng phật để thờ thêm. Trong quá trình tín ngưỡng thờ Phật du nhập vào nước ta, các bộ phận quan trọng của tín ngưỡng này đã phát triển theo khuynh hướng dân gian hóa giữa tín ngưỡng thờ Phật và tín ngưỡng thờ Mẫu có sự thâm nhập và tiếp thu ảnh hưởng lẫn nhau. Điều dễ nhận biết nhất là ở hầu hết các ngôi chùa hiện nay ở nông thôn đều có điện thờ Mẫu. Trong đó phổ biến nhất là dạng “tiền Phật hậu Mẫu”. Người dân Phấn Vũ đi chùa vừa để lễ Phật, vừa để cúng Mẫu. Sự thâm nhập và ảnh hưởng lẫn nhau giữa đạo Phật và tín ngưỡng thờ Mẫu theo khuynh hướng dân gian hóa là điều dễ hiểu bởi lẽ, đó là tín ngưỡng dân dã của người dân, cùng hướng về cái từ bi bác ái, tinh thần cộng đồng, khuyến thiện trừ ác vốn là nền tảng trong nguyên tắc ứng xử của xã hội cổ truyền. Hai thứ tín ngưỡng này bổ sung cho nhau đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân: Theo Phật để tu nhân tích đức cho đời, kiếp sau được lên cõi Niết Bàn để cuộc sống tươi sáng hơn, tự do hơn,
còn theo đạo Mẫu là mong được sự phù hộ độ trì đem lại sức khỏe, tài lộc, may mắn cho đời sống thường ngày.
1.5.5.3. Tín ngưỡng của cư dân vùng biển
Biển và những sự kiện liên quan đến cuộc sống mưu sinh của con người trên biển luôn hiện hữu trong tâm thức cư dân Phấn Vũ suốt chu kỳ một đời người. Trong nghề lưới đăng, tàu thuyền, ngư dân quan niệm mọi việc đều phải hết sức cẩn trọng và mang tính linh thiêng. Xưa nay, ngư dân kiêng cữ lời nói, những điều cấm kỵ trong sinh hoạt với niềm tin nhờ đó việc hành nghề được suôn sẻ, may mắn. Họ kiêng không gọi đích danh các vị thần linh biển cả trước khi đi biển. Khi bưng thúng đựng lưới hay dây câu, họ tránh không đi qua dưới dây cột võng hoặc dây phơi quần áo. Dù ở nhà hay trên ghe, thúng đựng lưới hay dây câu phải để ở chỗ không ai bước ngang qua được. Họ không để người lạ chạm vào hai con mắt vẽ trước mũi thuyền vì sợ bị ếm đối. Họ kiêng kỵ trong việc ăn cá, ăn xong một bên không được lật lại mà phải gỡ xương rồi ăn tiếp (để tránh lật tàu thuyền); nấu cơm không để bị khê, khét hoặc cháy. Người có tang hoặc có vợ đang mang thai không thể là người đầu tiên vịn tay đẩy thuyền hoặc lưới. Trong khi hành nghề, nếu có gì bất thường xảy ra, như trong nhiều ngày liền không đánh được cá thì họ phải nhuộm lại lưới hoặc xông lưới, sắc thuốc bắc tưới lên lưới hoặc dọn rửa thuyền và cúng kiếng để giải trừ.
Về tinh thần, những giá trị văn hoá tinh thần đặc trưng của ngư dân nơi đây được lắng đọng trong nhiều tín ngưỡng dân gian đi kèm với các lễ hội đặc trưng và có sức lan tỏa mạnh mẽ. Lễ hội cầu ngư, đua thuyền, bơi chải,… không chỉ thể hiện văn hóa tín ngưỡng của cư dân miền biển, sự tôn vinh nghề nghiệp mà còn thể hiện khát vọng bình yên trong đời sống và lao động sản xuất.
Từ bao đời nay, trong các cộng đồng ngư dân trên cả nước nói chung và ngư dân Thụy Xuân nói riêng luôn lưu truyền những truyền thuyết, giai thoại về ông Nam Hải (cá Voi). Cốt lõi của những truyền thuyết ấy là cá Voi thường cứu giúp người bị nạn ngoài biển khơi khi sóng to gió lớn, đồng thời cho ngư dân được mùa biển. Các lão ngư kể lại rằng, khi lâm nạn hoặc khi thuyền giăng lưới ngoài khơi, người ta thường van xin "Ông" giúp đỡ. "Ông" như nghe được lời khẩn cầu mà phun nước phì phì, lùa cả bầy cá vào lưới. Từ đức tin ấy, cá Voi đã trở thành một vị Phúc Thần trong đời sống tâm linh của cư dân ven biển, được dân gian thành kính gọi bằng nhiều danh xưng trân trọng như: ông Khơi, ông Lộng, ông Nam Hải,... Lúc biển đói, ngư dân cúng cầu Ông, khi biển no họ lại làm lễ cúng tạ Ông.
Cư dân Phấn Vũ rất tôn thờ các linh vật như: cá Ông, hà bá, bà chúa xứ, bà chúa muối. Họ thờ Đức Nam Hải Thánh Mẫu, thờ Quan Lớn Thống và nhận thấy các ngài rất linh ứng. Đến mùa làm ăn sông nước, các chủ tàu thuyền đều về đền tổ chức cúng lễ cầu an mong Quan Lớn Thống, Đức Nam Hải phù hộ cho trời yên, biển lặng, cho tàu thuyền ra khơi thuận buồm xuôi gió, tôm cá đầy khoang, cuộc sống dân làng ngày càng sung túc. Trước khi ra khơi đánh cá họ đều làm lễ cúng cầu cho chuyến đi an toàn, thu được thành quả tốt. Đó trở thành tập tục sinh hoạt, thành tín ngưỡng dân gian trước biển cả trùng khơi. Thông qua đó, còn thắt chặt thêm tình đoàn kết gắn bó giữa các ngư dân làng chài ven biển để thuyền bè đi khơi về lộng an toàn.