Các Cơ Quan Có Thẩm Quyền Trực Tiếp Đấu Tranh Chống Sản Xuất Và Buôn Bán Hàng Giả Ở Việt Nam

+ Tổ chức chỉ đạo thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử phạt hành chính theo thẩm quyền các vụ vi phạm trong hoạt động thương mại.

+ Thường trực giúp Bộ chủ trì tổ chức sự phối hợp hoạt động giữa các cơ quan nhà nước ở các ngành, các cấp có chức năng quản lý thị trường chống đầu cơ, buôn lậu và các hành vi kinh doanh trái phép (Điều 4) [16, tr. 2, 3].

- Bộ Khoa học Công nghệ: Là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động khoa học và công nghệ; tiêu chuẩn đo lường chất lượng sản phẩm, hàng hoá, sở hữu trí tuệ (không bao gồm quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật); tổ chức thực hiện xác lập quyền sở hữu trí tuệ; thực hiện các biện pháp bảo vệ quyền lợi hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ; quy định và chỉ đạo hoạt động của hệ thống tổ chức quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ; chỉ đạo về nghiệp vụ sở hữu trí tuệ đối với các ngành, địa phương, doanh nghiệp và cơ sở; chủ trì tổ chức giải quyết các tranh chấp về sở hữu công nghiệp và tranh chấp thương mại liên quan đến sở hữu công nghiệp theo quy định của pháp luật [21, tr. 1].

Giúp Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ quản lý nhà nước trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ là Cục Sở hữu trí tuệ. Theo Quyết định số 14/ 2004/QĐ- BKHCN ngày 25/6/2004 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Cục Sở hữu trí tuệ thì Cục Sở hữu trí tuệ là cơ quan trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước và đảm bảo các hoạt động sự nghiệp về sở hữu trí tuệ được quy định tại Điều 1 và khoản 6 Điều 2 Nghị định số 54/2003/NĐ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ, được sửa đổi, bổ sung tại Điều 1 khoản 3 Nghị định số 28/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2004 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 54/2003/NĐ-CP.

Cục Sở hữu trí tuệ có nhiệm vụ, quyền hạn như sau:

+ Xây dựng trình Bộ trưởng chiến lược, quy hoạch phát triển, kế hoạch, các chương trình, dự án liên quan đến sự phát triển của hệ thống sở hữu trí tuệ trong phạm vi cả nước;

+ Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng để Bộ trưởng trình các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế, chính sách liên quan đến sở hữu trí tuệ;

+ Tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án về sở hữu trí tuệ sau khi được ban hành hoặc phê duyệt;

+ Phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện việc kiểm tra các văn bản, quy định do các Bộ, ngành, địa phương ban hành để kiến nghị cấp có thẩm quyền về việc sửa đổi, đình chỉ hoặc huỷ bỏ các quy định trái pháp luật về sở hữu trí tuệ;

+ Ban hành các tài liệu hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về sở hữu trí tuệ, xây dựng trình Bộ trưởng ban hành các biểu mẫu, chứng chỉ, văn bằng bảo hộ, quy chế, tiêu chuẩn liên quan đến việc đăng ký xác lập các quyền sở hữu công nghiệp cũng như các đối tượng sở hữu trí tuệ khác phù hợp với các quy định của pháp luật;

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 123 trang tài liệu này.

+ Thực hiện các thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp theo quy định của pháp luật;

+ Thực hiện các thủ tục duy trì, gia hạn, sửa đổi, chuyển nhượng liên quan đến các quyền sở hữu công nghiệp theo quy định của pháp luật;

Chống sản xuất và buôn bán hàng giả ở Việt Nam hiện nay nhìn từ góc độ quản lý nhà nước - 5

+ Thực hiện theo thẩm quyền các biện pháp bảo vệ quyền lợi hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ; phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan thi hành các biện pháp nhằm bảo vệ các quyền sở hữu trí tuệ và bảo đảm các quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ được thi hành nghiêm chỉnh;

+ Chỉ đạo nghiệp vụ sở hữu trí tuệ cho các cơ quan quản lý sở hữu trí tuệ thuộc các Bộ, ngành, địa phương và cơ sở;

+ Hướng dẫn, kiểm tra việc thi hành pháp luật về sở hữu trí tuệ.

+ Phối hợp thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế về sở hữu trí tuệ; tham gia xây dựng, đàm phán để ký kết, gia nhập các điều ước quốc tế, các tổ chức quốc tế về sở hữu trí tuệ;

+ Xây dựng, quản lý và tổ chức khai thác cơ sở dữ liệu thông tin sở hữu trí tuệ; bảo đảm thông tin sở hữu trí tuệ phục vụ các hoạt động quản lý nhà nước, chuyên môn, nghiệp vụ, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, sản xuất, kinh doanh; công bố các thông tin liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ được bảo hộ tại Việt Nam;

+ Phối hợp với các cơ quan có liên quan tiến hành các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về sở hữu trí tuệ;

+ Thực hiện công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học về sở hữu trí tuệ;

+ Kiểm tra các hoạt động chuyên môn và việc thực hiện các quy định pháp luật của các hội, tổ chức phi chính phủ về sở hữu trí tuệ theo phân công của Bộ trưởng; tiếp nhận, xử lý các kiến nghị và đề xuất biện pháp xử lý các vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ của các tổ chức đó nhằm hoàn thiện và phát triển hoạt động sở hữu trí tuệ;

+ Trong phạm vi được uỷ quyền, giải quyết hoặc tham gia giải quyết các tranh chấp về sở hữu trí tuệ; tiến hành các hoạt động thẩm định, giám định phục vụ việc giải quyết các tranh chấp vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ [34, tr. 2, 3];

- Bộ Văn hoá Thông tin: Là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về văn hoá, thông tin bao gồm quyền tác giả đối với tác phẩm văn học - nghệ thuật [19, tr. 1].

Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về quyền tác giả và quyền liên quan [9, tr. 5].

Theo Quyết định số 09/2007/QĐ-BVHTT ngày 03/5/2007 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thông tin quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục bản quyền Tác giả văn học nghệ thuật thì Cục Bản quyền tác giả văn học - nghệ thuật là cơ quan của Bộ Văn hoá - Thông tin giúp Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trong phạm vi cả nước.

Cục Bản quyền tác giả văn học - nghệ thuật có nhiệm vụ, quyền hạn:

+ Trình Bộ trưởng các dự án về chiến lược, pháp luật, cơ chế, chính sách bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan; tổ chức thực hiện sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

+ Trình Bộ trưởng ban hành, tổ chức và hướng dẫn việc thực hiện các văn bản pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan thuộc thẩm quyền của Bộ Văn hoá - Thông tin;

+ Tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ quyền hợp pháp của nhà nước, tổ chức, cá nhân về quyền tác giả, quyền liên quan;

+ Quản lý quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học, quyền liên quan đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng thuộc về nhà nước theo quy định của pháp luật;

+ Tổ chức thực hiện quy định về việc cung cấp, hợp tác, đặt hàng và đảm bảo quyền tác giả đối với tác phẩm, quyền liên quan đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng;

+ Hướng dẫn Sở Văn hoá - Thông tin về việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan tại địa phương;

+ Quản lý các hoạt động chuyên môn của các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định của pháp luật;

+ Cấp, cấp lại, đổi, huỷ bỏ Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan;

+ Tổ chức và phối hợp hoạt động giáo dục, tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, cơ chế, chính sách về quyền tác giả, quyền liên quan;

+ Giải quyết khiếu nại, tố cáo về quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định của pháp luật;

+ Thực hiện hợp tác quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan;

+ Phối hợp với cơ quan có thẩm quyền của Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng các chủ trương, chính sách, pháp luật chung về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, tổng hợp thông tin chung, thực hiện các dự án hợp tác quốc tế chung về sở hữu trí tuệ và các công việc chung khác có liên quan [35, tr. 1, 2].

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thuỷ lợi và phát triển nông thôn trong phạm vi cả nước. Về nông nghiệp, quản lý nhà nước về giống cây trồng nông nghiệp, phân bón, giống vật nuôi nông nghiệp. Quản lý thông tin khoa học công nghệ, sở hữu trí tuệ chuyên ngành trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ theo quy định của pháp luật [20, tr.1].

Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng [9, tr. 5].

Văn phòng Bảo hộ giống cây trồng mới thuộc Vụ Khoa học Công nghệ và Chất lượng sản phẩm - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giúp Bộ trưởng thực hiện quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng có nhiệm vụ:

+ Tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ và trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định; tư vấn và làm các thủ tục trình Bộ cấp, đình chỉ, huỷ bỏ hoặc thu hồi Văn bằng bảo hộ giống cây trồng mới.

+ Thu phí, lệ phí thẩm định hồ sơ cấp Văn bằng và duy trì hiệu lực của Văn bằng theo quy định. Nguồn thu phí và lệ phí được gửi vào tài khoản của Văn phòng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

+ Tổng hợp, thống kê, lưu trữ hồ sơ và thực hiện thủ tục hành chính khác liên quan đến lĩnh vực bảo hộ giống cây trồng mới được giao [36, tr. 1, 2].

1.2.2.3. Uỷ ban nhân dân các cấp: Là cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm trước Hội đồng nhân dân cùng cấp và cơ quan nhà nước cấp trên. Ủy ban nhân dân thực hiện chức năng quản lý nhà nước ở địa phương, góp phần đảm bảo sự chỉ đạo, quản lý thống nhất trong bộ máy hành chính nhà nước từ trung ương tới cơ sở [12, tr. 2].

Uỷ ban nhân dân chỉ đạo các ngành, các cấp ở địa phương trong công tác chống hàng giả trên địa bàn; tổ chức sự phối hợp giữa các ngành, các cấp, các lực lượng chức năng ở địa phương để kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vụ vi phạm về sản xuất, buôn bán, nhập khẩu, vận chuyển hàng giả. Như vậy Uỷ ban nhân dân chịu trách nhiệm quản lý nhà nước một cách toàn diện các lĩnh vực hoạt động ở địa phương trong công tác phòng, chống sản xuất, buôn bán hàng giả, có thể xem đây là một loại chủ thể quản lý nhà nước trong lĩnh vực phòng, chống sản xuất, buôn bán hàng giả nhưng dưới góc độ chủ thể hình thức.

Ở cấp tỉnh, tham mưu, giúp việc cho UBND các tỉnh, thành phố là các Sở chuyên ngành (cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh): Sở Thương mại quản lý các hoạt động về thương mại, trong đó có Chi cục Quản lý thị trường thực hiện công tác đấu tranh phòng chống sản xuất và buôn bán hàng giả, Sở Khoa học công nghệ (Phòng Sở hữu công nghiệp) quản lý các hoạt động về sở hữu trí tuệ, Sở Văn hoá Thông tin (Phòng Bản quyền) quản lý các hoạt động liên quan đến bản quyền tác giả.

Từ những dẫn chiếu trên cho thấy việc quy định quản lý về hàng giả nói chung và sở hữu trí tuệ nói riêng tại ba cơ quan khác nhau là bất hợp lý. Bởi vì, hoạt động sở hữu trí tuệ diễn ra và tác động tới tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, khoa học, công nghệ. Nguyên tắc điều chỉnh các quan hệ đó là thống nhất và việc có một cơ quan duy nhất về sở hữu trí tuệ tạo điều kiện thuận lợi lớn cho doanh nghiệp trong các thủ tục xác lập quyền đơn giản và thuận tiện hơn. Việc

các cơ quan quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ hợp nhất thành một cơ quan duy nhất sẽ tiết kiệm đáng kể ngân sách mà tập trung hướng về cơ sở; thống nhất quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ sẽ giúp thực thi tốt hơn luật về sở hữu trí tuệ.

Theo những quy định này, Bộ Thương mại không được quy định có thẩm quyền quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, nhưng trên thực tế Bộ Thương mại lại chịu trách nhiệm chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đấu tranh chống sản xuất và buôn bán hàng giả ở thị trường nội địa, trong đó có cả hàng giả xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Điều này dẫn đến thực tế là cơ quan có lực lượng thực thi kiểm tra, kiểm soát (Bộ Thương mại có lực lượng Quản lý thị trương) thì không có chức năng và ngược lại, mặt khác cũng gây ra thực trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan chức năng trong công tác phòng, chống sản xuất và buôn bán hàng giả.

1.2.3. Các cơ quan có thẩm quyền trực tiếp đấu tranh chống sản xuất và buôn bán hàng giả ở Việt Nam

1.2.3.1. Lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự kinh tế và chức vụ (Bộ Công an)

Trong công tác đấu tranh chống hàng giả Lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự kinh tế và chức vụ là lực lượng có chức năng điều tra, khám phá các đường dây, các ổ nhóm sản xuất, buôn bán hàng giả; giúp Bộ trưởng Bộ Công an phối hợp với các lực lượng hữu quan như: Quản lý thị trường, Hải quan và các lực lượng thanh tra chuyên ngành khác để đấu tranh ngăn chặn tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, xử lý các phần tử chống người thi hành công vụ khi có yêu cầu; tham gia cùng các ngành chỉ đạo hướng dẫn các địa phương trong việc đấu tranh chống hàng giả.

Lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự kinh tế và chức vụ có đội ngũ đông đảo, có hệ thống tổ chức chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương, có nhiều ưu điểm, kinh nghiệm trong công tác điều tra và trấn áp tội phạm; tuy nhiên, lực lượng này cũng gặp phải những khó khăn, các mặt hạn chế là: Lực

lượng chuyên trách còn mỏng, đa số vẫn còn kiêm nhiệm dẫn tới hiệu quả đấu tranh chưa cao. Nhiều lúc nhiều nơi, lực lượng Công an chưa thực sự quan tâm tới công tác đấu tranh chống hàng giả, thậm chí còn buông lỏng công tác này.


1.2.3.2. Lực lượng Quản lý thị trường


Lực lượng quản lý thị trường từ lực lượng hoạt động kiêm nhiệm và liên ngành, đến nay đã trở thành lực lượng chuyên trách, tổ chức chính quy từ trung ương đến địa phương: Ở trung ương - Cục Quản lý thị trường thuộc Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương); ở địa phương - có 64 Chi cục Quản lý thị trường với 580 Đội Quản lý thị trường. Số lượng cán bộ công chức toàn ngành năm 1995 là 3.710 người đến nay đã có 5.200 người. Hoạt động của Quản lý thị trường đã có ở khắp thành phố, thị xã, thị trấn, thị tứ đến các bản làng xa xôi ở miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, hải đảo ... và thực sự đã trở thành lực lượng chủ công trong kiểm tra, kiểm soát trên thị trường, được nhân dân và cấp ủy, chính quyền các cấp tin cậy trong công tác đấu tranh chống sản xuất và buôn bán hàng giả [50, tr. 3].

- Ở Trung ương: Cục Quản lý thị trường có phòng chuyên môn là Nghiệp vụ Chống hàng giả, Cục Quản lý thị trường cũng là Bộ phận Thường trực giúp việc cho Ban Chỉ đạo chống hàng giả và gian lận thương mại ở trung ương (Ban Chỉ đạo 127/TW).

- Ở địa phương: Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, thành phố có Đội Quản lý thị trường chuyên trách chống hàng giả. Mỗi Đội Quản lý thị trường ở các Quận, huyện (liên huyện), thị xã đều có Tổ xử lý hàng giả. Chi cục Quản lý thị trường cũng là Bộ phận Thường trực giúp việc cho Ban Chỉ đạo chống hàng giả và gian lận thương mại ở địa phương (Ban Chỉ đạo 127 ĐP).

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 18/11/2023