nghiên cứu của Đinh Ngọc Sỹ và cộng sự cho thấy chỉ có 5,0% bà mẹ nhận biết dấu hiệu không uống/bú được, 4,1% nhận biết dấu hiệu co giật và 3,4% nhận biết dấu hiệu ngủ li bì khó đánh thức. Đối với hai dấu hiệu chỉ báo điển hình của bệnh viêm phổi, trong 4.800 bà mẹ được hỏi, chỉ có 37,3% nhận biết được các dấu hiệu thở ( thở khác thường hoặc thở nhanh hoặc khó thở) và chỉ có 0,9% biết dấu hiệu RLLN [53].
1.2.2.2. Kiến thức, thực hành tìm kiếm dịch vụ y tế
Khi đã nhận biết được dấu hiệu bệnh của trẻ, việc lựa chọn cách xử trí ban đầu phù hợp có thể ảnh hưởng rất lớn đến diễn biến bệnh. Các bà mẹ cần biết phân biệt những dấu hiệu bệnh có thể để trẻ ở nhà tự chăm sóc, cũng như xác định khi nào thì cần đưa trẻ đến cơ sở y tế [101]. Thực tế, trừ những trường hợp ho, cảm lạnh thông thường còn khi mắc các thể bệnh NKHHCT khác trẻ được khám và điều trị theo hướng dẫn của CBYT.
Trên thế giới
Nghiên cứu 30 trường hợp NKHHCT nặng ở Ai Cập năm 1994, chỉ có 22 bà mẹ đã đưa con đi khám [99]. Năm 2003 trong nghiên cứu tại Kenya, chỉ có 87,1% bà mẹ cho biết sẽ đưa trẻ NKHHCT thể nặng đến trạm y tế [124].
Cách xử trí chủ yếu của bà mẹ Nepal khi trẻ ốm là mua thuốc tự điều trị (46,2%), đến khám tại cơ sở y tế (26,4%), điều trị bằng thuốc dân gian (8,9%), để trẻ tự khỏi (2,7%) và đi đến thầy lang (0,6%) [125].
Tại Việt Nam
Các nghiên cứu tại Việt Nam cũng nhận thấy kỹ năng tìm kiếm dịch vụ y tế cho trẻ NKHHCT của gia đình còn nhiều vấn đề cần được cải thiện. Năm 2000, Chương trình Phòng chống NKHHCT Quốc gia điều tra 1231 ông bố
Có thể bạn quan tâm!
- Đánh giá hiệu quả can thiệp cộng đồng trong thực hành xử trí nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính ở trẻ dưới 5 tuổi tại huyện Ba Vì và Đan Phượng, Hà Nội - 1
- Đánh giá hiệu quả can thiệp cộng đồng trong thực hành xử trí nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính ở trẻ dưới 5 tuổi tại huyện Ba Vì và Đan Phượng, Hà Nội - 2
- Xử Trí, Kê Đơn Điều Trị Nhiễm Khuẩn Hô Hấp Cấp Tính
- Nghiên Cứu Can Thiệp Thông Tin- Giáo Dục-Truyền Thông Thay Đổi Hành Vi Chăm Sóc Trẻ Nhiễm Khuẩn Hô Hấp Cấp Tính.
- Nhiễm Khuẩn Hô Hấp Cấp Tính Trẻ Em Dưới 5 Tuổi
Xem toàn bộ 166 trang tài liệu này.
và 1216 bà mẹ có con dưới 5 tuổi. Kết quả cho thấy chỉ có 86% bố, mẹ cho rằng viêm phổi là một bệnh nguy hiểm cần đưa trẻ đi khám tại cơ sở y tế [10].
Mặc dù tự chữa bệnh không phải là hình thức tối ưu, trong nghiên cứu năm 2003 của Bùi Đức Dương, có tới 20,9% bà mẹ nói rằng sẽ tự chữa ở nhà nếu trẻ NKHHCT. Những cơ sở y tế bà mẹ thường tiếp cận đầu tiên là y tế tư (40,3%), trạm y tế xã (37,3%). Lý do trẻ không được đưa đến bệnh viện là do không thuận tiện (64,3%), không đủ tiền chi trả (14,3%) [24].
Việc thiếu hiểu biết về dấu hiệu bệnh và cách xử trí trẻ bệnh cũng góp phần dẫn đến nguy cơ tử vong cao ở trẻ NKHHCT. Nghiên cứu của Nguyễn Việt Cồ, năm 2003, cho thấy trong các ca tử vong có tới 5,3% số trẻ NKHHCT được đưa đến trạm y tế khi tình trạng bệnh đã nguy kịch, 39,2% đến khi bệnh đã nặng và đáng lưu ý hơn là có 26,1% trẻ đã chết tại nhà [16].
Tương tự như vậy, các bà mẹ trong nghiên cứu tại Cần Thơ của Trần Thị Trung Chiến năm 2003, có kiến thức về các dấu hiệu cần đưa trẻ đi khám ngay rất kém. Trong số 534 bà mẹ chỉ có 1,9% biết dấu hiệu thở nhanh, 0,2% biết dấu hiệu co rút lồng ngực, 14,4% biết dấu hiệu thở khò khè hoặc thở rít, 7,3% biết dấu hiệu ngủ li bì khó đánh thức và 41% biết dấu hiệu co giật [20].
1.2.2.3. Kiến thức, thực hành sử dụng thuốc cho trẻ
Trên thế giới
Sử dụng kháng sinh chống lại 2 vi khuẩn chính gây viêm phổi trẻ em là Phế cầu (Streptococcus pneumoniae) và Haemophilus Influenzae đúng theo phác đồ của TCYTTG đã làm giảm khoảng 25% đến 65% tỷ lệ tử vong do viêm phổi tại các nước triển khai can thiệp [139]. Tuy nhiên, tỷ lệ cần sử dụng kháng sinh (KS) chỉ chiếm 25-30% trường hợp NKHHCT. Sử dụng KS là không cần thiết cho khoảng 70% trường hợp bị NKHHCT do virut [138].
Nhưng TCYTTG ước tính có khoảng 75% lượng thuốc KS được sử dụng để điều trị NKHHCT và phần lớn số đó thực sự không cần thiết [139]. Sử dụng thuốc không đúng đang là vấn đề tồn tại ở hầu hết các nước trên thế giới. Nghiên cứu ở 6 nước châu Âu cho thấy 60% đối tượng điều tra dừng uống KS sau 3 ngày nếu thấy giảm các triệu chứng [78]. Tại Philippines, kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng 80,0% bà mẹ tự điều trị NKHHCT cho con bằng KS nhưng lại chỉ dùng thời gian rất ngắn từ một đến hai ngày. Nghiên cứu này cũng thấy liều mỗi lần dùng cho trẻ cũng rất thấp [69].
Tại Guatemala, tình trạng bà mẹ tự ý dùng KS cho trẻ rất phổ biến. Trong 324 bà mẹ được hỏi có tới 63% đã dùng KS điều trị cho trẻ bị tiêu chảy và ho sốt [95]. Tương tự, ở Mexico năm 1999, trong số 1.659 bà mẹ được hỏi có 73% dùng thuốc không phù hợp hoặc không đúng liều, có 66% trả lời rằng họ đã dùng KS cho con ít hơn 5 ngày [76].
Tại Việt Nam
Mục tiêu của Chương trình Phòng chống NKHHCT Quốc gia tại Việt Nam trong giai đoạn 1998-2008 là giảm tỷ lệ mắc bệnh và sử dụng thuốc an toàn hợp lý. Tuy nhiên việc KS được mua bán lan tràn, thiếu kiểm soát trên thị trường cùng với thiếu kiến thức trong sử dụng thuốc của người dân đã cản trở nhiều đến chiến lược của Chương trình[14].
Trong nghiên cứu năm 2000 của Nguyễn Đình Hường, các bà mẹ có con dưới 5 tuổi nghĩ rằng cần có lời khuyên của CBYT khi dùng thuốc KS chỉ chiếm 36% [34]. Trong một nghiên cứu tại 4 tỉnh, 55,6% cặp vợ chồng có con dưới 5 tuổi cho rằng KS là thuốc tốt nhất để điều trị ho sốt cho trẻ. Trong khi những loại thuốc ho đông y điều trị triệu chứng ho an toàn và hiệu quả thì chỉ có 17,7% sử dụng cho trẻ [10].
Nghiên cứu năm 2002 của Nguyễn Việt Cồ tại Hà Nam cho thấy 100% trường hợp trẻ đến khám tại bệnh viện huyện đã được cha mẹ tự điều trị trước đó, có tới 12,1% phối hợp 2 loại KS nhưng chỉ có 14,2% đã điều trị đủ 5 ngày. Tại gia đình, 60,1% số trẻ NKHHCT đã được gia đình đã tự dùng KS, 82,1% là KS trong phác đồ nhưng chỉ có 12,5% trường hợp dùng đủ 5 ngày, còn lại chỉ dùng từ 2 đến 3 ngày [17]. Cũng trong năm 2002, tại Ba Vì, 95% trẻ bị NKHHCT được điều trị bằng KS [107].
Năm 2004, giám sát viên của Chương trình Phòng chống NKHHCT Quốc gia đã quan sát và trao đổi với bà mẹ về cách dùng thuốc cho trẻ tại nhà sau khi được CBYT chỉ định dùng KS. Kết quả cho thấy 73,4% (127/173) dùng đủ số lần trong ngày, 83,2% biết đúng số ngày dùng thuốc [13].
Tại Hà Tây cũ năm 2005, khi cho trẻ bị NKHHCT dùng KS, rất nhiều bà mẹ dừng thuốc ngay khi thấy con mình hết triệu chứng ho và sốt. Chỉ có 12,5% các trường hợp bệnh được uống KS đủ 5 ngày [40].
1.2.2.4. Kiến thức, thực hành chăm sóc và tái khám cho trẻ
Trên thế giới
TCYTTG ước tính chăm sóc đúng cách và kịp thời sẽ làm giảm được 20% trường hợp tử vong do NKHHCT [132]. Nghiên cứu của Hoạt động Chăm sóc Lồng ghép Trẻ bệnh (IMCI) cho thấy trẻ được chăm sóc tại nhà sớm sẽ làm giảm 2/3 chi phí điều trị do bệnh. Tuy nhiên vẫn còn nhiều bà mẹ tại các nước đang phát triển và đặc biệt là ở nông thôn còn thiếu kỹ năng này.
Nghiên cứu tại Nepal, năm 2006, thấy rằng 56,8% bà mẹ chăm sóc kịp thời, 26,4% bà mẹ chăm sóc hợp lý. Tổng hợp lại chỉ có 11,3% bà mẹ có chăm sóc vừa hợp lý và vừa kịp thời [125].
Nghiên cứu ở Ethiopia cho thấy chỉ có 58,3% cho biết họ sẽ lau khô tai nếu trẻ bị chảy nước, mủ ở tai [110]. Trong nghiên cứu của Vasanthmala A. tại Malaysia, có tới 68% bà mẹ gốc Malaysia và 57% bà mẹ gốc Hoa kiêng không cho trẻ ăn rau và trái cây khi bị NKHHCT [131].
Tại Việt Nam
Những trường hợp trẻ NKHHCT điều trị ngoại trú, bà mẹ không những cần biết cách dùng thuốc mà còn phải biết chăm sóc tốt để cho trẻ chóng bình phục. Trong các biện pháp chăm sóc được hỏi trong nghiên cứu ”Đánh giá hoạt động tuyến cơ sở năm 2004” của Chương trình Phòng chống NKHHCT Quốc gia, cho ăn ngon hơn khi trẻ đang bị bệnh có số bà mẹ biết được cao nhất (67,4%), tiếp theo là giữ ấm cho trẻ về mùa đông và nằm nơi thoáng mát trong mùa hè (56,8%). Chỉ có 54,6% biết cho trẻ uống nhiều nước để bù lại lượng nước đã mất hoặc làm long đờm cho trẻ. Có 52,0% người biết dùng thuốc ho an toàn sẵn có (như quất hấp mật ong, hoa hồng bạch hấp đường phèn, húng chanh....). Làm thông thoáng mũi để cho trẻ dễ thở là biện pháp ít bà mẹ biết đến nhất (23,8%). Với những trẻ được kê đơn KS, chỉ có 68,8% số bà mẹ nhớ được lời dặn tái khám sau 2 ngày [13].
Nghiên cứu tại 2 huyện ở Hà Nội và Thái Bình, năm 2008, cho thấy chỉ có 50% trẻ ốm được bổ sung thêm dịch uống mặc dù đây là thực hành quan trọng phòng mất nước và chất khoáng giúp trẻ nhanh phục hồi [44].
Mặc dù bà mẹ có cho trẻ ăn số lượng nhiều hơn, họ lại cho kiêng rất nhiều loại thức ăn khi trẻ bị NKHHCT. Nghiên cứu định tính tại Ba Vì của Quan Lệ Nga cho thấy khi trẻ bị ho, sốt hầu hết các bà mẹ loại bỏ cá, tôm, cua và rau ra khỏi bữa ăn của trẻ. Việc này sẽ làm giảm sự đa dạng thành phần bữa ăn của trẻ [48].
1.2.3. Các yếu tố liên quan đến kiến thức, thực hành của bà mẹ
Kết quả hồi cứu tư liệu sẵn có cho thấy số lượng các nghiên cứu về các yếu tố có liên quan tới hoặc ảnh hưởng kiến thức, thực hành của bà mẹ không phải là nhiều. Trong số các tài liệu đó, phần lớn các yếu tố được xác định chủ yếu qua các nghiên cứu mô tả, do đó chỉ có thể xác định được đó là yếu tố liên quan. Thực tế chưa có những bằng chứng cụ thể hơn để đánh giá ảnh hưởng của những yếu tố này.
Một nghiên cứu tại 23 xã trong năm 1999 cho thấy trạm y tế là cơ sở y tế được nhiều bà mẹ lựa chọn để đưa trẻ đến khám (45,7%), sau đó đến thầy thuốc tư nhân (19,6%). Phân tích mối quan hệ giữa mức độ bệnh và việc lựa chọn dịch vụ y tế cho thấy: trẻ bệnh nhẹ thường đi khám tại cơ sở tư nhân và bệnh nặng đi khám tại cở sở công. Việc lựa chọn thầy thuốc tư khi bệnh không nặng thường là để tránh các thủ tục phức tạp. Thu nhập hộ gia đình cũng ảnh hưởng đến lựa chọn dịch vụ y tế. Những gia đình có thu nhập cao chủ yếu chọn bệnh viện còn gia đình nghèo thường lựa chọn trạm y tế [10].
Sự thuận tiện (29,0%) và gần nhà (27,1%) là những yếu tố quan trọng nhất trong việc lựa chọn cơ sở y tế; chất lượng tốt là yếu tố đứng thứ ba. Tuy nhiên, quan niệm của họ về chất lượng tốt chỉ là cơ sở có bác sĩ, chữa nhanh khỏi và không phải đi mua thuốc ở cơ sở khác [10].
Các kênh thông tin đại chúng ở nước ta tiếp tục là nguồn quan trọng cung cấp thông tin và kiến thức về NKHHCT cho các bà mẹ. Tuy nhiên, đối với nhiều phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ ở nông thôn, CBYT tuyến xã và hệ thống loa truyền thanh địa phương cũng đóng vai trò rất quan trọng. Trong nghiên cứu của Đinh Ngọc Sỹ có 40,6% bà mẹ biết về NKHHCT qua chương trình truyền hình, 31% từ CBYT tuyến xã và 8,9% từ loa truyền thanh xã [53].
Quan niệm sai lầm của người sử dụng về thuốc có liên quan đến việc sử dụng thuốc bất hợp lý. Nhiều bà mẹ tin rằng KS tiêm sẽ có tác dụng tốt hơn, mặc dù trên thực tế, khi tiêm bệnh nhân sẽ phải chịu nhiều yếu tố nguy cơ hơn so với dùng thuốc uống [43].
Một số yếu tố khác ảnh hưởng đến việc sử dụng KS theo Nguyễn Việt Cồ bao gồm: tự điều trị KS tại nhà vẫn thấy có hiệu quả tốt, chưa thấy tác dụng phụ trong khi sử dụng, quan niệm liều thấp an toàn hơn dùng liều cao, dùng lâu sợ có hại cho sức khỏe của trẻ... [17].
Một yếu tố khác cũng ảnh hưởng trực tiếp đến việc sử dụng thuốc an toàn hợp lý của bà mẹ là sự hướng dẫn của CBYT và người bán thuốc. Theo nghiên cứu của Đặng Minh Hằng, năm 2002, cho thấy đa số các bà mẹ chỉ dùng KS cho con bằng hoặc ít hơn 3 ngày vì không được tư vấn đầy đủ hoặc không được kê đơn dùng thuốc đủ số ngày cần thiết [38].
1.3. Thực trạng điều trị trẻ nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính của cán bộ y tế
1.3.1. Vai trò của cán bộ y tế tuyến cơ sở
Trong điều trị trẻ NKHHCT, tuyến xã được đánh giá là tuyến nòng cốt để triển khai các hoạt động vì là nơi thường tiếp xúc đầu tiên, gần nhất với cộng đồng. CBYT tuyến xã có nhiệm vụ đánh giá được các dấu hiệu bệnh, phân loại bệnh, quyết định điều trị và tư vấn chăm sóc trẻ NKHHCT [13].
Trạm y tế xã thường được người dân ưa thích vì lý do gần nhà và quen biết [53]. Tuy nhiên lý do làm cho trạm y tế xã không thu hút được nhiều bệnh nhân là trang thiết bị nhân lực không tốt bằng ở các tuyến trên. Ngoài ra, do không khám chữa bệnh ngoài giờ nên không đáp ứng được yếu tố thuận tiện như y tế tư nhân [45].
Từ tháng 9 năm 2005, khi Nghị định số 36/2005/NĐ-CP được ban hành, trong đó tại Điều 18 đã quy định trẻ em dưới 6 tuổi được khám chữa bệnh không phải trả tiền tại các cơ sở y tế công lập, số lượng trẻ đến các cơ sở y tế nhà nước có chiều hướng gia tăng trở lại. Trong nghiên cứu của Đinh Ngọc Sỹ và cộng sự năm 2008, trạm y tế xã là cơ sở y tế bà mẹ lựa chọn nhiều nhất (63,4%) để đưa trẻ NKHHCT đến điều trị [53].
Tại nông thôn, y tế tư nhân tuy thiếu trang thiết bị và cán bộ trình độ còn hạn chế nhưng lại có ưu điểm là thái độ phục vụ tốt, sẵn sàng cung ứng dịch vụ ngoài giờ hành chính, thậm chí có nơi chấp nhận cho bệnh nhân nợ tiền hoặc trả bằng hiện vật nên cũng được khá nhiều hộ gia đình ở nông thôn lựa chọn [45]. Theo nghiên cứu của Đinh Ngọc Sỹ, y tế tư nhân là lựa chọn thứ hai của người dân (20,7%) để điều trị trẻ NKHHCT [53].
1.3.2. Thực trạng điều trị trẻ nhiễm khuẩn hô hấp cấp của cán bộ y tế
1.3.2.1. Thăm khám, phân loại bệnh
Trên thế giới
Hỏi tiền sử để phát hiện bệnh thường không được thực hiện đầy đủ. Nghiên cứu của Iqbal, Pervez tại Multan năm 1997 cho thấy bác sĩ hiếm khi tìm kiếm dấu hiệu bệnh rất nặng trong khi thăm khám bệnh nhân [100].
Các dấu hiệu chỉ báo bệnh NKHHCT đều dễ nhận biết được ngay bằng quan sát hoặc những thăm khám thông thường [101], [134]. Một đánh giá tại Mexico năm 1999 cho thấy kỹ năng thăm khám trẻ NKHHCT còn nhiều thiếu sót, đặc biệt là ở nhóm người khám chữa bệnh tư nhân. Tỷ lệ CBYT ở cơ sở công thực hiện đếm nhịp thở là 70,0% và 42,5% kiểm tra dấu hiệu RLLN. Tỷ lệ người khám bệnh tư có thực hiện các kỹ thuật này là 45,8% và 28,8% [75].