Giọng Trữ Tình Chính Luận Trong Thơ Nguyễn Khoa Điềm


Ở Việt Nam, có thể tìm thấy những quan niệm, định nghĩa về phong cách trong các từ điển văn học, các chuyên luận và nhiều bài viết, công trình nghiên cứu khác.

Theo Từ điển tiếng Việt:

“Phong cách là những đặc điểm có tính chất hệ thống về tư tưởng nghệ thuật, biểu hiện trong sáng tác của một nghệ sĩ hay trong các sáng tác nói chung thuộc cùng một thể loại (nói tổng quát). Phong cách của một nhà văn, Phong cách văn học nghệ thuật” [43].

Trong cuốn 150 thuật ngữ văn học có định nghĩa:

Phong cách trong văn học là “những nét chung, tương đối bền vững của hệ thống hình tượng, của các phương thức biểu hiện nghệ thuật, tiêu biểu cho bản sắc sáng tạo của một nhà văn, một tác phẩm, một khuynh hướng văn học, một nền văn học dân tộc nào đó”.[1,41]. Trong đó, tác giả nhấn mạnh đến đặc trưng của phong cách như là “ chỉnh thể thẩm mỹ của hình thức có tính nội dung, là sự thống nhất hệ thống của những nguyên tắc thẩm mỹ chung và những thành tố hình thức hoặc mang tải phong cách”.

Sách Từ điển thuật ngữ văn học định nghĩa:

“Phong cách nghệ thuật là một phạm trù thẩm mỹ, chỉ sự thống nhất tương đối ổn định của hệ thống hình tượng, của các phương tiện biểu hiện nghệ thuật, nói lên cái nhìn độc đáo trong sáng tác của một nhà văn, trong tác phẩm riêng lẻ, trong trào lưu văn học hay văn học dân tộc... Trong nghĩa rộng, phong cách là nguyên tắc xuyên suốt trong việc xây dựng hình thức nghệ thuật, đem lại cho tác phẩm một tính chỉnh thể có thể cảm nhận được, một giọng điệu và một sắc thái thống nhất”[19 ]. Các tác giả nhấn mạnh: “Không phải bất kỳ nhà văn nào cũng có phong cách. Chỉ những nhà văn có tài năng, có bản lĩnh mới có được phong cách riêng độc đáo”.


Trong Từ điển văn học (bộ mới), phong cách được hiểu là:

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 112 trang tài liệu này.

“Khái niệm chỉ những nét chung, tương đối bền vững của hệ thống hình tượng, của các phương thức biểu hiện nghệ thuật, tiêu biểu cho bản sắc sáng tạo của một nhà văn, một tác phẩm, một khuynh hướng văn học dân tộc nào đó [29 ].

Khi bàn về khái niệm phong cách, nhà nghiên cứu Trần Đình Sử phân biệt hai cách hiểu: theo cách hiểu truyền thống thì phong cách là biểu hiện đặc trưng cho tính độc đáo của sáng tạo nghệ thuật, theo cách hiểu hiện đại thì phong cách là cấu trúc của hình thức. Đây cũng là quan điểm của Phan Ngọc:

Đặc sắc thơ Nguyễn Khoa Điềm - 11

“Phong cách là một cấu trúc hữu cơ của tất cả các kiểu lựa chọn tiêu biểu, hình thành một cách lịch sử và chứa đựng một giá trị lịch sử có thể cho phép ta nhận diện một thời đại, một thể loại, một tác phẩm hay một tác giả”[28,34 ].

Phong cách thời đại là khái niệm dùng để chỉ một phong cách chung bao trùm lên mọi thể loại, mọi loại hình nghệ thuật của một thời đại.

Phong cách thời đại do tư tưởng, ý thức nghệ thuật của thời đại quy định. Phong cách thời đại có thể bao trùm lên nhiều quốc gia, nhiều lãnh thổ và có ảnh hưởng sâu rộng trên nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau. Ví dụ, phong cách nghệ thuật thời Phục Hưng được thể hiện trên nhiều lĩnh vực: điêu khắc,âm nhạc, hội họa…

Muốn xác định được đâu là phong cách chung của một thời đại cần căn cứ vào quan điểm nghệ thuật, tư duy nghệ thuật của một thời đại, rộng hơn là những quan niệm nghệ thuật về xã hội, con người,…,sự lặp lại về chủ đề, mô típ, cảm hứng sang tạo,cách xử lí chất liệu…

Mỗi thời đại có một đặc điểm riêng, in dấu rò đặc trưng văn hóa xã hội tinh thần thời đại ấy. Văn học phản ánh tinh thần cơ bản nhất của thời đại, mang phong cách chung của thời đại, gắn liền với truyền thống văn chương


của mỗi nền văn học. Văn học Trung đại nồng nàn lòng yêu nước và tinh thần quyết chiến quyết thắng của nhân dân ta trong cuộc đấu tranh chống ngoại xâm. Đó là sự kết tinh ý chí của cả thời đại ấy. Hoặc trong văn học hiện đại, chúng ta dễ nhận ra phong cách chung của thơ chống Pháp, nó thể hiện sự gắn bó với cuộc sống kháng chiến và niềm vui của đời sống kháng chiến.

Đến thơ thời kì kháng chiến chống Mỹ, toàn bộ tinh thần thời đại là chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Tính trữ tình – sử thi là phong cách nổi bật của thơ chống Mỹ. Dường như mỗi nhà thơ thời kì này đều thể hiện tính thời đại ấy. Tố Hữu, Chế Lan Viên, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Khoa Điềm, Thanh Thảo, Nguyễn Đức Mậu… là những phong cách cá nhân tiêu biểu làm nên phong cách thời đại mình.

3.1.2. Phong cách sáng tạo của nhà thơ.

Trong các cấp độ phong cách, phong cách tác giả là phạm trù được thừa nhận phổ biến và cũng được áp dụng rộng rãi nhất. Các quan điểm văn học xưa nay (Văn là người, phong cách là con người...) đều lấy phong cách tác giả làm yếu tố trung tâm để xem xét.

Theo Khrápchencô, cá tính sáng tạo đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành phong cách cá nhân. Trong những năm đầu thế kỷ XX, một số nhà lý luận văn học còn đồng nhất hai khái niệm phong cách cá nhân và cá tính sáng tạo, do đó phủ nhận sự tồn tại của phong cách tác giả. Vonflin, Handenstein, ngay cả A.N.Xôcôlôp và G.N. Pôxpêlôp cũng cho rằng phong cách cá nhân chỉ là nững yếu tố cá biệt, ít có ý nghĩa xã hội. Nếu một tác giả có thể có nhiều phong cách thì không thể coi phong cách cá nhân là một cấp độ quan trọng của phong cách văn học. Tuy nhiên, đó chỉ là một vài ý kiến cá biệt. Nếu như không thể không tính đến phong cách tác phẩm với ý nghĩa là yếu tố trung tâm của phong cách học thì cũng không thể bỏ qua phong cách cá nhân với ý nghĩa là biểu hiện cụ thể của phong cách trào lưu, phong cách thời đại... Thật khó có thể nói đến một thời đại văn chương nếu như thời đại đó không sản sinh ra những cá nhân xuất sắc.


Không nên đồng nhất hai khái niệm phong cách và cá tính sáng tạo. Mỗi nhà văn khi sáng tác ít nhiều đều có cá tính sáng tạo, tức có đặc điểm riêng về sáng tác nhưng không phải cá tính nào cũng trở thành phong cách. Người ta chỉ đề cập đến phong cách sáng tác của những nhà văn ưu tú, trong tác phẩm có những điểm độc đáo, riêng biệt, có giá trị thẩm mĩ cao và nhất quán trong cả quá trình sáng tạo của nhà văn.

Phong cách nhà thơ là một quá trình vận động, phát triển không ngừng qua mỗi giai đoạn sáng tác. Mặc dù vậy, cái riêng cái độc đáo có giá trị mang tính thẩm mĩ - cốt lòi của phong cách, dù ở điều kiện hoàn cảnh nào cũng ổn định, thống nhất. Nó phải được “ lặp đi lặp lại” một cách có hệ thống và luôn bị chi phối bởi cái nhìn độc đáo của nhà văn. Chúng thường xuyên ở thế vận động, phát triển và chịu ảnh hưởng của thế giới quan, môi trường xã hội và xu thế chung của thời đại. Nhưng dù ở môi trường nào, xu thế xã hội nào thì yếu tố thường xuyên được “ lặp đi lặp lại” ấy vẫn xuất hiện cho dù chúng ở thế lộ thiên hay dưới mạch ngầm.

Từ những nhận thức lí luận chung về phong cách tác giả, chúng tôi muốn liên hệ đến những nét cơ bản trong phong cách thơ Nguyễn Khoa Điềm:

Sự thống nhất độc đáo của phong cách thơ Nguyễn Khoa Điềm nằm ở cảm hứng hiện thực thời đại, ở những chủ đề quen thuộc, ở phương diện thể hiện cái tôi trữ tình phong phú đa dạng, với lớp ngôn từ, hình ảnh cảm xúc ẩn sau bề mặt câu chữ một cảm quan lịch sử văn hoá sâu sắc độc đáo.

Nghiên cứu phong cách nhà thơ và phong cách thơ Nguyễn Khoa Điềm nói riêng, luận văn chú ý đến cảm hứng thời đại, thời kì chống Mỹ cứu nước. Đó là cảm hứng lớn về đất nước và nhân dân anh hùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Đồng thời, như một nhiệm vụ trọng tâm, người nghiên cứu cần tập trung khảo sát những dấu hiệu phong cách cá nhân đó là những chủ đề quen thuộc, cách cảm nhận riêng đối với hiện thực, đặc trưng của cách diễn đạt thông qua thế giới hình tượng.


Thơ ca cách mạng bao giờ cũng thống nhất về tư tưởng xã hội. Dù viết về bất cứ chủ đề nào, riêng hay chung đều thể hiện một lí tưởng duy nhất: yêu nước và căm thù giặc. Nằm trong dòng cảm hứng chủ đạo này, tiếng nói nội tâm trong thơ Nguyễn Khoa Điềm vẫn bộc lộ những nét mới mẻ. Trong thơ Nguyễn Khoa Điềm, yêu nước không đơn giản chỉ là nhiệt tình hăng hái chiến đấu và căm thù giặc sâu sắc. Với Nguyễn Khoa Điềm, tình yêu đất nước làm sống dậy trong trang thơ lịch sử bốn ngàn năm hào hùng của dân tộc với những chiến công dựng nước và giữ nước của cha ông. Đất nước trong thơ Nguyễn Khoa Điềm là sự đồng hiện của những gì gần gũi nhất, thân thương nhất của mỗi con người Việt Nam trong quá khứ, hiện tại và tương lai, trong thời gian và không gian, trong lịch sử và truyền thống văn hoá... Ở Nguyễn Khoa Điềm, lòng yêu nước là hồn Việt thấm đượm trong tâm hồn để từ đó đúc kết một chân lý vững vàng: Đất Nước của nhân dân. Tư tưởng Đất Nước của nhân dân đã chi phối hầu hết các sáng tác của Nguyễn Khoa Điềm. Vì vậy, tiếng thơ nguyễn Khoa Điềm không chỉ nói lên những suy nghĩ cảm nhận của tuổi trẻ trong chiến tranh, về sự lạc quan hay cái nhìn nghiêm túc thành thật, thậm chí trần trụi về những gì mất mát... mà còn bộc lộ những suy nghĩ hiện thực sâu sắc hơn rất nhiều. Thơ Nguyễn Khoa Điềm thể hiện lòng yêu nước qua việc tranh luận về tuổi trẻ, về nhân sinh quan để dựng lại cả quá trình “ tìm đường ” và “ nhận đường” của tuổi trẻ đô thị miền Nam về với con đường cách mạng của dân tộc, nhân dân.

Tài năng và cá tính sáng tạo của Nguyễn Khoa Điềm còn bộc lộ trong những phương diện nghệ thuật: đó là thi pháp biểu hiện mang phong cách riêng, từ giọng điệu trữ tình giàu chất chính luận, đến việc xây dựng chất liệu thơ giàu hiện thực, chất liệu văn hoá và giàu tính liên tưởng..., từ việc sử dụng những tín hiệu thẩm mĩ vừa truyền thống vừa hiện đại đến việc sử dụng linh hoạt thể thơ tự do với những cung bậc khác nhau của cảm xúc với vốn từ ngữ giàu có vừa dân dã vừa mang tính văn hoá thời đại.


3.2. Giọng trữ tình chính luận trong thơ Nguyễn Khoa Điềm

Một đặc điểm nổi bật của thơ chống Mỹ là tăng cường tính chính luận, chất suy tưởng triết lý và gia tăng chất liệu hiện thực đời sống. Với đặc điểm này, thơ chống Mỹ đã đáp ứng được yêu cầu của thời đại.

“Trong thời đại cách mạng, nội dung chính trị đã thâm nhập và chi phối mạnh mẽ mọi lĩnh vực của đời sống kể cả thơ. Nhằm đề cập và giải đáp những vấn đề mang ý nghĩa chính trị trong cuộc sống, thơ tìm đến khuynh hướng trữ tình chính trị với sự tăng cường yếu tố chính luận. Bám sát thời sự diễn biến của cuộc chiến đấu, kịp thời đề cập và giải đáp những vấn đề hệ trọng về tư tưởng chính trị, khẳng định đường lối và quyết tâm chiếm đấu của dân tộc, lên án kẻ thù trong những âm mưu thủ đoạn và tội ác của chúng...”. [25 ].

Trong số các nhà thơ thế hệ chống Mỹ, Nguyễn Khoa Điềm là người rất thành công với giọng thơ trữ tình chính luận. Khởi nguồn từ những suy nghĩ nung nấu về những vấn đề lớn lao của thời đại, tư duy thơ Nguyễn Khoa Điềm vận động theo mạch lô gíc của quy luật đời sống tất yếu nhằm khẳng định những chân lý lớn lao của thời đại. Đặc điểm này chi phối giọng điệu lập luận và cấu trúc tầng lớp, chương đoạn của thơ Nguyễn khoa Điềm

Trường ca Mặt đường khát vọng (1971) là tiếng vọng tâm tình của một hồn thơ hoà cùng mạch cảm xúc của dân tộc đứng trước dòng thác lũ thời đại. Với chủ đề: Sự thức tỉnh của tuổi trẻ đô thị vùng tạm chiếm miền Nam về non sông đất nước, về sứ mệnh của thế hệ mình, xuống đường đấu tranh hoà nhịp với cuộc chiến đấu chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Chủ đề lớn này bao trùm toàn bộ tác phẩm được Nguyễn Khoa Điềm triển khai thành 9 chương với những chủ đề nhỏ: Lời chào, Báo động, Giặc Mỹ, Tuổi trẻ không yên, Đất Nước, Áo trắng và mặt đường,Xuống đường, Khoảng lớn âm vang, Báo bão. Thế liên hoàn này là tất yếu để chuyển tải


một dung lượng lớn của cảm xúc suy nghĩ đang dâng trào. Trong tâm hồn nhà thơ, hình tượng cảm xúc dâng lên tầng tầng , lớp lớp gối nhau như những đợt sóng xô: từ nhận thức về sự trưởng thành của tuổi trẻ, những băn khoăn trăn trở trong việc lựa chọn một hướng đi, lòng căm thù giặc và lòng tự hào về giang sơn đất nước, để đến với hành động đứng lên chiến đấu chống kẻ thù. Dòng cảm xúc cuồn cuộn này đòi hỏi những liên tưởng, những suy nghĩ, nghị luận để biện luận, để phản bác rồi tìm ra thái độ đúng, tin yêu và có trách nhiệm với cuộc đời. Để lí tưởng tiến bộ thấm vào những tâm hồn tuổi trẻ, Nguyễn Khoa Điềm đã đưa vào thơ một cuộc đối thoại thảo ngay. Giọng thơ chuyển hoá với những lập luận hệ thống , lôgíc, thuyết phục để cảnh tỉnh những tâm hồn lầm đường lạc lối trở về với nhân dân, đất nước.

Chính vì vậy, Mặt đường khát vọng không phải là một tác phẩm tuyên truyền chính trị mà nhà thơ đã hoá thân vào tuổi trẻ, đối thoại với tuổi trẻ bằng sự chân tình của lời tâm giao. Âm hưởng của trường ca là chính luận - trữ tình, từ hình tượng lớn đến hình tượng bộ phận đều thấm nhuần lí lẽ và chính lí lẽ đã kết nối các hình tượng với nhau thành một chỉnh thể. Mặt đường khát vọng là trường ca tiêu biểu cho hiện tượng này. Nhập vai tuổi trẻ thành thị miền Nam, cái tôi trữ tình cất lên giọng cật vấn đối thoại dồn dập:

- Những bờ bãi nào không dành cho cò nữa Những luỹ tre nào bom đã đến khai quang?

- Có gì đâu chúng con nhìn lên bản đồ Việt Nam Sao Tổ quốc chỉ còn nửa nước?

- Sao con học để làm bầy nô lệ

Súng Mỹ hôm nay thành giáo cụ học đường?

Giọng thơ Nguyễn Khoa Điềm đặc sắc còn nhờ những suy tưởng. Bởi vậy khi xây dựng hình tượng đất nước, thơ Nguyễn Khoa Điềm mang giọng chính luận trang trọng và hùng tráng:


Ôi Đất Nước đầu mũi dao Đất Nước đầu mũi tên Đất Nước đầu bước chân

Đất Nước đầu tiếng chiêng Đất Nước là ngọn lửa

Đất Nước tràn lên từng đỉnh núi Đất Nước thiêng liêng...

Sự láy lại và tăng cường điệp từ Đất Nước, cùng với kết cấu thơ dài ngắn làm giọng thơ chất chứa cảm xúc, vừa dồn nén, vừa đồng vọng đánh thức trí tuệ và giục giã tâm hồn người đọc.

Hướng về cuộc kháng chiến của toàn dân tộc, thơ không thể thiếu giọng kêu gọi, cổ vũ ngợi ca, Là tiếng nói tình cảm trực tiếp hướng tới đông dảo quần chúng, là bài ca đoàn kết giục giã đấu tranh, giọng thơ Nguyễn khoa Điềm kêu gọi tha thiết:

- Hỡi tuổi trẻ như một rừng cây lớn

- Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình

- Em ơi em hãy nhìn rất xa vào bốn nghìn năm Đất Nước

- Mẹ Việt nam ơi

- Tuổi trẻ ơi trong sương gió tháng năm

- Anh em ơi xuống đường

Em ơi em, đừng quên, đừng quên

Nguyễn Khoa Điềm có một trí tuệ sắc sảo, vốn kiến thức sách vở phong phú, sự trải nghiệm qua thử thách chiến tranh và một “ tâm hồn thơ trẻ nồng cháy chất lý tưởng”. Với phẩm chất này, giọng điệu trữ tình - chính luận của thơ Nguyễn Khoa Điềm không gượng ép, lên gân,... mà chan hoà đằm thắm trong hình ảnh và ngôn ngữ thơ giàu cảm xúc, nhiệt huyết và ánh sáng lý tưởng. Thơ Nguyễn Khoa Điềm đằm sâu và ngân vang trong lòng người đọc là vì thế.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 04/08/2022