Nghệ Thuật Xây Dựng Nhân Vật Trong Tiểu Thuyết Nguyễn Hữu Tiến

76

lương thiện, vẫn có những hối hận ăn năn về hành động sai trái của mình nhưng do không có bản lĩnh vững vàng nên, dù có một tầng văn hoá thực sự, người trí thức vẫn có thể bị đẩy vào con đường tha hoá không có gì cứu vãn nổi.

Sự chân chính và hấp dẫn của mỗi tác phẩm văn học chính là những sáng tạo nghệ thuật của nhà văn hướng đến mục đích cuối cùng là đề cao giá trị tốt đẹp của con người. Nguyễn Hữu Tiến với tư tưởng nhân văn sâu sắc nên khi đề cập tới vấn đề con người tha hoá, trong mỗi trang viết, nhà văn vẫn có sự đồng cảm, thấu hiểu những ích kỷ trong mỗi nhân vật đó. Ngòi bút của nhà văn đi thẳng vào vạch trần hiện thực xã hội, không ngại phê phán những tính cách xấu của nhân vật. Họ là những con người bất chấp luân lí, đạo đức chỉ để thoả mãn bằng được nhu cầu thấp hèn của mình mà đôi khi vì những nhu cầu thấp hèn ấy, nhiều người đã bị đẩy vào những bi kịch đau khổ. Dù thế, họ không bị lên án gay gắt, không bị chê bôi tới tột cùng. Dường như trong sâu thẳm ông đã hiểu, thậm chí trân trọng những khát khao chính đáng của mỗi cá nhân. Vì vậy, đọc tiểu thuyết của Nguyễn Hữu Tiến, người đọc không cảm thấy sự nặng nề cho dù tác giả đang đề cập đến những vấn đề rất nóng của xã hội.

3.3. Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong tiểu thuyết Nguyễn Hữu Tiến

3.3.1. Xây dựng nhân vật thiên về miêu tả ngoại hình, hành động và ngôn ngữ

Nhân vật là con đẻ tinh thần của nhà văn, nó phải có đầy đủ mọi yếu tố để làm nên cuộc đời một con người trong thế giới nghệ thuật của tác phẩm văn học. Và do đó, nghệ thuật xây dựng nhân vật là một trong những yếu tố thể hiện tài năng của cây bút Nguyễn Hữu Tiến. Khả năng của cây bút tự sự Nguyễn Hữu Tiến thể hiện rất rõ qua cách nhà văn tạo dựng hệ thống nhân vật của mình thiên về miêu tả ngoại hình, hành động và ngôn ngữ. Ngoại hình là dáng vẻ bên ngoài của nhân vật bao gồm y phục, cử chỉ, tác phong, diện mạo... Ðây là yếu tố quan trọng góp phần cá tính hóa nhân vật.Ngoại hình nhân vật góp phần biểu hiện nội tâm. Ðây cũng chính là sự thống nhất giữa cái bên ngoài và cái bên trong của nhân vật. Vì vậy, khi tính cách, đời sống bên trong của nhân vật thay đổi, nhiều nét bên ngoài của nhân vật cũng thay đổi theo. Trong “Dòng

77

đời”, miêu tả sự độc ác của tổng đoàn Tàng, tác giả đã tập trung nhấn mạnh “tổng đoàn Tàng nghiến răng, cằm bạnh ra như rắn hổ mang rồi hạ một câu nặng như khúc gỗ nghiến” [24, tr.22]; cũng với tính tình độc ác thế nhưng miêu tả về Loòng nhà văn lại miêu tả đôi “mắt sâu, lông mày xếch. Hai bên thái dương thắt, cằm bạnh giống hệt cha” [24, tr.24]. Nhà văn đã lựa chọn những chi tiết điển hình trên khuôn mặt cha con hắn để thông qua đó báo hiệu cho người đọc về tính cách nhân vật. Với nhà văn, cách miêu tả vẻ ngoài của nhân vật cũng là một cách thể hiện thái độ phê phán hay ngợi ca.

Trong nghệ thuật miêu tả hành động, Nguyễn Hữu Tiến đã đặt nhân vật vào trong hoàn cảnh rất cụ thể để Lâm chứng tỏ mình qua những hành động kiên cường khi dám đối đầu với Loòng. “Lâm nghiến răng nén giận. Hôm nay dẫu có trời sập cũng phải nện cho nó một trận Lâm nắm chặt tay tiến về phía Loòng. Bao uất ức trào lên trong lồng ngực...Loòng lùi một bước, Lâm tiến thêm một bước. Ánh mắt rực lửa của Lâm chiếu thẳng vào mặt Loòng...” [24, tr.52, 53]. Với nhân vật phản diện, về cơ bản, tính cách của nhân vật cũng được thể hiện qua hành động hơn là khắc hoạ nội tâm. Đó là hành động tổng đoàn Tàng vu khống cho Lâm theo Việt Minh, bắt giữ Lâm về nhà phục vụ cho Loòng. Đó là hành động Dẩu cướp On về cho Loòng. Tổng đoàn Tàng gian ác, lộng quyền đã xui con trai bỏ thuốc độc giết chết thầy đồ Toàn. Hắn là kẻ chủ mưu gây ra một loạt những biến cố cho cuộc đời Lâm bằng những hành động không thể tàn ác hơn. Và Dẩu, khi chưa nghĩ ra cách gì để hại Lâm, hắn đã theo dõi Lâm thật chặt để một lần nữa gán tội cho Lâm. Nhân lúc On và Lâm nói chuyện ở cổng, Dẩu đứng cách hai người không xa. Khi hai người rủ nhau ra chỗ vắng nói chuyện, hắn liền bí mật bám theo... rồi tìm đến ban chỉ huy công trường báo rằng hắn vô tình chứng kiến đội trưởng Lâm đang phủ lên người con dâu nhà lão Tàng. Với hành động ác độc đó, một lần nữa đời Lâm lại lâm vào bi kịch, bi kịch của kẻ mang tiếng xấu là tằng tịu với vợ của nhà có nợ máu với cách mạng.

78

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 117 trang tài liệu này.

Khắc hoạ nhân vật, Nguyễn Hữu Tiến còn đặc biệt chú ý trong việc xây dựng ngôn ngữ nhân vật. Tiểu thuyết miêu tả hiện thực và con người như nó vốn có, như cái hiện tại đương thời của người trần thuật. Ngôn ngữ tiểu thuyết không chỉ được soi sáng bởi ngôn ngữ tác giả mà còn được soi sáng bởi ngôn ngữ nhân vật. Trong “Dòng đời”, tác giả đã sử dụng với tần suất cao rất nhiều độc thoại nội tâm của nhân vật Lâm đan xen trong lời kể chuyện của tác giả. Nhà văn đã sáng tạo hình tượng người kể chuyện toàn năng, biết hết, thấy hết mang nhiều xét xác thực tâm lý, gần gũi với nhân vật để khi cho nhân vật tự bộc lộ mình bằng chính lời thoại của nhân vật, lúc lại thể hiện qua ngôn ngữ của người kể chuyện. Với tiểu thuyết “Hữu hạn”, cũng đan xen giữa lời thoại nội tâm của nhân vật với lời người kể chuyện, Nguyễn Hữu Tiến đã sâu sắc và khéo léo thông qua ngôn ngữ nhân vật để cho nhân vật tự bộc lộ tư duy, tình cảm của mình. Qua cách nhìn của nhân vật, tác giả cũng thể hiện quan điểm của mình về con người, về đời sống.

Ngoài ra, trong tiểu thuyết Nguyễn Hữu Tiến, hình ảnh nhân vật còn được thể hiện trực tiếp qua ngôn ngữ đối thoại giữa các nhân vật. Trong hai tiểu thuyết của nhà văn, có thể dễ dàng tìm thấy rất nhiều mẩu đối thoại của nhân vật. Những lời nói của nhân vật được hoà trộn, nối ghép của nhiều loại giọng điệu trong những tình huống cụ thể. Như trong tiểu thuyết “Hữu hạn”, có đoạn tác giả đang dùng lời thoại của Hạc “Hoàn ơi! Em yêu anh lắm! Không có anh em chết mất! Hãy chiều em đi!”, đột ngột tác giả chuyển sang giọng của người kể chuyện để miêu tả những suy nghĩ và cảm xúc của Hoàn và rồi sau đó lại là lời đối thoại của hai nhân vật Hoàn và Hạc. Việc đan xen hai kiểu lời thoại tạo nên những giao hưởng giọng điệu đem lại những hiệu quả. Không những thế, lối kể chuyện này còn giúp nhà văn khám phá, phát hiện những bí ẩn của đời sống nội tâm nhân vật, đặc biệt là những day dứt, bất ổn, lẫn lộn ý thức và vô thức. Với những trạng thái khó nắm bắt như vậy, nhà văn không thể dùng một thứ ngôn từ thuần khiết, trong suốt và tách bạch. Thế giới tự sự lúc này không còn được tái hiện theo một quy định, áp đặt

Đặc điểm tiểu thuyết của Nguyễn Hữu Tiến - 11

79

chung, do vậy tính đối thoại trong giọng điệu, ngôn ngữ trở nên mạnh mẽ, triệt để hơn. Giọng điệu của nhân vật cũng có “thẩm quyền” ngang với giọng kể chuyện của tác giả, các ngôi kể đều có đóng góp của mình trong việc tái tạo sự kiện và cảm xúc. Nhờ sử dụng nhuần nhuyễn nghệ thuật xây dựng nhân vật như đã phân tích ở trên mà tiểu thuyết của Nguyễn Hữu Tiến thực sự có sức hút với người đọc.

3.3.2. Đời sống nội tâm của nhân vật chủ yếu được khắc họa bằng lời nửa trực tiếp

* Khái niệm độc thoại nội tâm

Từ điển thuật ngữ văn học định nghĩa “độc thoại nội tâm” là lời phát ngôn của nhân vật nói với chính mình, thể hiện tiếp quá trình tâm lí nội tâm, mô phỏng hoạt động cảm xúc, suy nghĩ của con người trong dòng chảy trực tiếp của nó.

Trong các tác phẩm của Nguyễn Hữu Tiến, dù có kiểu kết cấu cốt truyện truyền thống theo thời gian tuyến tính hay kết cấu cốt truyện đảo ngược, hồi tưởng hay ký ức thì những cốt truyện đều gắn với quá trình sống, với một cuộc hành trình tâm lý đa dạng, phong phú, phức tạp của nhân vật chính. Nhân vật trung tâm trong tác phẩm thế sự, đời tư thuộc giới trí thức. Họ có tài năng, tâm huyết, là những người có nội tâm sâu sắc, có kiến giải phong phú nhưng lại không ưa hành động hoặc hành động của họ mang tính thụ động đối với thời cuộc hơn là chủ động cải biến tình hình. Do vậy, trong cả “Dòng đời” và “Hữu hạn”, khắc hoạ nội tâm nhân vật là thủ pháp đã được Nguyễn Hữu Tiến sử dụng rất hiệu quả bằng lời kể nửa trực tiếp hoặc lời gián tiếp nhằm tạo nên chân dung thực sự ám ảnh về những con người “tài cao phận thấp chí khí uất”. Với sự kết hợp nửa gián tiếp của ngôn ngữ người kể chuyện, nửa trực tiếp tâm tình của nhân vật, cùng với khả năng phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật một cách tinh tế, nhạy bén thế giới nhân vật trong tiểu thuyết Nguyễn Hữu Tiến rất phong phú. Nhà văn đã tạo dựng được một lớp hình tượng nhân vật có một đời sống tinh thần sâu sắc, thâm trầm nhằm biểu

80

đạt những quan niệm của mình về con người và thời cuộc. Cũng như trong hiện thực đời sống, tâm trạng của các nhân vật trong tác phẩm bao giờ cũng gắn liền với những biến cố khách quan và chủ quan mà họ gặp phải trong đời.Nhân vật của Nguyễn Hữu Tiến cũng có khi bị tác động dữ dội từ môi trường sống. Họ là những người nhạy cảm nên những biến cố dù nhỏ nhặt cũng đều khiến họ suy nghĩ, trăn trở. Đôi khi những sự kiện nằm ngoài dự kiến xảy ra cũng đủ gây nên những “cú sốc” nặng nề trong thế giới nội tâm của họ. Càng là người học rộng, hiểu nhiều lại càng là người nhạy cảm, dễ đau đớn. Diễn biến tâm trạng của Lâm, của Hoàn, của Hồng, của Nguyệt cho thấy rõ điều này.

Từ đầu đến cuối “Dòng đời” là cả một dòng thác độc thoại nội tâm với biết bao nhiêu cung bậc tình cảm, bao nhiêu tâm trạng vui ít, buồn nhiều của Lâm. Nếu làm phép liệt kê, những biến cố đến với một quãng đời của Lâm là chuỗi những sự kiện đau lòng. Bắt đầu từ lúc Lâm bị tổng đoàn Tàng vu khống theo Việt Minh, bắt Lâm về phục vụ cho con trai lão, cho đến việc trong ngày cưới của mình, Lâm mất On rồi sau đó mang tai tiếng là tằng tịu với On. Chán ngán, Lâm ngã vào lòng Dình – người đàn bà quá lứa lỡ thì. Nhưng sau những tháng ngày ngắn ngủi tưởng bình yên ấy, cho đến phút cuối nhắm mắt xuôi tay, Lâm vẫn chết trong uất ức, cô đơn khi chứng kiến Dình- người vợ không giá thú của mình lại cặp kè đưa trai về nhà mình ngủ. Lắm lúc lão nghĩ “Nó là vợ hay con đĩ” [24, tr.13]. Một quãng thời gian ngắn nhưng lại có sự tác động lớn khiến cho đoạn đời sau của Lâm thật dài, thật nặng nề và Lâm đã bị cuốn theo những biến cố xấu đó. Có lúc Lâm nhớ lại và tự nói “Ngày mới chuyển về đây, cuộc sống sao mà ấm áp thế” [24, tr.14] nhưng đó là những chuyện đã qua, những ngày tháng êm đềm.„Đã lâu lắm chưa bao giờ lão thấy khó ngủ như đêm qua. Những lời nói của Dình như con dao chém. Tới tấp khắp người lão. Lão thấy nhục nhã. Sống gần thế kỷ cứ tưởng biết hết mọi ngóc ngách của cuộc đời, cứ tưởng mình vững chắc như cổ thụ, rễ ăn xuống đất, thân vươn lên trời chẳng sợ gió lay, bão giật, vậy mà vấp

81

ngay vào chính cái ghế trong nhà làm cho ngã sấp, ngã ngửa. Thế mới đau chứ.”[24, tr.16]. Nguyễn Hữu Tiến đã dồn nhân vật mình vào một hoàn cảnh éo le, cùng quẫn, bế tắc, đầy bị kịch để nhân vật suy nghĩ, hành động mà qua đó bộc lộ tính cách, tâm trạng.. Mỗi một sự kiện, kéo theo hàng loạt những suy tư, dằn vặt đau xót của Lâm. Hữu Tiến đẫ tập trung chủ yếu khắc hoạ bi kịch tinh thần của Lâm với nỗi buồn vì ái tình chênh lệch và trục trặc. Sở dĩ, “Dòng đời” tạo nên một cảm giác hết sức nặng nề đối với người đọc chính bởi nhà văn đã đặt cái nhìn của người trần thuật vào Lâm nhưng lại nói theo ý của mình. Những diễn biến nội tâm phong phú và đầy đau khổ, Lâm nhìn vào sự việc không chỉ đúng bản chất của nó mà anh còn thiên về bi kịch nó. Nỗi buồn này của Lâm cho thấy anh thật đáng thương và xuyên suốt tác phẩm. Dõi theo những tâm tư, cảm xúc của Lâm người đọc như thấy sự cuộn trào “dòng đời” trôi về từ trong ký ức, trôi về từ cõi xa xăm trong quá khứ và cứ nhức nhối mãi không thôi.

Nguyễn Hữu Tiến thực sự muốn gửi gắm qua nhân vật Lâm nỗi buồn thấm thía về thân phận một cuộc đời người thanh niên tài giỏi nhưng bị xô đẩy và trượt ngã. Họ có ý thức vươn dậy, cũng ý thức đấu tranh nhưng kết cục vẫn trắc trở và nhiều khi là bi kịch. Đây mới thực sự là ý nghĩa hiện thực sâu sắc mà tác phẩm muốn hướng tới qua nhân vật Lâm.Với lối công khai thể hiện chủ đề, Nguyễn Hữu Tiến dùng nhân vật Lâm để phát ngôn cho những quan niệm, suy ngẫm của nhà văn về đời sống xã hội.

Quan sát những nhân vật trong “Hữu hạn”, thế giới nhân vật trong tác phẩm được đặt trong môi trường hữu hạn của không gian, để từ đó phản ánh tư tưởng từng nhân vật. Mỗi người công nhân mang một số phận riêng của mình và được giải phóng qua môi trường lao động, làm chủ cuộc sống. Nhưng cũng chính họ với những lựa chọn cách sống của mình lại rơi vào những bi kịch khác theo quy luật của cuộc đời. Như Hoàn, “ngày trước vì Hoàn từ chối Hạc mà gây ra thù hận. Lần này nếu Hoàn lắc đầu thì liệu có gây ra sự thù hận từ phía Nguyệt không?” [25, tr. 194]. Ở đoạn văn này, bằng

82

giọng văn trần thuật nửa trực tiếp, nửa gián tiếp, đan xen giữa lời kể của nhà văn với tư duy của nhân vật. Nguyễn Hữu Tiến đã diễn tả tâm trạng suy tư, lo lắng của Hoàn và để Hoàn tự bộc lộ suy nghĩ của mình với một loạt câu hỏi anh tự hỏi chính bản thân. Trong đoạn độc thoại nội tâm của Nguyệt sau khi được Hoàn làm cho thoả nguyện, nhà văn cũng dùng lời kể nửa trực tiếp để người đọc thấy rõ được nội tâm của nhân vật hơn.“Ngủ với Hoàn, Nguyệt thấy khác ngủ cùng chồng cùng thời điểm nhiều lắm” [25, tr. 196]. Chỉ với một câu văn ngắn nhưng Nguyễn Hữu Tiến đã để Nguyệt tự bộc lộ cảm xúc hạnh phúc đang trào dâng trong con người của Nguyệt. Nguyệt hạnh phúc vì lần này Nguyệt sẽ đuợc làm mẹ thật rồi.

Bằng cách chỉ ra sự thật, tác giả miêu tả đến tận cùng những “hữu hạn” tầm thường của con người để nhân vật tự nhìn nhận lại những biến cố cuộc đời mình, theo những dòng tâm tư nội tâm đầy dằn vặt. Nguyễn Hữu Tiến để họ bị ám ảnh bởi định mệnh, để họ bị chi phối bởi những căn nguyên sâu xa nằm trong bản năng, tiềm thức và cảm xúc. Từ đó, nhân vật tự điều chỉnh lại chính mình, vượt qua được sự “hữu hạn” của bản thân để có một cuộc sống và xã hội tốt đẹp hơn.

3.4. Giọng điệu và ngôn ngữ nghệ thuật trong tiểu thuyết Nguyễn Hữu Tiến

3.4.1. Giọng điệu nghệ thuật

3.4.1.1. Giọng điệu ngợi ca

Có thể nhận ra dấu ấn vùng miền khá đậm nét trong sáng tác của Nguyễn Hữu Tiến qua giọng điệu ngợi ca quê hương đất nước, với những hình ảnh thiên nhiên – một đối tượng khách quan tưởng như không liên quan gì đến những diễn biến trong cốt truyện của mỗi tác phẩm. Đọc “Hữu hạn” người đọc khó có thể quên được hình ảnh “đêm đông ở thung lũng Thin Tốc sương mù đặc như sữa tưởng chừng có thể cầm lấy được. Sương buông từ trên đỉnh Phja Oắc, sương dâng từ cánh đồng Nặm Kép gặp nhau hội tụ giữa lòng thung tạo thành biển sương mù giữa đại ngàn trùng điệp. Sương vây

83

quanh các cột đèn đường...sương rơi xuống mặt đất như thể mưa phùn...” [25, tr.5]. Nếu Cao Duy Sơn chú ý phát hiện đặc trưng của thiên nhiên các mùa miền núi qua hình ảnh “đậm và nét” của mưa xuân, sắc vàng và “hương vị ngai ngái đắng của cỏ cây”mùa thu, cái buốt giá của chiều đông vùng núi đá...thì Vi Hồng lại chọn sắc nắng, hình ảnh nắng làm nền cảnh cho bức tranh thiên nhiên bốn mùa ở vùng cao thêm tươi đẹp. Và Nguyễn Hữu Tiến không cần miêu tả nhiều, chỉ qua vài nét vẽ đơn sơ tập trung vào hình ảnh làn sương nhà văn đã có thể giúp người đọc nhận ra bước chuyển của thời gian trong bức tranh sơn thủy hữu tình của thiên nhiên miền núi vùng Đông Bắc Tổ quốc. Thiên nhiên trong sáng tác của Nguyễn Hữu Tiến không chỉ mang vẻ đẹp của một bức tranh sơn thuỷ mà còn hiện lên như một sinh thể hữu tình, biết sẻ chia với con người những vui buồn trong cuộc sống. Đêm đông dày sương ấy làm cho “cái thung lũng nhỏ vốn đã yên ắng về đêm càng trở nên vắng lặng hơn”, như muốn im lặng đồng cảm với sự cô đơn của nhân vật. Thiên nhiên là mái nhà chở che, nuôi dưỡng, là người bạn tâm tình giúp con người vơi nhẹ nỗi đau riêng; thiên nhiên như người mẹ hiền ôm ấp, vỗ về khi con người gặp những thất bại trên đường đời; thiên nhiên truyền cho con người sức sống và bản lĩnh vượt lên hoàn cảnh.

Tìm trong các trang văn xuôi của Nguyễn Hữu Tiến, ta còn thấy được giọng điệu ca ngợi, tự hào, ngưỡng mộ về vẻ đẹp tâm hồn, tính cách đồng bào các dân tộc thiểu số. Ở “Dòng đời” và “Hữu hạn” là vẻ đẹp văn hoá con người Tày Cao Bằng với những phong tục, tập quán đặc sắc. Các nhà văn người dân tộc thiểu số là đại diện tiêu biểu cho các tộc người miền núi. Họ cầm bút vì sứ mệnh thiêng liêng “đột nhập vào vùng phát sáng của dân tộc mình”(Vi Hồng) mà sáng tạo nên những tác phẩm để vừa phản ánh tâm hồn dân tộc vừa có thể từ cái hồn riêng mỗi dân tộc ấy mà gia nhập với quốc gia và hòa nhập cùng nhân loại. Đây là điều vô cùng khó khăn, đòi hỏi cả cái tâm, cái tài và bản lĩnh của người cầm bút. Sống gần với tự nhiên, ít chịu ảnh hưởng của văn minh đô thị nên con người miền núi còn giữ được nét hồn nhiên như đất trời, như cây cỏ. Điều này được phản ánh khá rõ nét trong văn xuôi Hữu Tiến.

Xem tất cả 117 trang.

Ngày đăng: 29/02/2024
Trang chủ Tài liệu miễn phí