Lựa Chọn Và Thực Hiện Chính Sách Cổ Tức Phù Hợp

bình quân của các DN NY trong ngành VLXD từ mức thấp nhất là 83,07 tỷ đồng vào năm 2013 đã gia tăng lên mức 611 tỷ đồng vào năm 2020. Một số DN NY trong ngành VLXD ở Việt Nam đạt được mức lợi nhuận sau thuế cao như HPG (đạt 13.506 tỷ đồng), HSG (đạt 1.543 tỷ đồng), VCS (đạt 1.428 tỷ đồng). Tuy nhiên kết quả hoạt động kinh doanh cao chỉ tập trung ở các DN đầu ngành, có lợi thế về năng lực sản xuất kinh doanh, có chiến lược quản trị DN phù hợp, thích ứng được với những biến động trên thị trường về giá cả nguyên nhiên liệu, và giá bán đầu ra. Ngược lại, vẫn còn rất nhiều DN có kết quả hoạt động kinh doanh rất thấp, thậm chí còn thua lỗ như DTL (lợi nhuận sau thuế 2020 là 3,1 tỷ đồng), HOM (lợi nhuận sau thuế 2020 là 1,7 tỷ đồng), TBX (lợi nhuận sau thuế 2020 là

-2,06 tỷ đồng) ; HLY (lợi nhuận sau thuế 2020 là -14,16 tỷ đồng). Vì vậy, việc tập trung các biện pháp tăng doanh thu, giảm chi phí, từ đó gia tăng lợi nhuận là việc làm cần thiết để tạo tiền đề tái CCNV theo hướng gia tăng nguồn vốn nội sinh cho các DN NY trong ngành VLXD trong thời gian tới.

3.3.2.2. Lựa chọn và thực hiện chính sách cổ tức phù hợp

Với đặc thù là ngành đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn, việc ưu tiên lợi nhuận để lại tái đầu tư là rất cần thiết. Hơn nữa, việc đầu tư dựa nhiều vào nguồn vốn nội sinh còn giúp cho doanh nghiệp tránh được rủi ro của việc gia tăng áp lực huy động nợ vay trong bối cảnh việc huy động vốn mới gặp nhiều khó khăn. Với các DN NY trong ngành VLXD quy mô nhỏ, việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng cũng như phát hành cổ phiếu mới là khó khăn, những công ty này cần dựa nhiều hơn vào nguồn vốn nội sinh. Vì vậy, những DN NY trong ngành VLXD này cần duy trì một chính sách chi trả cổ tức thấp. Các DN NY trong ngành VLXD quy mô lớn thường có thể linh hoạt hơn về tỷ lệ chi trả cổ tức do khả năng tiếp cận tốt hơn với nguồn vốn. Tuy nhiên, các DN NY trong ngành VLXD quy mô lớn cũng rất cần ưu tiên giữ lại lợi nhuận tái đầu tư trong bối cảnh thực hiện các dự án đầu tư quy mô lớn.

Xem xét quyết định phân phối lợi nhuận của các DN NY trong ngành VLXD cho thấy hầu hết các DN thực hiện chính sách thặng dự cổ tức, ưu tiên giữ lại lợi nhuận để tái đầu tư. Tuy nhiên, số ít DN cần có điều chỉnh nhất định về chính sách cũng như hình thức cổ tức. Cụ thể như sau:

CTCP Núi Đá Nhỏ có mức trả cổ tức bằng tiền cao nhất và duy trì ổn định qua các năm. Tổng mức trả cổ tức của CTCP Núi Đá Nhỏ thường lên tới trên 60% mệnh giá cổ phiếu, trong đó hầu hết là trả cổ tức bằng tiền mặt. CTCP Núi Đá Nhỏ là một trong những DN đạt lợi nhuận sau thuế ổn định. DN có thể tiếp tục duy trì chính sách cổ tức cao nhưng thay đổi hình thức trả cổ tức bằng cổ phiếu để ưu tiên giữ lại lợi nhuận tái đầu tư, giảm áp lực huy động vốn từ bên ngoài. Hay như CTCP Vicostone

cũng có mức chi trả cổ tức bằng tiền khá cao. Điển hình như năm 2019, CTCP Vicostone đã thực hiện chi trả cổ tức bằng tiền, với tỷ lệ lên tới 60% mệnh giá. DN cũng có thể điều chỉnh giảm bớt tỷ lệ chi trả để tập trung vốn cho đầu tư, tăng nguồn vốn nội sinh tạo sự tăng trưởng cao trong tương lai.

3.3.3. Điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn theo thời gian sử dụng vốn

Nguồn vốn thường xuyên của các DN NY trong ngành VLXD ở Việt Nam trong giai đoạn 2009-2020 còn ở mức thấp. Theo số liệu chi tiết có 12/30 doanh nghiệp trong mẫu thường có tỷ trọng nguồn vốn thường xuyên ở mức từ 30%-50% trong tổng nguồn vốn. Có thể thấy rằng, các DN NY trong ngành VLXD còn phụ thuộc vào nguồn vốn ngắn hạn. Tuy nhiên qua phân tích định lượng ở mục 2.2.3.2, DN càng sử dụng nhiều nợ ngắn hạn càng có Tobin’s Q thấp. Điều này đồng nghĩa với việc hệ số nợ ngắn hạn cao cung cấp tín hiệu tiêu cực về DN đến các nhà đầu tư. Bên cạnh đó thì nguồn vốn lưu động thường xuyên của một số doanh nghiệp VLXD đã và đang ở trong tình trạng nhỏ hơn 0, nguy cơ về mất khả năng thanh toán là hiện hữu. Chính vì vậy, trong dài hạn, việc tăng cường nguồn vốn thường xuyên là một trong những yêu cầu đặt ra đối với hoạt động của DN NY trong ngành VLXD ở Việt Nam. Trong nguồn vốn thường xuyên, bên cạnh việc tăng cường vốn chủ sở hữu thì việc tăng nợ dài hạn thay cho nợ ngắn hạn cũng là một hướng đi phù hợp với các DN NY trong ngành VLXD ở Việt Nam để đảm bảo sự an toàn và ổn định cho doanh nghiệp. Cụ thể:

Một, phát hành trái phiếu:

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 241 trang tài liệu này.

Một lợi thế đối với DN NY trong ngành VLXD ở Việt Nam là có thể thực hiện phát hành trái phiếu để huy động vốn trên thị trường chứng khoán. Hiện tại, phát hành trái phiếu DN được quy định tại NĐ 163/2018/NĐ-CP. Thị trường trái phiếu Việt Nam đang hoạt động sôi nổi trong 2 năm trở lại đây, tuy nhiên có rất ít các DN NY trong ngành VLXD ở Việt Nam thực hiện phát hành trái phiếu. Do vậy, các DN NY trong ngành VLXD cần xem xét sử dụng việc phát hành trái phiếu để huy động vốn dài hạn. Vấn đề cốt lõi là lựa chọn loại hình trái phiếu phát hành và đối tượng phát hành. Về loại hình, thay vì phát hành trái phiếu truyền thống, các DN NY trong ngành VLXD có thể xem xét phát hành trái phiếu đảm bảo để tăng khả năng phát hành thành công. Về đối tượng, các DN NY trong ngành VLXD có thể hướng đến những nhà cung cấp, những khách hàng truyền thống. Đây là những đối tượng đã có quan hệ kinh tế dài hạn với doanh nghiệp, khả năng thành công sẽ cao hơn. Đồng thời, việc phát hành trái phiếu cho chính những chủ thể trên còn tạo ra sự gắn kết lợi ích hai chiều, gia tăng hiệu quả của đồng vốn vay.

Hai, cơ cấu nguồn vốn vay.

- Đối với các doanh nghiệp có hệ số nợ cao, gặp khó khăn trong việc thanh toán các khoản nợ nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn có khả năng phục hồi thì cần:

+ Việc trước mắt cần đàm phán với chủ nợ trong việc giảm lãi suất, giãn nợ. Bên cạnh đó về lâu dài thì phía doanh nghiệp cũng cần tập trung cải thiện hoạt động kinh doanh để có nguồn thanh toán nợ.

+ Đồng thời có thể đàm phán với chủ nợ để điều chỉnh kỳ hạn nợ cho phù hợp hơn với thời gian sử dụng tài sản, tránh tình trạng mất cân đối nguồn vốn, góp phần lành mạnh hoá tình hình tài chính của doanh nghiệp.

+ Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có thể thương lượng với các chủ nợ trong việc chuyển nợ thành vốn góp cổ phần. Điều đó có thể giúp cho tình hình tài chính của công ty được lành mạnh hoá hơn, đồng thời khi chủ nợ có quyền tham gia sâu vào các hoạt động của doanh nghiệp sẽ góp phần giúp doanh nghiệp kiểm soát tốt hơn dòng tiền đầu tư. Tuy nhiên, chủ nợ phải là người am hiểu về tình hình hoạt động cũng như triển vọng của doanh nghiệp thì mới đưa ra quyết định chuyển nợ thành vốn góp. Nên để thực hiện hoạt động này cũng rất khó khăn.

- Đối với các doanh nghiệp có hệ số nợ cao nhưng hoạt động kinh doanh thua lỗ kéo dài, khả năng phụ hồi yếu thì cần có giải pháp như kịp thời bán lại các khoản nợ cho bên thứ 3.

- Sau khi thực hiện các biện pháp cơ cấu lại các khoản nợ, doanh nghiệp và chủ nợ cần thiết lập cơ chế kiểm soát các khoản nợ vay phát sinh mới nhằm giúp cho doanh nghiệp giữ được cơ cấu nguồn vốn phù hợp. Để làm được điều đó, doanh nghiệp cần có một cơ chế kiểm soát các khoản vay nợ với một số yêu cầu cơ bản như:

+ Khống chế tổng mức vốn đối ứng của doanh nghiệp cho tất cả dự án không được vượt quá vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp.

+ Doanh nghiệp cần kiểm soát chung các khoản nợ đối với tất cả các ngân hàng mà doanh nghiệp phát sinh giao dịch. Để từ đó nắm được hệ số nợ của doanh nghiệp tại mọi thời điểm, thường xuyên theo dõi sự biến động của hệ số nợ để có biện pháp điều chỉnh cho phù hợp với cơ cấu nguồn vốn mục tiêu của doanh nghiệp.

3.3.4. Điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn phù hợp với vòng đời doanh nghiệp

Từ góc độ lý thuyết, tại mỗi giai đoạn của vòng đời doanh nghiệp, căn cứ vào mục tiêu chiến lược, đặc điểm kinh doanh, khả năng tiếp cận, và chi phí của các nguồn tài trợ, nhà quản trị có quyết định cơ cấu nguồn vốn phù hợp. Với những doanh nghiệp đang ở giai đoạn tăng trưởng, tiềm năng thị trường lớn song hoạt động kinh doanh chưa ổn định, rủi ro kinh doanh cao dẫn đến việc huy động vốn vay là điều rất khó khăn. Mặt khác, chủ

sở hữu muốn nhận dòng tiền kỳ vọng lớn nên không muốn sử dụng nợ vay. Trái lại, những doanh nghiệp ở giai đoạn ổn định với dòng tiền dồi dào có xu hướng vay nợ nhiều hơn. Một phần để dịch chuyển rủi ro sang các chủ nợ, một phần để giảm bớt chi phí đại diện. Ngoài ra, những doanh nghiệp lớn có tài sản cố định nhiều và vị thế thị trường mạnh dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn có giá rẻ hơn trên thị trường nhờ vào những lợi thế sẵn có. Như vậy, quyết định cơ cấu nguồn vốn cần có sự phù hợp với từng giai đoạn trong vòng đời doanh nghiệp.

Kết quả nghiên cứu định lượng cũng cho thấy cơ cấu nguồn vốn của DN NY trong ngành VLXD ở Việt Nam có sự khác biệt theo từng giai đoạn của vòng đời doanh nghiệp. Những doanh nghiệp ở giai đoạn chuyển từ tăng trưởng sang phát triển có mức sinh lời phụ thuộc lớn vào nợ ngắn hạn. Như đã nhận định ở nội dung 3.3.1.2 các DN toàn ngành cần điều chỉnh giảm bớt tỷ trọng nợ ngắn hạn song đối với các DN có cơ hội phát triển, trong vòng 5 năm tới, điều chỉnh tỷ trọng nợ ngắn hạn cần làm giảm tốc độ và thận trọng để tránh bỏ lỡ cơ hội tăng trưởng. Giảm sự phụ thuộc vào nợ ngắn hạn cần được thực hiện song song với tăng năng lực tài trợ nội sinh (tích luỹ từ kết quả kinh doanh) và tăng nợ vay dài hạn. Hệ số nợ dài hạn mục tiêu cho các DN ở giai đoạn phát triển nên được nâng lên mức 34.45% để gia tăng lợi ích cho các chủ sở hữu.

Đối với những doanh nghiệp ở giai đoạn tiền suy thoái, cần đẩy nhanh tốc độ điều chỉnh tỷ trọng nợ ngắn hạn cũng như duy trì hoạt động kinh doanh để tăng năng lực tự tài trợ, từ đó giảm bớt nợ vay dài hạn, nâng cao giá trị công ty trên thị trường. Đây là tiền đề quan trọng để các doanh nghiệp này huy động lượng vốn phục vụ cho nhu cầu đầu tư mới nhằm tái cấu trúc hoạt động kinh doanh theo chiến lược ngành VLXD.

3.3.5. Hoạch định cơ cấu nguồn vốn mục tiêu cho các DNNY ngành VLXD

a. Căn cứ đề xuất giải pháp

Kết quả mô hình định lượng cũng như điều tra các nhà quản trị tài chính của các DNVLXD cho thấy các DN ngành VLXD có xác định cơ cấu nguồn vốn mục tiêu và đưa ra các quyết định huy động xoay quanh cơ cấu nguồn vốn mục tiêu. Nhà quản trị cũng đưa ra những nhận định khá nhất quán với kết quả của mô hình hồi quy. Chẳng hạn, nhà quản trị tài chính của CTCP xi măng Bỉm Sơn cho rằng mức hệ số nợ hiện tại của công ty (0,47) chưa phải là mức CCNV mục tiêu. Tác giả luận án cũng khuyến nghị mức 0,6 dành cho các DN xi măng. Đối với CTCP Hoà Phát, mức nợ vay hiện tại được nhà quản trị đánh giá là cao hơn mức mục tiêu. Kết quả này cũng nhất quán với khuyến nghị của tác giả luận án về việc xem xét hạ thấp hệ số nợ ngắn hạn của các DN thép song gia tăng tỷ trọng nợ vay dài hạn trong tổng nguồn vốn.

Tuy nhiên, câu hỏi về phương thức huy động vốn cho thấy trong thực tiễn nhà quản trị tài chính của các DNVLXD ra quyết định về CCNV dựa trên việc xem xét nhiều nhân tố; trong đó, ba nhân tố chính là đặc điểm của dự án đầu tư, biến số kinh tế vĩ mô, và cơ cấu cổ đông hiện tại. Đặc điểm kinh doanh và triển vọng tăng trưởng của lĩnh vực kinh doanh có tác động đến trật tự ưu tiên các nguồn vốn khi ra quyết định huy động. Các DN cũng rất chú trọng đảm bảo hoạt động liên tục, duy trì tỷ suất sinh lời của tài sản cao hơn mức chi phí lãi vay để đảm bảo TSSL cho chủ sở hữu.

Như đã trình bày tại mục 1.3.2, có nhiều cách tiếp cận về mặt lý thuyết để một doanh nghiệp có thể lập kế hoạch huy động vốn trong trung và dài hạn. Mỗi cách tiếp cận đòi hỏi những thông tin đầu vào, điều kiện áp dụng khác nhau; đồng thời, bất kỳ phương pháp nào cũng có những ưu điểm và hạn chế riêng. Câu hỏi đặt ra rằng, cách tiếp cận nào là phù hợp nhất với các doanh nghiệp niêm yết ngành VLXD nói chung và DN ngành VLXD ở Việt Nam nói riêng?

b. Những đề xuất chung về hoạch định CCNV mục tiêu cho các DNNY ngành VLXD

Trong phạm vi của luận án này, tác giả cho rằng hoạch định CCNV cho các DNNY ngành VLXD nói riêng và ngành VLXD nói chung cần xét đến những yếu tố sau:

Thứ nhất, dự án đầu tư có triển vọng. Thực chất việc xác định các cơ hội đầu tư có triển vọng thuộc về quyết định đầu tư. Tuy nhiên, đây là tiền đề quan trọng để hoạch định CCNV vởi dòng tiền của dự án đầu tư đảm bảo lợi ích cho các chủ thể cung cấp vốn, rủi ro của DAĐT quyết định đến mức TSSL đòi hỏi của các bên tham gia cung cấp vốn. Quy mô đầu tư cho biết lượng vốn doanh nghiệp cần huy động và xác lập các ngưỡng huy động vốn gắn liền với chi phí sử dụng vốn cận biên cho từng nguồn vốn. Doanh nghiệp cần tách bạch cơ cấu nguồn vốn của từng dự án với cơ cấu nguồn vốn hiện tại của doanh nghiệp. Nếu mức độ rủi ro của đồng vốn đầu tư mới và đồng vốn đã đầu tư vào tài sản hiện tại là như nhau, doanh nghiệp không thực hiện điều chỉnh chi phí sử dụng vốn cho từng nguồn cá biệt. Trái lại, nếu DN nhận định dự án có rủi ro cao hơn, DN cần điều chỉnh chi phí sử dụng vốn theo phần bù rủi ro đòi hỏi của chủ nợ và chủ sở hữu.

Thứ hai, xác định cơ cấu nguồn vốn mục tiêu cho dự án đầu tư dài hạn. Nếu cơ cấu nguồn vốn hiện tại đã là cơ cấu nguồn vốn mục tiêu, doanh nghiệp có thể tiếp tục giữ nguyên cơ cấu huy động các nguồn vốn như vậy. Tuy nhiên, việc huy động vốn trong thực tiễn không hề đơn giản do chi phí huy động vốn, các thủ tục pháp lý, bối cảnh kinh tế vĩ mô, các sự kiện bất thường gây rủi ro hệ thống. Do đó, các nhà quản trị tài chính có xu hướng ưu tiên tính linh hoạt trong tài trợ nhằm đảm bảo đủ vốn cho đầu tư và duy trì tính liên tục của hoạt động. Nguồn vốn nào có lợi nhất được ưu tiên huy động trước. Về mặt lý

thuyết, “lợi ích” của nguồn vốn đến từ tấm lá chắn thuế của nợ vay, tác động khuếch đại TSSL cho các chủ sở hữu, chi phí phá sản, chi phí kiệt quệ tài chính, giảm thiểu chi phí đại diện, duy trì cơ cấu sở hữu, tránh phân tán quyền kiểm soát,…Tuy nhiên trong thực tiễn, cần ưu tiên huy động đủ vốn, không bỏ lỡ cơ hội đầu tư triển vọng, và duy trì hoạt động liên tục cho các doanh nghiệp.

Thứ ba, nếu doanh nghiệp không có kế hoạch đầu tư triển vọng, xem xét tái cơ cấu nguồn vốn hiện tại để tối đa hoá hiệu quả sử dụng vốn kinh doanh, gia tăng TSSL cho chủ sở hữu. Đây là cách điều chỉnh CCNV mà không cần bổ sung nguồn vốn ngoại sinh. Hoạt động này được điều chỉnh từng bước trên cơ sở kết hợp tái cơ cấu hoạt động kinh doanh và điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn. Doanh nghiệp cần điều chỉnh song song cơ cấu tài sản và cơ cấu nguồn vốn để đảm bảo an toàn tài chính thay vì chỉ trả bớt nợ vay nếu muốn giảm hệ số nợ hoặc tăng vay ngắn hạn nếu muốn tăng hệ số nợ. Thông thường, những doanh nghiệp ở giai đoạn tiền suy thoái hoặc suy thoái thường thực hiện cách điều chỉnh này nhằm thu hồi dần phần vốn đầu tư, chuẩn bị cho giai đoạn tăng trưởng kế tiếp của ngành.

Thứ tư, xét đến yếu tố thuộc về môi trường vĩ mô như lãi suất và lạm phát, phải đưa những biến số này vào phân tích rủi ro khi xây dựng các kịch bản về CCNV mục tiêu. Kịch bản rủi ro được xây dựng dựa trên nhận định của Ban quản trị công ty về những nhân tố tác động đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Thứ năm, xét đến yếu tố thuộc về ngành, lĩnh vực, đặc điểm hoạt động kinh doanh. Ngành nghề kinh doanh quyết định cơ cấu đầu tư tài sản, mức độ rủi ro kinh doanh, và mức TSSL của tài sản. Việc doanh nghiệp lựa chọn vị trí của mình trong chuỗi giá trị ngành, chiến lược cạnh tranh sẽ tác động đến cơ cấu đầu tư, biên lãi ròng, và tốc độ luân chuyển VKD. Đối với ngành VLXD, doanh nghiệp sản xuất và thực hiện khép kín chuỗi giá trị có cơ cấu TSDH cao hơn so với TSNH, rủi ro kinh doanh cao, tốc độ quay vòng vốn chậm song biên lãi ròng cao. Trái lại, những DN thương mại hoặc gia công, rủi ro kinh doanh thấp hơn song khó tăng được biên lãi ròng.

Thứ sáu, xét đến cơ cấu sở hữu hiện tại của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cổ phần hoá từ DNNN thường có xu hướng muốn duy trì cơ cấu sở hữu ổn định, ít xáo trộn thành phần cổ đông. Trái lại, doanh nghiệp tư nhân thường có tính mở cao, ưu tiên nguồn vốn ngoại sinh, đặc biệt là nguồn vốn cổ phần thường mới nhằm đa dạng hoá cơ cấu sở hữu cũng như tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược, gia tăng vị thế trong ngành cũng như trên TTCK. Nhà quản trị tài chính cần căn cứ vào chủ trương của HĐQT để xây dựng phương án hoạch định phù hợp.

Thứ bảy, ưu tiên cao nhất là lợi ích của các chủ sở hữu. Quản trị tài chính hiện đại cho rằng mục tiêu tối đa hoá lợi ích của các chủ sở hữu không còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay khi DN hoạt động trong một hệ sinh thái kinh doanh. Mục tiêu này cần được mở

rộng thành tối đa hoá lợi ích của tất cả các chủ thể có quan hệ về mặt kinh tế với DN. Thực chất không quan điểm nào phủ nhận quan điểm nào do sự giao thoa về lợi ích của các chủ thể với lợi ích của chủ sở hữu. Chỉ khi doanh nghiệp duy trì được vị thế trên thị trường, có hoạt động kinh doanh bền vững thì chủ sở hữu mới có được dòng thu nhập ổn định từ cổ tức và kỳ vọng gia tăng thị giá cổ phiếu mới trở thành hiện thực.

Vấn đề cốt lõi là lựa chọn chỉ tiêu nào để đánh giá lợi ích cho các chủ sở hữu. Theo tác giả luận án, cần kết hợp ba chỉ tiêu là EPS, ROE, và giá cổ phiếu trên thị trường. Đứng từ góc độ sử dụng nguồn lực, EPS và ROE phản ánh mức thu nhập thuần và mức sinh lời cho mỗi đồng vốn chủ sở hữu. Đây là giá trị mang ý nghĩa kế toán, phục vụ cho mục tiêu công bố thông tin nhiều hơn mục tiêu quản trị. Do đó, khi sử dụng những chỉ tiêu này để hoạch định, nhà quản trị tài chính cần dựa vào EPS và ROE ước định trong tương lai, trên cơ sở kế hoạch tài chính được xây dựng. Đứng từ góc độ thị trường, giá cổ phiếu phản ánh đánh giá của thị trường về triển vọng tăng trưởng của doanh nghiệp. Đây là thước đo lợi ích mà các chủ sở hữu nhận được từ cổ phiếu.

c. Hoạch định cơ cấu nguồn vốn cho CTCP tập đoàn Hoà Phát


Tác giả lựa chọn hoạch định cơ cấu nguồn vốn cho CTCP tập đoàn Hoà Phát vì 3 lý do chính sau: (i) Doanh nghiệp dẫn đầu phân ngành thép nói riêng và Vật liệu xây dựng nói chung; (ii) Tiên phong trong hoạt động đầu tư khép kín chuỗi giá ngành và hiện đại hoá công nghệ sản xuất, hướng đến mục tiêu phát triển vật liệu xây dựng bền vững, thân thiên với môi trường; (iii) có số liệu báo cáo chi tiết và đầy đủ về các mảng kinh doanh, quan hệ tín dụng với các ngân hàng, định hướng chiến lược của HĐQT.

Năm 2020, Hoà Phát hình thành 4 Tổng công ty và tập trung vào 4 mảng kinh doanh gồm: Tổng công ty gang thép, Tổng công ty sản phẩm thép, Tổng công ty nông nghiệp, Tổng công ty Bất động sản. Sản xuất gang thép và các sản phẩm có liên quan là lĩnh vực cốt lõi chiếm tỷ trọng trên 80% doanh thu và lợi nhuận của Tập đoàn. Doanh thu từ hoạt động này năm 2019 tăng 81% , lợi nhuận tăng 94%. Doanh thu từ thép xây dựng năm 2020 tăng trưởng ở mức 22,53%, trong khi sản lượng tiêu thụ thép thành phẩm toàn thị trường tăng trưởng âm 1,18%. Thép xây dựng và thép ống Hoà Phát duy trì thị phần số 1 tại Việt Nam với tỷ trọng lần lượt là 32,5% và 31,7%. Số liệu hết quý 3/2021 cho thấy Hoà Phát đã đạt 151% kế hoạch lợi nhuận sau thuế và 88% kế hoạch doanh thu thuần năm 2021. Giá thép tăng mạnh và nhu cầu nhập khẩu thép từ thị trường Trung Quốc tăng cao dẫn đến kết quả kinh doanh vượt trội của Hoà Phát trong năm 2020 và 3 quý đầu năm 2021. Tuy nhiên, diễn biến thị trường giá thép từ tháng 7/2021 cho thấy xu hướng sụt giảm giá cũng như nhu cầu thép HRC tại tất cả các thị trường. Dự báo của price.metal.com cho thấy giá thép tiếp tục giảm đến hết năm 2023. Một dấu hiệu khác cho thấy tốc độ tăng

trưởng của DN thép sẽ giảm dần là hoạt động bán từ phía người nội bộ doanh nghiệp. Bối cảnh này đòi hỏi Hoà Phát cần có bước đi thận trọng trong giai đoạn 5 năm kế tiếp.

Biểu đồ dưới đây mô tả diễn biến doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của Hoà Phát trong vòng 10 năm, từ 2010-2020. Nhìn chung, LSNT của HPG tăng trong toàn giai đoạn với tốc độ tăng ngày một nhanh. Tốc độ tăng LNST năm 2020 lên đến 94%. Năm 2021, trong báo cáo thường niên, công ty đề ra mức kế hoạch doanh thu thuần là 120.000 tỷ và LSNT là 18.000 tỷ. Như vậy, tốc độ tăng doanh thu dự kiến là 31,47% và tốc độ tăng lợi nhuận sau thuế là 33,274%. Kế hoạch sản xuất kinh doanh này được xây dựng dựa trên đánh giá của Ban quản trị về rủi ro tiềm ẩn với hoạt động kinh doanh của công ty.

Biểu đồ 3.3. Doanh thu và LNST của HPG giai đoạn 2010-2020


2026 Nguồn Báo cáo thường niên của HPG năm 2020 Giả định về doanh thu 1



2026:

(Nguồn: Báo cáo thường niên của HPG năm 2020)

Giả định về doanh thu thuần, lợi nhuận sau thuế, ROA của HPG giai đoạn 2022-

- CTCP Hoà Phát tiếp tục duy trì mức tăng trưởng lợi nhuận cao hơn giai đoạn 2015-2019 song tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm không cao bằng mức tăng trưởng của năm 2020/2019 do những dự báo về sụt giảm giá thép và nhu cầu thép trên toàn thế giới. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2015-2019 là 21,226%. Do đó, dự phóng tốc độ tăng trưởng bình quân của giai đoạn 2022-2026 là 40%. Theo kết quả điều tra nhà quản trị tài chính tại các DNVLXD tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành VLXD trong vòng 5 năm tới là ở mức 14%. Với vị thế dẫn đầu thị trường ngành thép cũng như ngành VLXD, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của HPG ở mức 40% là phù hợp.

- Trong giai đoạn 2022-2026, có thể xảy ra ba kịch bản cho HPG về LNST: Kịch bản tốt (xác suất 0,3), Kịch bản bình thường (xác suất 0,5), Kịch bản xấu (xác suất 0,2).

Xem tất cả 241 trang.

Ngày đăng: 21/02/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí