Nội Dung Quản Lý Nhà Nước Về Chống Sản Xuất Và Buôn Bán Hàng

Quản lý thị trường là lực lượng đóng vai trò chính trong cuộc đấu tranh phòng và chống hàng giả, là lực lượng chuyên nghiệp có chức năng bám sát thị trường, thường xuyên kiểm tra, kiểm soát phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm về hàng giả, và các vi phạm khác trên thị trường.

Trong những năm gần đây, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã có những chuyển biến tích cực, đặc biệt là trong nhận thức cũng như hành động trong lĩnh vực đấu tranh phòng chống hàng giả nói chung và lĩnh vực sở hữu trí tuệ nói riêng; lực lượng Quản lý thị trường, nhất là ở các địa phương đã thực sự quan tâm, coi trọng công tác đấu tranh, ngăn chặn nạn hàng giả. Cơ cấu tổ chức ở nhiều địa phương đã có những điều chỉnh, thay đổi căn bản phù hợp với những đòi hỏi và yêu cầu trong công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý ngăn chặn hàng giả trên thị trường. Tuy nhiên, cũng như các lực lượng chức năng khác, lực lượng Quản lý thị trường cũng còn những hạn chế nhất định như:

- Mặt bằng trình độ chuyên môn của toàn lực lượng trong lĩnh vực chống hàng giả còn hạn chế, bất cập, nhất là trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, công nghệ thông tin ... Công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho kiểm soát viên thị trường vẫn còn khá manh mún, chưa có chiến lược lâu dài.

- Lực lượng chuyên trách chống hàng giả còn khá mỏng, nhiều địa phương chưa thành lập đội chuyên trách, tình trạng kiêm nhiệm nhiều mảng công tác vẫn còn phổ biến. Một số địa phương vẫn chưa quan tâm, chú trọng công tác chống hàng giả, mà chủ yếu chỉ quan tâm đến công tác chống buôn lậu tạo nguồn thu.

1.2.3.3. Lực lượng Hải quan


Cơ quan hải quan chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát, kiểm soát đối với hàng hóa, phương tiện vận tải trong địa bàn hoạt động hải quan. Địa bàn hoạt động hải quan bao gồm các khu vực cửa khẩu đường bộ, ga đường sắt liên vận quốc tế, cảng biển quốc tế, cảng sông quốc tế, cảng hàng không dân dụng quốc tế, các địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu, khu chế xuất, kho ngoại quan, kho bảo thuế, khu vực ưu đãi hải quan, bưu điện quốc tế, các địa điểm kiểm tra hàng hóa

xuất khẩu, nhập khẩu trong lãnh thổ và trên vùng biển thực hiện quyền chủ quyền của Việt Nam, trụ sở doanh nghiệp khi tiến hành kiểm tra sau thông quan và các địa bàn hoạt động hải quan khác theo quy định của pháp luật [10, tr. 4].

Trong lĩnh vực đấu tranh chống hàng giả, Hải quan là lực lượng có chức năng kiểm soát các hoạt động buôn bán, xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng giả trong địa bàn hoạt động của Hải quan. Những năm gần đây tình trạng nhập lậu, nhập khẩu và buôn bán qua biên giới các loại hàng giả ngày càng có diễn biến phức tạp, hàng giả có nguồn gốc từ nước ngoài lưu thông trên thị trường nội địa ngày càng tăng. Luật Hải quan là cơ sở pháp lý quan trọng giúp lực lượng Hải quan hoạt động hiệu quả hơn trong công tác kiểm soát hàng hoá qua cửa khẩu, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, lực lượng Hải quan cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn trong công tác kiểm soát của mình, đó là:

- Hoạt động của Hải quan trong công tác ngăn chặn hàng giả qua các cửa khẩu đạt hiệu quả chưa cao. Cơ chế kiểm soát còn nhiều kẽ hở tạo cơ hội cho hàng giả từ nước ngoài thâm nhập vào thị trường trong nước.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 123 trang tài liệu này.

- Lực lượng Hải quan còn khá mỏng, không có đủ lực lượng để trải đều dọc biên giới, do vậy công tác ngăn chặn hàng giả từ nước ngoài thâm nhập vào thị trường nội địa là hết sức khó khăn.

Ngoài ra, ở một chừng mực nhất định còn có các lực lượng Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển cũng tham gia đấu tranh chống nhập lậu, buôn bán hàng giả qua biên giới đất liền và trên biển.

Chống sản xuất và buôn bán hàng giả ở Việt Nam hiện nay nhìn từ góc độ quản lý nhà nước - 6

1.2.3.4. Thanh tra chuyên ngành


Ở Việt Nam hiện nay một số ngành có lực lượng thanh tra chuyên ngành tham gia công tác đấu tranh chống hàng giả như:

- Thanh tra Khoa học và Công nghệ: Theo quy định tại Nghị định số 87/2006/NĐ-CP ngày 28/8/2006 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thanh tra Khoa học công nghệ thì Thanh tra Khoa học và công nghệ là cơ quan

thanh tra theo ngành, lĩnh vực, thực hiện chức năng thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành trong phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ. Đối tượng của Thanh tra Khoa học và Công nghệ là cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý trực tiếp của cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ; cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam tham gia hoạt động trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ.

Tổ chức Thanh tra Khoa học và Công nghệ bao gồm: Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, Thanh tra Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Thanh tra Cục Kiểm soát và An toàn bức xạ, hạt nhân và Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ.

- Thanh tra Văn hoá Thông tin: Theo quy định tại Nghị định số 138/2005/NĐ-CP ngày 09/11/2005 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thanh tra Văn hoá thông tin thì Thanh tra văn hóa - thông tin được tổ chức ở Trung ương thuộc Bộ Văn hóa - Thông tin và ở địa phương thuộc Sở Văn hóa - Thông tin; thực hiện chức năng thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành trong phạm vi quản lý nhà nước về văn hóa - thông tin theo quy định của pháp luật. Đối tượng thanh tra là tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý trực tiếp của cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa - thông tin; tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia hoạt động trong lĩnh vực văn hóa - thông tin tại Việt Nam.

- Thanh tra Y tế: Theo Nghị định số 77/2006/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của thanh tra y tế thì Thanh tra Y tế là cơ quan thanh tra theo ngành, lĩnh vực, ở trung ương có Thanh tra Y tế thuộc Bộ Y tế, ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có Thanh tra Y tế thuộc Sở Y tế thực hiện chức năng thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành trong phạm vi quản lý nhà nước về y tế theo quy định của pháp luật. Đối tượng của thanh tra y tế là các tổ chức, cá nhân

thuộc quyền quản lý trực tiếp của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về y tế; các tổ chức, cá nhân Việt Nam và các tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia các hoạt động trong lĩnh vực y tế tại Việt Nam theo quy định của pháp luật.

Tổ chức Thanh tra Y tế, ở Trung ương có Thanh tra Y tế thuộc Bộ Y tế; ở cấp tỉnh có Thanh tra Y tế thuộc Sở Y tế.

- Thanh tra Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Theo Nghị định số 153/2005/NĐ-CP ngày 15/12/2005 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thanh tra Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì Thanh tra Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được tổ chức theo cấp hành chính, ở Trung ương có Thanh tra Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Thanh tra của các Cục; ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có Thanh tra Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và thanh tra chuyên ngành thú y, thanh tra chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật; thực hiện chức năng thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành trong phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định của pháp luật. Đối tượng thanh tra là cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam và cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam có tham gia hoạt động trong phạm vi quản lý nhà nước về nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Tổ chức thanh tra chuyên ngành: Ở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Thanh tra Bộ; Thanh tra của các Cục. Ở Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có Thanh tra Sở và thanh tra chuyên ngành thú y, chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

Các lực lượng Thanh tra chuyên ngành này có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật, trong đó có vi phạm hành chính về hàng giả thuộc ngành, lĩnh vực do Bộ quản lý.

Trong những năm vừa qua lực lượng thanh tra chuyên ngành đã có nhiều đóng góp trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, đây là những lực lượng có nhiều ưu điểm về chuyên môn kỹ thuật. Tuy nhiên với cơ cấu và tổ chức như hiện nay, các lực lượng Thanh tra chuyên ngành còn gặp rất nhiều khó khăn trong công tác đấu tranh chống hàng giả trong lĩnh vực của mình, đó là:

- Lực lượng thanh tra chuyên ngành quá mỏng không đủ khả năng dàn trải trên khắp các địa phương trong công tác thanh tra, kiểm soát. Như phần trên đã đề cập, đây là những lực lượng có chức năng nhưng lại không đủ lực lượng để kiểm tra, kiểm soát.

- Đối với cơ quan xác lập quyền sở hữu trí tuệ, Nhà nước đã trao quyền cho ba cơ quan là: Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học công nghệ đăng ký xác lập quyền với các đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp; Cục bản quyền tác giả - Bộ Văn hoá thông tin đăng ký xác lập quyền tác giả và các quyền liên quan; Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đăng ký xác lập quyền đối với giống cây trồng mới. Thực thi quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp hành chính, Nhà nước đã trao quyền cho một số cơ quan thực hiện chính nhiệm vụ này như Thanh tra Khoa học công nghệ các cấp, Thanh tra văn hoá thông tin các cấp; Cơ quan công an; Cơ quan quản lý thị trường các cấp; Cơ quan Hải quan các cấp ... Như vậy, việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ và kiểm tra, xử lý vi phạm về hàng giả còn được giao cho nhiều đầu mối khác nhau, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác thanh tra, kiểm soát ngăn chặn vi phạm liên quan đến hàng giả trên thị trường.

1.2.3.5. Các tổ chức khác


Các tổ chức không thuộc hệ thống cơ quan hành chính nhà nước đóng vai trò ngày càng quan trọng trên mặt trận đấu tranh chống hàng giả, các tổ chức này có những tác động rất lớn đến ý thức xã hội, đến khả năng phòng ngừa hàng giả của mọi đối tượng tham gia thị trường như: Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu, Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng, Hội sở hữu công nghiệp, các Hiệp hội ngành nghề ... Trong những năm vừa qua, Nhà nước ta đã có những

chính sách hỗ trợ, khuyến khích nhằm tăng cường hoạt động mang tính tổ chức, xã hội, cộng đồng của các tổ chức này, đặc biệt là công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, tư vấn... Hoạt động của các tổ chức này đã góp phần đáng kể trong công tác đấu tranh chống sản xuất và buôn bán hàng giả, cũng như phối hợp hành động cùng các cơ quan chức năng của nhà nước.

Nhìn chung, Việt Nam có hệ thống các cơ quan đấu tranh chống sản xuất và buôn bán hàng giả nhiều nhưng không mạnh, còn phân tán ở nhiều đầu mối, trong khi của thế giới là hai hoặc ba đầu mối. Một nguyên nhân quan trọng là cách tổ chức thực hiện chưa thực sự phù hợp. Việc quá nhiều cơ quan có chức năng, thẩm quyền xử lý hành chính đối với vi phạm về hàng giả khiến hiệu lực thi hành bị phân tán và trở nên phức tạp. Hơn nữa, thẩm quyền của các cơ quan trên nói chung là giống nhau làm cho các chủ thể lúng túng khi muốn phối hợp với nhau, nảy sinh tâm lý đùn đẩy, chờ đợi hoặc giẫm chân lên nhau.

1.2.4. Nội dung quản lý nhà nước về chống sản xuất và buôn bán hàng

giả


Quản lý nhà nước về chống sản xuất và buôn bán hàng giả là nhu cầu tất

yếu ở nước ta hiện nay, là đòi hỏi của nền kinh tế thị trường phát triển lành mạnh. Quản lý nhà nước về chống sản xuất và buôn bán hàng giả gồm những nội dung chủ yếu sau:

1.2.4.1. Hoạch định chính sách và xây dựng, ban hành pháp luật về chống sản xuất và buôn bán hàng giả

Để đấu tranh phòng và chống các hoạt động sản xuất và buôn bán hàng giả Nhà nước phải sử dụng công cụ pháp luật. Pháp luật với tư cách là những chuẩn mực do Nhà nước ban hành sẽ là nhân tố bảo đảm phát huy một cách có hiệu quả nhất trong cuộc đấu tranh chống các hoạt động sản xuất và buôn bán hàng giả. Bởi vậy, việc xây dựng và ban hành một hệ thống pháp luật cần và đủ để đảm bảo là công cụ pháp lý hữu hiệu trong đấu tranh chống sản xuất và buôn bán hàng giả là một trong những nội dung lớn của quản lý nhà nước, trong đó vấn đề

cốt lõi là sự đảm bảo từ phía Nhà nước (thông qua pháp luật) chống sản xuất và buôn bán hàng giả một cách hiệu quả nhất, tránh những thiệt hại cho các nhà đầu tư, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của xã hội và của người tiêu dùng.

Trên thực tế, nội dung này đòi hỏi Nhà nước trước hết phải giành sự ưu tiên trong hoạt động lập pháp, lập quy. Công cuộc đấu tranh chống sản xuất và buôn bán hàng giả chỉ mang lại kết quả cao khi có một hệ thống pháp luật đầy đủ và minh bạch. Nếu thiếu pháp luật hay pháp luật không phù hợp thì chắc chắn sẽ mang lại kết quả không cao, sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của thị trường, gây thiệt hại lớn cho các nhà đầu tư, thiệt hại về kinh tế cho ngân sách Nhà nước và sức khoẻ của người tiêu dùng, điều chắc chắn rằng Nhà nước sẽ không thể làm gì được nếu không có pháp luật, loại công cụ được xác định là không thể thay thế trong hoạt động quản lý nhà nước nói chung và quản lý nhà nước đối với công tác chống sản xuất và buôn bán hàng giả nói riêng.

1.2.4.2. Tổ chức thực hiện pháp luật về chống sản xuất và buôn bán hàng

giả


Việc xây dựng một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh đã khó nhưng để đưa

pháp luật đi vào cuộc sống thì lại khó hơn. Pháp luật bản thân nó mới chỉ là những quy định của Nhà nước, thể hiện ý chí của Nhà nước mà các chủ thể khác trong xã hội, kể cả Nhà nước cũng phải phục tùng. Trên thực tế, pháp luật có đi vào cuộc sống hay không phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: Tính hoàn chỉnh của hệ thống pháp luật; sự hiểu biết và tự giác thực hiện của các đối tượng quản lý; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến nhân dân; triển khai thực hiện trong thực tế; sự gương mẫu và đúng trách nhiệm của người thi hành công vụ …

Vì vậy, vấn đề quan trọng mang tính quyết định của quản lý nhà nước bằng pháp luật trong đấu tranh chống sản xuất và buôn bán hàng giả là Nhà nước bằng mọi cách đưa pháp luật vào cuộc sống. Pháp luật chỉ phát huy hiệu quả khi nó đi vào cuộc sống, có như vậy nó mới là công cụ hiệu quả nhất để quản lý nhà

nước. Nếu không thì pháp luật sẽ trở nên vô nghĩa, chỉ là những quy định nằm trên giấy mà không phát huy được hiệu quả quản lý trong thực tế và công tác chống sản xuất, buôn bán hàng giả sẽ không đạt đuợc hiệu quả như mong muốn. Do vậy việc tổ chức để đưa pháp luật đi vào cuộc sống cũng chính là chức năng vốn có của quản lý nhà nước. Đây là một nội dung quan trọng trong quản lý nhà nước về chống sản xuất và buôn bán hàng giả.

1.2.4.3. Thanh tra, kiểm tra và xử lý những vi phạm pháp luật liên quan đến hàng giả

Quản lý nhà nước về đấu tranh chống sản xuất và buôn bán hàng giả gắn liền với công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý những vi phạm pháp luật liên quan đến hàng giả. Thanh tra, kiểm tra không chỉ phát hiện những vi phạm liên quan đến hàng giả mà còn giúp cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính có cơ hội phát triển kinh doanh, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của xã hội và của người tiêu dùng.

Thời gian qua, thanh tra, kiểm tra để phát hiện ngăn chặn xử lý kịp thời theo pháp luật các vi phạm liên quan đến hàng giả trên thị trường luôn được coi là một trong những nội dung quan trọng trong công tác đấu tranh chống sản xuất và buôn bán hàng giả. Để nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vụ việc về sản xuất và buôn bán hàng giả, các ngành chức năng đã tổ chức kiện toàn lại đội ngũ, lực lượng của ngành chuyên trách chống hàng giả và tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho lực lượng này.

1.2.5. Ý nghĩa và vai trò của quản lý nhà nước trong công tác chống sản xuất và buôn bán hàng giả đối với sự ổn định và phát triển kinh tế ở nước ta.

Quản lý nhà nước trong công tác chống sản xuất và buôn bán hàng giả là nhằm bảo vệ lợi ích chung của xã hội, lợi ích và an toàn của người tiêu dùng, đồng thời bảo vệ quyền lợi của các nhà sản xuất, kinh doanh chân chính. Vì mục tiêu quan trọng đó mà cần thiết phải có sự quản lý nhà nước về lĩnh vực này.

Xem tất cả 123 trang.

Ngày đăng: 18/11/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí