Công tác xã hội với phụ nữ đơn thân nuôi con trên địa bàn huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương - 17

BIÊN BẢN

PHỎNG VẤN SÂU PHỤ NỮ ĐƠN THÂN NUÔI CON

(Trường hợp mẹ đơn thân bị chồng ruồng bỏ)


1. Tổng quan:

- Thành phần: người nghiên cứu (NNC), chị Đ.T.C.T (CT)

- Địa điểm: tại nhà riêng của thân chủ

- Thời gian: từ 15h05phút đến 16h10 phút ngày 8/9/2018

2. Thông tin người được phỏng vấn:

- Tuổi: 37 tuổi

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 139 trang tài liệu này.

- Dân tộc: kinh

- Tôn giáo: không

Công tác xã hội với phụ nữ đơn thân nuôi con trên địa bàn huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương - 17

- Nghề nghiệp: hớt tóc

- Thuộc dạng mẹ đơn thân: bị chồng ruồng bỏ

3. Nội dung:

NNC: Chị vui lòng cho biết tên, tuổi và hoàn cảnh gia đình hiện tại của

mình?

CT: Chị tên Đ.T.C.T, sinh năm 1981, hiện gia đình có 3 người (bà Ngoại,

chị và con trai sinh năm 2000).

NNC: Tiệm hớt tóc này của chị hay thuê của ai?

CT: Của chị luôn, không thuê. Ở đây mà thuê thì sao đủ ăn em. NNC: Công việc hiện tại của chị tốt không?

CT: Cũng tốt em à. Có tiền lo cho con và sống qua ngày. NNC: Con nhà chị nay đã 18 tuổi rồi. Vậy cháu đang làm gì?

CT: Cháu đang học sửa xe máy ở gần nhà thôi. Thời gian rảnh cháu trút mủ cao su kiếm thêm tiền.

NNC: Vậy cháu học đến lớp mấy mới nghỉ học vậy chị?

CT: Cháu học tới lớp 7 rồi nghỉ. Vì nó học không nổi nữa nên cho nó nghỉ

luôn.


NNC: Cháu nhà chị có ngoan không?

CT: Ừ thì nó cũng ngoan. Nhưng ít nói lắm. Có lúc trầm tư không nói

chuyện với ai cả. Hỏi thì nói, không hỏi thì im lìm lặng lẽ thôi.

NNC: Bà Ngoại nay bao nhiêu tuổi rồi chị?

CT: Bà cũng đã ngoài 70 tuổi rồi em. Sức khỏe cũng không tốt lắm. Hay bị bệnh đau nhức xương khớp.

NNC: Chị có thể cho em biết lý do trở thành mẹ đơn thân?

CT: Chuyện dài dòng lắm em à. Đã lâu rồi không ai hỏi tới chuyện này. Giờ chị có dịp kể cho em nghe nè. Lúc đó chị 19 tuổi, anh ta là người cùng xóm với chị nè. Sau 3 tháng săn đón chị dữ lắm, rồi yêu nhau. Chị cũng lỡ trao thân cho người ta và chị đã có bầu. Khi biết chị dính bầu anh ấy cũng đón chị về sống chung. Lúc đó không đăng ký kết hôn mà cũng không có được buổi ra mắt họ hàng 2 bên gì hết đó em.

NNC: Rồi sao nữa chị?

CT: Về sống chung mới biết, anh ấy thay đổi hoàn toàn so với lúc yêu nhau. Suốt ngày nhậu nhẹt, bê tha, bỏ bê chị một mình trong căn nhà lạnh lẽo.

NNC: Nhà không có ai sống cùng hả chị?

CT: Anh ấy mồ côi mẹ từ nhỏ, ba thì ở với người khác rồi. Nhà có 5 anh chị em nhưng mỗi người một nơi, sống riêng hết. Chị nhớ rõ như in, trong suốt một tháng sinh con ra, không ai quan tâm chăm sóc cả (mẹ ruột chị lúc đó phải lo cho ông anh bị kêu án vi phạm pháp luật, nên thỉnh thoảng được mẹ qua thăm nom chút rồi cũng về nhà). Chỉ duy nhất một người hàng xóm tốt bụng bên cạnh nhà chồng thường xuyên qua động viên, chia sẻ và mang những bữa cơm cho ăn. Có những hôm trời thì mưa sấm sét chớp nhoáng mà nhà chỉ có 2 mẹ con. Không may lúc đó bị cúp điện nữa chứ, cả căn nhà tối om. Chị nghe rõ tiếng xào xạt làm lung lay cây Xoài trước nhà, lúc đó chị rất sợ hãi, chỉ biết nằm ôm con trai, rồi lặng lẽ khóc thầm. Cảm giác cô đơn, buồn tủi vô cùng. Nhà thì không có lấy một cây đèn để thắp sáng. Bỗng từ đâu có một luồng ánh sáng loe lói phảng phất trong căn nhà, đó là người hàng xóm tốt bụng mang đèn cầy và mang cơm sang cho chị ăn. Trời ơi! Lúc đó chị mừng quá luôn. Người hàng xóm (Thím Hai) như vị cứu tinh của chị. Chị biết ơn Thím ấy vô cùng mà giờ Thím hai đã mất rồi.

NNC: Ngoài Thím Hai ra còn có ai giúp đỡ chị trong thời gian chị ở nhà chồng không?

CT: Cũng có một vài người bạn trong xóm. Nhưng thỉnh thoảng họ mới đến chơi chút cũng về hà. Nhớ có lần nhỏ bạn nó mang dưa hấu tới (nhà nó trồng dưa hấu) cho ăn dưa hấu mà no luôn đó. Chị đói mà nó cho ăn dưa hấu, thôi thì ăn đỡ còn hơn nhịn đói.

NNC: Con trai chị sức khỏe thế nào?

CT: Nhắc tới chị mới nhớ, Có lúc thằng nhỏ bị bệnh mà không có tiền chữa trị luôn, chị lúc đó đành ở nhà nghe bài thuốc dân gian người ta nói, rồi làm theo. Nhưng ông trời cũng phù hộ thật, nhóc nhà chị cũng khỏi bệnh và khỏe mạnh.

NNC: Người phụ nữ sau sinh rất cần sự quan tâm chăm sóc cả về dinh dưỡng, về tinh thần mà chị lại không nhận được thứ gì cả. Chắc có lẽ chị sẽ rất dễ rơi vào trầm cảm?

CT: Đúng rồi em. Chị buồn, cô đơn, tức giận, bực bội…riết rồi chị cũng không muốn nói chuyện với ai luôn. Nghĩ tới con mà ráng sống chứ không chị nghĩ quẩn rồi. Em biết không, chị đâu có tiền, muốn ăn gì toàn mua thiếu (bà út Thắm). Sau này, không còn sống chung nữa Má chị mới cho tiền chị trả nợ cho bà út Thắm đó chứ. Nghĩ lại thời gian đó chị sợ quá.

NNC: Rồi sau đó thế nào nữa chị? Chị chịu đựng đến khi nào?

CT: Sau một năm chịu đựng, hết chịu nỗi rồi chị quyết định ra đi. Không chấp nhận sống chung với người chồng bỏ bê mình, không yêu thương quan tâm gì đến mình nữa.

NNC: Chị đi đến giờ này luôn hả?

CT: Đâu có em. Chị đi ra khỏi nhà, về nhà mẹ ruột được thời gian. Ông qua năn nỉ chị về sống chung với ông nữa. Ông hứa sẽ không bỏ bê chị, chăm sóc và lo cho mẹ con chị. Chị mềm lòng, nghĩ đến đứa con, tội nghiệp cho nó. Rồi

chị cũng quay lại căn nhà tối tăm đó. Nhưng không ngờ, được thời gian cảnh cũ lại tái hiện, một lần nữa chị rũ bỏ ra đi. Lần này chị quyết đi không bao giờ trở lại nữa. Một người chồng vô tâm, bỏ bê vợ con, không có trách nhiệm với gia đình thì không thể sống chung được nữa.

NNC: Sau đó cuộc sống của chị thế nào?

CT: Sau đó chị bắt đầu cuộc sống mới, đi làm đủ mọi việc để kiếm tiền nuôi con ăn học từ việc đi làm mướn làm thuê, cạo mủ cao su,...Thấy vậy, Má cho tiền chị đi học nghề hớt tóc. Ra nghề, chị mở tiệm tóc tại nhà và làm cho đến nay. Cuộc sống cứ thế bình yên đối với chị và gia đình.

NNC: Cha của con chị ở gần nhà chị như vậy thì tình cảm giữa hai cha con thế nào?

CT: Nó vẫn qua lại với Ba của nó. Nó vẫn thích được mọi người quan tâm, nhất là Ba nó. Có lúc nó tỏ vẻ ganh tị với em trai nó (Ba nó có Vợ khác và đã sinh một bé trai). Nhưng chị cũng thường xuyên động viên và nói chuyện với nó. Nói chung giờ nó lớn rồi nên vẫn ổn.

NNC: Chị có dự định gì trong tương lai không? Chẳng hạn là “đi thêm bước nữa”….

CT: Hiện tại thì không nghĩ đến chuyện đó, nhưng nếu có người nào đó yêu mình thật lòng thì mình cũng suy nghĩ lại.

NNC: Mong muốn hiện tại của chị như thế nào?

CT: Chỉ mong có sức khỏe để làm nuôi con. Mong con học ra nghề sửa xe, có việc ổn định, lấy vợ có gia đình hạnh phúc là được rồi.

NNC: Cám ơn chị đã cởi mở chia sẻ với em. Chào chị.

BIÊN BẢN

PHỎNG VẤN SÂU PHỤ NỮ ĐƠN THÂN NUÔI CON

(Trường hợp mẹ đơn thân không chồng mà có con)


1. Tổng quan:

- Thành phần: người nghiên cứu (NNC), chị N.T.T.H (T.H)

- Địa điểm: tại nhà riêng của thân chủ

- Thời gian: từ 15h35phút đến 16h35 phút ngày 01/9/2018

2. Thông tin người được phỏng vấn:

- Tuổi: 31 tuổi

- Dân tộc: kinh

- Tôn giáo: không

- Nghề nghiệp: cạo mủ cao su

- Lý do làm mẹ đơn thân: không chồng mà có con

3. Nội dung:

NNC: Chị vui lòng cho biết tên, tuổi và hoàn cảnh gia đình hiện tại của

mình?

T.H: Mình tên N.T.T.H, sinh năm 1987, hiện gia đình có 4 mẹ con (có 1

gái lớn học lớp 8, 1 trai nay học lớp 2, 1 gái nay được 2 tuổi).

NNC: Chị có là chủ hộ không?

T.H: Không, vì nhà này là của mẹ cho ở nhờ thôi. Bà Ngoại cho được miếng đất bên cạnh nhà.

NNC: Gia đình chị thuộc hộ nào của ấp?

T.H: Hộ cận nghèo, trước đây có 1 năm là hộ nghèo.

NNC: Sao có một mình chị là người lao động duy nhất làm nuôi 3 đứa con mà không thuộc diện hộ nghèo của địa phương?

T.H: Do địa phương tính mình chung vào hộ của Ba mình nên mới vậy. NNC: Quê chị ở đây luôn hả?

T.H: Không, quê mình ở Bình Dương. Mình đến Phước Sang này được 10 năm rồi.

NNC: Chị có người thân nào sống gần đây không?

T.H: Có đứa em gái nhưng chị em cũng không hợp tính nhau. Vì vậy, cũng ít qua lại lắm. Ông bà Ngoại và cậu thì ở Bình Dương rồi.

NNC: Hiện chị đang làm nghề gì?

T.H: Cạo mủ cao su, cách đây 8 cây số (rẫy cao su ở xã Tân Hiệp). NNC: Sao chị đi cạo ở xa vậy?

T.H: Ở gần đây người ta xin cạo hết rồi. Mình đâu có xin cạo được. NNC: Với đoạn đường khá xa như vậy chị đi cạo mủ lúc mấy giờ?

T.H: Từ 9 hoặc 10 giờ tối là mình bắt đầu đi cạo rồi. Cạo đến 1 hoặc 2 giờ sáng mới về tới nhà. Nói chung đi cạo riết rồi thấy đoạn đường cũng không xa lắm.

NNC: Thu nhập của chị bình quân một tháng là bao nhiêu? T.H: Khoảng 4 - 5 triệu à.

NNC: Với thu nhập như vậy có đủ lo cho các con không chị?

T.H: Thì gói ghém cũng đủ nhưng tháng nào đám tiệc nhiều là bị thiếu. NNC: Lúc đó chị xoay sở như thế nào?

T.H: Thì mượn đỡ bà con hàng xóm từ từ có tiền trả lại.

NNC: Một mình nuôi 3 đứa con chắc hẳn chị cũng sẽ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống?

T.H: Ừ thì khó khăn chứ, chỉ một mình làm nuôi 3 đứa nó, không có trợ cấp gì thêm nhưng lay lắt rồi cũng qua hết hà. Chị cũng không để tụi nó thiếu thốn gì đâu, thèm ăn gì chị cũng mua cho nó hết (lúc này mua không được thì lúc khác mua cho con).

NNC: Ba của mấy cháu có hỗ trợ gì cho chị không?

T.H: Không có hỗ trợ gì đâu. Không giấu gì mình là mẹ đơn thân, 2 đứa lớn là một cha, còn đứa nhỏ là cha khác. Từ đó tới giờ mình không có kết hôn với ai hết. Vì vậy, con mình đẻ ra thì tự mình nuôi thôi.

Chị không biết đâu, hồi đó mình mới lên đây ở mọi người ai cũng dè bỉu, xem thường mình này nọ, nói mình lẳng lơ trai gái. Rồi có người vô cớ ghen tuông mình với chồng của họ (mà nói thật với chị mình thậm chí không biết mặt chồng họ là ai luôn...). Nói chung giờ ai cũng biết tính mình thì đỡ rồi, ai rảnh rỗi đâu mà nói chuyện của mình riết.

NNC: Dạ, xin chia sẻ với chị nha. Ai cũng có một hoàn cảnh riêng hết “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh” mà chị. Rồi mọi người cũng sẽ thông cảm và chia sẻ cho hoàn cảnh của chị thôi. Vậy lúc gặp khó khăn nhất chị nhờ sự giúp đỡ của ai?

T.H: Thì cũng có phía Ngoại, nhưng cũng giúp phần nào thôi, cũng còn có chính quyền cho vay vốn ngân hàng chính sách xã hội làm ăn thêm.

NNC: Các con của chị trước giờ có được hưởng trợ cấp gì không?

T.H: Cũng có hưởng được thời gian rồi bị cắt chế độ, nay không được hưởng nữa.

NNC: Những tháng nghỉ cạo mủ cao su chị làm gì?

T.H: Buôn bán thêm (bán cá viên chiên) ở cổng trường học cấp 1 Trường tiểu học đó.

NNC: Sự việc nào làm cho chị thấy lo lắng và bế tắc nhất?

T.H: Mình nhớ một sự việc xảy ra cách đây 6 tháng rồi, hôm đó mình đi cạo mủ cao su, ở nhà cái máy giặt đồ bị chập điện sao đó nên nó cháy đen thui luôn. Các con đang ngủ, khói thì nghi ngút khắp căn nhà. Con chị đầu thức dậy hoảng hốt kêu mấy đứa em dậy ra phía ngoài cửa ngồi.

NNC: Lúc đó khoảng mấy giờ vậy chị?

T.H: Khoảng 1h sáng. Nhỏ chị lấy nước tạt vào máy giặt, tạt hoài không tắt mà lửa ngày càng cháy to. Nó hoảng hồn khóc rồi chạy qua kêu cửa mong hàng xóm giúp đỡ. Người hàng xóm qua nhà vội cúp điện, rồi tiếp tục lấy nước dập lửa. Lúc đó mọi việc đã ổn rồi nhưng vẫn còn khói nghi ngút. Khi mình về tới nhà nghe sao nhà có mùi khét. Vội vã chạy vào nhà, lay mấy đứa con, đầu tiên lay con bé nhỏ trước, thấy nó vẫn còn cựa quậy. Mừng quá! Mình tiếp tục lay 2 đứa còn lại. May quá các con mình vẫn còn khỏe mạnh, không vấn đề gì (Lúc này mình mới thở phào nhẹ nhỏm). Trước lúc đó mình mất tinh thần hẳn,

cảm thấy hoang mang, lo lắng cho các con. Nếu tụi nó có chuyện gì chắc mình cũng đi theo tụi nó luôn, không sống nổi đâu. Mình vội điện thoại cho ông bà Ngoại kể sự việc đã xảy ra. Ông bà Ngoại động viên và trấn an mình. Rồi mình cũng điện thoại cho nhỏ em ở xóm (Bé Hương con ông 3 Long) nó cũng động viên mình rất nhiều. Bản tính mình rất mạnh mẽ nhưng khi gặp những tình huống như vậy mình hoàn toàn bế tắc, hoang mang….Giờ nghĩ lại mình còn sợ nè.

NNC: Dù có mạnh mẽ đến đâu nhưng khi gặp những tình huống như vậy ai cũng sẽ như chị thôi. Dẫu sao mọi chuyện đã qua và ổn cả rồi.

NNC: Chị có tham gia gì ở ấp không?

T.H: Có, làm Hội Chữ Thập Đỏ ở ấp (hàng tháng được 150 ngàn đồng).

Nói chung thì làm cho vui chứ có bao nhiêu tiền đâu.

NNC: Dự định của chị trong tương lai như thế nào?

T.H: Cũng không có dự định gì hết, giờ chỉ biết làm kiếm tiền lo cho mấy đứa. Nhưng đứa đầu chắc cho nó học hết lớp 9 rồi đi học nghề gì đó, sau này nó có lấy chồng cũng có cái nghề làm kiếm tiền đỡ cực khổ như mình. Chỉ mong nó lo được cho bản thân và gia đình nó, chứ cũng không mong nó lo cho mình được gì đâu. Còn 2 đứa kia lo được tới đâu hay tới đó à.

NNC: Mong muốn của chị hiện tại là gì?

T.H: Chỉ mong có sức khỏe làm nuôi con. Hiện tại đang bị thoái hóa cột sống cổ, hay bị tê tay (nếu làm công việc nặng nhọc). Vì vậy, chỉ cạo mủ được thôi không trút mủ được.

NNC: Cám ơn chị đã dành thời gian cho em.

T.H: Không có gì đâu. Cám ơn chị đã đến nhà chơi rồi tâm sự với mình.

BIÊN BẢN

PHỎNG VẤN SÂU PHỤ NỮ ĐƠN THÂN NUÔI CON

(Trường hợp đơn thân do ly hôn)


1. Tổng quan:

- Thành phần: người nghiên cứu (NNC), chị N.T.T.M (TM)

- Địa điểm: tại quán café Cẩm Tú

- Thời gian: từ 10h30phút đến 11h20 phút ngày 14/9/2018

2. Thông tin người được phỏng vấn:

- Tuổi: 34 tuổi

- Dân tộc: kinh

- Tôn giáo: không

- Nghề nghiệp: công nhân viên chức nhà nước

- Thuộc dạng mẹ đơn thân: do ly hôn

3. Nội dung:

NNC: Chị vui lòng cho biết tên, tuổi và hoàn cảnh gia đình hiện tại của

mình?

TM: Em tên N.T.T.M, sinh năm 1984, hiện gia đình có 5 người (ông bà

Ngoại, em và 2 con gái đứa lớn 11 tuổi, đứa nhỏ 7 tuổi).

NNC: Công việc hiện tại thế nào?

TM: Vẫn bình thường à. Là cán bộ nhà nước ở xã nên cũng có thời gian để chăm sóc các con. Những lúc bận rộn thì nhờ ông bà Ngoại giúp.

NNC: Lương hàng tháng của em được bao nhiêu?

TM: Hiện tại khoảng 6 triệu/tháng. Đủ chi tiêu và lo cho 2 con. Nhưng cũng phải nhờ ông bà Ngoại nhiều lắm.

NNC: Em có thể chia sẻ với chị về chuyện lý do trở thành mẹ đơn thân?

TM: Năm 2006 em kết hôn với anh ấy. Lúc đầu tình cảm vợ chồng rất tốt, hạnh phúc. Năm 2007 em sinh bé đầu. Sau đó hạnh phúc được khoảng 5 năm thì tất cả đã thay đổi. Anh ấy vô tâm, chỉ ham chơi đàn đúm bạn bè, bỏ bê mẹ con em. Rồi còn lăng nhăng chuyện tình cảm với người khác nữa. Em bắt đầu chịu đựng, chấp nhận sống trong hoàn cảnh đó. Thương con nên không dám nghĩ đến chuyện ly hôn. Rồi em lại có bầu đứa thứ hai. Lúc này em bâng khuâng, suy nghĩ dữ lắm, không biết nên để sinh bé hay thế nào? Bởi vì lúc này em buồn lắm, không còn tình cảm với chồng như trước nữa, nên mới suy nghĩ vậy. Nhưng cuối cùng em quyết định sinh con ra dù có như thế nào.

NNC: Rồi sao nữa em?

TM: Em sinh bé thứ 2 mới được 3 ngày, rồi em cũng đưa ra quyết định từ bỏ người chồng vô tâm. Vì em không muốn tiếp tục chịu đựng sống như thế nữa. Ba mẹ con quay trở về nương nhờ ông bà Ngoại.

Khi đó em bước vào cuộc sống của người mẹ đơn thân với bao khó khăn, vất vả. Lúc đó em chỉ là nhân viên hợp đồng nhà văn hóa UBND xã, lương chỉ có 2 triệu/tháng. Vừa phải nuôi 2 con nhỏ, vừa đi học tiếp lớp đại học kinh tế (tại chức). Cuộc sống khó khăn vô cùng nhưng cũng may còn có ông bà Ngoại giúp đỡ, hỗ trợ rất nhiều. Em những tưởng như thế là bình yên, nhưng khi đứa thứ 2

được 2 tuổi cũng là lúc phát hiện bé bị khối u lớn ở não, bác sĩ nói không điều trị được. Lúc đó em suy sụp tinh thần hoàn toàn, đầu óc không suy nghĩ được gì nữa cả. Em đành ôm con về nhà và chạy tìm phương pháp điều trị cho con.

NNC: Chi phí chữa trị có tốn kém nhiều không?

TM: Nhiều lắm, có thời gian mỗi tháng chi phí cho tiền chữa bệnh của con hơn 10 triệu đồng. Em lo lắng không biết tiền đâu để lo cho con được lâu dài? Nhưng cũng may ông bà Ngoại giúp đỡ rất nhiều. Vì vậy, cũng đỡ phần nào sự lo toan về mặt kinh tế.

NNC: Bây giờ sức khỏe của bé thế nào?

TM: Bé cũng tạm ổn nhưng lâu lâu thì bệnh cũ tái phát, bé bị sốt và đưa đi bệnh viện Chợ Rẫy điều trị. Nói chung tới đâu hay tới đó chị ơi. Chỉ mong con ở bên mình được lâu hơn.

NNC: Ba của 02 cháu có hỗ trợ gì không em?

TM: Không chị ơi, một năm gặp có 1 lần và cho tụi nó vài trăm ngàn. NNC: Tình cảm của 2 cháu đối với ba của mình thế nào?

TM: Hai đứa ít nhắc ba nó lắm, bởi vì có quan tâm gì đâu mà nhắc, mà nhớ thương. Thậm chí bé nhỏ bị bệnh chỉ một mình em lo, ông có quan tâm chăm sóc nó ngày nào đâu chị. Nghĩ tới mà thương hai đứa con em.

NNC: Là một người mẹ đơn thân nuôi con chị có mong muốn gì ở chính quyền địa phương hay không?

TM: Có chứ, mong là nhà nước mình sớm có chính sách quan tâm hỗ trợ cho những người mẹ đơn thân như mình và cũng như những bà mẹ đơn thân khác nữa. Ở xã mình số bà mẹ đơn thân cũng đông lắm à.

NNC: Vậy ở đây chính quyền địa phương đã có những hỗ trợ gì cho các bà mẹ đơn thân chưa em?

TM: À, cũng có nhưng chỉ dừng lại ở từng thời điểm nhất định và tùy thuộc vào hoàn cảnh của từng đối tượng thôi chị. Chứ nhà nước chưa có chính sách áp dụng rộng rãi riêng cho các bà mẹ đơn thân nuôi con. Ví dụ như chị

P.T.H.Y được xét xây tặng một căn nhà Mái ấm tình thương đó chị. NNC: Mong muốn hiện tại của em như thế nào?

TM: Giờ mong muốn lớn nhất của em là các con khỏe mạnh, nhất là bé nhỏ sẽ khỏi bệnh, mặc dù đó chỉ là chuyện hy hữu nhưng em mong có điều kỳ diệu sẽ đến với con. Còn về phần em, chỉ mong có sức khỏe để làm nuôi con ăn học, mong ông bà Ngoại luôn khỏe mạnh để cùng sống vui vẻ với em và các cháu.

NNC: Cám ơn em đã chia sẻ với chị. Mặc dù có ít thời gian để nói chuyện với nhau. Chào em. Hẹn gặp lại em dịp khác nhé.

Xem tất cả 139 trang.

Ngày đăng: 13/03/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí