Đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự Việt Nam - 12

tụng của chủ hộ gia đình (ví dụ trong vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất của hộ gia đình) mà không có sự đồng ý của tất cả thành viên từ 15 tuổi trở lên.

Ngoài ra, một số quy định khác còn cho thấy sự không thống nhất, đồng bộ giữa các quy định pháp luật. Nghị định 88/2006/NĐ-CP về đăng ký kinh doanh quy định đại diện hộ gia đình thực hiện đăng ký hộ kinh doanh cho hộ gia đình. Hồ sơ đăng ký kinh doanh cũng không yêu cầu có đầy đủ chứng minh nhân dân của các thành viên khác, tức là cũng không tạo ra cơ sở để xác định thành viên hộ gia đình, có thể suy đoán là đại diện hộ gia đình được coi là có toàn quyền xác lập giao dịch đại diện cho cả hộ. Khi có tranh chấp xảy ra liên quan đến việc kinh doanh, làm ăn của hộ gia đình, hành vi của người đại diện theo ủy quyền của hộ gia đình (nếu có, do chủ hộ làm văn bản ủy quyền) thì có làm phát sinh quyền và nghĩa vụ đối với tất cả các thành viên khác của hộ gia đình đó hay không ?

Kiến nghị của tác giả đưa ra trong trường hợp này là: Nếu vẫn duy trì hộ gia đình với tư cách là chủ thể trong các giao dịch dân sự cũng như trong tố tụng dân sự, thì cần có hướng dẫn cụ thể về tư cách tham gia tố tụng, về quyền và nghĩa vụ tố tụng của hộ gia đình, của các thành viên từ trên 15 tuổi của hộ gia đình.

3.2.1.9. Sửa đổi quy định tại khoản 3 Điều 189 BLTTDS đã được sửa đổi, bổ sung năm 2011

Theo quy định tại khoản 3 Điều 189 BLTTDS đã được sửa đổi, bổ sung năm 2011, Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án trong trường hợp chấm dứt đại diện hợp pháp của đương sự mà chưa có người thay thế. Trong thực tế thì quy định này chỉ đúng nếu đó là trường hợp chấm dứt đại diện theo pháp luật, còn nếu chấm dứt đại diện theo ủy quyền thì Tòa án vẫn tiếp tục giải quyết, không cần phải ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án nếu không có yêu cầu. Đại diện theo ủy quyền không phải là trường hợp bắt

buộc phải có người đại diện, mà là đại diện dựa trên sự tự nguyện, tự do định đoạt, tự do thỏa thuận của bên ủy quyền và bên đại diện theo ủy quyền. Nếu chấm dứt đại diện theo ủy quyền thì đương sự hoặc người thừa kế của đương sự tiếp tục trực tiếp tham gia tố tụng hoặc ủy quyền cho người khác đại diện tham gia tố tụng. Khoản 2 Điều 78 BLTTDS quy định: “Trong trường hợp chấm dứt đại diện theo ủy quyền thì đương sự hoặc người thừa kế của đương sự trực tiếp tham gia tố tụng hoặc ủy quyền cho người khác đại diện tham gia tố tụng theo thủ tục do Bộ luật này quy định”. Tòa án chỉ ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án, nếu sau khi chấm dứt đại diện theo ủy quyền mà đương sự thấy rằng mình không thể trực tiếp tham gia tố tụng, đồng thời có văn bản yêu cầu Tòa án tạm đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại điểm x khoản 2 Điều 58 BLTTDS đã được sửa đổi, bổ sung năm 2011. Đương sự có thể lợi dụng quy định tại khoản 3 Điều 189 BLTTDS này để cố tình kéo dài thời hạn giải quyết vụ án, bằng cách ủy quyền cho người khác đại diện tham gia tố tụng, sau đó “thỏa thuận ngầm” để chấm dứt việc đại diện theo ủy quyền, rồi lại ủy quyền – chấm dứt đại diện theo ủy quyền nhiều lần như vậy.

Vì vậy tác giả kiến nghị tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi khoản 3 Điều 189 BLTTDS đã được sửa đổi, bổ sung năm 2011 như sau:

Điều 189. Tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự 1........................................................................

3. Chấm dứt đại diện theo pháp luật của đương sự mà chưa có người thay thế”.

3.2.2. Kiến nghị về thi hành pháp luật

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 110 trang tài liệu này.

3.2.2.1. Cần có hướng dẫn thống nhất về việc thụ lý vụ án

Hiện nay, ở một số Tòa án tại địa phương nơi tác giả luận văn đang công tác như TAND tỉnh Thừa Thiên Huế, TAND TP.Huế, TAND thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế v.v... yêu cầu người khởi kiện phải đi xác

Đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự Việt Nam - 12

minh địa chỉ của bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan tại địa phương nơi họ sinh sống thì mới chịu thụ lý vụ án. Điều này gây bức xúc và khó khăn cho người dân rất nhiều, bản thân tác giả là luật sư khi làm người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn cũng gặp không ít khó khăn khi xác minh địa chỉ của bị đơn và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Các cơ quan có thẩm quyền cũng thường làm khó dễ (lý do đưa ra thì rất nhiều, chẳng hạn người đại diện theo ủy quyền không sinh sống, không có hộ khẩu tại địa phương nơi xác minh thì không có quyền đề nghị Công an xác minh địa chỉ cư trú, hộ khẩu của người khác). Lý do mà Tòa án đưa ra là mặc dù anh có hộ khẩu tại địa phương nhưng chưa chắc anh đã có mặt tại địa phương đó, nếu Tòa án thụ lý vụ án nhưng sau này triệu tập bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không được thì sao.

Đã có nhiều ý kiến cho rằng, tinh thần của nền tư pháp dân chủ là Tòa án phải thụ lý giải quyết tất cả các yêu cầu của công dân, không nên cứ đùn đẩy mọi khó khăn ban đầu cho người dân như vậy. Mặc dù TANDTC đã có hướng dẫn tại Phần I mục 8.7 Nghị quyết số 02/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 “Nếu người khởi kiện không biết hoặc ghi không đúng địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để ghi trong đơn khởi kiện thì họ phải thực hiện việc thông báo tìm tin tức, địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”, nhưng đây là hướng dẫn trong trường hợp người khởi kiện không biết hoặc ghi không đúng địa chỉ bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan mà thôi, nó khác hoàn toàn với trường hợp ghi đúng địa chỉ bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan (có chứng cứ khác chứng minh, ví dụ Biên bản hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND xã, phường có ghi địa chỉ những người này theo đúng như trong đơn khởi kiện).

Kiến nghị của tác giả trong trường hợp này là, TANDTC cần sớm có văn bản chấn chỉnh, hướng dẫn vấn đề này để bảo đảm việc áp dụng pháp luật

được thống nhất trong cả nước, tránh trường hợp tùy tiện mỗi nơi làm mỗi kiểu như hiện nay.

3.2.2.2. Trừ trường hợp có ủy quyền riêng biệt hay ủy quyền đại diện chung, cần xem các trường hợp đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự mà văn bản ủy quyền không được công chứng, chứng thực là vi phạm về mặt hình thức

Khi ủy quyền tham gia tố tụng, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân chỉ cần ký tên và đóng dấu của pháp nhân mình vào văn bản ủy quyền, không cần phải qua công chứng, chứng thực. Điều này vừa không đúng quy định pháp luật, vừa vi phạm nguyên tắc bình đẳng của các đương sự. Tại sao việc đại diện theo ủy quyền của đương sự là cá nhân thì cần phải công chứng, chứng thực văn bản ủy quyền, nhưng nếu đương sự là pháp nhân khi ủy quyền tham gia tố tụng không cần phải qua thủ tục này nhưng vẫn được Tòa án chấp nhận. Do đó tác giả kiến nghị TANDTC cần có hướng dẫn thống nhất cho các Tòa án, không chấp nhận các trường hợp đại diện theo ủy quyền tham gia tố tụng nhưng văn bản ủy quyền không được công chứng, chứng thực (trừ trường hợp có ủy quyền riêng biệt hay ủy quyền đại diện chung của một số pháp nhân, cơ quan nhà nước. Có như thế mới bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giữa các đương sự là cá nhân và pháp nhân về vấn đề đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự nói riêng và trong tố tụng dân sự nói chung.

Kết luận chương 3

Việc thực hiện các quy định của BLTTDS về đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự đã góp phần bảo đảm quyền tham gia tố tụng dân sự, quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự. Qua hơn 6 năm thi hành BLTTDS 2004 và các văn bản hướng dẫn, việc thực hiện các quy định về đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự đã giúp cho người dân tiếp cận với công lý nhiều hơn, ngày càng thấy rõ hơn mình có nhiều phương tiện, công cụ pháp lý hỗ trợ để bảo vệ quyền lợi hợp pháp.

Tuy nhiên, việc thực hiện các quy định này trong thực tiễn cũng cho thấy còn tồn tại nhiều khó khăn, bất cập xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau: Về mặt lập pháp, đó là do có những quy định còn mâu thuẫn, chưa phù hợp thực tế cuộc sống; về mặt thi hành pháp luật thì do có những cách hiểu và vận dụng khác nhau của các cơ quan tiến hành tố tụng, của những người tiến hành tố tụng và của cả những người tham gia tố tụng. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật TTDS năm 2011 đã phần nào khắc phục những hạn chế này, tuy nhiên những bất cập, vướng mắc vẫn còn tồn tại.

Chương 3 luận văn đã đi sâu phân tích thực tiễn thực hiện các quy định pháp luật về đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự, tìm hiểu những vướng mắc và nguyên nhân của nó, từ đó mạnh dạn đưa ra những kiến nghị hoàn thiện hơn về mặt lập pháp cũng như về mặt thi hành pháp luật trong thực tiễn.

KẾT LUẬN


Cùng với sự hội nhập và phát triển của đời sống kinh tế, các tranh chấp trong xã hội ngày càng nhiều và đa dạng, người dân ngày càng am hiểu pháp luật và có thêm nhiều cơ chế pháp lý hỗ trợ để giải quyết các tranh chấp, yêu cầu đó. BLTTDS ra đời năm 2004 được sửa đổi, bổ sung năm 2011 là công cụ, phương tiện quan trọng để đáp ứng ngày một tốt hơn, hiệu quả hơn yêu cầu bảo vệ công lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân trong bối cảnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế. Mặc dù không được xây dựng như là một chế định riêng biệt, các quy định về đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự nằm rải rác ở các điều, chương khác nhau của Bộ luật TTDS 2004, song nó cũng thể hiện được một trong những nguyên tắc xuyên suốt, quan trọng nhất của tố tụng dân sự là nguyên tắc bình đẳng, bảo đảm quyền tự quyết định và định đoạt của đương sự.

Với mục đích nghiên cứu ban đầu, Chương I của luận văn đã tập trung xây dựng khái niệm cơ bản về đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự, đặc điểm và ý nghĩa của đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự, phân tích các cơ sở khoa học cuả việc xây dựng các quy định về đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự. Đồng thời nghiên cứu sơ lược lịch sử phát triển các quy định về đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự Việt nam để có thể triển khai đề tài sâu sắc hơn, so sánh với các quy định hiện hành về đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự để tìm ra những quy định nào phù hợp, chưa phù hợp, làm cơ sở cho việc nghiên cứu ở các chương tiếp theo.

Trên cơ sở nghiên cứu lý luận, Chương II của luận văn đã đi sâu phân tích nội dung những quy định của pháp luật hiện hành về đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự, các khía cạnh pháp lý của đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự, thông qua thực tiễn để chứng minh tính đã hoàn thiện, phù hợp với cuộc sống hay chưa của các quy định pháp luật về vấn đề này.

Từ đánh giá thực tiễn thực hiện các quy định về đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự, Chương III luận văn đã nêu ra những vướng mắc, bất cập và đưa ra những kiến nghị hoàn thiện, bảo đảm thực hiện các quy định pháp luật về đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự.

Với một số kinh nghiệm và kiến thức còn hạn hẹp nhưng luận văn cũng đã cố gắng nghiên cứu một số vấn đề pháp lý về đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự. Trong quá trình nghiên cứu, với sự giúp đỡ tận tình của thầy giáo hướng dẫn, bản thân tác giả đã thu nhận nhiều hơn những kiến thức bổ ích, hiểu sâu hơn bản chất của vấn đề mình nghiên cứu, và đó là thành công lớn mà tác giả nhận thức được ./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO


1. Nguyễn Công Bình (2010), Giáo trình luật tố tụng dân sự Việt Nam, NXB CAND, Hà Nội.

2. Chính phủ (2000), Nghị định 75/2000/NĐ-CP ngày 08/12/2000 của Chính phủ về công chứng, chứng thực, Hà Nội.

3. Nguyễn Văn Cường (2010), “Một số vướng mắc trong quá trình thực hiện Bộ luật tố tụng dân sự - Những kiến nghị, giải pháp hoàn thiện”, Tạp chí Tòa án nhân dân, (02), tr.1.

4. Nguyễn Thị Hạnh (2010), “Một số vấn đề về người đại diện theo ủy quyền và đại diện do Tòa án chỉ định trong tố tụng dân sự”, Tạp chí nghề luật, (06), tr.37, 38.

5. Nguyễn Minh Hằng (2005), “Đại diện theo ủy quyền - Từ pháp luật nội dung đến tố tụng dân sự”, Tạp chí nghiên cứu lập pháp, 52 (5), tr.57, 59.

6. Vũ Thị Hòa (2007), “Một số vấn đề cần lưu ý khi xem xét việc ủy quyền tham gia tố tụng”, Tạp chí Tòa án nhân dân, (10), tr. 35, 36.

7. Hội đồng Nhà nước (1989), Pháp lệnh của Hội đồng Nhà nước số 27-LCT/HĐNN8 ngày 07/12/1989 về thủ tục giải quyết các vụ án dân sự, Hà Nội.

8. Bùi Ngọc Hồng (2010), “Về ủy quyền và ủy quyền lại của pháp nhân”,

Báo Doanh nhân & Pháp luật, (54).

9. Phan Vũ Linh, “Một số vấn đề bàn về trường hợp ủy quyền tham gia tố tụng trong các vụ án dân sự”, http://toaan.gov.vn/portal/page/ portal/tandtc/Baiviet?p_page_id=1754190&p_cateid=1751909&ar ticle_details=1&item_id=16059585

10. Tưởng Duy Lượng (2007), “Một vài suy nghĩ về đại diện trong tố tụng dân sự”, Tạp chí khoa học pháp lý, (1), tr. 38.

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 25/10/2023