Trân Trọng Những Khát Vọng Tự Do Trong Tình Yêu Của Con Người Miền Núi


người ở cho gia đình Khút, phải chịu bao cực khổ, vừa bị bóc lột sức lao động lại bị mắng chửi, đánh đập thường xuyên nhưng Sáy vẫn luôn làm tròn phận sự của mình. Nổi bật lên ở Sáy là nghị lực vươn lên trong cuộc sống, là đức hi sinh. Vì thương bố, Sáy đã chấp nhận bán mình đi làm con ở. Sống trong nhà Khút, chịu bao cực khổ, chẳng biết tương lai ra sao nhưng Sáy vẫn chỉ đau đáu lo lắng cho cha, gắng sức làm việc chăm chỉ vì cha. Khi Thàng đi bộ đội, Sáy ở lại nuôi con chờ Thàng trở về. Biết rằng mình khó có thể cho con một cuộc sống bình thường như bao đứa trẻ khác, Sáy đã chấp nhận hi sinh để đem con cho người khác, để con có được cuộc sống no đủ, có cả cha lẫn mẹ để người đời không chê cười khi nó lớn lên. Phải cho đi đứa con, Sáy khổ đau tưởng chừng như không sống nổi. Sau này khi con đã trưởng thành, đức hi sinh lại khiến Sáy chỉ lặng lẽ quan tâm và sẻ chia tất cả với người con của mình.

Có thể thấy tiếng nói ngợi ca của nhà văn Ma Trường Nguyên đối với đức hi sinh của con người ở nhiều nhân vật trong sáng tác của ông. Để làm vừa lòng bố mẹ, Ngần trong Mùa hoa hải đường đã hi sinh tình yêu của mình. Vì muốn con trai mình được sống trong một gia đình hoàn chỉnh, Ngần cố cam chịu sống với một người chồng không ra gì, một người chồng vũ phu vốn coi cô như một “con vật”. Cọ trong Trăng yêu cũng là một người giàu đức hi sinh như thế. Cô yêu Gịng và Gịng cũng yêu cô. Vì hoàn cảnh không lấy được nhau, Cọ chỉ lặng lẽ buồn và chuyển ra ở riêng một ngôi nhà khác để không làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người mình yêu. Sống thui thủi một đời mà không lấy một ai, Cọ đã hi sinh hạnh phúc cả đời để bảo vệ một tình yêu chung thủy mà cô gìn giữ. Cô chấp nhận hi sinh mà chẳng cần sự bù đắp, chỉ cần nhìn thấy người mình yêu không phải day dứt, dằn vặt. Cũng trong Trăng yêu, Gịng chấp nhận sống với người mình không yêu để trọn vẹn tình nghĩa với cái ơn của cha mẹ nuôi. Trong Rễ người dài, Lềnh lủi thủi nhường hạnh phúc riêng tư cho những người anh em kết tồng, lấy việc âm thầm quan tâm đến người mình yêu làm lẽ sống một đời… Những con người ấy không sống cho riêng mình mà luôn nghĩ cho quyền lợi của người khác, sống nhân hậu và


bao dung với tất cả mọi người. Chính đức tính này đã giúp họ vươn lên, vượt qua tất cả những khó khăn thử thách.

Như vậy, với phẩm chất tốt đẹp, những người con miền núi trong sáng tác của Ma Trường Nguyên trở nên lớn lao hơn. Ẩn sau những dáng hình bình dị kia không phải là sự yếu đuối mà là cả một sức sống mạnh mẽ không bao giờ chịu khuất phục bởi sóng gió cuộc đời, bởi sự vần xoay của số phận. Vì sao con người miền núi trong sáng tác của nhà văn lại giàu phẩm chất tốt đẹp đến như vậy? Câu trả lời xác đáng nhất chính là vì Ma Trường Nguyên yêu con người vô cùng sâu sắc. Và đó cũng chính là điều mà nhà văn suốt một đời biểu hiện cùng những trang viết của mình.

2.2.2.3. Phê phán những cái xấu, cái ác trong đời sống

Bên cạnh niềm cảm thương với những số phận bi kịch, ngợi ca những phẩm chất tốt đẹp của con người miền núi, phê phán cái xấu, cái ác trong đời sống là một khía cạnh nội dung quan trọng trong tiểu thuyết của Ma Trường Nguyên. Ở nội dung này, nhà văn hướng ngòi bút của mình vào thế hệ cũ với những hủ tục, nơi cái ác rất nhanh chọn được đồng minh của mình; đồng thời, nhà văn cũng dự cảm thấy sự xâm lấn của những rác rưởi văn minh đang làm biến đổi con người, biến đổi những vùng quê vốn thanh bình từ ngàn đời.

Trong tiểu thuyết của Ma Trường Nguyên, mặc dù không có nhiều lắm những nhân vật xấu - ác nhưng sự có mặt của những nhân vật đó đã làm phong phú hơn thế giới nhân vật của nhà văn; đồng thời làm cho hiện thực đời sống hiện lên đầy đủ như sự đa dạng mà nó vốn có. Có thể kể đến những kẻ ác, kẻ xấu trong tiểu thuyết của nhà văn như Chánh Han, Láu, Lình trong Mũi tên ám khói; mo Ngàu trong Gió hoang; ông chủ Khút trong Mùa hoa hải đường; lão Khóng trong Bến đời. Hay cũng cần nhắc đến những con người vốn ban đầu tốt đẹp nhưng bị hoàn cảnh, bị đồng tiền chi phối làm cho thay đổi như Đán trong Gió hoang; Húng, Lệ Hà trong Bến đời; Phủng, vợ chồng Khá - Thu Sương trong Mùa hoa hải đường… Đây có thể xem là một bộ phận trong tuyến nhân vật phản diện của Ma Trường Nguyên mà khi xây dựng nhà văn thể hiện tiếng nói phê phán.


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 113 trang tài liệu này.

Với nhân vật chánh Han trong Mũi tên ám khói, lão Khút trong Mùa hoa hải đường, mo Ngàu trong Bến đời, nhà văn không ngần ngại vạch trần bản chất xấu- ác của những kẻ vốn là sản phẩm của chế độ cũ. Chúng sẵn sàng chà đạp lên thân thể và nhân phẩm của con người để đạt được dục vọng cá nhân. Chánh Han “đánh hơi” thấy chuyện Đao về làm vợ Đông mà không cưới hỏi, không có lễ trình làng nên tìm đến nhà Đông bắt vạ. Thấy bố Đông đứng ngăn lối vào nhà, hắn độc ác “đưa ba-tong ra vụt một phát vào lưng” khiến “ông cụ bị đánh bất ngờ, giãy nảy người lên” [18, tr.22]. Nhìn thấy vẻ đẹp của “đôi má Đao đỏ bừng hoa mạ đang nở”, chánh Han “trố mắt nhìn trân trân. Tay hắn cố tình chạm vào tay Đao, làm nước sóng ra tung tóe” [18, tr.23]. Rò ràng chánh Han không chỉ độc ác mà còn rất háo sắc. Đưa ra cái hẹn “ba tháng” phải khai báo và làm lễ trình làng cho một gia đình nghèo như nhà Đông, chánh Han quả không khác gì kẻ cướp. Và hắn thực sự đã thực hiện hành vi kẻ cướp khi bắt Đao về làm vợ ba. Chánh Han là nhân vật tiêu biểu cho những tên quan lang coi rẻ con người trong chế độ cũ. Để cho Đông kết liễu cuộc đời chánh Han bằng một mũi tên độc, nhà văn đã dứt khoát trong thái độ lên án, phê phán cái ác. Những kẻ coi rẻ con người, sẵn sàng chà đạp lên con người như chánh Han không thể tiếp tục được sống.

Cùng là sản phẩm của chế độ cũ, lão chủ Khút trong Mùa hoa hải đường cũng xấu xa bỉ ổi khi tìm cách cưỡng đoạt Sáy, kẻ ăn người ở trong nhà. Đây là hình ảnh ông chủ Khút khi nhìn Sáy ngủ:“Ông chủ đứng lặng lòng chợt dấy lên sự ham muốn khát thèm. Ông cố nén, nhưng vốn là người thô bạo, ông liền lao tới ôm chầm lấy người thiếu nữ đang độ xuân sắc mơn mởn” [24, tr.129]. Miêu tả ông chủ Khút trong cơn cuồng dâm như “trâu đực điên cuồng không còn biết gì nữa” [24, tr.130], nhà văn tỏ rò sự ghê tởm trước một kẻ đã không còn tính người.

Đặc điểm tiểu thuyết Ma Trường Nguyên - 8

Bên cạnh các nhân vật được nói tới ở trên, một số nhân vật khác trong tiểu thuyết của Ma Trường Nguyên cũng được xây dựng với cảm hứng phê phán. Phủng trong Mùa hoa hải đường, lão Khóng trong Bến đời là đại diện cho những thói hư tật xấu của con người. Từ một người bình thường, Phủng sống buông thả với rượu chè, thuốc phiện, gái điếm khiến cho cuộc sống gia đình trở thành địa ngục. Đáng


lên án hơn khi Phủng còn lôi kéo con trai ruột của mình vào con đường nghiện ngập. Hình ảnh thằng Báu, con trai Phủng, “cầm lấy điếu mà trước đây khi hút xong bố nó cho nó hút sái” để “đưa lên mũi ngửi” một cách thèm thuồng sao thật cay đắng và chua xót. Một kẻ như Phủng thật không đáng làm cha và đáng bị lên án mạnh mẽ. Lão Khóng trong Bến đời là nhân vật tiêu biểu cho cái ác, cái xấu bị nhà văn phê phán. Cũng như Phủng, lão Khóng có đủ mọi thói hư tật xấu: “Ông là một người đàn ông ngang tàng chơi bời suốt thời trai trẻ. Nhà bố mẹ ông là một gia đình giàu có. Do ông dấn thân vào con đường trai gái cờ bạc nên của cải nhà bố mẹ ông bị khánh kiệt. Mấy lần ông đi biệt tăm tích” [22, tr.148]. Rồi Khóng bị kết án “tám năm tù giam” do tội trộm cắp tài sản và dắt gái mại dâm cho các ổ chứa. Ra tù, Khóng đi buôn chè rồi lấy vợ. Sau nữa thấy buôn chè không giàu được nên Khóng quyết đi làm bưởng vàng để kiếm cơ hội đổi đời. Nhưng đáng phê phán hơn là việc lão Khóng lừa gạt và hãm hại người khác. Bà Ngát vốn hiền lành chân thật những tưởng sẽ tìm lại được hạnh phúc khi tái hôn với Khóng. Cuộc đời thật trớ trêu khi người mà bà tin tưởng lại chính là người lừa gạt bà. Sau khi lấy bà Ngát, lão Khóng tìm cách lừa lấy tiền của vợ để đi đào đãi vàng. Đến lúc có tiền thì về nhà ly dị vợ. Không chỉ lừa lấy tiền của bà Ngát, lão Khóng còn lừa bà Húng sống cuộc sống “già nhân ngãi non vợ chồng” rồi cướp nhà của người phụ nữ ấy. Lừa tiền, cướp nhà vẫn chưa đủ. Đỉnh điểm sự xấu xa của lão Khóng là khi lão cùng với người tình Lệ Hà ra tay đẩy bà Ngát xuống dòng sông chảy xiết. Thái độ phê phán của nhà văn Ma Trường Nguyên với nhân vật Khóng được thể hiện qua quan niệm “ác giả ác báo”, lừa người lại bị người lừa. Lừa gạt hai người phụ nữ đầu gối tay ấp, cuối cùng lão Khóng lại bị chính người tình lừa lấy hết tiền bạc để rồi chết trong đau đớn.

Ngoài việc phê phán cái xấu, cái ác, Ma Trường Nguyên còn phê phán những thói hư tật xấu của con người, phê phán lối sống ích kỉ, thái độ coi trọng đồng tiền mà đánh mất bản thân. Đán trong Gió hoang vì lối sống ích kỉ mà cuối cùng bị lôi kéo vào một âm mưu phá hoại. Lệ Hà trong Bến đời từ một cô gái tốt đã


trở thành một con người chỉ còn biết có đồng tiền. Họ quay cuồng trong những dục vọng cá nhân để rồi đánh mất chính mình.

Qua những điểm xuyết trên chúng ta có thể nhận thấy tiếng nói dứt khoát của Ma Trường Nguyên. Cũng chính bởi tình yêu sâu sắc đối với con người, bởi mong muốn con người sẽ sống tốt hơn, tránh xa cái xấu nên nhà văn đã lên án mạnh mẽ những cái xấu cái ác trong đời sống. Vì thế tiếng nói lên án của Ma Trường Nguyên mang ý nghĩa tích cực, giúp con người tự nhìn lại chính mình và tự cân chỉnh để mà sống tốt hơn. Tuy nhiên, so với Vi Hồng, Triều Ân, Cao Duy Sơn... thì những trang viết về thói hư tật xấu của con người trong sáng tác của Ma Trường Nguyên còn ít nhiều gượng gạo. Nhà văn miêu tả con người còn đơn giản, không cho người đọc thấy được sự đa dạng và phức tạp trong bản chất con người. Chính vì thế nên nhân vật xấu - ác trong tác phẩm của Ma Trường Nguyên chưa thực sự trở nên điển hình. Và có lẽ tiếng nói phê phán, vì thế, cũng chưa trở thành ám ảnh.

2.2.2.4. Trân trọng những khát vọng tự do trong tình yêu của con người miền núi

Tình yêu là một cảm hứng chủ đạo trong tiểu thuyết của Ma Trường Nguyên. Trong tất cả các tiểu thuyết của ông, người đọc đều bắt gặp cảm hứng về tình yêu. Nói như nhà nghiên cứu Lâm Tiến trong bài viết Ma Trường Nguyên - nhà văn, nhà thơ tình xứ mây thì “Không phải ngẫu nhiên trong thơ cũng như trong tiểu thuyết, Ma Trường Nguyên lại đề cập đến tình yêu đôi lứa nhiều đến như vậy” [34,tr.3]. Nhà văn đã dành sự quan tâm đặc biệt đến tình yêu với tiếng nói đầy cảm thông, tiếng nói khích lệ và trân trọng những khao khát yêu đương, hạnh phúc lứa đôi của con người miền núi. Đây thực sự là cảm hứng nổi bật trong các tiểu thuyết của Ma Trường Nguyên.

Trong tiểu thuyết Ma Trường Nguyên, các mối tình đều rất đẹp, rất say mê nhưng cũng đầy trắc trở và không ít dở dang. Những dang dở trong tình yêu hầu hết đều bắt nguồn từ những luật tục của cộng đồng hoặc do người trong cuộc chấp nhận hi sinh tình yêu vì lòng hiếu thảo hay vì nghĩa. Mặc dù tình yêu dang dở nhưng những chàng trai, cô gái ấy đã sống và trân trọng nhau, luôn hướng về nhau trong tình nghĩa cao thượng, tuyệt nhiên không có sự phản bội, dối gian. Đó thường là câu


chuyện của thế hệ trước, khi cuộc sống cũ đầy những luật tục và hoàn cảnh éo le. Và thế hệ sau bao giờ cũng mạnh mẽ, quyết liệt để bảo vệ tình yêu và xây dựng hạnh phúc cho mình. Trong Trăng yêu, Gịng và Cọ yêu nhau đắm đuối như thế nhưng không thể lấy nhau vì Gịng phải đền cái ơn của người đã cưu mang cả hai người. Cọ ở vậy cả đời trong một ngôi nhà gần đó nhưng tuyệt nhiên họ không bao giờ vượt ra ngoài giới hạn mặc dầu ngọn lửa lòng không bao giờ vơi tắt. Nhưng đến thế hệ cháu của Gịng, Lan Thao lại mạnh mẽ trong tình yêu và rồi có được hạnh phúc, kết lại câu chuyện tình có hậu từ thời ông bà. Ý tưởng nghệ thuật này cũng được Ma Trường Nguyên thể hiện trong tiểu thuyết Mùa hoa hải đường. Sáy đã không ngại ngần trao cho người yêu của mình sự trắng trong của người con gái để mang giọt máu của người yêu khi anh ra trận. Nhưng rồi dòng đời xô đẩy hai người về hai phía khác nhau để rồi cuối đời họ lại cùng quây quần bên các con các cháu trong sự tương kính đặc biệt. Ở điểm này, chúng tôi thấy, tiểu thuyết Ma Trường Nguyên là tiếng nói độc đáo nếu so sánh với Triều Ân, Cao Duy Sơn. Sự trân trọng nhau, hướng về nhau trong tình nghĩa cao thượng mà không có sự phản bội, dối gian là tiếng nói nhân bản chịu sự ảnh hưởng của văn học dân gian trong tiểu thuyết của nhà văn. Đó cũng là mong ước thiết tha của nhà văn về một lối ứng xử đẹp cho các đôi lứa yêu nhau khi tình yêu tan vỡ.

Một điều đặc biệt khác thể hiện rò cảm hứng tình yêu đôi lứa trong tiểu thuyết Ma Trường Nguyên là các nhân vật nữ thường rất chủ động trong các cuộc tình. Họ dám vượt qua những ràng buộc để dâng hiến cho người mình yêu. Điều này có thể do sự khác biệt văn hóa của miền núi và miền xuôi. Nếu như trong văn học và trong cuộc đời, ta thường hay bắt gặp sự chủ động trong tình yêu từ phía những người đàn ông ưa chinh phục thì trong các tác phẩm của Ma Trường Nguyên hầu hết tất cả các nhân vật phụ nữ (đây cũng là điểm đặc sắc trong tiểu thuyết của nhà văn) đều là những người cá tính, yêu rất mãnh liệt và chủ động giành, giữ tình yêu đó. Trong Bến đời có nhiều nhân vật như vậy. Húng chủ động làm quen với Bồng. Khi đã yêu, Húng cũng chủ động dâng hiến tất cả cho người mình yêu. Và đến việc cầu hôn dường như Húng cùng làm luôn khi Húng đề nghị Bồng phải cưới


mình ngay trong tháng này vì cô đã có thai. Hạnh cũng vậy, cô lấy chồng mà không cần có mặt chồng vì anh còn phải đi đánh giặc. Tình yêu giúp cô có thêm sức mạnh và niềm tin để vượt qua những khó khăn, thiệt thòi trước mắt. Kim Công cũng thế, cô chủ động gắn bó với người con trai mà mình yêu, cũng mạnh dạn bày tỏ tình yêu của mình. Dù chiến tranh khốc liệt, không biết tương lai như thế nào Kim Công vẫn hứa hẹn chờ đợi bằng một lời nói thật dịu dàng mà cũng rất dứt khoát: “Em đợi anh!”. Ở điểm này, những người phụ nữ trong tiểu thuyết của Ma Trường Nguyên không chỉ là những con người mang vẻ đẹp của người phụ nữ truyền thống: giàu lòng vị tha, đức hi sinh, có ý thức bảo vệ và giữ gìn nhân phẩm, họ còn là những người phụ nữ hiện đại có cá tính mạnh mẽ, dám nghĩ dám làm, hành động quyết liệt và đã yêu là yêu say đắm, không suy nghĩ, đắn đo. Cùng với cá tính mạnh mẽ đó họ còn là những con người giàu nghị lực, không khuất phục trước sóng gió cuộc đời. Bên cạnh những người phụ nữ, những chàng trai dân tộc cũng không ngại dấn thân để tìm được tình yêu đích thực của mình. Lễ hội kết tồng linh thiêng là thế, những con người sống tình nghĩa là thế nhưng khi họ nhận ra tiếng gọi trái tim mình thì họ sẵn sàng vượt lên để sống, để yêu. Khi A Hoa công khai nói tiếng lòng mình trong đám tang của Pàng cũng là lúc Dàu quyết định ra đi để được sống bên Diêu Anh, người con gái đích thực của đời anh; khi trái tim được sưởi ấm bằng tình yêu của A Hoa (Rễ người dài), Lềnh cũng vượt qua mặc cảm để sống thực với khát vọng của mình. Đó là tiếng ca quyết liệt của tình yêu, để vượt qua giới hạn sống của các thế hệ trước. Đó là một nét mới thể hiện cảm hứng nhân đạo trong tiểu thuyết Ma Trường Nguyên.

Xây dựng những câu chuyện tình của những đôi lứa yêu nhau, nhà văn Ma Trường Nguyên muốn tỏ bày niềm cảm thông và trân trọng. Cuộc đời vốn khó khăn là thế nhưng những chàng trai cô gái miền rừng vẫn luôn khao khát tình yêu, khao khát hạnh phúc và sống hết mình cho tình yêu, đốt lên ngọn lửa tình cháy bỏng. Tình yêu của họ xứng đáng được trân trọng và nhà văn “tình xứ mây” Ma Trường Nguyên đã dành nhiều tâm huyết của mình để ngợi ca những tình yêu ấy. Chính tình yêu thương, sự gắn bó sâu nặng đến máu thịt của Ma Trường Nguyên đối với


những con người miền núi đã làm sáng lên những tình yêu đôi lứa, để những tình yêu ấy trở thành một nét đẹp đặc trưng trong tiểu thuyết của ông.

2.2.3. Cảm hứng trữ tình về thiên nhiên miền núi

Cùng với những giá trị văn hóa truyền thống thì cảm hứng trữ tình về thiên nhiên là yếu tố căn bản tạo ra hồn cốt miền núi trong tiểu thuyết Ma Trường Nguyên. Đây cũng là nguồn mạch chung của các cây bút văn xuôi các dân tộc thiểu số. Trong tác phẩm của họ, thiên nhiên là biểu tượng của vũ trụ bao la đầy bí hiểm nhưng cũng rất đỗi gần gũi, bao dung. Thiên nhiên bao bọc, nuôi dưỡng, chở che cho cuộc sống con người đồng thời thiên nhiên cũng là nơi ghi dấu tình cảm chân thành, mộc mạc của con người. Thiên nhiên trở thành một yếu tố quan trọng, trở thành cảm hứng nghệ thuật của nhà văn. So với các nhà văn dân tộc miền núi khác, thiên nhiên dưới con mắt của Ma Trường Nguyên hiện lên với những nét độc đáo riêng.

Thiên nhiên núi rừng trong tiểu thuyết Ma Trường Nguyên hiện lên rất phong phú, đa dạng. Có khi đó là thiên nhiên mang vẻ đẹp trữ tình, thơ mộng. Cũng có khi thiên nhiên như một người bạn tri kỉ, tâm giao của con người, có mối liên hệ máu thịt với con người, chia sẻ những nỗi niềm thầm kín của con người. Trong đó, như một nét đặc trưng, thiên nhiên trong tiểu thuyết Ma Trường Nguyên ít xuất hiện trong dáng vẻ hùng vĩ, bí hiểm, dữ dội. Phải chăng tâm hồn tinh tế của nhà văn đã phả vào núi rừng xứ sở một vẻ đẹp nhẹ nhàng như vậy?

Trong tiểu thuyết Ma Trường Nguyên, thiên nhiên luôn được thể hiện như một phần hữu cơ của cuộc sống con người. Ở phần đầu Mũi tên ám khói, trong quan niệm của những người con của bản mường, con suối, dòng thác là nguồn sống, là tâm điểm và linh hồn của vạn vật sinh tạo và bao bọc vạn vật. Thiên nhiên là con đường dẫn lên Mường Trời, gặp Tiên lấy Tiên. Cốc Tát là cửa suối tiên lên mường Trời, con suối Khuôn chảy từ lòng núi Khau Dạ, thác khuôn làm cái cửa Trời mở ra và cho nước xuống trần gian khiến vùng đất khô cằn sinh cây nảy lộc thành rừng đại ngàn, cho con người cày cấy lúa ngô, nuôi cây, nuôi người, nuôi trời xanh, đi xa nữa đến nhiều mường, nuôi ruộng người Nùng, nuôi vườn người Cao Lan, nuôi soi

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 04/08/2022