Các Lý Thuyết Ứng Dụng Trong Công Tác Xã Hội Nhóm Đối Với Trẻ Em Mồ Côi


- Kết thúc hoạt động nhóm: chia tay nhóm và khả năng về sự xuất hiện mô hình hoạt động mới với quy mô, thành phần, mục tiêu mới;

- Rút kinh nghiệm về những hoạt động đã làm tốt và những hoạt động chưa thực sự hiệu quả [67], [94].

Như vậy, mặc dù mỗi tác giả đưa ra các giai đoạn can thiệp nhóm với tên gọi khác nhau, nhưng nhìn chung nội hàm và các nhiệm vụ cần thực hiện trong các giai đoạn/bước là giống nhau. Vẫn là các hoạt động tuyển chọn, thành lập nhóm; các hoạt động chuẩn bị về nguồn lực; kế hoạch can thiệp; thực hiện; lượng giá và kết thúc. Chỉ có sự khác biệt ít về việc chia nhỏ các bước trong tiến trình can thiệp CTXHN giữa các tác giả nước ngoài với các tác giả trong nước, nhưng về cơ bản nội hàm của các bước là giống nhau.

Trong nghiên cứu này, tác giả sử dụng tiến trình can thiệp CTXHN của tác giả Nguyễn Duy Nhiên (2010) và tham khảo thêm tiến trình CTXHN của các các tác giả khác làm cơ sở nghiên cứu, đánh giá, đo lường và tổ chức hoạt động thực nghiệm mô hình can thiệp CTXHN.

2.3. Các lý thuyết ứng dụng trong công tác xã hội nhóm đối với trẻ em mồ côi

2.3.1. Thuyết nhu cầu của Abraham Maslow

* Nội dung của lý thuyết

Abraham Maslow sinh ngày 1-4-1908, mất ngày 8-5-1970. Ông là một nhà tâm lý học nổi tiếng người Mỹ. Ông là người đáng chú ý nhất với sự đề xuất về Tháp nhu cầu và ông được xem là cha đẻ của chủ nghĩa nhân văn trong Tâm lý học. Theo ông, nhu cầu của con người được chia làm hai nhóm chính: nhu cầu cơ bản (basic needs) và nhu cầu bậc cao (meta needs). Dưới đây là năm tầng trong tháp nhu cầu của Maslow gồm:

(1) Các nhu cầu căn bản nhất thuộc về "thể lý" (physiological) - thức ăn, nước uống, nơi trú ngụ, tình dục, bài tiết, thở, nghỉ ngơi...; (2) Nhu cầu an toàn (safety) - cần có cảm giác yên tâm về an toàn thân thể, việc làm, gia đình, sức khỏe, tài sản được đảm bảo; (3) Nhu cầu được giao lưu tình cảm và được thuộc (love/belonging) - muốn được trong một nhóm cộng đồng nào đó, muốn có gia đình yên ấm, bạn bè thân hữu tin cậy, muốn nhận được nhiều sự yêu thương từ gia đình, người thân, bạn bè; (4) Nhu cầu được quý trọng, kính mến (esteem) - cần có cảm giác được tôn trọng, kinh mến, được tin tưởng’ (5) Nhu cầu về tự thể hiện bản thân (self-actualization) - muốn

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 233 trang tài liệu này.


sáng tạo, được thể hiện khả năng, thể hiện bản thân, phát triển, trình diễn mình, có được và được công nhận là thành đạt.

Công tác xã hội nhóm đối với trẻ em mồ côi từ thực tiễn các cơ sở chăm sóc trẻ em tại thành phố Hà Nội - 9

* Vận dụng thuyết nhu cầu của Maslow vào công tác xã hội nhóm đối với trẻ mồ côi tại các cơ sở chăm sóc trẻ em mồ côi

Vận dụng lý thuyết nhu cầu của A.Maslow trong nghiên cứu, tác giả tìm hiểu nhu cầu của TEMC tại các cơ sở chăm sóc trẻ em, đặc biệt là các nhu cầu về tình cảm, tâm lý, các giá trị bản thân, nhu cầu xác định vấn đề, nhu cầu hướng nghiệp, nhu cầu được hỗ trợ thông qua phương pháp can thiệp CTXHN. Trong nghiên cứu này, tác giả chú trọng vận dụng các nhu cầu từ nấc thang thứ 2 trở đi, bởi các nhu cầu cơ bản: ăn, uống, ở, mặc… đa số các TEMC đã được đáp ứng cơ bản, trong khi đó các nhu cầu về tình cảm, yêu thương, nhu cầu tôn trọng, khẳng định giá trị bản thân vẫn còn mờ nhạt và chưa được thể hiện rõ.

Tác giả vận dụng thuyết nhu cầu cụ thể vào các nội dung trong phần cơ sở lý luận, thực trạng về các nhu cầu của TEMC và vận dụng trong quá trình thực hiện thực nghiệm phương pháp CTXHN cũng như trong đề xuất các giải pháp bám vào những nhu cầu của TEMC để đưa ra các đề xuất. Cụ thể, tác giả vận dụng thuyết nhu cầu trong quá trình quan sát, đánh giá, phỏng vấn sâu, khảo sát, thảo luận nhóm nhằm nắm bắt được các nhu cầu trẻ đã được đáp ứng, đáp ứng ở mức độ như thế nào và các nhu cầu trẻ chưa được đáp ứng. Từ đó, có kế hoạch giúp trẻ được đáp ứng các nhu cầu khuyết thiếu và kết nối với các nguồn lực giúp trẻ được đáp ứng nhu cầu một cách tốt nhất, phù hợp đặc điểm tâm lý – xã hội của trẻ.

2.3.2. Thuyết học tập xã hội của Albert Bandura

* Nội dung thuyết học tập xã hội

Albert Bandura sinh ngày 4 tháng 12 năm 1925 tại thành phố Nundare phía bắc Alberta, nước Canada. Albert Bandura là người đã có nhiều thí nghiệm dựa trên những kiến thức của mình để đưa ra thuyết học tập xã hội. Thuyết học tập xã hội hay còn gọi là “Học từ quan sát hay rập khuôn”. Thuyết học tập được thực hiện thông qua các thí nghiệm thực tiễn. Ông nhận thấy những trẻ em thay đổi hành vi của mình mà không cần được thưởng hay có những tính toán trước đó. Ông gọi đây là hiện tượng học bằng cách quan sát hay rập khuôn. Từ những kinh nghiệm nghiên cứu ông thiết lập một hệ thống thao tác thực nghiệm bao gồm các bước cho toàn bộ quá trình rập khuôn (học tập xã hội) như sau:


Thứ nhất, sự chú ý: nếu chúng ta muốn học một điều gì đó, chúng ta sẽ tập trung tư tưởng. Tương tự, tất cả những cản trở trong quá trình tập trung sẽ làm giảm khả năng học tập qua cách quan sát.

Thứ hai, giữ lại: là khả năng lưu giữ trí nhớ về những gì chúng ta đã tập trung chú ý vào. Đây là giai đoạn những chuỗi hình ảnh hay ngôn ngữ có những đóng góp vào quá trình lưu trữ.

Thứ ba, lặp lại: cá nhân sẽ chuyển tải những hình ảnh trong hệ tâm thức hay những mô tả ngôn ngữ trở thành hành vi thật sự. Điều này xảy ra cho phép mỗi chúng ta có khả năng lập lại và tái diễn hành vi ban đầu.

Thứ tư, động cơ: là một bộ phận quan trọng trong quá trình học tập một thao tác mới. Chúng ta có mô hình mẫu hấp dẫn, có trí nhớ và khả năng bắt chước, nhưng nếu không có động cơ bắt chước, ít nhất là một lý do tại sao ta phải bắt chước hành vi này, ta sẽ không thể học tập hiệu quả được. Bandura đã nêu rõ tại sao chúng ta có động cơ? Đó là: sự củng cố trong quá khứ, đây là nét chính của thuyết hành vi truyền thống; sự củng cố được hứa trước, phục vụ như một phần thưởng mà chúng ta tưởng tượng ra; sự củng cố ngầm, hiện tượng chúng ta nhìn và nhớ về mô hình được củng cố.

* Vận dụng thuyết học tập xã hội của Bandura vào công tác xã hội đối với trẻ mồ côi tại các cơ sở chăm sóc trẻ em.

Từ nghiên cứu thuyết học tập xã hội của Bandura, tác giả ứng dụng trong việc tìm hiểu, đánh giá về khả năng quan sát, học tập, tham gia các hoạt động CTXHN cũng như quá trình trải nghiệm, thể hiện bản thân, phát triển những điểm mạnh, hạn chế những điểm yếu của TEMC.

Bên cạnh đó, việc vận dụng thuyết học tập của Bandura trong nghiên cứu thể hiện trong quá trình tổ chức các hoạt động can thiệp CTXH (nhóm hướng nghiệp). Trong nghiên cứu này, tác giả vận dụng thuyết học tập xã hội cụ thể vào nội dung chương thực nghiệm tiến trình CTXHN với một chuỗi các hoạt động trong quá trình tham vấn hướng nghiệp cho nhóm TEMC. Khi vận dụng thuyết học tập xã hội vào quá trình can thiệp/hỗ trợ cho các nhóm TEMC, tác giả có thể đánh giá được quá trình quan sát, tiếp thu và học tập của trẻ, từ đó có những định hướng, giải pháp giúp trẻ phát triển được các kiến thức, kỹ năng một cách tốt nhất.


2.3.3. Thuyết hệ thống sinh thái

* Nội dung thuyết sinh thái

Lý thuyết hệ thống sinh thái được Carel Bailey Garmien – Giáo sư ngành CTXH trường đại học Columbia, Mỹ đề xướng vào năm 1973. Quan điểm sinh thái cho rằng hành vi là một hoạt động của con người có sự tương tác với môi trường của họ. Quan điểm sinh thái nhìn nhận hành vi và sự phát triển của mỗi cá nhân trong bối cảnh của một chuỗi hệ thống các mối quan hệ tạo lên môi trường sinh thái của con người. Quan điểm này chỉ ra rằng môi trường sinh thái tập chung vào 5 cấp độ: Hệ vi mô; hệ trung mô; hệ ngoại vi; hệ vĩ mô và hệ niên đại (Chronosystem). Lý thuyết này dựa trên giả thuyết rằng mỗi cá nhân đều trực thuộc vào môi trường và hoàn cảnh sống. Cả các nhân và môi trường đều được coi là thể thống nhất, mà trong đó các yếu tố liên hệ và trực thuộc lẫn nhau rất chặt chẽ.

Lý thuyết hệ thống sinh thái giúp cho những người thực hành CTXH phân tích được sự tương tác giữa các hệ thống xã hội hoặc bên trong các hệ thống này và có thể hình dung ra được những tương tác này sẽ ảnh hưởng đến hành vi của thân chủ như thế nào. Lý thuyết hệ thống sinh thái cho ta hình dung được vị trí của cá nhân trong một hệ thống xã hội với những quan hệ tương tác với các hệ thống khác như: hệ thống gia đình; hệ thống bà con/họ hàng; hệ thống bạn bè; hệ thống nhà trường; hệ thống cộng đồng và các hệ thống dịch vụ cũng như chính sách khác.

Thông qua lý thuyết này, chúng ta có thể thấy được cuộc sống và những vấn đề của mỗi con người trong xã hội đều ít nhiều chịu ảnh hưởng của các mối quan hệ xung quanh họ. Do vậy, trong quá trình làm việc để giúp đỡ thân chủ, cần phải xác định được các hệ thống quanh hệ thống thân chủ có những ảnh hưởng như thế nào đến việc phát sinh các vấn đề hoặc việc giải quyết các vấn đề của thân chủ để có thể có những biện pháp tiếp cận và can thiệp hợp lý.

* Vận dụng thuyết sinh thái – xã hội

Trong nghiên cứu này, tác giả vận dụng thuyết hệ thống sinh thái trong việc tìm hiểu, đánh giá các thông tin liên quan tới gia đình các nhóm thân chủ, tới môi trường cũng như mối quan hệ của các nhóm TEMC trong các cơ sở và trong nhóm.

Tác giả vận dụng thuyết hệ thống sinh thái vào đánh giá thực trạng các hoạt động CTXHN đối với TEMC nhằm có cách nhìn, đánh giá từ những ảnh hưởng


xung quanh môi trường sống của TEMC, từ đó đưa ra những giải pháp nhất định nhằm giúp các nhóm trẻ tăng cường các mối quan hệ, tương tác tích cực. Bên cạnh đó, thuyết hệ thống sinh thái cũng được tác giả vận dụng trong phần thực nghiệm phương pháp CTXHN và đề xuất các giải pháp nhằm cải thiện tốt hơn hoạt động CTXHN đối với TEMC tại các cơ sở chăm sóc TEMC nói chung và trên địa bàn thành phố Hà Nội nói riêng.

2.4. Các yếu tố ảnh hưởng tới hoạt động công tác xã hội nhóm đối với trẻ em mồ côi

2.4.1. Trẻ em mồ côi

TEMC được xem là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng không nhỏ tới sự thành công của các hoạt động CTXHN. Bởi lẽ, TEMC chính là đối tượng tác động cũng như là người thực hiện các hoạt động, mục tiêu đề ra. Các yếu tố từ phía TEMC như:

Các yếu tố về tâm lí

TEMC là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi, các em không được sống trong vòng tay yêu thương của gia đình, thiếu đi sự chăm sóc của cha mẹ. Vì vậy, tâm lý của trẻ có một số điểm khác biệt so với những trẻ được sống cùng cha mẹ như: mặc cảm, tự ti; mất lòng tin vào mọi người xung quanh; sống khép kín; luôn tạo ra một rào cản vô hình … Chính những điều đó, tạo nên những khó khăn trong quá trình tiếp cận, phát hiện vấn đề đối với NVCTXH. Chỉ những NVCTXH có nhiều kinh nghiệm trợ giúp trẻ, khi đó mới có thể phá vỡ được những rào cản vô hình mà trẻ dựng lên.

Bên cạnh đó, do trẻ khó xây dựng mối quan hệ mới cũng như thiếu lòng tin vào những người xung quanh nên NVCTXH cũng khó khăn trong quá trình trợ giúp.

Các yếu tố về nhận thức

Do thiếu tình yêu thương, môi trường giáo dục từ nhỏ, chính vì vậy số đông TEMC gặp khó khăn khi tiếp nhận những thông tin, kiến thức mới. Hơn nữa, việc trẻ coi mình là người không còn giá trị, nên có thể có thái độ buông xuôi, không thiết tha trong học tập, trau dồi và thay đổi những hành vi tiêu cực.


Nếu đa số TEMC có sự nhạy bén trong nhận thức, sẵn sàng tiếp thu những kiến thức, kỹ năng mới, sẽ là tiền đề, động lực cho NVCTXH trong hoạt động trợ giúp nói chung và trong quá trình tổ chức các hoạt động CTXHN nói riêng.

Từ một số đặc điểm tâm lý và nhận thức của trẻ, NVCTXH cần có cách thức tiếp cận, đánh giá và trợ giúp trẻ phù hợp. NVCTXH cần khuyến khích tính tự lập, sự nhiệt tình của trẻ trong các hoạt động, nhất là các hoạt động liên quan tới việc khám phá ra điểm mạnh của bản thân, tham gia vào các nhóm, chủ động trong quá trình tự giải quyết các vấn đề liên quan tới bản thân.

2.4.2. Nhân viên công tác xã hội

NVCTXH có vai trò quan trọng trong việc trợ giúp các nhóm TEMC nói chung và những TEMC tại các cơ sở chăm sóc trẻ em nói riêng. Bởi lẽ, để có thể trợ giúp cho các nhóm TEMC, đòi hỏi NVCTXH cần hội tụ đủ được bốn yếu tố là: kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng, thái độ. Các yếu tố này sẽ là tiền đề giúp TEMC tiếp cận dịch vụ cũng như được giải quyết các vấn đề khó khăn trong cuộc sống.

Kiến thức của NVCTXH: để thực hiện được các hoạt động can thiệp theo phương pháp CTXHN, đòi hỏi NVCTXH cần có kiến thức chuyên sâu về CTXH nói chung và CTXHN nói riêng. Bên cạnh đó, NVCTXH cũng là người cần có các kiến thức liên ngành như: Tâm lý học, xã hội học, pháp luật, chính sách… Chỉ khi NVCTXH có đầy đủ các các kiến thức đó, thì hoạt động can thiệp, hỗ trợ cho các nhóm TEMC mới đạt được hiệu quả.

Kỹ năng của NVCTXH: Nếu NVCTXH chỉ có kiến thức mà thiếu đi các kỹ năng cơ bản thì quá trình hỗ trợ, can thiệp cho các nhóm TEMC sẽ thất bại. Do đó, NVCTXH cần có các kỹ năng như: kỹ năng thấu cảm, lập kế hoạch, lắng nghe, giải quyết mâu thuẫn, tạo lòng tin…Chỉ khi NVCTXH vận dụng một cách linh hoạt các kỹ năng thì vấn đề của các nhóm TEMC mới thực sự được giải quyết và mang lại những kết quả nhất định.

Thái độ của NVCTXH: Bên cạnh kiến thức, kỹ năng thì NVCTXH cần có thái độ tích cực, chủ động, luôn đặt mình vào vị trí của thân chủ, nhóm thân chủ. Nếu NVCTXH giỏi về kiến thức và kỹ năng nhưng chưa có thái độ tích cực, yêu thương con người cũng như nghiêm túc trong quá trình hỗ trợ cho các nhóm TEMC thì các hoạt động can thiệp CTXHN cũng sẽ thất bại.


Kinh nghiệm của NVCTXH: để thực hiện tốt quá trình can thiệp CTXHN cho các nhóm TEMC ngoài việc đòi hỏi NVCTXH cần có kiến thức, kỹ năng, thái độ thì yếu tố về kinh nghiệm cũng được xem là khía cạnh có tác động không nhỏ tới quá trình hỗ trợ cho TEMC. Nếu NVCTXH có kiến thức chuyên sâu, có kỹ năng tốt và nhiệt tình nhưng chưa có kinh nghiệm làm việc với TEMC, đặc biệt là can thiệp theo phương pháp CTXHN thì khi bắt tay vào quá trình can thiệp ít nhiều sẽ những khó khăn và nó ảnh hưởng tới hiệu quả của quá trình can thiệp.

Hiện nay, tại các cơ sở chăm sóc TEMC, các nhóm TEMC thường có những vấn đề chung và có những hạn chế về kỹ năng sống. Hơn nữa, các em chưa định hướng được nghề nghiệp cho bản thân cũng như gặp phải những khó khăn khác trong cuộc sống, đòi hỏi người NVCTXH cần hiểu, vận dụng được phương pháp CTXHN vào can thiệp, trợ giúp cho các nhóm trẻ. Để làm được điều này, đòi hỏi NVCTXH phải nắm chắc các kiến thức về phương pháp can thiệp CTXH; đặc điểm tâm lý của trẻ; những khó khăn và nhu cầu của trẻ… Bên cạnh đó, NVCTXH cần có kỹ năng làm việc với các nhóm TEMC, nhất là các kỹ năng: lắng nghe, thấu cảm, giải quyết mâu thuẫn… Không chỉ dừng lại ở kiến thức, kỹ năng mà NVCTXH cần có thái độ phù hợp, nhiệt tình khi can thiệp cho các nhóm TEMC cũng như có kinh nghiệm trong lĩnh vực CTXHN. Khi NVCTXH hội tụ đủ các yếu tố đó, thì hoạt động can thiệp thông qua phương pháp CTXHN cho các nhóm TEMC tại các cơ sở chăm sóc trẻ em mới thực sự đạt hiệu quả.

2.4.3. Người quản lý

Cán bộ quản lý là những người có tầm nhìn, ảnh hưởng tới các hoạt động của các cơ sở bảo trợ xã hội, họ là những người hiểu rõ nhất về các cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan tới quyền lợi của TEMC. Họ cũng chính là những người tìm kiếm các cơ hội, nguồn lực trợ giúp cho TEMC cũng như phục vụ cho các hoạt động chung của cơ sở bảo trợ xã hội.

Với những người quản lý có tầm nhìn và có khả năng tìm kiếm các nguồn lực, họ luôn biết cách kết nối cơ sở bảo trợ với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, nhằm học hỏi các kinh nghiệm quản lý, chăm sóc trẻ cũng như kêu gọi sự tài trợ phục vụ cho đời sống của các TEMC. Để giúp cho một cơ sở bảo trợ xã hội phát triển và có đầy đủ các cơ sở vật chất, trang thiết bị... người quản lý


không những cần có kiến thức, kỹ năng, thái độ mà cần phải hội tụ nhiều yếu tố khác như: sự linh hoạt, nhanh nhẹn, hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của người khác, biết tổ chức, sắp xếp công việc, con người... một cách hợp lý, đặc biệt hiểu được đặc điểm tâm sinh lý cũng như nhu cầu của TEMC. Qua đó, chúng ta nhận thấy việc TEMC được đáp ứng đầy đủ các nhu cầu và được sống trong một môi trường, không gian tốt phụ thuộc rất nhiều vào người quản lý cơ sở bảo trợ xã hội.

Các yếu tố chủ yếu thuộc về người lãnh đạo liên quan tới hoạt động CTXHN với TEMC như:

- Chiến lược phát triển cơ sở: thực tế cho thấy vai trò quan trọng của lãnh đạo các cơ sở chăm sóc TEMC trong việc đưa ra các chiến lược phát triển cơ sở, chiến lược hỗ trợ, chăm sóc cho TEMC, nhất là các nhóm trẻ có những nhu cầu đặc biệt. Với những lãnh đạo có được chiến lược phát triển cơ sở mang tính thực tiễn và phù hợp với đặc thù đối tượng chăm sóc sẽ thúc đẩy phát triển các hoạt động CTXH nói chung và CTXHN nói riêng.

- Kiến thức liên quan tới CTXHN, đặc điểm tâm lý, nhu cầu của TEMC: hiện nay, không phải tất cả các lãnh đạo các cơ sở đều có chuyên môn sâu về CTXH. Nhưng thực tế đòi hỏi người lãnh đạo cần có kiến thức về CTXH nói chung và CTXHN nói riêng nhằm đưa ra các cách thức quản lý, chỉ đạo và hỗ trợ nhân viên và TEMC tốt nhất. Bên cạnh đó, lãnh đạo cơ sở cần tham gia các khóa tập huấn đó để hiểu rõ được CTXHN là gì? Mục đích của CTXH? Tiến trình thực hiện CTXHN cũng như hiểu được mục đích và ý nghĩa của phương pháp CTXHN đối với TEMC.

- Công tác nhân sự: Cử đội ngũ NVCTXH tham gia các lớp học tập, tập huấn ngắn hạn và dài hạn liên quan chuyên sâu về CTXHN. Việc chuẩn bị nhân sự có kiến thức chuyên sâu về CTXHN được xem là một yếu tố then chốt trong hoạt động hỗ trợ cho TEMC gặp khó khăn tại cơ sở cũng như sự phát phát triển chung và bền vững của cơ sở.

- Kỹ năng quản lý định hướng đội ngũ NVCTXH trong hoạt động trợ giúp, can thiệp theo phương pháp CTXHN với TEMC: người quản lý luôn được xem là một người hội tụ nhiều kỹ năng, nhất là các kỹ năng về lãnh đạo. Tuy nhiên, các kỹ năng chuyên sâu về CTXHN thì không phải người quản lý nào cũng có được, bởi lẽ, số nhiều họ xuất phát từ nhiều chuyên ngành khác nhau, nhưng thực tế đòi hỏi người lãnh đạo cần có các kỹ năng như: kỹ năng điều phối; kỹ năng lắng nghe; quan sát; giải quyết các mâu thuẫn, xung đột; kỹ năng phát hiện vấn đề và can thiệp…

Xem tất cả 233 trang.

Ngày đăng: 20/10/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí